Tạp chí Sông Hương - Số 21 (T.10-1986)
Thế đấy… hiểu không
10:05 | 29/05/2012

XUÂN HẢI

(Kịch 1 Màn 1 Cảnh)

Thế đấy… hiểu không
Ảnh: internet

NHÂN VẬT

1 - CƯƠNG: 48 tuổi, Giám đốc công ty, hiểu và yêu thích văn nghệ.
2 - KÍNH: 52 tuổi, Phó giám đốc, phụ trách tổ chức, trưởng ban tổ chức Hội nghị tổng kết.
3 - KHẢI: 35 tuổi, phụ trách đoàn, Chủ tịch câu lạc bộ, nguyên Ià văn công bị thương trong khi đi biểu diễn (đi cà nhắc).
4 - ĐỨC: 26 tuổi, diễn viên trong đội kịch nghiệp dư của công ty đóng vai giám đốc.
5 - THẢO: 22 tuổi, diễn viên, người yêu của Đức, đóng vai Bình.
6 - NĂM: 24 tuổi, diễn viên, đóng vai cán bộ tuyển sinh.
7 - THÚY HẰNG: 27 tuổi, vợ Lợi, lái xe của công ty, mới chuyển về làm kế toán bệnh viện, có buôn bán phe phẩy.
8 - MỸ TRINH: 30 tuổi, một cô phe, bạn Thúy Hằng, 1 cô nhân viên.

SÂN KHẤU

Phòng giám đốc Công ty, một buổi chiều trước ngày tổng kết.
Bài trí: gồm hai phần:
Phía trong: bàn giám đốc, trên có cặp tài liệu, cây đèn chụp nilon, máy điện thoại. Hai cái ghế dựa, một ở vị trí giám đốc ngồi, một ở bên cạnh. Bàn kê chếch về phía trái. Phía phải là một tủ ba buồng, có tấm gương lớn, chìa khóa tra vào ổ.
Phía ngoài: chếch bên phải sân khấu, một bộ salon ghế đệm, bên là ghế dài, bên là ghế cá nhân. (Có thể chuyển về một phía). Giữa bàn có ấm chén, hộp trà, gạt tàn, phích nước, dĩa đựng thuốc lá. Bên trái là cửa ra vào.
Giữa hai phần, có một ri đô hoa khá đẹp, kéo xếp sang một bên, có thể dùng thay màn kéo khi tập vở kịch của Khải.

LỚP MỘT: CƯƠNG - KÍNH

Giám đốc Cương béo khỏe, bụng to, đeo kính, ăn mặc giản dị: cái áo trắng cộc tay và quần pho thẳng nếp. Ngược lại, Kính già trước tuổi, ăn mặc và dáng điệu hơi "Mao" nhìn khoằm khoằm, khó tính.

MÀN MỞ

Cương ngồi ở ghế giám đốc, Kính đứng trước tủ gương, soi mình. Họ đang bàn việc.

