Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Chùm truyện rất ngắn của Hồng Nhu
09:16 | 24/11/2011
HỒNG NHU BỮA TIỆC ĐÔI TÌNH NHÂN
Chùm truyện rất ngắn của Hồng Nhu
Minh họa: NHÍM
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhím là một con vật mà tài định hướng của nó chính xác đến từng mi-li-mét; đến loài người thời đại giờ đây cũng khó lòng sánh nổi.

Sau một chuyến công tác ở vùng biên giới, còn khá nhiều thời gian trên đường về, tôi ghé thăm nhà cô em gái duy nhất đang hành nghề tâm linh ở mé cửa rừng Âu Ộ.

Nói một chút về cô em gái này trước khi vào chuyện chính. Nhự lúc mới sinh ra trên đầu đã có ba cái xoáy. Mẹ tôi vui mừng nói với chúng tôi rằng cả ba ngoai trong đời sống sau này là tình, tiền, tài em các con đều trọn vẹn. Còn cha tôi chẳng vui cũng chẳng buồn, sau khi bằng ngón tay trỏ dứ dứ đo đếm cái gì đó trên mái tóc sơ sinh còn rất lơ thơ của Nhự một hồi xong, bỏ ra ngoài vừa đi vừa gật vừa lắc đầu liên tục như đang bị động kinh. Tôi biết cảm xúc của ông như vậy là hoàn toàn không giống mẹ tôi nên cũng im re không dám hỏi. Nhự lớn lên bình thường như mọi đứa trẻ khác, thuở xuân là một cô gái đẹp rạng rỡ song có nét hơi u trầm là lạ. Lấy ba lần chồng đều trắc trở cả ba; hai chú đầu, mỗi chú đẻ được một đứa con gái, đều bỏ Nhự chạy theo người đàn bà khác; chú thứ ba kết với Nhự khi em vào lứa tuổi bốn mươi, nên chẳng sinh được đứa nào. Lần này thì Nhự bỏ chú ta vì chú ta bắt Nhự phải bỏ cái nghề của em, theo nghề của chú ta là đi buôn lậu đường dài nơi các cửa khẩu.

Ngôi nhà của Nhự có một quang cảnh khá đặc biệt. Trước mặt là quốc lộ, từ sân nhà ra đó khoảng vài trăm mét. Nhà xây gạch hẳn hoi, hai tầng, tầng dưới là nơi ba mẹ con ở, tầng trên để cúng bái là vùng linh hiển nơi thần thánh ngự trị. Gần chục cái am lớn nhỏ mọc lên ở tầng này, am nào cũng đầy những bát hương, tranh thờ; rồi tượng các loại, cái đồng, cái gỗ, cái thạch cao sơn phết. Đó là tượng những đức thánh, những bà chúa bà mẫu như Đức Thánh Trần, Mẫu Thượng Ngàn, Thiên Yana... gì gì nữa tôi không biết rõ. Rồi cờ quạt ngũ hành, đuôi nheo, tứ linh, ngũ sắc. Một góc, ngập tràn các thùng gỗ sơn đựng các dải vải cúng vải yểm vải bùa... xanh vàng đỏ tím. Nghĩa là cả một thế giới khác ở đây, lạ lùng, kỳ bí...


Sau nhà là một vườn chuối, rộng mênh mông chi xứ. Vườn chuối này do tay Nhự trồng nên, chuối nhà nhiều chuối rừng cũng lắm. Đủ các loại, gần như chẳng thiếu thứ nào, chuối ăn, nhiều đã đành, chuối cảnh cũng không ít. Chính tại vườn chuối này, tôi gặp một con nhím đầu tiên trong đời.

Quá mệt mỏi vì cả đêm và suốt ngày hôm sau nữa nghe chuyện tâm linh cúng bái của cô em gái thầy cúng ba xoáy; nào các đại gia ở tận Sài Gòn Vũng Tàu đã đến đây, ngoài Hà Nội thì cả bồ của Bộ trưởng, vợ của Phó Thủ tướng cũng đã từng có mặt để đèn hương cầu xin tạ phục; chiều nay tôi một mình lang thang ra vườn chuối dạo chơi. Đi mãi mỏi chân tôi ngồi nghỉ trên một tảng đá mặt hơi bằng ở một góc vườn. Hoàng hôn trên vườn chuối có một vẻ đẹp riêng biệt thật khó tả. Ánh nắng nhẹ êm lọt qua kẽ của những tàu lá chuối dường như có cả sắc mùi: màu xanh của lá và hương thơm của quả chín. Những buồng chuối lúc la lúc lỉu, buồng trên cao buồng giữa chừng, buồng dưới thấp chạm đất như con đang nồng nàn hôn lên trán mẹ.

Phía sau, bỗng có tiếng động nhè nhẹ mà gai gai. Tôi quay nhìn, vội dùn gối ngồi thụp xuống sau tảng đá. Một chú nhím màu nâu cháy pha đen đang lanh canh khua lông đi tới một gốc cây chuối cao. Chú thong thả đi quanh, đầu ngước nhìn lên chiếc hoa chuối lủng lẳng ở trên buồng. Chiếc hoa như một cái bắp nâu nâu hồng hồng mà trên nó là những nải chuối chìa ra hai bên những quả nầng nẫng tươi non. Ngắm nhìn độ nửa phút, chú nhím dừng lại, đứng yên, lưng hơi gồng lên một chút. Tôi chưa hiểu chuyện gì bỗng “vút pặm”, “vút pặm”, “vút pặm”! Tôi nhìn lên, ngạc nhiên đến sững sờ. Ba hoặc bốn năm chiếc lông của chú nhím đã găm thủng vào cuống hoa chuối làm cho cái bắp rung rinh lắc qua lắc lại. Hiểu rồi, chú nhím đã bắn cung. Cánh cung là cái lưng, còn mũi tên là những chiếc lông to gần bằng chiếc bút bi nhọn cả hai đầu của chú. Lát sau, chừng biết chắc mục tiêu đã dính đạn của mình, chú nhím bằng một cách riêng nào đó đánh dấu địa điểm, rồi bỏ đi.

Tôi đứng lên, đến bên góc chuối quan sát. À... vài ba ngày sau thôi, những chiếc lông nhím sẽ làm hoa rời buồng, rụng xuống đất. Nhưng nhím bắn thế để làm gì cơ chứ?

Về nhà, tôi kể lại chuyện với mấy mẹ con Nhự.

Nhự nói:

- Để ăn chớ để làm gì nữa. Anh không biết à?

Hai đứa cháu tranh nhau nói thêm:

- Bọn nhím thích nhất là hoa chuối. Còn quả, chúng chẳng thiết đâu. Cậu tính toán vài ba ngày sau hoa chuối sẽ rụng là đúng đó!

- Hoa chuối là loại thức ăn cao cấp của bọn hắn. Bọn hắn vớ được bằng như được bữa tiệc thịnh soạn; mốt kia gì cậu ra đó, thằng nhím nọ sẽ tới chén cho coi!

Hai hôm sau, tôi lại ra vườn chuối. Không phải để đi dạo nữa mà là “đi thực tế” như văn nghệ sĩ thường nói. Hôm nay tôi không nấp sau tảng đá nữa mà chọn chỗ sau những thân to của một bụi chuối rậm, ngược chiều với hướng mấy hôm trước nhím đã đi tới. Bắp chuối đã rụng xuống đất, chừng như mới đây thôi, nằm tươi rói, lại có vẻ mời mọc nữa.

Quả không sai, vào khoảng giờ mấy hôm trước, từ phía kia xuất hiện không phải một mà hai chú nhím đi sóng đôi nhau như một đôi tình nhân.

Chúng đến bên bắp chuối. Con cái nhỏ người hơn thì cầm giữ món ăn. Con đực to người hơn - đúng là chú nhím hôm nọ - thì xé, bổ ra cho đến cái lõi hoa chuối bên trong trắng bóc, gạt nhẹ đến trước mặt con cái, dành phần ngon nhất cho người yêu. Thanh thả, từ tốn, chúng bắt đầu ăn tiệc. Vừa ăn vừa nói chuyện vừa vờn nhau, khua lông nhau như nhạc đệm. Cả mớm nhau hôn nhau nữa. Cứ lanh ca lanh canh, lanh cà lanh cạnh...

Bữa tiệc kéo dài khá lâu, tôi xem đồng hồ chừng ba mươi phút. Dĩ nhiên phút của nhím khác với phút của người. Nhưng tình yêu thì giống nhau. Vội vàng, hấp tấp đâu có thể gọi được là tình yêu?

Rời khỏi chỗ nấp, tôi ra về. Từ đầu cho đến cuối đôi tình nhân nhím đều không thấy tôi, không biết có tôi.

Mà nếu có biết có thấy, trong những lúc như thế, đối với đôi tình nhân này, tôi cũng chỉ là một thứ cây chuối mà thôi...

Tam Đảo, 9/2011  



LỄ THẦN


Trong thiên hạ, hễ nghe đến loài quạ là người ta thường nghĩ ngay tới bao nhiêu điều xấu xa về chúng; nào là rỉa rói cả thịt người đã chết thối, nào hay đuổi đánh các loài chim nhỏ yếu hơn, nào cứ được gì ăn nấy và ăn bằng hết chẳng biết tích cốc phòng cơ để dành, lo xa vân vân và vân vân...

Riêng tôi, có một lần được chứng kiến một chuyện làm thay đổi hẳn những quan niệm trên.

Năm đó, một ngày mùa thu, vì có sự không vui trong gia đình, vào một buổi chiều, tôi dắt Văn, thằng con út chín tuổi đi dạo chơi trong vùng, đến một xóm dưới chân đồi rậm rạp thâm u để mong vơi đi phần nào nỗi buồn nặng trĩu đang mang trong lòng. Lúc trở về chúng tôi đi theo đường khác tuy xa hơn một chút nhưng thoáng đãng hơn, để Văn vui vẻ một chút, chạy nhảy một chút. Hai cha con tôi qua một rặng bời lời xanh tốt làm bờ chắn mấy vuông đất trồng màu của nhà nào đó, đến trảng cát nhỏ lúp xúp dăm bảy bụi mâm xôi loáng thoáng còn sót lại vài bốn chùm quả đỏ ói của một mùa hè khắc nghiệt, lẫn khuất dưới tán lá xanh thẫm. Trong lúc thằng con đang vừa nhí nhảnh hát mấy câu nghịch ngợm tầm bậy tầm bạ gì đó vừa hối hả bứt mâm xôi, quả đút tọt vào mồm quả bỏ vào túi quần đùi, chúng tôi bỗng nghe một tiếng “quà quà” vang lên ngay trước mặt. Tôi biết đó là tiếng quạ đang chuẩn bị xếp cánh đạp xuống đất. Vội đưa một ngón tay dọc lên mồm nhủ Văn im lặng, tôi kéo con ngồi thụp xuống bên bụi mâm xôi.


