HOÀNG NHẬT TUYỀN
- Nhắn chú ấy chiều nay vào ngay. Vào ngay đây! Tôi chẳng sống được mấy ngày nữa đâu thím Đóa à!
Ông già bị bệnh gầy gò trong bộ đồ màu xanh lơ của bệnh viện trở mình nằm nghiêng và lấy sức để nói với người đàn bà vừa đến thăm. Một con mắt còn lại trên khuôn mặt xương xẩu của ông nhìn người đàn bà chứa đựng cả sự van lơn lẫn sợ hãi. Ông thở từng hơi dài nặng nhọc. Thịt chỗ con mắt bị bọn ác ôn chọc thủng từ lâu, giờ này trông đỏ lên và ươn ướt - Tôi mong chú thím thông cảm cho tôi. Thông... cảm cho tôi... ông bỏ lửng câu nói và đau đớn đưa hai tay ôm lấy ngực.
Người đàn bà đặt vội hăng-gô cháo xuống bàn, chạy tới bên giường bệnh. Bà cúi xuống, lo lắng nhìn ông già đang lên cơn đau.
- Nhà tôi chiều nay về anh Lam à! Anh ấy sẽ vào ngay. Không có gì phải thông cảm cả. Nhất định bệnh sẽ khỏi. Anh sẽ về sống với bọn tôi thôi. -Bà chậc lưỡi - Anh mà chịu khó nghe lời vợ chồng tôi thì đâu có đến nỗi này. Bọn tôi có điều gì sai quấy anh bỏ qua cho.
- Chú thím chẳng có gì sai quấy cả. Tôi... tôi... thôi thím nói với chú Bình là phải vào đây ngay. Tôi có một việc hệ trọng cần nói với chú ấy. Tôi... tôi sẽ không qua khỏi trong vài ngày nữa đâu.
- Anh đừng nói như vậy. - Người đàn bà lòng đầy lo lắng. Bà biết bệnh của ông già đang ở giai đoạn nguy kịch. Bà an ủi - Tôi đã hỏi mấy bác sĩ. Ai cũng bảo bệnh của anh rồi sẽ khỏi thôi. Hay anh cứ nằm để tôi lấy cháo đút anh ăn.
- Thôi... thôi... Tôi không ăn được đâu. Thím cứ để trên bàn đó tôi. Lượng sức mình, tôi biết. - Ông già nhìn người đàn bà nói như năn nỉ - Thím về đi! Chú Bình về thì thím nói chú vào đây ngay. Thím bỏ qua cho tôi. Tôi chỉ nói với chú ấy...
Người đàn bà nhìn ông già. Bà thấy sợ. Rõ ràng ông Lam, người mà bà và ông Bình, chồng bà, xem như một người cha, người anh ruột đã có những triệu chứng khác thường so với mấy ngày trước. Ngày nào, ba bữa, sáng, trưa, chiều, bà cũng mang cháo đến đây cho ông. Các bác sĩ bệnh viện đã cho vợ chồng bà biết ông Lam bị xơ gan ở giai đoạn nặng sẽ không qua được cái chết. Biết vậy nhưng "còn nước còn tát", họ cho ông ở lại bệnh viện để điều trị. Ông Bình đã gởi nơi này nơi kia mua thêm các loại thuốc quý để chữa bệnh cho ông Lam. Nhưng bệnh không giảm mà mỗi ngày một tăng. Ánh mắt xám đục và lời nói mệt mỏi ngắt quãng trong buổi trưa hôm nay của ông Lam làm cho bà Đóa sợ.
- Chẳng lẽ đã tới lúc rồi - Người bà Đóa hơi choáng váng nhưng bà vịn vào thanh sắt ở đầu giường, trấn tĩnh. Một lát bà lên tiếng:
- Nhà tôi về thì sẽ vào ngay - Giọng bà hơi run - Anh cố ăn một ít cháo. Tôi về đây. Biết đâu giờ này nhà tôi đã về rồi. Bà cầm nến bước ra khỏi phòng bệnh và mong ông Bình đã có mặt ở nhà lúc này. "Ông ấy nói với mình chắc chắn là sẽ về trong ngày hôm nay". Bà nhủ thầm trong lòng và không hề nghĩ ngợi gì về điều ông Lam cần gặp chồng mình để nói - "Có lẽ anh ấy cần trăn trối những lời sau cùng. Vì ngoài hai vợ chồng mình ra anh ấy còn ai thân thiết nữa đâu".
Bà bước xuống cầu thang bệnh viện.
***
Kể ra ông Lam lớn hơn ông Bình đến gần một giáp nhưng họ quý nhau có lẽ còn hơn anh em ruột thịt. Ngoài tình cảm quen biết đi lại trong xã, trong thôn từ thời trẻ, họ còn có một thời gắn bó với nhau mà ở nhiều trường hợp quan hệ cha và con cũng khó thể sánh nổi.
Thời kháng chiến chín năm khi ông Lam là một cán bộ nông hội ở thôn thì ông Bình là một cán bộ ở huyện. Cứ mỗi lần về xã công tác, dù có bận rộn cho mấy thì Bình cũng tạt ngang, tạt dọc bằng được đến nhà ông Lam để nói chuyện, thậm chí có lúc chỉ để chào hỏi. Ông Lam quý Bình ở cái tính điềm đạm, thẳng thắn, tuy có con nhỏ, nhà nghèo, cảnh đơn chiếc mà vẫn biết lo việc nước hơn việc nhà. Ngày mùa, ông Lam mượn trâu cày giúp phần ruộng của Hai Đóa vợ Bình. Khi bọn Tây lùng sục thì ông nhắc nhở và giúp mẹ con Hai Đóa chạy tản cư, Bình và Hai Đóa chỉ có một đứa con trai, còn nhỏ.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Cứ tưởng bọn Pháp rút thì chiến tranh kết thúc, ai ngờ sự đời lại đầy biến động. Từ năm năm lăm trong xã cũng như các nơi khác trong huyện, bọn Quốc dân đảng, bọn Đại Việt và cả một số cán bộ Việt Minh phản bội đã nổi lên và tụ tập lại. Chẳng nói gì đến hiệp thương thống nhất, bọn chúng ngày đêm xách súng lùng sục, bắt bớ đánh đập những người liên quan đến Việt Minh.
Chỉ trong hai năm, ông Lam bị bắt đến sân vận động xã và có khi về quận tới trên mười lần. Bọn ác ôn đã dùng đùi trống để nện vào ngực, vào lưng ông. Hai Đóa thì chịu đủ kiểu tát tai, đá đít và đủ kiểu tra tấn khác. Bọn đầu bò đầu bướu ấy nhiều thằng còn lăm le tìm cách chiếm thân xác của chị. Chúng như những con chó đực, lại còn dở trò thách đố nhau nữa.
Ông Lam suy đi tính lại, rồi tìm được cách, bèn đưa hai mẹ con Hai Đóa ra sống ở thành phố với một người bà con. Những thằng mê cái thân hình đẹp đẽ của người đàn bà một con kia, đứa nào cũng tức tối nhưng chúng chẳng làm gì được chị.
Một năm sau đó, vào một đêm khuya trời mưa tầm tã, nghe tiếng người gọi cửa khe khẽ, vợ chồng ông Lam thức giấc. Một người đàn ông, áo quần đẫm nước, thều thào, khi ông Lam hé cửa:
- Em đây! Bình đây! Bình đây!
Người mới tới lách ngay vào nhà. Ông Lam bật đèn và bỗng ông ôm chầm lấy khách:
- Trời ơi! Chú Bình ở đâu mà lại lọt vào đây? Chú được lệnh đi tập kết lâu rồi mà!
- Lúc đầu thì có lệnh đi nhưng sau đó thì được lệnh ở lại gây dựng phong trào - Người mới tới cố nói nhỏ trong khi hai hàm răng của anh ta đánh vào nhau lập cập vì lạnh.
Ông Lam lấy ngay bộ áo quần mình cho anh thay và bảo vợ lấy khoai lang trụng cho anh ăn. Bình hết run. Ba người ngồi thì thầm trong bóng tối ở góc nhà, kể cho nhau nghe mọi chuyện mãi tới khi trời hửng sáng.
Tối tối Bình từ nhà ông Lam đi móc nối, liên lạc với các cơ sở.
- Thế rồi có lần một cơ sở bị lộ, bọn lính bảo an bao vây và nổ súng trong lúc Bình và hai cán bộ nữa đang họp. Cán bộ kia bị bắn chết ngay tại chỗ còn Bình chạy thoát được, về tới nhà ông Lam. Bọn địch đánh hơi, nghi ông Lam che dấu Bình. Chúng sục sạo, dùng gậy sắt, xăm khắp vườn. Vợ chồng ông Lam cùng hai đứa con bị bắt và bị tra tấn. Nhưng cả bốn người đều không khai báo một câu nào. Riêng ông Lam, đến phút cuối cùng, bị bọn ác quỉ chọc thủng một mắt. Chúng dọa:
"Không chỉ hầm bí mật, sẽ chọc thủng mắt thứ hai". Nhưng ông Lam lắc đầu mãi. Bọn giặc đành chịu thua. Lần ấy Bình thoát được, lại hoạt động tiếp.
Phong trào đồng khởi dâng lên. Xã được giải phóng. Bình được điều về tỉnh. Hai Đóa dẫn đứa con trai trốn khỏi thành phố, trở về quê cũ. Vợ gặp chồng. Con gặp cha. Bình động viên và đưa Hai Đóa vào rừng, nấu ăn, phục vụ cho bệnh viện tỉnh. Linh con trai của Bình vào đội du kích xã cùng với hai đứa con của ông Lam.
Làng quê nơi ông Lam ở đã bị biến thành "vành đai trắng". Bom đạn, càn quét, chết chóc, thương vong... đó là chuyện xảy ra hàng ngày. Hai đứa con ông Lam cùng nằm xuống trong một trận đánh gần hai tháng sau khi mẹ của họ bị một mảnh bom Mỹ cắt đứt làm đôi. Ông Lam đau khổ nhưng không bao giờ để bị bắt vào khu dồn. Ông bám trụ mãi ở quê mình với đội du kích. Người ta nhắc nhiều đến lần ông đã cứu được bốn thương binh khỏi bọn Mỹ trong một trường hợp rất nan giải. Nhưng ông Lam không thích người ta nhắc đến việc đó. Khi có người nói tới ông lẳng lặng bỏ đi. Bởi vì cũng vào thời gian ấy, ông Lam nhớ rất rõ, trong xã, người ta đã xôn xao về sự mất tích của Linh - đứa con duy nhất của ông Bình.
Hai Đóa vừa đi thì một bác sĩ và một cô y tá bước vào phòng. Họ xem mạch, nghe nhịp đập của tim rồi chích thuốc. Anh chàng bác sĩ trẻ nhíu mày khi nhấc ống nghe ra khỏi ngực ông Lam, rồi anh ta nói nhỏ với cô y tá. Cô gái vội vàng chạy đi và một lát sau trở lại, cầm theo một lọ thuốc. Bác sĩ tự tay chích cho ông Lam với số lượng thuốc nhiều hơn các lần trước. Ông Lam không hề để ý đến điều ấy. Ông thấy khó thở, người mỗi lúc một nhức nhối. Khi hai người đã đi, ông đưa hai tay ôm lấy đầu. Ông đoán mình không sống được bao lâu nữa nhưng ông không thấy sợ chết. Chốc chốc, ông liếc đôi mắt chỉ còn một con của mình về phía cửa. Ông đang ở tâm trạng nửa mong ông Bình đến nhưng nửa mong ông Bình đừng đến.
Ông đang bị dằn vặt trong nỗi đau mà mười mấy năm qua ông chưa hề nói cho ai, cả trong lúc người ta khẳng định trước dân chúng về những đóng góp của ông cho cách mạng. Từ ngày ông cứu được cùng lúc bốn người thương binh thoát khỏi tay bọn Mỹ, người ta thấy ông không được bình thường, ít nói và thơ thơ, thẩn thẩn, mặc dù ông luôn bám trụ với du kích. Sau ngày giải phóng, vợ chồng ông Bình đã mời ông về thành phố, nơi Bình làm việc, để sống với họ. Họ sẽ săn sóc ông. Nhưng ông Lam không chịu. Ông chỉ lắc đầu. Ông biết nỗi khổ tâm của vợ chồng ông Bình. Họ hay nhắc và hy vọng đứa con trai mất tích của họ còn sống. Hai Đóa đã héo hon vì trông mong gặp đứa con duy nhất của mình. Còn ông Bình, hễ về quê ghé vào ngôi nhà tranh sơ sài, sau khi hỏi han sức khỏe và tìm cách khuyên ông Lam về sống với mình, lần nào ông cũng nói tới việc ông để tâm tìm kiếm thằng Linh. Những lúc như vậy, ông Lam nghe tim nhói đau, tảng lờ nhìn đi nơi khác...
Có tiếng bước chân ngoài hành lang. Ông Lam cố sức rướn người lên một chút, đưa ánh mắt về phía cửa. Không phải ông Bình mà là một cô y tá bước vào phòng. Cô ta đặt ống nghe lên ngực và đặt tay lên trán ông Lam, rồi lại ra ngoài.
- Thằng Linh! Linh ơi! Ông lầm bầm trong miệng cái câu mà mười mấy năm rồi, hầu như đêm nào ông cũng nhắc. Sao con lại dại dột thế hở con. Bác biết ăn nói với cha mẹ con thế nào hả con? - ông thở khò khè - ừ, mà sao con lại chết dễ dàng như rứa chứ. Bác đâu có phải là kẻ chủ tâm...
Ông Lam mím môi, mắt nhìn vào bức tường trắng. Trong đầu ông sự việc của ngày nào đang hiện lên: Hôm ấy, đang giữa trưa, bọn Mỹ đột ngột đổ quân xuống gần nhà ông sau trận ném bom dữ dội. Chúng tràn vào phía trạm thương, nơi có khá đông thương binh từ vùng sâu mới đưa lên chưa kịp chuyển vào rừng. Du kích và cán bộ cố sức vừa đánh vừa khiêng những đồng chí của mình để chạy. Nhưng đến phút cuối cùng vẫn còn bốn thương binh chưa được đưa đi khỏi trạm, nhận ra tình hình nguy cấp, ông Lam mở nắp hầm bí mật, lao trong làn đạn, lần lượt bế từng người bỏ xuống hầm rồi đóng nắp. Xong xuôi, ông phủi bụi trên người, trấn tĩnh, bước vào túp lều tranh nhỏ của mình để "đón" bọn Mỹ như những người dân hợp pháp khác. Chợt ông Lam hoảng hốt, nhận thấy Linh lê về phía ông. Một chân của hắn bị thương. Không còn cách nào khác, ông Lam bế xốc Linh lên, mở nắp hầm bí mật thứ hai thả Linh xuống.
Bọn Mỹ tràn tới, đốt trạm thương, ném lựu đạn vào các căn hầm trống. Rồi không tìm thấy du kích, chúng đóng quân ngay trên ngọn đồi gần đó. Một, rồi hai ngày, ông Lam đứng ngồi không yên vì chưa tìm ra cách chuyển Linh và bốn người thương binh kia đi. Họ có thể chết. Ông lo sợ nhưng đành bó tay. Giữa chiều ngày thứ hai, một việc đáng tiếc xảy ra. Thằng Linh đã đội hầm bí mật, bò lên. Hắn nhặt tờ giấy truyền đơn có in cờ Hoa kỳ, rơi ở chân bụi tre. Đưa tờ giấy lên quá đầu, hắn lê về phía bọn Mỹ đang đóng.
- Thằng Linh, mày làm gì vậy? - Ông Lam nhận thấy và hoảng hốt hỏi.
- Tôi... tôi... không... thể nằm yên chờ chết - Linh biết mình bị phát hiện hắn hơi rúm người lại, nhưng rồi hắn đã trả lời và cố lê nhanh hơn.
- A! Mày là thằng sợ chết. Đồ chó đẻ. Đồ hèn nhát! Ông Lam tức giận, nghiến răng. Và trong giây phút lúng túng, ông nhặt ngay một cành củi gần đó, lao tới. Thằng Linh sợ hãi, đưa tay lên chống đỡ, đồng thời miệng gào thật to: "Cứu tôi với! Cứu tôi với! Việt cộng... Việt...". Hắn cố gào để cho bọn Mỹ đóng gần đó nghe thấy. Nhưng ông Lam đã thừa thế nện thanh củi vào gáy hắn. Linh ngửa người ra, hai tay, hai chân giãy đành đạch, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt...
Chẳng một phút chần chừ, ông Lam cúi xuống bế xốc Linh lên đưa vào chỗ lùm tre và tìm khăn ướt đắp lên ngay mắt hắn. Ông nghĩ rằng, thằng Linh tỉnh dậy, ông sẽ trói tay, trói chân hắn lại, bỏ xuống hầm rồi sẽ tính sau. Ông không còn nhớ được vừa rồi ông đã đánh nặng hay là đánh nhẹ nữa. Ông không có ý đánh chết hắn vì ông thương ông Bình và Hai Đóa: họ chỉ mình hắn. Nhưng ông Lam bắt đầu hơi hoảng. Thằng Linh chẳng hề cựa quậy. Mặt hắn càng lúc càng tái rồi chốc lát cả làn da trắng trẻo đã chuyển sang màu tím thâm.
- Linh! Linh! Ông Lam vất chiếc khăn ướt ra và làm các động tác hô hấp nhân tạo, song thằng ôn con vẫn nằm bất động. Nỗi căm tức trong lòng ông Lam đã chuyển thành nỗi lo âu và ân hận - Linh! Linh! Tỉnh dậy đi con! Trời ơi! Linh! Bác đây mà con... Người ông toát mồ hôi lạnh. Ông ép tai mình vào sát mũi, vào ngực kẻ hèn nhát. Không nghe tiếng thở của hắn, ông Lam bàng hoàng, bứt đầu, bứt tai. Miệng ông mếu đi với cả sự đau đớn, chua xót - Linh! Linh! Trời ơi! Mày chết thật rồi hả con? Chú Bình, thím Đóa ơi... Tâm trí ông dường như đang bị xé nát ra thành hàng ngàn, hàng vạn mảnh. Lòng ông dường như càng tê buốt gấp trăm lần khi nhận được tin hai đứa con mình cùng mất. Ông bế thằng Linh lên, ép chặt vào bụng, hy vọng có hơi người hắn sẽ sống lại. Hy vọng cuối cùng ấy cũng vụt tắt. Thằng Linh đã chết hẳn tay chân hắn dần dần cứng lại.
- Đồ chó chết - Ông thốt lên mà chẳng hiểu là mình đang khóc hay là đang chưởi…
Đến tối ông lặng lẽ bế xác Linh ra chôn ở sau vườn.
***
Ông Bình về tới nhà thì đã xế chiều. Hai Đóa ra mở cửa.
- Thế nào? Ông hỏi vợ câu đầu tiên khi còn đứng giữa sân. Bệnh tình anh Lam có giảm tý nào không?
- Anh ấy yếu lắm rồi - Hai Đóa trả lời - Anh ấy nhắn khi nào mình họp về thì vào ngay. Trưa nay anh ấy không chịu ăn cháo.
Ông Bình chào người tài xế vừa đi với ông về, rồi bước thẳng vào nhà. Ông rửa ráy và vội vàng thay áo quần.
- Mình ăn một chút rồi hãy vào bệnh viện chứ?
- Tôi chưa thấy đói lắm. Chút nữa về ăn cũng được.- Ông Bình vừa đáp lời vợ vừa thò tay vào cái túi du lịch lấy ra hai hộp sữa mà ông mua ở dọc đường. Ông cho chúng vào một cái túi nhỏ hơn, rồi dắt chiếc xe đạp ra sân.
Khi ông Bình bước vào phòng bệnh, ông Lam giật mình, hơi ngẩng đầu lên. Cái nhìn chằm chằm từ con mắt còn lại của người ốm báo cho ông Bình biết có một việc gì đó khác thường.
- Anh thấy có khá tí nào không hả anh? - Ông Bình vội đặt tay quàng qua lưng ông Lam và hỏi.
Ông Lam không trả lời, uể oải đổi người từ tư thế nằm nghiêng sang nằm ngửa, ông đưa hai bàn tay gầy guộc nắm lấy bàn tay ông Bình và ngập ngừng:
- Chú… chú... bỏ qua cho tôi…
- Sao anh lại nói vậy? - Anh có chi mà phải bỏ qua.
Ông Bình hơi ngạc nhiên, nói và kéo vạt áo của người bệnh xuống, ông nghĩ, có lẽ ông Lam ân hận vì thời gian qua đã khước từ mọi yêu cầu của ông, và ông Lam vừa nói như vậy là để ông đừng buồn. Anh đừng nghĩ ngợi gì cả - ông nói - bệnh tình của anh rồi sẽ khỏi thôi mà.
Nhưng hai bàn tay của ông Lam đã bóp chặt thêm bàn tay Bình.
- Chú thím tha lỗi cho tôi- ông Lam nói trong hơi thở hổn hển, nặng nề - chính tôi... chính tôi đã giết chết thằng Linh rồi. Hắn định đi chiêu hồi...
- Cái gì? Ông Bình tưởng như có một tiếng sét đánh ngang tai. Ông đứng bật dậy như một chiếc lò xo. Và trong phút bàng hoàng, quên người đang nằm trước mặt mình là ai. Ông túm lấy cổ áo người đó nhấc lên - cái gì? Thằng Linh đã chết à? Nó mà đi chiêu hồi à?
Ông Lam bị kéo lên khỏi giường, hơi chới với, sửng sốt nhìn vào mặt ông Bình. Giọng ông như ứ trong cổ họng. "Cháu... cháu nó đã chết. Tôi... đã giết…"
Ông Bình buông tay khỏi cổ áo người bệnh, ngồi xuống. Ông đã trấn tĩnh được vì nhận thấy từ cái hốc lép màu đỏ, nơi con mắt ông Lam bị chọc thủng đang tràn xuống má mấy giọt nước trong vắt.
- Có thật vậy không anh Lam? Sao anh không nói với tôi từ trước? Tôi vẫn chưa tin...
- Đúng... đúng như vậy. Chú... chú thím tha... lỗi cho tôi. Tôi rất thương cháu nhưng sợ mọi người hiểu sai về chú. Với lại thím đang bị đau tim nên tôi chưa tiện nói ra. Còn... còn bây giờ... Chú... chú...
Một lần nữa, lời ông Lam như gáo nước lạnh dội vào mặt ông Bình. Ông đứng lên và thấy mọi vật chung quanh chao đảo. Ông bước ngay ra cửa, nghe tim mình như thể có ai đang lồng bàn tay vào bóp chặt nó lại. "Không thể có như thế". Ông bước xuống cầu thang và chẳng hiểu mình đi như vậy để làm gì. Ở sân bệnh viện ông thấy dễ thở hơn, "Có thể như thể chứ! Trong chiến tranh, có nhiều kẻ còn vững vàng hơn nó nhiều mà đã không giữ được mình, huống hồ khi nó đã quen sống với mẹ ở thành phố? Tại sao mình lại không tin anh ấy?" Ông Bình vừa nghĩ vừa cố sức chạy ngược trở lên cầu thang. Ông kịp nhận ra rằng, vừa rồi vì một đứa con hèn nhát không tự chủ được mình, ông đã xúc phạm đến con người mà từ lâu ông đã kính trọng.
- Hãy tha thứ cho tôi anh Lam. Hãy tha thứ... Ông vào phòng, quỳ xuống bên giường, ôm lấy người bệnh và thốt lên. Nhưng ông Lam đã tắt thở tự lúc nào.
- Anh Lam! Anh Lam... Bình đây... Bình...
Ông Bình nức nở, vừa gọi, vừa lay. Đáp lại lời ông chỉ có đôi mắt trũng sâu, còn một con, từ từ khép lại.
Nha Trang 1985
H.N.T.
(SH21/10-86)