VIỄN PHƯƠNG
(Về không gian hội họa Festival Huế 2012)
Nghệ thuật mô phỏng, bắt chước thế giới khách quan khởi phát từ quan niệm triết học của các bậc hiền triết Aristotle và Plato. Đó là quan niệm cổ sơ và lâu đời. Tất nhiên giá trị của mệnh đề “X là một nghệ phẩm khi và chỉ khi nó là sự mô phỏng” đến nay vẫn được người sáng tạo nói chung và người họa sĩ nói riêng bấu víu vào đó. Nhưng tham vọng của người họa sĩ không chỉ dừng lại ở việc mô phỏng ngoại giới, mà bằng một cách nào đó, với chất liệu là màu sắc, họ đã cùng nhau khai phá vào thế giới bên trong (một thế giới khó diễn giải tường minh bằng lý tính). Nói theo phân tâm thì đó là thế giới của tiềm thức, của vô thức.
Từ trong không gian mỹ thuật Festival Huế 2012, người thưởng lãm nghệ thuật được đắm mình trong cả hai thế giới đó. Một thế giới với những họa tiết tả thực, mô phỏng hiện thực khách quan, và một thế giới rời xa hiện thực khách quan, dần bước vào nội giới.
Đó là sự chuyển biến Từ xác định đến bất định*.
Trước hết hãy đến với những họa phẩm này trong không gian hội họa Festival Huế 2012.
Phạm Đăng Trí, một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đầu. Ông là một trong những bậc thầy về tranh lụa và giấy dó. Người suối bạc là một trong những kiệt tác của ông. Vẫn nằm trong sự chi phối của nghệ thuật mô phỏng, nghĩa là vẫn có những đường nét tả thực, nhưng Người suối bạc với sự mềm mại trong họa tiết và cách phối màu đã đưa chúng ta vượt lên khỏi thực tại thô ráp, quay về với những nét đẹp trong quá vãng. Người thiếu nữ đang vùi mình trong một giấc ngủ bình yên tạo nên một không gian yên tĩnh và khơi gợi đến những liên tưởng thoát li hiện thực. Trong Người suối bạc người ta thấy rõ khuynh hướng cách tân của họa sĩ về màu sắc và hình thức thể hiện. Với phương thức hòa màu trong thị giác (mélange optique) và phối sắc giữa màu trứng sáo và hổ phách) bức tranh cho thấy tác giả đã vận dụng khá thành công vốn nghệ thuật dân gian ở miền Bắc cũng như của Huế (Lê Văn Thuyên). Người suối bạc là minh chứng cho khát vọng hoài cổ. Hoài cổ, truy tìm những nét đẹp xưa để đưa chúng can dự vào vĩnh cửu có lẽ là cảm thức chung thường thấy ở bất cứ một người họa sĩ nào. Người suối bạc lưu chứa một nỗi buồn man mác, một sự luyến tiếc hay một niềm hoài niệm về cái đẹp quá vãng. Đứng trước thực tại đầy thô ráp đã buộc người họa sĩ hướng thượng bằng cách hoài cổ. Đó là một thế giới thực, nhưng cái thực có khả năng khơi gợi đến cái mộng. Không gian trong tác phẩm là một không gian thực, có thể phân định từng lớp không gian qua từng họa tiết nhưng nó lại có cái gì đó huyễn hoặc, sương khói như trong miền huyền thoại. Cái mộng mơ của người họa sĩ đến từ sự cô đơn trong sự ghẻ lạnh của thực tại. Người họa sĩ muốn núi kéo quá khứ vì thế họ vọng cổ và “phóng tầm mắt về chốn xa cùng lấp lánh” (Bielinxki).
Tác phẩm Hương đồng nội (sơn dầu) của Nguyễn Thượng Hải, trưng bày tại phòng tranh “Lại về lại”(Tạp chí Sông Hương, 09 - Phạm Hồng Thái - Huế) |
Những quan niệm về nghệ thuật khác nhau sẽ đưa người họa sĩ đi tới những kiểu tổ chức thế giới nghệ thuật khác nhau. Trong các họa phẩm trên còn lưu chứa những họa tiết theo lối mô phỏng hiện thực, giá trị nghệ thuật của chúng nằm ở sự thanh tẩy. Thế giới trong tranh là thế giới của hiện thực, tất nhiên chúng không khô cứng đến mức chỉ gắn chặt vào sự trần trụi của hiện thực. Mà ở đây, người xem liên tưởng đến một giá trị cao hơn thực tại, vượt thoát được khỏi sự thô thiển của hiện thực. Trong các họa phẩm trên, trưng ra những họa tiết, những sự vật, những nhân vật mà ta có thể nắm bắt và phân định ranh giới của chúng trong việc mô phỏng. Tuy nhiên sự nghèo nàn của hiện thực trong Hương đồng nội, Người suối bạc, Mưa đêm đã được giảm thiểu đến mức tối đa. Người họa sĩ không muốn chết cứng trong mô phỏng hay nói đúng hơn họ “do sợ nhìn thẳng vào sự thật” (M.Gorki) vì thế cuộc sống trong tranh trở nên sinh động, gợi trí liên tưởng, đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa người xem đi đến sự thanh tẩy.
Trên đây là những họa phẩm mô tả thực tại. Chúng nằm trong địa hạt của những họa tiết có thể xác định và phân ranh nhưng không giới hạn trong tính chất cố định bất biến của khách thể, chúng có khả năng khơi gợi và liên tưởng. Liên tưởng đến những thế giới cao hơn hiện thực. Trong tranh, có thể nhận thấy người họa sĩ đã lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm rồi đưa cọ vẽ tạo ra những họa tiết, rồi từ những họa tiết đó họ lại tạo ra những hình ảnh gần với cái đẹp tuyệt đối trong tâm thức sáng tạo của họ.
Tác phẩm Mưa đêm (sơn dầu) của Nguyễn Hải Phong, trưng bày trong cuộc triển lãm “Nhịp mưa trầm” (Khách sạn Century Riverside Huế, 49 Lê Lợi - Huế) |
Mưa đêm của Nguyễn Hải Phong vẫn là sự mô phỏng hiện thực, vẫn có tính chất cố định, xác định nhưng người họa sĩ đã khước từ lối biểu hiện công thức. Có những mảng màu, những họa tiết được mờ nhòe, ranh giới của không gian, hình khối trở nên không rõ bởi có cái gì đó của khói sương của huyền thoại, của rừng núi... Màu sắc trong tranh đã vượt lên hình họa. Sự thanh tẩy trong những tác phẩm trên đến được với người xem bởi sự giới hạn của hình họa chỉ dừng lại ở cái khung, cái xương cốt của điều muốn nói. Còn chính màu sắc trong tranh mới khơi gợi đến sự vượt thoát hiện thực. Chúng là sự xác định bởi chúng đã mô phỏng nhưng đó là sự mô phỏng có chiều sâu để đi đến sự thanh tẩy trong tâm hồn người xem.
Rồi nghệ thuật mô phỏng trở nên có những hạn định của nó khi người họa sĩ đưa những bức tranh trừu tượng ra quảng diễn. Điều này đã xảy ra một cách ồ ạt và tất nhiên có căn nguyên của nó. Xét về mặt nhận thức luận, bắt đầu từ thế kỷ XX người ta tưởng rằng với sự chi phối của khoa học và lý tính con người sẽ đi tới chỗ có thể tri nhận mọi thứ trong trạng thái chắc chắn và xác định. Nhưng nói theo nhà vật lý lý thuyết lượng tử F.David Peat thì thế kỷ XX của chúng ta “trớ trêu thay nó lại kết thúc trong sự bất định, mơ hồ và hoài nghi”. Đúng là trong thế kỷ XX với sự hậu thuẫn của khoa học tất cả đã khởi đầu bằng cái xác định nhưng cuối cùng nó lại kết thúc và rơi tõm vào sự hỗn độn và phân rã. Và không phải điều gì xa lạ, chính nghệ thuật hiện đại manh nha từ kiến trúc và hội họa đã minh chứng cho sự phân mảnh, nát vụn, phi trung tâm, hỗn độn này. Niềm kiêu hãnh của cái trật tự, cái xác định đã bị cái trừu tượng, cái cảm thức của hậu hiện đại vượt qua.
Không ai khác, chính người họa sĩ với sự tiên cảm ngay từ đầu thế kỷ XIX cho đến ngày nay trong các họa phẩm của mình họ đã tiên báo rồi minh chứng cho một kiểu dạng trật tự mới hoài thai và ngự trị.
Tác phẩm Cây đàn sắc không của Bửu Chỉ (sơn dầu) trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế (07 Lê Lợi - Huế) |
Cây đàn sắc không, minh chứng cho tài năng bậc thầy của Bửu Chỉ. Họa tiết không dừng lại ở việc mô phỏng hiện thực. Hình khối, màu sắc, đường nét cùng với cảm thức của một họa nhân đã đi qua những năm tháng tuổi buồn của chiến tranh, thân phận đã biến họa phẩm thành một biểu tượng, biểu tượng cho những giá trị mà chỉ có sự liên tưởng trong niềm hướng thượng mới thấu cảm hết được. Thời gian và nghệ thuật cũng như nỗi ám ảnh về sự hữu hạn của nhân sinh là những yếu tố mạnh nhất trong cảm thức sáng tạo của Bửu Chỉ. Thế giới trong Cây đàn sắc không là thế giới của nội giới, thế giới khó nắm bắt bằng giác quan. Đó là sự tương ngộ của kỹ thuật hội họa phương Tây và văn hóa tâm linh phương Đông. Với quan niệm sáng tạo “Nghệ thuật đứng về phía nước mắt” nên thế giới trong tranh Bửu Chỉ là sự ám ảnh của thân phận, sự đau đớn của thời cuộc và sự giày vò của thời gian trước những bi kịch không ngừng biến dạng. Trong tranh, con người và nghệ thuật luôn hiện sinh trong sự lưu đày của vũ trụ. Cây đàn sắc không, một không gian không hạn định được mở ra, một cây đàn đã bị biến dạng không còn hình khối khởi đầu của nó phơi bày dưới đôi vầng nhật nguyệt. Phải chăng đó là sự va đập rồi vỡ vụn của nghệ thuật qua những mảng màu tưởng như những mảnh vỡ. Trong cái nhìn của Lê Khắc Cầm thì Bửu Chỉ là người bất phục tùng mọi định chế, kẻ nổi loạn vĩnh cửu.
Tác phẩm Nhan sắc (sơn dầu) của Kim Long trưng bày tại phòng tranh “Lại về lại”.(TCSH) |
Khi quan sát Nhan sắc, chúng ta nhận ra có điều gì đó tưởng như bất ổn. Họa sĩ Kim Long đã thách đố lý tính khi trưng ra một họa phẩm như thế. Có cái gì đó không thể nắm bắt, không thể nào lý giải trong họa phẩm trên. Đang có một sự mờ nhòe, trống rỗng và một sự tẩy trắng nào đó trong việc truy tìm ý niệm. Những họa tiết trở nên trộn lẫn, không biết chúng xuất phát từ đâu và kết thúc ở chỗ nào, không xác định rõ không gian và hình khối. Những mảnh vỡ từ màu sắc sẽ bung nở trong sự bất tận của nó. Túi khôn lý tính trở nên mù mờ. Có những thứ đã được lược bỏ, họa tiết không phải phục vụ cho việc mô tả một vật thể nào đó tồn tai trong không gian. Thế giới này có ở nội giới, phía bên kia bờ lý tính. Những yếu tố như màu sắc, họa tiết, không gian, kết cấu đang xuyên thấu lẫn nhau. Bất xác định, bất phân định. Không có ranh giới, tất cả trộn lẫn cùng nhau đưa đến một ý niệm nào đó mà ngôn từ khó có thể diễn giải tường mình. Có một cái gì đó đang tồn tại phía sau những họa tiết, phía ngoài họa tiết mà chỉ bằng siêu nghiệm mới có thể cảm thấu được. Đó chính là sự bất định.
Tác phẩm Mắt (sơn dầu) của Lê Bá Đảng. Trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (15A Lê Lợi - Huế) | Tác phẩm Hạn chế II (acrylic) của YvanMagnani trưng bày tại phòng tranh “Lại về lại”(TCSH) |
Khi tiến đến sự bất định trong các họa phẩm Mắt, Hạn chế II, Cộng sinh, Cây đàn sắc không, Nhan sắc, Người chơi đàn Mandlin, Tự họa người họa sỹ dường như đã bội ước với cái thật, cái có thể nhìn thấy, cái có ranh giới và đường biên. Nhìn vào các họa phẩm chúng ta không thấy những vật thể bên ngoài chúng ta, ngoại giới trần trụi đã bị đánh vắng để nhường chỗ cho thế giới của tiềm thức, của vô thức. Đó là thế giới bên trong, một thế giới không dễ gì chạm được, thế giới của tưởng tượng, thế giới bất thường, nằm ngoài sự chi phối của lý tính thuần túy. Ở đây họa nhân không đi đến một sự kết luận nào, mọi họa tiết và sự hỗn dung trong màu sắc hướng người xem tới những thế giới liên tưởng khác nhau. Mọi thứ luôn mở ra. Hiện thực đã bị lệch pha để dành quyền tối thượng cho sự hiện diện của tâm thức và sự nghiệm sinh, siêu nghiệm riêng biệt ở mỗi cá thể. Một thế giới với một trật tự mới đã được xác lập. Thế giới siêu nghiệm trong vũ trụ nội cảm. Sự chối bỏ đường ray cố định của lý tính đã tạo nên những đại tượng vô hình (Đạo đức kinh), những dạng thức siêu hình tượng thuộc về thế giới của tâm thức của những cái bất định trong hội họa.
Tác phẩm Tự họa (sơn dầu) của Hoàng Đăng Nhuận, trưng bày tại phòng tranh “Lại về lại” (TCSH) | Tác phẩm Con yêu bánh nậm II (tổng hợp trên lụa) của Nguyễn Thượng Hỷ, trưng bày tại phòng tranh “Lại về lại” (TCSH) |
Trước sự bất định của thực tại những gì cần người họa sĩ thể hiện đã lặn vào bên trong thì màu sắc, họa tiết, bố cục, không gian... trong tranh không còn dừng lại ở việc phản ánh hiện thực hay chỉ là những ý niệm về hiện thực mà chính những yếu tố vốn có như thế trong hội họa đã bằng một sự kết hợp mới khai sinh ra một dạng hiện thực mới. Hiện thực trong các họa phẩm Mắt, Hạn chế II , Cây đàn sắc không, Cộng Sinh, Nhan sắc, Người chơi đàn Mandlin, Tự họa là một thứ hiện thực lệch pha, một thứ hiện thực được sao chép từ một dạng thức hiện thực gốc đã bị đánh mất. Thứ hiện thực này hiển lộ thông qua những cái thế vì (simulacra) trong nghệ thuật mới. Khi thứ hiện thực ban đầu, thứ hiện thực nguyên khởi đã bị đánh mất thì trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng ở người xem sẽ cung cấp ý niệm cho các họa phẩm. Vì thế sự bất định trong hội họa sẽ là những chân trời vô tận trong việc dung chứa những ý niệm đi ra từ tâm thức người sáng tạo.
Tác phẩm Cộng Sinh (sơn mài) của Trương Bé. Trưng bày tại TTVH Phương Nam (15 Lê Lợi - Huế) | Tác phẩm Người chơi đàn Mandlin (acylic) của Đặng Mậu Tựu, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế (07 Lê Lợi- Huế) |
Trong hội họa, cái xác định hướng người xem đến sự thanh tẩy, cái bất định hướng người xem đến sự liên tưởng, tưởng tượng và khai phá đến các vùng không gian mới. Cái bất định hay cái xác định đều có sứ mệnh như nhau trong nghệ thuật tùy theo quan niệm thẩm mỹ của từng thời đại. Và chính từ trong không gian mỹ thuật Festival Huế 2012 người họa sĩ đã đưa những cái xác định, những cái bất định trong hội họa can dự vào vĩnh cửu.
V.P
(SH279/5-12)
---------------------
(*) Từ xác định đến bất định, chúng tôi mượn cụm từ này trong công trình Từ xác định đến bất định của F. David Peat, Nxb Tri Thức, 2011.