Quả đúng như tôi dự đoán, liền tích tắc ngay sau đó, một chú quạ đen tuyền có cái khoang trắng trên cổ như một chiếc vòng đậu xuống bên kia chỉ cách chỗ chúng tôi chừng bảy tám mét. Qua kẽ lá, hai cha con chúng tôi chăm chú nhìn. Chú quạ chẳng hay biết sự có mặt của chúng tôi, chỉ lo công việc của mình. Chú bước tới mấy bước đến bên một gò đất thấp có thể nói là vuông vắn giữa hai bụi mâm xôi. Ở đó có một cây đá nhỏ đầu hơi nhọn mọc nhô lên khỏi mặt đất chừng vài ba tấc như một thanh kiếm dựng. Chú dừng lại, thẳng lưng lên, hai cánh hơi xòe ra phẩy phẩy quanh mình như một người đang sửa soạn, chỉnh đón trang phục để làm điều gì đó trọng thể. Xong, chú ta ngẩng đầu nhìn thẳng vào cây đá nhỏ, hai cánh vòng ra trước giáp múi nhau thành một vòng tròn, cúi đầu xuống chừng hai giây rồi ngẩng đầu lên. Một lần, hai lần, ba lần cúi xuống ngẩng lên như vậy. Tôi vỡ òa ra trong im lặng, hiểu ngay việc làm của chú quạ. Thì ra chú ta đang lạy. Lạy thần linh, nếu như tôi không nhầm. Trong trường hợp này, thần linh chỉ có thể là người giữ của, canh gác kho báu gì đó. Lát sau, chú quạ còn tha thẩn đi qua- nh gờ đất vuông phủ đầy địa y nọ một lượt, như để kiểm tra, lại như để tỏ thêm lòng cung kính của mình. Y hệt như người ta vẫn đi quanh quan tài người mất trong một lễ tang, sau khi đã dâng hương vái lạy rồi. Vụt một cái, chú quạ bay đi trong tiếng quà quà như khi mới tới.

Cũng vụt một cái, hai cha con tôi nhào ra, chạy tới gò đất vuông. Chẳng có cái gì cả ngoài lớp địa y xanh pha nâu vàng và cây đá như mũi kiếm nhô đầu. Văn sà xuống, lập tức lấy que gẩy gẩy chọc chọc vào lớp địa y, hét toáng:

- Ba, ba! Có cái hầm ở dưới!

Tôi căng mắt cúi xuống dòm trong lúc thằng con đã gạt hết lớp địa y ra một bên, cào xuống phần đất bên dưới mà nó nói là cái hầm. Tôi ngồi xổm xuống, trợ giúp con, đào. Chẳng mấy chốc, cái “kho báu” của chú quạ khoang đã lộ ra trước mắt cha con tôi. Đó quả là một cái hầm nhưng chỉ bé bằng chiếc vung nồi, đựng đầy những củ lạc. Tôi vục một vục lên lòng bàn tay. Những củ lạc còn cả vỏ khô rang như vừa phơi được nắng xong.

- Ba, ba! Mình hốt lên đem về nhà chứ? - Văn vừa hể hả nòi vừa kịp bóc một củ, vứt vỏ xuống đất, bỏ gọn hai cái nhân lạc vào miệng nhai ngon lành.

Tôi lặng người bàng hoàng suy nghĩ. Đây chính là cái kho dự trữ lương thực của chú quạ cho một mùa đông rét mướt sắp tới. Chú nhặt nhạnh đâu đó, ỏ sân phơi của nhà này nhà khác đem về cất giữ. Cuộc lễ thần của chú vừa rồi còn in đậm trong đầu óc tôi. Không thể xâm phạm những gì của người khác, dù người đó chỉ là chim. Sự cung kính thiêng liêng của nó chắc gì loài người như tôi đà theo nổi...!

Tôi cắt đứt sự sung sướng của đứa con út:

- Không! Không được! Làm như vậy là tội lỗi con có biết không? Hai cha con mình mau mau lấp kho lại, nguyên xi!

Mặc dù bị hẫng hụt và không hiểu vì sao lại thế, cu Văn vẫn nghe lời cha, cùng tôi lấp lại hầm, trải lên lớp địa y bằng rêu như cũ. Trước khi ra về, Văn còn nhặt cái vỏ lạc khi nãy vứt xuống đất, cho vào túi quần. Để làm kỷ niệm hay để phi tang với chú quạ, tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng điều đó làm tôi yên lòng, bất chợt trút một hơi thở dài.

Loài quạ giờ đây đã gần như bị tiệt diệt, ít nhất là ở nước ta. Tôi tự nghĩ trong bụng: “Không biết còn ai trên đời này làm một cuộc tự vấn, so sánh mình với loài quạ như tôi không...?”.

H.N

(273/11-11)








Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng