Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-12)
Đạo và Đời
15:47 | 16/04/2012

THÍCH CHƠN THIỆN

Trong một tác phẩm Phật học, có lần tôi đã viết: Đạo là Đời vắng bóng phiền não, khổ đau.

Đạo và Đời
Tỳ kheo Thích Chơn Thiện - Ảnh: thuvienhoasen.org

Nhớ lại về nguồn, khi còn là Thái tử Sĩ - đạt - đa, Đức Phật nhiều lần chứng kiến ngoài hoàng cung các cảnh sanh, già, bệnh, chết rất đổi thương tâm. Ngài xúc động, xúc động mạnh. Từ ấy thao thức, trăn trở về cái thân phận kiếp người. Năm hai mươi chín tuổi, sau buổi dạ tiệc ở hoàng cung, Ngài cho thắng ngựa Kiền - trắc, một mình vượt thành, vào rừng sâu để tìm đạo thoát khổ.

Sau nhiều tháng học hỏi và thực hành với các đạo sĩ thời danh Alara Kàlama và Uddaka Ramaputta, Ngài nhận ra đấy còn là vùng sinh tử khổ đau. Ngài, một lần nữa tự mình ra đi, thực hành sáu năm khổ hạnh đến mức cùng cực, vẫn bế tắc. Ngài quay trở về hành thiền định, trầm tư tự mình. Sau bảy tuần lễ dưới cội bồ đề, tâm Ngài tỏa sáng thấy rõ sự thật Duyên khởi (Paticca Samuppada: Dependent Origination), thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau diệt, con đường dẫn đến khổ đau diệt: Ngài thành Phật, bậc Vô Thượng Chánh đẳng chánh giác, bậc giác ngộ toàn triệt. Đạo Phật mở ra từ đấy.

Bài pháp đầu tiên mà Ngài thuyết giảng tại vườn Nai ở Ba - la - nại (Varanàsi) cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh tại rừng già trước đó là nội dung mà Ngài đã chứng ngộ. Ngày thứ nhất Ngài giới thiệu về sự thật của khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về khổ diệt, sự thật về con đường đưa đến khổ diệt. Bốn ngày tiếp theo, Ngài giới thiệu về sự thật của con người tâm lý và vật lý, bao gồm năm yếu tố: nhóm vật lý (sắc uẩn); nhóm tâm lý cảm xúc, cảm thọ (thọ uẩn); nhóm trí tưởng, niệm tưởng (tưởng uẩn); nhóm tác ý về thiện, ác, không thiện không ác (hành uẩn); và nhóm nhận biết từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (thức uẩn). Tất cả là vô thường, vô ngã (không có tự ngã) và dẫn tới khổ đau. Chúng không phải là ta, không phải là của ta, và không phải là tự ngã của ta. Năm người bạn nghe xong, tâm liền sạch phiền não, khổ đau, đắc quả A - la - hán (quả thánh cao nhất). Trong khoảng thời gian ấy, Ngài khai ngộ thêm ba người, với Ngài nữa là chín vị A - la - hán đầu tiên của giáo hội của Ngài. Hai năm sau, đoàn thể giác ngộ của Ngài lên đến 1250 vị và tiếp tục phát triển nhiều lần hơn. Tất cả đều lên đường giáo hóa suốt 45 năm. Năm 80 tuổi, Ngài vào Niết bàn bất sanh bất diệt. Giáo hội của Ngài tiếp tục phát triển. Về sau, những lời dạy của Ngài được kết tập thành ba tạng giáo điển kinh, luật, luận - một kho tàng văn hóa Phật giáo đồ sộ.
 

Ảnh: NHỤY NGUYÊN


Sinh thời, Đức Phật dạy mỗi Tăng sĩ có hai việc làm cùng lúc: tự chuyển hóa tâm lý của mình, vừa giúp người đời chuyển hóa tâm lý. Rằng: phụng sự chúng sanh là cúng dường mười phương chư Phật. Rất đông trong hàng đệ tử là các bậc thánh đa văn (học thông nội và ngoại điển và chứng ngộ giải thoát), các vị có đầy đủ năm khả năng: thông rõ Phật pháp (nội minh); thông rõ thế học (ngoại minh); thông rõ y học để giúp đời (y phương minh); thông rõ các ngành nghề để hộ đời (công xảo minh); và thông rõ các ngôn ngữ và các khả năng biểu đạt (thanh minh). Truyền thống Phật giáo gọi là “Ngũ minh”. Các vị dùng tất cả thời gian có để học hỏi, tu tập và hoằng hóa (trong khi các phật tử thì hộ trì thức ăn, chỗ ở, y phục và thuốc men: rất công bằng, hợp lý).

Sinh thời, Đức Phật đã tóm tắt những gì Ngài đã dạy trong một bài kệ bốn câu:

“Từ bỏ tất cả các việc ác,
Làm tất cả các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh (rời khỏi tham, sân, si, sợ hãi)
Đó là lời dạy của chư Phật”.

Thật là rõ ràng, gọn gàng và giản dị.

Nhiều thế kỷ sau, đạo Phật được truyền bá khắp các châu lục. Các giáo hội luôn thích nghi với văn hóa bản địa: tôn trọng luật pháp và các phong tục, tập quán. Ở Việt Nam, suốt hai ngàn năm qua, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, vận mệnh thăng trầm cùng với những thăng trầm của vận mệnh dân tộc. Ngày nay, châm ngôn hoạt động của Giáo hội là: đạo pháp - dân tộc - và chủ nghĩa xã hội.

Đạo là thế! Và Đời là thế!

T.C.T
(SDB4-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng