Tạp chí Sông Hương - Số 20 (T.8-1986)
Thơ Sông Hương 8-86
14:22 | 30/03/2012

Trương Kiến Giang - Phan Kỷ Sửu - Nguyễn Trọng Tạo - Kim Liên - Xuân Hoàng - Vĩnh Nguyên

Thơ Sông Hương 8-86
Trường Quốc học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành đã học từ năm 1908-1909 - Ảnh: internet

TRƯƠNG KIẾN GIANG


Trường Quốc Học với người viết sử

Ghế đá nào nơi Bác ngồi trầm tư?
Về nỗi khổ của người dân mất nước
Hàng cây nào tán lá thường xào xạc
Kể người nghe chuyện Huế những ngày xưa?

Bước khẽ khàng trên lối sỏi vườn trưa
Ngờ gặp dấu chân Người để lại
Ôi, dấu chân ngỡ còn vương bối hổi
Con vừa nghe Người bước ở đâu đây…

Gió rì rào câu chuyện với hàng cây
Phải cơn gió thổi từ buổi ấy
Xưa, Huế có một ngày lửa cháy
Truyền đơn bay - cánh bướm trắng sân trường (*)

Lật trang sách trên tay lòng bỗng bồi hồi
Trang sách ấy, ngày xưa Người đã đọc
Những hàng chữ đau một thời nước mất
Tháng ngày trôi… chuyện cũ chẳng lu mờ

… Vẫn mái trường xưa sách vở học trò
Bao thế hệ nối nhau bước qua vòm cổng cũ
Trường Quốc Học nay thành LỊCH SỬ
Tuổi thơ Người, Huế giữ, vẫn tinh khôi.


Trường Quốc Học 1980 - 1986

-----------------
(*) Năm 1908, Bác Hồ học tại trường Quốc Học, vì tham gia rải truyền đơn hưởng ứng phong trào chống thuế ở Trung kỳ nên bị thực dân Pháp đuổi học.



PHAN KỶ SỬU


Hoa phấn

Có một loài hoa màu trắng
Bay trên tóc thầy bâng khuâng
Tôi gọi tên là hoa phấn
Thuở còn đi học xa xăm

Hoa nhỏ mềm hơn hạt bụi
Mười mấy mùa ve xa rồi
Đi suốt chiều dài lửa khói
Hoa vương vấn mãi lòng tôi

Chiều nay gặp loài hoa ấy
Bay trên bục giảng bồi hồi
Thầy tôi đâu còn đứng đấy
Những ngày hoa bướm đâu rồi

Nhớ quá giọng thầy trầm ấm
Bàn tay êm ái xoa đầu
Thầy tôi giờ già yếu lắm
Chắc không còn nhớ tôi đâu

Thầy ở nơi nào thăm thẳm
Biết bao giờ gặp lại nhau
Để khi gọi thầm hoa phấn
Chao ơi! Lòng cứ nao nao

Nét chữ đầu đời thầy mớm
Hồn tôi sâu lắng không nhòa
Trường cũ dáng thầy trưa sớm
Nguồn thơ vô tận bao la

Bao lớp học trò lớn lên
Đất nước nghiêng vai gánh nặng
Ai vun tâm hồn năm tháng
Làm người nào ai nỡ quên.




NGUYỄN TRỌNG TẠO


Ấn tượng Huế

Lăng tẩm chùa chiền lẩn khuất dưới bóng thông
khói sương cổ tích

bất chợt hoa
áo dài thiếu nữ
bất chợt lá
chiếc hôn thiên nhiên non tươi
 
trăng lạnh thượng nguồn tuôn bạc
đèn khuya cuối bến tụ vàng
mãi bí mật những vườn trong phố
rụng trái đào tiên xuống đất trần
 
những ngả đường sinh viên
những ngả đường xe lam gồng gánh
hoa trâm vàng dắt ai về chốn xưa
thánh thiện thi ca
dân dã tôm chua canh hến
người tranh luận
người mộng mơ
người vẽ tranh tĩnh vật


Sông Hương cân bằng thành thị với làng quê
 
sao cứ nhớ một dáng bò gặm cỏ
trong bài thơ người bạn đã quan trường
sao cứ ước một người yêu ở đó
để suốt đời quê ngoại cũng quê hương?…




KIM LIÊN


Bóng mát còn lại

Phố biển quê em có từ bao giờ
Mà gốc đa thành cổ thụ
Cây bàng ai trồng mấy mùa đổi lá
Bóng mát dịu dàng không một phút bình yên
Nhà cửa ngổn ngang đạn xé bom rền
Chỉ mảnh trời xanh trên đầu sót lại
Lá yêu cành nên ngọt ngào hoa trái
Phố biển cười trong sắc đỏ bình minh

Bóng mát tuổi thơ cuối phố lặng im
Thành ngọn lửa màu xanh tha thiết

Đàn chim bay đi bao năm tháng trở về
Bao dự kiến dành cho ngày trở lại
Mùa quả ngọt đơm hoa kết trái
Từ bàn tay rắn rỏi nốt chai
Màu xanh vươn trên ngả đường dài
Làm bóng mát ngày mai nắng trãi
Cho nỗi nhớ con tàu khi xa dân bến bãi
Hẹn ngày vui trên con sóng ngân rung

Vòng lá thanh tao ngập gió nồm dâng
Đất trẻ thế mà tóc anh nhuộm bạc
Sóng vô tư một màu xanh chẳng khác
Nước vơi đầy theo năm tháng bâng khuâng
Thị xã xới vun bóng mát hồi sinh
Kỷ niệm cây đa xuôi về quá khứ
Nhưng bóng mát đời em xin hãy nhớ
Nắng gió không làm bạc khoảng trời xanh


Đồng Hới, năm 1984


XUÂN HOÀNG


Bên tượng Đốt-xtôi-ép-ski

Anh cán bộ Hội nhà văn đãng trí
đưa tôi đi thăm viện bảo tàng Đốt-xtôi-ép-ski vào chiều 30-4
Cả Mát-xcơ-và đang nghỉ lễ,
chuẩn bị ngày hội của mình vào ngày mai!
Chỉ có thể gặp Đốt
                        ở bên ngoài
trong công viên yên tĩnh:
ở đây, quạ và bồ câu
                        cùng hiền lành chung sống,
Cùng thẩn thơ
            quanh tượng của Người.
Nỗi đau khổ hôm qua dẫu đã vơi rồi,
vẫn còn làm vài người trĩu nặng .
Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, lẽ phải
                        loài người đang dành từng bước thăng

"Nhưng trên trái đất này, không có
nỗi khổ đau nào cho là của riêng ai?
(*)

Matxcơva 5-86

---------------
(*) Ý thơ của Xi-mô-nốp




VĨNH NGUYÊN


Giá không có loạt bom ngày ấy

Giá không có loạt bom ngày ấy
Thì đến nay có thể mẹ đương còn
Mẹ cuốc xới chăm nom vườn tược
Với đôi tay như lưỡi hái lưỡi liềm

Giá không có loạt bom ngày ấy
Ngôi nhà tranh cột táu chôn sâu
Mưa đâu dễ thác xô sập mái
Và loài mối tinh khôn gặm nhắm cũng còn lâu

Giá không có loạt bom ngày ấy
Ngôi nhà mình ấm cúng biết bao
Tiếng trẻ khóc, tiếng bà, nựng cháu
Con dâu hiền chén nước miếng trầu trao

Giá không có loạt bom ngày ấy
Còn mẹ cho con được đỡ đần
Đời sống khó ngày ngày bao nỗi
Lo toan dồn từng sợi tóc hoa râm

Giá không có loạt bom ngày ấy…


(SH20/8-86)








 

Các bài đã đăng