Tạp chí Sông Hương - Số 16 (T.12-1985)
Sống giữa quê hương và bạn bè văn nghệ
09:33 | 11/07/2011
TRẦN PHƯƠNG TRÀ Giữa năm 1967, anh Thanh Hải và tôi được điều động từ Thành ủy Huế về Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị - Thiên - Huế. Mấy ngày đi đường, chúng tôi nói nhiều về vùng đất và con người quê hương.
Sống giữa quê hương và bạn bè văn nghệ
Nhà văn Trần Phương Trà - Ảnh: voque.org
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đi bên anh, tôi cứ nghĩ đến những con đường rừng, những khe suối miền Tây đã có dấu chân anh đi trước trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhớ những ngày rừng núi âm u trong tay Mỹ - Diệm, tưởng như anh còn đi liên lạc với cơ sở và nghe câu hò nhắn nhủ của đồng bào đi tìm cán bộ cách mạng, cán bộ sợ lộ phải tránh đi:

“Giận trời ai nỡ giận trăng
Anh tránh em thì em chịu biết làm răng bây chừ?”

Nhớ lại hồi tháng 10 năm 1962, lần đầu tôi thấy anh đi trong đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Dạo ấy, tôi biên tập một chương trình tiếng thơ gồm những bài thơ của anh viết thời chống Pháp và chống Mỹ. Hôm đoàn đại biểu đến thăm Đài tiếng nói Việt Nam, nhân nói về những bài thơ của anh phát thanh ở đài, Thanh Hải cười:

- Vừa rồi tôi có nghe chương trình thơ các anh, các chị dành cho tôi. Xin cám ơn các anh, các chị. Có một điều giới thiệu là “ông” nghe hơi xa lạ quá.

Tôi nắm tay anh cười xòa:

- Đằng sau những lời lẽ ấy là tình cảm sâu nặng. Tôi cũng chẳng muốn gọi bằng “ông” nhưng cũng như anh phải mang cái tên Lưu Thanh Hải thôi…

Kỷ niệm nhỏ đó gắn bó giữa anh và tôi hơn. Về sau, cùng ở một nhà, cùng lo công việc cơ quan, cùng có những vui buồn về phong trào chung, tôi hiểu, quý và thương anh hơn. Những ngày cùng bưng chiếc đĩa nhôm cơm gạo đỏ - anh em thường gọi là “gạo bọc thép”, chan vài thìa nước ruốc cùng với món canh thân cây chuối, lúc chống càn, khi di chuyển cơ quan, lúc bận rộn vào các chiến dịch lớn, lúc chuẩn bị cho Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị - Thiên - Huế, lúc lo bài vở cho các số báo… chúng tôi hiểu sức chịu đựng bền bỉ của anh. Hàng chục năm lăn lộn ở rừng, phải uống trực tiếp bao nhiêu nước bị chất độc hóa học làm ô nhiễm. Chịu những cơn sốt dai dẳng, đã mang đến cho Thanh Hải bệnh gan. Ngày đầu tiên dự Đại hội Đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua Công Nông Bình Trị Thiên Huế năm 1969, tôi thấy tròng trắng mắt anh vàng như màu viên thuốc Ki-na-cơ-rin pha loãng, tôi đâm hoảng. Chính hôm ấy, anh bị ngất tại Hội trường Đại hội và đồng đội đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện với cả dây chuyền và bình Mô-ri-a-min mang theo trên cáng…

Cuối thu 1967, tôi cùng Tô Nhuận Vỹ về vùng Hương Thủy, Phú Vang đi giữa vùng giải phóng rộng. Chúng tôi đi chung với nhau vài chuyến công tác. Có lần bị phục kích ở Cầu Vực. Sau đó, Vỹ về Phú Vang, tôi sống với đội du kích xã Mỹ Thủy. Chúng tôi mặc áo trắng, quần đùi, đội nón, đi chân không chèo ghe đi trên các đồng nước, trên các con sông giữa những bà con đi làm đồng, đi đánh cá. Bà con trong các ấp chiến lược mang ra cho chúng tôi nhiều thứ. Từ bánh mì, kẹo, bánh, mì chay ông Phật, mì chính, thịt bò, thịt heo… cho đến thuốc lá Ru-bi, Xa-lem, Bát-tô… Làng Lợi Nông đã bị cày ủi và dồn dân vào phía Tây đường số một. Các chị em du kích mật từ trong làng như Nguyễn Thị Lài, o Măng, o Khế, o Chua… thường chèo thuyền ra họp với anh em du kích của xã bàn cách đánh địch. Sau những cuộc họp ấy, chúng tôi đợi tiếng nổ trên quốc lộ 1. Một đêm, nghe tiếng mìn nổ phía trong làng, chúng tôi ùa ra sân xem. Pháo sáng địch liên tiếp vọt lên trời và súng các loại nổ ran. Tôi mừng quá. Tôi biết trận đó o Chua đi đánh. Ngay trong đêm, tôi viết bài thơ đề tặng dũng sĩ diệt xe cơ giới. Tôi chờ o Chua ra báo cáo kết quả diệt địch. Đứng trên bờ sông, từ xa tôi thấy khuôn mặt nhỏ nhắn của Chua cười tươi trong chiếc nón lá, hai tay vẫn nhẹ nhàng chèo thuyền đi tới. Chua bước lên bờ nói với chúng tôi:

- Báo cáo các anh, hôm qua chúng em đánh một xe GMC diệt 17 tên Mỹ.

Tôi siết bàn tay nhỏ nhắn của Chua:

- Xin chúc mừng thành tích của đồng chí. Tôi có một bài thơ viết đêm qua để tặng o.

Chua đỏ mặt, cảm động nói:

- Em cảm ơn anh.

- O ngồi xuống đây để tôi đọc mừng o và các đồng chí khác.

Mấy anh chị em xúm lại nghe thơ và nghe Chua kể tỉ mỉ trận đánh.

Một đêm cuối tháng giêng năm 1968, sau khi làm xong số báo “Cờ giải phóng” tết Mậu Thân, tôi cùng Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thiết nằm ôm nhau trong hầm chữ A. Sáng hôm sau, Thiết và Phan sẽ theo đoàn quân về Huế trước. Chúng tôi nói nhiều chuyện về những ngày sôi động sắp tới và nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm còn nằm trong nhà lao Thừa Phủ với niềm hy vọng trận đánh giải phóng nhà lao gọn, cứu thoát an toàn những chiến sĩ và đồng bào yêu nước đang bị giam ở đó. Điềm bị giặc bắt mấy tháng trước đó ở Quảng Điền. Phải một năm sau khi Điềm được giải phóng khỏi nhà lao tôi mới gặp Điềm ở hậu cứ Khu ủy Trị Thiên Huế. Ở Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ giải phóng khu, những cơn sốt vẫn hành hạ Điềm, có buổi họp Điềm phải đắp chăn nằm run trên võng. Sau đó, Điềm về ở cơ quan tuyên huấn Khu ủy. Điềm và tôi lo cho số đầu tiên tạp chí sinh hoạt văn nghệ của Chi hội Văn nghệ khu. Gọi là tạp chí nhưng in bằng rô-nê-ô quay tay. Tôi kẻ cả bản nhạc “Bài ca phá kềm” của Hồ Thuận An. Điềm đóng góp cho tạp chí bài thơ “Người con gái chằm nón bài thơ” và bút ký “Cụ Bờ” (ký tên Nguyễn Mạc Hữu), tôi có bài vè “Phá tan bình định, giành quyền tự do” phục vụ nghị quyết đánh bình định của Khu ủy.

Nguyễn Khoa Điềm ít nói, lặng lẽ làm việc nhưng bên trong cái dáng dong dỏng, gầy xanh ấy là sự suy nghĩ, nung nấu, kiếm lời giải đáp cho những vấn đề mà Điềm đang băn khoăn tìm tòi. Nhiều lần, vừa gùi gạo lên dốc cao, Điềm vừa lẩm nhẩm làm thơ. Một lần, về đến nhà, chỉ kịp đặt gùi gạo xuống, vớ chiếc khăn mặt lau mồ hôi, Điềm ngồi vào bàn ghi ngay bài thơ: “Khúc hát những em bé lớn trên lưng mẹ” rồi đưa cho tôi. Tôi thú vị đọc bài thơ và sung sướng nói với Điềm:

- Đây là một bài thơ hay viết về đồng bào dân tộc thiểu số. Xin chúc mừng Điềm!

Ngay sau đó, Tạp chí sinh hoạt văn nghệ số 4 đăng bài thơ ấy của Nguyễn Khoa Điềm. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc thành bài hát “Lời ru trên nương”. Nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Tuyết ở Đài tiếng nói Việt Nam đã ngâm thành công bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và nhiều bạn nghe Đài gửi thư về yêu cầu phát thanh lại nhiều lần.

Những ngày ấy, ngoài việc phổ biến một ít sáng tác văn nghệ trên mấy tờ báo địa phương, chúng tôi thường xuyên dùng điện đài để gửi cho Đài phát thanh Giải phóng những sáng tác văn nghệ, kể cả kịch, truyện ngắn, thơ và nhạc. Tôi thường viết lại các bản nhạc dưới dạng như dạy nhạc ở Đài để tiện điện đi, kiểu “đô đen có chấm la móc đơn vạch nhịp…”. Qua đài Giải phóng nhất là qua chương trình “tuần san văn nghệ” chiều chủ nhật, chúng tôi theo dõi bạn bè văn nghệ ở các địa phương. Nghe giới thiệu tên bài và tác giả, chúng tôi mừng bạn bè đang còn sống và đóng góp tiếng nói của mình vào phong trào văn nghệ.

Ngày 31-10-1971, tại Ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế đã khai mạc trại viết của Chi hội Văn nghệ. Chúng tôi chỉ có 8 tại viên: Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Tuyển Trung, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Hà Nguyên, Trần Lâm, Quế Lâm, Trần Phương Trà. Có đến 4 đồng chí lãnh đạo trong Khu ủy và Quân khu ủy và nhiều đồng chí trưởng ban ngành của Khu ủy đến động viên và giao nhiệm vụ. Câu thơ của Bác:

“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
treo trước mặt giục giã chúng tôi. Trước đó, trong mưa lũ chúng tôi cùng nhau đi hai ngày đường để gùi gạo, gùi thịt hộp, mỡ và rau cho trại. Tôi phải đi lên một bản đồng bào Ka-tu để xin thêm người về phục vụ trại. Cuối tháng 10, miền Tây Trị Thiên mưa to, nước lũ dâng đầy các sông suối. Cơn lũ rừng giữ tôi lại bản thêm một ngày.

Ở trại viết, Nguyễn Khoa Điềm viết thơ dài “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Quang Hà góp mấy chục bài thơ viết những ngày còn trong quân đội sửa chữa lại và viết thêm một số bài mới, về sau đăng trong tập thơ “Nghe tiếng gà trên điểm chốt”. Nguyễn Tuyển Trung viết hai vở kịch. Nguyễn Đắc Xuân viết hai truyện ngắn mong có “màu cờ sắc áo” của Trị Thiên như anh thường nói. Quế Lâm, Trần Lâm và Hà Nguyên đều có tác phẩm. Tôi viết truyện ngắn “Gõ cửa”. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nghiêm Sĩ Thái không đến dự trại được gửi truyện và ký tham gia.

Đêm đêm, trong căn hầm thùng, Nguyễn Khoa Điềm và tôi đọc cho nhau nghe những đoạn mới viết xong trong ngày, nói những dự định sắp tới.

Sau một đêm thức khuya như thế, 5 giờ sáng ngày 20-11-1971, trong cơn gió mùa Đông Bắc, đang ngủ, chúng tôi bị ngay một trận bom B52 đánh. Bom nổ rất gần. Sức ép cắt đứt võng và hất tung cả hai người xuống đất giữa những tiếng nổ rền trời. Tôi và Điềm như theo một quán tính nào bò vào trong hầm chữ A. Chúng tôi mừng quá biết là an toàn. Lát sau tôi thấy mằn mặn ở môi, mặt ướt những máu. Tôi nói với Điềm: “Mình bị thương rồi Điềm ơi!”. Điềm sờ vào mặt tôi rồi lần ra cửa hầm, quờ quạng tìm cuốn băng để ở túi ba lô trong góc hầm thùng, băng vết thương ở trán cho tôi. Trời mờ mờ sáng. Khói bom vẫn đặc cả khu rừng khét lẹt. Anh em các nhà cách nhà chúng tôi bảy mươi mét, một trăm mét đang đi tìm hỏi thăm nhau. Mấy cơ quan chúng tôi ở khu vực bị bom B52 đánh trúng. Nhiều nhà bị bom đánh tốc mái, sạt hầm. Ở sân nhà tôi và Điềm ở, một quả bom phạt cách chỗ chúng tôi thường tập thể dục chỉ hai mét quét sạch cả một khoảng rộng. Căn nhà thường chúng tôi ở đổ sập. Mảnh bom tiện cả hai cái chân bàn chúng tôi thường ngồi ăn cơm. Bản thảo “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm bị vùi trong đất. Chiếc máy thu thanh bé nhỏ tôi để trên ngựa bị chôn trong đất, về sau nhặt ra thấy một mảnh bom nhỏ đã xuyên qua loa. Đồng hồ đeo tay của tôi cũng bị vùi trong đất hầm bị lở. Tôi đi bệnh viện chữa vết thương. Các anh em ở trại tiếp tục viết. Mấy hôm sau, một toán trực thăng địch đổ biệt kích xuống gần chỗ trại sáng tác. Lại phải chuẩn bị chống càn và sơ tán.

Ngày 1-1-1972, trại viết bế mạc. Chúng tôi rạo rực khi nhìn thấy tập “Cửa thép” của Nguyễn Khoa Điềm, “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” của Hoàng Phủ Tường, “Người Sông Hương” của Tô Nhuận Vỹ từ Hà Nội gởi vào. Niềm vui được nhân lên trong chúng tôi. Sau những trang sách là bóng dáng lặng lẽ, khiêm tốn chăm lo của bè bạn ở ngoài đó. Chúng tôi quây quần bên nhau chia sẻ những niềm vui. Trong hầm chữ A, anh Trần Hoàn ghì trán anh vào chỗ vết thương vừa lành ở trán tôi, hai tay siết lấy đầu tôi:

- Thật là lạ! Mấy lần chết hụt. Tưởng như bỏ vô cối mà giã vẫn còn sống thế này!

Điềm rất hào hứng khi Thường vụ Khu ủy trao nhau đọc tập “Mặt đường khát vọng” và ân cần chỉ ra một số điểm để Điềm sửa lại.

Chẳng những ở trại viết này, chúng tôi mới hiểu tấm lòng ưu ái của các đồng chí lãnh đạo dành cho anh chị em văn nghệ.

Mùa thu năm 1969, tôi về công tác ở vùng giáp ranh Phong Điền, Quảng Điền. Đó là một trong những giai đoạn ác liệt và gian khổ nhất của địa phương. Có anh em nhà báo về huyện công tác nhưng do thiếu lương thực, huyện ủy phải gặp riêng xin anh em thông cảm với huyện để một dịp khác vì hiện nay hằng ngày huyện phải tính từng lon gạo cho lực lượng đứng chân ở giáp ranh. Anh em nhà báo đành lặng lẽ mang ba lô về khu. Chúng tôi nói đùa: “Xin giới thiệu đây là nhà báo bị gạo đuổi!”.

Mùa hè 1972, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Văn Đồng cùng hai phóng viên nhiếp ảnh Trọng Thanh, Văn Thái và tôi đứng chân ở núi Rẫm sát biển Phú Lộc. Đêm đêm, chúng tôi cùng cán bộ và du kích xã vượt qua suối, sông, băng đồng vào các thôn ven đường số 1, làm công tác tuyên truyền, phát động quần chúng, liên lạc với cơ sở trong thành phố Huế. Nhờ cơ sở cách mạng thông báo, làm tín hiệu chu đáo và ở ngay sát núi nên cả những đêm trăng sáng, chúng tôi cũng vào được trong làng.

Một đêm khuya, ngược suối về nhà sau chuyến công tác, Nguyễn Đắc Xuân bị rắn cắn ở chân. Anh em cõng Xuân về. Thế là phải nằm trên võng nghỉ công tác suốt tuần lễ. Lợi dụng ngay khoảng thời gian ấy, Nguyễn Đắc Xuân viết xong truyện ngắn “Thắm”, chừng 50 trang giấy học sinh. Truyện được chuyền tay nhiều bạn đọc thanh niên, thiếu nhi trong xã và Huế, Đà Nẵng để rồi một lần trong ấp chiến lược sát đường số 1, tôi và Xuân nghe vài người bạn đọc ấy nói cảm nghĩ của mình và đề nghị thêm bớt gì ở truyện. Giữa cái bận bịu căng thẳng của một người làm công tác tuyên truyền ngay cạnh địch, Nguyễn Đắc Xuân làm thơ và trong gùi anh có hàng chục cuốn sổ tay của du kích, cán bộ xã và thiếu niên trong vùng tạm chiếm nhờ anh chép thơ.

Đứng trên núi Rẫm, chúng tôi dùng ống nhòm nhìn các đoàn xe từ Đà Nẵng ra tiếp viện cho bọn lính ngụy ở thành cổ Quảng Trị, phân công anh em ghi số lượng của từng loại xe để báo cáo lên trên. Chúng tôi nhìn xuống các con đường trong làng. Buổi chiều, thanh niên lũ lượt kéo nhau đi ngủ tập trung trong các cụm nhà ở đường số 1. 5 giờ chiều, chúng tôi xuống chân núi và chập choạng tối đã có mặt ở làng cho đến gần sáng hôm sau. Những ngày đầu đến xã, tôi chú ý sưu tầm tài liệu để viết hai bài vè theo thể thơ song thất lục bát: “Thù này Tân Lộc không quên” và “Tự hào Tân Lộc quê ta” để làm tài liệu tuyên truyền trong xã. Một hôm, tôi đọc vè cho bốn mẹ con bà Trà ở Phú Xuyên nghe. Vè nhắc đến tội ác của giặc làm bà thút thít khóc. Đến khi nghe bài vè kể đến chồng bà:

“Ông Trà tàn tật kể chi
Chúng vu ông là Việt Cộng bắt đi phường nào!”


Cả bốn mẹ con khóc rống lên. Tôi cũng rơm rớm nước mắt ngồi im. Lát sau tôi mới đọc tiếp.

Chúng tôi được bà con thương yêu đùm bọc, lo lắng cho từng miếng cơm giấc ngủ. Nguyễn Văn Đồng thường cùng đi với chúng tôi vào xã. Hơn một năm nay, anh lăn lộn với du kích xã Vĩnh Lộc. Ở vùng biển lâu ngày nước da Đồng đen bóng, chắc nịch. Đồng hòa vào trong đội hình chiến đấu của xã, thực sự gắn bó với địa phương. Gùi gạo, bắt cua, câu tôm, kéo lưới và Đồng có thể mang gùi nặng nhảy chuyền qua các tầng đá tròn trơn láng cheo leo ở vùng Hòn Dòn bên Vụng Chân Mây như một du kích địa phương thực thụ. Đồng sống trầm lặng nhưng bên trong là một trái tim sôi nổi, nhiệt tình, nhận xét sâu sắc và được nhiều cảm tình của các đồng chí địa phương. Những ngày ở Vĩnh Lộc, anh đã viết được một số truyện ngắn và mấy chương tiểu thuyết về vùng đất anh đang sống.

Những ngày ở chiến trường, chúng tôi vẫn thường nghĩ đến nhau. Vượt qua hàng mấy chục ngày đường giao liên từ vùng sâu lên căn cứ, một lá thư báo tin kèm theo một bài thơ vừa viết trong lửa đạn… là một nguồn vui, một nguồn động viên mới trong cuộc chiến đấu gian khổ.

Đầu năm 1973, Nguyễn Khoa Điềm về vùng sâu Phong Quảng. Trong lá thư gửi cho tôi cuối tháng 2-1973, Điềm viết: “Hơn tháng nay, tôi ở vùng sâu. Tôi sống những ngày của một người nằm vùng. Quen với nắng, với cát nóng, với cỏ, với muỗi, với vùng tràm mênh mông dào dạt sương đêm. Hòa bình đã gần một tháng rồi, cuộc sống ở đây không có gì thay đổi. Vẫn một cuộc sống chiến đấu, cảnh giới, nằm bờ bụi, gài mìn, chùi súng và xây dựng chỗ ăn ở. Máu vẫn đổ. Tôi đã vuốt mắt cho anh em ngã xuống sau ngày có hòa bình. Tôi chôn khẩu K.59 và mang A.K. cũng từ khi có hiệp định ngừng bắn. Hai mươi ngày nay chúng tôi không vô được dân. Bây giờ nói với dân bọn địch đều nói thủ tiêu, nói giết chứ không ngọt ngào như dạo nào. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn gian lao và quyết liệt lắm. Phần nợ của ta đối với dân cũng còn nặng lắm. Chúng ta chưa làm tròn chữ “giải phóng” đâu. Nhân dân sống đau khổ thì những ngày gian khổ của mình là sá gì (…) Tôi thấy tôi đứng ở chỗ cần thiết của cách mạng và chính tôi. Tôi thấy rằng nhờ ở chỗ đứng này mà ý nghĩ của tôi về sự nghiệp chiến đấu hiện tại có phần chắc chắn, chính xác và cụ thể hơn (…).

… Tôi dừng ở đây và gửi vào đây cả một ngày đồng bằng đã bắt đầu chuyển mùa hạ với gió nóng rì rào trong cỏ, cát ánh lên màu nắng và tiếng anh em lao xao trở về căn nhà che tạm nấu bữa cơm chiều
”.

Những năm gian khổ và ác liệt của chiến tranh giữa quê hương đã gắn bó bạn bè văn nghệ chúng tôi. Càng ngày, chúng tôi càng biết ơn nhân dân cả miền núi, miền xuôi từ đèo Ngang đến Hải Vân đã chắt chiu từ mảnh đất khắc nghiệt của chiến tranh và của thời tiết để nuôi nấng chúng tôi. Chúng tôi còn mắc nhiều món nợ nặng nề đối với nhân dân. Trên đoạn đường còn lại của đời mình, tôi hiểu phải hết sức tranh thủ, hết sức quyết tâm mới có thể có những trang viết chân thực về nhân dân anh hùng ở quê hương, để trả một phần món nợ ấy.

1985
T.P.T
(16/12-85)





Các bài mới
Nguyễn Du, 1813 (18/07/2011)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (30/06/2011)
Gặp bạn cũ (13/06/2011)