Tạp chí Sông Hương - Số 19 (T.6-1986)
Người đàn bà bất hạnh
17:01 | 02/02/2012

PHẠM DŨNG

Thay xong bộ đồ ngủ, định đi nằm thì Diễm Trinh thấy trên bàn có một tờ giấy đánh máy.

Người đàn bà bất hạnh
Minh họa: BỬU CHỈ

Xem lướt qua, Diễm Trinh tái mặt, trống ngực đánh thình thình. Cô run rẩy cầm tờ giấy mỏng tanh ấy lên, dán mắt một hồi lâu lên những dòng chữ mà như thế vẫn chưa tin là có thật.

Một lúc sau, cô bình tâm trở lại và khó nhọc đọc từng chữ đơn xin ly dị mà chồng cô đã đánh máy và ký tên sẵn. Rồi cô mới để ý thấy bức thư của chồng cô kẹp dưới mấy tờ lịch bàn. Những dòng chữ đều đặn, sạch sẽ quen thuộc hiện ra:

"Diễm Trinh em!" - Đã lâu anh ấy mới lại viết cho mình mấy chữ này, hồi trước đọc lên mình chỉ thấy trong đó là sự âu yếm, ngọt ngào, còn bây giờ... Cô nghĩ vẩn vơ và đọc tiếp - "Nếu như em chịu nghe lời anh thì mọi sự lại như cũ. Chúng ta sẽ cố gắng (cô để ý thấy một gạch thẳng dưới hai chữ cố gắng) và điều đó khiến cô tự dưng cảm thấy thích thú, nhưng liền ngay sau đó cô lại tự trách mình giữa lúc này mà còn cảm thấy thích thú thì thật lạ. Cô chậm rãi đọc tiếp, cố gắng sống hòa thuận với nhau. Tất cả những điều anh đã nói với em từ trước đến nay kết lại, một câu đơn giản là em phải bỏ nghề ấy! - (lại gạch đít!) Nếu em không đồng ý thì rất đơn giản, em cứ ký vào lá đơn này và gửi đến nơi cần thiết. Anh đồng ý để con lại cho em. Hàng tháng, anh sẽ gửi cho con, ít nhất, một phần ba số lương của mình. Còn nếu như, điều này anh thiết tha mong mỏi, em thấy rằng em còn yêu anh (Hai dòng chữ dập xóa) thì em chỉ việc gọi điện cho anh. Em hãy tự quyết định. Anh không thể chịu đựng hơn được. Toàn". Cô cố gắng đánh vần những chữ đã bị dập xóa: còn - thiết - tha - với - những - năm - tháng - tươi - đẹp - mà - chúng - ta - đã - sống - với - nhau. Và cô suy luận: Anh ấy đã viết, rồi sau đó mới xóa đi. Vậy là anh ấy đã cân nhắc và đi tới khẳng định rằng những năm anh ấy gắn bó với đời mình chỉ là những năm tẻ nhạt. Cô thoáng nhớ lại một vài hình ảnh tươi đẹp trong cuộc sống của hai người. Nhưng những hình ảnh ấy mau chóng vụt tắt. "Làm sao lại đến nông nỗi này!". Ý nghĩ ấy buột ra thành lời, nó vang lên trong căn phòng nhỏ và tĩnh mịch khiến cô giật mình. Cô mở tủ lạnh, lấy chai rượu chanh Hà Nội và rót đầy một ly nhỏ. Nóng ran. Cô uống thêm một ly nữa và bắt đầu hơi chóng mặt.

Mẹ Diễm Trinh là một nghệ sĩ chèo nổi tiếng, cha cô là một nhạc công giỏi nghề. Họ cùng công tác ở Nhà hát Chèo Trung ương. Thế nhưng ngay khi chưa trưởng thành, Diễm Trinh đã ngấm ngầm ác cảm với sân khấu. Cô thường thấy những diễn viên mới đó còn ghét nhau thậm tệ, khi bước ra dưới ánh đèn đã trở thành những người yêu nhau say đắm. Nhiều khi tình yêu (mà cô cho là hết sức trớ trêu đó) lại có thể làm mủi lòng hàng nghìn người. Còn tệ hại hơn, có những người đạo đức rất kém lại có thể đóng vai những người trung thực sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Không, không thể nào chịu được! Chính vì thế, giá có xem những cảnh lâm li nhất cô chỉ thầm dè bỉu và cảm thấy xấu hổ thay cho những diễn viên và những khán giả mà cô cho là quá khờ khạo.

