Tạp chí Sông Hương - Số 16 (T.12-1985)
Mối duyên đầu
10:50 | 05/07/2011
L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.
Mối duyên đầu
Đoàn Sân khấu Việt Nam sau 1945 - Ảnh: culturalprofiles.net
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông vừa là tác giả vừa là diễn viên nhiều kịch bản được dàn dựng trong hai cuộc kháng chiến. Các tác phẩm chính:

- Trên nớ
- Giáo sư Hoàng
- Âm mưu và hậu quả
- Chiều sông Hương
- Tuồng Đề Thám…


Dưới đây Sông Hương giới thiệu một phần hồi ký của ông ghi lại những ngày đầu tiên tham gia cách mạng ở Huế. Qua trích đoạn hồi ký này tác giả còn giới thiệu cho chúng ta một số nét sinh động về các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn - và để cho những sự kiện được khách quan tác giả đã sử dụng ngôi thứ hai (anh) trong hồi ký của mình.



BỬU TIẾN


Mối duyên đầu


… Những dịp lễ lạt trong năm, trường nghỉ hai, ba ngày, anh vào Huế thăm gia đình - Ba anh đã về Huế từ gần một năm nay. Anh mang vào mười con vịt đen tuyền, từ lông, đến mỏ, đến chân. Người ta bảo loại vịt này ăn bổ. Xong việc hiếu thảo đó, thì giờ là của anh.

Đã gần trưa, anh đạp xe về hướng núi Ngự Bình, lên chùa Tra Am. Thầy Viên Thành, chủ trì chùa Tra Am cũng là người Hoàng Gia và trước đây là bạn làm thơ của ông nội anh. Ngày còn bé, anh đã được lên thăm chùa Tra Am với ông nội anh. Nay thầy Viên Thành đã tịch rồi:

Tra Am khói triệu trông thêm thảm,
Ngõ cũ liên ba ý muốn cười…


Nhưng Hòa Thượng thay thầy đã trở thành bạn của anh. Hòa thượng đón anh vào trong liên dùng trà. Và trong hương trà sen, đàm đạo với anh về đạo Phật. Anh càng thấm cái “ảo ảnh, cái hư vô của cuộc sống - chân chân, giả giả… Cái “biến tướng” vì chữ “chấp” mà ra. Cái “thuần chân” vì chữ “bất chấp” mà có!. Hòa thượng giữ anh lại dùng “trai ngọ”. Cơm chay chùa Tra Am cũng có đủ món: thịt gà, nem, chả (tuy chỉ từ đậu phụ pha chế ra). “Trai ngọ” xong, hai người xuống cầu Lược Ước ngồi uống trà, hưởng hương vị hoa sen từ dưới hồ theo gió đưa lên - Và bao giờ Hòa thượng cũng bày bàn cờ ra. Hai người đấu trí vài ba ván… Rồi anh vào ngủ trưa trong liên mát rượi! Chiều, anh đạp xe về thành phố Huế, ghé hiệu sách Quan Hải tùng thư, hiệu sách Hương Giang, xem có sách mới không? Vì cái tật chỉ đọc tiếng Pháp thôi, nên anh chỉ chọn được một vài tiểu thuyết Pháp và nhất là một chồng kịch Pháp cũ ở hiệu sách Hương Giang. Rải rác, mới có quyển “Đông Dương kêu cứu” của Ang-đơ-rê Vi-ô-li, và cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, giữa Hoài Thanh và Hải Triều, những bản dịch của tủ sách “Âu tây tư tưởng” mà anh đọc được bằng nguyên bản Pháp văn, thú vị hơn những bản dịch nhiều. Và rủ bạn Thanh Tịnh đi ăn cơm chiều ở tiệm. Rồi ra thuê chiếc đò trên sông Hương. Có hôm anh cho mời người kép đàn và một ca nữ xuống thuyền… Chiếc thuyền thả bồng bềnh trên sông… Và tiếng ca: “Nước non ngàn dặm ra đi…” tỏa trên mặt nước, hòa tiếng đàn réo rắt, não nề… Anh nằm im lìm, trên trời, dưới nước, bâng khuâng nghĩ ngợi về số kiếp con người, sự vô ích của mọi dục vọng. Anh trao đổi với Thanh Tịnh và càng bâng khuâng hơn…

Một đêm mưa, anh cũng xuống thuyền nằm, đang lưỡng lự không biết có nên cho mời người kép đàn và người ca nữ quen thuộc không, bỗng có tiếng gọi từ trên bờ: “Có đò mệ Tiến đó không?” Anh nhô đầu ra khỏi khoang thuyền: “Ai hỏi đó?” Tiếng trả lời: “Cậu đây”, giọng nằng nặng của Nghệ An. Anh nhớ ra người bạn cùng học tú tài với anh ngày trước, nay nghe đâu vừa đỗ kỹ sư nông lâm, và đã có vài bài thơ đăng báo Ngày nay. Huy Cận hỏi tiếp “Xuống được không?”. Anh cười: “Có ai đâu mà không được!” và anh bảo người cầm lái, cập bến. Huy Cận bước xuống, vào khoang. Hai bạn, từ ngày ra trường, đã bốn năm nay mới gặp lại nhau, tay bắt, mặt mừng. Họ hỏi thăm về cuộc sống của nhau, về văn thơ của nhau và dần dần, anh cảm thấy Huy Cận có điều gì băn khoăn. Câu chuyện “nắng, mưa” giữa hai người trở thành rời rạc… Huy Cận gợi ý cho thuyền chèo ngược sông, về phía cầu Bạch Hổ, chùa Linh Mụ: “Đi trong mưa, lên quãng sông vắng, thú vị hơn!”. Anh mỉm cười, nghĩ bụng: “Cái thú của người làm thơ thích lui về quá khứ đây”: “Đồn xa quằn quại lá cờ…” Anh bảo chèo thuyền lên hướng đó. Thuyền xa dần thành phố. Và Huy Cận đến gần với băn khoăn hơn. Anh bắt đầu khen “Mệ Tú vịt đã chọn con đường tự do”: “Quan bất phiền, dân bất nhiễu!”. Nhưng một lúc sau, anh hỏi trặt lại: “Nhưng mà cậu có thấy cậu tự do thực sự không?” Anh trả lời: “Mình thấy mình sống cũng dễ chịu”. Huy Cận cười: “Dễ chịu! Dễ chịu trong thời cuộc này ư?” Hai chữ “thời cuộc” gợi lên cái thế giới bên ngoài cái lò ấp vịt êm ả của anh - một thế giới hỗn loạn, rối tinh rối mù trong khói bom đạn: bên kia Thái Bình Dương, Đức đánh Pháp - Pháp đầu hàng; Đức đánh Ba Lan - Ba Lan đầu hàng; Đức đánh vài nước nhỏ khác ở châu Âu - các nước đó lần lượt đầu hàng; Đức đánh Nga - Nga mất đất, lùi dần - nhưng đang chống cự; Đức bắn V2 sang Luân Đôn. Và Thái Bình Dương cũng không còn “thái bình” được nữa. Nhật đánh Tàu - Tàu chạy loạn sang Việt Nam. Ở Huế nhiều hơn ở Quảng Trị. Nhật mượn Pháp đường Việt Nam, chuyển quân xuống đánh Mã Lai, Xanh-ga-po. Rải rác trên các phố ở Huế đã có bóng những quân lùn và sĩ quan nhiều tên đeo kính trắng, đầu trọc lốc trong chiếc mũ vải vàng, bộ mặt lầm lì dữ tợn, ngang lưng đeo chiếc gươm dài kéo sền sệt trên mặt đường trong bước đi. Lính Pháp vẫn còn đó, nhưng xem chừng né tránh lính Nhật… Trường tư thục của anh, sáng sáng, trong lễ chào cờ, học sinh hát bài: “Thưa thống chế, có chúng tôi đây…” để hưởng ứng cuộc Cách mạng quốc gia của Thống chế Pê-tanh ở tận mãi bên Pháp. Thời cuộc: một mớ bòng bong, mà anh chỉ biết tin qua màn ảnh, qua một số báo chí, những tin tức rời rạc, không tiếp nối và nhiều khi trái ngược nhau. Trả lời 2 chữ “thời cuộc” của Huy Cận đặt ra, anh mỉm cười, ngâm lên:

Cờ thế sự ngổn ngang xe pháo!

Cận nhắc lại: trong cái ngổn ngang ấy, cậu không có ý tìm hiểu chút nào ư? Anh chàng thi sĩ này lạ quá! Không còn:

Em ơi hãy ngủ… anh hầu quạt đây! nữa, mà lại xông vào tìm hiểu ván cờ quốc tế ngổn ngang, để làm gì kia? Anh trả lời: Họ đánh cờ, chứ mình có đánh cờ đâu, mà tìm hiểu! Cận “xì” một tiếng: “Họ đánh cờ trên đầu dân mình, họ đem cả dân mình ra mà đánh với nhau…” Anh nhắc lại cái “chân lý dân gian”: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết!” Cận lại “xì” một tiếng nữa! Sao cậu lại chịu nhận dân mình là ruồi muỗi? Cậu là “ruồi muỗi?”. Anh cười: “Nhưng chúng nó cũng chỉ là trâu bò!”. Cận buông thõng 2 chữ: “AQ!”. Lúc bấy giờ, AQ chính truyện mới được thầy học cũ của anh, ông Đặng Thai Mai dịch ra và đăng dần trên báo Thanh Nghị… Im lặng một lúc, bỗng không một dấu nối nào, Cận nhảy sang kể lại những chuyện về cộng sản ở quê anh, năm 30.

Mệ Tú vịt im lặng. Anh đã được đọc, một số tiểu thuyết Pháp về những người cộng sản ở châu Âu. Những người làm bạc giả (Gi-đơ), Điều kiện trói buộc con người (Man-rô), Con số không và vô tận (Kớt-le). Trong thâm tâm, anh rất sợ cái “chủ nghĩa cộng sản” với cái kỷ luật sắt, tấm màn sắt của nó, cái “xóa bỏ” con người riêng biệt của nó, các thủ đoạn chính trị của nó, qua các tiểu thuyết nói trên… Còn ở đất nước của anh, anh đã nghe những vụ đốt nhà, giết người (những người có học, những nhà giàu, những người có nhiều ruộng, những người làm hào lý), mà, đứng đầu sổ là Tôn Thất Hoàn, tri huyện Thanh Chương (Nghệ An) năm 30, bị chặt làm 3 đoạn… sợ thì có sợ, nhưng với anh em anh đã tham gia đón Gô-đa năm 37, bị cắt học bổng, và đuổi học ở Huế phải ra Hà Nội tiếp tục học tú tài ở một trường tư thục - cuộc đón tiếp mà anh cũng loáng thoáng nghe là do cộng sản xúi giục. Sợ thì có sợ, nhưng ra Hà Nội anh cũng đi dự đám tang của Phan Thanh; mà anh cũng loáng thoáng nghe là của cộng sản đưa vào Viện Dân biểu hồi đó! Và sau khi Phan Thanh chết, thì chính ông thầy học của anh, Đặng Thai Mai lại vào Dân biểu thay Phan Thanh. Sợ thì sợ, nhưng anh cũng nghe bạn bè rủ rê đi dạy không công chữ quốc ngữ ban đêm do Hội Truyền bá chữ quốc ngữ tổ chức. Vì trong hội đó, có thầy học của anh, ông Đặng Thai Mai! Nhắc đến ông thầy học của anh, anh rất thương: một người gầy gò, húng hắng ho, giảng văn học Pháp rất tận tình, thuộc lòng văn thơ cổ điển Pháp và giữa bài giảng văn hay “xen” vào những ý về “đồng bào”, về non nước… Những bài giảng hùng hồn nhất của thầy, vẫn là những bài về Vôn-te, Rút-xô, Đi-đơ-rô, những nhà văn của thế kỷ 18, những bó đuốc dẫn đường cho cách mạng Pháp. Và giữa bài giảng, thầy vẫn ho, kín đáo rút ra chiếc mù soa trắng lau mồm. Mùi khăn từ trắng chuyển sang hồng: thầy khạc ra máu! Thầy vẫn tiếp tục giảng:

Lúc Quốc học, lúc Thăng Long,
Dạy nghĩa đồng bào trong tiếng quốc kêu khắc khoải…


Cộng sản đấy ư? Con người đáng kính và đáng mến đó? Anh phân vân về hai chữ Cộng sản, bạn anh gợi nhẹ trong im lặng của đêm khuya, khi chiếc thuyền đến gần chùa Linh Mụ. Một mặt anh sợ nó. Một mặt, qua quyển “Đông Dương kêu cứu” anh đã đọc được, qua những giai thoại về Phan Thanh và về thầy Mai, anh cảm thấy lơ mơ rằng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đang rục rịch làm một công cuộc gì đó cho dân tộc, cho đất nước… Anh không tiện nói rõ cái thiếu thiện cảm của anh đối với cộng sản, e làm nguội lạnh người khác… thôi thì anh nhắc lại câu phương ngôn tầm thường, trong một bài ngụ ngôn của Phờ-lô-ri-ăng: “Muốn sống yên ổn, hãy sống ẩn nấp”. Huy Cận nhìn anh, chép miệng. Câu chuyện giữa hai người rời rạc dần. Tảng sáng, Huy Cận bắt tay anh, lên bờ đi thẳng… Anh nằm lại một mình, trong chiếc thuyền bồng bềnh. Sóng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Nhưng sóng nước trong lòng anh xôn xao, trầm bỗng… Anh nghĩ bụng: “chắc Cận cho mình tầm thường lắm! Mà cũng phải! Mình cũng chỉ mong sống một cách tầm thường thôi!”. Nhưng, chính ý nghĩ “sống tầm thường” đó làm anh ray rứt: “từ đây, mình không còn vui vẻ hồn nhiên được nữa!” Càng nghĩ, anh càng buồn vì cuộc đời lẩn tránh của anh. Nỗi buồn u uất theo anh vào lớp, ngày càng thưa thớt học trò, trên đường đạp xe về lò ấp vịt - ngay trong khi anh ngồi ngắm các trò chơi của đám trẻ con trên bờ sông… Anh chểnh mảng công việc làm ăn. Anh chểnh mảng việc tự học. Câu hỏi gắt gao của ông Giáp Sừng văng vẳng bên tai: “Tui hỏi mệ học như rứa để làm chi mới được chứ”. Phải! Để làm gì mới được chứ! Cuộc sống giun dế của anh bị xáo động. Nỗi buồn u uất không rời anh ngay cả trong giấc ngủ. Có lúc người ta thấy anh, vốn rất hiền lành, bực dọc nói to lên một mình: “Cái thằng…” chung quanh không biết anh nói ai.

***

Cách mạng tháng Tám ở Huế đi với anh trong niềm u buồn riêng tây đó! Ngày đó, anh về thăm gia đình ở Huế và “kẹt” lại đó! Anh bàng hoàng nghe tiếng trống, tiếng mõ, tiếng phèng la, tiếng chân những đoàn người đi rầm rập trong đêm, tiếng hô: Đả đảo thực dân phong kiến! Ủng hộ Việt Minh! Anh giật mình tỉnh giấc, mở cửa phòng bước ra sân.

Dưới ánh sáng của những bó đuốc tre to, đỏ rực, đi đầu là một lá cờ nền đỏ có đính một ngôi sao mầu vàng năm cánh, có lẽ may vội vàng, ngôi sao nằm lệch lạc trên cờ. Và rải rác trong đoàn người đi, những lá cờ khác, to nhỏ không đều nhau, có lá bằng vải, có lá bằng bìa, dán vội nên xộc xệch hơn. Ánh sáng của những bó đuốc soi những bộ mặt trẻ, già, trai, gái, chân đất, ăn mặc đủ kiểu: áo dài, áo cộc, áo may-ô, quần dài, quần cộc, có ông già mặc áo cộc, đầu đội khăn đống, hầu hết đều cầm gậy gộc và một cuộn dây thừng. Kéo nhau đi như một dòng thác đổ, không lấy gì làm trật tự cho lắm, mặc dù có một vài người, đi ngoài hàng, có lẽ là chỉ huy, thỉnh thoảng kêu lên: “Trật tự, trật tự”. Và hô khẩu hiệu cho mọi người hô theo, cất tiếng hát, cho mọi người hát theo. Những người chỉ huy này cũng chân đất áo cộc nâu, xắn đến cùi tay, quần nâu dài xắn đến gối, ngang lưng thắt một sợi dây da, hay dây thừng, đeo lủng lẳng bên lưng chiếc kiếm Nhật hay một chiếc kiếm ta mới rèn, không vỏ… Toàn là những bộ mặt lạ hoắc, đen nâu những cánh tay và bắp chân rắn chắc của đồng ruộng: những “người ruộng” từ ngoại thành kéo vào. Tất cả đều có bộ mặt sát khí đằng đằng, vung cánh tay cầm gậy lên mỗi lần hô khẩu hiệu, và đánh nhịp theo bài hát:

“Tiến lên! Tiến lên! Theo cờ Việt Minh!”

Bao trùm lên cái không đồng đều về áo quần, về bước đi, về giọng hô khẩu hiệu, về giọng hát, là một sức mạnh dữ dội, ào ạt như nước vỡ bờ khó có gì kiềm chế nổi!

Cách mạng đó rồi ơ? Anh rùng mình nhớ lại những chuyện chém giết của thời kỳ cách mạng 1789 của Pháp, mà anh đã biết qua nhiều sách đã đọc: Hầu hết các gia đình gọi là quý tộc của nước Pháp lúc đó, đều bị tàn sát, gái, trai, già, trẻ. Tuốt! Kẻ thì bị đưa lên máy chém! Kẻ thì bị giết ngay tại dinh thự, tại lâu đài đang bị đốt cháy! Bài thơ “Người nữ tù trẻ tuổi” của Sê-ni-ê hiện lên trong óc anh, rõ ràng từng chữ… Anh rùng mình nhớ lại những chuyện chém giết năm 30, ở Nghệ An, một số tổng lý, hương hào bị mổ bụng, chặt đầu, và viên tri huyện Thanh Chương, Tôn Thất Hoàn, bị chặt làm 3 khúc…

Anh nhìn vào phòng trong: cha anh, một người Hoàng Gia lại là một ông quan lớn, mặc dù đã về hưu từ đầu 44 nhưng đã là Án sát, ngồi kết án những người có tội, trong cả một tỉnh, to gấp 2-3 lần chức tri huyện! Mẹ anh cũng là con gái của một quan Thượng thơ ngày xưa, chồng và anh đều đã làm quan. Hai người anh của anh cũng đều làm công chức với Pháp, người anh cả làm đến cấp hành chính, biên tập viên mà chung quanh gọi là Phó sứ, lĩnh lương theo “ngạch Tây”. Và anh, mặc dù không hề làm quan, nhưng cũng đỗ tú tài Tây. Và hai em anh, tuy còn là học sinh, nhưng đối với chung quanh vẫn là “mệ”, chữ “mệ” trở thành một báo hiệu tai vạ khủng khiếp… Cái gia đình “Hoàng gia” của anh liệu có chu toàn với cách mạng không đây?

Và mặc dù có lời can ngăn sợ sệt của mẹ anh: “Đừng ra đường con! Nguy hiểm!” Anh nói lại: “Xin mẹ để con đi nghe ngóng tình hình xem sao!” Và tảng sáng anh chống can lên phố, chống can đi bên lề biểu tình! Chống can chỉ còn là thói quen, chứ bây giờ, không còn thích thú gì nữa!

Anh đến vài nhà Hoàng gia, đến vài nhà quan lại quen thuộc. Đâu đâu cũng chỉ thấy một niềm lo sợ. Có người thì thào: “Họ nhiều việc quá, họ quên mình chăng?”. Người khác làm ra vẻ sành sỏi: “Quên thế nào được? Không nghe hô đó à: Đả đảo thực dân, phong kiến! Mình là gì, nếu không là phong kiến! Họ quên thế nào được, mà quên!” Anh chán ngán, không tìm ra gì được ở đây. Anh lại chống can đi trên lề đường ngược dòng những đám biểu tình đi giữa lòng đường. Trên các đường phố trong vài đám biểu tình có nhiều bộ mặt quen thuộc hơn, anh đã từng gặp: những bà bán cháo gánh, những người phu xe, những o chèo đò ngang, những o bán chè, những người thợ chữa xe đạp… và ô kìa! Có cả vài ba người, mới hôm qua đây, còn ngồi uống nước chanh đá và nói trạng ở quán cà phê Lạc Sơn! Những người này nai nịt gọn ghẽ hơn cả: cái mũ cát-két da giữa trời nắng tháng 8, “nám trái bưởi” bộ quần áo ka-ki, ống quần bỏ vào trong đôi ghệt da, ngang lưng thắt dây da to bản, trong đó lởm chởm đủ các loại vũ khí: kiếm nhật, dao găm, một khẩu súng tầu to bản tất cả đều trong những bao da lạch cạch bên đùi mỗi khi bước đi. Tay cầm gậy gộc và một cuộn dây thừng đeo lủng lẳng bên thắt lưng… trang bị “đến tận răng” khiến anh liên tưởng đến hình ảnh của Tác-ta-ranh chuẩn bị đi săn sư tử… Không biết họ giận ai, mà sắc mặt cũng hằm hằm cũng đằng đằng sát khí… Có cả đám nam nữ học sinh vừa đi, vừa đùa nghịch nhau, cười trong hàng ngũ, những khẩu hiệu của những đoàn này, không chỉ hô lên bằng miệng, mà còn được kẻ lên, hoặc được cắt bằng giấy mầu vàng dán lên những băng vải đỏ. Những chữ kẻ, cắt, dán cũng vẫn chưa được đồng đều nhau và phải nói là không được đẹp mặt lắm. Nhưng cái không đẹp và không đồng đều đó càng đáng sợ trên một nền đỏ chói. Cách mạng là máu và lửa mà!

Nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu phá phách những cửa hàng lớn, những nhà quan lại nào cả! Không lẽ cách mạng chỉ là biểu tình, khẩu hiệu và bài ca! Phải có cái gì đây, anh phải tìm cho ra lẽ, trước hết cho cha mẹ già của anh, cho anh em anh và cho anh sau cùng…

Trên đường, ngẫu nhiên, anh gặp một người học trò cũ của anh. Anh ta mặc chiếc áo cộc đen, quần tây, tay vẫn cầm cái cặp học sinh ngày xưa, nhưng dày cộm giấy tờ, dáng điệu hấp tấp, vừa đi, vừa chạy, xuýt va vào anh. Anh nhìn anh ta. Anh không lên tiếng trước. Anh ta nhìn lại, bỗng “thưa thầy!”. Và không cúi đầu chào như ngày còn đi học, mà lại ngang nhiên cắp tay thầy như một người bạn đồng niên. Anh gật đầu chào lại. Anh ta hỏi dồn dập: “Thầy bây giờ làm công tác gì?”. Anh không biết trả lời thế nào! Hai chữ công tác đối với anh rất lạ tai! Anh hỏi lại, thay trả lời: “còn…” Anh không tiện gọi bằng em như trước. Và đưa ngón tay chỉ vào người học trò cũ, thay cho chữ gọi bị bỏ lửng. Người học trò cười: “Em làm công tác Việt Minh khu phố”. Anh mừng quá! Việt Minh đây rồi! Và anh túm lấy: “Đi, đi ra vườn hoa ngồi chơi với tôi!” Người học trò: “Em xin lỗi thầy, về công tác ạ?”. Anh gật đầu liền: “Về công tác!”. Người học trò: “Dạ?” và ngoan ngoãn theo anh ra chiếc ghế xi măng của vườn hoa bên cầu Tràng Tiền. Vừa đi, anh ta vừa nói: “Thưa thầy, công tác này mới quá. Em mới được học qua 2 buổi tối, đã biết gì đâu!” Anh trợn mắt: “Hai buổi tối để làm cuộc cách mạng này à?” Người học trò: “Dạ, học vài điều cơ bản để làm cho đúng đường lối ngay từ đầu đã! Giữ gìn trật tự cách mạng! Không để xảy ra những hành động vô chính phủ. Bảo đảm đoàn kết toàn dân mà, thầy! Rồi học tiếp sau. Vừa làm, vừa học mà, thầy!”. Và trên chiếc ghế xi-măng của vườn hoa, anh nghiêm trang nghe người học trò cũ của anh giảng giải cho anh về cuộc cách mạng này. Anh vừa nghe vừa mừng. Và khi nghe người học trò cũ đứng lên, trao cho anh một chồng giấy in thạch có, in rô-nê-ô có, in đá có, in máy in thô sơ có, chào anh để đi làm công tác, anh bắt tay người học trò cũ của anh rất chặt: “Gặp em tôi mừng quá! Mừng thực sự đó!”. Người học trò không hiểu ẩn ý của chữ “mừng”, cũng hồn nhiên nhắc lại: “Em gặp thầy, em cũng mừng! Chắc em sẽ lại gặp thầy nhiều lần trong công tác!” Lại công tác! Anh cầm chồng giấy người học trò cũ trao cho anh, những “cẩm nang” của cách mạng chống can nhẹ nhỏm ra về. Đến nhà, anh đọc lại từng tờ cho cả nhà nghe…

Thì ra cách mạng đã xảy ra gần một ngày rồi, anh mới được đọc “Kính cáo đồng bào” của Nguyễn Ái Quốc, lời kêu gọi khởi nghĩa, và chủ trương, đường lối của Việt Minh: đoàn kết toàn dân, giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Đoàn kết toàn dân! Sự ôn hòa của cách mạng trở thành dễ hiểu!

Thì ra, lâu nay, giữa biển người, anh đã sống trên một hòn đảo trụi. Anh chưa hề thấy bóng dáng của một tờ truyền đơn của Việt Minh! Hoặc giả có ai đó bắt được cũng không dám chuyền lại cho mệ Tú, con cụ lớn Án bao giờ! Ý nghĩ sau này làm anh mỉm cười…

Ba anh nghe anh đọc hết các tờ truyền đơn, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Hồi ba còn làm việc, đã nghe tin ông Nguyễn Ái Quốc chết ở Hồng Kông từ 1930 rồi! Sau đó, đôi khi cũng nghe bên Sở mật thám nói loáng thoáng ông Nguyễn Ái Quốc. Nhưng ba không để ý nên không biết thêm. Ba chỉ biết hồi theo cha vào làm quan ở Huế, ông Nguyễn Ái Quốc có học trường Quốc Học, đâu cũng một lớp với ông Lê Đình Thám, Hương Đề, Bửu Bành và Lê Thanh Cảnh… Thì ra ông Hồ Chí Minh này là ông Nguyễn Ái Quốc sống lại…”

Gia đình hơi yên tâm. Hai ngày sau, có giấy của Ủy ban Nhân dân Trung Bộ mời người con cả của gia đình ra làm việc, vẫn giữ lương tháng theo ngạch lương Tây: 1100 - Người anh cả của anh ra làm, thấy chung quanh đều ăn cơm Việt Minh (cơm gạo đỏ, rau muống cá khô), thấy “chướng”, xin không lĩnh lương - ủy ban không đồng ý. Anh nài nì lắm, ủy ban thuận trả lương 300 một tháng. Năm ngày sau, Việt Minh phường vào mời ba anh tham gia Phụ lão cứu quốc.

Người anh hai vẫn tiếp tục đi dạy học. Hai em tiếp tục đi học. Và anh? Một người học trò khác - phụ trách Việt Minh phường, mời anh ra làm ủy viên Tư pháp của phường.

Ba anh nhận xét: “chưa có cuộc cách mạng nào trên thế giới ân tình như cuộc cách mạng này”.

Bây giờ, yên tâm về sự sống rồi, anh thử đi với Cách mạng vài ba bước xem nào?

***

Bước thứ nhất: Anh đến dự một cuộc họp của Hội Văn hoá cứu quốc ở Huế. Một cán bộ Việt Minh trẻ tuổi lên diễn đàn. Anh ta giải thích rất hùng hồn: Văn hoá ngày nay phải dân tộc, khoa học và đại chúng. Nghĩa là phải hoàn toàn Việt Nam, không được “lai tây”, “lai tàu” - Và phải ca ngợi những phát minh khoa học, giúp ích cho đời sống. Và phải dễ dàng cho mọi người đều hiểu được, người đã biết chữ cũng như người không biết chữ! Ví dụ: trước đây, văn thơ chỉ ca ngợi mây, núi, trăng, sao, anh anh, em em vớ vẩn, thì ngày nay văn thơ phải ca ngợi đầu máy xe lửa, ô tô, máy bay, máy gặt, máy cày… mà phải là của người Việt Nam, mà phải được mọi người hiểu…

Anh nghe toàn những phảiphải. Phải thế này! Phải thế nọ! Lệnh rất oai, vang! Còn lệnh đó đúng, sai đến mức nào, hầu như anh cán bộ đó không quan tâm… Nhưng nghe chừng với cái giọng mệnh lệnh của anh cán bộ Việt Minh này, với đôi mắt gườm gườm của anh ta, với khẩu súng tầu Pắc-hoọc anh đeo kè kè bên lưng, cái sai cái đúng, cũng khó được bàn. Chung quanh ngồi im thin thít.

