Tạp chí Sông Hương - Số 276 (T.2-12)
Chuyện Rồng năm Nhâm Thìn
15:34 | 20/01/2012

ĐẶNG TIẾN

Rồng là một linh vật tưởng tượng, chỉ có trong huyền thoại hay truyền thuyết, nhưng lại là một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người Việt Nam.

Chuyện Rồng năm Nhâm Thìn
Rồng ngậm minh châu, bản vẽ Trần Tuy

Từ thuở xa xưa, truyền thuyết vẫn cho rằng dân tộc Việt Nam là Con Rồng Cháu Tiên. Dù ngày nay nhiều người không tin vào nguồn gốc ấy, thậm chí còn phản bác một truyền thuyết về chủng tộc mang tính cách tự tôn, kỳ thị, thì hình ảnh rồng vẫn ăn sâu vào trí tưởng và lời ăn tiếng nói. Rồng vẫn thường xuyên xuất hiện trên sách vở, trong trang trí, mềm mại trên vải thêu, uyển chuyển trên tranh tượng, uy nghi trong kiến trúc. Thậm chí, ngày nay hình rồng còn xuất hiện tràn lan hơn trước

Vậy nhân ngày Tết Nhâm Thìn, chúng ta tìm hiểu xem: Rồng là con gì, xuất phát từ đâu, ý nghĩa ra sao, biến chuyển thế nào qua các địa phương và thời đại?

Trước hết cần nói ngay điều cơ bản: rồng hiện diện trong truyền thuyết nhiều dân tộc trên thế giới, thường được gọi là Dragon, âm vang gần với tên Rồng trong tiếng Việt, nhưng hai từ này không họ hàng gì với nhau. Nhà bác học Nga, V. Propp, trong tác phẩm kinh điển Cội rễ của truyện cổ truyền kỳ, sau hằng trăm trang thâm cứu truyền thuyết rồng trong các nền văn hóa thế giới, đã đi đến kết luận: “con rồng thủy tộc là một huyền thoại quốc tế”[1], dĩ nhiên là dưới những hình dạng khác nhau, trong những chức năng, biểu tượng khác nhau: rồng Tây phương nhiều đầu, bắt cóc, ăn thịt phụ nữ, rồng Á đông một đầu, cứu nhân độ thế. Nhưng rồng nọ rồng kia đều sản sinh từ một tư duy huyền thoại.

Rồng - Cá Sấu

Đầu tiên, chúng ta thử tìm hiểu nguồn cội gần nhất của con rồng Việt Nam. Theo sử gia Lê Thành Khôi, con rồng Việt Nam và Trung Quốc thoát thai từ cá sấu, hiện nay còn là vật tổ của nhiều dân tộc Đại Dương Châu[2]. Nhiều tác giả Việt Nam hiện nay cũng đồng ý với một lối giải thích có từ lâu, như trên một bài báo 1901:

Rồng có chân và vảy, nó nhắc đến loài cá sấu thời xưa trên sông nước Trung Hoa, hiện còn sống rải rác trên sông Dương Tử. Cá sấu nòi thủy tộc, tự nhiên được liên hệ với nước; mùa đông nó ẩn mình, nhưng mùa xuân và đầu hạ, vào những trận mưa lớn, nó xuất hiện để tha hồ trửng giởn. Người Tầu nhầm hiệu quả với nguyên nhân và cho rằng mây mưa theo về với rồng. Từ đó con cá sấu đã trở thành linh vật, thu góp mây mưa, rồi óc sáng tạo của nghệ nhân đã tạo ra con vật truyền kỳ. Và chức năng của rồng giữa mưa giông được ghi lại bằng hình cầu (minh châu) tượng trưng cho sấm chớp giữa những tầng mây lớp lớp. Và khái niệm phồn thực nhờ ơn mưa móc đã biến con rồng thành biểu tượng tốt đẹp”[3]. Một lối giải thích cụ thể, duy lý và duy vật như vậy, nghe qua thấy có tình có lý, được nhiều người chấp nhận, nhưng chưa chắc đã đúng. Vì một huyền thoại có tầm phổ biến sâu và rộng trên thế giới như Rồng, không dễ gì nảy sinh từ cảnh mây mưa của cá sấu. Lối giải thích ấy, nếu đúng, thì chỉ nằm chồng lên nhiều lý do khác.
 

