Tạp chí Sông Hương - Số 272 (tháng 10)
"Kể chuyện" của Nguyễn Xuân Khánh
08:43 | 21/10/2011
KHÁNH PHƯƠNG Với “Đội gạo lên chùa”, cuốn tiểu thuyết mới (NXB Phụ nữ, 6/2011), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tái ngộ độc giả bằng dòng văn chương ấm áp và cuốn hút, hứa hẹn những miêu tả, xét đoán tinh tế về tâm thức con người cũng như những bí ẩn thẳm sâu trong tiềm thức và văn hóa của một cộng đồng dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Ảnh: TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tiếp nối dòng chảy của “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”… nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (NXK) khẳng định vị trí hàng đầu trong lòng mến mộ của nhiều tầng lớp, trước hết là độc giả Việt, nhờ cùng lúc đáp ứng nhu cầu được chứng nghiệm sòng phẳng, thành tâm về lịch sử, vốn bị che phủ bởi nhiều và thị phi. Bên cạnh đó, nhu cầu được soi rọi một cách vừa minh định, khoa học vừa mê đắm “cái tôi” của một dân tộc cũng như một cá nhân và nhu cầu đọc văn chương như một sự thụ hưởng.

Kể từ “Trư Cuồng” những năm 70 cho đến “Hồ Quý Ly” những năm cuối 90, tới Mẫu Thượng Ngàn (NXB Phụ nữ, 2003) và “Đội gạo lên chùa” là những biến chuyển rõ rệt trong kể chuyện của NXK. Nhân vật của ông, từ người trí thức lưu lạc, đau khổ, ít nhiều mang bóng dáng tự thuật, nghĩa là mang đậm yếu tố cụ thể (Trư Cuồng), đã dần chuyển thành nhân vật cộng đồng, với những yếu tố khái quát một cách khá tinh tế và sâu sắc. Nói sách vở, tính luận đề trong tiểu thuyết của NXK ngày một rõ nét, nhưng phải mô tả một cách chính xác hơn, vấn đề trung tâm trong tiểu thuyết NXK đã chuyển từ “người trí thức” thành vấn đề “tri thức”.

NXK chỉ say sưa, đắm đuối miêu tả, phán đoán, kiếm tìm, những điều mà ông cho là tâm thức, cảm thức, giá trị văn hóa sâu xa của dân tộc. Việc miêu tả nhân vật theo lối “cụ thể” hay “tượng trưng” cũng không còn được xem là quan trọng nữa, khi mục tiêu nhắm tới của nhà văn trực tiếp là “tri thức”.

Điều này khiến cho ông có phần gần gũi với các nhà văn hiện đại và đương đại nhiều hơn.

NXK không quá tin cậy vào năng lượng biến hóa, thăng hoa của tâm thức cá nhân. Để đặt vấn đề “tri thức” một cách thuyết phục, ông dựa trên những khảo cứu nghiêm cẩn tư liệu lịch sử. NXK không phải người viết theo lối “lật lại lịch sử’, phô bày sự sắc sảo của mình thông qua những giả thiết bất ngờ, trái ngược với quan niệm sử học vẫn tồn tại. Ông tuyệt đối tuân theo chính sử, lấy hoàn cảnh lịch sử, người thật việc thật đã được kiểm chứng, khách quan hóa cao nhất, coi đó là điểm mốc để xây dựng thế giới văn chương. Cung cấp cho thế giới ấy một ý nghĩa khoa học, chân xác và khả tín. Đó là dụng ý nghiêm khắc của người viết hướng tới giá trị sáng tạo đậm tính khách thể.

Dễ hiểu vì sao trong tiểu thuyết hư cấu “Mẫu Thượng ngàn” (MTN) lại có những nhân vật và chi tiết “có thật”: Quan ba Pháp Francis Garnie bình định thành Hà Nội và toàn bộ các phủ thành quan trọng của Bắc kỳ, chỉ với vài chục tên lính Pháp và “súng Tây”, rồi bị quân Cờ Đen chặt đầu tại Cầu Giấy. Quan hai Pháp thâm trầm, cao mưu, uyên thâm văn hóa, từng bạn với cả A lexandre Dumas Cha, Henry Rivier, với 500 quân Pháp, âm mưu chiếm đóng toàn bộ xứ Bắc kỳ những năm 1880. Đức Cha Tổng giám mục Purginie vừa đức cao vọng trọng vừa mang phẩm chất thực dân lọc lõi, người chủ trì xây dựng nhà thờ Lớn Hà Nội ngay trên nền chùa cổ ngàn năm Báo Thiên. Cụ Phó bảng Phùng Khiêm lẫm liệt bỏ mình vì nước sau khi phong trào Văn thân thất bại…

Khéo léo lồng vào những gương mặt lịch sử có thật, NXK xây dựng những nhân vật văn chương đặc sắc: Ông Cam, sau này là Trưởng Cam của xóm đạo Kẻ Đình, người giáo dân trung thành hàng tháng trời cởi trần đóng khố kiếm tìm thủ cấp, nhục thân của chủ tướng Henry Rivier. Bà Huyện Khiêm với nhan sắc “không xứng hoàng hậu cũng đáng mặt quý phi” với cuộc đời lạ lùng, không thiếu oan nghiệt mà cũng đầy sự thần tình, kỳ diệu.

Công bằng mà nói, “kể chuyện” của NXK không đặt ở cốt truyện, tình tiết, cũng không ở những nhân vật cụ thể. Nhiều tình tiết hư cấu trong MTN là những tình huống, motif quen thuộc nhan nhản trong văn chương cận - hiện đại thế giới và Việt Nam: người có “nửa mặt quỷ”, mai danh ẩn tích, nuôi con riêng của vợ, con không biết mặt cha đẻ, gá nghĩa vì ân, rồi đi đến tình yêu… Nhiều tình tiết bề ngoài giống hệt những tiểu thuyết minh họa của thời kỳ trước: quan Tây cưỡng hiếp gái đồng trinh, mở đồn điền phát canh thu tô, quân Cần Vương của những ông Đề, ông Đốc dấy lên phá giặc…

Đâu là sức quyến rũ không thể phủ nhận của văn chương NXK? Ngòi bút của ông tỏa sáng trong phạm vi kể chuyện nào?

MTN thực ra chỉ có hai nhân vật. Một đằng, là ý chí thực dân, sự cưỡng đoạt, áp chế, được hình tượng hóa bằng những ham muốn, bạo lực, nam tính. Một đằng, sự lùi bước trước bạo quyền, nỗi đau khổ, nhưng chính là nguồn sống bền bỉ, đối tượng ham muốn, sự hóa giải, tính nữ, mà biểu hiện tập trung nhất là hình tượng Mẫu Thượng ngàn.

Cuộc chiến đấu khốc liệt, đầy máu, nước mắt và ngộ nhận giữa kẻ đi chinh phục và bên bị chinh phục “một trăm năm nô lệ giặc Tây” của dân tộc Việt, lại được nhà văn miêu tả như cuộc vật lộn sinh tồn kỳ lạ của hai giống nòi khác nhau. Một đằng, sự sống trong dạng thức áp chế, hủy hoại, và còn lại, sự sống bao dung, hóa giải, nuôi dưỡng.

Về mặt văn chương, bản năng sinh tồn luôn được xem như một biểu hiện đậm đặc của nhân tính. Nhìn nhận lịch sử trong bản chất con người là khuynh hướng chung trong văn chương thế giới cận và hiện đại.

Ham muốn lý giải những phẩm tính đặc thù của dân tộc đã khiến cho MTN dừng lại ở kiểu tâm thức cộng đồng, chưa thể trở thành một “Bác sĩ Zhivago” của Việt Nam. Nhưng tinh thần nhân văn của người viết lại mang tới những bất ngờ lý thú.

Sau màn mào đầu có phần hơi “sáo” về ý tưởng, với nhiều câu văn luộm thuộm, ngòi bút NXK bắt đầu tỏa hương, kể từ những cuộc chinh phục Bắc Kỳ của quan hai Pháp Henry Rivier.


Toàn bộ tác phẩm tràn ngập bầu không khí ngọt ngào quyến rũ của thế giới trực giác. Ngoại trừ những phân đoạn đi sâu miêu tả tâm lý cộng đồng, phong tục, như một tư liệu phục vụ khảo cứu tâm lý, tất thảy là thế giới mê đắm của trực giác, linh cảm, ham muốn, ẩn ức, bị quyến rũ.

Lần đầu tiên, có sự mô tả quan Tây Henry Rivier chỉ nhìn đôi voi chiến hục hặc ngoài cửa vườn tổng đốc thành Hoàng Diệu mà đoán ra và thản nhiên vùi dập ý đồ kháng cự của quân đội bản xứ. Lần đầu tiên có những trang viết tràn đầy tình yêu và sự am hiểu nội tâm của “tên thực dân” Philippe Massmer cho mẹ và em trai. Cũng là sự hiếm hoi, trong văn học tiếng Việt, “tên thực dân” không phải biểu tượng của cái ác toàn phần, kết quả những định kiến lý tính, mà là ham muốn được trở nên cường vượng, dù thông qua chiếm đoạt nhưng cũng phải nhờ chính sự đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vật lộn trầy trụa với hoàn cảnh của hắn. Ba anh em nhà Massmer (Mắt mèo) Philippe, Pierre, Jullien thực ra chỉ là ba khía cạnh để khắc họa “tên thực dân”.

Philippe và Jullien cùng nhất định “chỉ có dân tộc sinh ra để thống trị và dân tộc sinh ra để chịu sự thống trị”, cùng thèm khát đóa hoa Đông Dương đẹp nhất mọi xứ thuộc địa, nhưng Philippe chỉ mong được sinh tồn và thỏa mãn dục vọng bản thân, Jullien rõ ràng với ý đồ áp chế, nô dịch. Sự “dấn thân” của họ với con người và văn hóa Việt cũng khác hẳn nhau.

