Tạp chí Sông Hương - Số 22 (T.12-1986)
Cây ngô chướng
09:47 | 31/05/2012

VŨ MẠNH LẬP

Cây ngô cao vồng lên giữa bãi, lạ lắm.
Già A-nông thầm đặt cho nó cái tên: cây ngô chướng.

Cây ngô chướng
Ảnh: internet

Ba ngày rồi, mưa và gió liên miên. Bước chân ra khỏi sàn là áo quần ướt sũng, nước ròng ròng chảy dài xuống quanh đầu, không sao mở mắt ra được, nước vào mắt cay xè, đỏ đọc. Đêm sâu, gió hun hút qua thung, ràn rạt. Những tia chớp lóe lên nhì nhằng như ruộng nẻ chân chim giữa bầu trời. Sấm rền rền ran ran ầm cả núi. Vắng cái chân ở nương, ở rẫy già A-nông chịu không nổi, giấc ngủ chập chờn, thấp thỏm.

Sớm nay, chim từ quy vừa hút giọng thì ông mặt trời đã lên. Rừng lại có ánh nắng.

Già A-nông ra rẫy ngắm nhìn nương ngô. Mắt ông nheo nheo cười. Cái điếu ở môi rung rung. Những cây ngô khe khẽ rung khoan khoái, lòng dạ ông cũng mát mẻ.

Mắt già A-nông đưa lướt qua bãi ngô, chợt dừng lại ở mô đất cồm lên mé bãi, như không tin ở mắt mình. Bàn tay già dụi quệt qua quệt lại hai mi mắt. Già biết mắt già vẫn còn sáng như mắt nai, mắt gấu. Đôi mắt già xoáy vào mé đất ở góc bãi. Cây ngô chướng thường ngày cao vọt lên, thoắt đưa mắt đã thấy ngay. Bây giờ đâu rồi? Già chợt nghĩ tới con heo, con nai. Nhưng sao cả vạt cây vẫn còn. Chỉ một cây ngô chướng là đổ gãy. Không phải tiếc thương, mà là một thói quen bị hẫng.

***

"Ngô chướng", già gọi nó bằng cái tên ấy. Nó chướng thật, chướng từ hồi mới ngoi lên mặt đất. Nó lớn vội lớn vàng như loài cỏ dại. Rễ nó túa ra lan rộng giành đất. Rễ mọc trên từng đốt cây tua tủa. Tầng rễ này chưa ra kịp, dính vào đất, tầng khác tuôn ra. Hết tầng này đến tầng khác, khít rịt. Nó bám dày trong đất, xuyên thẳng sang những gốc ngô khác, tranh ăn. Trong bãi ngô nếp già trỉa, ngô chướng là cây ngô lạ, già biết. Nó là giống ngô lòn. Có lần già A-nông bặm môi dáng A-vin (1) định bấm phắt, nhưng thôi, già kiên trì túm từng dấu rễ dí vào gốc. Trông cái màu xanh mởn kia, không nỡ. Lòng già vốn bao dung mà! Rồi lớn lên, thân nó cao lêu nghêu, cao lắm, cao gấp rưỡi đám ngô nếp quanh quanh. Mình nó còn đèo hai bắp ngô thon và ngắn. Râu ngô rủ xuống, vật vờ.

Gió rừng nhè nhẹ. Cờ ngô chướng rung rinh lắt lay theo chiều gió, lay theo cái thân oặt oẹo ngã nghiêng. Ngô đang mùa thụ phấn kết hạt. Phấn từ cờ ngô chướng bay bay. Nó cao, cao hẳn lên.

Hai mươi hai nhánh cờ ngô chướng dài vươn ra rung rinh ma mãnh. Nó ngạo ngược như một bạo chúa và dưới trướng là hàng trăm cô gái đang chịu tội; mượn gió, vung vãi phấn tha hồ, tùy thích. Nhánh cờ như cái tay dài vươn tới khắp nơi, mơn trớn. Thảm họa sẽ đến với loài ngô nếp, già A-nông biết. Nhìn cây ngô chướng già A-nông nhớ đến I-pằn. I-pằn, người Tà-ôi được học cái kỹ thuật chọn giống, I-pằn nhắc nhở bà con:

- Ta nên trỉa cái ngô nếp. Bắp ngô nếp to, nhiều hạt, mập. Ăn dẻo và thơm.

I-pằn còn nhắc đi nhắc lại, cái bụng già A-nông còn nhớ:

- Chọn giống ngô nếp cho kỹ, đề phòng lẫn giống ngô lòn.

Cái bụng già A-nông nhớ, cái tay già A-nông làm nhưng làm chưa kỹ. Bao nhiêu mùa tỉa trên bãi bồi này, mùa nào cái tay già cũng chọn cũng lựa. Giống ngô lòn cứng trơ cứng khấc. Đun hàng gùi củi rừng nó vẫn chưa chín. Ăn nóng sần sật như nhai hột sót, ăn nguội xàm xạp như nhai trấu. Trẻ con cạp ngô lòn đến khổ. Người già sếu sáo nhìn ngô lòn chỉ cười trừ. Ngô lòn đưa vào cối đá giả cứ bong bong, tung trượt cả chày. Song sức sống của nó thật mãnh liệt. Nó chen lấn, dằng dật với các cây xung quanh, tệ hại nhất, là nó vung vãi nòi giống của nó, làm lẫn lộn hư cả giống ngô nếp của già.

Sự lẫn lộn bao giờ cũng xấu. Bắp ngô nếp trắng óng điểm vài hạt ngô lòn, bẩn mắt. Kỹ thuật chọn giống ngô cán bộ I-pằn nói, già còn gắn vào cái bụng. Già ưng cái ngô nếp. Giống ngô lòn vẫn lác đác pha trộn bao nhiêu mùa rẫy rồi, già căm lắm. Cái giống quái ác, dai dẳng thật, chỉ còn một dấu vết vàng trên hạt ngô nếp cũng truyền lại thành giống ngô lòn, sinh sôi.

Già đã nghe lời nói của I-pằn. I-pằn nói kỹ, nhưng nói chưa hết. Nên lòng già chưa thật tin. Xưa nay già cứ cho sự hư hỏng ấy là tại Giàng.

Những cây ngô nếp quanh nó vàng vọt, thiếu chất. Những cây đứng kề thì bị ẩy vẹo sang một bên, thân xây xát. Nó vươn cao vừa chiếm đất, vừa chiếm trời. Già lớn lên sống với núi rừng đã bao nhiêu mùa rẫy già không nhớ. Già cứ ngỡ là Giàng cho no được no, Giàng bắt đói phải đói. Già sống cam chịu nhiều rồi. Già có được học đâu mà hiểu được tính trội nguy hại này của loại ngô lòn.

***

Già A-nông dừng lại. Trước mặt già cây ngô chướng nằm sóng soài trên mặt đất, dài ngoẵng. Những chùm rễ tua tủa gớm ghiếc. Môi già bật ra âm thanh trầm trầm: "Nó muốn sống lấy một mình thôi. Nó không có bạn bè, không đương đầu nổi với gió mưa, nên bị gió mưa vật ngã "ưm rang cu chít lữ" (2). Thế là cây ngô chướng không còn nữa, già thầm nghĩ.

Nó chết thật, chết một mình, vì gió. Mắt già A-nông nhìn xuyên bãi ngô, ngó đậm vào rừng sâu, cười cười nheo nheo. Cái điếu ở môi già rung rung, bập bập khói trắng tuôn ra phù phù trước gió. Già A-nông chậm rãi, đăm chiêu bước tới cây ngô nếp to, cao lực lưỡng nhất. Già đưa bàn tay chai sạn, khô ráp bóc bắp ngô nếp mẩy mang nhất ra xem. Những vết vàng rải rác đã lặn chặt vào da những hạt ngô nếp căng láng làm già giật mình. Già chớp chớp mắt, lẩm bẩm nói khe khẽ như tự thú với lòng mình: "những di hại dai dẳng này là tại ta nhẹ dạ mà! Tại ta mà!".

Lá ngô lào xào, uốn lượn như tay người con gái múa theo nhịp đàn ta-lư mơn man quanh già như những lời an ủi.

V.M.L
(SH22/12-86)


-------------------
(1) A-vin: cuốc nhỏ
(2) Ngô lòn đã chết rồi.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng