Tạp chí Sông Hương - Số 119 (tháng 1)
Đường phố lòng tôi
15:02 | 18/03/2008
NGUYỄN BẢNTôi nhổ vào hai lọ crem Tokalon trắng và hồng, loại crem Pháp đắt tiền đang dùng dở của bà, rồi vảy nước bọt đi cho mất dấu.
Đường phố lòng tôi
Minh họa: Ngô Lan Hương

Tôi không biết hàng ngày bà còn dùng nó hay không, nhưng mỗi khi sáng dậy, bà dậy muộn, mặt xị xuống, tóc rối bù, và cha tôi lại tới gần, nhìn kỹ vào mi mắt bà, lo lắng bảo:

- Mắt dì lại bị nặng rồi.

Lúc đó tôi lại tự nhủ thầm: "Mai ta lại nhổ và còn nhổ".

Tôi ghét bà, thực sự ghét bà.Tất nhiên, trước hết tại những chuyện dì ghẻ con chồng trong dân gian, trong thực tế đã chồng lên nhau những thành kiến nặng nề trong lòng tôi. Kỷ niệm ngày cha tôi cưới bà luôn sống lại trong tôi. Ngày đó tôi mới tám tuổi, đang học préparatoire (lớp 2 bây giờ), cả hai chân bị hạc tất (thấp khớp cấp), hai đầu gối sưng to, không đi được, phải bò lê, phải nghỉ học, và tôi đã bò lê tới ôm chặt lấy chân cha tôi khóc nức nở, khi mọi người giục cha tôi ra làm lễ tơ hồng. Tôi khóc theo bản năng, một bản năng mơ hồ tôi đang mất nốt cha. Nhưng không phải như thế. Cha tôi còn thương yêu, chăm sóc, bảo vệ tôi hơn, bảo vệ cả những niềm vui nhỏ của tôi. Bà chặt cần câu của tôi, cha tôi cho tôi tiền mua cần câu khác, dây câu khác, gián tiếp nhắc nhở bà phải tôn trọng những niềm vui nhỏ của tôi. Bà phàn nàn: "Tối nó chỉ đi chơi, chẳng chịu học hành gì cả". Cha tôi bảo:"Trẻ con phải có bạn, miễn là nó vẫn được điểm tốt". Và đúng là như thế, tôi học nhàn hạ và chưa hề bị điểm xấu về bất cứ môn gì.

Một lần, ngày mồng năm thang năm thì phải, bữa ăn, tôi với đũa sang đĩa thịt gà phía đối diện, gắp miếng tôi thích, bà mắng luôn:

- Đĩa trước mặt không gắp, lại với đũa sang đĩa khác, như thế là mất nết.

Nhìn nét mặt tủi hổ của tôi, cha tôi động lòng thương:

- Trẻ con, nó thích ăn miếng nào kệ nó.

Bà vùng vằng quật đũa xuống mâm:

- Không lần nào ông không chặn họng cả, tôi dạy nó, chứ tôi ức hiếp gì nó.

Cha tôi nghiêm mặt lại:

- Muốn dạy, để sau bữa ăn hãy dạy, lúc đang ăn, phải được vui vẻ.

Thế là bà quăng luôn bát cơm, hầm hầm chạy vào nhà khách, bà khóc và đập, đập hết những lọ hoa, bát đĩa, ấm chén, cốc tách Pháp, Nhật, Tàu, những thứ bà đem về khi lấy cha tôi, của hồi môn của bà, vốn liếng hàng đồ sứ của bà, bà chọn ra đập, bớt lại những thứ của cha tôi, đập bằng hết đồ của bà và được một sề đầy mảnh vỡ. Rồi bà đắp chăn mà khóc,nhịn ăn mà khóc. Cả ba người, bà, cha tôi và tôi hình như đều ân hận đều cảm thấy hình như mình phần nào có lỗi. Tất nhiên bà là người ân hận nhất, vì bà vốn đã không có quyền hành gì về kinh tế, từ nay lại càng không vì bà chỉ mang về có thế, nay lại đập vỡ hết cả rồi. Bà vốn trước là vợ một viên chức khí tượng, lương cao, nhà chồng giàu, chỉ quen việc nội trợ từ khi chồng mất mới mở hàng đồ sứ. Thời niên thiếu, bà là con một gia đình giàu có, là một trong những nữ sinh đầu tiên của trường tiểu học Hàng Cót, gia đình có tới năm ngôi nhà ở Hà Nội, có cả biệt thư ở Sa-Pa, nhưng ông bố đam mê, đã phá tán tất cả để làm ông bầu cho một đoàn tuồng cổ. Cha tôi cũng đã từng làm thư ký rồi bỏ đi buôn, thuộc hạng trung lưu, hồi nhỏ cũng chịu cảnh dì ghẻ con chồng, chắc rất hiểu những đứa con mất mẹ, nên nắm chặt quyền quản lý kinh tế gia đình, chắc ông nghĩ đó là cách bảo vệ con riêng của mình tốt nhất. Sau việc ấy, cha tôi chẳng những không giận bà, còn an ủi khuyên giải bà. Gia đình lại trở nên êm thấm. Nhưng từ đó cả vú em, người ở trong nhà hình như hơi lên mặt với bà. Có kẻ còn như làm chỉ điểm cho người bác, chị ruột cha tôi theo dõi bà. Bác tôi hễ cứ gặp tôi là soi mói, chì chiết bà. Tôi cãi, không phải để bênh vực bà mà vì không chịu nổi sự đặt điều ác ý. Bác tôi quát:

- Mày có biết đằng mù. Tuy tao không ở cùng nhà, nhưng cái gì tao cũng biết hết.

Em trai tôi, đứa em nhỏ mà bà sinh hạ được với cha tôi ốm quặt quẹo. Nó biếng ăn. Cháo bầu dục nó cũng không ăn. Có người mách, nếu có đứa trẻ khác ăn hộ sẽ chóng khỏi, nếu cho chó sẽ lâu thậm chí không khỏi bệnh. Bà bảo em gái tôi ăn hộ. Nó không ăn. Nó cho như thế là ăn thừa. Bà cáu:

- Cháo bầu dục không ăn, muốn ăn gì nữa.

Em tôi cãi:

- Ngon sao dì không ăn.

- Nứt mắt đã sĩ diện, có lúc rã họng ra.

Nó cãi tiếp:

- Tôi ăn của bố tôi, đâu ăn của dì.

- A, con này láo.

Bà xông vào đánh nó. Tôi đứng đó, chứng kiến từ đầu, thấy uất cho em tôi, liều xông vào vật lộn với bà, vừa thở vừa lắp bắp: "Ác độc... vũ phu!"

Tôi bị bà cào cấu xước mặt. Vú em vào can, bà mới thôi. Cũng may cha tôi đi Hải Phòng vắng, không biết chuyện. Bà không dám mách. Tôi cũng không dám mách. Vú em cũng vậy. Nhưng bác tôi biết ngay. Bác tôi bĩu môi:

- Trông mặt mũi đẹp nhỉ. Chả bênh dì nữa đi!

Rồi tôi cũng ốm. Năm năm sau, bệnh hạc tất lại tái phát. Lúc ấy tôi đang học lớp nhì năm thứ hai. Thầy thuốc bảo: sưng to mà nóng như vậy là dương hạc, phải uống thêm sâm. Cha tôi mua sâm cho tôi uống. Bà lồng lộn:

- Con lớn ốm thì uống sâm, con nhỏ ốm thì mặc xác.

Cha tôi như bị một nhát dao đâm vào tim. Ông quý nó hơn tôi, vì nó còn nhỏ, người ta dễ quý con nhỏ hơn con lớn, hơn nữa ông hợp nó hơn tôi vì thầy tử vi bảo: Số tôi có Xương, Khúc cư quan lộc, học giỏi, nhưng số nó có Khôi, Việt còn đẹp hơn, còn học giỏi hơn. Cha tôi đau đớn phân giải với bà:

- Bệnh dương tính mới uống được sâm, bệnh âm tính uống sâm để chết à, được, mai cả hai đứa cùng uống.

Nhưng bà không dám. Lúc đó bà mới vỡ lẽ. Mà bà thừa biết cha tôi không thiên vị con nào, mặc dầu có phần xung khắc với tôi.

Tuy vậy giữa tôi và bà vẫn luôn sinh chuyện. Con chó cái đẻ được ba con. Nhà giữ lại một con nuôi. Tôi cũng đòi giữ con mập mạp nhất riêng cho mình. Tôi thèm được bầu bạn, dù với con chó. Nhà tuy phong lưu, nhưng tôi thèm cảnh ấm áp gia đình những đứa bạn nghèo còn đủ cả cha lẫn mẹ. Vì vậy tôi cưng chiều nó. Nó quấn quít tôi. Đêm, có khi một hai giờ sáng, tự nhiên bừng tỉnh dậy, tôi ra sân chơi đùa với nó, dưới bầu trời đầy sao, cho tới sáng. Đôi khi nó theo tôi đi học, tôi phải đuổi nó về. Tôi yêu quý nó. Còn bà càng ghét nó. Bà mách cha tôi:

- Nó cho chó của nó ăn cả giò đấy.

- Để phần nó, nó không ăn, nó cho, kệ xác nó.

Phải, đó là thức ăn để phần tôi khi tôi đi học về, ăn ít ăn nhiều mặc xác tôi. Nhưng gai mắt bà. Bà tìm cớ để đánh nó. Nó cắn hóng, nó ỉa bếp. Tôi vặn:

- Nhỡ con kia ỉa thì sao?

- Tao rình bắt quả tang mới đánh.

Bà đánh nó một cách phũ phàng. Tôi cảm thấy như chính mình bị đánh. Tôi căm ghét bà, một sự căm ghét hồn nhiên trong trắng. Thật vậy, tuy căm ghét, nhưng không ít lần tôi vẫn bênh vực bà, mỗi khi bác tôi nghe vú em, người ở ton hót đặt điều nói xấu bà. Những khi ấy bác tôi thường bĩu môi nói mỉa: "Gớm, dạo này quý dì gớm nhỉ!". Thật ra, cũng có lúc bà tỏ ra tình cảm với tôi: "Cháy hôm nay ngon lắm!", bà gắp mấy con tôm to bỏ vào giữa miếng cháy vàng ươm đưa cho tôi. Thỉnh thoảng bà hỏi mượn tôi truyện. Thì bà còn biết làm gì hơn nữa ngoài việc ra chợ mua thức ăn và đọc truyện. Tôi mê truyện, mượn về rất nhiều. "Vợ ba Đề Thám", "Lá huyết thư", "Con voi già của vua Hàm Nghi", "Ngoại ô", "Ngõ hẻm"... Và một cuốn tôi quên mất tên truyện nhưng nói về cô Giang. Xem xong, bà bảo tôi:

- Dì biết cô Giang đấy.

- Sao dì biết?

- Cô ấy xuống nhà chơi mấy lần. Hình như là liên lạc giữa ông Học và bố con Ninh.


Bố con Ninh là chồng trước của bà. Tên ông là Nguyễn Trọng Thịnh. Ông cũng là người làng tôi nhưng từ nhỏ đã sống với bố mẹ buôn bán ở thị xã Ninh Bình, học hành ở đấy. Rồi ông sang học Collège Nam Định, sau khi đậu bằng thành chung đi học khí tượng, trở thành một trong mười mấy nhân viên khí tượng đầu tiên ở Đông Dương, và về làm việc tại đài thiên văn Phủ Liễn. Từ bữa đó tôi hay nghe bà kể chuyện về ông, đôi khi còn hỏi thêm điều này, điều khác. Tôi như được tiếp xúc thêm một nhân vật nối tiếp thêm vào chuyện cô Giang. Hình như chuyện cô Giang có thêm ông mới đầy đủ. Bà kể cho tôi nghe với một giọng tiếc thương. Bà kể những chuyện nho nhỏ về tính tình nho nhã và hào phóng của ông. Bà kể ông hay đi vắng, hay về làng, dạy thêm tiếng Pháp cho những thanh niên xấp xỉ tuổi ông, cho họ quần áo, đôi khi cho cả họ tiền. Bà nói sau khi nổ ra khởi nghĩa Yên Bái, mật thám sục đến nhà vì ông đã bỏ trốn, bà mới biết ông hoạt động, ông đi vắng là đi hoạt động, ông hay về làng là để tuyên truyền chống Pháp, cô Giang đến là để liên lạc với ông. Mấy ngày sau khởi nghĩa Yên Bái ông bị bắt ở Vinh. Một tháng sau, gia đình được thông báo, ông đã tự tử trong nhà lao Vinh, trước cả ngày ông Học cùng các đồng chí của mình lên máy chém. Bà vào Vinh, người ta chỉ cho bà một nấm mộ còn chưa mọc cỏ. Bà hỏi thăm những người gác tù. Có người thì thầm vào tai bà: "Bị tra tấn chết, không phải tự tử, không tự tử nổi trong nhà tù đâu". Cũng có người khẳng định ông tự tử, ông cắn lưỡi tự tử chứ không chịu khai báo gì. Có người lại bảo, ông ấy vượt ngục, xác tù khác đấy. Bà trở về với một niềm hy vọng mong manh chồng mình vượt ngục. Bà chờ đợi chín năm, không thấy tăm hơi, tin tức gì. Ông ấy chết thật rồi. Mùa thu năm 1939, bà lấy cha tôi. Ông ấy chết, khi bà đang mang thai chị Ninh. Bà lấy cha tôi, để chị Ninh lại sống với ông nội ở thị xã Ninh Bình.

Tôi ngẩn ngơ nghe bà kể, ngày này sang ngày khác. Quan hệ giữa tôi và bà trở nên êm thấm. Tôi bỗng thấy thương bà. Một cảm giác mơ hồ, dấy lên ở trong tôi: Nếu ông Thịnh còn sống, nếu bà còn được sống với ông, chắc chắn bà sẽ hạnh phúc hơn sống với cha tôi. Vì ông học cao hơn cha tôi, cha tôi chỉ đậu certificat (tiểu học) rồi đi làm thư ký, ông nho nhã và chắc chắn ông yêu nước hơn cha tôi, dũng cảm hơn cha tôi, mặc dầu cha tôi cũng là một người cách tân và yêu nước. Nhờ cha tôi, mà ngay thời niên thiếu, tôi đã biết về Nguyễn An Ninh, Phạm Hồng Thái và nhất là Phan Bội Châu. "Dậy, dậy, dậy, một tiếng gà vừa gáy... Thẹn cùng sông, hổ cùng núi, tủi cùng trăng... Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân."Giọng cha tôi rung lên, xúc động, chứa chất, kìm nén bao nỗi niềm, khi đọc cho tôi nghe những câu thơ đó. Tôi thuộc bài thơ đó từ năm 1943, lúc tôi mới mười hai tuổi. Mỗi lần tôi ngủ muộn, cha tôi đánh thức tôi, ông lại nói:"dậy, dậy, dậy..., nhật tân nhật nhật tân."Nhờ cha tôi mà tôi thích đọc chuyện Đề Thám, chuyện cô Giang và nghe chuyện bà kể về ông Thịnh. Nhờ ông Thịnh mà tôi thôi căm ghét bà, mà không khí trở nên hòa dịu trong gia đình tôi. Ông Thịnh trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Ông vượt ngục hay đã chết. Ông bị tra tấn chết hay tự tử. Ông giữ vai trò gì trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Nếu khởi nghĩa Yên Bái đứng vững trong một thời gian, liệu có khởi nghĩa tiếp ở đâu nữa không. Cô Giang trốn vào Nam, ông trốn vào Vinh, có cơ sở nào ở Trung Kỳ, Nam Kỳ của phòng trào đó không.

Tháng ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, mấy người đến chơi hỏi bà: "Nghe nói ông ấy trốn sang Nhật, theo phái ông Cường Để, bây giờ kéo quân về rồi, nếu ông ấy về thật, bà tính thế nào". Bà lặng im một lúc rồi nói: "Thế nào chẳng được, ai muốn thế này đâu". Tôi đứng nghe cũng cảm thấy hoang mang, một cảm giác hỗn độn vừa vui vừa lo lắng, vui vì ông ấy còn sống, vì vẫn thầm tiếc cho con người ấy, lo vì sẽ khó cho bà, khó cho cả cha tôi. Nhưng ông ấy không về, không có chuyện ấy. Ông ấy đã chết, chết thật rồi.

Ông đã ảnh hưởng đến tôi. Tất nhiên, còn do nhiều ảnh hưởng khác, ảnh hưởng của câu thơ "thẹn cùng sông, tủi cùng núi, hổ cùng trăng"... mà tháng 7 năm 1945 lúc tôi vừa tròn mười bốn tuổi, không ai gọi, chẳng ai xui, tôi đã không đắn đo mang theo con dao Thổ, có chạm hoa văn hai bên lưỡi của cha tôi, hăng hái nhập vào đoàn biểu tình vũ trang do Việt Minh tổ chức và lãnh đạo, kéo sang chống Nhật thu thóc ở làng bên, làng Phù Ninh tức Ninh Hiệp ngoại thành Hà Nội ngày nay. Và việc đó đã trở thành một niềm vui nho nhỏ suốt đời tôi.

Đầu năm 1950, khi đang công tác ở cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc ở rừng Cao Vân, tôi nhận được thư của chị Ninh. Chị cho biết ông nội chị đã mất, chị và bà nội đang tản cư ở Nho Quan. Chị Ninh cũng đã mất hơn chục năm nay, lúc chị năm nhăm tuổi. Năm ngoái, tôi về làng chơi, giữa đường gặp thằng con lớn của chị. Nó là thượng úy hải quân, sau khi mẹ mất, gia đình neo đơn, nhân lúc giảm biên chế, nó xin về một cục. Nó mời tôi lên nhà nó chơi. Tôi hỏi đời sống thế nào. Nó bảo tạm đủ ăn, nhưng vất vả. Tôi cười:

-Giá cháu không xin về, bây giờ có khi trung tá rồi, lúc về đảng viên chưa?

- Rồi chứ ạ, cháu không về, ít nhất cũng trung tá, hơn chục năm rồi còn gì.

Ngẫm nghĩ một lúc tôi bảo nó:

- Cả nước đang đền ơn đáp nghĩa liệt sĩ anh hùng, người có công với nước. Bác cũng vừa được truy lĩnh hai triệu, cháu có nghĩ gì về ông cháu không?

Nó ngớ người nhìn tôi:

- Ông nào hở bác, ông nội hay ông ngoại, hay ông nhà mình.

Nó vẫn coi cha tôi là ông ngoại.

Tôi lắc đầu:

- Ông Thịnh kia, ông ngoại chính thức của cháu ấy. Mà sao lại ông nôi hay ông ngoại. Ông nội hay ông ngoại thì cũng để lại hoàn toàn bằng nhau một phần tử gien di truyền trong đứa cháu. Nhưng thôi không khéo bác sẽ lan man mất. Bác đang nói về ông Thịnh của cháu kia mà.

Quả thật nó không biết gì về ông Thịnh. Nó chỉ biết bà tức dì tôi. Nó quý cha tôi như ông ngoại thật của nó. Mẹ nó, chị Ninh chắc chẳng nói gì với nó về cha mình. Có thể chị cũng chẳng biết gì nhiều. Có thể dì tôi không nói gì về chuyện này với chị, vả chăng, khi chị lớn lên, có thể hiểu biết, thì mẹ chị đã lấy cha tôi mất rồi, đã mẹ con mỗi người một nơi, mỗi người một cuộc sống. Cũng chẳng thể trách chị, khi ông chết, chị mới chỉ là một bào thai. Lớn lên, mẹ đi lấy chồng, rồi kháng chiến bùng nổ, tản cư, ông nội bà nội chết, bơ vơ một mình, lại trở về làng, lúc đã lỡ tuổi, đành lấy một anh thợ cắt tóc, rồi sinh con, nuôi con ăn học trong những năm thiếu thốn và gian khổ, có thể nghĩ gì ngoài những ý nghĩ vô cùng thực tế để tồn tại và mưu sinh.

Tôi nén những xúc động vô cớ và bảo nó:

- Ông Thịnh cháu là một liệt sĩ đấy.

Và tôi kể cho nó nghe về ông Thịnh. Nghe xong nó ngơ ngác hỏi tôi:

- Cháu phải làm gì hở bác?

- Chẳng làm gì cả. Thỉnh thoảng nghĩ về ông cháu. Nói cho các con cháu nghe về ông cháu. Linh hồn, xương cốt ông cháu đã hòa vào khí thiêng sông núi nước non rồi.

Tôi trả lời nó như thế. Làm gì? Nó ư? Tôi ư?. Những người biết về ông hầu hết đã mất, đã già, hoặc đã quên ông. Không, ông đã và mãi mãi là liệt sĩ vô danh. Tôi chợt nghĩ tới Lão Tử. Cái vô danh là khởi thủy của hữu danh. Cái hữu danh là phần thể hiện hạn chế của vô danh. Cái hữu danh là hữu hạn. Cái vô danh là vô hạn. Hồn thiêng sông núi là cái vô danh là vô hạn.

Tuy nhiên, về Hà Nội, đôi khi đi qua các đường phố Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, tôi lại nhớ đến ông, một lần vào Đà Lạt, đến thăm một người quen ở đường Cô Giang, một đường phố nhỏ, xa trung tâm, hơi heo hút, tôi càng nhớ đến ông. Tôi chợt hiểu ra trong những đường phố ngổn ngang trong lòng tôi, có một con đường nhỏ mang tên ông, tuổi thiếu niên tôi đã đi qua con đường ấy, để tham gia biểu tình chống Nhật, tuổi thanh niên, tôi cũng đi qua đường ấy lên núi rừng Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

Tuy vô danh, nhưng ông là có thật, thật như cô Giang, người nhiều lần đến liên lạc với ông. Ông là Nguyễn Trọng Thịnh, nhân viên đài thiên văn Phủ Liễn, là một đồng chí của ông Nguyễn Thái Học, bị bắt ở Vinh và chết trong nhà lao Vinh. Cũng như ông, mọi chuyện tôi viết ra đây đều có thật, thật như bà dì tôi chính là chị ruột của đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Hoạt. Nhưng ông Hoạt cũng đã mất khoảng hai chục năm rồi.

Cuối tháng 10-98
      N.B
(119/01-99)



 

Các bài mới
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)
Các bài đã đăng