Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-12)
Bạn thơ và thơ ở Festival Các Nhà Thơ Hàn quốc - ASEAN II
14:50 | 10/04/2012

KHÁNH PHƯƠNG

(Korea – Asean Poets Literature Festival II, 9/ 2011, Pekanbaru, Indonesia)

Bạn thơ và thơ ở Festival Các Nhà Thơ Hàn quốc - ASEAN II
Tác giả (giữa) cùng các bạn thơ Indonesia trước ngôi đền thờ Hồi giáo của tỉnh Riau

Tôi không có nhiều cảm tưởng về khối ASEAN, ngoài ý niệm về một số hiệp ước thương mại mậu dịch tự do và những đội bóng luôn cạnh tranh giành chiếc huy chương vàng khu vực với đội bóng Việt Nam, cũng như luôn áp đảo về thể lực. Lần đầu tiên đến với một Liên hoan Thơ, cũng là Liên hoan sớm nhất và duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôi ngỡ ngàng, ngay từ khi quá cảnh tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia), với rừng Pahang lộng gió biển bao trùm màu xanh lên những con đường cao tốc mênh mông. Thành phố Pekanbaru mơ mộng trong thung lũng bình yên, ở trung tâm của quần đảo Soomatera vốn không xa lạ gì với sóng thần (và thỉnh thoảng), núi lửa phun trào. Những nhà thơ Asean thông thạo Anh ngữ với nụ cười hào sảng, khoáng đạt như chính đất nước và con người đảo quốc…  


1. Tôi chọn bàn ăn đông vui nhất trong buổi buffet gặp mặt, được tổ chức muộn hơn dự tính gần 2 giờ, do tất cả các khách mời đều muốn chờ đợi các bạn Hàn Quốc, vì thời tiết xấu nên bị trễ chuyến bay. Bàn ăn gồm toàn các vị chủ nhà nói cười râm ran, tôi được chào đón nồng nhiệt vì “quý hiếm” trên mọi phương diện. Đoàn Indonesia đông nhất, mà cũng chỉ có 2 cô gái. Budy Utami ở cách trung tâm thành phố chừng 5 phút đi xe bus, hoặc 15 phút đi bộ. Hana Francesca ở tận Kalimantan. Cô gái vận Âu phục đội tấm khăn truyền thống màu hoa cà ở Ban tổ chức nói với tôi, hiện chưa biết bao giờ Hana sẽ tới.

Các vị chủ nhà kể cả người rất trẻ và không còn trẻ lắm, không mấy thành công khi giấu sự tinh nghịch và ý muốn trêu chọc sau vẻ mực thước, khuôn phép. Phát hiện ra vị khách từ Việt Nam hoàn toàn không phải phụ nữ e lệ, rụt dè, chúng tôi ứng xử cởi mở như anh em. Ngồi cạnh tôi là nhà thơ Dimas Arika Miharja, giảng viên khoa Nghiên cứu văn hóa và Ngôn ngữ địa phương, Đại học Jambi, một quý ông Indo “thứ thiệt” nước da nâu cháy nắng. Tôi mở cuốn sách Anthology của Festival, Malay as world heritage on stage, đọc nhanh những câu thơ rúng động, đập mạnh vào trực giác:

Bạn thấy dấu cơn chấn thương nghiêm trọng trên ngực biển
tới nơi sâu thẳm miền sông
xuyên qua tiếng rì rầm những con sóng đổ
xuyên qua những đợt sóng tình
xóa sạch mọi ngôn từ, lề lối
giữa vết thương tôi cầu nguyện tình yêu…

(A Lovely visit, Dimas Arika Miharja - Cuộc gặp yêu thương, hồi tưởng nhân 6 năm sóng thần, người viết tạm dịch từ bản tiếng Anh).

Cuối buổi tiệc, một người phụ nữ gương mặt thanh tú, nụ cười phúc hậu đến hỏi chuyện tôi. Chị hỏi thăm “Mai Van Phan và Nguyen Quang Thieu”, hai người bạn Việt Nam đã tham dự KAPLF I ở Hàn Quốc, như hỏi thăm về người thân đã từ lâu mong tin. Đó là Joo Sue Ja, nhà thơ nổi tiếng của Seoul, cũng là họa sĩ và người viết tiểu thuyết. Tôi cảm động như gặp lại một người bạn cũ, nói với chị, 2 anh Phấn và Thiều đều khỏe, anh Phấn đã kể về chị cùng các bạn bè ở Hàn Quốc cho tôi nghe rất nhiều.

Hôm sau, chúng tôi tập hợp sớm để đi xe tới thăm công ty dầu lửa lớn nhất và lâu đời nhất, ngành kinh tế làm nên phần lớn sự thịnh vượng cho toàn bộ tỉnh Riau cũng như thành phố Pekanbaru. Cuộc đi thăm, ngoài phần giao thức, được biến thành buổi tham dự nghi lễ truyền thống cầu may mắn, phúc lành của các nghệ nhân Indonesia. Tôi có thêm nhiều bạn mới, các nhà thơ Asean: Isa Kamari, giảng viên Đại học quốc gia Singapore, đã xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết và giành nhiều giải thưởng khu vực về thơ, anh đã tới Sài Gòn 2 lần và rất hứng thú tìm hiểu văn hóa Chăm. Muhamad Badri, sinh năm 1981, đang tham dự khóa đào tạo tiến sĩ, gương mặt văn hóa tiêu biểu của Pekanbaru, từng là giám đốc nhiều dự án báo chí và nghệ thuật, đã có vợ và 1 con trai 2 tuổi rưỡi. Papa Maung Piyit Min, Myanmar, bệ vệ hơn nhiều so với tuổi 58, đã có nhiều tuyển thơ bằng tiếng Anh được giới thiệu trong khu vực và thế giới. Hai chàng trai cao lớn, thư sinh, Maung Day, 8X, nhà thơ và họa sĩ, nổi tiếng trên thi đàn khu vực, và Phaosan Jehawe, sinh 1980, Thailand, đều ít nói, vẻ ngoài bẽn lẽn, giấu kín tâm hồn tinh tế, dễ thương.

Một ưu thế của các nhà thơ và thi ca khu vực mà Việt Nam không có được, đó là sự tương đồng về ngôn ngữ. Tiếng Indonesia, Malaysia, Singapore và thậm chí cả Philippine, Thailand, đều có đại bộ phận từ vựng và ngữ pháp tương đồng. Đó là ngôn ngữ xuất phát từ tiếng Ấn Độ cổ đại, pha trộn nhiều yếu tố Do Thái và Hồi Giáo, đặc biệt là các yếu tố Tây phương trong khoảng hơn 100 năm trở lại đây và được phiên, ký âm theo hệ thống ký tự Latin.

Chính vì thế, các diễn đàn thi ca khu vực, xuất phát từ tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ là nơi các nhà thơ thường xuyên trao đổi và tuyên dương những sáng tác tiền phong, là cánh cửa đưa thi ca Asean ra thế giới, như International Literary Award, Bintan Art Festival, The Majelis Sastra Asia Tenggara, The SEA Write Award, The Anugerah Tun Seri Lanang…

Ngôn ngữ thứ hai, phổ biến trong cộng đồng Asean là Anh ngữ. Một người quét dọn trong siêu thị ở Kuala Lumpur cũng có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh. Các nhà thơ, phần nhiều trong số họ là giảng viên trường đại học quốc gia hoặc địa phương, đảm trách các diễn đàn quan trọng về văn hóa, nghệ thuật, đều “siêu” tiếng Anh. Không đọc và nghe, nói tiếng Anh thông thạo, đối với người làm thơ hay làm nghệ thuật nói chung, là “mất điểm” rõ rệt. Yorshiran Zen, nhà thơ U50 râu tóc hippi quậy tưng bừng sân khấu thơ Festival nhiều phen, đi chung với tôi chuyến taxi cho người đến muộn, tới cuộc tiếp đón của Hội đồng thành phố Pekanbaru. Ông không bỏ lỡ dịp hỏi han tới tấp và may thay, tôi trả lời lưu loát tức thì để không “mất điểm” với nhà thơ nước chủ nhà. Ông kể, mình sinh ra ở một thị trấn nhỏ cũng thuộc tỉnh Riau, đã di chuyển nhiều nơi và hiện tại sống và làm việc ở Pekanbaru. Ông hỏi Hà Nội có phải một thành phố modern không, ông chưa tới Hà Nội hay bất cứ thành phố nào của Việt Nam. Tôi nói, Hà Nội không phải một thành phố modern. Nó còn mang nhiều dấu tích cổ xưa, và hiện tại thì nhỏ bé, chưa được quy hoạch lâu dài. Nhỏ bé hơn nhiều nếu so với Jakarta hay Kuala Lumpur…

2. Thơ Asean và Hàn Quốc, đối với tôi, là cả một thế giới mới mẻ. Sự hồn nhiên, nồng nàn đến gây choáng ngợp của các nhà thơ Asean khi băng qua dễ dàng mọi ranh giới giữa con người và thế giới siêu nhiên của những điều lớn lao, huyền bí, chưa biết. Phẩm chất sắc sảo, trong một lối tư duy vừa đồ sộ, phức tạp vừa tinh xảo, chặt chẽ, lại trong sáng đến từng chi tiết của thơ Hàn quốc. Tôi kính phục cả hai nền thi ca.

Machzumi Daood, nhà thơ Indonesia, người anh kết nghĩa yêu mến, làm tôi ngạc nhiên với những vần thơ trong trẻo và khoát đạt, tự nhiên như tiếng suối reo, khi đã ở tuổi 60:

Mặt trăng trong ao

Mặt trăng trong cái ao
Bị đàn cá nuốt

Có chú mèo thèm khát
Tiếng gầm gừ nhả dài
Xòe vuốt, răng lởm chởm,
Nỗi thèm thuồng lởm chởm
Cái miệng ngoác,
mắt, mũi, tai vểnh ngược

Đàn cá trong cái ao
Phun nước lên trời cao

(The Moon in the Pond, Machzumi Daood, người viết tạm dịch từ bản tiếng Anh).

Machzumi có tâm hồn đôn hậu. Trên đường đi tới những thắng cảnh của Riau, ông giải thích cho tôi tên các loại trái cây của Indonesia. Cây Chakti (chà là) nức tiếng chỉ có ở đảo Java. Trái cây thơm ngọt hình thù như giọt lệ trong hộp đồ ăn trên đường của chúng tôi là cây Salak. Ông học rất nhanh những từ và câu tiếng Việt tôi viết cho ông vào cuốn sổ tay ông luôn mang theo bên người. Còn những vạt núi mà cây cối như những tượng đài đen thui, ông giải thích đó là do cháy rừng. Ở Việt Nam cũng thế.

Đại diện cho xứ Hàn không có nhiều nhà thơ quá trẻ. Park Hyung Jun cũng đã vượt qua lứa tuổi 40. Thơ của ông tinh tế, trang nghiêm, mà vẫn không mất đi cái nhột nhạt bất chợt của đời sống:

Tiếng mưa

Như người đàn bà
Gõ vào cửa sổ tôi, và khóc
Lúc tôi ngủ yên
Như kiểu đàn bà
chỉ soi vào tấm gương mà chẳng nói năng
Và ngồi yên nơi góc tiệm cà phê
Tựa như những dấu tay lăn từ mặt kính

Tiếng mưa đêm nay
Lấp lóa trên cửa sổ…


(Noise of Rain, Park Hyung Jun, người viết tạm dịch từ bản tiếng Anh).

Tôi vẫn yêu mến hơn cả, thế giới thơ tràn đầy những cơn gió trực cảm, với tâm thế cao quý, sự linh thiêng nồng nàn, rất con người của Hana Francesca:

Trong buổi cầu nguyện

Ba nén trầm thơm từ vỏ cây - những tiếng hú của bầy sói trong cánh rừng
Thân thể Người mảnh mai, ánh nhìn sắc lạnh
Người thơm tựa như đóa hoa nở nhờ cơn gió đen
Tôi thầm căm ghét Người.
Tôi là cơn say trong chiếc ly Người vì rượu ngọt
Ba chén trà đặt trước mặt làm tôi bật khóc
Trước khi cánh cửa Địa ngục mở ra…


(In the Prayer, Hana Francesca, người viết tạm dịch từ bản tiếng Anh).

Nhà thơ sinh năm 1979 này có thơ trong Top dẫn đầu những tác phẩm văn học được yêu mến nhất của tạp chí Tempo, tạp chí nghệ thuật quốc gia của Indonesia năm 2010.

