Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Xây dựng bảo tàng Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang là vấn đề bức thiết
09:16 | 15/05/2012

LTS: Như tin đã đưa, đầu tháng 4/2012 vừa qua, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo “Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế” ngay tại xứ sở thi ca. Để bạn đọc tiếp cận được tinh thần hội thảo, Sông Hương giới thiệu bài tổng thuật của PV và tham luận trình bày tại hội thảo của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịnh UBTQ LHCH VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và của đồng chí Phan Công Tuyên, UVTV - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TT Huế.

Xây dựng bảo tàng Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang là vấn đề bức thiết
Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: hues.vn

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế” diễn ra trong bối cảnh công chúng trong và ngoài nước đang nóng lòng xây dựng cho được bảo tàng VHNT Thừa Thiên Huế, do đó việc xác định các giá trị của VHNT xứ Huế lại càng bức thiết hơn. Các mục đích của hội thảo hướng tới bao gồm: Xác định các giá trị của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa nói riêng và sự phát triển của Thừa Thiên Huế nói chung; Nêu bật các giá trị của các chuyên ngành VHNT và vấn đề quan trọng là tính bức thiết của việc xây dựng bảo tàng VHNT xứ Huế.

*

Đến tham dự Hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện của các Hội LH VHNT các vùng Kinh đô xưa: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa..., đại diện các tỉnh thành bạn: TP.HCM, Đà Nẵng... Về phía lãnh đạo tỉnh có ông Phan Công Tuyên - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Con số 24 tham luận, ý kiến tham gia cho thấy vấn đề hội thảo đặt ra rất được quan tâm.

Trước hết, tham luận của ông Phan Công Tuyên “Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và sự phát triển VHNT TT Huế” nhận định: “Dòng chủ lưu của văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế vẫn là chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, tinh thần dân chủ, nhân văn, phản ánh hai cuộc kháng chiến, đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với nhận thức sâu sắc, chân thực, đa diện và giàu chất nhân văn”. Tham luận cũng đã cho biết một thông tin mà Hội thảo hết sức quan tâm: “Nghị quyết Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XIV) về “xây dựng Thừa Thiên Huế ngang tầm là một trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của cả nước”, trong thời gian đến lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh đạo và chỉ đạo các ngành chức năng triển khai xây dựng đề án các thiết chế văn hóa và các công trình văn hóa trọng điểm ở đô thị Huế và các đô thị vệ tinh như: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng; Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Điện ảnh; Vườn tượng quốc tế, Bảo tàng Dân gian Huế; Bảo tàng Thiên nhiên các tỉnh duyên hải miền Trung; Hệ thống tượng đài danh nhân, Cụm tượng đài An Hòa, Tượng đài 11 cô gái Sông Hương, xây dựng Bảo tàng Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và không gian lưu niệm một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, đặc biệt là nhà thơ Tố Hữu...”.

Đánh giá tổng quan VHNT Huế trong dòng chảy văn hóa Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với tham luận “VHNT - cái nhụy của đóa hoa văn hóa Huế” đã nhận định: “Trong dòng chảy của văn hóa Huế, VHNT Cố đô Huế và nay là Thừa Thiên Huế được giữ vị trí hàng đầu, có sức hút vào và tỏa ra mạnh mẽ, thể hiện cái khí lực của một trung tâm văn hóa lớn của dân tộc”. Tham luận cũng nhấn mạnh: “Nền văn hóa Huế có một tương lai tốt vì Huế có một đội ngũ làm văn học nghệ thuật đông đảo, ở địa phương, ở trong nước, ngoài nước, là người Việt và cả người nước ngoài. Trong lòng trung tâm văn hóa Huế có một trung tâm văn học nghệ thuật Huế. Giống như cái nhụy trong một đóa hoa”.

Nhận diện về VHNT Huế, về văn hóa Huế, nhà thơ Hữu Thỉnh, có tham luận tràn đầy suy tư và cảm xúc “Một ngôi trường, một hiệu sách, một cách ứng xử”. Ngôi trường được tác giả nhắc đến ở đây là trường Quốc Học, nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh với những tên tuổi làm rạng danh non sông đất nước. Hiệu sách ở đây là Hiệu sách Sông Hương do nhà văn Hải Triều tạo dựng. Ứng xử ở đây là ứng xử của Tuy Lý Vương 3 lần đến thăm nhà thơ Cao Bá Quát khiến cho nhà thơ họ Cao phải khâm phục và hạ bớt sự cao ngạo của mình. Kể lại, để rồi chiêm nghiệm hết sức sâu sắc rằng: “Phát triển trên một mảnh đất từng được chọn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, VHNT Thừa Thiên Huế được kế thừa một di sản tinh thần vô cùng giàu có và đặc sắc. Nó đã từng tạo được những mẫu mực để cả nước noi theo, những hào quang để thiên hạ soi chiếu. Bao nhiêu năm đã là vậy. Và cho đến bây giờ, người ta vẫn không chịu thay đổi thói quen đó. Người ta vẫn không muốn nghĩ về Huế khác. Vậy thì yêu cầu đỉnh cao với hai phẩm chất tinh hoa và bản sắc là yêu cầu có tính lịch sử và khách quan đặt ra cho sự phát triển VHNT của Cố đô Huế. Và chỉ bằng cách đó Huế mới mãi mãi là Huế đúng như hình ảnh trong ký ức tinh thần của cả nước”.
 

Một tiết mục biểu diễn của CLB Phú Xuân tại Hội thảo - Ảnh: hues.vn


Với cách đặt vấn đề “Đạo Tâm Huế - tấm gương soi của nghệ thuật văn học Huế”, tham luận của Tiến sĩ Thái Kim Lan đặt ra một mệnh đề hết sức quan trọng: Đạo tâm Huế chính là điều kiện của mỹ học Phú Xuân. Tác giả viết: “Có thể nói văn học nghệ thuật Huế trong tổng thể NGƯỜI Huế và THẾ GIỚI Huế, cảnh quan Huế, đã hàm dưỡng một thứ ĐẠO TÂM tạo nên nét đặc sắc của nền văn học Phú Xuân khác hẳn những nơi khác trên đất nước Việt Nam và trên thế giới. Ngày nay chúng ta có thể kê khai - để tự hào - tất cả những nền VHNT đặc thù của Huế như ca Huế, hò Huế, nhạc cung đình Huế, thơ ca Huế, kinh kịch Huế, thú tiêu khiển, thưởng ngoạn, ẩm thực Huế, nhưng nếu không nói đến Đạo tâm Huế như là điều kiện sáng tạo và cảm nhận nên nền nghệ thuật ấy, thì hình như chúng ta chưa nói hết, chưa thấm đượm hết VHNT Huế trong phần HỒN của bản chất VHNT này. Đạo tâm Huế lại không phải là một thứ để kê khai như kê khai sở hữu đồ vật mà là một thứ “sống”, “nhập thể”, hành đạo. Nghệ nhân cũng như người thưởng thức, người cảm nhận cùng trên một hành trình - ĐI - trong một tầng rung cảm thẩm mỹ mà E. Kant gọi là “tính cao quý”, “tính thanh cao” (Erhabenheit). Tính thanh cao này không phải là thứ cao sang xa hoa nào vời vợi, nó nằm chính trong cọng bún, con hến, hạt gạo de, trong chính điều kiện thẩm mỹ của mỗi sự vật trong khung trời Huế. Đạo Tâm Huế đụng chạm đến tầng thanh cao này trong nghĩa cảm nghiệm về cái đẹp. Nghiêm túc, cẩn mật, tôn kính hầu như là sùng bái, một thứ sùng bái vì “quá thương” trong mỗi điều nhỏ nhặt hằng ngày: một tô cơm hến bình dị, những chuỗi bún uốn lượn trên lá chuối xanh… đã được mỗi bàn tay nâng nó lên thành thẩm mỹ riêng biệt. Đạo tâm Huế chính là điều kiện của mỹ học Phú Xuân”. Theo tác giả, đạo tâm đó đang gặp sự khủng hoảng thật sự mà chúng ta cần nhìn nhận để có những giải pháp khắc phục nó.

