Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-12)
Trên tầm cao của năm đô thị
09:08 | 02/05/2012

Tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đều xác định năm 2012 là năm đô thị. Xác định này đặt ra trước mắt người dân bao kì vọng. Thật ra, trong những năm gần đây chương trình đô thị luôn là chương trình trọng tâm số một của tỉnh và thành phố mà thành công của nó đã góp phần thúc đẩy việc ra đời Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Vậy xác định năm 2012 là năm đô thị đặt ra cho tỉnh và thành phố phải có những nỗ lực quyết liệt, tư duy mới mẻ, phải khác các chương trình đô thị trước đây, để trong một vài năm tới, diện mạo đô thị Huế thay đổi một cách cơ bản, toàn diện, thúc đẩy nhanh chóng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm văn hóa đặc sắc của đất nước.

Trên tầm cao của năm đô thị
Đô thị Huế nhìn từ trên cao xuống (ảnh: NetCoDo)

LÊ VĂN LÂN


Trên tầm cao của năm đô thị

Khi nói đến năm đô thị chúng ta thường nghĩ đến việc chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị. Chỉnh trang những khu đô thị ổn định và phát triển, nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa để Thừa Thiên Huế sớm có diện mạo của một thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng diện mạo của một thành phố lớn trong tương lai như thế nào để tốc độ đô thị diễn ra theo đúng sự tính toán, đô thị không phát triển “nhốn nháo” và xứng tầm một đô thị sinh thái, một thành phố văn hóa đặc sắc.

Từ Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, trong các hội thảo khoa học và các nghị quyết mới đây của tỉnh và thành phố, thì thành phố lớn trong tương lai sẽ gồm một đô thị trung tâm và nhiều đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm gồm Huế, Bình Điền, Phú Bài, Tứ Hạ, Thuận An. Các đô thị vệ tinh gồm Chân Mây - Lăng Cô, Nam Đông, A Lưới, Phong Điền... Thành phố tương lai là một đô thị sinh thái và phát triển trong mối tương quan hỗ trợ, chia sẻ và sự hài hòa của nó. Định hướng này hết sức quan trọng đặt ra cho tỉnh và thành phố soát xét lại qui hoạch đô thị, đâu là đô thị ổn định, đâu là đô thị phát triển, đâu là vùng nội đô, đâu là vùng ven đô, bảo đảm cho việc đầu tư không manh mún, đầu tư vừa phải nhưng đạt hiệu quả cao là điều cần phải hết sức lưu ý.

Trước hết là đô thị trung tâm, chúng ta mặc nhiên thừa nhận gồm Huế, Bình Điền, Phú Bài, Tứ Hạ, Thuận An. Đây chính là diện mạo của thành phố lớn. Trong hình dung của nhiều người, đô thị trung tâm bao gồm đô thị lịch sử, đô thị đại học, đô thị trung tâm hành chính, đô thị trung tâm thương mại dịch vụ - tài chính ngân hàng, đô thị trung tâm lưu trú cao cấp và hội nghị quốc tế, trung tâm y tế chuyên sâu. Năm đô thị phải là năm quyết liệt trong chỉnh trang và phát triển đô thị, quyết liệt là nhằm bảo đảm các đô thị phát triển theo chức năng của nó. Phát triển đô thị theo kiểu mở đường, san lấp mặt bằng phân lô tỏ rõ sự lạc hậu trong đô thị hóa và không phù hợp với Huế.

Ở đô thị lịch sử, gói gọn trong khu vực Nội Thành đến bờ sông Hương. Nhìn xa hơn, đến núi Ngự Bình và khu vực tây nam Huế. Đây là đô thị ổn định mà vấn đề hàng đầu là chỉnh trang, giãn dân. Trước hết ở đô thị lịch sử này phải thực sự là một đô thị sinh thái. Chỉ cần nạo vét hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế, làm lại các lề đường, chỉnh trang chăm sóc các công viên, các hồ... ở đây sẽ trở nên quyến rũ và trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng không chỉ đối với trong nước mà còn mang tầm quốc tế. Đại nội đã biến thành sân chim, tiếng ve đã trở lại râm ran trong mùa hè đã hút hồn bao du khách. Tất nhiên với đô thị lịch sử, việc chỉnh trang cũng đòi hỏi sự quyết liệt. Ai cũng biết việc giãn dân ở khu vực này là cần thiết, đã có nhiều cuộc bàn cãi, thậm chí ra cả nghị quyết; nhưng làm thế nào để giãn dân có hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao vẫn đang là khoảng trống. Khu vực Nội Thành biến nhà thành phố với những phố đồ “bành” phố “xe cũ” là không phù hợp nhưng nó vẫn cứ phát triển như nấm sau mưa. Vậy thì cần phải có những quyết sách mạnh mẽ và táo bạo đối với khu đô thị đặc biệt này. Có người cho rằng thành phố nên miễn thuế nhà đất cho nhân dân ở khu vực Nội Thành, nhưng đồng thời hạn chế tiến đến cấm hẳn các phương tiện giao thông cá nhân như mô tô, ô tô; chỉ sử dụng phương tiện đi lại bằng xe điện, xe đạp điện và xe đạp, biến nội thành thành nơi đi bộ đặc trưng của Việt Nam. Từ đó sẽ mở đường cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học không còn phù hợp di dời ra khỏi Nội Thành, hạn chế việc xẻ vườn làm nhà, kinh doanh nham nhở như hiện nay. Thật ra, nhiều đô thị văn minh trên thế giới đã loại hẳn mô tô làm phương tiện đi lại.

Với các đô thị chức năng, sự quyết liệt ở đây là cần có kế hoạch di dời các cơ quan đơn vị về các khu đô thị chức năng. Nên hạn chế, thậm chí cấm hẳn phát triển nơi cũ, ưu tiên tạo điều kiện phát triển nơi mới, kể cả việc trao đổi cơ sở vật chất. Thí dụ đô thị Đại học, tất cả dồn lên khu đại học, khuyến khích đầu tư kí túc xá, siêu thị, sân vận động cho sinh viên... để trong vòng ânăm mười năm tới có một đô thị đại học thực sự. Tương tự như vậy chúng ta hình thành đô thị du lịch với tổ hợp khách sạn cao cấp - Hội nghị quốc tế - Trung tâm mua sắm - Khu vui chơi giải trí... Không lẽ một thành phố du lịch cứ có hội nghị quốc tế là ngăn đường, ngăn chợ; cứ có mảnh đất vàng là xây siêu thị, khách sạn, nhà hàng?...

Tất nhiên, cần có cái nhìn toàn cục về đô thị trung tâm, cả công tác quản lý cũng như phân lại địa giới hành chính, chúng ta sẽ đỡ lúng túng trong phát triển, mở rộng tầm nhìn trong giải quyết những vấn nạn do phát triển đô thị mang lại.

Với các đô thị vệ tinh, đây là những đô thị tương quan chia sẻ trách nhiệm cùng đô thị trung tâm. Ở đây, việc phát triển đô thị cần nghiên cứu cẩn trọng, tìm ra mặt mạnh để có định hướng phát triển đúng đắn, cũng như huy động trí tuệ tiềm lực người dân tham gia phát triển đô thị. Thí dụ như đô thị A Lưới cùng các cửa khẩu với nước bạn Lào. Các tỉnh của Lào ở đây phần lớn là các tỉnh nghèo. Nhưng chúng ta cũng có thể trở ngược vấn đề: cái nghèo của bạn là lợi thế của chúng ta. Đó chính là sức hấp dẫn của khu đô thị mới.

Năm đô thị những vấn nạn trong phát triển đô thị

Chỉnh trang và đô thị hóa là mong mỏi của người dân. Nhưng chỉnh trang và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa là đòi hỏi của phát triển có những quy luật, không theo qui lật chắc chắn phải trả giá mà tiêu biểu nhất là sự lãng phí trong phát triển đô thị. Sự lãng phí có thể bắt nguồn từ sự nôn nóng, từ tư duy nhiệm kỳ, từ phát triển không đồng bộ, phát triển thiếu quy hoạch, từ ăn gian làm dối.

Nhìn tình hình phát triển đô thị trong thời gian qua, không riêng gì ở tỉnh ta, mà trên cả nước, sự lãng phí là rất lớn, tác hại của nó thì những thế hệ sau phải gánh chịu, gây tổn thất niềm tin trong nhân dân. Nó là tác nhân của tham nhũng và trong chừng mực nào đó đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn. Từ sự nôn nóng và thiếu nguồn lực, việc phát triển đô thị bằng mọi giá dẫn đến quy hoạch treo; dẫn đến mở đường, san ủi mặt bằng, phân lô trông chờ vào quỹ đất và nhà đầu tư. Trong lúc đó, đền bù giải tỏa không bảo đảm cho người dân có mức sống bằng hoặc hơn nơi ở, không san lấp được thiệt hại vô hình mà người dân phải gánh chịu do mất đất sản xuất, mất công ăn việc làm, đẩy một bộ phận dân nghèo càng nghèo thêm, khoảng cách giàu nghèo càng mở rộng. Đó là chưa kể một bộ phận dân cư lân cận cuộc sống ngày càng nhếch nhác do phát triển hạ tầng không đồng bộ.

Khi nói đến phát triển đô thị người ra nghĩ ngay đến việc đầu tư hạ tầng đồng bộ. Việc phát triển hạ tầng như hiện nay là đầu tư theo dự án, vừa dàn trải vừa cắt khúc, có đường nhưng không có hệ thống thoát nước, các công trình ngầm, hệ thống giao thông tỉnh. Đường phố nay đào mai lấp là điều đương nhiên. Nhìn thành phố Hồ Chí Minh với việc hình thành các lô cốt hết trục đường này đến trục đường khác, năm này sang năm khác rất tốn kém, dân kêu ca nhiều nhưng không còn cách nào khác. Đây là hình ảnh tương lai trong phát triển đô thị mà chúng ta cần phải tránh. Cũng do đầu tư thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước dẫn đến đường sá nhanh chóng xuống cấp, công trình giảm nhanh tuổi thọ, thậm chí có công trình chưa kịp sử dụng đã xuống cấp. Thành phố đã nhếch nhác lại càng nhếch nhác thêm. Có thể nói đây là bài học lớn rất khó rút ra trong phát triển đô thị.

Trong phát triển đô thị, vấn đề cực kì quan trọng là quy hoạch. Đây là việc làm dài hơi với một tầm nhìn chiến lược. Chúng ta quy hoạch khá nhiều và đầu từ khá nhiều công sức, tiền của, đâu đâu cũng có quy hoạch, nhưng thực ra quy hoạch vẫn đang là khoảng trống. Thành phố không thể hễ ở đâu mảnh đất vàng là ở đó mọc lên siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Không thể có khu quy hoạch đô thị đại học, nhưng ở đâu cũng có thể phát triển cơ sở đại học. Đô thị phát triển thiếu quy hoạch sẽ trở nên manh mún, nơi này một nhúm, nơi kia một nhúm, vừa lãng phí vừa tốn kém.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng và gây lãng phí lớn là tư duy dự án và thiếu một tầm nhìn toàn cục. Khi xúc tiến các dự án vấn đề đặt ra là làm sao phát huy tác dụng khi dự án hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đầu tư cho phát triển. Chúng ta giải tỏa cư dân trên sông Hương, hai bờ sông Hương, dọc sông Ngự Hà, rõ ràng diện mạo nơi đây là thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; nhưng cao hơn hết là lợi ích kinh tế, là cơ hội làm giàu của người dân sở tại do dự án mang lại. Tương tự như vậy, chúng ta giải tỏa cư dân trên thượng thành, eo bầu; ở đây có thể trở thành tuyến đi dạo lý tưởng, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, tiếc rằng chúng ta không làm vậy lại rào chắn cho cỏ mọc. Tất nhiên lợi ích kinh tế từ dự án mang lại chúng ta không tính thì người dân tính, người dân tính thường là tự phát, làm ăn chụp dựt, tạo nên sự nhếch nhác không đáng có

Năm đô thị và văn minh đô thị

Nói đến năm đô thị không thể không nói đến văn minh đô thị. Có thể nói xây dựng văn minh đô thị là nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh và thành phố, từng tổ dân phố và người dân. Hầu như các hộ gia đình trong thành phố đều làm cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không phải một mà nhiều bản cam kết từ nhiều cuộc vận động đan xen. Tất nhiên các phong trào đều có những kết quả nhất định, nhưng nhìn một cách nghiêm túc có thể nói kết quả đạt được chưa như điều mong muốn. Vẫn nặng về họp hành, tuyên truyền, hô khẩu hiệu, nhưng chưa tạo được những nề nếp tốt, chưa trở thành tự giác trong nhân dân.

Nói đến văn minh đô thị. Vấn đề tiên quyết là bộ máy quản lí văn minh đô thị. Thực ra những nội dung của văn minh đô thị người dân ai cũng hiểu, ai cũng biết, ai cũng mong muốn. Vấn đề là thói quen, sự gương mẫu và sức ỳ của nó. Sức ỳ nầy không chừa một ai kể cả các quan chức đến những người có học vấn. Bộ máy quản lí đô thị chúng ta đông nhưng không mạnh. Luật pháp qui định của chúng ta không thiếu nhưng không ai thực thi, khi thực thi lại không thống nhất. Chúng ta lại coi trọng hô khẩu hiệu, không đi vào thực chất; thậm chí không loại trừ tiêu cực, lạm quyền trong quản lí đô thị. Biểu hiện rõ nét nhất là việc xây dựng trái phép ngày càng phổ biến. Khu vực Nội Thành theo quy hoạch không được xây dựng nhà ba tầng nhưng vẫn không ít những ngôi nhà ba tầng mọc lên, đội qui tắc đô thị vẫn lập hết biên bản này đến biên bản khác nhưng đâu vẫn vào đó. Chúng ta nghiêm cấm vẽ dán lên tường, gốc cây, trụ điện, tổ chức nhiều cuộc xuống đường tẩy xóa dọn sạch nhưng việc đó vẫn liên tục diễn ra như một thách thức. Rác thải xây dựng vẫn được đổ trong công viên, dọc sông hào mặc dù chúng ta luôn ngăn cấm. Đó đây vẫn còn tình trạng đeo bám chèo kéo khách, nhất là ở các điểm di tích, các khu lễ hội... Kinh nghiệm ở các đô thị văn minh trên thế giới cho thấy xử phạt là giải pháp hữu hiệu nhất trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Xử phạt chính là giáo dục đúng thực chất, xử phạt làm cho con người hành động ngày càng tự giác hơn. Năm đô thị nên đặt vấn đề soát xét bộ máy thực thi ngày càng hữu hiệu và căn cơ hơn.

Tất nhiên, thực hiện nếp sống văn minh đô thị đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ thuận tiện cho người dân. Để người dân không phóng uế bừa bãi thì phải có hệ thống các công trình vệ sinh sạch - đẹp nơi công cộng (kể cả thu phí một cách hợp lí). Để dẹp quảng cáo trên cây, tường, trụ điện... phải có nơi công cộng dành cho quảng cáo. Để người dân không xả rác bừa bãi, hệ thống thùng rác công cộng phải được phân bố hợp lí. Rác thải độc hại phải có thùng rác riêng, thu gom riêng...

Năm đô thị 2012 như kì vọng của người dân là năm bản lề để Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Không chỉ thành phố trực thuộc trung ương mà là một thành phố văn hóa đặc sắc trực thuộc trung ương. Đô thị phát triển vẫn giữ được bản sắc Huế, tạo ra nhiều mẫu mực trong chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây chính là điều mà người dân gởi gắm.

L.V.L
(SDB4-12)










 

Các bài đã đăng
Đạo và Đời (16/04/2012)