Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-12)
Ký ức Hoàng Sa
15:10 | 21/06/2012

LTS: Theo thông báo của Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2012, phim tài liệu “Ký ức Hoàng Sa” của nhà báo Bảo Hân - Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, cộng tác viên của Tạp chí Sông Hương - là tác phẩm báo chí duy nhất của Thừa Thiên Huế được Giải Báo chí Quốc gia trong năm nay. Sông Hương xin giới thiệu nội dung kịch bản của phim tài liệu này và chúc mừng tác giả được giải.

Ký ức Hoàng Sa
Đồng chí Lê Sỹ Minh - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trao Tặng thưởng Sông Hương năm 2011 cho nhà báo Bảo Hân và Hữu Thu

Ký ức Hoàng Sa


HỮU THU & BẢO HÂN

Dù ở bất cứ thời đại nào con người cũng đều mang trong mình những ký ức. Ký ức của thời đã qua đọng lại trong tâm thức để trở thành giá trị di sản và truyền thống.

Tồn tại dù chỉ như những hạt đậu li ti trên tấm bản đồ thân yêu của Tổ quốc nhưng từ nhiều đời nay quần đảo Hoàng Sa luôn khảm sâu trong tâm thức người con đất Việt một giá trị vĩnh hằng - lòng yêu nước.

Ông Nguyễn Hữu Hùng vốn là thầy giáo làng. Đã hơn bảy thập kỷ nay ông ít có dịp đi xa. Hết “gõ đầu trẻ”, khi đã về già, ông trở thành trưởng họ Nguyễn Hữu vừa lo hương khói cho tiên tổ vừa giao kết với các họ tộc trong làng, mà làng An Nong dân lại khá đông, mỗi khi các họ như: Võ Đại, Bạch Văn, Phạm Văn, Đặng Văn… có việc mời nhau thì không thể không đến, bởi đó thường là những dịp tế lễ, cháu con làm ăn xa rủ nhau về trong nghĩa tình còn thương cây nhớ cội.

Vì là trưởng họ nên khi nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và cộng sự phát hiện cụ tổ của mình cách đây gần 190 năm đã từng giữ chức cai đội Hoàng Sa, thầy Hùng và lớp cháu con họ Nguyễn Hữu mừng lắm. Họ mừng vì không chỉ cả làng An Nong biết mà sau phát hiện này, cả dân tộc Việt Nam đều biết: ngoài họ Đặng ở đảo Lý Sơn thì họ Nguyễn Hữu ở làng An Nong đã có người tham gia cai quản Hoàng Sa!

Kể về cơ duyên của sự phát hiện này, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bộc bạch: Đầu tháng 11.2011 vừa rồi mình cùng anh em thực hiện chuyến điền dã ở Nong. Điểm dừng chân là một ngôi chùa làng còn khá nguyên vẹn nằm phía tây quốc lộ I. Sau khi đọc bài minh khắc trên chuông, mình xin phép thủ từ khảo sát khu vực hậu điện và thật bất ngờ khi phát hiện chiếc bài vị thờ ngài họ Nguyễn lại liên quan đến câu chuyện thời sự về Hoàng Sa!

 Sau đó tụi mình tiếp tục tìm hiểu và được ông tộc trưởng Nguyễn Hữu Hùng cho xem tập phổ hệ của dòng họ. Tra cứu, đối chiếu tụi mình xác định: đây là những chứng cứ liên quan đến Hoàng Sa nên lập báo cáo sơ bộ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.


Thật vậy, trong hậu điện của ngôi cổ tự có tên là Tiên Linh, một ngôi chùa làng được dựng từ thời vua Gia Long hiện còn lưu giữ chiếc thần vị bằng chữ Hán khắc ghi “Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội cai đội Hiến Đức Hầu Nguyễn quý công chi vị” tức bài vị của ngài họ Nguyễn, chức cai đội đội Hoàng Sa, tước Hiến Đức Hầu.

Ngoài chiếc thần vị mà lớp cháu con thay nhau hương khói, ở ngôi chánh điện của ngôi chùa này còn dựng một chiếc hồng chung. Bên cạnh nội dung ghi lại Phật sự của cai đội Nguyễn Hữu Niên đối với chùa, với làng, chiếc hồng chung còn cung cấp một bằng chứng sống động và thuyết phục qua những lời bạt.

Thầy Phan Văn Hòe, pháp danh Thích Thiệu Long, thủ tự Tiên Long đã đọc và giảng cho chúng tôi nghe nội dung của bản minh được khắc bằng chữ Hán trên chiếc hồng chung. Bản minh nêu rõ: không chỉ Hội thủ cai đội Nguyễn Hữu Niên mà làng An Nong còn có nhiều con dân khác đã cùng tham gia việc quân cơ.

Do chuông được đúc vào năm 1823, nên từ đó suy ra: họ Nguyễn Hữu ở làng An Nong đã có mặt ở Hoàng Sa trước họ Đặng ở Lý Sơn ít nhất là 12 năm (bởi ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15, tức là năm Ất Mùi 1835 họ Đặng ở Lý Sơn mới có sắc chỉ của triều đình).

Trước khi ra cai quản Hoàng Sa, theo thư tịch cổ được lưu lại trong Tập phổ hệ của họ Nguyễn Hữu ở làng An Nong thì đời thứ chín, Tiên tổ khảo của họ Nguyễn Hữu là ngài Nguyễn Hữu Niên đã từng đảm chức đại đô úy dưới triều Tây Sơn, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhậm chức khâm sai cai đội tước Sách Trường hầu… Thư tịch còn ghi rõ: danh tước ngài tiên tổ Nguyễn Hữu Niên do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi.

Đó là đầu mối liên quan đến chiếc bài vị và chiếc chuông ở chùa Tiên Linh như đã đề cập ở trên.

Để chứng minh ngài tiên tổ của mình là quan quân của triều Nguyễn, họ Nguyễn Hữu còn giữ hai tư liệu gốc. Đó là tờ sai, ghi ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802) của quan khâm sai đô thống chế điều động cai đội Nguyễn Hữu Niên thuộc thập đội tả vệ ban trực nội dinh theo chánh phó vệ úy đi đánh giặc. Tờ sai đóng dấu đen “Đô Thống Chế Quan Phòng”.

Ngoài tờ sai này, họ Nguyễn Hữu còn giữ được tờ sắc của vua Gia Long ban cho cai đội Nguyễn Hữu Niên, vì có nhiều công lao nên chuyển làm cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh... Tờ sắc đóng ấn son “Chế Cáo Chi Bảo” đề ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất. Cả hai tài liệu này đều bằng giấy dó, trong tình trạng bị hư hại nhưng còn rõ chữ. Xét về giá trị lịch sử và pháp lý thì đây là những tờ chính lệnh cấp nhà nước, bởi cụ Nguyễn Hữu Niên là quan quân nhà Nguyễn.

Đình làng, chùa làng, nhà thờ họ từ lâu đã trở thành thiết chế truyền thống của văn hóa làng xã. Nó là mạch nguồn, là cội rễ bám sâu vào tâm thức cư dân Việt neo giữ từ đời này sang đời khác.

Dưới cái giá rét của mùa đông, kèm theo những cơn mưa lâm thâm của xứ Huế, thầy Nguyễn Hữu Hùng tâm sự:

- Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc và cả tác động khắc nghiệt của thời tiết, nhưng lớp cháu con họ Nguyễn Hữu chúng tôi vẫn tìm cách để giữ cho được những báu vật này. Năm 1963, trước sự hủy hoại của thời gian, cuốn phổ hệ gốc bằng giấy bổi bị hỏng nên chúng tôi đã sao y lập thành cuốn mới, ngoài chữ Hán còn kèm chữ Việt để lớp cháu con sau này khi đọc tự hào với truyền thống giữ nước của tổ tiên.

Riêng về những vật chứng liên quan đến Hoàng Sa, theo lời kể của các vị cao niên thì khi chiến tranh xảy ra, trong lúc tản cư, tấm bài vị của vị cai đội Nguyễn Hữu Niên đã được con cháu bảo bọc mang theo, phòng lúc giặc đốt phá. Còn chiếc chuông nặng đến 4,5 tạ, khi tản cư các tráng đinh trong làng phiên chế một đội 8 người thay nhau khuân vác. Có lần quân Pháp bắn moochie, chiếc chuông và đoàn người khuân vác bị hất văng xuống ruộng. May là không hề hấn gì. Dù đã bị giặc đốt, nhưng ngôi chùa đã được dân làng góp sức dựng lại, bài vị của vị cai đội Hoàng Sa nhờ được bảo bọc nên được thiết trí trang trọng trong ngôi hậu điện, còn chiếc chuông đồng trở lại vị trí quen thuộc như xưa.

Đó là tư liệu gốc giúp phái đoàn của Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cùng đại diện các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế cuối tháng 11/2011 tìm về làng An Nong tiếp cận và tổ chức số hóa tư liệu các hiện vật liên quan đến cai đội đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên, gồm bài vị, chuông đồng, gia phả và hai văn bản chữ Hán, nhằm bổ sung tư liệu, cơ sở pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Qua bao đời gìn giữ, bảo vệ, hành động hiến tặng di vật và hiện vật của cha ông về vấn đề muôn thuở của quốc gia, dân tộc - bảo vệ chủ quyền đất nước - chính là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt của người dân Việt.

Đó là cứ liệu liên quan đến Hoàng Sa dưới triều Nguyễn mà người dân ở Thừa Thiên Huế còn lưu giữ.

Còn trước đó, thông qua bản dịch của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu người ta đã phát hiện ở Mỹ Lợi nay thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc một văn bản Hán Nôm cổ dưới thời Lê liên quan đến Hoàng Sa.
 

Văn bản chữ Hán có nói tới Đội quân Hoàng Sa (được lưu giữ tại làng Mỹ Lợi).


Vào một ngày giữa hè 2009, tại đình làng Mỹ Lợi - một ngôi đình cổ được dựng từ năm 1808, trước sự chứng kiến của đại diện ban nghi lễ và lãnh đạo địa phương, chúng tôi đã được ông Đoàn Xua, cựu thủ lễ của làng cho xem tư liệu gốc lấy từ 2 chiếc tráp lưu khoảng 1400 trang văn bản liên quan đến lịch sử khai canh, khai khẩn, trích lục, địa bộ, hương ước, khế ước của làng Mỹ Lợi, trong số này có tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, đồng thời đọc nội dung đã nhờ nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu dịch.

Nội dung như sau:

“Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng. Nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tín ở chỗ giáp ranh kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758) khoản của thuyền thủ Trường, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vỏ tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vỏ tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy.

Văn bản lập ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6/11/1759) còn rõ chữ ký của quan Thuận Đức hầu trấn giữ cửa biển Tư Hiền và dấu triện.

Để tồn tại đến hôm nay, theo ông Nguyễn Độ, Bí thư Đảng ủy Vinh Mỹ thì làng Mỹ Lợi có cách thức lưu giữ văn hóa, gốc tích của mình khá độc đáo, đó là theo lệ tam niên dân làng lại bầu một ban nghi lễ và 1 người trưởng làng chuyên lo việc lưu giữ văn bản của làng.

Làng Mỹ Lợi, theo ghi nhận thành lập năm 1562, lúc đầu có 8 họ khai canh, 15 họ khai khẩn và hiện nay Mỹ Lợi có đến 45 dòng họ đang quần tụ. Trải qua gần 450 năm tồn tại, mặc dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng những tập tục, tập quán tốt đẹp của dân làng đến nay vẫn còn gìn giữ, bởi nói như ông Đoàn Xua: “Làng chúng tôi xem hai cái tráp đựng tài liệu này, đặc biệt là những bản Hán Nôm như bảo vật quốc gia, do vậy mà từ thế hệ này sang thế hệ khác quyết giữ gìn không để nó mất mát hoặc mai một.

Nhờ giữ gìn bền bĩ như thế nên ngày 14/12/2009, làng Mỹ Lợi đã bàn giao toàn bộ tư liệu liên quan đến Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao, khẳng định sự việc xảy ra là có thật, bởi cách đây gần 270 năm, dưới thời nhà Lê, chúng ta đã có đội quân làm việc ở Hoàng Sa!

Huế là vùng đất văn vật và là nơi còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Giá trị văn hóa có thể biểu hiện không giống nhau nhưng chúng có một đích đến, một hệ quy chiếu: đó là điểm nối liền mạch và tường minh giữa quá khứ và hiện tại. Phương tiện hay vật chất biểu hiện để minh chứng cho điều này chính là lịch sử và những di chỉ của ký ức. Điều này được ứng vận rất rõ trong những sự kiện nêu ở trên và cả những người âm thầm tự nguyện cung cấp thêm thông tin, tài liệu chính thống khi biết chúng tôi khi đang tiếp cận, tập hợp tư liệu để làm bộ phim tài liệu về Hoàng Sa.

Tiết trời Huế những ngày cận Giáng Sinh 2011 rét tê tái. Nhân đề cập về chuyện làm phim Hoàng Sa, tự dưng nhắc đến nhà nghiên cứu trẻ Trần Văn Quyến - giảng viên lịch sử trường Đại học Phú Xuân. Cách đây gần 5 năm, khi thực hiện phóng sự “Nhân vật Chào buổi sáng” cho VTV về thư phòng miễn phí theo ước nguyện của cụ Nguyễn Hữu Đính, chúng tôi đã gặp Quyến lúc đó là một sinh viên khoa Hán Nôm của trường Đại học Phú Xuân thường hay đến mượn sách và phụ giúp công việc cho vị chủ biên Trung tâm Nghiên cứu Huế là nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan. Sau này, khi nói chuyện với chúng tôi nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan thường hay khen Quyến là một sinh viên trẻ nhưng làm việc có hệ thống, yêu Huế (Quyến quê ở Nam Định) và yêu công việc nghiên cứu vô cùng.

Gần đây, khi biết Quyến phát hiện một tài liệu chính thống và độc đáo về Hoàng Sa đó là sách Khải Đồng thuyết ước dưới triều vua Tự Đức, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trọ của người giảng viên lịch sử trẻ tại Phường Đúc, chúng tôi như tìm được một tình cảm trân quý của những người con dân đất Việt. Bản chính của Khải Đồng thuyết ước hiện do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn lưu giữ và công bố trong công trình nghiên cứu về Hoàng Sa của anh tại Đà Nẵng. Nhưng trong chiếc laptop cá nhân của mình, Quyến đã số hóa toàn bộ hình ảnh, nội dung tài liệu và anh đã chủ động thông tin nội dung quyển sách để nhiều người biết. Và điều khiến chúng tôi xúc động là anh cũng lưu những bản dập ở chùa Tiên Linh và khẳng định trước tết Nhâm Thìn này sẽ quay trở lại để tìm hiểu kỹ hơn về lời bạt khắc trên chiếc đại hồng chung của ngôi cổ tự này.

Về Khải đồng thuyết ước, Quyến cho biết đây là tài liệu nằm trong tủ sách y học của một thầy thuốc bắc trẻ tuổi mà anh quen biết trong quá trình tác nghiệp và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết tên người này là Đỗ Văn Minh, hiện trú tại địa chỉ số 1 đường Ông Ích Khiêm, Nội Thành Huế. Minh sinh ra trong một gia đình cha truyền con nối hành nghề thuốc bắc. Đọc được chữ Hán và cảm tấm lòng yêu nghề của nhà nghiên cứu trẻ, Minh đã tặng cho Quyến với mục đích “tài liệu sẽ trở nên có giá trị hơn”.

Trần Văn Quyến khẳng định:

- Từ năm Tự Đức thứ sáu tức 1853 đã có sách dạy trẻ em học vỡ lòng, trong đó khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Theo Quyến, sách Khải đồng thuyết ước bằng chữ Hán gồm 2 quyển: thượng, hạ do tác giả Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) biên soạn và Dương Đình (1802 - 1856) quê xã Bái Dương, huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực, Nam Định) nhuận sắc. Sách in trên ván gỗ, giấy bản thường, gồm 44 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 6 dòng, mỗi dòng 16 chữ, khắc to rõ ràng, viết theo lối văn tứ tự có vần, mỗi câu có 4 chữ, 4 câu hai vần, các thanh bằng, trắc thay đổi nhịp nhàng, nhằm giúp người mới học đọc thuận miệng, dễ học thuộc lòng...

Khải đồng thuyết ước dạy sử Việt Nam, sản vật, các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); thiên nhiên (thiên văn, địa lý); cách tu dưỡng bản thân, có hình vẽ bản đồ Việt Nam, mặt trời, mặt trăng, thân thể con người, bí quyết về việc xem vận số...

Đặc biệt, trong các trang 15-16 có vẽ Bản quốc địa đồ với phần khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên bản đồ ghi vị trí các tỉnh và các ngọn núi lớn, từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long. Sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp của từng tỉnh. Phần ngoài biển, đối diện địa phận Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử, nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.

Khải đồng thuyết ước được khắc nhiều lần qua các triều vua. Vì thế, trong nhiều gia đình và các kho tư liệu vẫn còn cuốn sách này. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện quốc gia đều lưu giữ Khải đồng thuyết ước là sách được sử dụng trong các trường học của nước ta ngay từ đầu đời Tự Đức cũng như sách giáo khoa ngày nay, với ghi chú về quần đảo Hoàng Sa cho thấy ý thức chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được xác nhận vững chắc. Bản quốc địa đồ thêm một chứng cứ về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

 Gần đây nhất, trong thời điểm dư luận đang rất quan tâm đến lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền không thể tranh cãi được của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhà văn Nguyễn Khắc Phê - nguyên TBT Tạp chí Sông Hương đã phát hiện một tư liệu cực kỳ quý trong tủ sách cũ của gia đình, cuốn “Les archipels de Hoàng - Sa et de Trường - Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d' histoire et de géographie” (“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý” của học giả Võ Long Tê (VLT) được xuất bản tại Sài Gòn 1974. Trước năm 1975, Võ Long Tê là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về văn học - văn hóa có giá trị được giới nghiên cứu và trí thức đương thời công nhận là “cây đại thụ về văn hoá Á Âu” tầm cỡ quốc tế... Cuốn sách là công trình sưu tầm tư liệu cổ và giới thiệu cho bạn đọc một cách có hệ thống, khoa học những tư liệu trong cuốn sách khổ lớn dày gần 400 trang với bản chữ Hán, phiên âm tiếng Việt và dịch ra tiếng Pháp. Trong tình hình cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa đang cần có cơ sở pháp lý để đặt lên bàn thương thảo với các bên liên quan và đang cần được dư luận quốc tế ủng hộ, có thể nói đây là một công trình rất quý cần được khai thác và phổ biến rộng rãi.

Thành danh từ những nghiên cứu về lịch sử văn hóa Huế, ông Phan Thuận An là người có tên trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Khi Hoàng Sa - biển Đông trở thành sự kiện thu hút sự chú ý, như nhiều nhà trí thức yêu nước khác, ông đã cất công tra cứu và may mắn là trong tập châu bản triều Nguyễn năm 1939 (giữ ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa - nơi gia đình ông sinh sống tại 31 Nguyễn Chí Thanh) ông đã tìm ra hai tờ do chính Hoàng đế Bảo Đại phê và chuẩn y liên quan đến Hoàng Sa.

Nội dung của tờ châu bản thứ nhất là: Vào ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự Tiền Văn phòng (nay gọi là Chánh văn phòng) Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời trong ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh Cai đội Hạng nhất của động lính Khố Xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian ra công tác tại đảo Hoàng Sa, ông đã bị nhiễm bệnh rất nguy hiểm, rồi chết tại Nhà thương lớn ở Huế (nay là Bệnh viện T.Ư Huế).
 

Một tờ châu bản triều Nguyễn, Bảo Đại năm thứ 13 (1939) liên quan đến đảo Hoàng Sa. (Tư liệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã được trao lại cho Bộ Ngoại giao).


Nội dung của tờ châu bản thứ hai, bản gốc ghi ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (tức ngày 15- 2- 1939) là một bản tấu của Tống lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên Hoàng đế Bảo Đại xin phê chuẩn việc tặng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính Khố Xanh vì họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở miền núi và lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Bản tấu này cũng được nhà vua chuẩn y. Tờ châu bản này cũng là một chứng cứ quan trọng về sự thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Cả hai châu bản này đã được ông Phan Thuận An hiến tặng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu giữ và Bộ Nội vụ đã tặng Kỷ niệm chương cho ông.

Xét về giá trị pháp lý và lịch sử đây là những văn bản gốc, chính thống cấp độ nhà nước chưa qua sao chép. Đặc biệt nội dung khẳng định rằng, cho đến trước khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Việt Nam bấy giờ đang dưới sự bảo hộ của Pháp.

Gần đây nhất, cho dù đã nghỉ hưu và lâm bệnh, nhà nghiên cứu Phan Thuận An vẫn dành nhiều tâm sức trong việc lục tìm chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nhân duyên và trên hết là nỗ lực không ngưng nghỉ của ông đã dẫn đến phát hiện những hiện vật và hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh được đặt ở Thế Miếu trong Đại Nội.

Cửu Đỉnh là một bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm chín cái đỉnh uy nghi được Bộ Công đúc tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Đáng chú ý nhất ở đây là 153 hình ảnh được thể hiện xung quanh hông các đỉnh thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp và chủ quyền của Tổ quốc, bao gồm núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền...

Riêng về hình ảnh liên quan đến biển Đông được thể hiện tại Cao Đỉnh là trong ba đỉnh to nhất và quan trọng nhất.

Mặc dù đã bị đạn bắn thủng một lổ vào xuân 1968 nhưng đến nay chữ “Đông Hải” ở Cao Đỉnh vẫn tồn tại, góp phần khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam khi mà vấn đề biển Đông đã và đang trở thành vấn đề thời sự.

Lịch sử Việt Nam đã trải qua những trang bi hùng về đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hoàng Sa, Trường Sa là những vùng đất thiêng của Tổ quốc đang dấy lên trong lòng các thế hệ con dân đất Việt bao niềm hoài vọng và cả hoài bão, khát vọng về non sông một mối. Lịch sử luôn ghi khắc những sự thật. Hoàng Sa chưa về với đất mẹ là một thực tế. Và có một thực tế nữa rằng, tiếng vọng của lịch sử, khát vọng của dân tộc Việt về Hoàng Sa là một điều có thực và cần phải tiếp tục nuôi dưỡng. Đó là sự trân quý, gìn giữ của dòng họ Nguyễn Hữu làng An Nong và 45 họ tộc làng quê bên chân sóng Mỹ Lợi. Đó là tiếng nói lương tâm và ý thức dân tộc mãnh liệt của nhà trí thức Phan Thuận An, nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Là những cống hiến lặng thầm của các nhà nghiên cứu, nếu không có họ chắc gì những thư tịch cổ, những di chỉ dân gian theo quy luật sẽ bị gặm nhấm, bào mòn hoặc bị phân hủy bởi thời tiết và thời gian được sao dịch, đối chiếu nhằm góp phần khẳng định một điều chắc chắn rằng: Hoàng Sa là của Việt Nam!

Cũng nhờ tư liệu do nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cung cấp, chúng tôi không chỉ ghi lại hình ảnh của đảo Hoàng Sa trên Tuần báo ảnh Đông Dương cũng như loạt bài “Hoàng Sa du ký” do Saint Pires ghi lại trên tàu Amphrite rằng: “Vào năm 1701 Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền vương quốc An Nam”.

H.T & B.H
(SDB 6-12)








 




 

Các bài mới
Các bài đã đăng