Việc chỉ ra mối liên hệ các giá trị VHNT của xứ Huế với các vùng miền khác là một việc làm hết sức thú vị và không phải dễ dàng. Thế nhưng tham luận “VHNT xứ Huế trong mối quan hệ với Hà Nội và các vùng kinh đô Việt Nam” của nhà thơ Bằng Việt đã đưa ra nhiều ví dụ cho mối liên hệ VHNT giữa các vùng kinh đô xưa hết sức thú vị. Từ những mối liên hệ đó, tiếp biến trong bối cảnh đang có sự giao lưu hoạt động VHNT của các vùng kinh đô xưa hiện nay, có thể tổ chức nhiều hoạt động giao lưu hết sức thú vị giữa các vùng miền.

Một diễn đàn quan trọng hết sức có uy tín của LH các Hội VHNT là Tạp chí Sông Hương. Bản lĩnh văn hóa của Sông Hương từ lâu đã làm nên văn hiệu của tờ tạp chí. Tham luận “Tạp chí Sông Hương - bản lĩnh và văn hóa” của nguyên TBT Tô Nhuận Vỹ đã kể lại những ngày đầu thành lập Tạp chí Sông Hương, đồng thời nêu những kinh nghiệm hết sức quý báu cho những người làm Tạp chí Sông Hương hiện nay. “Chúng tôi muốn Sông Hương là một sản phẩm có ích của trí tuệ, đơn giản vậy thôi. Cho dù không phải điều gì Sông Hương làm cũng đúng cũng hay không cần rút kinh nghiệm, nhưng lòng yêu nước, khát khao biểu lộ lòng yêu nước không thể bị hiểu nhầm, không thể bị hiểu sai, mà điều này có xẩy ra thì đến một ngày nào đó sẽ được nhân dân trả lại giá trị cho nó.” Chúng ta hiểu đó chính là một phần của bản lĩnh Sông Hương, lý giải vì sao Sông Hương đã làm nên giá trị của nó.

Văn học là xương sống của bất kỳ nền VHNT nào. Đánh giá vai trò của VHNT Thừa Thiên Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có tham luận “Bước đầu tìm hiểu văn học Thừa Thiên Huế”. Tham luận chỉ ra một số đặc điểm làm nên vẻ riêng vốn có của Thừa Thiên Huế: Thứ nhất, ra đời trong khung cảnh đất nước chia cắt rồi trở thành một trung tâm của văn học trung đại, văn học Thừa Thiên Huế gắn bó với dòng chảy lớn của nền văn học quốc gia cả về ý thức hệ và những định hướng lớn: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn, khát vọng thể hiện nhân cách và dân chủ, không ngừng đổi mới ngôn ngữ sáng tạo. Nó có vinh dự và may mắn tập hợp một đội ngũ tác giả rộng rãi mà nhiều người là đỉnh cao của văn chương Việt Nam trong từng thời kỳ, tạo nên phong khí và sức ảnh hưởng nhiều mặt đến văn học trung đại và cận - hiện đại của nước nhà. Nó góp phần hình thành chất “Huế” tuy khó xác định nhưng không phải không rõ nét trong không gian văn hóa Huế. Thứ hai, đáng chú ý là sự xuất hiện khá tập trung các tác giả thuộc giai tầng quý tộc - quan lại của triều đình Huế. Thứ ba, thể loại kịch bản sân khấu tuồng rất phong phú. Thứ tư, một điểm cũng cần lưu ý là sự tôn trọng và mềm dẻo trong đối xử về văn hóa và văn học của nhà cầm quyền dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã ít nhiều mở đường cho sự phát triển văn học Đàng Trong và sau đó là cả nước đạt tới những sắc thái mới. Tác giả nhận định: “Với bốn đặc điểm trên có thể nói văn học Thừa Thiên Huế từ rất sớm đã mang được tầm vóc xứng đáng và cốt cách khác biệt, riêng có của nó, làm nên dấu ấn và vẻ đẹp đóng góp vào đời sống văn chương đất nước. Vì những lẽ trên, theo tôi việc nghiên cứu có hệ thống về văn học Thừa Thiên Huế, gắn với việc lưu niệm, giữ gìn hình ảnh hiện vật các văn nghệ sĩ Huế là điều đáng trông đợi”.

Làm rõ hơn giá trị của văn học trung - cận đại xứ Huế, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh có tham luận “Tình hình sáng tác văn thơ chữ Nôm ở Đàng Trong, đặc biệt ở Huế xưa nay”. Tham luận cho biết lịch sử chữ Nôm từ sau thế kỷ 15 phát triển vào Phương Nam cho đến về sau, nay vẫn còn nhiều lưu giữ. Tác giả nhận định: “Tưởng chừng như chữ Nôm đã cáo chung từ giữa thế kỷ vừa qua, nhưng chữ Nôm hiện vẫn đang được soạn thảo thành những câu đối Nôm, ghi khắc tại những trụ biểu mặt tiền của một số ngôi đình, nếp chùa mới tái thiết, tại lăng mộ của ông bà, cha mẹ. Mạch sống của một thứ chữ quốc âm vẫn còn luân lưu trong tình cảm của người dân Huế hôm nay như thế.”

Làm rõ thêm vai trò của văn học đương đại, nhà thơ Phạm Nguyên Tường có tham luận “Văn học TT Huế - một chặng đường nhìn lại”. Tác giả chọn giai đoạn từ chia tỉnh 1989 đến nay. Và dựa vào đội ngũ sáng tác hiện nay, tác giả tạm thời chia văn học Thừa Thiên Huế làm hai chặng. Chặng thứ nhất, từ năm 1989 - 2000. Ở chặng này, có thể nói văn học Thừa Thiên Huế đã hội tụ được một đội ngũ sáng tác mạnh so với nền văn học chung của cả nước. Được kế thừa một đội ngũ khá hùng hậu đi ra từ cuộc chiến, những gương mặt sáng tác lúc này đang là những tên tuổi trên văn đàn cả nước. Chặng từ năm 2000 đến nay, lực lượng sáng tác kỳ thực cũng đã bắt đầu cầm bút từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Phần lớn, họ là những người đã từng sáng tác trong quãng thời gian khá xa trước đó, và giờ đây trở lại với một tâm thế mới. Phần còn lại bắt đầu cầm bút từ khi tham gia những câu lạc bộ sáng tác văn học của tỉnh và thành phố. Về thơ, chặng này người đọc đã bắt đầu làm quen với một đội ngũ cầm bút hùng hậu, cả xuất hiện lại và mới xuất hiện.

Trên lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Vĩnh Phúc trong tham luận “Tổng quan sự phát triển âm nhạc Huế” tuy không có tham vọng đúc kết lịch trình phát triển của âm nhạc Huế, nhưng đã tập trung vào một số đặc điểm tiêu biểu trong quá trình phát triển của một số thể loại tiêu biểu, đặc trưng của âm nhạc Huế trong hai lĩnh vực âm nhạc cổ truyền và âm nhạc mới. Về âm nhạc cổ truyền, GS Tô Ngọc Thanh sau khi đánh giá rất cao Ca Huế qua tham luận “Ca Huế trong nền âm nhạc Việt Nam” đã có một đề nghị rất xác đáng: “Theo tôi, việc đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ca Huế vào danh mục các di sản đệ trình Unesco là hoàn toàn xứng đáng với những gì nhân dân Huế và Ca Huế đã đóng góp cho sự phát triển âm nhạc cổ truyền người Việt”. Làm rõ hơn về lĩnh vực âm nhạc, GS Bửu Ý với tham luận “Âm nhạc Việt Nam và riêng ở Huế giai đoạn 1930-1945” cho chúng ta biết thêm rất nhiều điều về Tân nhạc manh nha từ những năm 1930. Tác giả cũng đã có sự nhìn nhận thấu suốt một số vấn đề của âm nhạc Việt Nam trong buổi đầu tiên và trong suốt nửa thế kỷ qua.

