Tạp chí Sông Hương - Số 276 (T.2-12)
Rong ruổi chuyện rồng
10:09 | 18/01/2012

VŨ TRƯỜNG AN

Xưa nay, biểu tượng rồng thường được ứng với những bậc thiên tử, còn những người dân bình thường, chỉ có thể ví với thảo cỏ hay là hàng tôm tép, con bống, con cò..., ví mình với rồng dễ phạm tội “khi quân”.

Rong ruổi chuyện rồng
Rồng trên mái điện Thái Hòa, Huế - Ảnh:TL

Thế nhưng đọc lại ca dao mới hay không phải thế, một anh chàng dân gian thất tình vẫn có thể ví mình như phận con rồng:

Khi đầu em nói em thương
Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây
Tưởng là rồng ấp lấy mây
Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn


Có rồng đế vương nhưng cũng có rồng dân gian. Rồng xuất hiện uy nghi nơi cung điện kinh thành song cũng lắm khi dung dăng dung dẻ leo lên nằm ở nơi đình làng, chùa miếu. Thế mới hay, năm thìn mà, rong ruổi chuyện rồng sẽ gặp nhiều điều lý thú.

*

Rồng là hình tượng đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Việt. Mỗi người dân Việt đều mang khái niệm dòng giống “con Rồng cháu Tiên”. Huyền sử truyền rằng, Vua Hùng đã dạy muôn dân tục xăm mình hình rồng ở ngực và hai chân (thái long) để không bị thủy quái xâm hại. Về sau rồng còn xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn, Âu Lạc với những hình trang trí chữ S. Nhiều công trình nghiên cứu xác định rồng Việt khác rồng Trung Hoa lẫn các nước đồng văn xưa như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đầu rồng Việt là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác. Rồng Việt có bờm dài hào hoa, có râu cằm. Mắt rồng Việt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh chỉa lên, đây là điểm hoàn toàn khác với rồng các nước...

Sau thời gian Bắc thuộc dài đằng đẵng, rồng Việt thời Lý xuất hiện đầy khí phách với hình ảnh “Rồng bay lên” - Thăng Long, tượng trưng cho tinh thần hướng thượng bất khuất của dân tộc, như một tuyên ngôn độc lập bằng hình ảnh của rồng. Rồng thời Lý thể hiện rõ nét tư duy dân Việt, ước mơ của người nông dân trồng lúa nước, vì vậy không gian bao quanh bao giờ cũng có nước, có mây. Rồng được trang trí ẩn hiện trong hình lá đề, cánh sen. Rồng được trang trí trong cung điện, chùa tháp, đầu ngẩng cao, mồm há rộng giỡn ngọc, mào có hình ngọn lửa, tai bờm râu rồng vút nhọn rất sống động. Rồng có thân hình tròn trịa, uốn lượn nhiều khúc hình chữ S và nhỏ dần về phía đuôi, thanh thoát, nhẹ nhàng, mang vẻ đẹp thuần khiết... Rồng thời Trần tuy thừa kế những yếu tố cơ bản của rồng thời Lý, song biến đổi một số chi tiết. Uốn khúc chữ S được thay thành hình lưng con ngựa, xuất hiện thêm hai chi tiết cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng mập mạp, tròn lẳn, nhỏ dần về đuôi và đuôi có nhiều dạng, khi thì thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Vảy cũng đa dạng, khi thì như những hình hoa tròn, khi thì chỉ là những nét cong... Rồng thời Lê là một cú gấp khúc tư duy khác hẳn, không nhất thiết giống con rắn như các triều trước. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Đầu rồng to, không có mào lửa như trước đó và có bờm lớn bay ngược ra sau... Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn biểu tượng quyền uy phong kiến, nhưng nhiều khi được nhân cách hóa vào đời sống, như rồng mẹ quây quần với bầy rồng con, rồng đuổi bắt mồi, rồng hạnh phúc trong cảnh lứa đôi... Rồng thời Nguyễn hiện còn nhiều ở Huế, trở lại vẻ uy nghi. Rồng được thể hiện với nhiều tư thế, ẩn mình trong mây, ngậm chữ “thọ”, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ... Thân rồng không dài và uốn lượn vài lần với độ cong lớn, vảy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ rõ, miệng há lộ răng nanh. Râu rồng uốn sóng chìa ra từ dưới mắt, cân xứng hai bên...

*

Phía sau những hình ảnh con rồng ấy, không biết cơ man là bao nhiêu truyền thuyết. Truyền thuyết liên quan đến rồng ở Việt Nam rất nhiều. Nhiều nhất có lẽ là những câu chuyện về long mạch của Cao Biền. Đời vua Đường Y Tôn, Cao Biền được cử sang làm Tiết độ sứ đất Việt. Với con mắt của một vị tướng, một đạo sỹ phù thủy, một nhà phong thủy sắc sảo, Cao Biền chỉnh đốn đất cư dụng nhất nhất đều phải cho hợp phong thủy. Truyền thuyết kể khi xây thành Đại La liên tục gặp hiện tượng lở đất, Cao Biền bèn tiến hành trấn yểm thần sông Tô và một số điểm khác như đền thờ Thần Bạch Mã, núi Tản Viên. Sau khi trấn yểm, việc xây dựng mới có thể yên.

Theo thuật phong thủy, long mạch khởi nguồn xuất phát từ những rặng núi cao, gọi là Tổ sơn. Long mạch cũng có thể khởi nguồn từ những khu vực khác gọi là Thiếu sơn. Những đỉnh cao tiếp thu thiên khí từ trời mà hun đúc nên long mạch. Bởi vậy đã có một long mạch rất lớn bắt nguồn từ Tản Viên và các rặng núi phía tây, tây bắc của thành Đại La, theo dòng nước của sông Tô chạy qua khu vực Hồ Tây vốn là một khúc sông Hồng ngày xưa, sang tận Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội... Chính vì nhận ra long mạch này mà Cao Biền vô cùng bận tâm khổ trí ra sức trấn yểm. Truyền thuyết còn lưu truyền: Cao Biền sử dụng đến tám vạn cái tháp đất nung để trấn yểm núi Tản Viên; dùng hơn bốn tấn sắt, đồng... chôn để trấn yểm đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ; dùng sắt đồng và cả vàng, bạc trấn yểm 19 điểm dọc theo bờ sông Tô... Thời bấy giờ nước Việt có nhiều vị đại sư lỗi lạc, am tường phong thủy, đã hóa giải phép trấn yểm của Cao Biền, nên mới có chuyện khôi hài “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”...

Một huyền thoại khác là về long huyệt ở Hoành Sơn, Bình Định. Kể rằng có một vị phong thủy người Tàu đến vùng núi Hoành Sơn - Tây Sơn, sau nhiều lần trèo lên núi cao xem xét, rất lấy làm đắc ý, rồi bỏ đi. Một thời gian sau ông ta trở lại, mang theo cái tráp bọc tấm khăn điều. Ba anh em Tây Sơn thấy vậy đoán biết ngay thầy Tàu kia đã tìm ra long mạch nên về nước đem hài cốt của cha sang chôn, liền lập mưu đánh tráo. Ngày tốt tháng ấy năm ấy, thầy Tàu lẻn mang tráp lên Hoành Sơn, giữa đường bỗng gặp một con cọp to lớn lạ thường từ trong bụi rậm nhảy xổ ra vồ. Thầy Tàu thất kinh hồn vía vất cả tráp chạy thoát thân. Hồi lâu, thầy Tàu quay trở lại, cọp đã bỏ đi mà cái tráp với la bàn vẫn còn nằm lăn lóc đó. Thầy mừng rỡ vội mang tráp đến nơi có long huyệt chôn cất. Thầy Tàu không ngờ cái tráp đó, anh em Tây Sơn đã đánh tráo hài cốt cha mình, và con cọp kia chỉ là con cọp giả. Sau đó, nhà Tây Sơn phát vương khí. Giáo Hiến là thầy dạy ba anh em, xem tướng số biết họ gặp vượng thời, bèn đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra khuyên. Ba anh em từ đó rắp tâm mưu đồ đại sự, chiêu tập hào kiệt, dấy nghĩa Tây Sơn, lấy Hoành Sơn làm căn cứ... Về sau lập nên triều Tây Sơn oai hùng hiển hách.

Một huyền thoại nữa hết sức nhân văn là chuyện về mộ cha Trạng nguyên họ Giáp. Ông Giáp Hải có mẹ người Vân Giang, Hải Hưng, nghèo xác xơ, dựng một túp lều bán nước chè độ nhật. Một hôm có người khách phương Bắc đi ngang qua ghé vào uống nước, bỏ quên gói vàng. Cuối chiều, khách mới quay lại tìm, mẹ ông mang tất cả chỗ vàng trả lại cho khách. Khách lấy một nửa số vàng biết bà để tạ ơn thì bà từ chối, bởi không muốn lấy cái chẳng phải của mình. Khách cảm phục, xin tìm chọn ngôi đất tốt, dời mộ cha của bà đến đó để đền ơn. Mẹ ông nói: “Tôi chẳng có anh em gì, mà nay cũng đã ngoài bốn mươi tuổi rồi, dẫu có được ngôi đất tốt, biết bao giờ mới phát”. Khách nói: “Nếu xem cho cẩn thận, thì dù là gái vẫn phát phúc”. Nửa năm sau, một đêm mưa gió, có người ở Bát Tràng đi làm thuê về, ngang qua quán bà, ghé xin nghỉ nhờ. Thấy anh ta áo quần ướt sũng, chân tay mồm miệng cóng đơ, bà liền đốt lửa sưởi ấm, nấu cơm cho ăn. Nhà chỉ có manh chiếu, thương anh ta cơ hàn, bà nhường anh ta đắp. Khuya lạnh quá không chịu nổi, bà bèn chui và chiếu nằm chung. Lửa dục bốc lên khiến cả hai không kìm được, nhưng xong cuộc tình thì anh ta tắt thở. Bà mẹ cả sợ, đem xác ra chôn sau quán. Sau đó bà có mang sinh hạ một con trai tư chất khác thường. Một hôm cậu bé đang chơi nơi bến sông thì có người nhà giàu chuyên làm từ thiện ở huyện bên Phượng Nhãn sang chơi, thấy cậu bé quá khôi ngô bèn lén bắt cóc về nuôi. Mẹ ông tìm mãi không thấy, tưởng ông chết đuối, chỉ biết gào khóc. Ông được nuôi dạy, học giỏi nổi tiếng thần đồng. Năm 23 tuổi đỗ trạng nguyên, ngày vinh quy, người trong ấp phải phục dịch cực nhọc, họ kháo nhau: “Người ở đâu tới đây làm khổ cả dân thôn”. Giáp Hải nghe được, bèn tìm hiểu, lần sang Vân Giang tìm mẹ, sau gặp một bà lão già nghi là mẹ, cho đón về săn sóc. Một hôm Giác Hải ngồi chơi để lộ cái nốt ruồi đỏ ở chân ra ngoài, mẹ ông thấy được, hai mẹ con nhận ra nhau. Con cháu nhà họ Giáp sau đều làm quan lớn.

Người mẹ có tấm lòng thành động thấu đến trời. Bởi vậy mới có việc ông khách quên vàng, rồi chỉ cho long mạch, rồi dẫn tới một người đàn ông Bát Tràng làm thuê ghé chân. Sinh ra người, lại bày đặt một nhà giàu Phượng Nhãn đem về nuôi nấng, dạy dỗ. Sau rốt lại tạo một dấu tích là cái nốt ruồi ở chân để mẹ con nhận ra nhau. Ông trời công phu, bày chuyện hơn hai mươi năm, cũng chỉ nhằm đáp lại tấm lòng tốt của người mẹ, quý thay!

Những chuyện như thế rất nhiều.

Về Đồng Nai thì nghe chuyện đất thiêng Đồng Nai có phần lớn ẩn hình: Long, Lân, Quy, Phụng. Trong đó Long tức con sông lớn uốn khúc chảy từ Bắc xuống Nam, giống hình con long ẩn thủy, dưới thời các chúa Nguyễn, sông Đồng Nai có danh xưng là Phước Long Giang. Tác phẩm “Câu Dầm” của Bình Nguyên Lộc có kể một ngư phủ ở Tân Uyên câu được con cá lạ đem thả nên sau được Long Vương đền ơn, mời xuống làm thượng khách. Vùng Biên Hòa được con mắt phong thủy xem là xứ có cốt ngọa long. Long Ẩn là đầu, chuỗi gò nổi là mình rồng lượn khúc, núi Châu Thới là đuôi, núi Bình Điện là trái ngọc châu. Biên Hòa vì vậy có tư thế rồng nằm quay đầu về hướng Bắc, ngậm trái ngọc châu Bình Điện.

Ra cù lao Tân Long, Mỹ Tho cũng nghe chuyện long mạch. Người dân trên cù lao này tin tưởng rằng, dưới chân mình có long mạch nên dân trên cồn luôn làm ăn khá. Từng có một thời Tân Long nổi tiếng là “vương quốc tàu cá” giàu có. Nơi đây từng sản sinh ra nữ thuyền trưởng duy nhất của Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hồng...


