Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Nghị quyết 23 của Bộ chính trị và sự phát triển Văn học - nghệ thuật Thừa Thiên Huế
15:20 | 18/05/2012

PHAN CÔNG TUYÊN

Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nghị quyết 23 của Bộ chính trị và sự phát triển Văn học - nghệ thuật Thừa Thiên Huế
Đồng chí Phan Công Tuyên phát biểu tại Hội thảo "Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế" - Ảnh: husta.org

Để phát huy vai trò và vị thế của văn hóa trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ, đóng góp vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, văn học nghệ thuật tỉnh nhà có những vị thế hết sức quan trọng, đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước và tỉnh nhà. Song với bản lĩnh của các nghệ sĩ, đời sống văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế diễn ra sôi động, tích cực vừa phát triển bề rộng, vừa đi vào chiều sâu đạt được những thành tựu có ý nghĩa.

Dòng chủ lưu của văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế vẫn là chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, tinh thần dân chủ, nhân văn, phản ánh hai cuộc kháng chiến, đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với nhận thức sâu sắc, chân thực, đa diện và giàu chất nhân văn. Những góc khuất về tư tưởng và tâm hồn của hình tượng nghệ thuật được người nghệ sĩ đào sâu, phân tích có lý, có tình. Văn học, nghệ thuật có nhiều khởi sắc, văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế cơ bản bắt kịp với hơi thở của thời đại, sáng tạo nhiều tác phẩm có tính đa dạng và phong phú về đề tài, chủ đề và phong cách; có giá trị chân, thiện, mỹ đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của công chúng, đóng góp vào kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật của dân tộc và quê hương.

Văn học, nghệ thuật vừa đẩy mạnh sáng tác, vừa tăng cường công tác lý luận phê bình định hướng sáng tác, hướng dẫn công chúng cảm thụ nghệ thuật, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, góp phần ngăn chặn, loại bỏ văn hóa độc hại thâm nhập vào nhân dân. Có nhiều cố gắng tiếp cận với các phong cách sáng tác hiện đại, những cách tân đúng hướng, đồng thời phê phán bệnh sơ lược, giản đơn, chạy theo thị hiếu tầm thường. Hàng năm, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và các hội chuyên ngành tổ chức nhiều cuộc hội thảo. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của giới văn nghệ sĩ, khơi dậy nguồn cảm xúc nghệ thuật, đạt hiệu ứng trong từng tác phẩm, khiến dòng sáng tạo chủ lưu luôn đứng vững theo mạch nhân văn tiến bộ.

Số lượng hội viên tăng lên rõ rệt (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật có trên 500 hội viên, với 8 hội chuyên ngành), trong đó có nhiều thế hệ người cầm bút vững vàng, có những văn nghệ sĩ có tầm vóc quốc gia và khu vực, bước đầu có hội viên trẻ, nhiều nghệ sĩ giàu sức sáng tạo, phản ánh sức sống và khả năng tập hợp, đoàn kết của tổ chức hội, đã tác động và bổ trợ lẫn nhau tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ khá hùng hậu, có những cống hiến mới vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thể loại âm nhạc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, kiến trúc đã mở rộng biên độ phản ánh, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được sưu tầm lưu giữ, có thêm nhiều tác phẩm về các đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến và đổi mới; nhiều đợt phong tặng danh hiệu, tước hiệu, nhiều huy chương, bằng khen... được tặng cho nhiều tác phẩm, tác giả tiêu biểu ở các lĩnh vực như:

Văn học có: Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Hồng Nhu, Trần Thùy Mai, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Quang Hà, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Hà Khánh Linh, Võ Quê...;

Nhiếp ảnh: Phạm Bá Thịnh, Nguyễn Văn Tý, Võ Đông Bảy, Trương Vững, Nguyễn Văn Thăng, Cảnh Tăng, Hoàng Xuân Trí, Lê Xuân Quý, Đồng Minh Đống, Ngô Thanh Minh, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Ngọc Sơn...;

Âm nhạc: Việt Đức, Lê Phùng, Lê Anh, Dương Bích Hà, Vĩnh Phúc, Đoàn Lan Hương, Lê Nguyên Hồng...;

Mỹ thuật: Vĩnh Phối, Trương Bé, Tuyết Mai, Đặng Mậu Tựu, Hà Văn Chước, Ngô Tâm, Lê Văn Nhường, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Hùng, Nguyễn Thiện Đức, Tô Trần Bích Thủy, Trần Ngọc Anh...;

Sân khấu: Ngọc Bình, Bạch Hạc, Kiều Oanh, Thanh Long, Phong Thủy, Thu Hằng, Đình Dũng, Đình Việt, Chánh Huế, Thanh Loan, Minh Tiến, Trương Tuấn Hải, Minh Phương, Trần Ngọc Tranh...;

Kiến trúc: Nguyễn Minh Dũng, Huỳnh Quang, Nguyễn Nguyến, Nguyễn Việt Tiến...;

Múa: Cao Chí Hải, La Cẩm Vân, Lê Diệu Hy...;

Văn nghệ dân gian: Lê Nguyễn Lưu, Triều Nguyên, Phan Thị Đào, Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Trần Đức Anh Sơn, Trần Đình Hằng... Đồng thời, các hội viên có tên tuổi vẫn miệt mài sáng tác, cống hiến, các tác phẩm của họ gây tiếng vang về chủ đề chiến tranh cách mạng, hoặc tính nhân văn của xã hội, tiêu biểu như tác phẩm “Xa Hà Nội” của nhà văn Nhất Lâm, “Vùng lõm”của nhà văn Nguyễn Quang Hà, “Vùng sâu” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê; “Trăng nơi đáy giếng” của nhà văn Trần Thùy Mai - chuyển thể kịch bản phim truyện nhựa được đánh giá cao tại Liên hoan phim Quốc tế tại Dubai; họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa với tác phẩm đồ họa đạt giải triển lãm khu vực Mê Công; ca khúc “Ngẫu hứng Huế” của nhạc sĩ Lê Anh, phổ thơ Triệu Nguyên Phong tạo được sự đột phá, đổi mới trong ca từ, trong hòa âm, phối khí gây ấn tượng trong làng âm nhạc Việt Nam; vở ca kịch “Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ”, đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Ngọc Bình với sự tham gia diễn xuất của các hội viên thuộc Nhà hát Ca kịch Huế đạt nhiều giải thưởng cao của các ban, bộ, ngành Trung ương; công trình kiến trúc “Làng hành hương Huế” của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Nguyến được bình chọn là một trong các tác phẩm resort-spa đẹp nhất Đông Nam Á; tác phẩm ảnh nghệ thuật “Trang sức” của tác giả Lê Quang Phú - bộ ảnh đen trắng tiêu biểu Việt Nam giành được World Cup của FIAP năm 2010 và tác phẩm “Tuổi thơ” của Ngô Thanh Minh đạt giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh toàn cầu với chủ đề bóng đá nhân sự kiện Worl Cup 2010 tại Nam Phi...

Một dấu ấn đậm nét, có sự đóng góp rất to lớn của văn nghệ sĩ, về hoạt động hưởng ứng các ngày lịch sử trọng đại của đất nước; phối hợp triển khai các chương trình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú, với quy mô lớn, được tổ chức liên tục, đều khắp từ tỉnh đến cơ sở; các cuộc “Liên hoan nghệ thuật quần chúng”, Hội nghị “Biểu dương gia đình văn hóa”, “Ngày hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch các dân tộc thiểu số”, Lễ hội “Đền Huyền Trân”, “Sóng nước Tam Giang”, “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô - Huyền thoại biển”, được tổ chức định kỳ; các kỳ Festival nghề truyền thống của thành phố Huế và đặc biệt 2 năm một lần tổ chức Festival Huế có tầm quốc gia và quốc tế khẳng định vị thế văn hóa và du lịch đặc sắc của Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa Huế và giao lưu với tinh hoa văn hóa các nước, các châu lục trên thế giới.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật; quy hoạch và kế hoạch về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật được thực hiện trong từng chính sách và từng bước đi lên của tỉnh. Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới được tập trung đầu tư tôn tạo và phát huy. Nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống được tiếp tục sưu tầm, bảo tồn, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước. Hình thành Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, xây dựng Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ, phục dựng Khu chứng tích tội ác Chín Hầm, xuất bản Tập hồi ký “Thừa Thiên Huế - Mùa xuân đại thắng năm 1975”, tập sách ảnh “Thừa Thiên Huế - 35 năm xây dựng và phát triển”, thực hiện bộ phim truyện về đề tài chiến tranh và cách mạng “Dòng sông phẳng lặng”...

Đời sống văn hóa, văn nghệ phát triển lành mạnh, bản sắc văn hóa, thuần phong, mỹ tục mang tính đặc thù của con người xứ Huế được gìn giữ, nuôi dưỡng và vun đắp. Các đơn vị bảo tàng, thư viện, chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật, các đội thông tin lưu động đã tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở. Hàng năm có hàng trăm buổi biểu diễn nghệ thuật, hàng ngàn buổi chiếu bóng và nhiều đợt thông tin, triển lãm lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đầm phá... Nhiều câu lạc bộ, các tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được thành lập, phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Giao lưu văn học, nghệ thuật được tăng cường, nhất là hoạt động quảng bá văn học, nghệ thuật trong tỉnh, trong nước, khu vực và quốc tế có bước khởi sắc, nhất là các kỳ Festival Huế. Thông qua các cuộc hội thảo, phối hợp quảng diễn các loại hình nghệ thuật, liên hoan nghệ thuật, cuộc thi, triển lãm khu vực và quốc tế, văn nghệ sĩ đã đem về nhiều giải thưởng cao, làm sống động bức tranh hội nhập văn hóa Huế trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, cùng với thành tựu đó, vẫn còn những hạn chế: văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng đất; sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại diễn biến phức tạp, nhất là trong thanh thiếu niên. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều, nhưng đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật còn khiêm tốn. Hoạt động giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa nhiều, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn học, nghệ thuật Thừa Thiên Huế với bạn bè quốc tế chưa thường xuyên, chưa phong phú.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các cấp lãnh đạo và đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà có một sứ mệnh to lớn là tiếp tục phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Tôn trọng bảo đảm quyền tự do sáng tác, phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ với tấm lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt của nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, phụng sự đất nước và dân tộc. Thực hiện chính sách đầu tư có hiệu quả, khuyến khích, tôn vinh các tài năng văn học, nghệ thuật, gắn liền với các đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ, các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Định hướng cơ bản của Đảng ta là tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn điều chỉnh sáng tác, phê bình có hiệu quả. Đổi mới và nâng cao các hoạt động công bố, giới thiệu truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt phục vụ đông đảo nhân dân. Tổ chức nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật đương đại để vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật tỉnh nhà.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần đề cao tính dân tộc, đa dạng và tạo sức hấp dẫn của các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang bản sắc văn hóa Huế. Tổ chức dịch thuật các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt để quảng bá ra nước ngoài; chọn lọc giới thiệu tinh hoa văn hóa nhân loại, các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật tiến bộ được công chúng quan tâm.

Nghị quyết Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XIV) về “xây dựng Thừa Thiên Huế ngang tầm là một trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của cả nước”, trong thời gian đến tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo và chỉ đạo các ngành chức năng triển khai xây dựng đề án các thiết chế văn hóa và các công trình văn hóa trọng điểm ở đô thị Huế và các đô thị vệ tinh như: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng; Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Điện ảnh; Vườn tượng quốc tế, Bảo tàng Dân gian Huế; Bảo tàng Thiên nhiên các tỉnh duyên hải miền Trung; Hệ thống tượng đài danh nhân, Cụm tượng đài An Hòa, Tượng đài 11 cô gái Sông Hương, xây dựng Bảo tàng Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và không gian lưu niệm một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, đặc biệt là nhà thơ Tố Hữu...

Văn hóa Huế đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng văn hóa của dân tộc, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, kế thừa và phát huy làm cho vùng đất Huế ngày càng phong phú và đa dạng. Trong đó, văn học, nghệ thuật góp phần hình thành những đặc trưng văn hóa Huế giàu bản sắc, vừa có tác dụng định hướng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân; tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch. Cùng với thành tựu to lớn từ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đội ngũ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế qua thử thách, đã tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, trung thành với Đảng, với dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, giàu tính sáng tạo, xứng đáng danh hiệu cao quý người nghệ sĩ - chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt tạo nên nền văn học nghệ thuật cách mạng của dân tộc nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng được vinh danh trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

P.C.T
(SH279/5-12)








 

Các bài mới
Vâlmki (25/05/2012)
Tổ chim há mồm (21/05/2012)
Các bài đã đăng
Con mơ thấy Bác (18/05/2012)
Đỉnh cao (17/05/2012)