Trên lĩnh vực mỹ thuật, TS Phan Thanh Bình với tham luận “Mỹ thuật Thừa Thiên Huế - Dấu ấn của một chặng đường phát triển, sáng tạo” đã khái quát tình hình mỹ thuật Huế từ 1975 đến nay. Theo đó, xứ Huế đã sản sinh ra nhiều họa sĩ tên tuổi rất đáng ngưỡng mộ. Vấn đề hiện nay là làm sao gìn giữ và đưa các tác phẩm họ ra triển lãm cho công chúng thưởng thức.

Trên lĩnh vực nhiếp ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý đóng góp tham luận “Nhiếp ảnh nghệ thuật Thừa Thiên Huế - những cơ hội và thách thức mới”. Tham luận nêu bật các thành tựu của nghệ thuật nhiếp ảnh Huế sau 30 năm hình thành và phát triển. Tham luận cũng đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để phát triển loại hình nghệ thuật này.

Trong lĩnh vực nghệ thuật múa, NSƯT Cao Chí Hải đóng góp tham luận “Nghệ thuật múa Huế xưa và nay”. Tham luận cho biết: Nghệ thuật múa của dân tộc Việt xuất hiện cách đây khoảng 4000 năm. Truyền thống ấy được phát triển qua quá trình lịch sử và tồn tại đến ngày nay. Đó là một di sản phong phú bao gồm múa tôn giáo, múa cung đình, múa dân gian, múa trong sân khấu truyền thống. Và múa Huế cũng bắt đầu tiếp biến từ truyền thống đó, tạo nên những điệu múa dân gian và cung đình hết sức đặc sắc...

Từ miền cao A Lưới, nhà nghiên cứu dân tộc Trần Nguyễn Khánh Phong gửi về tham dự hội thảo tham luận “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới”. Tham luận đề cập đến một số giá trị văn hóa VHNT của các tộc người vùng cao A Lưới, về ngôn ngữ, lễ hội, văn học dân gian. Tham luận cũng lo âu chỉ ra rằng các giá trị đó có nguy cơ phai nhạt đáng báo động.

Liên quan đến các thiết chế văn hóa, VHNT, nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hằng hết sức trăn trở qua tham luận “Tản mạn về thực trạng sân khấu Thừa Thiên Huế hiện nay”. Tham luận nhắc lại vai trò, giá trị của các thiết chế sân khấu Huế từ thời phong kiến đến nay. Sân khấu cả nước hiện đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, không có sân diễn và cũng không có người xem. Tuy nhiên, theo tác giả, nếu có sự đầu tư thích đáng, chắc chắn sân khấu Huế lại sẽ lôi kéo công chúng đến nhà hát. Với những giá trị VHNT hết sức phong phú, đa dạng góp phần tạo nên diện mạo của đời sống văn hóa Huế 700 năm qua, VHNT xứ Huế hoàn toàn xứng đáng và đang bức thiết có một bảo tàng VHNT Thừa Thiên Huế. Về vấn đề này, tham luận “Bảo tàng VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - Một công trình không chỉ có ý nghĩa với Huế” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã riết róng đặt ra vấn đề rằng xây dựng một công trình như là “Bảo tàng văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế ”. Theo tác giả, thiết chế bảo tàng VHNT Thừa Thiên Huế đang là vấn đề hết sức bức thiết. Bởi như tác giả lý giải. Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều giá trị VHNT Huế (về văn bản, tác phẩm, vật kỷ niệm của các văn nghệ sĩ) đã bị mất mát vì chiến tranh và cả vì sự ngộ nhận ấu trĩ một thời; một số khác thì đang phải “lưu trú” ở nước ngoài. Nếu chúng ta làm chậm thì sẽ mất mát thêm và càng khó có điều kiện thu thập lại.

*

Những vấn đề mà các tham luận đặt ra là hết sức phong phú, nhưng tập trung hai vấn đề chính: - nêu bật các vai trò và giá trị của VHNT Huế trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Huế nói riêng; và với giá trị được hun đúc suốt chiều dài 700 năm lịch sử, các giá trị đó hoàn toàn xứng đáng để có một thiết chế để bảo tồn, quảng bá, phát huy - thiết chế đó chính là Bảo tàng VHNT.

P.V
(SH279/5-12)







 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng