Tạp chí Sông Hương - Số 16 (T.12-1985)
Hải Triều, người đấu tranh cho quan điểm văn nghệ Mác-xít
10:47 | 24/06/2011
HOÀNG TRUNG THÔNGAnh Hải Triều Nguyễn Khoa Văn sống một cuộc đời đấu tranh cho cách mạng, cho Đảng, cho nhân dân. Tôi được đọc anh từ những bài viết chống nghệ thuật vị nghệ thuật, chống duy tâm và cả lý thuyết cho rằng nước ta không có chế độ phong kiến.
Hải Triều, người đấu tranh cho quan điểm văn nghệ Mác-xít
Nhà phê bình Hải Triều - Ảnh: cinet.gov.vn
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Anh là người viết chủ nghĩa Mác phổ thông. Lúc bấy giờ anh viết vẫn còn có phần sơ sài nhưng đã đưa lại cho người ta những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác và chống lại quan điểm phi Mác-xít.

Thời kỳ sau khi giải phóng thành phố Huế mấy ngày, đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, Lưu Quý Kỳ có chỉ cho tôi một căn nhà rất bé và nói rằng: “Đây là Hương Giang thư quán của Hải Triều, nơi bán những sách báo Mác-xít và chính anh cũng là chủ biên tờ báo gọi là “Nhành lúa” - một tờ báo của Đảng công khai ở Trung kỳ”.

Tôi nghĩ rằng, từ căn nhà nhỏ bé này đã là nơi phổ biến những sách báo của Đảng ta hồi đó.

Tôi chợt nhớ đến đồi Rạng, huyện Thanh Chương nơi gia đình anh tản cư, một phong cảnh tuyệt vời ở một khúc ngoặt sông Lam và sông Giăng đổ ra đó.

Mỗi lần đi qua đây tôi lại phải dừng bước ngồi ngắm phong cảnh kỳ diệu như thế và tôi cảm thấy sao anh Hải Triều lại tự chọn một địa điểm đẹp đẽ như thế này cho gia đình tản cư. Có phải là vì anh nhớ đến sông Hương tuyệt diệu quê của anh chăng?

Chị và các cháu thì ở đó nhưng anh lại làm việc ở Đô Lương, anh phụ trách giới khoa học và Tổng biên tập tạp chí “Tìm hiểu”. Còn chi hội Văn nghệ và báo Cứu quốc thì lại ở làng Thanh Lưu - một làng cũng rất đẹp. Cùng làm việc với anh Hải Triều lúc đó có anh Hồng Chương, Lương An, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Hải Thanh… Anh Hải Thanh đã cùng với Hải Triều đấu tranh tích cực cho những quan điểm Mác-xít của Đảng. Anh là một người chín chắn thận trọng, nói năng nhu mì nhưng vì mắc bệnh lao từ sớm và anh đã từ trần trong kháng chiến chống Pháp.

Anh Hải Triều không chỉ là một nhà lý luận Mác-xít, anh công tác trong giới khoa học rất tốt đã đành mà anh còn ngâm thơ và ca những bài hò mái nhì mái đẩy của Huế có sức truyền cảm rất mạnh.

Hải Châu em ruột của anh Hải Triều cũng là một người sáng tác nhạc và hát vè mụ Đội rất hay. Khi anh hát lên bài vè Quảng Giang và Lương Lộc của Bình Trị Thiên ngay ở Nghệ Tĩnh thôi mọi người đều khóc. Nhưng rồi anh đã hy sinh trong một trận ném bom của giặc Pháp bên dòng sông Lam.

Anh Hải Triều là một con người có tình có nghĩa. Mặc dầu sau này anh ít viết về văn học nghệ thuật nhưng đối với giới văn học nghệ thuật thì anh có một cảm tình đặc biệt. Và vì thế người ta mới bầu anh vào thường vụ Chi hội văn nghệ liên khu tư. Mặc dù anh đã là chủ nhiệm Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác liên khu tư và phải gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề.

Nếu ta đọc lại những bài viết của anh về Rômanh Rôlăng, Hăngri Bácbuýt, Mác xim Goóc ki với nhan đề “Ba nhà văn xã hội” thì ta sẽ thấy thời ấy anh còn ít tuổi mà văn rất sắc sảo già dặn. Đến bây giờ đọc lại vẫn thấy mới mẻ như vừa mới viết cách đây vài năm.

Hải Triều luôn nói chuyện với một giọng nói rất sôi nổi, hấp dẫn người nghe, mặc dầu không phải lúc nào anh cũng sâu sắc. Nhưng ai đã nghe anh nói chuyện thì đều nhớ đến anh. Vì anh nói đậm đà ý vị, không nhạt. Anh biết cách tranh thủ giới tri thức, khoa học bằng những cách nói riêng của anh. Lúc bấy giờ người ta quen nói ứng khẩu chứ không đọc diễn văn, vì thế những bài nói chuyện của Hải Triều đều thất truyền phần lớn.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có lần nói với tôi: “Khi nào vào Huế tôi cũng đến Hương Giang thư quán của Hải Triều ”.

Tiếc thay khi tôi đi qua chỗ cũ của Hương Giang thư quán thì ông chủ đã không còn. Giá như Hải Triều còn ở với chúng ta thì chắc anh còn viết được nhiều tác phẩm đóng góp cho cách mạng nhiều hơn nữa.

II

Hải Triều tuy ở trong Ban thường vụ chi hội Văn nghệ và ít đến làm việc nhưng ý kiến của anh bao giờ cũng sắc sảo. Có lần tôi gửi cho tờ tạp chí của anh một bài dịch Liên Xô qua bản Trung văn với đầu đề là “Kinh nghiệm sáng tác của tôi” dưới ký tên là Pháp tiệp gia phu thì anh Hải Triều đã nói với tôi rằng: “Có lẽ đó là tên của Pha đê ép”. Lúc bấy giờ tôi chưa biết tiếng Trung Quốc mà chỉ biết chữ Hán thôi. Mặc dầu nói với tôi như thế nhưng anh vẫn đăng tên Pháp tiệp gia phu. Những ngày làm việc với anh Hải Triều tôi thấy anh là một người rất là cởi mở. Anh từng là giám đốc Sở thông tin Trung bộ rồi sau này là giám đốc thông tin liên khu bốn. Anh có nhiều kiến thức về văn học và nghệ thuật nhưng không thể khoe khoang sự hiểu biết của mình. Trái lại anh rất chân thành nói những điều suy nghĩ. Lúc bấy giờ anh lao vào công việc còn con cái như Nguyễn Khoa Diệu Thu, Nguyễn Khoa Điềm… thì anh phó mặc cho chị ở đồi Rạng. Cái “ngọn sóng biển” này như tên gọi của anh bao giờ cũng sục sôi với một nhiệt tình cách mạng. Mặc dầu về sau này anh viết về văn học nghệ thuật không được nhiều lắm và hình như có một điều gì đó làm anh tự hạn chế sức viết của mình.

Có lẽ anh Hồng Chương biết về anh Hải Triều nhiều hơn tôi thế mà anh Hồng Chương lại đến nhà tôi để hỏi tôi có tài liệu gì về anh Hải Triều hay không. Tôi bảo rằng tôi không có, tôi chỉ có những kỷ niệm qua trí nhớ còn những tài liệu in trên sách báo thì tôi không có. Tôi muốn tìm mà tìm không được. Nhưng tôi đã hứa với Nguyễn Khoa Điềm là sẽ viết về anh Hải Triều - ba của Điềm mà tôi không thể nào quên được.

Anh Hải Triều đã đánh giá “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan rất đúng. Nhưng khi anh đề cao quyển “Lầm than” của Lan Khai thì anh chưa nhìn rõ thực chất của con người này sẽ ra sao.

Hải Triều như tôi biết là một nhà Mác-xít chân chính, một nhà phê bình sâu sắc, một người đấu tranh cho những đường lối và quan điểm của Đảng. Một vài sự sơ suất của anh thì chúng ta cũng dễ hiểu thôi vì lúc bấy giờ chủ nghĩa Mác ở nước ta chưa được phổ biến một cách rộng rãi và ở một nước thuộc địa nửa phong kiến thì có khi cũng phải trả lời những câu hỏi một cách mềm mại để còn tranh thủ dư luận của người đọc.

Mới đó mà 31 năm anh Hải Triều đã vĩnh biệt chúng ta. Nhưng tư tưởng và tinh thần của anh thì vẫn còn lại với chúng ta. Tôi nhớ không biết có chắc chắn không trong một bài báo anh Hải Triều có phê phán cụ Phan Bội Châu về một số luận điểm. Nữ sử Đạm Phương - mẹ của anh Hải Triều đã từng nói: “Tại sao con lại dám phê phán cụ Phan”. Anh Hải Triều đã trả lời lại với đại ý: “Vì cụ nói sai thì con phải phê phán lại”.

Chỉ ít lâu sau, hỡi ơi anh Hải Triều, anh không được chứng kiến hàng vạn nhân dân thủ đô đổ ra đường cờ hoa vẫy gọi chào mừng quân đội và cán bộ ta vào tiếp quản thủ đô. Nhưng cuộc đời của anh, tác phẩm của anh đã viết ra chúng tôi sẽ còn đọc, nhân dân ta sẽ còn đọc.

Đến cuối đời của mình, khi anh nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Thanh Hóa, anh biết ngày cuối cùng của anh đã đến, anh còn viết những dòng chúc thư. Tôi xin được phép ghi lại ở đây nguyên văn lời chúc thư đó:

“Các đồng chí văn nghệ. Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Các đồng chí cố gắng lên. Chúc tất cả mạnh giỏi và hôn tất cả”.
                        HẢI TRIỀU

Ba mươi mốt năm qua kể từ ngày anh mất, chúng tôi vẫn không quên lời anh dặn dò và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta nền văn nghệ vẫn phát triển tốt đẹp và đi đúng hướng.

Ôi dòng sông Hương êm đềm, dòng sông Lam cuộn sóng, dòng sông Mã ào ạt chảy cũng như dòng sông Hồng và sông Cửu Long nơi anh đã từng sống sẽ còn ghi mãi dấu chân của anh, tâm hồn và trí tuệ của anh. Tôi đã được sống với anh một thời gian đầu không lâu lắm nhưng hình ảnh của anh sẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi.

Ngay từ năm 1963, trong một bài viết “Nhớ Hải Triều” đồng chí Trần Huy Liệu đã viết về anh với những lời văn trọng thị. Chắc nhiều người đã đọc tập văn của anh và lời giới thiệu của đồng chí Trần Huy Liệu. Tôi không muốn nhắc lại ở đây những bài viết đó mà chỉ muốn ghi những kỷ niệm đã cùng sống với anh trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa đánh giá đúng mức những công lao tìm tòi, đấu tranh và khai phá của anh trên mảnh đất văn nghệ cách mạng mới mẻ này. Nhưng rồi chúng ta sẽ tiếp tục.

H.T.T.
(16/12-85)







Các bài mới
Nguyễn Du, 1813 (18/07/2011)
Các bài đã đăng
Gặp bạn cũ (13/06/2011)
Bàn tay Chúa (06/06/2011)