CƯƠNG: (kéo cái ghế dựa lại gần hơn) - Anh ngồi đây... cho tôi biết các mặt khác đến đâu rồi?
KÍNH: - Liên hoan đã đâu vào đấy. Bóng chuyền nam, nữ sẵn sàng. Văn nghệ dàn dựng xong. Riêng vở kịch còn có vấn đề, tôi đã yêu cầu chữa.
(Một nhân viên lặng lẽ vào, đặt tờ giấy lên bàn giám đốc. Ông Cương xem, giở từng tờ, ký tên. Cô ta lại lặng lẽ gật đầu chào hai người, đi ra).
Có tiếng chuông điện thoại.
CƯƠNG: (cầm máy) - A lô, Lợi đấy à? ơ... xe chữa xong chưa? 27 này đi Huế rồi. Cái gì? 3 két bia và 5 tút thuốc? Gì nữa? (lắng nghe) Không được đâu, tôi đã có thời kỳ nể nang mà phân hàng nội bộ để nhân viên kiếm lãi hàng chục ngàn. Chi bộ cạo ra trò. Thế đấy... hiểu không? (nghe, lấy tay che máy nói với Kính). Cậu xế xin ít quà bồi dưỡng vì chữa xe vất vả. Ý anh thế nào?
KÍNH - Trước đây, họ xin bán để lấy lời. Nay có lý do chính đáng, thì cứ cấp, nhưng "gọi là" thôi.
CƯƠNG (nói vào máy) - Được, lấy ít chai bia vào uống, gọi là... Sao? Chị ấy chuyển vào đây lúc nào?
KÍNH - Hắn mạnh đấy, xoay cho vợ về làm kế toán ở bệnh viện. Bà ấy cũng... một con phe lọc lõi đấy.
Cương (nói tiếp vào máy) - Thôi được, bảo chị ấy đến (định đặt máy, sực nhớ) à này! mời anh Khải lên đây ngay nhé. Có việc cần lắm. (Đặt ống nghe xuống) (với Kính) - Ta bàn tiếp.
KÍNH - Anh đọc kỹ vở kịch chưa?
CƯƠNG - Anh Khải, tác giả vở diễn này là Chi ủy, Bí thư Đoàn. Sáng tác và dàn dựng như vậy là quý lắm rồi. Mà nội dung thì có vấn đề gì đâu nhỉ?
KÍNH - Sao lại không? Toàn lôi chuyện xấu của cơ quan ra đả kích.
CƯƠNG: Ví dụ?
KÍNH - Chuyện anh phân hàng nội bộ với giá rẻ, Chuyện tôi với tay tuyển sinh móc ngoặc. Chúng ta đã kiểm điểm nghiêm khắc và đã sửa chữa. Cần gì phải...
CƯƠNG - Nhưng bây giờ vạch trần phê phán những cái đó thì hề hấn gì? Sợ mọi người biết à? Ta đã công khai kiểm điểm. Nhắc lại thiếu sót cũ, để tránh sai lầm mới. Thế đấy... hiểu không?
KÍNH - Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch. Phải biểu dương thành tích. Văn nghệ là phải phản ánh cái hay, cái đẹp. Cuộc sống mới quanh ta, ngay trong Công ty ta, có biết bao cái mới, cái đi lên. Phải nắm bắt kỳ được để kịp thời biểu dương, kích thích phong trào. Đằng này...
CƯƠNG - Thì vở kịch đã biểu dương mọi thành tích, mọi nhân tố mới. Nhân vật Bình, chính là cô Phúc đấy, thu mua rất giỏi, bà con tín nhiệm, hàng bán ùn ùn. Phản ánh cách làm ăn theo nghị quyết 8. Còn cái xấu, cứ phê bình, bằng mọi cách để mà sửa. Thế đấy... hiểu không?
KÍNH - Nhưng phản ánh sai sự thật. Giám đốc có móc ngoặc đâu, tôi chứ. Còn anh sai trong việc phân phối hàng thì bảo là tôi. Lại vơ khuyết điểm của cơ quan khác vào mình. Ví như cái chuyện Giám đốc, lái xe và kế toán trưởng năm nào cũng đại tu xe, rồi làm hóa đơn khống chia nhau hàng chục ngàn.
CƯƠNG - Văn nghệ phải có hư cấu, cái chính là có phản ánh đúng hiện thực không. Vở kịch đã biểu dương thành tích rồi, hơi quá mức nữa. Nó cũng nêu các khuyết điểm với lời kết cấu khác đi, tình tiết khác đi, thêm dặm vào. Người trong cuộc sẽ hiểu. Khán giả khác sẽ phấn khởi vì thành tích của ta, càng phấn khởi hơn vì thấy ta dũng cảm nhận thấy sai lầm. Phê bình và tự phê bình mà. Thế đấy... hiểu không?

LỚP HAI Thêm KHẢI:

Khải đi cà nhắc, bước vào. Nét mặt trẻ trung, rạng rỡ, thẳng thắn. Anh chào Cương, Kính rồi ngồi rót nước uống, lấy thuốc hút.

CƯƠNG (Với Khải)- Chúng tôi muốn bàn thêm với anh về vở kịch.
KÍNH (hỏi Khải) - Anh đã cho chữa lại đoạn ấy rồi chứ?
KHẢI (Vui vẻ) - Còn cấn vai thằng Đức. Nó làm việc luôn bên anh Cương nên cử chỉ, nói năng giống hệt. Thỉnh thoảng còn buột miệng: "Thế đấy... hiểu không?: làm anh em đâm ngại, nhất là số diễn viên trẻ. Họ sợ giám đốc giận.
CƯƠNG (vui) - Thế à? Hay quá nhỉ. Anh có thể cho tập lại đoạn đó không? Tôi xem tý!
KHẢI - Tôi tạm cho nghỉ vì hội trường bận. Chuyển sang kho thì thiếu đạo cụ.
CƯƠNG - Cảnh gì?
KHẢI - Cảnh phòng giám đốc. Đại khái bài trí giống hệt như phòng anh.
CƯƠNG - Ờ... thế thì... sao không đưa vào phòng nầy mà tập? Tôi xem luôn. Gọi anh em vào đây. Thế đấy… hiểu không?
KÍNH - Để tôi đi gọi. Những ai nhỉ? Cậu Đức, cô Thảo... (hỏi Khải) - đủ chưa? nhanh lên, để còn đi xem lại hội trường.
KHẢI (suy nghĩ nhanh)- Gọi thêm cậu Năm, người đóng vai tuyển sinh.
Kính ra. Cương giúp Khải bài trí lại phòng thành sân khấu, xếp ghế lại cho số người xem. Riđô kéo lại thay màn.

LỚP BA: Thêm ĐỨC, THẢO, NĂM

Ba diễn viên trong đội kịch bước vào, hơi e dè. Năm xếp Thảo ngồi bên Đức. Tiếng Năm: "Chà... mấy khi được kề bên nhau. Còn "Em xẹn" nữa. Thôi đi".