Giao long trên lưỡi giáo Núi Voi (TK VI trước CN)


Cũng một phương pháp cụ thể, nhưng ngược lại, có người đi từ sách Lĩnh Nam Chích Quái (thế kỷ XV) dựa vào truyền thuyết thời Hùng Vương: “Lúc ấy dân sống ở ven rừng xuống nước đánh cá, thường bị giống giao long làm hại (...) lấy mực xăm mình theo dạng thủy quái. Từ đó dân không bị tai họa giao long nữa”. Theo văn cảnh và hoàn cảnh lúc đó, giao long là cá sấu, hoa văn theo dạng “thủy quái” là rồng. Nhiều học giả như Đinh Gia Khánh[4] Nguyễn Lang[5] cho rằng từ phong tục vẽ giao long, người Việt đã tự xem mình là dòng dõi của rồng. Những ức thuyết như vậy, dù đúng dù sai, vẫn có tác dụng cụ thể là tạo tương quan giữa cá sấu, giao long, thuồng luồng và con rồng trong truyền thuyết.
 

Cá sấu giao cấu khắc trên thạp đồng của Đào Thịnh (thiên niên kỷ trước Thiên Chúa)

Tương quan Rồng-Sấu còn có thể minh họa bằng hình tượng cá sấu trên nhiều di chỉ thời Đông Sơn: đôi cá sấu đối diện trên một thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái, thiên niên kỷ trước Thiên Chúa) hay qua đồng Núi Voi (Ba Vì), lưỡi rìu Đông Sơn, vv...

Nguyễn Phúc Long đã có bài nghiên cứu rất kỹ về chủ đề này trên báo Đoàn Kết, Paris, số Xuân, cách đây hai giáp (1988)[6].

Giáp sau, trên báo Hợp Lưu, California, số Xuân 2000, Huỳnh Hữu Ủy cũng có bài nghiên cứu tường tận và cập nhật nhấn mạnh vào tương quan Rồng-Sấu trong tiếng Mường và văn học dân gian Mường[7].

Rồng: hình tượng tổng hợp

Nhưng vấn đề đặt ra là: con rồng ta thấy hiện nay - rõ nét từ thời Lý, thế kỷ XI - có thật sự thoát thai từ con sấu-giao long chạm khắc thời Trống Đồng Đông Sơn? Lịch sử mỹ thuật có liên tục và đơn tuyến? Hay là bị đứt đoạn trong một ngàn năm Bắc thuộc? Con Rồng-Sấu giao long nếu quả thật đã xuất hiện thời Đông Sơn, chắc cũng thay hình đổi dạng nhiều dưới ảnh hưởng ngoại lai, từ phía nam hay phía bắc.

Từ đó, lại nảy sinh một câu hỏi khác: Nếu hình dạng rồng hiện nay không thoát thân từ hình sấu-giao long thời Đông Sơn, thì huyền thoại Rồng Lạc Long có phản ánh thực tại sấu-giao long của vùng châu thổ sông Hồng thời Hùng Vương? Nói khác đi, con rồng trong huyền thoại và con rồng trong tranh tượng, tuy hai mà một, hay ngược lại, tuy một mà hai?

Ngoài ra, rồng còn là một huyền thoại có tầm biểu tượng sâu và rộng trên thế giới và ở mỗi địa phương mang một chức năng riêng. Vậy có nên giới hạn nó trong chuyện cá sấu ở sông Hồng hay Dương Tử?

Trong công trình nghiên cứu của V. Propp đã nói trên, tác giả đã đi đến định nghĩa khái quát:

Rồng là con vật huyền thoại tổng hợp nhiều động vật khác, chủ yếu là chim và rắn” thêm vào cá sấu, cừu dê, ngựa, lạc đà, hùm beo, sư tử... Con vật có hình dung chính xác, thì không gọi là rồng, ví dụ con mãng xà vĩ đại, trang trí quái đản ở Châu Úc, là Thanh Xà, Bạch Xà gì đó chứ không phải là rồng (tr.324).
 


Vậy nguồn gốc rồng ở đâu ra? Trước hết, nó không phải là di chỉ của loài khủng long thời tiền sử xa xưa, vì khi loài người xuất hiện thì loại động vật này đã bị diệt chủng từ lâu. Hài cốt khủng long cũng khó gợi ý gì cho nhân loại (tr.293). Theo Propp con rồng sản sinh từ tư duy hoang mang của con người cổ sơ trước cái chết, mà họ không hiểu. Con người, hay động vật, đang sống, sao lại chết? Phải chăng là hồn lìa khỏi xác? Vậy hồn đi đâu? Xác sao lại biến dạng, tan rã? Cõi chết ở phía nào? Phía trời cao của chim, xứ biển xa của cá sấu, hay dưới đất sâu của hang rắn? Phải chăng hồn sẽ nhập vào một thân xác khác, tổng hợp chim-rắn-sấu, gọi là rồng? Vì vậy mà rồng, có cánh hay không có cánh, vẫn bay được như chim, luồn vào hang hốc như rắn và ngự trị thủy cung như... Lạc Long quân? (tr. 326).
 

Rồng trên sứ thời Mạc TK XVI


Rồng - Chim - Rắn Việt Nam

Các nhà nghiên cứu về dân tộc học và cổ sử Việt Nam, cũng có những suy đoán tương tự, được phát biểu rải rác trong những công trình in lại trong Bộ Hùng Vương Dựng Nước (bốn cuốn)[8] như Lê Văn Lan và Trần Minh Hiên:

“Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, có một con vật gọi là prư dồng”. Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vây và có chân. Trong ngôn ngữ và ý niệm Thái “prư dồng” tương đương với “tu luông” là một con vật mình rắn có vảy và có bờm như ngựa. Những con vật quái đản này không có quan hệ gì về dòng họ với những người đang sống, nhưng lại có vai trò như một thứ thần chịu trách nhiệm về nắng mưa như một thứ ma nước và những con vật quái đản này cũng thường được hiểu như khái niệm thuồng luồng của người Việt... Từ Quỳnh Nhai, đến Mường La, trên sông Đà, có khoảng 20 cái thác thì có 20 nơi thờ thuồng luồng chư thế, thường cúng bằng gà lợn”... (H.V.D.N. III, tr. 241-242).

“Hình tượng chim và rồng thể hiện sự phát triển tư duy con người trong quá trình xây dựng nên hình tượng “khổng lồ” (...) chim và rồng dần dần đã không còn là những động vật khoác áo thần linh nữa, mà đã được biến thành những nhân vật truyền thuyết, nhân vật lịch sử. Đó là cặp Âu Cơ (tiên-chim-núi-đất) và Lạc Long Quân (rồng-nước-sông-biển): Rồi thu hút vào đó những hình tượng Sơn Tinh, Gióng, đặc biệt là Hùng Vương”
(H.V.D.N. III, tr. 244). Phần đông các nhà nghiên cứu Việt Nam đều suy nghĩ theo chiều hướng đó, như Cao Huy Đỉnh, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng[9].
 

Rồng khắc gỗ, chùa Dâu thời Trần TK XIII


Rồng: Điềm lành

Trong các xã hội trồng lúa nước, rồng là điềm lành, là biểu tượng cho mưa móc, phồn thịnh, tốt lúa xanh dâu. Từ đó vua chúa chiếm đoạt hình tượng rồng để tiêu biểu cho mình, cho chức năng trị dân trị nước, ban ơn “vũ lộ” cho dân chúng. Vua chúa, bắt đầu là Thần Nông trong truyền thuyết Trung Quốc, có tên là Viêm Đế, bao gồm quyền uy chế ngự mặt trời, sinh ra Kinh Dương Vương cũng là biểu hiệu mặt trời, Kinh Dương lấy Rồng, con gái Long Vương sinh ra Lạc Long Quân “dạy dân việc cày cấy nông trang, đặt ra các đẳng cấp quân thần, các đạo cha con vợ chồng, đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui” (Lĩnh Nam Chích Quái).