Bỗng một cụ già, mặc áo dài trắng, đầu húi cua, giơ ngón tay lên, nói giọng Quảng Nam: “Tôi xin phát biểu!” Chung quanh quay lại nhìn cụ già đang đứng bên đó. Tiếng rì rầm: “Cụ Huỳnh!” Nhà yêu nước và nhà báo lão thành nói tiếp: “Nói như vậy thì nước mắm là văn hoá! Nước mắm là loại nước chấm đặc biệt Việt Nam - do phương pháp khoa học chế biến ra, và rất đại chúng, từ “quân tử dĩ ư thứ nhân” ai ai cũng thích ăn nước mắm. Thôi tôi lớn tuổi rồi, ngồi lâu, mỏi! Xin phép hội nghị tôi về…” Cụ chống gậy ra về. Anh đưa tay che “một cái ngáp” và cũng chống can ra về. Trong lúc anh cán bộ trên diễn đàn vẫn thao thao bất tuyệt. Và chưa biết bao giờ mới chịu rời bục cho.

Bước thứ hai - không đùa được nữa rồi! Sài Gòn bị quân Pháp đánh rồi! Miền Nam bị quân Pháp đánh rồi! Cái quân đội Đại Pháp ấy đã quỳ gối đầu hàng vô điều kiện quân Nhật, chỉ qua một đêm “đùng đoàng”, nay được quân đội Anh, Ấn nói là sang để tước vũ khí quân Nhật - cũng đã đầu hàng đồng minh - cũng vô điều kiện nhưng đã ăn gian tháo cũi sổ lồng cho quân đội Pháp và lùi lại một bên để những con “béc-giê” Pháp cắn vào cách mạng ở miền Nam còn trứng nước, chưa được mười lăm ngày… Nó lặp lại cái trò cách đây gần 100 năm. Lịch sử vẫn dành cho miền Nam phần đi trước. Vinh dự và đau thương! Bị cắn vào chân, cả cơ thể Việt Nam rung chuyển ầm ầm, những đoàn tàu như vô tận chuyển quân từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung “Nam Tiến”, Quân ư? Những thanh nữ thanh niên mới qua lớp huấn luyện quân sự cấp tốc ba ngày! Chỉ mới tập bắn với 5, 7 loại súng trường của Pháp, Nhật, khố xanh khố đỏ ngày trước bỏ lại. Và cùng với 5, 7 loại đạn súng trường khác nhau, lẫn lộn đạn này không vào nòng kia được. Đi chưa đều, bắn chưa giỏi, hát chưa hay. Nhưng rõ ràng là hay hát! Còn đường xe lửa từ Hà Nội vào Nam, ngày cũng như đêm, vang lên tiếng hát của những đoàn người. Những bài hát “Tiến về Nam”, “Diệt phát xít”, “Giải phóng quân một lần ra đi”… trên những cung bậc khác nhau. Anh hỏi thăm bạn bè. Và được biết người cán bộ đã nói thao thao bất tuyệt trong cuộc họp văn hoá cứu quốc tưởng không biết bao giờ mới rời bục cho, đã xuống bục. Và từ bục diễn đàn văn hoá, anh đã nhảy lên tàu “Nam Tiến!” Tự nhiên anh có cảm tình ngay với người cán bộ Việt Minh ấy. Và anh nghĩ bụng: “chắc rồi đây anh ta đánh Pháp cũng “thao thao bất tuyệt” cho đến khi diệt hết tên xâm lược cuối cùng, anh mới chịu rời bục chiến đấu”.

Anh chống can đứng trên ke, nhìn những đoàn tàu nối tiếp nhau chuyển quân vào Nam, và anh thấy rất nhiều bộ mặt quen thuộc: bà con có, láng giềng có, bạn bè có, học trò cũ của anh cũng có. Anh chưa đủ xông xáo - nói thẳng chữ - chưa đủ can đảm Nam tiến. Những ước mơ tự anh không thực hiện được. Anh gửi gắm vào những nam nữ thanh niên ra đi ấy. Và bồn chồn đứng trên ke hàng giờ, không còn nhớ đến việc đang dịch quyển sách tiếng Pháp: “Con người ẩn số ấy!” (Giải thưởng Nôben 57) mà anh đã hẹn với nhóm văn nghệ sĩ - nhóm xây dựng của Việt Minh Trung bộ tập họp và anh đang tham gia.

Anh nghĩ: chưa vào thẳng chiến trường, nhưng giá có dịp mon men gần đâu đó!

Nhóm “Xây dựng” hôm nay có khách. Đó là tướng Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, nước Việt Nam từ Quảng Ngãi ra. Đã có nhiều giai thoại về ông tướng này.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Tướng Nguyễn Sơn - Ảnh: vietbao.vn

Ông đã tham gia cuộc vạn lý trường chinh, 10 năm của quân đội cách mạng, đi 72 vạn người, về còn 7 vạn 2, ông đã đánh tan nhiều sư đoàn của Tưởng Giới Thạch, và đã từng vỗ ngực đôm đốp trước ba quân: “Một nhà thơ tàu có nói: Xưa nay chiến trận mấy ai về! Thằng này đã về”. Ông về nước từ ngày đầu cách mạng… Và vì ông đã đánh nhiều quân “tàu vàng” bên Trung Quốc, nên để ông ở miền Bắc, nơi quân tàu vàng nhân danh Đồng minh, sang tước khí giới Nhật - về mặt ngoại giao với tướng Lư Hán không tiện, nên cách mạng bố trí ông vào trong vĩ tuyến 17, ở khu V. Và mặc dầu lúc đó chưa có sắc lệnh gì của chính phủ cách mạng phong tướng tá cho ai cả, chung quanh vẫn gọi ông là tướng Nguyễn Sơn. Bên cái tài đánh giặc, ông còn có tài diễn thuyết. Suốt 4-5 tiếng đồng hồ, ông nói liền liền, không nghỉ. Hút thuốc lá liền liền, không nghỉ. Giọng nói vẫn oang oang, từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết tuy hơi rè. Giọng một chiếc lệnh vỡ!

Anh vừa đi ngắm một đoàn tàu vào Nam, như thường lệ. Về đến hiên ngoài trụ sở, anh đã nghe một giọng nói như lệnh vỡ từ trong phòng khách vang ra. Anh bước vào! Khỏi cần có người giới thiệu, anh đã nhận ra tướng Nguyễn Sơn. “Râu hùm! Hàm én mày ngài!”. Trên một bộ mặt chữ điền, nước da ngăm ngăm đen, đôi mắt to đen có ánh nâu, nghiêng về dữ tợn hơn là hiền hậu, những cái cười lại mở rộng cả hai hàm răng bị khói thuốc lá ám đen - cái cười không thể gọi là nụ được, nghiêng về hồn nhiên hơn là tính toán. Một hình ảnh của Từ Hải “Giang hồ quen thói…”. Nguyễn Sơn đứng dậy đưa bàn tay - nói là bắt thì không đúng - mà bóp chặt tay anh và đưa mắt hỏi một người bạn văn đang tiếp chuyện: “Bửu Tiến kịch!” - Anh bạn nói, Nguyễn Sơn: “À!” một tiếng lớn bóp chặt tay anh hơn: “Một mệ đi với cách mạng! Có sợ bị cách mạng phăng teo không? Cách mạng tư sản Pháp ngày trước nó phăng teo tất cả các mệ Pháp đấy!”. Và ông cười ha hả, ông quay sang anh bạn văn: “Cách mạng theo cách hiểu của AQ là cách cái mạng mà!” Ông lại cười. Phút tiếp xúc đối với anh thực là dễ chịu.

Trò chuyện “nắng mưa” một lúc, rồi ông quay sang anh: “Kịch à, có biết Lôi Vũ không?”. Anh bạn văn tiếp lời ông: “Chu Phác Viên đấy!” Ông lại: “À” một tiếng và ông chăm chú nhìn anh “- Mệ mà đóng địa chủ, tư sản thì có đất đấy. Nhưng hiền quá, Chu Phác Viên nó dữ hơn nhiều, vì nó đã bóc lột thực sự trên 40 năm! Còn mệ này, chưa bóc lột được ai, phải không?”