CƯƠNG (bắt tay từng người) - Các cháu uống nước đi. (Với Đức và Thảo)- Đức và Thảo cứ ngồi thế. Đẹp đôi lắm (mời thuốc đến Đức thì đùa) - xin mời đồng chí Giám đốc ạ.
(Tất cả cười vui)
CƯƠNG (với Đức) - Phải độn cái bụng bằng này (xoa bụng mình) - Cái câu "Thế đấy... hiểu không?" Và cái bụng này là "di tích" thời kỳ làm trưởng phòng kế hoạch ở tỉnh đấy. Cơ quan nào cũng mời, ăn liên tục, bia liên tục, cái bụng phì ra lúc nào không biết. Họ trù nhét đầy bụng mình để mình ưu tiên vật tư cho họ. Nhưng, cha nào cũng mua chuộc thì biết ưu tiên ai? Thế là cứ đúng kế hoạch mình phân. Các cha bực, nhưng vẫn cứ muốn mua chuộc, càng mời dữ. Tội gì không ăn? Liên hoan hàng trăm người, mình không ưa, mình thiệt. Bây giờ về đây đã hơn chín tháng mười ngày rồi mà chẳng thấy đẻ. Thế đấy… hiểu không? (cười sảng khoái).
Trong khi ông Cương nói thì Đức có tư thế ngồi và điệu bộ giống ông Cương, lại buột miệng nói, cùng lúc bốn tiếng "Thế đấy… hiểu không?" làm mọi người cười rộn lên. Không khí vui vẻ, đầm ấm.

KHẢI (với các diễn viên)- bây giờ, ta tập lại vài lớp, tại đây để giám đốc xem. Ai cũng rõ chú Cương rất sành và rất yêu văn nghệ. Cứ tự nhiên, đừng ngại gì cả. Nào, bắt đầu đi. Kéo riđô sang một bên.
CƯƠNG - Anh Kính đâu? (Nhìn ra cửa). À! Đây rồi, mời anh vào xem (Kính vào ngồi ở dãy ghế) - Đây chính là cảnh sân khấu. Thế đấy... hiểu không? (với Đức)-Đức, ngồi vào ghế Giám đốc!... Thế...
Đức chần chừ một thoáng, rồi nhập vai, khệnh khạng như ông Cương, đến ngồi vào ghế, dở sách bút... Ánh sáng thay đổi. Sân khấu chia rõ hai phần. Phần trong: sân khấu tập của đội kịch. Các diễn viên chưa vào vai và người cần xem ngồi ở salon phía ngoài.

LỚP BỐN: Kịch trong kịch: ĐỨC - NĂM

ĐỨC (Quay điện thoại) - A lô, Giám đốc đây. Hàng về rồi hả. Tốt. Có ướt không? Còn bốn tấn nữa à? Hoan hô Bình. Này, phải đề phòng tối nay mưa to, cả gió to nữa. Không để ướt một bao hàng nào! Bảo cô Bình về đây để Ban giám đốc chúc mừng và nghỉ ngơi vài ngày. Thế đấy... hiểu không?
Lỡ miệng nên vội bịt lại, nhìn Cương, nhìn Khải. Cương không giận, còn ra hiệu khuyến khích. Tất cả cười vui.
Tiếng gõ cửa. Nữ nhân viên lúc nãy bước vào. Trước người đông, cô ngỡ ngàng, cứ đi thẳng đến bàn giám đốc. Đức lúng túng, cười. Cô ta biết mình nhầm, quay lại đưa giấy tờ cho Cương rồi đi ra. Đến cửa cô dứ tay dọa Đức, Đức dọa lại.

