[if gte mso 9]> Rừng già mùa mưa thật khắc nghiệt, tất cả đều ướt sũng. Mưa hàng mấy tháng rồi còn gì! Thật tiếu lâm, ở giữa rừng mà thiếu củi. Có gạo nhưng không thể thổi cơm ăn, cứ "nện" lương khô và nước suối hết ngày này sang ngày khác. Họa hoằn chúng tôi mới tìm một hốc đá nhen lửa để luộc ống tiêm, tiêm cho những người bị ốm. Nhen được lửa ở Trường Sơn mùa mưa quả là một kỳ công. Chúng tôi phải bớt đi từng cái bì thư quý giá, từng cái quai dép cao su ít ỏi để đốt lên một ngọn lửa nhỏ nhoi vừa đủ làm sôi một ấm nước nhỏ xíu. Sức khỏe của bộ đội giảm xuống trông thấy. Những hốc mắt trũng sâu xuống, những gò má xám chì nhô cao lên. Nước da ai cũng tái mét, môi thâm xì lại. Lương thực mang theo cạn dần. Tất cả những sự vất vả ấy, đối với chúng tôi - những người lính đặc công ở Trường Sơn chỉ là chuyện thường. Thật ái ngại cho Thư, cô du kích dẫn đường, người con gái duy nhất trong đội. Liệu cô ấy có thể chống chọi được với hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt của mùa mưa Trường Sơn hay không? Với tầm tuổi ấy, ở miền Bắc, em gái mình đang theo học ở nhạc viện Hà Nội. Trời ơi, giá mà không có chiến tranh thì… Tôi bất giác mỉm cười với cái ý nghĩ ngồ ngộ của mình. Thư có dáng người thanh mảnh, nước da trắng hồng, mái tóc để xõa chấm eo lưng. Trông Thư giống như một cô gái con nhà khá giả ở thành thị. Thật mới đầu chúng tôi cũng khó mà tin được một cô gái vùng ven trông xinh là thế mà đã có một lý lịch mang đầy huyền thoại về những thành tích chiến đấu. Trông hiền lành, xinh đẹp vậy mà đã ba lần dũng sĩ chứ ít gì. Tôi nhớ cái hôm Thư lên hậu cứ đón chúng tôi. Thú thật tôi hơi bị hẫng. Chúng tôi đã được báo trước là có đồng chí du kích vùng ven về đón. Cứ nghĩ đó là một đồng chí du kích đã lớn tuổi, mặt mũi gân guốc, cao lớn ngang tàng ra dáng "anh chị" hay chí ít cũng phải là một chàng thanh niên lực lưỡng, tầm thước, tay chân chắc nịch như rễ lim, rễ đước, đánh giặc dữ như hổ vồ. Ai ngờ! Hôm được tin đồng chí du kích đến, chúng tôi đang đánh "tiến lên" vội quẳng ván bài đang đến lúc sát phạt chạy ra. Trời ơi, thất vọng! Dần đường mũi đột kích lại là một "Ami" xinh tươi kiều diễm thế này ư? Chúng tôi, ai cũng cười mỉm, tỏ ý hơi coi thường cái cô gái có dáng người mềm mại mà hiền lành ấy. Trung đội trưởng Thịnh gật gù an ủi. - Thôi! Cũng được. Chắc chắn là chúng ta sẽ cắt rừng vất vả hơn, nhưng có một cô gái xinh đẹp như thế giữa Trường Sơn thâm u này để "cải thiện mắt" thì cũng được. Chúng tôi gật đầu đồng tình với sự an ủi đó. Cánh lính trẻ bắt đầu sà vào tán. Dãy nhà lá bỗng râm ran tiếng cười nói không hề hạ gam của cánh đặc công khi đã về hậu cứ, cứ xả ga hết cỡ, chẳng ý tứ lịch sự gì cả. Cô gái vẫn lặng lẽ nhìn chúng tôi mỉm cười. Đôi mắt bồ câu đen láy ánh lên một niềm vui hồn hậu. Bất giác, ánh mắt ấy dừng lại ở tôi, khiến cho câu đùa ác tôi chưa kịp nói đã bật ra đằng tai biến mất làm tai tôi lùng bùng như có ai mang bộ trống đánh bên cạnh mình với cường độ hàng ngàn đề-xi-ben. Toàn