Anh thoáng mỉm cười, thoáng nghĩ đến những thất bại liên tiếp của anh trong kinh doanh, hiệu may Tây ở Huế, lò ấp vịt ở Quảng Trị, hội buôn lấy tên Đào Viên… chỉ còn lại cái bảng đá… chỉ toàn thua lỗ, vì vụng về cũng có, vì không gặp thời cũng có, nhưng chủ yếu vì cách làm ăn tài tử của anh - Và anh nhìn Nguyễn Sơn chỉ một cái thước duy nhất để đo người: bóc lột và không bóc lột.

Nhưng Nguyễn Sơn đã trở về với Lôi Vũ, thao thao bất tuyệt, ông nói về các giai cấp và các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc, nơi ông đã sống hơn 20 năm cuộc sống thừa mứa và trụy lạc trong xa hoa của địa chủ và tư sản, cuộc sống đói nghèo và tủi nhục trong âm u của công nhân và nông dân, những cuộc đấu tranh giai cấp, âm ỉ, rồi bùng nổ, đẫm máu… Cái bối cảnh lịch sử ấy được trình bày khúc triết, sinh động với những nhận xét vừa hóm hỉnh vừa sâu cay pha lẫn những tiếng chửi thề - bằng tiếng tàu chỉ chiếm hơn một tiếng đồng hồ. Vẫn chưa đả động đến Lôi Vũ.

Sau bữa cơm trưa, Nguyễn Sơn không nghỉ trưa và cũng không để cho ai nghỉ trưa cả. Ông lại tiếp tục nói về Lôi Vũ. Ông đã đi sâu vào tâm lý nhân vật, vào diễn biến các sự kiện trong vỡ kịch, phân tích từng chữ, từng lời và cách nhấn mạnh từng ý như một nhà đạo diễn thành thục.

Ông tướng võ này hấp dẫn anh quá. Nên cuối cùng khi anh tạm dừng về Lôi Vũ (vẫn chưa hết) qua ba tiếng đồng hồ, ông nói: “Cánh mình đang cần một đoàn kịch tuyên truyền kháng chiến ở liên khu V đây!” Liên khu V đây chưa hẳn là một chiến trường thực sự lúc đó, nhưng cũng là “cửa ngõ” mon men như anh thường ao ước.

Nên khi Nguyễn Sơn hất đầu hỏi: “Có đi được không?” Anh trả lời ngay: “Đi được. Đi ngay ngày mai” - Đi ngay ngày mai - Nguyễn Sơn lại bóp chặt tay anh một lần nữa: “Ăn cơm Việt Minh đấy! Mệ chịu được không?”. Cơm Việt Minh, cơm đỏ, vài con cá kho khô, đĩa rau muống luộc… đã trở thành bữa ăn quen thuộc của hàng triệu người từ ngày cách mạng… Và là niềm kiêu hãnh của những người đi làm công tác cách mạng. Anh trả lời: “Được!” Nguyễn Sơn một tay không rời bàn tay anh, một tay vỗ vào vai anh một “cú” rất mạnh, “Cái mệ này tố hảo lố!”

Rạng ngày mai, anh xách chiếc va li con đựng một ít áo quần và với Đoàn kịch trong Miên vào Quảng Ngãi, sung vào đoàn kịch ủy ban kháng chiến miền Nam. Ở đó, anh diễn kịch cách mạng và kháng chiến, Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng và một số kịch ngắn của đơn vị sáng tác. Nguyễn Sơn tuy bận nhiều công việc, thỉnh thoảng đến thăm đoàn và vẫn tiếp tục trao đổi về Lôi Vũ. Lần đầu tiên anh ăn cơm Việt Minh và mặc quân phục Việt Minh (áo sơ mi quần dài bằng vải xita nhuộm bùn). Cũng quen dần đi. Và nhất là được tướng Nguyễn Sơn cho cùng đi, tham quan mặt trận An Khê chưa có tiếng súng trường của giặc Pháp bắn đến đó nhưng đại bác moóc-chi-ê chúng nó câu đến từ xa, và bom chúng nó thả từ những máy bay bà già xuống gần đó. Anh đã bắt đầu ngửi mùi thuốc súng, đã nấp máy bay, và đạn đại bác, đã quen dần mùi chiến trường, và như phương ngôn thường nói: “Cái ngon miệng đến dần trong khi ăn” anh đã thấy ham.

Trên đường Quảng Nam - An Khê (đường tàu đã bị cắt để kháng chiến), ô tô của anh đi với Nguyễn Sơn, cùng một chiều với những ô tô chở đoàn quân Nam Tiến, cũng vang tiếng hát trên đường và anh có cảm giác anh đã hòa với quân đội đó, tuy mới một chặng đường, nhưng không còn đi ngược dòng với họ, hay chống can đứng bên lề đường xem họ đi nữa.

Nhưng Nguyễn Sơn bận nhiều việc. Đoàn kịch làm việc dưới sự chỉ huy của một trưởng Ban chính trị khu. Một hôm trong một buổi diễn tập, gặp một trường hợp vợ một chiến sĩ trong vỡ kịch được tin chồng hy sinh, khóc lên nghẹn ngào… Anh trưởng ban, ngồi xem tập, bắt ngừng lại và phát biểu: “Không được! Vợ người cách mạng không khóc, phải biến đau thương thành hành động, phải căm thù! Khóc là tiêu cực, tiểu tư sản!”. Các diễn viên nhìn nhau. Anh ngao ngán trước cái máy móc cứng đờ của nhận định, mà lại có quyền đó. Anh hậm hực trong im lặng. Sau đó anh lấy một cái cớ tào lao, xin trở ra Huế.

Bước thứ hai thử đi với Việt Minh cũng bị bỏ dở như bước thứ nhất. Bước thứ ba anh trở về Huế, lại tham gia sinh hoạt nhóm xây dựng, một sinh hoạt hầu như một loại “khách thính” ngày xưa, tối thứ sáu họp nhau, bàn những dự định sáng tác, dự định thôi, rất ít người thực hiện. Thỉnh thoảng có người đi Quảng Ngãi để viết (Lưu Trọng Lư), lên tòa báo Cứu quốc ở vùng núi Thừa Thiên (Chế Lan Viên), hay làm thơ ở ngay Huế (Khương Hữu Dụng). Tình hình giữa ta và Pháp có vẻ găng tợn. Hồ Chủ tịch đi Pháp mới về, qua mấy tháng hồi hộp đợi chờ của toàn dân, nhưng nghe chừng cũng không ăn thua lắm. Quân Pháp nhiễu sự gây gỗ với tự vệ ta ở Hải Phòng, Hà Nội, ngay cả ở Huế, Tàu Vàng đã rút lui… Tin tức về quân Pháp buộc ta điều kiện này, điều kiện nọ, bay về hàng giờ… Và cuối cùng, lệnh kháng chiến toàn dân đêm 19-12-1946.