KHẢI - Thôi, xin tiếp tục (với Năm) - Năm, vào vai.
NĂM (gõ cửa, vào bắt tay Đức) - Mày về khi nào?
ĐỨC   - Cài cửa lại đã. (Năm ra cài cửa)
Tí rượu nhé (mở tủ lấy chai rượu)- Chanh Hà Nội chính cống.
NĂM - Uống trong giờ, bọn nó chửi bỏ mẹ. Thôi, xin một ly (uống, xem đồng hồ) - Cũng gần hết giờ rồi! - Ly nữa. (Đức rót rượu. Năm rút con mực nướng trong cặp ra) - Biết sang mày, thế nào cũng có tí ti. Tao chuẩn bị sẵn. Chúa không?
Hai người đàng hoàng vừa nhậu vừa nói chuyện.
ĐỨC - Vừa rồi Sở cho thêm chỉ tiêu nhưng lại đùn bốn cái đơn bộ đội chuyển ngành, bảo chọn hai. Có hai cậu là kế toán trước khi nhập ngũ. Mà... con mày thì chưa hề qua trường lớp nào. Gay quá.
NĂM - Có thế, tao mới phải nhờ mày (xé mực, trao Đức) - Ăn đi mày. Mà chẳng cần nhờ, phải trả ơn tao chứ. Thằng em mày nay mai là vù rồi. Đi Tiệp nhé, tha hồ mà hốt. Này... bốn mươi tám cái đơn. Tao chọn một đứa cả cha lẫn mẹ đều là liệt sĩ. Đứa thứ hai là em mày. Khó lắm chứ! Mà em mày chẳng dính tiêu chuẩn tí đếch nào cả. Tao phải liều, liều vì mày và vì tao nữa.
ĐỨC - Thì tao có từ chối con mày đâu, phải dần dần, đánh thủng Ban giám đốc đã. Chúng nó chống thì bỏ mẹ. Thế đấy... hiểu không? (Lỡ lời, bịt miệng cười xóa lỗi).
NĂM - Được rồi! Công bằng mà nói, mày phải nhận kỳ được con tao, lại phải cúng tao một cái Favorit nữa mới đúng. Gần đây, mày tuyển vào công ty rặt những bọn con ông cháu cha cả. Bây giờ đến lượt con tao. Đếch sợ thằng nào.
ĐỨC - Cứ yên chí. Tao lo.
NĂM - Thôi, tao về (quay lại hỏi) - Mặt đỏ lắm không? (Đi lại chếnh choáng) - Đ. mẹ. Ra đường có gặp thằng nào thì cũng... hết giờ rồi. (Vấp ngã) - Có nước không mày? (Không chuẩn bị trước nên Đức lấy khay nước bưng Lại. Năm giả bộ rửa mặt rút khăn lau, soi vào gương. Mặt còn vết nhọ hóa trang, chỉ lau qua loa không sạch... Ra cửa rồi trở lại chỗ người xem). Khi diễn lớp này, lúc đầu Kính ngồi xem chăm chú, sau đứng dậy đi lại bồn chồn, vẻ ấm ức. Hết lớp, bất bình.
KÍNH (với Cương) - Anh thấy chưa? Cái tội móc ngoặc này, tôi đã kiểm điểm trước chi bộ, sao lại gán cho anh? Mà hôm đó, đâu có chuyện rượu chè, bê tha thế này? Như vậy là xuyên tạc, là bóp méo sự thật. Không thể được! Cho dù tác giả có gán ghép sai lầm đó cho ai đi nữa, thì người xem vẫn thấy là chỉ trích tôi. Như vậy là đả kích cá nhân. Không lành mạnh.
KHẢI (với Cương) - Ý anh thế nào?
CƯƠNG (với Kính) - Anh ạ, theo tôi nghĩ: tốt thôi. Lãnh đạo mình, cơ quan mình có khuyết điểm ấy không? Có. Các cơ quan khác cũng có thể phạm tội ấy. Kịch cho là tội của tôi, của anh hay của ông X, ông Y nào đó, cũng thế thôi. Ai có tật, nấy giật mình. Thế đấy, hiểu không?
Có điều... thằng Đức phải mang kính vào. Đây (trao kính cho Đức)- Các giám đốc hầu hết là mang kính, tôi cũng vậy (đeo kính cho Đức). Thế đấy... hiểu không?
KHẢI - Vậy thì xin tiếp lớp khác.

LỚP NĂM: ĐỨC - THÚY HẰNG - MỸ TRINH

Thúy Hằng, vợ lái xe cơ quan này là một cán bộ nhưng cũng chuyên nghề phe phẩy, Mỹ Trinh, bạn Hằng, là cô phe chính cống. Hai người ăn diện, có chút son phấn, đi đứng nhõng nhẽo. Nói năng chớt nhả. Hằng mang kính râm to mặt, loại hảo hạng. Có tiếng gõ cửa. Bóng hai cô lấp ló. Tiếng Thúy Hằng: "Em xin phép được gặp giám đốc Cương".
KÍNH (nhìn ra cửa, quay vào) - Cô Thúy Hằng, vợ cậu Lợi lái xe.

CƯƠNG (với Đức) - Này, giám đốc - giả tiếp nhé, xem thử thế nào. Còn chúng ta tranh thủ sang xem lại hội trường. Nào, các cậu, mời anh Kính... (nói vọng ra) - xin mời cô vào!
Mấy người ra, còn lại Đức.
Hai cô vào gặp Đức, lúc bấy giờ đóng vai Cương.

THÚY HẰNG (kéo ghế sát lại bên Đức, nhõng nhẽo) - Nhà em bảo sang gặp anh để...
Mỹ Trinh cũng chen vào sát bên.
ĐỨC - Cô xin gì nhỉ?
THÚY HẰNG - Dạ, em xin ba két bia, năm tút No1, 10 gói trà, chục chai chanh Hà Nội. Anh cho thêm gì thì tùy ở hảo tâm của anh (làm duyên, đỏng đảnh).
Mỹ Trinh ngắm nghía mình trong gương vuốt tóc tai, quần áo, uốn éo…
ĐỨC - Còn cô nào kia?
MỸ TRINH (giật mình, quay lại) - Dạ, em... Mỹ Trinh ạ.
THÚY HẰNG - Bạn em ạ. Nó cũng muốn...
MỸ TRINH - Em chỉ xin hai két bia thôi ạ. Chẳng giám phiền anh nhiều. Nhân tiện có Thúy Hằng...
ĐỨC (cúi xuống viết, vừa nói) - Thôi thì nể người đẹp, tôi cho một lần này nữa thôi nhé. Hai người năm két bia này, (hỏi Mỹ Trinh) - Cô có lấy thuốc không? Thôi cho hai người sáu cây... 10 chai rượu chanh, hai chục gói trà. Còn gì nữa nhỉ. À, hai cân kẹo xuất biên về cho các cháu. Thỏa mãn chưa?
(Không quen dùng kính, nên chóng mặt thực sự) Ôi, chóng mặt quá (lảo đảo).
THÚY HẰNG (đỡ lấy Đức, ấn đầu Đức vào vai mình, lấy dầu xoa) - Ôi, thủ trưởng của em. Sao thế này? Ngột ngạt quá (giục Mỹ Trinh) - Quạt, quạt mạnh vào! (với Đức) - Anh nằm xuống đây, để em bắt gió (kéo Đức vào lòng).
MỸ TRINH (lấy nón quạt, ríu rít, lăng xăng) - Sao thế anh? Sao vậy?
ĐỨC (vùng khỏi tay hai người) - Không, tôi chóng mặt vì không quen cái kính lão này.
THÚY HẰNG (cầm kính) - Đồ dổm, rẻ tiền (vứt kính, lấy kính mình đeo cho Đức) - Anh lấy của em mà dùng "Rin" đấy. Ra đường thì nhâm mà vô nhà lại sáng (ngắm Đức) - Anh dùng của em thì hợp ghê.
MỸ TRINH (lấy kính xếp trong xắc) - Hay anh dùng cái của em.
ĐỨC (trả kính, xua tay) - Không, tôi không quen đeo kính.
THÚY HẰNG - (Nhét vào tay Đức) - Thì để chị dùng, chúng em tặng mà.
MỸ TRINH - Em cũng xin biếu chị. Chúng ta còn đi lại lâu dài.
ĐỨC (trao giấy) - Thôi, cầm tờ lệnh này sang bên kia làm phiếu.
Thúy Hằng và Mỹ Trinh rối rít cảm ơn, vồn vã bắt tay rồi yểu điệu đi ra, vẻ đắc thắng, bỏ lại hai cái kính trên bàn. Mọi người trở vào, thiếu Năm.
CƯƠNG - Giỏi quá (vỗ vai Đức) một năng khiếu. Chúng tao đứng ở ngoài nín cười gần chết. Rồi tao sẽ gửi mày đi học lớp văn hóa quần chúng, về mà làm câu lạc bộ. Thế đấy... hiểu không?
Khải kéo ri đô lại. Sân khấu rộn ràng phút giây.
ĐỨC (với Cương) - Cháu đã giả danh chú để lừa khách hàng, (lo lắng)
CƯƠNG - Miễn lo. Loại phe ấy thì xin cứ chạy một vòng cho đáng đời. Suốt ngày quen chân chạy quanh các chợ, các cửa hàng rồi, bây giờ chạy thêm một chặng đường ngắn có sao đâu? Lát nữa, nó quay lại cho mà xem.
THẢO - Các ả tưởng phen này "trúng quả".
CƯƠNG - Ghê chưa? Mỹ nhân kế khiếp không? À… hai cái kính đâu (lấy kính trao cho Đức) - Lát nữa, thằng Đức trả họ nhé. Tao có nhận quà đâu mà bắt tao trả. Thế đấy... hiểu không?
KÍNH - (khó chịu ra mặt) - rồi cậu Lợi sẽ hiểu thế nào? Tôi chẳng hiểu ra sao nữa (đứng dậy) - Tôi bận, xin phép…
CƯƠNG - Khoan đã, anh nhớ cấp cho Lợi hai chai bia, miễn trả tiền (với mọi người) Sao? Các cậu. Còn chứ?
KHẢI - Thêm một lớp ngắn nữa. Mời anh Kính xem đã.
CƯƠNG (kéo Kính ngồi xuống cạnh, Kính miễn cưỡng) nào, ta xem tiếp đã, anh!
Khải kéo ri đô ra nửa chừng. Đức trở lại ghế Giám đốc, Thảo đã chuẩn bị xong, cô rũ tóc (vì ướt, cần hong khô), mang băng tang, mặc áo mưa, đội nón.
KHẢI - Em Thảo đóng vai Bình, một nhân vật viết theo hình ảnh của cô Phúc, chiến sĩ thi đua. Lớp này tôi viết thêm. Kịch bản hôm duyệt, chưa có (đưa kịch bản cho Kính, Kính trao Cương). Nào các em… Ánh sáng chuyển. Ri đô kéo hẳn sang bên.

LỚP SÁU: Kịch xen kịch.
ĐỨC - THẢO - CƯƠNG (là chính)

THẢO (cởi áo mưa, bước vào) - Chào chú. Chú cho gọi cháu?
ĐỨC - Cháu Bình! Vào đây, ướt hết cả rồi!
THẢO - Mưa to ghê.
ĐỨC (thương cảm) - Tội nghiệp, cháu gầy đi nhiều quá (Lặng). Với cách làm ấy, cháu đã mở ra một hướng đi mới cho Công ty…
THẢO - Cháu cứ mạnh dạn suy nghĩ rồi làm. Sai thì có các chú dạy bảo.
ĐỨC - Nhờ cháu mà kế hoạch đã hoàn thành rực rỡ. Chú và Ban giám đốc nhiệt liệt biểu dương cháu.
Thảo lấy một tập vải quý, 1 áo len trắng, 1 hộp đồng hồ đặt lên bàn, rụt rè… phân vân.
ĐỨC (Nhìn các thứ) - Ơ, cái gì thế này?
THẢO - Dạ, phần thưởng cuối năm của cháu.
ĐỨC (Vui vẻ) - Thế đấy... hiểu không? (buột miệng) - À... À... cháu rất xứng đáng. Ban giám đốc đã xin mua cho cháu số vải quý, cái áo len trắng rất xinh, chiếc đồng hồ giá trị.
THẢO - Cháu xin chú được phép… không nhận phần thưởng này ạ.
ĐỨC (ngạc nhiên) - Sao? cháu chê ít? Mua theo giá gốc là 2.680 đồng tiền mới đấy.
THẢO - Ngược lại, nhiều quá chú ạ. Nếu bán ra thị trường sẽ được hơn 50 ngàn. Cháu được vậy, người khác còn nhiều hơn. Nếu tính toàn Công ty thì... - Mới vào ngành một năm, ngoài lương ra, cháu còn được khoản tiền thưởng nhiều hơn toàn bộ thu nhập mà mẹ cháu được lĩnh trong 12 tháng. Một cô giáo hơn 25 năm cống hiến, ngày nào cũng tất bật vì học sinh thân yêu từ mờ sáng đến nửa đêm. Cường độ lao động gấp đôi, gấp ba cháu.
ĐỨC - Vì vậy, cháu càng có điều kiện giúp đỡ mẹ cháu bớt phần vất vả.
THẢO - Không ạ. Cháu không thể nhận được. Năm kia, nhà cháu bị sập...
Ông Cương vừa xem, vừa đọc kịch bản, đăm chiêu suy nghĩ. "Khoan, dừng lại" - ông đột ngột đình chỉ vở diễn, mọi người ngơ ngác. Thảo và Đức e ngại. Không khí căng thẳng. Kính gật gù. Ông đọc thêm kịch bản một lát rồi lên tiếng.

CƯƠNG - Chưa được, chưa ổn. Phải chữa đoạn này. (Khải lo lắng các diễn viên hơi xỉu) - Các quan điểm nào đã chỉ đạo tôi trong vấn đề phát thưởng, anh Khải có đấu tranh trong hội nghị, nhưng trong kịch thì yếu. (Với Đức) - Chú đóng thay cháu chỗ này nhé. (Với Khải) - Anh xem, nếu được thì bổ sung vào. Nào cháu Thảo đến đâu rồi? (Thay vị trí của Đức, đọc tiếp kịch bản) À, đây rồi! "Vì thế cháu càng có điều kiện giúp đỡ mẹ cháu bớt phần vất vả". (Nhỏ giọng với Khải) - Thêm đoạn này. (Quay lại) - Cháu được nhận khoản đó một cách rất xứng đáng, rất đàng hoàng, rất tự hào. Chúng ta đã làm lợi cho ngân sách hàng chục triệu. Mỗi chúng ta có quyền dành cho mình vài ba chục ngàn. Các ngành khác không có điều kiện ấy, họ chịu thiệt! Không cần so sánh. Thế đấy... hiểu không?
THẢO (buột miệng) - Thưa chú, nhưng mà...
CƯƠNG (Cao giọng) - Không "nhưng" gì cả. Đây là quyết định của lãnh đạo, được nhân viên nhiệt liệt hoan nghênh, được cấp trên cho phép. Các cơ quan kinh tế khác đều vậy cả. Không hưởng, ta dại. Việc làm của cháu sẽ gây chấn động trong Công ty, sẽ bị mọi người phản đối (Căng thẳng) - Chú cũng phản đối (dằn giọng) - Chú cấm cháu có thái độ tiêu cực như vậy và ra lệnh: cháu - phải nhận! Thế đấy... hiểu không?
Ông đi lại, vẫn căng thẳng, bực bội, nhưng chính là với bản thân mình để hóa thân, để dứt khoát với một sai lầm mới nhận ra. Không khí trở nên căng thẳng. Thảo và Đức ngỡ ngàng, không hiểu. Khải băn khoăn, lặng lẽ soi mình vào gương...
Cương chợt tỉnh lại, quay về phía Khải.