Đối với các nhà thơ Indonesia, Malaysia, thơ không tách rời khỏi nhạc và vũ đạo. Một bài thơ có thể được “hát” lên tùy theo cảm hứng của người trình bày, thường là chính tác giả, theo những giai điệu đẹp nuột nà, luyến láy tinh tế của âm nhạc cổ Ấn Độ. Hoặc có khi, bài thơ vỡ ra trong cơn bùng nổ cảm xúc phẫn nộ, bi tráng, giễu cợt hay hài hước… như trong một vở kịch nhân sinh. Nhà thơ Yoshiran Zen là tay “chuyên nghiệp” trình diễn thơ với vũ đạo thân thể khá phức tạp và hiện đại, nhưng đều bộc phát, theo hứng khởi của nhà thơ, một cách vô cùng hấp dẫn.

Tôi được đọc thơ tại sân khấu của ngôi đền thiêng Muara Takus, nằm cách thành phố Pekanbaru 130 km về phía Tây Nam. Đây là ngôi đền Phật giáo ngàn tuổi, vẫn sống trong lòng đất nước Indonesia với ba phần tư số dân theo đạo Hồi. Nếu như có điều gì khiến tôi cảm động sâu sắc nhất, thì đó chính là tình yêu thương thân ái và tấm lòng nhiệt thành quý trọng tài năng của các nhà thơ có mặt nơi đây. Tất cả mọi điều kiện đều được chuẩn bị tốt nhất, để bạn chỉ việc tỏa sáng, chỉ việc bộc lộ những gì tốt và đẹp nhất của bản thân. Niềm yêu thích, say mê, trân trọng đích thực được bộc lộ tức thì và theo cách nồng nhiệt nhất. Đó là không khí nghề nghiệp lý tưởng mà mỗi người làm nghề đều ước mong trong đời mình.

Trước bữa ăn trưa với món ăn truyền thống Hồi giáo, Maung Day, chàng trai có nụ cười bẽn lẽn nhẩm đọc với tôi: “Step into the Moonlight/ Don’t Shudder”(1) với cái nhìn đồng cảm.

Cùng với những bài thơ hay nhất của các bạn xứ Hàn và Asean, những bài dân ca Indo khỏe khoắn, mênh mang như núi rừng đảo quốc, giai điệu trữ tình thăm thẳm chạm khắc bằng nỗi buồn mà nhà thơ Cho Meyong hát tặng, múa đương đại của Yoshiran Zen… tôi mang theo ý niệm về sự tương đồng và trở thành lẫn nhau của lòng bao dung, cái đẹp cũng như đặc thù về văn hóa. Và tôi dành những gì nồng nhiệt nhất từ sâu kín trong trái tim mình cho những người bạn cùng chia sẻ với tôi cái đẹp. Và thơ…

Con tàu như cây kim trên mặt biển  

Machzumi Daood(2)
buổi cầu kinh sáng của anh
có con chim kêu điềm dữ
khi chúng ta đứng lên nó vút bay
mang điềm dữ tới nơi không cùng
Nơi ấy có điều gì che chở?
Dimas Arika Miharja
Ngồi cạnh em anh lúng túng
chẳng nói được điều gì
cuốn thơ quên lời đề tặng
anh trai,
chúng ta thất lạc nhau có lẽ từ một trận
sóng thần
kiếp trước
đến bây giờ
em vẫn chưa có anh
Người ăn mày ở góc chợ Pekanbaru
một ngàn năm qua
hiện thân của thần Visnu
Ngàn năm trước
chúng ta từng cho đi
cả kho ngọc vàng châu báu…
những giọt mồ hôi lóng lánh trên gương
mặt bạn
Muhamad Badri
tôi ước gì
mình có thể chạm tay vào chúng
Hana Francesca
khi tôi thức dậy bạn đã đi
rừng ở Kalimantan chắc dày đặc hơn
mọc đầy những trái tưởng tượng của tôi…


Pekanbaru, 29/10/ 2011 - Hà nội, 8/ 11/2011 - Biển, 29/11/ 2011
K.P
(SDB4-12)



.......................................
1 - Thơ Khánh Phương, Trần Nghi Hoàng dịch sang tiếng Anh
2 - Nhà thơ Machzumi Daood đã đột ngột ra đi vào tháng 1 năm 2012








 

Các bài mới
Đạo và Đời (16/04/2012)
Các bài đã đăng