Đêm đó, anh đang ở nhà. Vào khoảng gần 12 giờ đêm, tiếng súng nổ vang, làm anh tỉnh dậy… Và ngồi nghe súng nổ râm ran, nơi này, nơi khác trong thành phố. Nền trời bị những luồng đạn qua lại chằng chịt như xé tấm màn đen rộng. Tảng sáng, anh lên trụ sở nhóm xây dựng trong thành nội. Thận trọng vượt qua cầu Gia Hội, nơi quân Pháp bên kia sông Hương bắn sang. Anh xung vào đoàn Văn nghệ kháng chiến Thuận Hóa, tham gia nhóm tuyên truyền lưu động trong 6 huyện, phổ biến đường lối trường kỳ kháng chiến của cách mạng, do Hải Triều đã viết lại thành văn bản: Kháng chiến 3 giai đoạn, phòng ngự, cầm cự và phản công. Mặt trận Huế lúc bấy giờ, còn là mặt trận “Morin”, một khách sạn lớn của Pháp và người Pháp ở tập trung nơi đó… Chúng ra sức chống cự trong lúc đợi viện binh ở Sài Gòn ra, Hà Nội vào. Anh làm phóng viên mặt trận, cùng với Lưu Trọng Lư, chúi dưới gầm cầu Tràng Tiền, tham quan trận đánh của tự vệ Huế, và viết bài cho báo Quyết chiến của Việt Minh Trung bộ, và đi về vùng nông thôn, 6 huyện của Thừa Thiên, phổ biến về đường lối kháng chiến…

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thời trẻ - Ảnh: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Trong thời gian ngắn ngủi này, anh được tiếp xúc với một số cán bộ Việt Minh khác trong đó có anh Nguyễn Chí Thanh. Cũng một kiểu người như Nguyễn Sơn, nhưng hoàn toàn Việt Nam. Cũng khuôn mặt vuông, chiếc cằm gãy góc cương quyết, cũng đôi mắt sáng và sâu. Cũng một cái cười cởi mở, cũng nước da nâu, trên bộ ngực hay đánh trần. Đôi đùi rắn chắc trong chiếc quần cộc đen. Và mặc dầu hết sức bận việc, anh vẫn tìm ra được mười lăm, hai mươi phút, để trao đổi về văn thơ. Và cũng rộng rãi trong việc nhận xét con người.

Mặt trận Huế vỡ. Quân Pháp được thêm quân tiếp viện đánh bung ra. Đại bác của chúng rót hàng giờ trên đường rút lui của ta. Chúng tung tay sai ra do thám ở vùng nông thôn. Chúng treo giải thưởng 10 vạn đồng cho ai chỉ điểm đúng chỗ ở của anh Nguyễn Chí Thanh để chúng vây bắt. Anh vẫn mình trần chiếc quần cộc đen, khẩu súng dắt cạp quần, xông xáo lội sông lội suối, len lỏi đi đến tận nhà từng cán bộ cơ sở giải thích lệnh “bám đất, bám làng, giữ vững cơ sở của Đảng, chỗ dựa của dân”, thoắt hiện, thoắt biến, qua nhiều phen chết hụt. Cán bộ cơ sở, giao thông qua phản công ồ ạt của giặc, tán loạn như một đàn ong vỡ tổ, được anh tiếp sức cho nguồn nghị lực mà anh còn thừa, lại quay về với tổ, can đảm và kiên nhẫn bay lượn trong vườn hoa quần chúng và tiết ra chất mật ngọt ngào: lòng tin yêu của quần chúng. Tiếp sức cho quần chúng, và được quần chúng tiếp sức cho, các cơ sở của Đảng ở 3 tỉnh Bình Trị Thiên ngày một lớn mạnh dần, chờ đợi cơ hội, có thể tự mình đứng lên giải phóng cho mình. Anh Nguyễn Chí Thanh là con ong chúa trong đàn ong lớn đó.

Người cán bộ Việt Minh này hấp dẫn anh như tướng Nguyễn Sơn trước đây. Chủ trương đã được phổ biến: rút lui về nông thôn, về rừng núi, tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Bao giờ? Chưa biết được. Còn tùy sức cố gắng của từng người, của toàn dân.

Chuyến này sẽ đi xa thực sự đấy! Không còn “cố đô” để rút về như vừa qua đâu! Trở về cố đô, về với gia đình là về với giặc rồi. Mà ra đi kháng chiến thực sự, anh cũng đã thấy quen và ham, bom đạn giặc anh đã nếm mùi, cơm áo Việt Minh anh đã biết. Chịu được! Duy cái điểm máy móc hẹp hòi của mấy cán bộ, kiểu anh thanh niên đã diễn thuyết trong cuộc họp Văn hoá Cứu quốc, kiểu anh Trưởng chính trị ở Quảng Ngãi, trở thành nỗi băn khoăn lớn của anh. Rồi đây trong cuộc kháng chiến lâu dài, mấy khi anh sẽ được tiếp xúc với kiểu Người: Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh. Mà chắc chắn là với hai kiểu người “máy móc và hẹp hòi” trên kia là nhiều nhất. Liệu anh có dẹp lại được cái tôi của anh, để trọn nghĩa, trọn tình với cách mạng hay lại nổi đóa lên, để đứt đoạn như hai chuyến đi thử với Việt Minh vừa qua? Trong tiếng đại bác của giặc bắn đuổi sau lưng, anh vẫn miên man trong suy nghĩ đó. Và anh tự cười mình: cái tôi của anh là cái gì mới được chứ? Một viên đạn súng trường trúng đích, một mảnh đại bác bắn vu vơ… thế là hết cái tôi bé nhỏ đó. Và trong những đoàn người Nam tiến từ mấy tháng nay, biết bao người hơn anh về nhiều mặt, trẻ hơn anh, tương lai hứa hẹn với họ nhiều hơn, mặt giáp mặt với quân thù hơn anh, họ có tính toán với cái tôi của họ như cái tôi nặng trình trịch của anh không? Họ có quan tâm đến cái máy móc hẹp hòi của chỉ huy của họ không? Trước mặt họ chỉ có giặc Pháp đang quay lại xâm chiếm đất nước một lần nữa. Trong đầu họ, chỉ có một ý nghĩ dẫn đến một hành động duy nhất: phải đánh giặc tiêu diệt đến tận cuối cùng giải phóng đất nước. Họ làm theo mệnh lệnh của cách mạng, mệnh lệnh của lịch sử, mệnh lệnh của toàn dân và nhất là mệnh lệnh của trái tim yêu nước của họ! Chính họ đang thể hiện một cái tôi đẹp nhất của họ, cái tôi hành động, khác hẳn với cái tôi chỉ suy tư một cách viễn vông của anh…

Đạn đại bác của giặc bắn theo kia! Máy bay bà già của giặc thả bom kia! “Đi chuyến này phải đi luôn cho đến phút cuối cùng đây!”. Anh tự dặn mình như vậy.

Chiều hôm đó, anh về thăm ba mẹ anh tản cư ở Phú Lương cách Huế 12 cây số. Anh vừa bước chân vào nhà, chưa kịp đặt ba lô, ba anh đã nói: “Giỏi rồi, giỏi lắm rồi! Con đi!” Anh hỏi lại: “Giỏi gì hả ba? Mặt trận Huế vỡ rồi! Tây tràn ra cả tỉnh ba không biết sao”. Ba anh tiếp: “Biết, biết, nhưng Việt Minh thiệt đã giỏi. Ngày trước tài giỏi như ông tướng (Tôn Thất Thuyết) mà chỉ đánh Tây được có một đêm, đến tảng sáng thua phải phò Đức Hàm Nghi chạy ra Tân Sở. Ngày nay Việt Minh vây Tây, kèm chúng trong thành phố Huế được hơn 20 ngày rồi mới chịu thua. Giỏi quá mà!” Anh buồn rầu nhìn ba anh. Và anh hỏi lại: “Ba thấy thời cuộc sẽ ra sao?” Ba anh trả lời: “Mặc dầu mình thua, nhưng đã đánh chúng nó một trận 20 ngày trời. Chúng trở lại cũng phải khiếp đảm với mình. Và sẽ nới tay hơn”. Anh ngao ngán: “Thưa ba, mình chưa chịu thua đâu. Mình rút ra ngoài xây chiến khu rồi đánh lại”. Rút? Đánh lại? Ba anh ngồi trầm ngâm hơi lâu rồi thở dài: “Rồi lại thất bại như Đức Hàm Nghi thôi. Còn con, con về chớ!” - “Thưa ba, không, con rút theo Việt Minh”. Ba anh càng trầm ngâm hơn: “Con yêu Việt Minh lắm hả”. - “Thật tình mối duyên của con với Việt Minh cũng chưa mặn mà cho lắm. Duyên ít nhưng nợ nhiều, thưa ba”. Ba anh tiếp: “Nợ, ừ, nợ làm trai như Nguyễn Công Trứ đã nói. Nhưng cái nợ công danh, con cũng đã phủi sạch từ lâu rồi kia mà” - “Thưa ba, không phải nợ công danh… Mà là nợ đời với bản thân, nợ đối với đất nước, nợ đối với ông cha trong quá khứ, nợ đối với con cháu trong tương lai. Bao nhiêu món nợ thúc giục con đi…” Ba anh nhìn ra ngoài: “Nói nhỏ đừng để mẹ con nghe thấy, rồi mẹ con khóc không đi được đâu, (một lát) con chắc là cuộc kháng chiến này sẽ thành công à?” - “Thưa ba, con cũng chưa dám chắc” - “Chưa dám chắc mà đòi đi?” - “Dạ thưa ba con đã thưa với ba bấy nhiêu món nợ đó”. Ông trầm ngâm: “Thôi để qua đêm ba nghĩ đã. Nhớ đừng nói với mẹ vội”. Và từ đó ông trầm ngâm cho đến gần tối. Mẹ anh về, ông bảo: “Hôm nay con nó về thăm bắt con gà làm thịt cho nó ăn với”. Mẹ anh xuống bếp loay hoay cơm nước, và ông ngồi im lặng hút thuốc lào vặt, thỉnh thoảng nhìn sang anh, vẫn không nói gì. Tối hôm đó tuy có thịt gà, nhưng hết sức im lặng. Bà mẹ ngạc nhiên lo lắng, hết nhìn chồng, lại nhìn con…

Nơi tản cư, tôi đến, ngủ sớm. Anh nằm trên chiếc phản con cứ nghe ba anh trở mình luôn, thỉnh thoảng ông ngồi dậy, đến bàn, hút điếu thuốc lào, và ngồi im lìm hàng nửa tiếng mới quay về giường nằm. Một lát, lại nghe tiếng trở mình. Anh thương cha. Có lẽ suốt đêm nay ông không ngủ, gà mới gáy sáng, nghe thấy ông trở mình ngồi dậy. Anh vội dậy theo, anh biết tính ông hay uống nước trà sáng, anh toan xuống bếp nấu nước, ông ngăn lại: “để ba đun cũng được, con cứ ngủ đi”. Anh ngạc nhiên lần đầu tiên thấy ông tự nấu lấy nước uống. Anh nằm trở mặt xem ông đặt ấm nước lên bếp một cách vụng về, cúi xuống thổi lửa một cách vụng về. Và ngồi im lìm, lơ đãng chờ nước sôi, cái ấm con nước đã sôi. Ông lấy khăn, bọc quai ấm và toan đem lên, anh vội dậy xách ấm nước sôi lên nhà. Ông lên theo. Ông bỏ trà vào ấm chuyên, và nói dịu dàng: “Đưa đây cho ba!” Tự tay ông rót nước sôi vào ấm trà và đợi trà ngấm, tự tay ông rót ra hai chén. Anh đang lúi húi gỡ cái đầu bịt bạc của chiếc can bằng mũi dao díp. Anh tháo nó ra để một góc giường: chiếc can chỉ còn lại một màu đen huyền của chất gỗ mun đã lên nước… Bỗng ba anh gọi: “Con uống chén nước rồi đi cho sớm kẻo máy bay”. Lần đầu tiên từ 25 năm nay anh mới được người cha tự tay rót chén nước trà mời anh. Anh rưng rưng cầm chén nước lên. Và ông cũng cầm chén nước của ông lên, hơ hơ ngang mắt rồi dịu dàng hỏi: “Rồi đây thua con đi đâu?” Trời ơi. Ba anh vẫn yên trí qua một đêm suy nghĩ rằng chúng ta sẽ thua thôi. Anh khó giải thích để dẹp tan một định kiến như vậy. Anh chỉ còn biết an ủi ông. Anh biết ông rất yêu mến văn thơ của Nguyễn Thượng Hiền. Nên anh thưa: “Thưa ba, nếu thua, con sẽ sang Tàu dạy học như ông Nguyễn Thượng Hiền ngày trước”. Ba anh nở một nụ cười buồn, cầm chén nước trên tay và khe khẽ, ngâm câu thơ của Nguyễn Thượng Hiền:

Tha hồ ai biết ai không biết
Gọi tớ rằng chư, gọi tớ sầu.


Ông uống cạn chén nước rồi giục: “Thôi con uống thêm chén nước, chào mẹ rồi liệu đi cho sớm kẻo máy bay”.

Và ông gọi vào “Bà ơi!” Mẹ anh vốn tỉnh ngủ “dạ” ngay, “Bà dậy tiễn con kìa. Nó đi đó!”.

Mẹ anh choàng dậy ngay “Con đi đâu?” Ông đưa mắt cho anh. Anh hiểu ý: “Thưa mạ, con về đơn vị” - “Mặt trận Huế bể rồi, con về đơn vị mà làm chi” - “Thưa mạ chúng con rút ra ngoài rồi đánh lại sau”.

Mẹ anh bỗng òa lên khóc: “Đó lại đi rồi biết đến bao giờ mới về với mạ!”

Anh đeo ba lô - một cái va li gỗ anh đã đóng đôi quai da vào để đeo đi đường cho tiện, dẫn mẹ ra khỏi sân. Ba anh đứng lại trong sân, trầm ngâm, đôi mắt đỏ hoe vì đã dụi nhiều, tay bỏ sau quần theo thói quen của ông, đứng lặng sau hàng rào dâm bụt.

Đêm qua trời hơi mưa. Đường làng trơn. Anh đưa cái can cho mẹ chống. Anh dìu mẹ ra đến đầu cầu tay khỉ. Đến đó, anh thưa: “Thưa mẹ về, con đi”. Anh nhìn lại ba anh vẫn đứng đó. Một bóng trắng im lìm sau hàng rào dâm bụt. Mẹ anh mếu máo: “Con đi rồi biết bao giờ về?”, và bà trao cái can cho anh: “Con đem nó đi theo, coi như con đã chống gậy cho mẹ đó”.

Anh cầm cái can, rưng rưng. Mẹ anh vừa mếu máo vừa quay lui.

Anh tần ngần một lúc, đội chiếc mũ vải ka ki lên đầu, xóc vai chiếc va li gỗ hai tay nắm chặt hai quai, quay lưng.

Sau những chuyến đi thử và ngắn ngày với Việt Minh, đây là chuyến đi thiệt và dài ngày, một chuyến đi vì duyên ít nhưng nợ nhiều.

Anh vẫn chống can đi, nhưng chiếc can không còn bịt bạc.

Tháng 6 năm 1985
B.T.
(16/12-85)






Các bài mới
Nguyễn Du, 1813 (18/07/2011)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (30/06/2011)
Gặp bạn cũ (13/06/2011)
Bàn tay Chúa (06/06/2011)