Tạp chí Sông Hương - Số 18 (T.4-1986)
Thời đại và con người
08:15 | 11/11/2011
L.T.S: Soutchat Sawatsri nhà thơ và viết truyện ngắn chủ bút báo "Thế giới sách vở" vừa là một nhà phê bình có uy tín ở Thái Lan. Trong bài "Thời đại và con người" đăng trên báo Pháp "Thế giới ngoại giao" năm 1983 Soutchat Sawatsri đã giới thiệu tóm tắt đầy đầy đủ các bước phát triển của văn học Thái Lan hiện đại.
Thời đại và con người
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4



SOUTCHAT SAWATSRI



Thời đại và con người


Mãi cho đến năm 1929, Thái Lan mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, nhưng nền văn học hiện đại Thái thì đã có từ gần một trăm năm nay. Việc đặt nhà in ở Băng-cốc, những thành tựu của sự nghiệp giáo dục mới đối với con em tầng lớp thượng lưu rồi đến tầng lớp trung lưu (đa số là người Hoa làm ăn lâu đời trên lãnh thổ Thái) và việc khám phá ra tiểu thuyết Châu Âu do những sinh viên Thái được cử đi học nước ngoài, chủ yếu ở nước Anh, mang lại là những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến nền văn học đó.

Ngày trước, trong văn học truyền thống, người ta chỉ sáng tác những bài thơ theo khuôn khổ cố định, các kiểu ca khúc quí tộc (tchane) chịu ảnh hưởng của văn học Ấn Độ qua tiếng Phạn và tiếng Pa-li, hoặc những loại chuyện dân gian(klorn) và nền văn học dân gian truyền miệng nói chung.

Năm 1901, cuốn tiểu thuyết phương Tây đầu tiên được dịch và in bằng tiếng Thái là cuốn Vendetta (Báo thù truyền kiếp) của Ma-ri Cô-re-li. Cuốn sách lập tức có tác động mạnh mẽ đến những phần tử trí thức thuộc tầng lớp trên mong muốn bắt chước nước ngoài ngay cả về phong cách văn chương. Họ sáng tác lần lượt một số tiểu thuyết và truyện ngắn dung hòa tư tưởng phương Tây với giáo lý đạo Phật lấy chữ "Thiện" làm cội nguồn. Theo đạo lý này thì mọi hành vi tốt hay xấu đều luôn luôn mang lại những hiệu quả tốt hay xấu một cách bất di bất dịch. Các câu chuyện thường được kết thúc một cách tốt đẹp. Như vậy, ngay từ những sáng tác đầu tiên đó, một loại hình văn học thiên về tình cảm và mang sắc thái lãng mạn được hình thành và được duy trì cho đến những năm 60, thậm chí còn tồn tại cả ngày nay trên nhiều sách báo bình dân có số lượng xuất bản lớn.

Vào những năm trước và sau đại chiến thế giới lần thứ hai, một dòng văn học hiện thực xuất hiện với những tác phẩm của Xi Buy-ra-pa, Ken-cơ-rít Pơ-ra-mốt, Đốc-ma Xút v.v... Tiếp đó là những tác phẩm có khuynh hướng tiến bộ chịu ảnh hưởng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa xâm nhập vào đất Thái những năm 45-47 (tiểu thuyết của Ne-pi thơ, của Rít Pu-mít-xát, truyện ngắn của Kam-xing Xi-nóc).

Tiếc thay là những trào lưu mới đầy hứa hẹn đó bị chế độ quân sự độc tài lên cầm quyền năm 1957 do thống chế Sarit cầm đầu trấn áp khốc liệt. Một bộ phận các nhà văn, nhà báo và trí thức tiến bộ đi theo quân du kích kháng chiến ở các vùng chiến khu, những người khác thì bỏ nghề hoặc chuyển sang viết các thể loại văn lãng mạn. Đó là những năm đen tối của văn học Thái kéo dài từ năm 62 đến năm 75, cũng gọi là thời đại Mỹ, vì ảnh hưởng văn hóa Mỹ kết hợp với nền độc tài quân phiệt đã sản sinh ra một "thế giới mới" theo mô hình phương Tây. Dưới chế độ Mỹ hóa, nhiều nhà máy, xa lộ, ngân hàng, bệnh viện, khách sạn, đại siêu thị... mọc lên ngổn ngang nhờ vốn nước ngoài, trước hết là vốn đầu tư của Mỹ và Nhật. Việc đình chỉ chủ trương cải cách điền thổ tạo cơ hội cho bọn đầu cơ ruộng đất, tước đoạt tài sản nông dân nghèo khiến họ bị dồn về sinh sống chui rúc ở các đô thị và bán sức lao động rẻ mạt cho tư bản công nghiệp. Năm 1945, Băng-cốc mới có gần hai triệu dân, nay đã lên đến năm triệu dân. Hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng lên rõ rệt. Trong thời kỳ Mỹ hóa sáng tác văn học chỉ giới hạn trong khuôn khổ những sách ướt át dành cho nữ giới và những chuyện phiêu lưu rởm dành cho nam giới; thường mang sắc thái giới tính thấp hèn hay mê tín dị đoan hủ lậu. Cùng trong thời kỳ đó, nền văn học tìm hiểu tâm lý xã hội biến mất để nhường chỗ cho những tác phẩm phản ảnh tâm trạng và tham vọng của bọn tư sản mới làm ăn phát đạt. Nhờ báo chí và truyền thanh truyền hình mà "nền văn học" này nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa.

Vào đầu những năm 70, phong trào sinh viên và trí thức bùng nổ mạnh mẽ, đấu tranh đòi tự do dân chủ. Những ước vọng chính trị xã hội của thế hệ nhà văn mới cũng từ đó mà phát triển sâu sắc. Các tầng lớp trung lưu vùng lên chống lại nguy cơ tha hóa của bản thân mình. Tình cảm này được biểu đạt trong văn học dưới những hình thức biểu hiện mới liên quan đến khái niệm "phản nhân vật". Những nhà văn trẻ bất mãn với chế độ quay lại với những nguồn cảm hứng duy tâm hoặc chủ nghĩa hiện thực xã hội những năm 50. Sau hai mươi năm quên lãng, các tác phẩm của Ne Pi, Xi Buy-ra-pa Xé-ni Na-va-pông lần lượt được tái bản. Tháng mười năm 73, chế độ độc tài Thanom-Prapat bị lật đổ. Một nền văn học gọi là "tiến bộ" hay "vị dân sinh" nẩy nở đặt trọng tâm vào những vấn đề xã hội cấp thiết. Nền văn học này chịu ảnh hưởng mạnh của xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa xô viết tiêu biểu là Maxim Goóc-ki và nền văn học hiện thực Trung Quốc do Lỗ Tấn khởi xướng. Song song với xu hướng tiến bộ này, dòng văn học "tấm gương của giai cấp trung lưu" cũng cho ra đời những tác phẩm xuất sắc mô tả sự suy đồi xã hội và sự biến chất những giá trị tinh thần. Chẳng hạn Rong Wongsawane mô tả đời sống một gái điếm Băng Cốc trong tác phẩm "Sanim Soi", Souwanni Soukontâ mô tả đời sống của một thầy thuốc ở nông thôn trong tác phẩm "Keo Cheu Kân" v.v...

Những nhà văn đối kháng thuộc những năm 70 có quan điểm đồng nhất về nguyện vọng chính trị: họ chống lại trật tự xã hội hiện hành. Nhưng họ thuộc vào những dòng tư tưởng khác nhau. Phái "bảo thủ" chủ trương quay về với những giá trị của quá khứ (như Xu-rê Vong-tét Ăng Can Ka-la-ya-na-pong) thuộc nhóm "Làn sống mới"; phái "tự do" thiên về khuynh hướng nhân bản, bác ái (Xu-rát-se Răng-ti-ma-to... thuộc nhóm "Trăng lưỡi liềm").

Năm 1976, một chính phủ cực hữu được thành lập sau vụ giết hại đông đảo sinh viên trường đại học Thamasat ở Băng-cốc. Chính phủ này ra lệnh cấm hơn hai trăm tác phẩm văn học. Một lần nữa, sinh viên, trí thức nhà văn tiến bộ, cán bộ công đoàn v.v… lũ lượt bỏ chạy ra nước ngoài hoặc tiến vào rừng. Hai năm sau, vào năm 1978, do nội bộ tập đoàn cầm quyền quân sự đấu đá liên miên bắt buộc chính phủ mới phải thi hành một số chính sách mở rộng tự do dân chủ, những người lánh nạn lại quay về quê hương, hy vọng đấu tranh góp phần cải thiện tình hình đất nước. Chắc chắn là hy vọng đó hết sức mong manh.

Từ những năm đầu của thập kỷ 70, xu hướng hiện thực (chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa khách quan…) là xu hướng chủ đạo trong giới nhà văn trẻ, vượt xa các xu hướng khác như xu hướng cách tân, xu hướng trào phúng, xu hướng siêu thực hoặc xu hướng tượng trưng. Những xu hướng không chủ đạo thường thiên về "nghệ thuật vị nghệ thuật" hơn là việc tìm lối thoát cho những vấn đề thực tế xã hội.

Kỹ thuật viết văn hiện nay rõ ràng khác hẳn với ngày trước. Các chuyện kể nói chung không tôn trọng trật tự thời gian của biến cố, mà gắn liền với nhân vật hay những yếu tố nội tâm; tại một thời điểm phát ngôn cái hiện tại được lồng vào quá khứ và cả những viễn cảnh tương lai. Nguyên tắc kết thúc "đại đoàn viên" vui vẻ ngày xưa không còn tác dụng nữa, thay vào đó là những điều luân lý tiềm ẩn mà độc giả tự tìm kiếm lấy sau khi đọc xong tác phẩm. Do hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, do ảnh hưởng văn học phương tây, tình tiết truyện và nhân vật trong văn học Thái có xu hướng mang tính mơ hồ, bí ẩn. Hành động xảy ra không phải bao giờ cũng phù hợp với tư duy thông thường. Chuyện kể theo ngôi thứ nhất (tôi, chúng ta...) cách viết theo dòng tư duy tự nhiên thực thụ, đó là những kỹ thuật ngày càng được ưa chuộng. Nhiều khi nhân vật không có danh tính, được biểu đạt duy nhất bằng các đại từ "tôi", "anh ấy", "hắn", "ta", "thị" v.v... Nhân vật vô danh tính được đề cao như phản nhân vật, tất cả nhằm thể hiện con người bình thường ngoài phố hoặc trên đồng ruộng không có số phận gì đặc sắc, đứng trước những vấn đề xã hội đặt ra cho họ. Tuy vậy, việc tìm hiểu tâm lý các nhân vật trong dòng văn học này chưa tiến được xa, chưa có gì sâu sắc, thường dừng lại ở phương thức bi kịch. Phương thức bi kịch là phương thức trái ngược với cách viết các tác phẩm thuộc nền văn học "bình dân" hiện nay luôn luôn thô thiển, lạc quan rẻ tiền nhưng bán chạy như tôm tươi.

S.S
T.Q dịch từ bản tiếng Pháp của A.M và M.B. đăng trong báo "Thế giới ngoại giao" (Pháp)
(18/4-86)







Các bài mới
Hy sinh (02/12/2011)
Các bài đã đăng
Lúm đồng tiền (04/11/2011)