CƯƠNG (Nhỏ nhẹ) - Phải vậy anh ạ, chỗ này, anh viết còn yếu quá (đưa kịch bản cho Khải). Anh và Đức gắng bổ sung vào cho tốt hơn để rồi ta còn đưa đi hội diễn.
KÍNH (Ngỡ là Cương chống lại vở kịch, chợt hiểu ra là ngược lại, còn bổ sung thêm, không nén nổi) - Tôi chẳng hiểu các anh sẽ đi đến đâu nữa. Quá quắt lắm! Lôi những ý tranh luận trong Chi ủy ra mà phanh phui. Định xét lại nghị quyết chi ủy sao? Hơn thế nữa! Các anh định phơi bày tất cả ra trước quan khách à? Lại còn định đưa đi Hội diễn nữa sao? Hàng trăm hàng ngàn người xem sẽ nghĩ về chúng ta thế nào? Rồi biết đâu đấy. Ti vi nó quay, nó chiếu lên thì hàng triệu người xem ấy chứ. Thật là đẹp mặt.
Thôi, mặc kệ, các anh muốn làm gì thì làm (hậm hực bỏ ra).
KHẢI - Anh Kính.
CƯƠNG - Anh Kính! Xem tiếp đoạn sau mới thấy... (Kính vẫn bỏ đi) - Thôi được rồi, rồi anh ấy sẽ hiểu (Vui vẻ thân ái) - Các cháu, đừng ngại. Nào, tiếp tục đi nào!
(Đức và Thảo lại vào vị trí, lớp kịch đang tập lại tiếp diễn).
THẢO (Vào vai) - Năm kia, cơn bão số 10 xô sập nhà cháu. Ba cháu được về phép, ủy ban xã tặng ông đại tá cái nhà kho. Huyện đội huy động bộ đội lên giúp. Ba cháu đã cảm ơn tất cả, từ chối tất cả, chỉ nhận 400 viên ngói của hợp tác xã mang đến, để thay vào số bị vỡ và nhất định xin trả tiền. Ba cháu bảo: Mình nhận bất cứ một sự ưu ái nào cũng là tham ô hợp pháp. Mà ông cụ có quyền nhận lắm chứ. Hơn 30 năm lăn lộn khắp mọi chiến trường...
ĐỨC (Trầm ngâm) - Chú biết. Chúng tôi là bạn thân từ nhỏ, lại chiến đấu bên nhau mười mấy năm trời...
THẢO - Trong bức thư cuối cùng - cháu còn giữ đây - (sụt sịt lấy thư)… "Con đã là cán bộ của Đảng, hãy cống hiến hết mình. Không được đòi hỏi đãi ngộ. Mọi sự hưởng thụ quá mức cống hiến của mình đều phải tránh, con gái thân yêu của ba nhé"... Sao cháu có thể nhận những khoản tiền như thế - đã là tiền thưởng, mà lương tâm không cắn rứt, dày vò... khi mà cháu đang chịu tang ba cháu chưa đầy năm (nức nghẹn). Chú hãy thương... cho phép cháu... được làm theo lời ba dặn (gục xuống bàn)

ĐỨC (Đi lại, trầm ngâm, thoáng thấy bóng mình trong gương. Ông giám đốc tự soi mình nghiêm khắc từ đầu đến chân rồi quay lại, cầm từng phần thưởng lên, như cân nhắc nặng nhẹ. Rồi ông đến ôm lấy đôi vai rung rung của Thảo) - Chú đã hiểu... cháu đừng... khóc nữa (rút khăn lau mắt, trao cho Thảo).

KHẢI (với Cương) - Anh khóc đấy à?
CƯƠNG (chớp chớp mắt cố nén, gượng cười) - Không ngờ... chúng nó diễn tốt thế. (Lại ôm vai Đức và Thảo, thân mật) - Thôi, các cháu nghỉ uống nước.
Ông bước về một phía trầm ngâm. Khải bước theo xúc động. Sân khấu chia làm hai mảng, ánh sáng cũng bên hồng bên tím. Bên tím: Đức và Thảo ngồi sát bên nhau, âu yếm, nhỏ nhẹ.

ĐỨC - Khóc thiệt à?
THẢO - Anh cũng thế, còn nói em.
ĐỨC - Thấy em khóc, anh không nén được.
THẢO - Anh khóc trước.
ĐỨC - Em khóc trước, kịch viết thế, lúc ấy anh còn phải suy nghĩ.
THẢO - Lau mặt đi anh, ghét lắm (trao khăn cho Đức).
ĐỨC (hôn chiếc khăn) - Đẹp và thơm. Bên hông: Khải và Cương rảo bước bên nhau trầm ngâm.
CƯƠNG - Anh ạ, sáng mai phải kịp thời hội ý chi ủy. Ta bàn lại.
KHẢI - Vâng, anh nhớ mời anh Kính...

                        Lặng ngắn

KHẢI (với hai diễn viên) - Được rồi chúng ta về nghỉ.
Cương bắt tay từng người: "Cám ơn lắm... hãy gắng lên... tốt! Thế đấy... hiểu không?"

LỚP BẢY: THÚY HẰNG - MỸ TRINH trở lại.
Khải từ từ bước ra thì gặp Thúy Hằng và Mỹ Trinh. Thúy Hằng: "Anh Cương đâu ạ". Khải: "Có đây". Rồi chỉ tay qua vai, vô tình chỉ vào Đức. Hai cô bám ngay Đức khi anh và Thảo sóng bước đi ra.

THÚY HẰNG (với Đức) - Dạ... bên ấy không chịu viết phiếu xuất hàng ạ. Dạ... anh đã thương thì thương cho trót. Giúp chúng em...
ĐỨC - À, hai cô này đây rồi. Xin gởi lại hai cái kính.
THÚY HẰNG - Dạ, anh cứ để dùng chẳng đáng là bao ạ.
MỸ TRINH - Loại kính này các vị giám đốc hay dùng lắm đấy ạ.
ĐỨC - Khổ quá. Tôi không phải là giám đốc. Xin gửi lại.
THẢO (cười) - Đây chỉ là "phá giám đốc" thôi. Còn giám đốc kia kìa. (chỉ vào Cương)
THÚY HẰNG - (chợt hiểu) - Ơ mà thật, lão này không có râu (giật lấy cái kính trên tay Đức, hằn học).
MỸ TRINH - Ừ còn trẻ măng mày ơi. (Lấy kính của mình).
Họ vào bám lấy Cương.
CƯƠNG - Thế nào? Không xong hả? Tôi là giám đốc thực đây.
THÚY HẰNG - Họ không thi hành lệnh này ạ.
MỸ TRINH - Họ cười vào mặt chúng em ạ. Anh cho xin...
CƯƠNG (bước dần lên trước sân khấu, hai cô xun xoe hai bên) - Giám đốc không cho được. Không một ai còn có thể cho lệnh kiểu này được. Chúng tôi đã lên án các loại sai lầm như thế này bằng kiểm điểm, bằng văn nghệ. Để mà nhớ đời. Để mà sửa chữa.
Xin các người đừng xoay xở vô ích. Hãy đi tìm đất khác mà làm ăn. Thế đấy... hiểu không?
Hai cô ỉu xìu, nguýt dài, đi ra, nói với nhau.

THÚY HẰNG - Tại sao cái Công ty này bây giờ lại có cách làm ăn quái lạ.
MỸ TRINH - Giờ thì... "thế đấy… hiểu không?"
Họ ra khỏi. Cương soi mình trong gương. Kính hậm hực bước ngay vào.

LỚP KẾT: CƯƠNG - KÍNH
Thấp thoáng phía trong sân khấu bóng Khải, Đức và Thảo.

CƯƠNG (nhìn trong gương, thấy Kính quay lại) - Anh ạ. Về liên hoan, tôi đề nghị: tất cả đều ăn một mức như nhau. Thay bia rượu bằng ngũ gia bì, có tý men cho ngon cơm. Bình quân 30 đồng một người. Xúp pháo, dành 300 đồng lãng phí ấy mà thêm vào khoản thưởng cho văn nghệ. Thế đấy... hiểu không?
KÍNH - Anh Cương ạ. Chỉ còn lại hai chúng ta, tôi xin nói thẳng: tôi không cho diễn vở kịch, sẽ thay bằng hoạt cảnh ca ngợi thành tích đơn vị trước đây.
CƯƠNG - Tại sao lại có quyết định khắt khe và độc đoán ấy?
KÍNH - Vở kịch ấy sẽ cho diễn trong nội bộ vào một dịp khác. Còn tối mai, có đại biểu của Công ty, Xí nghiệp liên quan, lại có cả quan khách cấp huyện, cấp tỉnh, không được diễn. Ta có sai lầm, đúng, nhưng không "vạch áo cho người xem lưng". Đừng biến những cái ghế bằng gõ vững chắc của chúng ta thành những cái ghế bằng đất sét. Anh có say mê thì còn tôi, tôi phải tỉnh táo. Phải bảo vệ danh giá của Công ty, của tôi, của anh. Vì vậy, tôi phản đối vở kịch và (nhấn giọng) cương quyết không cho diễn.
CƯƠNG - Anh Kính ạ. Công ty có nhiều thành tích, ban giám đốc có nhiều công lao, vở kịch đã biểu dương điều đó rõ hơn nhiều so với báo cáo của tôi. Nó còn giúp ta thấm thía sai lầm, giúp ta kịp thấy được tội lỗi mà chỉ một giờ trước đây tôi chưa nhận ra. Nó sẽ nâng bước ta đi trên chặng đường khó khăn sắp tới. (Lặng ngắn)
Nó là tấm gương rất thật mặt, hãy lau chùi cho sáng để chúng ta dũng cảm soi vào, thấy rõ những vết nhơ mà lau đi cho khuôn mặt chúng ta sạch sẽ, tươi sáng.
Tôi không sợ vì thế mà mất chức, mất quyền. Nếu lương tâm không trong sạch thì cái ghế vững chắc, bóng loáng chúng ta ngồi, chỉ là khúc gỗ đồ sộ, thô kệch đè nặng lên phong trào, lên quần chúng.
KÍNH - Tôi vẫn không nhất trí cho diễn vào tối mai. Mất đi đâu mà vội. Vì trách nhiệm của mình, tôi sẽ đưa vấn đề này ra trước chi bộ và Đảng ủy cấp trên. Hãy bình tĩnh chờ ý kiến sáng suốt của tập thể đã, rồi sẽ cho diễn cũng chưa muộn.
CƯƠNG - Về mặt chính quyền, tôi là người có trách nhiệm lớn nhất ở đây. Tôi còn là một Đảng viên nữa. Tôi có nhiệm vụ phải dùng vũ khí phê bình để làm trong sạch cơ quan, để khôi phục lòng tin đối với Đảng. Trong dịp tổng kết những việc làm đã qua, bàn về những bước đi trong thời kỳ mới, hơn lúc nào hết, tôi xin lấy cương vị Giám đốc, quyết định:
Vở kịch phải được diễn, diễn thật tốt, thật hay. Thế đấy... hiểu không?
Khải vỗ tay nồng nhiệt. Đức và Thảo nhảy cẫng lên, reo vang, bá vào vai Khải, rồi chạy ùa ra ôm choàng lấy Cương. Kính bực bội quay nhìn chỗ khác.

MÀN HẠ NHANH

X.H.
(SH21/10-86)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tâm sự gió (02/05/2012)
Hằng ngày (04/04/2012)
Sợi tơ nhện (04/04/2012)