VÕ MẠNH LẬP
Truyện ký
Ông nội tôi nghèo của, nhưng giàu con. Ông có những hai mươi hai người con, tài sản của những ba bà. Tất cả theo nghiệp con trâu đi trước cái cày theo sau. May mắn thầy tôi rẽ ngang theo con đường học chữ Hán, chí thú tìm thầy học bạn, mở hiệu bán thuốc bắc, bắt mạch, đoán bệnh.
Thầy tôi có bảy người con. Tôi xa nhà theo bè bạn vượt sông Bến Hải ra miền Bắc học hành từ bé. Chùm em gái tôi sợ ế tất tả theo đường chồng con vội. Sớm hôm trong nhà cùng thầy mẹ tôi là đứa em trai cuối với cái tên được cân nhắc kỹ: Út Bòn. Ăn sung mặc sướng, Út Bòn cao lớn, đẹp trai vượt bạn bè cùng lứa. Làng xóm không gọi em là Bòn mà là Bờ. Từ sáng đến chập choạng Út Bòn thường rê bước chân ở bờ sông, lần dọc bờ ruộng theo đuôi con cá hoặc men theo chùa chiền kiếm tổ chim non về nuôi. Cha tôi chí thú theo nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Út Bòn lại say sưa bắt cá, nuôi chim, chểnh mảng học hành và không mảy may vương vấn nghiệp cha.
Nhiều lần thầy tôi dụ dỗ Bòn ngồi cạnh truyền nghề nhưng Bòn thường kiếm cớ đau bụng, đi tè liên tục.
Thầy mẹ coi Út Bòn như vàng ròng, nuông chiều quá cỡ nên nhiều lúc nín nhịn sự bực tức và bất lực. Băn khoăn trước người con út, thầy tôi lập tử vi, ước vọng tương lai của Bòn họa may tốt đẹp. Nhưng nhiều lúc chán nản ông lại thở dài buông lời: Kệ nó - vô vi theo thuyết Lão Tử xưa kia.
Thời gian trôi đi, thầy tôi già yếu dần. Được tin thầy bệnh nặng, vợ chồng tôi bế con trai đầu lòng nhanh chóng có mặt trong ngôi nhà xưa cũ ấm cúng.
Hồ cháo không lọt vào dạ dày, mắt nhắm nghiền suốt ngày ròng, bỗng dưng đôi bờ mi thầy tôi hé mở dần, hai hàng nước mắt như chờ đợi từ lâu ào ạt tuôn ra, nhìn thẳng vào đứa cháu nội đích tôn lần đầu đang vụng về sờ nắn những sợi râu bạc cứng như rễ tre của ông. Ông cố nhếch mép cười, mồm méo xệch. Chúng tôi ứa nước mắt theo ông. Thầy tôi nói không ra tiếng, cố nhấc bàn tay xương xẩu và chĩa ngón trỏ lên bàn thờ rất lâu. Tôi ngỡ như ông muốn dạy bảo tôi đến bàn thờ thắp hương van vái ông bà, tổ tiên sau những ngày tháng xa cách cố hương.
Làn hương trầm phảng phất, thoang thoảng, không khí ngôi nhà bỗng chốc nhẹ nhàng thanh thoát. Thầy tôi vẫn mở mắt, cười trong mếu máo và vẫn trỏ ngón tay lên bàn thờ với một thần đích khác. Ngoài bát hương và đôi chân đèn bằng đồng thau sẫm màu là ống nứa dài cỡ gang tay được bao quanh hai lớp nhựa kỹ càng. Tôi đưa cao ống nứa như muốn hỏi ý định của ông. Thầy tôi mở to mắt, gật đầu. Mẹ tôi bảo của báu chi rứa không biết mà thầy con lúc nào cũng cuộn vào tay nải mang theo như vật bất ly thân. Rút ra hai tấm giấy cỡ A4 màu xỉn vàng: một là tên tuổi, giờ, ngày, tháng, năm sinh của bảy anh em chúng tôi; tờ thứ hai là bản tử vi của Bòn, phía dưới còn rõ nét chữ: Làm ăn không thuận - nghèo khổ. Thầy tôi chua thêm. Lúc này Bòn đang ngồi yên một góc quan sát, hòa cùng niềm vui lần đầu đoàn tụ các thành viên đại gia đình. Khi đọc lên những dòng chữ có tên Bòn trong bản tử vi, Bòn giật thót như đỉa đụng phải vôi và lặng lẽ mất hút hai ba ngày liền.
Khi Út Bòn về là lúc thầy tôi đã ra đi. Lo xong mọi công việc, cái gánh nặng lớn đặt lên vai chúng tôi lúc này là làm sao cho mẹ của chúng tôi vui khi trong nhà chỉ còn lại hai người. Việc lo trước tiên là tiếp tục kiếm tương lai cho Bòn mà gần trọn một đời thầy chúng tôi lo chưa tròn, băn khoăn để lại như lời trăn trối.
Cuộc sống thường răn dạy con người: Vô học bất thuật. Ưu tiên hàng đầu phải tìm đến việc học chữ cho Bòn. Chiến tranh xao lãng con đường học hành của Bòn từ thời lớp năm. Vô cấp hai trường công chăng? Ngấp nghé tuổi mười bảy, cao tồng ngồng, Bòn không thể! Học trường tư ư? Mới giải phóng làm chi có trường tư! Người bạn thân của tôi từ Vĩnh Linh vào tăng cường, tình nguyện giúp Bòn học bổ túc ban đêm. Đêm học, ngày Bòn vẫn không quên tìm bờ ra ruộng, lân la lùm cây. Bạn thân của tôi ngao ngán thoái thác “em cậu có vấn đề, không thể tiếp tục”.
Mẹ tôi ngày một già yếu, sáng nào cũng nhờ Bòn gánh hàng ra chợ. Bòn giúp bà chân tình không biết thẹn thùng khi thì còng lưng, lúc ẹo vai với cái thân lêu đêu, đẹp trai ngời ngời trước mặt của các ả tuổi teen. Thầy tôi làm nghề thầy thuốc bất lực không truyền nghề được cho Bòn, bây giờ vâng lời giúp mẹ, manh nha theo con đường buôn bán của bà, tôi thấp thỏm mừng vui. Cái thời bao cấp xưa kia bán một phần tem phiếu cũng phải ngó ngang, canh dọc sợ người dòm ngó bĩu môi… coi nghề buôn bán như kẻ cắp. Thời mở cửa quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Câu: vô thương bất phú cha ông ta đã đúc kết sao lại cố tình bỏ quên lâu thế! Bây giờ vinh quang thay những thương gia được liệt vào danh mục VIP, được vinh danh trao bằng, dâng cúp và quý trọng ngang ngửa với các chính khách khi đi máy bay, thăm thú các quốc gia tiên tiến phát triển trên thế giới.
Hàng ngày tầm chợ sắp đông, Bòn phụ giúp mẹ gánh hàng hóa ra chợ. Nhà cửa toanh hoanh, Bòn lại ra bờ, xuống ruộng… Xế chiều chợ vãn gần hết, mẹ tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ Bòn ra gánh. Cái lo của mẹ là sợ con trai út đói, quá chiều không kịp về nhà nấu cơm. Mẹ lại mua bánh ướt, bánh tráng, thịt heo ba chỉ như thời thầy còn sống, ưa thích dùng vào bữa lỡ. Thằng út ra chợ muộn mẹ tôi mua các thức ăn ấy, trước để thắp hương thầy tôi, sau để dùng vào bữa ăn quá buổi. Ăn quen nhiều lần Bòn khen ngon. Mẹ tôi vui sướng và nghĩ là Bòn thương hạp tính cha. Mẹ tôi là mạng KIM, định hình thanh tĩnh. Em út găm giữ mạng THỦY. Kim sinh thủy hèn chi mẹ tôi chiều Bòn hết cỡ. Ngày gánh hàng hai lần mẹ tôi còn sắm cần câu tân tiến, lồng chim nhờ mua từ Huế để khích lệ Bòn vui, đam mê theo sở thích. Mẹ tôi mong sao số phận dẫn dắt Bòn theo nghiệp mẹ suốt đời. Cái nghiệp mẹ đã chí thú làm ăn và cũng có thời giàu sang nhất nhì trong làng, phố chợ.
Mẹ tôi ngồi cạnh, nhìn lên mặt và đưa bàn tay nhăn nheo vuốt lên mái đầu tôi mà rằng: Đời mẹ cũng sắp đi theo thầy rồi, chưa làm chi cho Bòn, nhiều đêm mẹ trằn trọc không tìm ra kế. Thời con xa thầy mẹ không nghèo, té tát chạy loạn nhiều phen bỗng chốc xơ xác đến chừ. Năm 1972, dạt lánh nạn vô Đà Nẵng, mẹ cũng còn những năm cây vàng. Của nả còn chút đỉnh mẹ định gầy dựng lại cho Bòn, một phần làm quà cho cháu nội đích tôn. Kỳ lạ thay, năm cây vàng ấy nó cũng có “chân”. Mẹ và Bòn ở trong trại nhà binh chật hẹp không gần sông, nỏ có ruộng, chẳng có cây. Thằng Bòn lượm tin mô không biết kéo tay mẹ lần mò đến chợ Cồn Đà Nẵng mua gà đá về nuôi. Mạng mẹ chi lạ, em yêu sách chi mẹ cũng phải chiều. Của nả còn lại ít ỏi mẹ lận vào túi áo phía trong, phía trên còn cài kỹ hai cái kim găm to cẩn thận. Mẹ cúi xuống chọn gà là lúc túi vàng lủng lẳng phía dưới bụng, trêu ngươi lòng tham kẻ xấu đang rình rập bên cạnh. Vì chiều em mẹ ngậm đắng nuốt cay.
Tôi thưa mẹ, em không học được nên tìm một nghề chi thích hợp là ổn. Mẹ tôi kể rằng, hồi cho em học nghề chữa honda là một bài học nhớ đời. Nó ngồi lên xe của khách sửa chữa và chạy một mạch vô Đà Nẵng, định mua gà đá về nuôi tiếp. Theo mẹ bây chừ chọn nghề, buộc việc là không ổn. Nhiều đứa con gái liếc ngang nhìn dọc, con cưới cho em một đứa. Đó là ao ước lớn nhất cuối cùng của đời mẹ.
Thầy tôi thuộc mạng HỎA. Thủy khắc Hỏa thầy tôi vẫn biết, nhưng vẫn dồn sức để rốt cuộc phải bất lực trước người con út. Đằng này mẹ tôi hạp mạng với Bòn. Bây giờ bà là ngọn đèn trước gió, trái chín trên cây biết rụng khi nào, không chiều theo ý mẹ, nếu hệ lụy gì lòng dạ sẽ không yên. Chuyện lấy vợ gả chồng đâu muốn là được và bây chừ đâu còn công thức cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Tôi hiểu tấm lòng bao dung của mẹ với Bòn nhưng có lúc sẩy lời, mẹ tôi hét toang: “Không cần mi nữa mô, kệ mạ con tau”. Bà nhìn tôi với con mắt căm giận và vội vàng kéo út Bòn vào lòng như đứa trẻ ngấp nghé tuổi chập chững ngô nghê…
***
Pháo nổ rình rang. Bọn trẻ khắp làng tụ họp xem rước dâu hô toáng: “Thằng Bòn sếu, tơ choẹt đã có gấy rồi bây ơi! Gấy hắn khéo thiệt nhưng không bằng con gái làng miềng!”.
Chao ôi! ngót nghét chưa đầy chín tháng, Bòn đã có con trai đầu lòng. Tôi vừa mừng, vừa lo. Đến đâu mẹ tôi cũng nở nụ cười khoan khoái phô trương đứa cháu nội tên Vinh ra đời. Cháu Vinh đang sấp ngửa tập đi, vợ chồng Bòn đã có con gái thứ hai. Giờ phút ấy mẹ tôi bắt đầu quan tâm đến con dâu nhiều hơn. Bà thầm cười trong bụng con trai út bà non trẻ, ngờ nghệch mà cũng biết chọn vợ, cái chi cũng khéo kể cả đôi chân vòng kiềng chút chút. Nhiều đứa con trai ranh ma trề môi bĩu miệng nhưng bà lại nghĩ con gái có kiểu chân ấy lại tốt cho đường sinh nở như gà. Thời điểm thành quả tình yêu đang nồng nàn nên Bòn quan tâm đến con, xoắn xít bên Tâm nhiều hơn. Khi Bòn và Tâm sinh thêm đứa con thứ ba, tôi hoảng hốt nhưng vẫn nhẹ nhàng kín đáo rỉ tai khuyên vợ chồng Bòn: “Xin hai em dừng lại”. Tôi chưa nói hết những lời băn khoăn, mẹ tôi tai vẫn nhạy, thoáng liền lên tiếng to không dè dặt “Nghe chi cho mệt, cố nội sắp nhỏ tụi bây có những hai mươi hai đứa, từng ni nhiều nhặn chi mà sợ, rậm người hơn rậm của các con ơi!”. Tâm vợ Bòn nhìn con đang bế trên tay và nụ cười rạng rỡ, đồng tình.
Tuổi tuy còn trẻ nhưng đã là người cha của đám con, em út tôi bỗng nhiên thay đổi nếp sống. Chim chóc, cá mú hầu như lãng quên. Vợ chồng Bòn vừa chăm nuôi con vừa chợ đò buôn bán giúp mẹ tôi hôm sớm.
Thời điểm này thỉnh thoảng tôi mới về quê kỵ giỗ thầy, ông bà nội ngoại. Bẵng một thời gian em gái tôi xuất hiện bất ngờ.
- Có chuyện chi mà vô Huế rứa?
- Ơ hay! Vô thăm anh chị không được à? Em gái tôi phản ứng.
Một lúc sau em gái tôi cho biết vợ chồng Bòn đã có đứa con thứ tư hơn hai tháng mà vợ chồng tôi không hay. Em gái còn tường tận kể lại chuyện đoàn vận động sinh đẻ kế hoạch huyện, xã về nhà vợ chồng Bòn thị sát. Họ chất vấn. Tâm vợ Bòn vừa bế con thứ tư vừa xởi lởi tự nhiên không biết ngượng ngùng: “Dạ! Em biết như rứa là không hay, dưng các cô các bác coi tê tề (trỏ tay vào ba đứa con đang ôm nhau đứng trước cửa) con tui đứa mô cũng khéo. Để nó trong bụng phần thì tội, phần thì tiếc, nên tui lặng lẽ vô phép kêu gọi chúng nó ra hết cho vui nhà, đẹp cửa. Các cô, các bác coi đứa con gái chút chút ni cũng ngời ngời như người mẫu đây này”.
Tôi giận vợ chồng Tâm Bòn, vừa oán trách sự nuông chiều cổ hủ của mẹ, lại vừa xấu hổ với làng xã nên đã xao lãng việc làng việc họ.
Mẹ tôi già yếu và cũng đã ra đi.
Giỗ đầu bốn chín ngày cho mẹ là thời điểm Bòn Tâm đã sinh hạ đứa con thứ năm. Van vái linh hồn người quá cố xong tôi mới có chút bình tĩnh nói chuyện với vợ chồng Bòn:
- Anh khuyên dừng ở đứa thứ ba, các em sinh thêm đứa thứ tư, các em lại sắp đặt lừa dối làng xóm, bít mắt luôn cả anh để sinh thêm đứa thứ năm. Cuống họng tôi nghẹn cứng, cánh tay rần rật như muốn giáng mạnh bạt tai vào mặt đứa em út.
Mặt Bòn nhợt nhạt vội vàng nhìn sang phía vợ:
- Dạ! Bọn em không dám trái ý anh - Tâm lễ phép nhỏ nhẹ - dưng năm ni là năm con trâu thuộc can Đinh. Chúng em muốn... - Tâm ấp úng.
- Đam mê tử vi khi mô rứa? Tôi to tiếng.
Bòn ngồi xép nép nhìn liếc sang vợ. Tâm thưa tiếp:
- Tụi em ít chữ. Thầy mình đoán anh Bòn nghèo. Tụi em lo lắm, bạn bè truyền miệng ai đẻ con năm ni tai như chân rủ, mũi như rường, kim thủy tương sinh ắt sẽ đại thịnh vượng. Bọn em ao ước vượt nghèo nên cố ráng…
Cuộc đối chất càng dài tôi càng mệt mỏi, khó thở. Kỳ lạ thay tuổi trẻ bây chừ đứa nào cũng sôi nổi đua bơi theo học hành, sáng tạo, bôn ba tìm đường lập nghiệp định hướng lớn cho bản thân, đất nước. Phải chăng hai em tôi trẻ người non dạ, ít học rồi luẩn quẩn cầu mong vươn tới tương lai từ một khả năng đỏ đen ảo ảnh bên ngoài, chứ không vực dậy cuộc sống do chính nội lực mình làm ra.
Giận thì giận nhưng tình ruột rà không xao nhãng được. Tôi nhờ bạn bè, các em gái gom góp đỡ đần thêm vợ chồng Bòn Tâm. Tạo nghề may không ổn, bày cách buôn chuyến; bỏ buôn chuyến lại mở quán cà phê, chuyển sang quán nhậu đứng vững trong một thời gian dài. Chúng tôi vui vì các cháu đã có cái ăn, dắt díu nhau đến trường. Quán nhậu lai rai cũng kiếm đủ cơm gạo, đèn đóm sáng trưng. Nhưng khổ thay, quán đông khách, Bòn em tôi say lờ đờ cả ngày. Khi quán ế lại càng ngật ngưỡng say xỉn nhiều hơn.
Nhân trên đường công tác trở về tôi ghé thăm gia đình Út Bòn vào xế chiều. Quán xá vắng khách, nhà cửa toang hoác. Đi vòng quanh bỗng nhiên vẳng tiếng ọ ẹ trên một chiếc giường rộng có hai đứa trẻ đang ôm nhau nằm ngủ. Kéo đắp chiếc chăn mỏng lên hai đứa, tôi đốt nhang soi rõ hai bức ảnh mẹ thầy tôi. Chưa tối hẳn nhưng các nhà chung quanh đã bật đèn sáng rực. Nhà em tôi vẫn chìm dần trong bóng tối. Tìm đến các công tắc, đèn vẫn không sáng. Lạ thay, đến giờ này cả nhà vẫn chưa tụ hội. Cha mẹ bận việc chi, bọn trẻ đi học hay cà tong chi đó quên trời đất! Trước cảnh ấy tôi gọi vói sang cô cháu gái ở cạnh nhà. Cháu nhanh nhẹn chạy sang.
- Chào chú! Ô dào, nhà ni nợ nần tùm lum, hóa đơn điện nối dài từng xấp làm răng đèn đỏ lên được!
- Chú đã cứu trợ nhiều rồi.
- Biết mấy cho đủ!
- Cả nhà đi mô, sao chưa về? Tôi thắc mắc.
- Hai đứa gái lớn và thím Tâm mỗi người một hướng đi tìm chú Bòn. Chuyện thường ngày mà! Từ khi mở quán nhậu, chú ấy chiều khách đưa đẩy chào mời… quen dần thành con nghiện.
Đèn dầu, đèn pin rọi khắp hang cùng ngõ hẻm Bòn tôi vẫn chưa có mặt.
Trong ánh sáng từ chiếc đèn pin, hai đứa nhỏ lồm cồm ngồi dậy. Tôi đưa bánh mì cho đứa lớn, chưa kịp nhìn thấy mặt người cho, nó đã quặp bánh vào mồm nhai nghiến ngấu. Cháu trai bé xíu, đứa thứ năm vừa cầm nửa ổ bánh mì vừa kéo chăn trùm lên mặt như kiểu giả vờ ngủ tiếp.
- Cháu ơi! Hai cháu gái cùng mẹ đi tìm Bòn, rứa thằng Vinh đi mô? Tôi hỏi cháu gái.
- Thằng Vinh ấy mê chim chóc như cha hắn hồi còn trẻ. Có lẽ nó đang quanh quẩn đâu đó ngoài các bụi cây.
***
Đêm đã khuya trước ngọn đèn dầu leo lét, Tâm vợ Bòn lần đầu mạnh dạn, thẳng thắng phân trần với tôi sau hơn sáu năm làm dâu. Sinh hạ năm đứa con, cuộc sống khổ, nghèo dần Tâm mới ân hận nhận ra sai lầm.
Qua một đêm se se chút lạnh cuối mùa đông cả nhà thiêm thiếp vào giấc ngủ, trời sáng lúc nào không biết. Tâm em dâu tôi pha trà ngon. Tôi cố nhấp vài ngụm lấy lại tinh thần. Bỗng nhiên tiếng điện thoại bàn reo vang ở nhà cháu gái bên cạnh và tiếng hốt hoảng vọng sang:
- Thím Tâm ơi chú Bòn đang xỉn bên làng Cao.
- Chết tui rồi anh ơi! - Tâm hốt hoảng.
Tâm vừa kêu than, nước mắt ràn rụa, ba chân bốn cẳng chạy nhanh đến nỗi không giày dép, không thèm biết trước mặt là xe cộ đang nườm nượp vô ra. Hai cháu gái cũng đua theo mẹ. Tôi gọi Vinh dậy tiếp sức. Vinh con trai cả cũng đã biến đâu từ sớm. Tôi gọi to và một tiếng dạ vang lên từ phía sau nhà, nơi mà Vinh từng khoe với tôi có tổ chim năm con đang nuôi, đang há to những cái mồm vàng chiếp chiếp chờ những con châu chấu nhỏ từ tay Vinh mớm chăm.
V.M.L
(SH279/5-12)