Như vậy, con Rồng từ tư duy về cõi chết đã chuyển mình thành huyền thoại kết hợp hai hiện tượng Nắng-Mưa, cần thiết cho nông nghiệp, rồi đi vào truyền thuyết và dần dần mang chức năng xã hội, lịch sử. Có lẽ vào thời kỳ dân tộc ta định canh định cư vùng sông Hồng, thời Đông Sơn-Hùng Vương.

Tuy nhiên, con rồng biểu tượng cho nền đế chế quân chủ, phong kiến có lẽ chỉ định hình rõ nét về sau, từ thời Hán Cao Tổ chọn Rồng làm biểu tượng đế chế, du nhập vào nước ta vào thời kỳ Bắc thuộc. Hình tượng con rồng đế vương xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc, từ nhà Hạ, hơn hai ngàn năm trước Tây Lịch: rồng đã sinh ra thủy tổ nhà Hạ, các vua Hạ ăn thịt rồng, nuôi rồng... Nhà bác học Marcel Granet nói rõ điều này và giải thích bằng những cuộc hội hè, có múa rồng, “đấu rồng” (joutes entre dragons) để cầu mưa. “Hình thể pha tạp của rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, bắt đầu từ nghệ thuật điêu khắc phù hiệu, mà tục múa hát dân gian là khởi điểm... Trước khi là biểu tượng của đế vương, rồng là hình tượng múa nhảy dân gian”[10]. Tại nước ta, trên trống đồng, những hoa văn hình dung người nhảy múa, sử dụng nhạc khí, giã gạo quanh mặt trời... bên cạnh thuyền rồng, có thể cùng một nguồn gốc sáng tạo.

Và ngày nay, trò chơi rồng rắn, hay múa rồng có thể là tàn dư.

Nói chuyện rồng ba đồng bảy đổi cho tròn câu chuyện, là mong nới rộng hiểu biết ra khỏi cương vực con Rồng cháu Tiên, đưa một truyền thuyết bộ tộc hội nhập vào quỹ đạo huyền thoại loài người. Nhưng điều chính yếu vẫn là ý nghĩa Rồng trong tâm thức dân Việt chúng ta, lúc nào cũng thương nguồn nhớ gốc, thiết tha với lịch sử trên dải đất hình rồng; đồng thời hướng về tương lai hưng thịnh, mà Rồng là biểu tượng từ Chiếu Dời Đô.

Và năm Nhâm Thìn 2012 này, nhất định Rồng sẽ tung mây...

Nhất định thế.

Orleans, Tết Nhâm Thìn 2012
Đ.T
(SH276/2-12)



 



[1] - V.Propp. Les Racines historiques du conte merveilleux. Leningrad, 1946; Gallimard, Paris 1983.

[2] - Lê Thành Khôi, Histoire du VietNam, Sudestasie, Paris 1981, tr. 78.

[3] - E. Chavannes.Báo Journal Asiatique, số tháng 9-10, tr 193, Paris 1901. Xem thêm Huệ Thiên: “Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời”, ký An Chi, báo Kiến Thức Ngày Nay, số Xuân Tân Tỵ 2001, in lại trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr 291, Nxb Trẻ, 2004, TP HCM.

[4] - Văn Học Dân Gian II, Hà Nội, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1973, tr . 67.

[5] - Việt Nam Phật Giáo sử Luận I, Văn Học tái bản 1994, Hà Nội.

[6] - Nguyễn Phúc Long, Đoàn Kết, Paris, Xuân Mậu Thìn, tháng 2.1988.

[7] - Huỳnh Hữu Uỷ, báo Hợp Lưu, Xuân Canh Thìn 2000, California.

[8] - Hùng Vương Dựng Nước, nhiều tác giả, Hà Nội, Cuốn I. 1970, II .1972, III.1973, IV. 1974. Tổng cộng khoảng 1500 trang khổ lớn.

[9] - H.V.D.N. IV, tr. 347 và 89.

[10] - Marcel Granet, La Civilisation Chinoise, Albin Michel, Paris 1929, tr.204.

 

 

Các bài đã đăng
Rồng đá (20/01/2012)