[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Đây là một bài thơ rất đáng quí. Đáng quí không chỉ vì nó là một trong những bài thơ chữ Hán hay nhất của ông; nó thấm đượm lòng yêu thương vô bờ và sự cảm thông vô hạn của nhà thơ tới những người phụ nữ bị xã hội phong kiến hắt hủi vùi dập, mà quan trọng hơn là trong bài thơ này Nguyễn Du còn phản ánh được nét đẹp tâm hồn của các tướng lĩnh Tây Sơn, những nghĩa binh Tây Sơn, những người đã một thời bên kia chiến tuyến với ông, điều các tác phẩm văn học đương thời ít đề cập, thể hiện được.
Chúng ta đều biết phong trào nông dân Tây Sơn là một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại, lừng lẫy vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Song đáng tiếc là văn học lúc bấy giờ chưa phản ánh đúng tầm vóc lớn lao của nó. Đã thế hầu hết các tác phẩm ca ngợi, phản ánh nó lại tập trung thể hiện những chiến công quân sự thần kỳ, nền triều chính Tây Sơn tốt đẹp, đặc biệt là đề cao, ca ngợi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là chủ yếu. Do vậy dòng văn học phản ánh phong trào nông dân Tây Sơn, triều đại Tây Sơn đạt được những thành tựu xuất sắc trong thể văn chính luận và mang nặng bút pháp tự sự nhưng lại hiếm đi chất trữ tình sâu lắng, chưa lột tả được vẻ đẹp tinh thần của đội quân «áo vải cờ đào». Công bằng mà nói thì «Hoàng Lê Nhất Thống chí», «Ai tư vãn» và «Văn tế Quang Trung» có phản ánh được ít nhiều vẻ đẹp tâm hồn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Đành rằng Nguyễn Huệ chính là sự kết tinh sức mạnh, trí tuệ, tâm hồn sáng ngời chính nghĩa của đội quân Tây Sơn song sự phản ánh đơn điệu như vậy sao khỏi phiến diện, nghèo nàn, làm lu mờ tính chất quần chúng của cuộc khởi nghĩa vĩ đại này. Với bài thơ «Long Thành cầm giả ca» hình ảnh những người Tây Sơn không phải là chủ đề chính, là cảm hứng chủ đạo như hình ảnh Nguyễn Huệ trong «Ai tư vãn», «Văn tế Quang Trung» và một số hồi ở «Hoàng Lê Nhất Thống chí». Nguyễn Du đề cập đến họ như một yếu tố, một mắt xích trong số phận nhân vật chính - người ca nữ tài hoa - mà ông yêu mến. Vẻ đẹp của họ toát lên từ bài thơ chính là thông qua thái độ trân trọng nâng niu người ca sĩ đất Long Thành vốn vẫn bị xã hội phong kiến hắt hủi, khinh miệt. Nguyễn Du đã đặc tả ca nữ với ngón đàn tuyệt diệu trong một đêm tiệc lớn của các tướng lĩnh Tây Sơn:
«Xuân độ ấy đang hồi ba bảy
Ánh hồng trang lộng lẫy mặt hoa
Não người vĩ rượu ngà ngà
Năm cung dìu dặt nãy qua phím đàn
Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi
Tiếng trong như hạc gọi xa xăm
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm
Buồn như tiếng Việt Trang nằm đau rên».
Tiếng đàn vô song đó đã thấm vào tâm hồn từng người lính, từng tướng lĩnh Tây Sơn, khiến họ quên cả nỗi mệt nhọc sau cuộc «Trường chinh vạn dặm»:
«Ai nấy nghe nhường quên mệt mỏi
Rõ tiếng đàn đại nội trung hòa
Tây Sơn quan khách la đà
Mảng vui quên cả tiếng gà tan canh»
Rõ ràng những nghĩa binh Tây Sơn không chỉ anh hùng trong chiến trận mà còn rất hồn hậu, nhân ái trong cuộc sống. Họ biết phân biệt tà chính để đứng dưới ngọn cờ đào của Nguyễn Huệ biết «hành binh như bay, tiến quân rất gấp» đánh Nguyễn, diệt Trịnh, đuổi Xiêm, phá Thanh nhưng cũng biết rung động trước những cái hay cái đẹp trong cuộc sống. Trước tiếng đàn «quân thiên nhã nhạc ai bì» ấy của người thiếu nữ Long Thành họ lắng nghe quên cả đêm khuya thanh vắng, rồi tranh nhau bày tỏ mối thiện cảm với một thái độ phóng khoáng, trân trọng:
«Tả lại hữu tranh giành gieo thưởng
Tiền như bùn ước lượng qua qua
Vương hầu thua vẻ hào hoa
Ngũ lăng chàng trẻ ai mà kể chi»
Thậm chí đến mức tôn thờ ca nữ như một vật báu vô song: «Tưởng chừng như ba mươi sáu cung xuân» chung đúc thành một vật báu vô giá của đất Trường An. Nếu chúng ta biết trước đó không hiếm những tác phẩm miêu tả đội quân Tây Sơn như một lũ người man rợ, võ biền, ngay cả ở thế kỷ 20 trong một số tác phẩm của «các nhà nghiên cứu văn học sử» dưới thời ngụy quyền Sài Gòn cũng miêu tả, nhận định những nghĩa binh Tây Sơn như thế(2), thì chúng ta lại càng biết ơn Nguyễn Du đã khách quan trong sự phản ánh. Vốn là con cháu một dòng họ danh gia vọng tộc của triều đình Lê - Trịnh, trong cuộc đời mình Nguyễn Du đã có lúc chạy theo Lê Chiêu Thống, bất hợp tác và có ý định chống đối triều đại Tây Sơn. Nhưng trong bài thơ này, bài thơ ông viết khi triều đại Tây Sơn đã sụp đổ, và nhà thơ đã trở thành một vị chánh sứ tin cẩn của triều đại nhà Nguyễn, thì Nguyễn Du lại phản ánh được phần nào bản chất tốt đẹp của đội quân Tây Sơn, Cùng thời với Nguyễn Du trong thiên tự truyện về cuộc duyên tình dở dang của mình Phạm Thái đã vẽ nên hình ảnh một viên quan Tây Sơn vũ phu, cục mịch(3). Còn dưới ngòi bút của Nguyễn Du thì các tướng lĩnh Tây Sơn lại là những người hào hoa phóng khoáng không thua kém những bậc vương hầu ở các vùng đất «Hoa Hạ» văn minh. Hơn thế họ còn biết nâng niu, trân trọng giá trị thực của con người. Hai mươi năm sau, vào thời điểm Nguyễn Du viết bài thơ này (1813) khi gặp lại người ca nữ xưa kia trong bữa tiệc bạn bè đưa tiễn ông, vị chánh sứ của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Du bàng hoàng khi thấy con người tài hoa nhất thành, lộng lẫy khoe hương sắc trong bữa tiệc của các quan Tây Sơn giờ đây tàn tạ thu mình ngồi cuối chiếu đàn bản đàn ngày nào:
«Mé cuối tiệc một người nho nhỏ
Tóc hoa râm mặt võ mình gầy
Bơ phờ chẳng sửa đôi mày
Tài hoa ai biết đất này không hai»
Vẫn tiếng đàn xưa, tiếng đàn giúp Nguyễn Du nhận ra người quen biết tài hoa thuở nọ. Nhưng thân phận ca nữ giờ đây khác hẳn. Không một ai ngoài Nguyễn Du để ý đến nàng. Đâu phải chỉ vì giờ đây cô gái trẻ trung, phong nhã ngày xưa đã trở thành «một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỉ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng»(4) mà Nguyễn Du đau lòng. Ở đầu bài thơ, khi nhớ lại hình ảnh ca nữ trong đêm tiệc của các tướng lĩnh Tây Sơn Nguyễn Du không đặc tả nhan sắc ca nữ mà đặc tả ngón đàn của nàng. Trong lời tiểu dẫn bài thơ ông cũng ghi rõ rằng nàng «không đẹp lắm»(5). Nàng được những người Tây Sơn quí trọng, hâm mộ chính là nhờ tài đàn những bản nhạc «hay nhất ở trên trời cũng như giữa cõi người»(6). Ngón đàn ấy không tàn phai theo năm tháng. Nó trường tồn. Nhưng không phải lúc nào cũng có những khách tri âm hiểu và trân trọng. Nguyễn Du đau lòng «bồi hồi không yên, ngẩng lên, cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay»(7) là vì vậy. Phải chăng trong sự xót xa cho số phận ca nữ, cho «người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh, nhục, buồn, vui thật không lường trước»(8) được đó có bao hàm cả sự xót xa cho chính bản thân mình của nhà thơ? Phải chăng Nguyễn Du đau đớn vì nhận ra sự đối lập về bản chất giữa hai triều đại mà ông chứng kiến? Một triều đại ông từng quay lưng, lẩn tránh và có ý nghĩ chống đối thì giờ đây khi nó đã tiêu vong ông mới thấy nó đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho con người, luôn vì con người - điều ông luôn mơ ước. Còn triều đại mà ông đi theo phục vụ lại chà đạp lên lý tưởng nhân văn của ông. Dù có muộn sự thức tỉnh trên vẫn là điều hết sức đáng quí. Không chối cãi được rằng trong cuộc đời Nguyễn Du có lúc có những hạn chế về nhận thức chính trị. Nhưng là một nghệ sĩ chân chính nhà thơ biết trăn trở suy xét để đi đến những nhận định khách quan. «Long Thành cầm giả ca» chính là sự thể hiện sinh động điều đó. Nó vừa đánh dấu sự chuyển biến trong nhận thức của nhà thơ, vừa chứng tỏ sự chiến thắng của chân lý hiện thực trong thơ ông. Tuy muộn màng nhưng nó đã góp một phần không nhỏ trong tiếng nói ca ngợi, phản ánh những nghĩa binh Tây Sơn, phong trào nông dân Tây Sơn. Nó xứng đáng được xếp là một trong những bài thơ hay nhất, có giá trị tích cực nhất trong tập thơ chữ Hán của ông.
Huế 1985
P.H.M.
(18/4-86)
---------------
1. Thơ chữ hán Nguyễn Du. NXB Văn học - Hà Nội 1978, tr.231.
2. Dẫn theo «Góp phần tìm hiểu phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ» - Sở TTVH Nghĩa Bình 1983, tr. 33 - 92.
3. Phạm Thái. Sơ kính tân Trang. Lại Ngọc Cang khảo thích, giới thiệu. NXB Văn hoá, Hà Nội 1960.
4, 5, 6, 7, 8. LờI bài tiểu dẫn «Long Thành cầm giả ca» sách đã dẫn tr. 232-233.