Khi cô học hết lớp 7, một gã thầy bói, ở phố Hàng Buồm, sau khi đút đồng bạc duy nhất của cô vào cái tráp sơn mài cũ kỹ đã gieo quẻ, phán rằng: cô sẽ nối nghiệp cha mẹ và sẽ tiến xa hơn cha mẹ về đường công danh, nhưng đường tình duyên thì không được thuận. Thoát ra khỏi căn phòng ngột ngạt mùi hương, cô ngầm thề rằng mình sẽ chứng minh cho lão già bẩn thỉu kia biết lão chỉ là một tên bịp.

Chẳng thể nào nói trước về điều chưa xảy ra, cô bé ạ. Sau này, cô đã phải nhủ mình như thế bởi vì, thật lạ lùng (và cô nghĩ: rất phản khoa học) những điều lão thầy bói ở phố Hàng Buồm nói lại trở thành sự thật. Và cuộc đời sân khấu của cô đã được ấn định. Đó là vào thời gian cuối cuộc chiến tranh phá hoại của Ních-Xơn. Rõ hơn là khi Nhà hát Chèo về biểu diễn ở Sơn Tây.

Lúc đó, vào dịp tết Nguyên Đán, Diễm Trinh được nghỉ học nên cũng đi theo đoàn. Đêm ấy đoàn diễn vở "Thoại Khanh Châu Tuấn". Vì đã xem vở này nhiều lần nên cô thơ thẩn vào làng chơi. Buổi diễn chưa kết thúc thì máy bay Mỹ đến ném bom. Một quả rốc-két bắn trúng căn hầm trong đó có cha mẹ của Diễm Trinh. Chạy về, nhìn thấy thân hình dập nát của cha mẹ, Diễm Trinh đã ngất xỉu và phải vô nằm bệnh viện Sơn Tây một tuần lễ. Khi ra viện, cô đến trước nấm mộ của cha mẹ thầm hứa với vong linh của người đã khuất là cô sẽ theo nghề sân khấu. Theo đến trọn đời.

Với sự giúp đỡ của đoàn, cô được vào học hệ trung cấp trường nghệ thuật sân khấu khoa kịch nói. Tốt nghiệp, cô xin vào miền Nam công tác và trở thành diễn viên của đoàn kịch nói của một tỉnh ở khu V.

Diễm Trinh uống thêm một ly rượu nữa. Cô lấy làm lạ là cô đang nhớ đến mọi điều một cách hết sức tỉnh táo.

Anh Toàn, người chồng cô hiện nay, người đã thảo và đánh máy sẵn mấy lá đơn ly dị kia, là cán bộ phân viện vật lý của tỉnh. Anh tốt nghiệp đại học ở Liên Xô với tấm bằng đỏ. Về nước được ít lâu, anh đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Nghe nói, những vấn đề mà anh nghiên cứu khiến cho người ta đã phải thay đổi cách nhìn nhận về trường điện tử gì đó, mà mỗi lần nghĩ đến Diễm Trinh lại không khỏi suy nghĩ: Tại sao người ta cứ phải đổ công sức và tiền của vào những chuyện ít thực tiễn thế nhỉ? Cô còn nghe nói rằng nếu thực hiện đồ án của anh Nhà nước phải đầu tư hàng chục triệu đồng. Chồng cô anh chàng đầu hói, luôn đeo kính cận và dù trời nóng, cũng luôn mặc com lê, thắt cà vạt ấy, còn là con độc nhất của một gia đình có nề nếp. Cha anh là thường vụ Tỉnh ủy, mẹ là phó giám đốc bệnh viện tỉnh. Chỉ nguyên một điều đó anh ta cũng có thể chinh phục được bất cứ cô gái nào. Tất nhiên là Diễm Trinh chua chát nghĩ thầm, sau khi anh ta bỏ mình.

Thế nhưng Diễm Trinh - cô gái mồ côi, mà lúc đó chưa phải là một diễn viên có tiếng tăm ấy - không bị "đổ" một cách dễ dàng. Khi Toàn tỏ tình, Diễm Trinh đã khéo léo nói để anh biết là mình không còn trinh tiết nữa. (Hồi cô sắp ra trường người yêu của cô đi bộ đội. Trong đêm chia tay anh ấy đã đòi hỏi. Diễm Trinh thương người con trai yếu đuối, và trong một phút bồng bột, cô đã đáp lại lời cầu xin. Sau này, khi nghe tin người con trai ấy đã hy sinh cô tự nhủ, coi như mình đã có một đời chồng). Khi được biết điều đó. Toàn rất đau khổ. Anh dằn vặt nhiều. Hôm sau, Toàn đã gõ cửa phòng của Diễm Trinh:

- Anh yêu em! Sau một chút đắn đo, anh nói tiếp - chỉ điều đó là duy nhất có nghĩa.

Diễm Trinh nói, vọng qua bức rèm:

- Anh về đi,- mười ngày nữa anh hãy đến đây!

Tại sao cô lại liều lĩnh thế? Toàn đi rồi. Diễm Trinh úp mặt lên cô bạn cùng phòng và khóc nức nở. Cô sợ rằng cô sẽ vĩnh viễn mất đi con người đó!

Cô đã đếm từng ngày một như một kẻ phạm tội chờ ngày lên máy chém. Lo lắng làm cô phát ốm.

Bất chấp sự ngăn cản của mọi người, Toàn đã đưa cô đi đăng ký. Với một cách nhìn khoa học anh đã kết luận rằng: Anh là một người khô khan kết hợp với cô là một người lãng mạn. Sẽ có dấu đẳng thức giữa hai người và chữ hạnh phúc.

Đám cưới của họ có đủ mặt những cán bộ cấp cao và anh em văn nghệ sĩ. Trái với lệ thường, cô dâu giản dị hát một bài ca bất tuyệt. Bài ca kể về tình yêu giữa anh họa sĩ và một cô gái, hát xong, cô khóc. Những giọt nước mắt của cô đã được chồng cô cẩn thận thấm đi bằng một chiếc khăn tay trắng, phẳng phiu và thơm tho.

- Rồi sao nữa? Diễm Trinh lơ đãng nhìn lên bức ảnh gia đình. Cô và Toàn ghé đầu vào nhau. Bé Diễm Lê ngồi tay ôm khư khư quả cam với vẻ mặt sợ sệt. Trinh nhớ lúc đó đèn phòng chụp ảnh sáng choang, nóng cả mặt.

Nhiều năm trôi qua, Toàn có thêm một phát minh gì đó chắc có giá trị lắm. Anh được đi báo cáo tại một hội nghị khoa học ở Ca-na-đa. Diễm Trinh chỉ còn nhớ độc một việc. Anh ấy về, tặng Diễm Trinh một bộ jin Mỹ. Diễm Trinh đang làm bếp. Cô ôm hôn chồng. Anh ấy nói: "Bẩn áo anh rồi này!", sau đó loay hoay tìm cái gì để làm sạch vết nhọ mà Diễm Trinh đã vô ý gây ra. Diễm Trinh cũng đã trở nên nổi tiếng. Báo chí đăng bài về cô. Bé Diễm Lê cắt ảnh cô đăng trên các báo dán đầy tường.

Cuộc sống gia đình của họ như thế thì còn mong gì hơn? Ai ngờ... Hạnh phúc là một cái gì đó thật mong manh! Và con người ta sẽ chẳng bao giờ đạt được hạnh phúc hoàn toàn - Diễm Trinh tợp một ngụm rượu, rồi châm một điếu thuốc lá, và phả những vòng khói tròn. Người ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc trọn vẹn vì khi đạt đến đỉnh cao đó con người sẽ nhận thấy nó thật vô nghĩa. Và chính điều đó mới thực đáng sợ (điều đó hay là khi đó, những ý nghĩ chập chờn, vô định). Rồi ký ức cô chuyển về những chuyện mới xảy ra gần đây.

Tại hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cô đã đạt được huy chương vàng. Và, thật khủng khiếp, một vinh quang mà chính cô cũng không thể ngờ được là cô đã được tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Hai niềm vui ấy đã đến cùng một lúc. Cô trở về gia đình với một niềm hân hoan tràn ngập.

Nhưng, về đến nhà, cô chưa kịp hôn con thì chồng cô (sau cô mới tự nhủ tại sao mình lại không nhận ra thái độ lạnh nhạt của chồng ngay, và mãi sau này cô không thể tự trả lời được) đã nói, như dội lên cô một gáo nước lạnh:

- Người ta đã kể hết với tôi rồi!

Diễm Trinh bật ra bằng một giọng lạnh lùng hơi hỗn xược:

- Thế à?

Toàn:

- Chuyện cô với thằng Tính, có không?

Cô điềm tĩnh đặt gói quà lên bàn, sắp xếp lại một vài vật theo thói quen rồi quay sang nhìn chồng. Cô tin nếu như cô chối phắt thì Toàn sẽ yên tâm ngay và ánh mắt sau hai miếng kính trắng kia sẽ trở nên hiền lành. Nhưng, bỗng dưng, một niềm thích thú cay độc chợt bừng lên trong trái tim cô, trái tim đang thổn thức vì một niềm kiêu ngạo ngấm ngầm về những gì mình đạt được, khiến cô muốn trả thù chồng, trả thù sự thờ ơ của chồng đối với sân khấu, đối với nghệ thuật, đối với thành công của cô và với tất cả những gì cô quan tâm, yêu thích. Trong giây phút bất chợt ấy, rất tự nhiên, cô quên mất rằng chính cô cũng chưa bao giờ quan tâm đến những việc làm, đến những sở thích và thậm chí, đến cả những thành công của chồng cô cả.

Cô hỏi, cô giấu vẻ châm chọc:

- Thằng Tính nào?

- Thằng Tính trưởng đoàn kịch của cô ấy!

Cô phẫn uất:

- Không có thằng Tính nào cả mà chỉ có anh Tính, một con người say mê nghệ thuật, am hiểu sân khấu.

Chồng cô hỏi bằng một giọng của con thú bị thương, cố kìm cơn đau để khỏi thốt ra những tiếng rên rỉ vô ích:

- Và gì nữa?

Như một cơn lũ đã phá tan bờ đê và trào ra một cách điên cuồng, cô nói rõ ràng:

- Và anh ấy biết yêu đương một cách mãnh liệt!

Nói xong câu đó, bất chợt cô nhìn cái cà vạt của chồng và nhếch mép cười. Không hiểu câu nói đó và cái cười kia cái nào làm cho chồng cô tức tối hơn. Trái với bản tính điềm đạm hàng ngày, Toàn chồm đến, tát cô một cái như trời giáng. Anh ta sửa lại cái cà vạt bị xệch đi vì cử động nặng rồi điềm tĩnh quay người đi về phía cửa.

- Khoan đã! Anh phải xin lỗi tôi.

Anh ta vặn cái nắm đấm cửa bằng sứ.

Chỉ nghe "rầm" một tiếng và trước đó là một câu nói nhỏ, rất nhỏ: "Đồ xướng ca vô loại!".

Bấy giờ Diễm Trinh mới để ý thấy con Diễm Lê ngồi co rúm ở một góc giường. Con bé trừng trừng nhìn mẹ. Sau đó nó xuống giường, lặng lẽ ra phía cửa, xoay nắm đấm. Lưỡng lự một giây rồi nó không quay mặt lại và nói: "Mẹ tồi lắm, mẹ ạ!" Lại một tiếng "rầm". Lần này nhẹ hơn, nhưng có lẽ, tiếng sập cửa ấy còn chà xát lên trái tim Diễm Trinh nhiều hơn.

Cô nghiêng chai, chỉ còn ly rượu cuối cùng. Lần đầu tiên mình uống hết một phần ba chai rượu chanh - cô tự nhủ - Sau đó mình sẽ ngủ, ngủ một giấc thật say. Nhưng một luồng suy nghĩ khác lại lóe lên. Tại sao mình lại ngủ say trong khi còn có thể thức, thức một cách có ý nghĩa? Cô mở cửa, bước ra ngoài gian phòng lớn, ở đấy có một chiếc máy điện thoại. Trước kia cả ngôi nhà này là của một đồng chí phó giám đốc sở. Đồng chí ấy chuyển đi, ngôi nhà được chia cho ba hộ. Gian buồng giữa nơi để cái máy điện thoại trở thành gian buồng chung. Diễm Trinh nhấc ống nghe quay số gọi về nhà riêng của Tính. Trong khi chờ máy bất giác cô sờ lên má, vẫn còn hơi đau. Cô tức giận nghĩ rằng lần đầu tiên trong đời cô bị tát.

Xong, cô về phòng sắp xếp lại một vài đồ vật, và mới biết chồng cô đã mang đi vài thứ: va li, quần áo, sách vở. Cả cái gạt tàn thuốc nữa.

Cô không phải chờ lâu. Tính đến. Anh ta ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc lá, nhìn lên cái kệ sách, hỏi trống không:

- Anh ấy với con bé đâu?

Đẩy ly rượu về phía Tính, Diễm Trinh cố ghìm nỗi tức giận. Cô nhỏ nhẹ:

- Anh uống nhé, còn một ly đây này.

Rồi cô thân mật nói thầm mong xua đi cảm giác xa cách giữa hai người.

- Cho em điếu thuốc.

- Hai người im lặng hút thuốc.

- Em đã nói hết với anh ấy rồi. Diễm Trinh nói.

Tính gay gắt:

- Em điên à?

Diễm Trinh nhìn vào mắt Tính, cô hơi ngạc nhiên:

- Thì sao, chúng mình yêu nhau cơ mà.

- Em thật lạ!

Cảm thấy như mình đã quá vô tình, Tính ra chiều thân mật hơn:

- Em ngốc lắm, làm sao anh có thể bỏ gia đình được.

- Sao anh... lúc ở Hà Nội...

- Em muốn gì ở anh bây giờ. Về đây khác, vợ anh...

- Thôi đi! Diễm Trinh dụi điếu thuốc vào khay nước. Cô nấc nghẹn:

- Vậy ra...

- Sao?

- Anh cũng như tất cả những người đàn ông hèn hạ khác.

Tính cay độc:

- Phải, cô đã gặp nhiều lắm.

Diễm Trinh tuyệt vọng:

- Kìa, anh Tính, mới đây chúng ta còn...

Tính cố nén, nói tĩnh:

- Tôi sẽ mất chức. Người ta đã báo với tôi rồi. Đi học! Vẫn cách thức quen thuộc nhằm thay ngựa giữa đường ấy mà"!

Bàn tay Tính đã cầm lấy cái nắm cửa. Sắp nghe thêm một tiếng "rầm" đây. Diễm Trinh chợt phát hoảng. Cô cảm thấy cô sắp phải cô đơn và cô muốn giữ anh ta lại.

- Anh sợ mất chức đến thế kia à?

- Đừng quá đáng, sẽ chẳng hay ho gì đâu.

Cô thét lên:

- Anh đã lợi dụng tôi!

Bàn tay buông ra. Tính quay lại và hai người nhìn nhau hồi lâu như hai kẻ thù. Diễm Trinh uất ức vì cảm thấy mình bị lừa dối còn Tính thì cay đắng nghĩ rằng chính vì người đàn bà này mà sự nghiệp của mình tan vỡ. Tính gằn giọng:

- Ai lợi dụng ai? Nhờ tôi mà cô được phong danh hiệu nghệ sĩ, còn nhờ cô mà tôi đến nông nỗi này đây!

Diễm Trinh bật lên một tiếng rên. Tính nghĩ rằng cô đã bị chạm nọc còn Diễm Trinh thì lần đầu tiên nhìn thấy hết sự nhỏ nhen, vị kỷ trong con người mà mới vài phút trước đây cô đã tin yêu.

- Đã có hàng trăm người nói với tôi về phẩm hạnh của cô. Thế mà chính tôi là những người mắc phải - Tính lẩm bẩm - lạ thật!

Tiếng nắm đấm cửa xoay. "Rầm".

Diễm Trinh trân trân nhìn vào cánh cửa màu mỡ gà đã đóng chặt. Đột nhiên cô thấy mình tụt hẫng khi nhìn lại mối tình mong manh của cô với Tính ; nó mới bắt đầu cách đây ba tháng - khi đoàn dựng vở "Đất Mũi" để tham dự hội diễn.

Vở kịch nhằm phê phán cơ chế quản lý cũ. Út Hạnh, nhân vật trong kịch, là bí thư Đảng ủy xã. Chị có cách nhìn mới về kinh tế. Nhưng những cố gắng của chị nhằm đưa xã Đất Mũi tiến lên đã bị Dao, bí thư huyện ủy, do tầm nhìn hạn hẹp và lợi ích cá nhân, dựa vào quyền hành và những nguyên tắc cứng nhắc cũ, cản trở. Cuối cùng Út Hạnh bị bắt vào tù. Khi mọi việc sáng tỏ thì chị đã chết bởi một căn bệnh hiểm nghèo mà chị mắc phải trong chiến tranh.

Diễm Trinh được phân vai út Hạnh. Còn Tính, lẽ ra là một trưởng đoàn thì không đóng vai chính, nhưng theo yêu cầu của đạo diễn nên vai Dao, một nhân vật "rất khó thể hiện" đã được phân cho Tính. Qua những ngày tập luyện, Diễm Trinh nhận ra Tính là một diễn viên có tài. Tính biết giữ độ vừa phải để cho út Hạnh, nhân vật trung tâm của vở diễn, nổi bật. Diễm Trinh biết ơn Tính về điều đó. Và trong những ngày hội diễn sôi động tại Hà Nội, họ đã chia sẻ với nhau sự hồi hộp trong những ngày trước hội diễn và niềm vui đó.

Nhưng cái chính là mình và anh ấy (cô nghĩ tới người chồng của mình) không hợp nhau. Anh ấy mực thước và rất lý trí. Còn mình thì lãng mạn và tính khí thất thường. Mình thích đi nhẩy thì anh ấy thích đánh cờ tướng. Mình thích xem phim tâm lý thì anh ấy thích đọc sách kỹ thuật nước ngoài. Mình thích ngao du với bạn bè thì suốt năm suốt tháng anh ấy chúi mũi vào những bản đồ án. Nhưng chỉ có vậy thì có gì đáng kể đâu. Vì sao? Anh ấy rất tốt, rất độ lượng cơ mà. Ngay cả một đôi lần nghe mình có tình cảm với người này, người khác anh ấy bao giờ cũng tin mình. Và bỏ qua.

Diễm Trinh cảm thấy từ trước đến nay cô không yêu chồng lắm. Hình như bao nhiêu sinh lực của con tim yêu đương cô đã đốt cháy hết từ mối tình đầu. Những tình cảm sau này chỉ là hơi ấm tỏa ra từ những tình cảm thuộc dạng khác: tình yêu gia đình, tình yêu đối với đồng loại... Cô khoái trá với phát hiện này. Bình tĩnh lại, cô thích tranh cãi với chính mình: Hãy nghiêm khắc hơn xem nào. Tại sao mình lại đồng ý lấy anh ấy? Tại vì anh ấy đã tỏ ra cao thượng khi biết mình không còn trinh tiết nữa ư? Hay là tại vì gia đình anh ấy giàu có. Hay vì cha mẹ anh ấy đều là những người có thế lực còn mình chỉ là cô gái mồ côi.

Chán nản vì cô tự biết đó chính là sự thật. Cô ghê tởm bản thân và không muốn nghĩ tiếp nữa.

Bất giác, Diễm Trinh cầm lá đơn trên tay. Thực ra không phải đây là lần đầu tiên họ nói đến hai từ khủng khiếp này. Nhưng những lần trước chỉ vì những cớ rất nhỏ mà họ tự biết là họ chỉ nói ra như thế thôi, cho đỡ bực và cho ra vẻ ta đây không cần. Nhưng lần này, có nguy cơ tan vỡ thật sự nếu như cô không chịu bỏ nghề.

Diễm Trinh nhớ đến những Iời hứa của ba chồng. Nếu Diễm Trinh chuyển ngành thì ông sẽ xin cho một chân thư viện hay thủ quỹ của một công ty nào đó. Nhưng ông cũng nói rõ là tùy cô vì theo ông làm nghề diễn viên cũng hay. Nghe cách ông nói, Diễm Trinh đoán là ông không biết những chuyện lục đục giữa hai người. Còn bà mẹ tỏ ra nghiêm khắc hơn: "Đừng đứng núi này trông núi nọ, làm việc gì cũng có cái khó của nó".

Thực ra, tại sao mình lại phải theo đuổi mãi cái nghề này. Những buổi tối khi người ta đi chơi thì mình lên sân khấu. Một năm hằng mấy tháng đi diễn lưu động, có khi còn lên miền núi, hải đảo. Ăn ngủ thất thường. Những khi có tháng mà gặp nơi ít nước thì đến nhục. Mà cái nạn say xe ô-tô mới khiếp chứ. Nghĩ đến là ghê cả người. Cô bỗng thấy thèm khát. Một cuộc sống yên tĩnh, có nhiều thời gian chăm sóc chồng, dạy dỗ con. Bỗng cô thấy thương chồng tha thiết.

Cô đi gọi điện về cơ quan của chồng. Cô biết chắc là anh ấy đang ở đó. Lập tức, cô nghe giọng nói của anh. Thật tội nghiệp có lẽ anh ấy ngồi ngay bên máy. Còn cái giọng khô khan kia chỉ là do anh ấy cố tình làm thế. Cô xin lỗi, cố gắng không tỏ ra quỵ lụy. Cô nói là cô đã quyết chuyển ngành. "Tốt, mai anh sẽ về. Em nhớ sang nhà đón con Lê. Nó giận em đấy". Thế là xong. Đầu nhức như đổ chì, cô trở về buồng, và cô tưởng tượng ra hình ảnh của cô khi trở thành một cô thủ thư. Cô còn tưởng tượng ra gương mặt đắc thắng của chồng ngày mai. Nhưng rồi tưởng tượng lại dắt cô về cái đêm khủng khiếp ở Sơn Tây, về hai nấm mộ nhỏ; ở cái nghĩa trang ấy, về lời thề đã ăn sâu vào trái tim của cô như một vết sẹo, rồi cô nhớ đến những đêm biểu diễn ở những vùng dân cư thưa thớt, có hôm trời mưa sùi sụt và những khán giả lam lũ của cô vẫn ngồi mãi cho đến khi màn hạ. Và nghĩ rằng tất cả những cái đó sẽ lùi vào dĩ vãng, cô không cầm nổi nước mắt. Cô đã khóc òa lên. Trong nỗi tuyệt vọng này cô nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi là người đàn bà bất hạnh. Vừa lúc đó thì có tiếng gõ cửa.

Tiếng gõ rất khẽ của một bàn tay rụt rè.

Hiện ra trước khung cửa là một người phụ nữ trạc bốn mươi tuổi. Chị mặc áo bà ba, tóc búi cao. Diễm Trinh cố nhớ xem cô đã nhìn thấy gương mặt cương nghị này ở đâu nhưng cô chịu không thể nào nhớ được.

Dù đến nhà người lạ vào lúc nửa đêm nhưng chị ta không có vẻ bối rối. Bằng một giọng tự tin, chị ta giới thiệu mình khi biết đúng Diễm Trinh là người chị ta muốn gặp.

- Tôi là Thắm, mới ở Hà Nội vào sáng nay. Định đến chị từ sớm nhưng bận mấy công chuyện, mãi lúc này mới dứt ra được.

Diễm Trinh không dấu được tò mò, hỏi:

- Nhưng chị gặp tôi có việc gì ạ?

- À, quên! - Thắm vui vẻ - Tôi đến đây gặp chị là vì tôi chính là út Hạnh.

- Út Hạnh hả? Trời! Chị là út Hạnh!

Diễm Trinh reo lên mừng rỡ. Nhưng rồi cô nghi ngại. Ở đời bao nhiêu kẻ đã ngộ nhận mình là nhân vật của tiểu thuyết, của vở kịch.

- Căn cứ vào đâu…

- Tôi chính là út Hạnh thật mà. Anh Hoàng Kha trước khi viết vở kịch này đã về xã tôi công tác. Tôi đã kể cho anh ấy nghe.

- Thế em diễn thế nào hả chị? Có giống chị không?

- Giống chị để có ma nó xem à, nhìn chị đây này.

Diễm Trinh cười xòa. Chị hơi xấu thật. Người thô, mặt chữ điền, đôi lông mày hơi xếch. Mỗi cái cười cởi mở là đẹp.

- Nhưng cái chính là... chị lặn lội vào đây để tìm em. Chắc là... em có giúp được chị gì không ạ?

Diễm Trinh có cảm giác nếu người phụ nữ yêu cầu, cô đi vào tuốt Minh Hải ngay bây giờ cô cũng sẽ đi. Ở chị ta có cái gì chất phác đáng yêu và rất quyến rũ.

Thắm nói tiếp:

- Chị đã xem em biểu diễn tại Hà Nội. Chả là chị ra dự hội nghị các đơn vị và cá nhân anh hùng mà - Chị cười. Bây giờ là anh hùng chứ dạo ấy thì... thật dễ sợ! Em diễn hay lắm. Giá như có thật nhiều vở diễn như thế. Có một điều chị muốn góp ý với em. Cái đoạn ở trong tù ấy mà, lúc sắp chết em đã khóc. Thật cảm động. Ai cũng phải rơi nước mắt. Em diễn thật hay có điều trên thực tế, ngoài đời ấy mà, chị không khóc. Lúc ấy chị tin là Đảng sẽ hiểu chị, những con người tốt trước sau gì cũng sẽ thắng. Nhưng cái chính hơn là chị nghĩ rằng dẫu có phải chết đi thì chị vẫn có ích cho cuộc đời này.

- Nhưng giữa sân khấu và cuộc đời... - Diễm Trinh ấp úng. Cô muốn diễn đạt thế nào cho thật dễ hiểu - là một khoảng cách. Cũng như trong thực tế chị có chết đâu, nhưng trong vở kịch thì Út Hạnh đã chết.

Thắm ngẩn người:

- Ừ nhỉ, đơn giản như vậy mà chị cũng không hiểu.

Diễm Trinh thốt lên:

- Úi! Chị đáng yêu quá - (cô bỗng nhớ ra là người phụ nữ này sẽ đi ngay, đêm nay sẽ vẫn chỉ còn một mình cô)

- Tối nay chị ngủ lại đây với em nhé. Khuya rồi mới lại hình như trời sắp mưa thì phải.

