Tạp chí Sông Hương - Số 279 (T.5-12)
Vâlmki
10:37 | 25/05/2012

Ngoài các tác phẩm lớn về Việt Nam như Vạn Xuân, Lãn Ông, mấy năm gần đây, nữ văn sĩ Pháp Yveline Feray đã cho ra đời những tập truyện thần thoại và dân gian của các nước châu Á như Việt Nam, Trung Hoa, Campuchia, Tây Tạng. Vào cuối năm 2010, bà đã cho xuất bản tập “Chuyện kể của bà ngoại Ấn Độ”.

Vâlmki
Vâlmiki và đệ tử - Ảnh: internet

Vâlmki là một vị thần trong trường ca nổi tiếng Ấn Độ Râmâyana nói về một con người tuy đã có lỗi lầm nhưng đã thực sự hướng thiện nhờ biết soi vào tấm gương tuyệt vời của thần Râma. Xin giới thiệu phần trích dịch chuyện “Vâlmki” trong tập truyện ấy của nhà văn Lê Trọng Sâm.  


YVELINE FERAY

Vâlmki


Thế rồi, quanh hai bờ sông Tamasa yên tĩnh, một ngày nọ ra đời một tên cướp đường trai trẻ đáng gờm tên là Ratnakra. Hàng ngày, hắn giết hại súc vật để ăn thịt và cả khách bộ hành để cướp tài sản của họ.

Một hôm, nhà hiền triết Narada, người lữ hành bất tận đã đi qua Ba Thế giới(1) để xưng tụng niềm vinh quang của thần Vishnu(2) đã mạo hiểm đến vùng phụ cận này. Nhà hiền triết hỏi hắn ta:

- Này Ratnakra, cứ mỗi ngày giết người và cướp của như thế này, ngươi có sợ chăng là đã làm nặng nề thêm nghiệp chướng của ngươi? Bởi vì theo điều luật khắc nghiệt của nghiệp chướng, mỗi người tại thế phải đón nhận những điều tốt lành cũng như những điều xấu xa do những gì họ đã gieo ra trên đời. Nhà ngươi có suy nghĩ gì về những hậu quả các tội ác của mình?

- Trời! Tôi giết người và cướp của cũng là để nuôi vợ và bầy con tôi, chắc rồi chúng nó sẽ chia sẻ với tôi những tội lỗi tày trời này. Như vậy là tội lỗi của tôi sẽ bớt nặng nề một phần.

- Nhà ngươi có đoán chắc điều ấy không? Nhà hiền triết Narada nhắc lại. Nếu ta mà ở vào vị trí của nhà ngươi, ta sẽ chạy ngay đến hỏi vợ con mình xem sao. Vậy ngươi hãy đi đi, ta sẽ chờ đây khi ngươi trở về.
 

Nhà hiền triết Narada và Valmiki - Ảnh: wikipedia


Không lâu lắm, Ratnakara trở về với bộ mặt sững sờ đau đớn của một tên cướp đường cả đời không chút thương hại ai bao giờ. Được sự bảo vệ của mấy đứa con, vợ hắn trả lời là họ không chút mảy may chịu trách nhiệm với những gì hắn cung cấp những nhu cầu cho gia đình. Vợ và các con hắn không yêu cầu hắn đi giết người cướp của. Vậy chỉ có hắn ta là phải trả lời cho những hành động tội lỗi của hắn và phải chịu đựng mọi hậu quả mà thôi. Rồi hắn tự hỏi với một giọng nói buồn rầu:

- Vậy từ nay ta phải làm gì để cho vơi nhẹ đi nghiệp chướng này?

Nhà hiền triết căn dặn anh ta phải ngồi theo kiểu tọa thiền và xưng lên từng tiếng từng tiếng một tên thần Râma mới hầu mong được con đường giải thoát cho linh hồn mình. Liền sau đó, Ratnakara tập ngồi trầm tư dưới một gốc cây nhưng miệng hắn lại nhắc đi nhắc lại không phải tên thần Râma mà cứ lắp lắp lắp bắp “mara” (có nghĩa là “giết, giết”) trong khi ở bên ngoài nhà hiền triết đang ca ngợi thần Vishnu(3) và loan truyền tin tốt lành.

Hắn cứ nhắc đi nhắc lại mãi “Marâmarâma” nhưng rồi theo dòng thời gian trôi đi, trong miệng Ratnakara lại rõ ràng trở thành hai tiếng “Râma... Râma”.

*

Những năm về sau, khi trở lại khu rừng Dandaka này, nhà hiền triết nghe thấy một tiếng ầm ì vang dài ra như một lời cầu kinh, đúng hơn như là một giọng hát rất nhẹ nhàng bắt nguồn từ một con suối xa. Giọng hát rất nhẹ nhàng ấy hướng bước đi nhà hiền triết đến một mô đất dưới chân một thân cây cao lớn.

