Tạp chí Sông Hương - Số 278 (T.4-12)
Tác phẩm mới tháng 4/2012
15:27 | 18/04/2012

@ Từ những suy tưởng rỗng rểnh ứ họng Lê Hưng Tiến đã liếc dao vào ý tưởng hòng ngụy tạo hoang giấc và cấu xé ngữ nghĩa.

Tác phẩm mới tháng 4/2012

Ển lên đêm (Nxb Hội Nhà văn, 2011) - là sự tuột truồng ý nghĩ, khiến cho ý nghĩ đen cứng, ý nghĩ cương cứng; khiến đọc giả vừa bội thức vừa cảm khoái.
Tập thơ này cũng phải lòng vòng đến nhiều nhà xuất bản trong thời gian khá lâu. Chúc mừng tác giả trẻ Lê Hưng Tiến.
 


@ Ở địa hạt thơ, Nguyên Quân đã in các tập Tĩnh vật đêm, Viết bên hộ thành hào, Thơ tự chọn,... Anh cũng vừa nhận giải Ba trong Cuộc thi thơ Lục bát của Sông Hương và Văn nghệ Quân đội. Ở văn xuôi anh có Vòng tay tượng trắng in năm 2006; Hoạt phố (Nxb Văn học 2011) là tập truyện thứ 2, nằm trong chương trình hỗ trợ kinh phí của Quỹ sáng tạo Văn học Nghệ thuật của Liên hiệp hội VHNT Thừa Thiên Huế. Những truyện ngắn viết rất lâu rồi cùng những truyện gần đây, đều là sự nối tiếp nguồn sống chơn chất qua trải nghiệm của tác giả. Ðể nói rằng Nguyên Quân không mấy thay đổi hay làm mới cách viết của mình mà xoáy sâu hơn ngòi bút vào bề mặt cuộc sống phũ phàng, cả những giá trị bị đóng khung bởi suy tàn nhân tính. Câu chuyện bên dòng sông Thúy, Nghiệp chim, Người đàn bà ngón về phía biển, Hoài giang, Những kẻ đánh cắp tuổi thơ... Chỉ điểm qua một số tên truyện thôi cũng nặng trĩu nỗi niềm...
 


@ Cách đây mười năm, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cho rằng nhà văn Hồng Nhu là người đạt nhiều cái "nhất" nhất trong Trong Chi hội Nhà văn VN tại Huế. Theo đó, liên quan đến nghề nghiệp thì ông là người đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học nhất. Ông còn là người thứ hai được tài trợ in Tuyển tập. Năm 2009, Hồng Nhu đã in Thơ chọn lọc với 99 bài. Tiếp đó là tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về, tinh tuyển truyện ngắn trọn đời. Ðến đầu năm Nhâm Thìn này thì ông xem như đã vẹn toàn sự nghiệp văn chương với Hồng Nhu tuyển tập (Nxb Hội Nhà văn; dày 508 trang khổ 14.5 x 20.5), gồm 4 phần: Truyện ngắn - Truyện vừa, Truyện thiếu nhi và Thơ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng nhận định Hồng Nhu "là người sáng tác cả hai thể loại truyện ngắn và thơ đều tay nhất". Hơn thế, ông còn là tác giả của vài cuốn tiểu thuyết, song có lẽ do dung lượng đầu tư có hạn nên không đưa vào tuyển tập này.
 


@ Bước ra từ cổng trường Ðồng Khánh; Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm giã từ sông Hương trầm mặc đến lập nghiệp bên dòng sông Hàn in hình những ngôi tháp cổ. Ở đó, nói như nhà thơ Nguyễn Ðông Nhật "thơ đã giăng bẫy được chị". Tập Hương cuộc đời (Nxb Ðà Nẵng, 2011) được chia làm 4 phần; trong đó phần I "rặt Huế" với 61 lần "Huế" được nhắc tên. 2 câu thơ sau giải thích cho những nốt Huế ngân vang ấy: "Huế ơi! răng mà thương Huế, nhớ Huế hoài/ Từ biện Huế, ra đi lòng muôn nỗi!..."
 


@ Tác giả Tô Ngọc Thạch hiện sống và viết tại Hải Phòng. Anh đã xuất bản 6 tập thơ. Trôi dạt cõi người (Nxb Hội Nhà văn, 2012) là tập văn xuôi mới in dày 360 trang khổ 13x20cm.
13 bút ký là 13 chuyến "trôi dạt". Có hôm "trôi vào lòng Xibia như đem hiện thực cất vào huyền ảo xa xưa", khi thì anh ngơ ngác giữa mùa thu nước Nga chiêm cảm "màu vàng cỏ cây hoa lá ấm áp như màu nắng". Lúc khác lại thấy thấp thoáng ở "Xứ sở sương mù"; mới "Gặp lại ở Hoa Kỳ" đã thấy anh đứng trước "Nữ hoàng phương Ðông" nơi "Vùng đất huyền thoại"... Và bởi vậy đọc bút ký của Tô Ngọc Thạch, cũng là một cách "du lịch ảo", khám phá phần khuất lấp phía sau những con chữ của anh đã lượm lặt.
 


@ Ở Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc năm ngoái, gương mặt rất trẻ Phạm Phú Uyên Châu đã nhận được sự khen ngợi GS Phong Lê, GS Hồ Ngọc Ðại, nhà văn Phạm Trung Khâu. Bạn bè quen gọi Uyên Châu thân mật là Ghi từ bút danh Meggie Phạm.
Meggie là tên một nhân vật trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Uyên Châu đã mượn ghép với họ của cha mình để thành một bút danh rất Tây như vậy. "Ghi" được Nxb Trẻ in 2 tiểu thuyết: Hoàng tử và Em, Giám đốc và Em, và mới nhất gần đây là Chàng và Em cũng dày dặn không kém: 274 trang, khổ 13 x 20cm (Nxb Trẻ 2012). Văn phong suôn sẻ, trong sáng, câu chuyện trôi chảy tự nhiên như một dòng suối vừa tìm được lạch nguồn mới. Dĩ nhiên chưa thể đòi hỏi bước ngoặt hay có thể là cái bi trong mạch văn của một tác giả còn rất trẻ... Nếu những gì cần trang bị cho nghiệp văn, thiết nghĩ Meggie Phạm đang tiến gần đến sự hoàn thiện. Cái thiếu đạt ngưỡng ở đây phải chăng là mức độ đề tài, tư tưởng, và phải chăng tác giả cần nhìn xuyên qua bề mặt cuộc sống hiện tại?...
 


@ Mun đa sép - Gs. Y học, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật mắt Liên bang Nga, ông đã hành trình qua Tây Tạng chụp lại những "con mắt thứ ba" trên các đền đài cổ, dùng kỹ thuật hiện đại dựng lại hình dáng của một loại người có tên Xô-ma-chi. Người Xô-ma- chi đã rời thế gian hoặc vẫn ngụ trong lòng các ngọn núi, như là sự di truyền hạt giống cho nền văn minh hậu trái đất; trong đó Hi-ma- lai-a, Tây Tạng được xác định là trung tâm quỹ gen của nhân loại. Qua Chúng ta thoát thai từ đâu (Nxb Thế giới; 532 trang), qua tiếp xúc với các Lạt ma, Gu-ru, khám phá của Mun đa sép là kho tư liệu quý giá vô ngần về huyền bí phương Ðông chưa từng đạt tới trong giới khoa học nghiên cứu tâm linh trước ông.
 


@ "Ðọc thơ Hoàng Lộc người ta dễ cảm với thơ ông, dễ mở lòng ra với tâm sự ông, dễ bồi hồi và nao buồn theo dòng đời trôi nổi" - ấy là lời nhận xét của Nguyễn Vy Khanh dành cho tập thơ tình Hoàng Lộc Cho dẫu phù vân (Nxb Hội Nhà văn, 2012; 200 trang khổ 13,5x20,5).
Tên của 4 bài thơ dưới đây có thể ghép thành một trục tứ.
Khép lại trang thơ
trắng một chia lìa.
Trong vườn thiên thu,
nổi chìm hạt lệ…


S.H.
(SH278/4-12)






 

Các bài mới
Huế khát mưa (26/04/2012)
Các bài đã đăng