Tạp chí Sông Hương - Số 17 (T.2-1986)
Giáng Kiều
09:59 | 10/10/2011
TRẦN THÙY MAITối thứ bảy cuối tuần, Phương tuyên bố:- Tuần sau anh bắt đầu viết tập hai bộ tiểu thuyết của anh Nhớ đừng huy động vào việc gì hết đấy nhé...
Giáng Kiều
Minh họa: PHẠM ĐẠI
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lan, vợ Phương, đang đạp xành xạch ở bàn máy khâu ngửng đầu lên, hơi nhíu mày một lát. Bắt đầu sáng tác... Như thế có nghĩa là trong căn hộ này sắp xuất hiện một Đỗ Thế Phương đăm chiêu, lầm lì, ngồi viết một chốc lại chắp tay sau lưng đi lui đi tới trên nền xi măng vẫy đầy tàn thuốc, sẵn sàng cau có với bất cứ ai vô tình đến quấy rầy... Dường như đoán được ý nghĩ của vợ, Phương vội nói:

Anh không viết ở nhà đâu. Anh đăng ký một phòng ở nhà sáng tác rồi.

«Thế à?» Lan hỏi. Đã từ lâu theo nhận xét của Phương, vợ anh có vẻ am hiểu về quy chế tính tiền nhuận bút hơn là ý đồ sáng tác của chồng. Vì vậy, để trả lời câu hỏi của Lan, anh huýt sáo và tiến ra bao lơn, ngước nhìn lên bầu trời đầy sao. Tiếng dế vang lên «tic tic...» từ ngoài vườn, và Phương vừa cố lắng tai nghe, vừa khó chịu vì tiếng máy khâu xành xạch... xành xạch cứ vọng ra liên tục
.

Sáng thứ hai, tuy đã xin được miễn công tác. Phương vẫn phải làm cái việc thường ngày: đưa cậu quí tử đến trường (Lan đi làm sớm, nên bao giờ cu cũng ăn trước và lên đường trước). Khi dắt xe ra cổng, tự nhiên mi mắt bên trái của anh giựt giựt. Giụi giụi mắt, Phương cười nói với thằng cu Bi đang lễ mễ vừa ôm cặp vừa khiêng cái bụng  tròn chạy theo: "Chà, chắc sắp có sự kiện gì đang chờ bố đây, cu ơi!".

Quả nhiên là, có sự kiện ấy thật.

Vừa mở cửa căn phòng, cái đập vào mắt anh là một quả đu đủ vàng tươi nằm chễm chệ trên bàn cạnh mấy bông đồng tiền đỏ thắm. Phương ngạc nhiên mất một lúc, và mi mắt anh lại giật giật. Kỳ thật... Cửa phòng còn khóa, mà mấy bông hoa còn tươi, chứng tỏ ai đó đã đặt lên cách đấy không lâu. Phương đến gần, ngắm nghía mấy thứ trên bàn. Không một dấu vết nào giúp đoán ra được chủ nhân của món quà vô danh.

Phương đặt cặp xuống ghế. Mình có mở khóa nhầm phòng không đấy? Nhưng anh chợt nhớ ra vào thời gian này chỉ có mình anh đăng ký sáng tác ở đây. Phía sau tòa nhà là chỗ ở của gia đình chị Trúc bảo vệ. Biết đâu chị ấy bỏ quên? Nhưng khi Phương hỏi thì chị chỉ ngơ ngác:

Hôm qua tôi có lên phòng quét mạng nhện và đặt bộ ấm chén cho chú, mà có thấy gì đâu?


Mặc dù hết sức ngạc nhiên, Phương vẫn không quên bổ quả đu đủ và chia cho bầy con của chị Trúc. Khi trở về phòng. Phương vẫn còn băn khoăn... Ai? Ai đã làm cái hành động bí mật? Và bằng cách nào đột nhập được vào phòng? Chắc chắn không phải chị Trúc. Anh thoáng nghĩ đến cô con gái lớn mười sáu tuổi của chị Trúc, lúc nãy vừa cầm miếng đu đủ từ tay anh vừa vênh mặt lên một cách nũng nịu. Cô gái nhỏ trẻ trung và nhí nhảnh này rất có thể là tác giả một hành động tương tự. Nhưng nghĩ cho cùng nó có hề biết mình là ai, đã gặp gỡ quen thuộc bao giờ đâu?

Phương soạn xấp bản thảo lở dở ra và chuẩn bị viết. Nhưng đến lúc ấy anh mới nhận ra mình đang ở tình trạng "tâm bất tại". Không lẽ trong bốn bức vách của căn phòng này có một nàng Giáng Kiều ẩn nấp? Trời, quỷ thật. Chợt thấy mấy bông đồng tiền nằm bên góc bàn, Phương gác bút, đứng dậy tìm một vật gì để cắm vào. Những bông hoa này sẽ rất phù hợp với một cái lọ gốm nhỏ thon thon, cao cao. Không thể có ngay cái vật dụng cần thiết ấy. Phương đành đặt mấy bông hoa đã ngắt bớt cuống trong một cái ly uống nước, sau khi dùng sỏi chêm cho chúng khỏi đổ nghiêng về một phía. Trưa nay về, kể lại với cả nhà, chắc vợ anh phải trợn tròn mắt lên... Hừ, có nên kể cho Lan nghe điều này không nhỉ? Phương thấy như thoáng hiện ra trước mắt cái nhíu mày hoài nghi của Lan. Chắc chắn từ một chuyện, cô ấy sẽ suy ra đủ thứ. Thôi, khôn ngoan nhất là đừng nên kể cho vợ nghe. Vả lại, có gì quan trọng đâu? Chỉ là chuyện vớ vẩn,... Phương nghĩ thầm bất giác khẽ huýt sáo.


***

«Một hôm, đi chơi về. Tú Uyên thấy trên bàn đã có sẵn mâm cơm ngon ngọt. Hôm nào cũng vậy... Chàng ngạc nhiên, rắp tâm rình xem thì thấy từ trong bức tranh tố nữ trên tường, một người con gái bước ra, nhẹ nhàng thu vén đồ đạc trong nhà. Uyên mừng quá chạy vào, níu lại... Thiếu nữ cho biết nàng là Giáng Kiều, tiên nữ ở Bồng Lai»...

«Xoảng!» Mải nhìn vào trang sách, Phương vô tình gạt điếu thuốc vào cái ly ở cạnh bàn làm nó lăn lông lốc rồi rơi xuống đất vỡ tan. Lan từ dưới bếp đi lên, nhăn nhó:

- Lại sững rồi. Thỉnh thoảng lại đập một thứ... Hừ, tưởng gì, «Chuyện cổ nước Nam» cuốn đó mới mẻ gì mà anh mê đọc dữ vậy?

- Anh đọc để kiếm một chi tiết viết văn
.

Phương nói rồi mới ngạc nhiên về câu nói của mình. Tại sao phải biện bạch? Đọc chuyện cổ đâu phải là một chuyện gì kỳ lạ... Vả lại, cuốn tiểu thuyết anh đang viết lại lấy đề tài công nghiệp, dính gì đến cổ tích. Nhưng cũng chẳng sao: Lan đâu có biết anh đang viết cái gì. Đã xa lắm rồi cái thời cô ấy đọc say sưa từng tác phẩm của chồng, chăm chút cho chồng từng li từng tí trong thời gian công tác. Bây giờ, Lan quan tâm tới quá nhiều chuyện, và Phương cảm thấy hình như cô thích thú nhất là những buổi thảo luận hàng giờ với các bà hàng xóm về những đề tài như:

- Tủ gỗ lên giá bao nhiêu rồi?

- Làm thế nào để chữa cái van bảo hiểm của nồi áp suất?

- Có nên nuôi vịt bầu không?

Vân vân và vân vân...


Trong căn hộ, Phương đặt một cái bàn ở phía trong cùng, bên cạnh góc học tập của cu Bi, treo đầy tranh màu đủ loại. Đó là chỗ anh ngồi viết. Nhưng cứ mỗi lần ngồi xuống đấy và bắt đầu tập trung tư tưởng là lại phải nghe, phải trả lời, phải nghe, phải trả lời... Tất nhiên anh rất ao ước được như Lép- Tônxtôi: mỗi lần ông ngồi viết, bà vợ đều dặn gia nhân phải lặng yên, đi nhẹ chân để khỏi khuấy động... Nghe chuyện đó, Lan cười:

- Hì hì... Nhưng đó là nhà văn... Lép Tônxtôi! Nhà ổng có nhiều gia nhân, nên vợ phải dặn. Còn nhà này thì chỉ có em là gia nhân, quần quật từ sáng đến tối, thỉnh thoảng có chuyện vui chuyện buồn phải cho người ta nói chứ!

Hôm nay, từ nhà sáng tác trở về Phương đã thấy hơi mệt và đói bụng. Vừa đá mấy mảnh thủy tinh vỡ vào gầm bàn trước cặp mắt kinh ngạc của vợ -  Phương vừa càu nhàu:

- Đói bụng... Nhà mình lúc nào cũng ăn trưa quá.

- Ai mà chẳng đói... Nhưng mấy con heo cứ gầm lên trong chuồng. Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm mà anh.

- «Đã bao nhiêu lần, anh xin em đừng có nuôi heo nữa. Minh đâu có thì giờ. Bà chẳng biết thương tôi…» Phương bảo. Lan bĩu môi:

- Tôi không thương anh! Xà! Tôi không thương thì ai thương anh vào đấy? Đã lo cho từng li từng tí...

- Chưa chắc à nghe... Phương cười mỉm, trả lời vợ. «Coi bộ bà còn quí mấy con heo hơn tôi, nuôi mấy con heo còn kỹ hơn tôi…»

- Chứ còn sao nữa? Lan nói, dõng dạc. - Mình có nuôi heo đâu, heo nó nuôi mình đấy chứ!


Nói xong, Lan sấp lưng đi xuống bếp. Phương nằm lăn ra sập, thở dài ngao ngán. Trong trí anh, tự nhiên cái dáng mảnh mai xinh xinh của mấy bông đồng tiền đỏ thắm chợt hiện ra, dịu dàng, mát rượi. Anh thấy thèm không khí yên tĩnh trong căn phòng nhỏ…


***

Phương đã quyết tâm không thắc mắc về sự xuất hiện kỳ bí của quả đu đủ và mấy bông hoa, nhưng rồi cũng không được: ngày mai lại, trên bàn anh lại hiện ra mấy quả cam, và cứ tiếp diễn như thế mãi, không hôm nào đến đấy mà anh không nhận được một món quà bồi dưỡng. Có hôm anh giật mình sau khi ăn xong mấy quả chuối: ngộ nhỡ trong này có thuốc độc thì sao... Cái nghề viết văn, kẻ yêu mình cũng lắm mà người ghét mình, chửi mình cũng nhiều. Nghĩ rồi anh bật cười: đến hôm nay mà mình chẳng chết, chắc là không phải người ta «mưu sát» mình đâu!

Có lẽ người ấy phải là một trong những người quý mến anh. Giả định như thế hình như có lý hơn. Từ ngày xuất bản tập tiểu thuyết viết về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Huế, anh nhận được khá nhiều thư. Có thư viết để khen tác giả, có thư lại hỏi về số phận về sau của các nhân vật. Những bức thư lúc có tên, có lúc vô danh, đã đem tới cho anh bao nhiêu niềm phấn khởi, chắc chắn người ấy đã đọc và đã cùng vui buồn, xúc động với anh qua tác phẩm. Nhưng người ấy là ai: làm cách nào để vào phòng anh? Và tại sao không cho anh gặp? Toàn những điều bí mật!

Một buổi chiều, tạm nghỉ viết, Phương đi quanh bàn, quan sát các góc phòng. Cạnh bàn có một cửa sổ, lâu nay vẫn đóng kín để tránh tiếng ồn ào từ ngoài lộ. Trong lúc tìm kiếm điều bí ẩn Phương vô tình ẩy tay vào và lúc bấy giờ mới thấy cái chốt đã lờn từ hồi nào. Cánh cửa bật tung, và! Phương hiểu ngay người ấy đã làm cách nào để đặt những món quà bé bỏng lên mặt bàn. Khi đi vòng ra phía ngoài cửa sổ, một sự kiện nữa lại chứng minh điều phát hiện của anh: chỗ đất sát móng-tường có một lớp rêu đóng, trên lớp rêu còn dấu một vết chân nho nhỏ... Một dấu giày, phía sau nhỏ và in đậm xuống, chứng tỏ là dấu giày phụ nữ. Đúng! cái cử chỉ quan tâm và dễ thương này chắc chắn không thể có ở nam giới, khi mà đối tượng tiếp nhận lại thuộc giới tu mi nam tử như anh.

***

Không hiểu từ bao giờ Phương không còn thói quen đem những trái cây nhận được xuống chia cho mấy đứa con chị Trúc nữa. Hình như anh đã cảm thấy tất cả sự trìu mến ân cần trong tặng phẩm, và rõ ràng là để đáp lại một tình cảm chân thành như thế, thì sự quảng bá ồn ào của anh có vẻ vô tâm và phũ phàng. Nếu nhỡ người ấy vẫn ở đâu đó quanh đây thì sao? Phương đâm ra mất tự nhiên, lúc nào anh cũng có cảm tưởng có đôi mắt của ai đó chăm chăm nhìn theo mình. Nhất là khi ngồi một mình trong phòng. Có hôm anh thấy mỏi, vươn vai, định gác chân lên ghế nhưng cái chân vừa co lên đã vội thụt xuống như sợ ai phê bình «bất lịch sự». Chợt nhận ra chỉ có mình trong phòng, anh bật cười vì sự lẩn thẩn rất là thơ mộng ấy. Mình mà cũng đâm giàu tưởng tượng, đúng là một chàng Tú Uyên thứ thiệt!

Căn phòng đối với Phương dần dần trở thành một thế giới bé nhỏ, dịu dàng. Anh thấy, mình tràn trề một thứ sinh khí kỳ lạ. Ở nhà, anh chỉ toàn bị phiền nhiễu vì những chuyện phức tạp. Còn ở đây, anh cảm thấy mình được tôn trọng, được yêu thương. Có một cái gì cứ đẩy anh tới trước, anh muốn sống, muốn đi, muốn gặp gỡ mọi người, muốn trò chuyện, muốn viết tràn thật nhiều, thật nhiều trang mới...

Một buổi sáng, Phương cố tình đến rất sớm, dựng xe đạp vào hành lang phía trong của nhà sáng tác. Xong, anh đến trước cửa phòng của mình. Sự tò mò thôi thúc anh và anh nhất định khám phá ra con người bí ẩn. Anh tra chìa khóa vào ổ...

Đúng lúc đó, có tiếng động vọng ra. Đúng là tiếng ai đẩy nhẹ cửa sổ. Rồi một tiếng cười khúc khích khe khẽ... Tiếng cười trẻ trung và dễ thương làm sao... Chỉ còn đẩy cửa ra thôi, anh sẽ thấy nàng tiên thầm lặng của mình... Anh tưởng thấy trước mắt một bóng dáng mảnh mai đang nghiêng người qua cửa sổ, với tay đặt lên mặt bàn mấy bông hoa xinh xắn.

Nhưng không hiểu sao Phương không dám đẩy cửa vào cái giây đã rắp tâm chờ đợi ấy. Cái phút Tú Uyên gặp Giáng Kiều. Bởi vì, đúng lúc đó anh chợt thoáng nghĩ: so sánh như thể có khập khiểng lắm không? Anh đứng im, nghĩ ngợi và chợt thấy hoảng. Một lát sau, khi vào phòng, tất cả đã đâu vào đấy: Nửa nải chuối lùn mập mạp đang nằm vuông vức trên bàn viết.

Chiều hôm ấy, Phương không viết chữ nào. Lúc sắp về, anh tần ngần đến bên cửa sổ và im lặng chốt cái then lại. Anh nghĩ đến nỗi thất vọng của nàng tiên bé nhỏ vào sáng mai, khi những ngón tay mảnh dẻ cố gắng kéo chiếc cánh cửa ra nhưng không thể được. Anh tưởng tượng đến đôi mắt thất vọng và trách móc của nàng. Đôi mắt mỗi sáng sớm vẫn nhìn vào đây, trải ra một cái nhìn âu yếm dịu dàng, cái nhìn như bóng mát...

Không, thực sự anh đâu cần phải làm như thế. Thực sự thì anh luôn luôn thấy thiếu một cái gì đó - Một sự quan tâm mật thiết và đầy thông cảm. Để đáp lại những ước vọng tinh tế của tâm hồn anh, vợ anh chỉ có tiếng cười “hì hì” cố hữu. Nghĩ cho cùng anh chẳng có lỗi gì nếu cứ sống song song trong hai thế giới, thế giới thực tế của Lan và thế giới lãng mạn của người thiếu nữ vô danh. Nhưng anh sợ không dừng lại ở đó được. Đúng, cái khuynh hướng tiến tới làm anh đâm ngại cả chính mình. Chà ! Đúng là gay go... Phương ngáp dài, đội mũ, thu xếp nốt mấy vật dụng trên bàn và chuẩn bị đi đón cu Bi.


***

Sáng hôm sau, đến nhà sáng tác, Phương đối diện với mặt bàn trống lạnh. Không vội viết tiếp, anh châm thuốc hút. Vĩnh biệt! Anh nói với người không có mặt. Chà chà, sao mình lại xúc động thế này nhỉ ?

Trưa lại, thực sự đói bụng và mệt, Phương vừa dắt xe vào nhà vừa cau có- giải tán một tiểu đội nhóc con đang chơi ầm ĩ trước cửa. Ủa... Chết chưa! Trên cái bàn, trong góc sáng tác của anh, một quả đu đủ chính ửng đang nằm cạnh mấy bông đồng tiền đỏ đã hơi heo héo. Không lẽ nàng tiên: có phép thăng thiên, độn thổ, lúc nào cũng có cách đón trước anh hay sao ? Nhưng đấy là nhà anh... Nếu Lan thấy, thì cô ấy nghĩ thế nào?

Phương còn đang sửng sốt thì Lan ở dưới bếp lên:

- Gớm làm gì mà đóng cửa kỹ thế... Phí của mấy bông đồng tiền hồi sáng còn tươi, giữ đến trưa héo cả.

- Hả?

Phương ngẩn người, rồi chợt thấy đôi dày của Lan nằm ngay ngắn dưới gầm giường, trên mũi dày đính một vệt rêu. Cái quần mầu kem vắt trên lưng ghế cũng mang một vệt bẩn xanh xanh nơi đầu gối. Lan nhìn theo mắt chồng “Cứ tưởng như mọi khi, ẩy một cái, ai ngờ trượt chân ngã lăn ra ... Bắt đền, trưa nay nhà văn phải chia phần đu đủ bồi dưỡng nghe”.

- Ra là em đấy à ? Phương hỏi. Đất dưới chân anh sụt lở hết.

- Chứ còn ai vào đấy ? Lan trả lời chồng với một cái nhếch mép hơi mỉa mai, mắt vẫn không ngừng quan sát vẻ mặt khi xanh khi đỏ của Phương. “Trái cây mua sáng sớm dọc đường vừa tươi vừa rẻ. Hôm đầu, em định đem vào gởi ởchị Trúc nhờ chị đem lên cho anh, nhưng dắt xe đi ngang cửa sổ chợt thấy cánh cửa đập đập nhẹ vì gió lay... May mà em, chứ gặp kẻ trộm thì...”

Bây giờ Phương mới hiểu vì sao lâu nay Lan không cho chàng đem quần áo hay bất cứ một thứ vật dụng gì xuống nhà sáng tác. Chà… cái cô vợ này thật, anh vẫn tưởng tính tình cô thuộc vào loại bộc toạc không ngờ lại «thâm thiểm» thế, cứ im im như không, định cho người ta đi tàu bay giấy chắc ! Té ra ăn một mâm, nằm một chiếu, ở một nhà đã bảy tám năm trời mà không biết hết nhau, cũng lạ thật,

Phương đánh trống lảng, tránh cặp mắt của vợ bằng cách đứng dậy tìm con dao gọt trái cây. «Sao mà hồi này bà quan tâm tới tôi quá thế? Hả»? «Vậy chớ hồi nào em không quan tâm tới anh? Không quan tâm mà phải đầu tắt mặt tối từ sáng đến chiều, đến nỗi không có thời giờ đọc một cuốn sách giải trí, thậm chí cũng chẳng biết trong đầu chồng mình nghĩ gì? Lan vừa trả lời, vừa sấp lưng đi xuống bếp. Giọng cô có vẻ chua chát, nhưng lại được tiếp theo bằng một tiếng cười... Lần đầu tiên từ rất lâu, Phương nghe trong tiếng cười của vợ một âm vang trong, vui, hóm hĩnh. Thì ra cũng chính cái tiếng cười ấy hôm qua... Cũng là may, lẽ ra thì cô ấy phải nổi tam bành lục tặc lên mới phải. Chợt nhớ đến cái then cài chặt của cánh cửa sổ, Phương vụt hiểu: anh tưởng tượng ra vẻ mặt của Lan sáng nay, khi kéo cánh cửa sổ ra và nhận thấy nó không còn để ngõ như mọi ngày.

Anh sắp đu đủ lên dĩa, để giành cho cu Bi một phần, rồi bưng xuống bếp. Lan đang xới cơm, mặt nhăn lại trên làn hơi nóng ngùn ngụt. «Này đền cho cái ngã hồi sáng đây. Ngã sung sướng, ngã hí hửng, chứ đau đớn gì mà bắt người ta đền nhỉ? lẽ ra hôm nay anh phải được hưởng gấp hai mới đúng!». Lan thọc cùi chỏ vào sườn anh:

- Đừng có tưởng ngon à nghe...

Hai thế giới đã nhập vào một, Phương thầm nghĩ khi đi lên nhà. Bây giờ anh là người vừa được, vừa mất. Dù sao, điều may mắn nhất là giữa chính cuộc đời phiền tạp này anh vẫn có một Giáng Kiều - mà từ trước đến giờ có khi nào anh nghĩ tới đâu?

10-5-85
T. T. M.
(17/2-86)







Các bài mới
Chuyện Lão Khứ (31/10/2011)
Viết về Huế (13/10/2011)
Các bài đã đăng
Trăng hạ tuần (09/09/2011)