“Râma... Râma...”. Trong mô đất cứ vọng ra mãi giọng hát đó mà nhìn cho kỹ thì đó là một tổ mối to đã ôm trùm hoàn toàn thân hình Ratnakara trong tư thế trầm tư mặc tưởng. Rõ ràng đây là một Ratnakara đã hoàn toàn quên đi thế giới bên ngoài, một Ratnakara trong sự hòa hợp với Bhagavân, Đấng Tối cao của muôn loài.

Nở một nụ cười, Narada gọi tên mới của hắn, cái tên phù hợp với sự chào đời mới của anh ta “Vâlmki! Vâlmki!”. Và nói: “Hãy đến đây! Từ trong tổ mối, nhà ngươi đã được sinh ra qua một cuộc sống mới. Hãy đứng dậy đi thôi!”.

Và từ trong tổ mối đang đổ sụp xuống, Vâlmki mặt mày rạng rỡ đang đứng dậy.

*

Có một ngày, Vâlmki ướm hỏi nhà hiền triết: “Ở trên đời này có tồn tại chăng một con người thực sự hoàn chỉnh?”. Nhà hiền triết liền kể cho anh ta nghe sự tích anh hùng của Râma, Ngài vừa là người vừa là thần, đó là sự hóa thân lần thứ bảy của thần Vishnu. Và như trong tuyệt tác Bhagavad Gita (4) đã nói lên vai trò của Vishnu: “Bao nhiêu lần mà trật tự bị lung lay chao đảo, bao nhiêu lần mà sự hỗn loạn ra đời, Ta xuất hiện. Bao thời gian qua, Ta được sinh ra để chở che cho cái tốt phát triển và làm tan đi cái xấu xa tội lỗi dưới ánh sáng vinh quang của “Công lý””.

Được nghe kể chuyện về thần Râma và Sita, người vợ của thần, Vâlmki thấy rõ thấm thía sâu sắc một niềm vui thần diệu lan qua người mình. Và trong trạng thái hưng phấn đó, Vâlmki chìm đắm trong sự ngưỡng mộ vẻ đẹp bên trong xem như là một thứ châu báu quý giá, điều đó đang có trong người anh.
 

Ảnh: wikipedia

Một buổi sáng, khi anh đang ngồi lặng im sau cuộc tắm rửa theo nghi lễ bên bờ Tamasa yên tĩnh, đôi mắt anh bỗng nhiên bị cuốn hút bởi một đôi chim chích chòe mỏ cong đang cùng một đà bay đến đậu lại trên một cành cây trước mắt. Và chẳng chút nghi ngờ, chúng mở đầu cuộc yêu đương khi nhìn nhau bằng đôi mắt đằm thắm, chúng xa nhau ra vài bước để rồi nhanh chóng xích lại gần nhau, âu yếm nhau qua hai đầu mỏ nhỏ và các cánh như trao đổi càng gần hơn những chiếc hôn nồng nàn để rồi kết thúc ôm ghì lấy nhau và hòa vào nhau trong lần đập cánh đầy hoan lạc.

Vâlmki đang ở đó, lắng ngắm đôi chim hiền lành âu yếm giao hoan, anh vô cùng thú vị trong sự say sưa trước cảnh mặt trời lên. Và trước tất cả tình yêu và vẻ đẹp hoàn mỹ đó, trong khoảnh khắc miên trường ấy, toàn thân anh rung lên niềm xúc động mãnh liệt muốn hòa đồng với tất cả những gì đang sống, đang hít thở, đang yêu đương trên cõi đất này.

Thế rồi một mũi tên vút tới xuyên qua, con chim đực choáng người rơi xuống trong khi con chim cái bỗng chợt bâng khuâng đau đớn chia lìa người yêu của mình có chiếc mào màu đồng đang lúc giao hoan, con chim cái trút ra một khúc ca nao lòng.

- Hỡi người đi săn! Vâlmki la to lên trong niềm đau đớn cùng cực. Vì có thể linh hồn của người sẽ không bao giờ được ca ngợi trong tất cả các cuộc sống tương lai nên người đã bắn vào đôi chim trong cái phút vô cùng cao quý của tình yêu đời chúng.

Với hai câu thơ trên tự nhiên trào ra từ quả tim đến đôi môi của mình, tâm hồn Vâlmki đang rộng mở cho một tình huynh đệ vĩnh cửu, anh thực sự đi đến biển đại dương thần tiên đầy thi tứ để trường ca Râmâyana bao la và huyền diệu có thể khai mào.

Lê Trọng Sâm dịch    
(SH279/5-12)


-----------
1 - Là Trời, Đất và Dưới lòng đất.
2 - Râma, nhân vật chính của trường ca Râmâyana, lần hóa thân thứ bảy của thần Vishnu.
3 - Vishnu: một trong những vị thần chính của Ấn Độ giáo cùng với Brahmâ và Shiva.
4 - Bhagavad Gita: khúc ca của con người hạnh phúc. Là phần triết học của trường ca Ấn Độ Mahabharata.
 









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tổ chim há mồm (21/05/2012)