Tạp chí Sông Hương - Số 18 (T.4-1986)
Huế đã ươm mầm cách mạng trong tôi
09:20 | 01/11/2011
TRẦN THỊ HƯỜNG (*)                    Hồi Ký Mùa thu năm 1922 tôi rời thị xã Quảng Ngãi hòa trong dòng học sinh của nhiều miền trong đất nước về học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).
Huế đã ươm mầm cách mạng trong tôi
Trường Đồng Khánh Huế xưa - Ảnh: internet
[if !mso]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lúc này Huế cũng như toàn đất nước ta đang đắm chìm trong ách nô dịch của thực dân Pháp. Mất nước là mất tự do và chủ quyền. Mọi hoạt động xã hội những gì là ích nước lợi dân thì đều bị cấm hoặc hạn chế. Chúng chỉ đầu tư cho những công việc phục vụ lợi ích thống trị của Pháp thôi. Chính vì thế mà trường học vô cùng hiếm. Cả nước số trường trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ Trung kỳ trở ra muốn học phải thi rất khó khăn mới vô được trường Trung học ở Huế. Đó là lý do vì sao từ Quảng Ngãi một đứa con gái nhỏ như tôi phải xa gia đình ra tận Huế học.

Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy ở trong trường mặc dù là trung tâm văn hóa song tụi Tây vẫn rất thiếu văn hóa với chị em in hệt tình trạng chung ở mọi nơi trong nước. Bọn giáo viên người Pháp kiêu ngạo, khinh người Việt Nam ra mặt. Điển hình là vợ của chánh mật thám Soynhi, vào lớp mụ khịt khịt mũi và nhìn học trò khinh khỉnh. Bất kỳ điều gì xẩy ra trong lớp trái ý là mụ quát tháo và phỉ báng. Nhất là đối với cụ giáo già dạy chữ Hán hay quấn thuốc lá Cẩm Lệ thì mụ tỏ vẻ khó chịu và khinh bỉ làm chúng tôi rất tức giận... Nhìn ra xã hội thấy bất công vì mất chủ quyền. Ngay trong trường điều đó hằng ngày diễn ra va chạm trực tiếp với chúng tôi, chúng tôi không thể không suy nghĩ. Trường chúng tôi lại gần lao Thừa Phủ, đêm đêm chúng tôi lén học khuya thì thỉnh thoảng từ bên đó văng vẳng có tiếng kêu hét của những tù chính trị bị tra tấn. Chúng tôi thao thức rì rầm về những điều tai nghe mắt thấy đó. Đã bước vào tuổi thanh niên, lòng yêu nước, ý thức dân tộc trong chúng tôi bừng bừng bốc lên mạnh mẽ.

Người hay tâm sự với tôi là chị Nguyễn Thị Hồng bàn bạc với nhau làm sao cho một số chị em khác cũng có dòng suy nghĩ như mình. Ngày nghỉ tôi được phép về nhà chị ruột tôi. Anh Hồ Kỷ - anh rể tôi, đã cho tôi và chị Hồng xem những bài thơ yêu nước, những sách cấm. Tôi học thuộc lòng nhiều bài rồi về đọc cho một số chị em nghe như bài: kêu gọi chị em phụ nữ, bài ca yêu nước v. v... rồi sau là Hải ngoại huyết tâm thư. Những lời kêu gọi yêu nước của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của chúng tôi vì thế tôi và chị Hồng quyết tâm tìm cách theo cách mạng. Trong lúc đó anh Lê Duy Điếm, qua anh Hồ Kỷ đã giúp đỡ, cho chúng tôi biết rõ vì sao phải theo cách mạng và chúng tôi lại càng được giác ngộ thêm. Sự thật mà nói chúng tôi cũng chưa biết theo một chính đảng nào, chỉ biết làm gì có lợi cho nước là được. Con đường nào mà đánh đổ được tụi thực dân và bè lũ bán nước vua quan thì chúng tôi hướng về con đường đó. Lúc bấy giờ có nhóm trí thức như các ông Trần Đình Nam, Lê Ấm, Nguyễn Đình Ngân v.v... hay họp mà chúng tôi cho là bàn việc nước nhà nên chúng tôi rất phục. Có lần tôi ghé đến nhà ông Trần Đình Nam vào lúc lễ tang vua Khải Định tôi thấy có câu đối:

"Thà chịu dân ngu đen dưới đít
Còn hơn quan tướng trắng trên đầu"

Tôi cho đó là hay vì có ý thức khinh ghét vua quan. Tôi chép đưa về thường chuyền cho số chị em thân xem. Từ tin nầy đến tin khác, từ bài thơ nầy đến bài thơ khác chúng tôi cùng nhau bàn luận và khí thế học sinh ngày một sôi sục. Lúc này tôi mong có việc gì thực tế để làm. Một lần nhân nhà trường được nghỉ lễ ông Trần Đình Nam đến nhà tôi đưa thư của nhóm trí thức vào cho anh Thái ở Thái Phiên (Đà Nẵng) để phối hợp về lễ tang của cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Tôi rất phấn khởi nhận nhiệm vụ. Đến đưa thư cho anh Thái xong tôi hỏi thăm đến nhà chị Tố Lan, chị bạn mà tôi gặp trên nhà cụ Phan Bội Châu và quen nhau từ đó. Ở chơi một buổi rồi ra tàu, chị tặng tôi một bài thơ (viết vào bức ảnh mà tôi còn giữ đến ngày nay). Nội dung bài thơ như sau:

"Cũng tình đồng chí nghĩa tương tri
Tấn tụ xưa nay sự bất kỳ
Kinh địa vừa vui duyên hội ngộ
Đã thành thêm bận nỗi chia ly
Mai mưa chiều nắng trời dẫu đổi
Nợ nước kìa non đất chẳng di
Một mảnh tình chung in bóng nguyệt
Lòng riêng riêng chạnh nỗi truy tùy".

Chúng tôi đang còn bâng khuâng tìm tòi phải làm gì và ai là người đứng lên dẫn đường chỉ lối thì anh Hồ Kỷ cho biết tin từ nước ngoài đưa về là ông Nguyễn Ái Quốc mở trường tại Quảng Châu (Trung Quốc) để đào tạo cán bộ cách mạng. Theo ý kiến của anh Lê Duy Điếm, anh Hồ Kỷ vận động tôi và chị Nguyễn Thị Hồng ra đi. Chúng tôi rất phấn khởi và quyết tâm bỏ học. Lúc này tôi và Hồng đã học năm thứ 4. Thi vào trường đã khó mà ra khỏi trường lại càng khó hơn vì lời cam đoan bắt buộc phải làm cho chính phủ Pháp 10 năm sau khi ra trường. Nếu không phải trả lại tiền bốn năm ăn học. Là người nghèo chúng tôi không để khổ cha mẹ già nên Hồng thì giả điên và tôi thì giả ho lao. Giả ho lao có dễ hơn giả điên nhưng cũng công phu lắm. Thoạt đầu phải tạo những cơn ho khúc khắc, rồi chích huyết tay ngậm vào mồm nhổ ra lon để cho bác sĩ thăm bệnh thấy. Và ngày nào cũng lặp đi lặp lại cách ấy. Một hôm nghe y tá bảo cho biết ngày mai đi chụp phổi. Anh Hồ Kỷ ở nhà thương Huế đã mách cho cách là tối ấy phải hút hết một bao thuốc và phải nuốt hết khói. Hút và nuốt khói của một bao thuốc làm cho tôi vô cùng mệt nhưng đã đánh lừa được tay bác sĩ Sous le Rol khi nhìn phim chụp. Nó phải công nhận là phổi bị mờ. Về thủ tục xét nghiệm vi trùng thì tôi nhờ ông Trần Đình Nam ghi vào giấy xét nghiệm là đờm có vi trùng.

Được ra khỏi trường một cách êm thấm tôi và chị Hồng vào ở trong chùa Từ Đàm chờ ngày lên đường sang Quảng Châu. Nhưng thật không may cho chúng tôi người liên lạc bị bắt và đường giây bị đứt. Như vậy là việc xuất dương không thành. Chị Hồng về Thanh Hóa còn tôi nhờ anh Hồ Kỷ giúp sức mở được tiệm sách ở Bến Ngự. Hiệu sách lấy tên là Mai Ký (Huế) để tuyên truyền sách báo tiến bộ yêu nước. Lúc này ông Nguyễn Đình Ngân mượn danh nghĩa là lời của chị Hồng viết tặng tôi hai bài thơ. Sau đây là một bài tôi còn nhớ:

"Xin chúc về buôn được đắc tài
Một lời một vốn một ra hai
Theo đường thực nghiệp nên mau bước
Mà gánh đồng bào phải ghé vai
Vận đỏ trời kia nào có hẹp
Ngày xanh ta vẫn hãy còn dài
Xưa nay có chí thì nên việc
Trong chị em mình chịu kém ai"

Việc bán sách với mục tiêu tuyên truyền nên kết quả kinh doanh chẳng là bao. Anh chị em học sinh rất ít tiền nên thường đến tiệm sách để đọc là chính. Cũng may là sách báo ở Sài Gòn như: Tiếng chuông truy hồn, Hồi trống tự do v.v… gởi ra bao giờ bán hết gởi trả tiền sau. Riêng sách báo miền bắc thì gởi vào theo cách lãnh hóa giao ngân nên mỗi lần sách tới là phải lo tiền. Tuy tôi đã đi bán sách nhưng chị em trường Đồng Khánh vẫn ra chuyện trò bàn bạc những chuyện xảy ra trong nước nói chung và trong trường nói riêng. Lúc này toàn quyền Varenne không khép được cụ Phan Bội Châu vào án tử hình chúng bèn đưa vào Huế giam lỏng ở nhà Nguyễn Bá Trác. Khi đưa cụ đến phủ Thừa, học sinh Quốc Học cũng như Đồng Khánh chuẩn bị biểu tình đòi thả cụ ra. Hội học sinh Quảng Nam, hội học sinh Quảng Ngãi là những hội có không khí náo nhiệt nhất. Những tập truyền đơn đưa ra. Tôi đã lãnh hằng mấy trăm tờ truyền đơn. Ngày thường tôi có phần rụt rè. Nhưng lúc đó, khí thế cuồn cuộn của phong trào đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Chúng tôi đã rải truyền đơn khắp nơi trong thành phố. Một học sinh Quảng Nam bị bắt giam ở Phủ Thừa. Chúng tôi mang thức ăn cho anh ta. Mặt khác chúng tôi vẫn tiếp tục đi rải truyền đơn. Rút kinh nghiệm nơi vắng thì cảnh sát theo dõi, tôi nảy ra ý kiến là rải chỗ đám đông, chúng ít đề phòng nên có hiệu quả hơn. Sau việc rải truyền đơn thì học sinh bãi khóa. Anh chị em không ra cổng được thì nhảy tường, không khí thật là rầm rộ. Trước đám đông bọn cảnh sát không dám đàn áp. Học sinh nội trú không về trường ăn cơm mà theo ông Hùm và ông Tệ ăn cơm, còn một số thì ra hiệu Mai Ký của tôi. Hiệu sách nghèo, tiền không sẵn, anh Hồ Kỷ phải chạy vạy được vài trăm đồng để giúp chị em ăn uống. Tôi thì cũng gom góp hết tiền bán sách báo để mua gạo mắm. Điều khó khăn nhất là những chị em không trở lại trường. Chị em hỏi ý kiến nhau là phải làm gì? Chúng tôi chỉ biết khuyên là nên về gia đình mình, về tỉnh mình kiếm việc làm ăn rồi lần hồi tìm cách theo cách mạng.

Tôi thường lên nhà cụ Sào Nam Phan Bội Châu để nghe nói chuyện. Những buổi nói chuyện ban đầu có rất nhiều anh chị em học sinh đến nghe, về sau bị mật thám theo dõi nên số người cứ rút hẹp lại.

Hè năm ấy anh Tùng và chị Xuân đi từ Huế ra Thanh Hóa bị xe đổ mà chết. Tôi cùng chị Bội Lan lãnh nhiệm vụ tổ chức lễ truy điệu. Người đến dự và xem đông vô số kể. Có người phải trèo lên cây để nhìn. Tôi đọc điếu văn, chị Bội Lan đọc câu điếu. Những bài này do cụ Sào Nam Phan Bội Châu viết cho. Điếu văn có đoạn:

Giấy căn cước mang đi cho sẵn
Ma tuyền đài may khỏi lôi thôi
Bằng đíplôm ai có mua không
Giá nô lệ thôi đừng cân nhắc

Than ôi nước bể bạc phèo, mây đèo đen hoắc, nở quăng bảy thước với hồng trần. Không tỏ tâm gân cùng cố quốc.

... Còn câu đối thì có những câu như:

- Văn minh hỡi văn minh nghĩ đã buồn ghê, trông đường thiên lý xa xa, nhà chưa tới mà kiếp đã về đâu, nát thịt tan xương đau phận chị.

- Gian khổ thật gian khổ, kể sao xiết đặng xót nỗi đồng song mãi mãi, nước tuy mất nhưng thân còn sống đó, vá trời lấp bể nặng phần em.

***
Tuy tiệm sách tôi gặp không ít khó khăn nhưng thường xuyên tôi nhận được nhiều thơ khuyến khích. Những bài thơ thường nói bóng nói gió về lòng yêu nước, không dám công khai phản kháng. Tôi còn nhớ một bài như sau:

Nghìn năm tin đưa mượn cánh hồng
Mấy lời nhắn với bạn tâm đồng
Núi sông tuy cách người Trung, Bắc
Em chị cùng chung giống Lạc Hồng
Kinh tế mở mang ta phải gắng
Lợi quyền bênh vực giúp nhau cùng
Nối dây thân ái ngày thêm chặt
Non nước còn nhiều nghĩa vụ chung.

Sau đó, càng ngày tôi càng bị theo dõi nhiều hơn nên việc bán sách càng khó khăn. Cứ vài tuần thì tiệm sách lại bị khám xét. Tôi có người quen làm ở Phủ Thừa cứ nghe động là cho tôi biết trước. Khi mật thám phối hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra sách, tôi thường nhờ anh Nguyễn Khoa Hòa giấu sách cho. Lúc bí quá thì cột đá vào gói sách mà vứt xuống cầu Bạch Hổ.

Tiệm Mai Ký chúng tôi có bí mật ra một tờ báo con đặt tên là "Ngòi bút thiếu niên". Anh Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều có giúp đỡ cho tờ báo này và anh Khương Hữu Dụng (bây giờ đang còn ở Hà Nội) là người tích cực trong việc viết báo. Báo chuyền tay bí mật này mới ra được bốn số thì chết vì bị lộ. Biết rằng mình bị theo dõi nhưng tôi cũng không sợ hãi gì. Có việc gì tôi cũng tiếp tục làm. Năm ấy anh Đồng Sĩ Bình bị bắt giữa lúc cụ thân sinh anh mất. Nhà nghèo anh dứt khoát không theo lệnh của tòa Khâm nên tụi nó bỏ anh vào sọt khiêng đi. Chúng tôi rất căm giận tụi bù nhìn bán nước và thương xót anh. Sau cuộc vận động quyên góp, anh Hồ Kỷ đã giao tôi một số tiền, tôi đi cùng anh Đinh Nho Hàn xuống làng Mậu Tài để giúp gia đình anh Bình. Tôi lại hứa với gia đình là sẽ đưa nuôi hai em Đồng Sĩ Hiển và Đồng Sĩ Hứa. Tuổi trẻ bồng bột chứ sự thật kết quả kinh doanh của tôi có bao nhiêu. Các chị tôi cho tiền, bà con giúp đỡ mà tôi lại dám đứng ra lãnh nuôi hai người thì thật phiêu lưu. Cho nên khi về Mai Ký tôi cố góp nhóp tiền mua được một thúng gạo to mang cho các em. Và sau đó là tôi đành chịu, không nuôi được nữa.

Tiệm sách Mai Ký cứ liên tục nhận được sách trong Sài Gòn gửi ra, phần nhiều sách này chỉ lưu hành trong Nam mà không lưu hành được ở Huế. Có lần mật thám lấy quá nhiều sách (vì chưa giấu kịp), tôi đã kháng cự và hỏi lại - "Vì sao các ông không cấm người viết mà cứ cấm người bán?" Cho đến hơn một năm sau thì tiệm sách bị đóng cửa.

Khi hiệu sách bị đóng cửa thì sách báo bị tịch thu gần hết. Tôi lo thanh toán tiền nhà cửa nợ nần sách báo. Cụ Phan Sào Nam có đến thăm và đưa cho ba đồng bạc. Tôi thưa với cụ rằng tiền của cụ là tiền của "quốc dân đồng bào" tôi không nhận và chỉ nhận của ông Ngân (ông là anh chị Hồng nên coi cũng như anh tôi). Ông Ngân đưa cho tôi 5 đồng để góp phần giải quyết bớt tiền sách báo. Lúc ấy tôi không biết ông Trần Huy Liệu nhưng ông Trần Huy Liệu biết hết mọi việc xảy ra với tôi. Ông Trần Huy Liệu viết tặng tôi một bài thơ động viên và chia buồn với tôi. Trong lúc đi ông Trần Huy Liệu cũng bị bắt vào tù.

Tôi ra đi mang theo bao nhiêu tình cảm của trường Đồng Khánh, của bạn bè và nhất là cái tiệm sách Mai Ký của tôi. Tiệm sách đã để lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm mà không bao giờ quên được. Từ giã Huế tôi vào Sài Gòn cùng chị Hồng, chị Trang. Vào đó tôi lại gặp chị Giao (vợ anh Hà Huy Tập). Chúng tôi đi dạy tư và tìm cách hoạt động. Nhưng sau khi ở Sài Gòn về thăm nhà ở Quảng Ngãi thì tôi bị bắt và chúng giải tôi ra Huế. Tôi bị bốn tháng tù ở Hộ Thành. Rồi năm ấy cũng là năm tôi từ biệt Huế cho đến bây giờ.

Tôi đã tham gia cách mạng ở nhiều miền, nhiều nơi, nhưng mãi mãi tôi không thể quên được những ngày hoạt động sôi nổi ở Huế và luôn luôn nhớ Huế.

Huế đã ươm mầm cách mạng trong tôi.

T.T.H.
(18/4-86)



--------------------------
(*) Nguyên chủ tiệm sách Mai Ký, Bến Ngự, Huế - Nguyên Thường Vụ Việt Minh tỉnh Lâm Đồng (1945-1946)- Nguyên Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Bình Định - Nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.







Các bài mới
Hy sinh (02/12/2011)
Các bài đã đăng
Bài thơ ban mai (10/10/2011)
Vào năm 1986 (07/10/2011)