Thắm nhìn đồng hồ:

- Ấy chết gần mười hai giờ rồi. Chị phải về khách sạn.

- Chị ở khách sạn nào?

- Hải Yến.

- Để em lấy xe đạp chở chị đi.

- Không cần đâu. Chị quen đi bộ rồi. Cán bộ xã mà.

- Chỉ có vậy thôi mà chị cũng phải vất vả tìm em.

- Ôi quan trọng lắm chứ. Nếu xã hội có thật nhiều diễn viên có tài như em thì tốt lắm đấy.

Chia tay với Thắm rồi, Diễm Trinh bất chợt nhẩm lại câu nói của Thắm. Chị Thắm ơi! chị cứ tưởng em là tốt như chị, hạnh phúc như chị ư? Khi nói đến hai từ hạnh phúc, Diễm Trinh chợt đau nhói. Cô nhận ra rằng hành động gọi điện thoại cho chồng lúc nãy thật nông nổi. Không! Cô không thể từ giã sân khấu được.

Đã mấy lần Diễm Trinh cầm lấy ống nghe lên rồi lại đặt xuống. Lần cuối, cô quyết định quay số. Sau khi biết chắc ở đầu dây đằng kia chồng cô đang nghe, cô nói: "Em yêu anh! Em chỉ yêu duy nhất có mình anh! Em mong anh tha thứ. Nhưng có điều em không thể... sân khấu, đó chính là cuộc sống của em. Anh hiểu cho, vừa mới đây..."

Cô ngừng bặt. Có tiếng "Tút! Tút! Tút!" báo hiệu ở đằng kia đã tắt máy. Thế là hết. Anh ấy không thể tha thứ cho mình. Một nỗi tủi nhục vò xé tâm can cô. Rượu và những cuộc tiếp xúc vừa rồi và nhất là những ý nghĩ chán nản đã làm cô mệt mỏi. Cô trở nên đờ đẫn với ý nghĩ: "Với ta, cuộc sống gia đình thế là hoàn toàn chấm dứt". Dù không muốn, cô vẫn tưởng tượng ra cảnh cô sẽ phải luôn luôn côi cút. Và cô chợt xấu hổ khi nghĩ rằng sẽ có một thời gian dài người ta coi cô là người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Toàn thân cô trở nên hoảng loạn. Mồ hôi cô vã ra. Cô cảm thấy lành lạnh, ồ, trời đang mưa tại sao đến bây giờ mình mới biết là trời đang mưa nhỉ? Cô nghĩ đến Thắm. Lúc nãy Thắm đi thì trời mới chỉ có gió. Chị ấy đến khách sạn chưa? Chắc là chưa? Không sao, chị ấy sẽ trú ở một mái hiên nào đó hoặc là đi xích lô. Ý nghĩ ấy vẫn không an ủi được Diễm Trinh. Với tâm trạng bồn chồn, cô mở cửa sổ xem thử mưa có lớn lắm không. Một tia chớp dài loằng ngoằng và sau đó rền lên một tiếng sét. Từng hạt mưa to, lạnh lẽo, ướt át chéo vào phòng. Gió thổi những tờ giấy đánh máy của chồng cô bay lã tã. Chỉ còn lá thư ngoan cố nằm im trên bàn. Cô vội kéo mạnh cửa lại và thấy mình để người phụ nữ kia ra đi một mình trong đêm là một điều đáng trách. Cô cũng lại cảm thấy rất rõ ràng rằng người phụ nữ mà cô mới tiếp xúc có mười phút đồng hồ đã trở nên thân thiết với cô biết bao nhiêu. Mình sẽ có hạnh phúc thực sự nếu gắn bó với những con người như thế. Tự nhiên, một nỗi khao khát mơ hồ nhưng cũng rất cụ thể bám riết lấy tâm trí cô: Mình phải gặp lại người phụ nữ ấy ngay đêm nay. Nếu không, mình sẽ đau khổ suốt đời.

Chẳng kịp nghĩ lại xem tại sao mình lại có ý nghĩ lạ lùng như vậy và cũng chẳng kịp thay đồ, cô mở cửa chạy ào ra đường giữa cơn mưa nặng hạt và giữa những tiếng sấm rền.

P.D.
(SH19/6-86)






 

Các bài mới
Quê nhà (10/02/2012)
Các bài đã đăng
Trước giờ G (27/12/2011)
Đồng chí (13/12/2011)