Nhưng có một nước Pháp khác của tâm hồn, thông tuệ và tình yêu qua hình ảnh Pierre, kẻ mơ mộng, vật trang điểm cho công cuộc chinh phục thuộc địa, đắm đuối trong phồn sinh và bí ẩn của xứ nhiệt đới, chết đi rồi tái sinh trong nó. Đoạn kể chuyện và đối thoại kéo dài gần 1 chương sách, cuộc hành trình của Pierre và nhà dân tộc học René Flementine trong rừng núi hoang vu miền Bắc là chương xuất sắc trong kể chuyện của NXK.

Nỗi hoang mang, bất tri thuần khiết của tâm trí và giác quan con người trước cuộc dấn thân vừa quyến rũ vừa đau đớn, luôn đứng trước ranh giới tử - sinh, bị bao trùm bởi cái bí ẩn của kiếp người, trên miền đất xa lạ, làm rung động mãnh liệt người đọc.

Nếu như ranh giới tử - sinh mà “người trí thức” trong “Trư Cuồng” phải đối mặt tương tự như “Sống hay không sống”, làm thế nào để cất trọn chén đắng cuộc đời, thì những bất tri, phiêu dạt về tâm thức của Pierre và René còn khủng khiếp và đương đại hơn. Nó là mối day dứt hiện sinh khi tri giác, tâm cảm con người bất lực trước nhận biết tồn tại, thực tại.

Văn chương NXK bao trùm bởi cảm quan huyền bí. Con người giữ những ràng buộc bí ẩn với nhau, vừa gặp mặt đã cảm mến hoặc ngầm hiểu ý đồ của nhau, tất cả các mối quan hệ ngẫu nhiên đều có sự liên hoàn, mật thiết, trong đó cái huyền ảo nghiễm nhiên tồn tại. Không giống với “hiện thực huyền ảo” Mỹ La tinh, thường mang ý nghĩa văn chương rõ rệt, một thực tại tràn đầy những điều huyền bí, “khoa học của xứ sở hoang đường”, với những Cô Bơ, Cô Chín, Ông hoàng Bảy, Ông hoàng Ba, mà ở địa vị tối cao là Tam tòa, Tứ phủ Thánh Mẫu, hiển linh vang lừng sênh phách, rực rỡ gấm hoa trong MTN, là một quan niệm nhân sinh đích thực không thể chối bỏ, cho dù có được chính nhà văn lý giải dưới góc độ khoa học hay tâm linh.

Tương tự như thế giới huyền ảo của tiềm thức trong văn chương Nhật Bản, thế giới nghệ thuật của NXK tràn đầy tình yêu và dục tính. Tất thảy nhân vật phụ nữ của ông, dù xuất thân sang hèn, thân phận thấp cao, đều là biểu hiện của một nhân vật lớn hơn: Mẫu tính hay Nữ tính. Nhân vật nào cũng tràn đầy vẻ đẹp phồn sinh, gợi dục, tiềm tàng nguồn sống bao dung, nhân từ. Họ thực hiện thiên chức một cách hồn hậu ngay cả khi bị gả bán, ngược đãi. Khi bị khuất phục, phải chấp thuận “mua vui” cho quan Tây rồi trở về nhà với vài thúng thóc, vẫn “ma lực, tuyệt vời” với kẻ ngoại chủng. Thậm chí, bị cưỡng bức, hay tự nguyện trong cuộc hôn phối dị chủng, vẫn không một thái độ oán hận. Ngoài ý nghĩa lý tưởng hóa, hình tượng người nữ hay tính Nữ trong tiểu thuyết của NXK còn được thuần nhất hóa để trở thành biểu tượng của hóa giải, sức sống mãnh liệt không bao giờ có thể bị khuất phục hay hủy hoại.

Viết về những thói tật làm phân rã sức mạnh dân tộc, NXK không có cái nhìn “tuyệt vọng” như một số nhà văn hiện thực phê phán những năm 1930 - 1945. Ông nhìn tính cơ hội, lòng tham, như những biểu hiện có thể dung thứ của bản năng sinh tồn. Nhìn thói đố kỵ, áp chế người đồng chủng như những căn bệnh vẫn còn thuốc chữa. Xuất phát từ triết lý bao dung của đời sống tự nhiên để hóa giải tất cả những chia rẽ, hận thù, oan khốc của đời sống con người.

Vượt khỏi phạm vi đạo đức và tâm lý xã hội, khai phóng cho một thế giới của nguồn năng lượng yêu thương, hài hòa, cũng như những giới hạn vô cùng, bí ẩn của tâm thức, bênh vực ý nghĩa sinh tồn trong cuộc đấu khốc liệt của mọi giống loài nhỏ bé kiên cường và nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa của cuộc sống tồn ấy, NXK đã chỉ ra một cách đầy thuyết phục, sinh động cội nguồn sức mạnh của con người nói chung.

K.P
 
(272/10-11)






Các bài mới
Hương đêm (27/10/2011)
Cỏ dại (24/10/2011)
Các bài đã đăng
Trang thơ Kim Quý (21/10/2011)
Nàng Điểm Bích (19/10/2011)
Chương trình (17/10/2011)