thân tôi bỗng nổi hết gai ốc, mồ hôi vã ra, chuếnh choáng như vừa uống rượu. Thú thật lần đầu tiên trong đời, tôi mới hiểu cái mà người ta thường gọi là "sóng khuynh thành". Cũng không rõ từ lúc nào, tất cả chúng tôi đã chuyển từ thái độ đùa cợt sang thương yêu. Tất cả đều coi Thư như là một cô em gái và mỗi người đều phải có trách nhiệm nâng niu, giúp đỡ. Tối hôm đó đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ. Toàn ca sĩ "đực rựa" giọng vịt đực, hát như là hô khẩu hiệu. Thật bất ngờ, giữa buổi biểu diễn, cậu Sô (phụ trách văn nghệ) giới thiệu một tiết mục ngâm thơ của Minh Thư, du kích vùng ven. Bài thơ "Quê hương" của Giang Nam, tôi thuộc từ ngày còn đi học cấp hai. Bài thơ hay thật, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xúc động như lúc này, khi được nghe qua giọng ngâm của Minh Thư. Giữa chốn núi rừng bạt ngàn này, tự nhiên giọng ngâm của Minh Thư vang lên trầm ấm, xôn xao. Độ rung ngân trữ tình của chất giọng ấm cúng ấy như có một sức mạnh quyến rũ kỳ diệu. Tôi nhìn chung quanh, những ánh mắt của các chiến sĩ đổ dồn về phía Minh Thư, nhưng có lẽ tâm hồn họ đang hướng về quê hương, vùng đất thiêng liêng nhất trong mỗi người lính xa nhà. Có những tiếng xì xào bàn tán: nghe đâu trước đây, cô ấy là một cô giáo thuộc loại "sắc nước hương trời". Đám ngụy quân, ngụy quyền và cả tụi Mỹ nữa cứ bâu xung quanh cô ấy hàng lô. Cô ấy cũng là nguyên nhân của những cuộc đọ súng giữa những tên ác ôn khét tiếng tàn bạo và hám sắc. Và cũng chính vì thế mà cô ấy gặp nhiều khó khăn trở ngại trong hoạt động bí mật hợp pháp. Cực chẳng đã với tụi giặc, cô ấy đành xin với mấy chú "nhảy núi". Từ đó Thư trở thành cô du kích vùng ven xinh đẹp, dũng cảm gan dạ và đầy mưu trí, nhiều phen làm cho địch khiếp đảm. Buổi liên hoan văn nghệ đêm ấy gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Sáng hôm sau, vừa mới tinh mơ, chúng tôi còn đang ngái ngủ, bỗng vang lên hai tiếng súng nổ rất đanh và gọn ở phía suối. Tôi xách súng nhào ra. Giữa đường gặp Minh Thư, tay lăm lăm khẩu côn 12. Cách đó một quãng, một con rắn hổ mang to bằng bắp tay bị bắn dập nát đầu đang quằn quại. Anh em đổ xô đến. Ai cũng thán phục Thư là tay súng cừ khôi. Từ đó chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và khâm phục cô du kích vùng ven có giọng ngâm thơ tuyệt vời ấy. Giờ đây, Thư đang bươn bả đi trong mưa. Mảnh vải nhựa choàng lên thân hình mềm mại ướt sũng. Hai ống quần được xắn cao lên để lộ đôi chân tròn lẳn trắng muốt bước thoăn thoắt trong rừng mưa. Bóng cô nhạt nhòa trong mưa. Lòng tôi nhói lên một nỗi đau: "Nếu không có chiến tranh thì..." Cơn khát của một tâm hồn trai trẻ đầy sinh lực chợt ào đến dữ dội trong tôi. Nhưng mà thôi, sau cái chữ thì ấy, chắc chắn là lắm chuyện rắc rối, phiền hà lắm. Mọi thứ khả năng thứ hai ấy sau chiến tranh hãy hay... Đoàn người vẫn lần lụi đi trong những cánh rừng tối om. Tất cả đều im lặng. Thỉnh thoảng, lại một người trượt chân ngã lăn ra đất. Mặt mũi bê bết bùn. Đoàn quân dừng lại chốc lát rồi lại từ từ chuyển động. Nhưng rồi những ngày cuối của mùa mưa cũng sắp hết. Trên đỉnh trời, mây đen bị xé rách lổ chổ. Những mảnh trời xanh rời rợi hiện ra. Khó mà nói hết sự thèm khát màu trời xanh ấy của người lính Trường Sơn mùa mưa. Những ánh mắt rực sáng lên. Trời bắt đầu ấm và thế là những cơn sốt dịu lại. Chúng tôi hết sức khoan khoái vì được giải thoát khỏi sự ẩm ướt dai dẳng hàng tháng trời của mùa mưa. Đơn vị quyết định dừng chân tắm giặt và nấu cơm bên một dòng suối. Ánh nắng vàng rực bên một khoảnh rừng đầy hoa bươm bướm. Lũ chim chóc hót vang chào đón tia nắng đầu tiên của mùa khô. Tắm giặt xong, Thư ngồi hong khô mái tóc óng mượt. Những tia nắng dàn dụa chảy trên mái tóc. Tôi bất giác mỉm cười với cái ý nghĩ ngồ ngộ cứ lởn vởn hoài trong đầu óc: Giá mà không có chiến tranh... Nhưng nếu không có chiến tranh, cái dáng vẻ trần trụi, chân thật của người lính sẽ được khoác vào những cái vỏ hình thức mượt mà, và như thế liệu mình có thể có hạnh phúc được chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp bằng sự khao khát thực sự hay không? Đang chìm đắm trong những suy tư ấy bỗng Huy vỗ mạnh vào vai tôi nói: - Này, mày đang làm thơ đấy à. Thôi, đi kiếm chất tươi với tao. Tôi và Huy xách súng lội ngược dòng suối tìm thức ăn cải thiện cho đơn vị. Bao giờ cũng thế, cứ nghỉ chân là thằng Huy tìm cách cải thiện, khi thì vài con cá nhi đồng (cách gọi loại cá con của Huy). Khi thì một mũ cối đầy nấm lửa, tệ nhất cũng phải nắm lá chua nấu canh. Huy quê Hà Nội, làng Ngọc Hà làng hoa nổi tiếng của Thăng Long cổ xưa. Những lúc rỗi, hắn hay giảng cho tôi về tính khí các loài hoa. Hoa Hà Nội nổi tiếng đẹp và có tính cách hẳn hoi. Nào đồng tiền, thược dược, lay dơn, hồng bạch, hồng nhung, đào, mào gà, thủy tiên. Thôi thì đủ loại, mỗi loại một phong cách khác nhau. Những lúc ấy mắt tôi cứ tròn ra như ốc nhồi, mồm há ra như hang đá, phục lăn như bị cái kiến thức về hoa của Huy. Thật đúng là người Hà Nội, sành chơi, có tiếng. Huy là một thanh niên rất đẹp trai. Dáng người dong dỏng, trắng trẻo thư sinh. Đúng mốt "Người dây". Huy lại là người chơi vi-ô-lông rất giỏi. Đến nỗi mù tịt về âm nhạc như tôi mà nghe tiếng đàn của hắn cũng nổi hết da gà lên một lượt. Nghe nói, Huy say mê kéo đàn Vi-ô-lông từ khi đọc sách về nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng tài ba và cũng nổi tiếng bi kịch người Ý là Pa-ga-ni-ni. Có lần không có dây căng ác-sê, Huy phải đi tuốt đuôi ngựa bị ngựa đá lăn xuống ao bèo. Học xong lớp mười. Huy vào bộ đội. Chúng tôi vẫn gọi Huy là người "kiểng". Ấy vậy mà Huy lại là một chiến sĩ đặc công dũng cảm có tiếng. Có lần chúng tôi đi điều nghiên một khu đồi. Gần sáng, tất cả đã có mặt ở vị trí tập kết, chỉ thiếu có một mình Huy, mãi một lúc sau, Huy mới bò về đến nơi, miệng tủm tỉm cười. - Tao bò vào phòng thằng đồn trưởng. Hắn đang ôm bồ ngủ. Nhìn lên đầu giường thấy gói ru-bi, thèm quá, tao tính rút một điếu nhưng nghĩ chúng mày cũng khao khát, tao nâng luôn cả gói. Sáng mai, thể nào thằng cần vụ cũng được mấy cái bạt tai điểm tâm. Tôi đang miên man trong những dòng suy nghĩ ấy thì Huy vẫy tay ra hiệu. Chúng tôi leo lên một quả núi. Gần tới đỉnh, Huy dừng lại trao súng cho tôi rồi leo lên một cây dẻ cụt nhìn chăm chăm sang quả đồi bên kia rồi bất chợt reo lên: - Tuyệt? Tuyệt! Thật là rừng vàng biển bạc Tùng ơi. Bên kia có dơi. Dơi núi bay rợp một góc trời. Chà có hang dơi là có thịt tươi rồi Tùng ơi! Tôi vừa nghe Huy nói đến thịt dơi, nước bọt đã tứa ra đầy miệng. Hai thằng vội vã cắt rừng trèo lên quả núi đá đồ sộ. Lưng chừng núi, một cái hang đá sâu hun hút, tối om. Chúng tôi bước đi trên đống phân dơi dày hàng thước. Đàn dơi bay loạn xạ. Không mang theo vật gì để đựng. Huy cởi phăng quần dài, thắt gút hai ống quần rồi bỏ dơi vào. Chỉ một lúc sau, chúng tôi đã bắt được đầy một bọc dơi. Hai đứa hý hửng vác bọc dơi lùng nhùng trèo xuống núi. Về đến dưới suối, cả đơn vị đổ xô lại. Ai nấy trầm trồ, hoan hỷ. Trưa và chiều hôm ấy, cả đơn vị chén thịt dơi hả hê. Mặc dầu thịt dơi núi nấu muối bầm tím lại, dà hơn nhân nhẩn đắng. Nhưng dù sao, đây cũng là một bữa tiệc tươi rói giữa Trường Sơn. Sáng hôm sau, Huy và Minh Thư dậy sớm, rủ nhau lên núi bắt dơi. Hai người mang theo một chiếc bao tải to tướng. Họ ra đi lúc đơn vị đang ngủ say sau những ngày lặn lội mệt nhọc. Khoảng tám giờ sáng, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng L19 quần đảo trên không. Ở chiến trường, chuyện đó rất bình thường, chẳng ai để ý đến nó. Nhưng chiếc L19 đổi vòng bay, hạ thấp độ cao lượn đi, lượn lại chung quanh quả núi đá. Vòng bay của nó ngày càng khép kín. Hình như nó đã phát hiện thấy một dấu hiệu bất thường nào đó. Tôi nghĩ ngay đến chuyện đàn dơi liền nói: - Anh Thịnh ạ, Huy và Minh Thư dậy sớm. Họ vào hang bắt dơi. Có lẽ đàn dơi bị động tổ bay dáo dác nên thằng L19 nghi ngờ chắc. Thịnh nói: "Loại máy bay trinh sát dai như đĩa đói ấy là ghê lắm đấy" - rồi anh ra lệnh. - Coi chừng bị lộ, tất cả tản ra - Tuyệt đối không được nổ súng, giữ bí mật đến phút cuối cùng cho chiến dịch. Chúng tôi dự đoán không sai, chỉ năm sáu phút sau, một đàn phản lực lao tới. Tiếng bom nổ rền trên đỉnh núi. Giặc oanh kích dữ dội, hết tốp này đến tốp khác. Trong những ánh chớp nhoáng nhoàng, tiếng nổ dữ dội, tiếng cây cối đổ ầm ầm, tôi chỉ lo cho Thư và Huy. Nếu không may một quả bom rơi đúng miệng hang, sức ép dữ dội trong hang đá sẽ rất nguy hiểm cho hai người. Máy bay giặc vừa cút khỏi, chúng tôi đã lao lên quả núi đá. Cảnh vật trở nên trơ trụi. Mặt đất bị đào bớt nham nhở. Những tảng đá lăn ầm ầm xuống suối. Cây cối bị tuốt hết lá giơ những cánh tay khẳng khiu lên trời. Khói bom đắng nghét. Không gian trở lại yên tĩnh một cách ghê rợn. Khó khăn lắm chúng tôi mới xác định được phương hướng. Tôi lao về phía hang dơi. Một tảng đá khổng lồ đổ ụp xuống chắn lấy miệng hang. Đồng đội lao lên. Tất cả chững lại trước tảng đá khổng lồ xám xịt như một bức tường chết. Chúng tôi lao vào đào bới tìm kiếm, nhưng bất lực. Tảng đá lớn hàng trăm tấn đã ngăn cách hai người trong hang với chúng tôi thành hai thế giới riêng biệt. Lòng tôi quặn lên một nỗi đau đớn cùng cực. Ở trong kia, hai người bạn thân yêu của chúng tôi còn sống không? Ước gì có được sức mạnh thần thoại nhấc bống tảng đá khổng lồ kia quẳng xuống chân núi.
Như những người mất tinh thần, chúng tôi hoang mang tìm kiếm đào bới. Mãi sau chúng tôi mới phát hiện ra một kẽ nứt nhỏ. Tôi ghé vào hét lớn: - Thư ơi! Huy ơi! Tiếng gọi của tôi va vào bờ đá vọng lại một cách đơn độc buồn bã. Mãi một lúc sau, chúng tôi nghe như có tiếng trả lời rất nhỏ, mơ hồ và xa xôi như vọng lên từ lòng đất. Chúng tôi tìm mọi cách để phá hang. Các phương án liên tiếp được đưa ra nhưng tất cả đều vô hiệu. Chúng tôi đứng đực ra như phỗng, hai tay buông thõng, mắt ráo hoảnh nhìn không chớp vào tảng đá đồ sộ. Tất cả còn lại mười con người với những trang bị gọn nhẹ biết lấy gì để hất tung tảng đá lớn hàng trăm tấn này. Chúng tôi nhìn nhau im lặng. Chỉ còn mỗi một cách duy nhất. Đánh bộc phá. Nhưng đánh bộc phá sẽ xẩy ra hai điều bất lợi. Thứ nhất, sức ép của bộc phá sẽ nguy hiểm đến tính mạng của hai người. Thứ hai, tiếng nổ của bộc phá sẽ làm lộ bí mật, bọn thám báo biết được ý đồ của ta và như thế chiến dịch sẽ thất bại. Nhưng nếu không phá được hang, tính mạng của Huy và Thư sẽ ra sao? Tình hình trở nên hết sức gay cấn, khó xử. Suốt một ngày căng thẳng. Căng thẳng đến tột độ. Ai cũng cảm thấy mệt mỏi và bất lực. Trời tối dần, ánh hoàng hôn hấp hối phía bên kia cánh rừng cố hắt những tia nắng vàng vọt mỏng manh và yếu đuối lên nền trời đang sẩm tối. Chúng tôi chẳng nghĩ gì đến chuyện ăn uống, ngồi lặng im như những pho tượng đá quanh cái hang dơi đang giam hãm hai người đồng đội. Rừng núi trở nên lạnh vắng, hoang vu và khắc nghiệt. Những đôi mắt dò tìm nhau trong bóng tối. Ai cũng sợ phải nói lên một sự thực tàn nhẫn đến xót xa: bất lực và cái chết. Tôi không thể quên cái đêm khắc khoải ấy. Ở trong kia, cái bóng tối đặc quánh của hang sâu giữa bốn bề là đá ấy, hai người bạn, hai người đồng chí, đồng đội của tôi đang phải chống lại cái đói và sự cô đơn đến rùng rợn. Chung quanh đồng đội cũng thức trắng. Những đôi mắt ánh lên một nỗi buồn man mác. Ai cũng muốn làm một điều gì đó. Nhưng tất cả đều bất lực, Thịnh hút liên miên hết điếu này đến điếu khác thứ thuốc rê khét lẹt và nặng chịch của vùng Quảng Bình quê anh. Khuôn mặt Thịnh đanh lại, hốc hác. Trong anh già đi hàng chục tuổi. Chợt anh đứng dậy ném mạnh tàn thuốc. Điếu thuốc vạch một vệt sáng hình vòng cung rồi tắt ngấm trong bóng đêm. Thịnh nói: - Các đồng chí, bằng mọi giá chúng ta phải cứu được hai đồng chí ấy. Lời nói của anh đầy quyết tâm, nhưng lời nói ấy cũng chỉ rơi vào khoảng không im lặng. Chính anh cũng thừa biết điều đó vượt ra ngoài khả năng của con người. Chúng tôi đứng tựa lưng vào tảng đá lành lạnh, lòng ngổn ngang đau đớn. Trong lúc mọi người cảm thấy hoàn toàn bất lực thì Phúc, một chiến sĩ còn trẻ măng, bỗng dậy reo lên. Em nghĩ ra rồi. Chúng ta có thể dùng sào dài xuyên kẽ hở ấy để trao đổi với hai người trong hang. Như có một sức mạnh kỳ lạ, tất cả chúng tôi đứng bật dậy. Sáng kiến của Phúc được tiến hành ngay. Chúng tôi tìm hai cây nứa nối vào nhau thành một chiếc sào dài. Sau đó viết một mảnh giấy nhỏ kèm theo, mảnh giấy, chúng tôi bỏ vào trong ruột nứa phía đầu mũi sào một chiếc bút bi, một cái bật lửa và hai bánh lương khô. Cây sào được cẩn thận xuyên vào rãnh nứa. Gần ngập hết cả hai cây nứa bỗng chân tay chúng tôi run lên, cây sào bị đẩy đi đẩy lại như một sự báo hiệu tốt lành. Mười phút sau cây sào được từ từ đẩy ra. Chúng tôi nhẹ nhàng, hồi hộp kéo về phía mình. Một mảnh giấy nhem nhuốc và những dòng chữ thân thuộc của Huy run run trong bàn tay đầy đất bụi của Thịnh. ... Đã ba ngày rồi, chúng tôi trao đổi thông tin và lương thực cho hai người trong hang bằng phương tiện đặc biệt ấy. Cả đơn vị đau đầu vì chưa biết giải quyết ra sao. Những bánh lương khô cuối cùng được giành ưu tiên cho Thư và Huy. Đơn vị thay nhau đào củ mài, hái tàu môn thục nấu canh ăn. Tình trạng ngày một trở nên bi đát. Thời hạn quy định hành quân sắp hết. Bình thường ra thì hôm nay đơn vị đã cắm được xuống địa bàn, tiến hành điều nghiệm xây dựng cơ sở. Vậy mà, cho đến giờ phút này đơn vị vẫn còn kẹt lại giữa rừng trong hoàn cảnh khắc nghiệt này. Rồi lương thực cũng cạn hẳn. Ngày thứ tư, chúng tôi phải tiếp tế vào hang một ít củ mài luộc và ít quả sung rừng. Những cơn đói khủng khiếp ào đến. Chúng tôi nằm trong tình trạng hết sức khó xử. Không thể bỏ hai người đồng đội chết đói trong hang sâu, cũng không thể bỏ nhiệm vụ của đơn vị. Trưa hôm ấy chúng tôi nhận được một mảnh giấy nát nhàu, nét chữ nhòe ướt có lẽ vì nước mắt. Bức thư yêu cầu đơn vị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Mắt tôi hoa lên, mờ đi, nước mắt ứa ra. Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào một tình trạng bi đát như thế. Ai nỡ đang tâm ra đi bỏ lại hai người bạn thân yêu trong cái hang chết giữa rừng sâu này. Đã bốn ngày rồi đơn vị ăn toàn rau rừng và hình như ngày nào chúng tôi cũng nhận được mảnh giấy đề nghị đơn vị tiếp tục ra đi làm nhiệm vụ. Đến nỗi cuối cùng không ai còn can đảm cầm đọc những mảnh giấy ấy nữa. Sang ngày thứ năm, đơn vị hội ý để tôi và Phúc ở lại thay nhau đào củ mài hái quả rừng để tiếp tế cho Thư và Huy. Còn tám đồng chí còn lại gấp rút hành quân làm nhiệm vụ. Chiến dịch bùng nổ, đơn vị sẽ quay lại tìm cách phá hang. Hôm sau, khi chúng tôi chuyển thức ăn vào hang cho Huy và Thư đồng thời báo cho hai người biết quyết định của đơn vị. Cây sào bị níu giữ khá lâu, sau đó, chúng tôi nhận được một gói nhỏ bằng vải áo quân phục buộc cẩn thận bằng một nắm tóc. Chúng tôi nhìn nhau kinh hoàng. Tất cả linh cảm thấy một điều gì ghê gớm sẽ xảy ra. Bỗng một tiếng AK trầm đục và ghê lạnh từ trong hang đá vọng ra. Liền sau có một tiếng súng nữa lại vang lên. Chúng tôi không tin vào tai mình nữa. Chiếc gói tuột khỏi tay tôi rơi xuống đất. Tất cả bàng hoàng. Đất dưới chân chúng tôi như lún xuống. Thịnh chồm vào kẽ đá giọng thất thanh. - Các đồng chí không được liều lĩnh. Tiếng thét của anh va vào đá bật lại khô khốc và đơn độc. Cả không gian im lặng. Im lặng một cách rùng rợn. Trong đời lính chưa bao giờ chúng tôi phải chứng kiến một sự hy sinh đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi như thế. Tôi nhìn chăm chăm vào tảng đá, nước mắt chảy dàn dụa trên gò má nóng bỏng. Bất thần Phúc lao lên dáng một nắm đấm vào tảng đá đồ sộ. Bàn tay anh tóe máu. Tôi chạy lên đỡ lấy Phúc. Hai hàm răng anh nghiến chặt. Sau những phút bàng hoàng, tôi nhặt gói vải lên, nhè nhẹ gỡ lọn tóc. Mảnh vải bung ra. Một vài vật kỷ niệm, chiếc đồng hồ và lá thư gửi gia đình của hai người. Chúng tôi đứng im như những pho tượng trước cái hang đá trở thành ngôi mộ đá chôn hai người đồng đội. Chúng tôi cúi đầu vĩnh biệt Thư và Huy, nỗi đau hằn lên những khuôn mặt hốc hác đầy cát bụi. Vuốt mảnh giấy nát nhàu trong tay, những dòng chữ thân thuộc cuối cùng của Thư và Huy như nhảy múa trước mắt tôi… Chúng tôi bước đi trong những cánh rừng già, lòng nặng nề u ám. Đằng sau chúng tôi hòn núi đá, mờ dần rồi khuất hẳn. Chẳng ai nói điều gì, chúng tôi đi im lặng, mỗi người theo đuổi một dòng suy tưởng riêng. Khi tiếng súng chiến dịch Mậu Thân sắp sửa bùng nổ, chúng tôi cấp tốc quay lại hang đá dùng bộc phá cực mạnh nổ tung tảng đá để đưa hài cốt của hai người bạn về phía sau mai táng. Nhưng hài cốt không còn nguyên vẹn nữa. Các loài chuột, loài thú trong hang tha đi rãi rác khắp nơi. Chúng tôi phải bấm đèn pin đi nhặt nhạnh những khúc xương rơi vãi trong các hang hốc, gờ đá. Không còn phân biệt được hài cốt của hai người. Chúng tôi đưa về chôn chung một ngôi mộ bên cạnh dòng suối. Trước khi rời hang đá chúng tôi nhặt được khẩu AK đã mục nát báng gỗ. Trong băng đạn vẫn còn lại hai tám viên đạn đã rỉ sét. Khi tôi lấy viên đạn cuối cùng bung ra thì một gói ni lông nhỏ xíu rơi xuống, trong gói ni lông một mảnh giấy nhàu nát ghi chi chít những dòng chữ thân thuộc của Huy. "Hôm nay là ngày thứ mười sáu khi các đồng chí ra đi. Chúng tôi vẫn hy vọng..." Đọc đến đây, mắt tôi hoa lên. Mảnh giấy tuột khỏi tay rơi xuống đất. Thì ra chúng tôi đã ra đi bỏ lại hai người bạn yêu quý trong hang đá mà không ngờ họ vẫn còn sống, vẫn chống chọi với cái chết, bóng đêm và sự tuyệt vọng. Đêm ấy, trước khi trở về hậu cứ, chúng tôi đốt lên một đống lửa và ngồi quây quần chung quanh ngôi mộ của hai người cho đến sáng. Bảy năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi trở lại Trường Sơn đưa hai người đồng đội yêu quý về quê hương Minh Thư, mai táng bên gò đất cao cạnh bờ sông Sài Gòn ngày đêm dạt dào sóng vỗ. Hàng năm vào những ngày lễ ngày tết, các cụ phụ lão đến tảo mộ và thắp hương. Các em thiếu niên nhi đồng mang vòng hoa đến đặt lên ngôi mộ. Họ kể về ngôi mộ chung của hai người liệt sĩ như kể về một câu chuyện thần thoại đầy kỳ tích của thời đánh Mỹ. [if gte mso 9]> T.C.U (18/4-86) |