Huế là vùng đất kinh kỳ của một thời, tất nhiên không thiếu chuyện long mạch. Chuyện li kỳ nhất có lẽ là huyền thoại về ngôi mộ Nguyễn Phúc Hiệp ở làng Vân Thê, Thủy Thanh, Hương Thủy. Chuyện rằng nơi từ đường họ Nguyễn ngày nay, xưa là một vùng đất của một ngôi mộ linh thiêng. Một hôm thầy địa lý của triều đình đi ngang, gặp lúc mưa to gió lớn, thấy lũ trẻ chăn trâu chạy vào trốn ở khu mộ đó thảy đều không bị ướt. Biết là ngôi mộ đang kết phát, thầy địa lý bèn tâu trình lên vua Minh Mạng rằng làng Vân Thê có huyệt mộ phát vương. Truy xét thì ra đó là ngôi mộ của người con trai thứ tư của Chúa Hiền, ngài Quốc Oai Công Nguyễn Phúc Hiệp. Vua liền lệnh cho dời mộ ngài ra Hiền Sỹ. Tương truyền khi dời ngôi mộ kết ấy, người làng đào xuống thấy phía dưới đáy huyệt có hai con cá chép đã mọc vân vi, râu dài gần thước, chuẩn bị hóa rồng. Hai con cá được thả ra sông Như Ý, lập tức mây trời kéo về đen kịt, như thể tiếc cho cuộc đất mà hai con cá đó, nếu đủ thời gian hóa rồng thì dòng trực hệ chúa Nguyễn Hiền sẽ lại được làm vua. Sông Như Ý vì thế sau đó còn gọi là sông Long Giang. Hai con cá chép được thả một ở đầu làng và một ở cuối làng, nên sau này xây hai chiếc cầu ở đó, dân làng gọi là cầu Long Thượng, cầu Long Hạ. Và cũng từ đó, người dân Vân Thê bị cấm chôn cất trong làng. Làng phải mua khu đất cát ở Diên Đại - Phú Vang bên kia sông làm nghĩa trang. Thân nhân ngài Quốc Oai Công Nguyễn Phúc Hiệp sau này đã xây ngôi Từ đường để phụng thờ ngài tại vùng đất nói trên và huyệt mộ lịch sử kia đã biến thành hồ sen nằm ngay trước ngôi nhà thờ chính.

Trong các truyền thuyết ở Huế, có hai truyền thuyết nổi tiếng gắn với hai ngôi quốc tự. Kể rằng thời các chúa Nguyễn vào Nam, khi định đô ở Thuận Hóa để thực hiện giấc mộng đế vương theo lời tiên tri của Bà Trời (Linh Mụ), những đêm tối trời, thường có một con rồng lớn xuất hiện hô mưa hô gió, quấy nhiễu triều cường. Chúa Nguyễn bèn mời thầy địa lý, mới hay ngay trước mặt Kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng rồng với nhiều long mạch khắc chế đế quyền, cần có cao nhân trấn yểm mới mong khắc phục. Các chúa Nguyễn sau đó đều mời các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào các huyệt địa, hay dựng chùa lên đó để thuần phục rồng, quả nhiên không còn rồng quấy nhiễu. Dãy núi này do đó về sau có tên gọi là Bình An Sơn, có hàng chục ngôi chùa tọa lạc đến nay.
 

Giếng Hàm Long ở chùa Báo Quốc. Ảnh: TL


Cũng theo truyền thuyết, điểm khởi đầu của các ngôi chùa đó là chùa Báo Quốc do Thiền sư Giác Phong dựng từ cuối thế kỷ XVII. Chùa được xây dựng trên đồi Hàm Long. Khi Thiền sư Giác Phong đến chấn tích khai sơn, đã cho đào một cái giếng ở ngay chân đồi. Giếng có mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, thơm trong, ngon ngọt. Về sau, nước giếng Hàm Long chỉ được tiến dâng cho các chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được dùng. Vì vậy người Huế có ca dao: “Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt/ Em thương anh rầy có Bụt chứng tri”. Hay “Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm/ Diêm tiêu nào ngăn được nước trong”...


Ngày xuân đi chùa là việc lâu nay người Huế thường thực hiện như một triết lý sống, hướng thiện và dung hòa giữa đạo và đời. Trong đời thực có phảng phất những truyền thuyết này khác, trong đó có những truyền thuyết con rồng, cũng là những câu chuyện răn mình về “giấc mộng chè kê”...

V.T.A
(SH276/2-12)








 

Các bài mới
Rồng đá (20/01/2012)
Các bài đã đăng
Rừng Juliet (17/01/2012)