Tạp chí Sông Hương - Số 23 (T.1&2-1987)
Truyền thuyết về một danh họa Trung Hoa
16:44 | 12/09/2012

VI KÝ

Vào đời nhà Tống ở Trung Hoa có danh họa Ngọc Phủ nổi tiếng là người vẽ tranh giỏi, khắp Trung Nguyên, ai ai cũng đều biết tiếng.

Truyền thuyết về một danh họa Trung Hoa
Ảnh: internet

Năm Ngọc Phủ mới hai mươi tuổi, ông đã được hoàng đế vời vào kinh để người ngự lãm tranh của danh họa. Chính tay của hoàng đế đã đề vào bức tranh của Ngọc Phủ bốn chữ: "Đệ nhất danh họa". Ngọc Phủ được nhà vua ban tặng ruộng đất vàng bạc thật hậu hĩ, sau khi ông vẽ xong bức chân dung hoàng đế. Ngày xưa mà thấy được mặt rồng của hoàng đế Trung Hoa mà lại là thường dân như Ngọc Phủ thì thật là hi hữu.

Sau khi được ban thưởng, Ngọc Phủ lui về lập điền trang ở bên dòng Tống Giang, ngày ngày ngắm cảnh vẽ tranh và dạy học trò. Ông có hơn ba ngàn môn đệ theo học, trong đó ông yêu nhất Trọng Nhân, một môn đệ tài năng.

Ngày tháng qua đi, tên tuổi càng nổi như cồn, người ta đồn rằng Ngọc Phủ đang ngồi bên bờ Tống Giang vẽ dòng sông với nước chảy, đìu hiu lau sậy phất phơ, đang say mê với cảnh chiều đông thì danh họa giật mình nghe tiếng sếu kêu, ông ngước mắt lên thấy một đàn sếu lớn đang bay, khi đàn sếu bay sang bên kia sông thì ở bờ bên này tranh của Ngọc Phủ đã thấy đầy một đàn sếu như thật cũng đang bay ngang sông. Tất cả môn sinh của Ngọc Phủ có mặt ở đấy đều kinh ngạc, tưởng chừng như đàn sếu không hề bay qua sông mà chúng đã bay vào tranh của Ngọc Phủ.

Tiếng đồn về tài vẽ nhanh và giống tuyệt vời của đệ nhất danh họa nhiều lần đến tai tả tướng Văn Thiên Tường, một người không những giỏi việc trị nước an dân mà còn nổi tiếng về tài văn thơ lịch lãm. Một hôm nhân đi xem xét tình hình ở Bắc Tống để lo việc cự địch với âm mưu thôn tính của đại đế Thành Cát Tư Hãn. Văn Thiên Tường đã giả dạng thường dân để đến nhà Ngọc Phủ tận mắt chứng kiến tài họa xuất chúng của Ngọc Phủ. Hôm ấy Ngọc Phủ đang vẽ cảnh mùa đông tuyết rơi trên sông Tống Giang, xem tranh đang giữa mùa hè nóng nực mà Văn Thiên Tường run lên vì cái lạnh của mùa đông trong bức họa. Thật là một danh họa hi hữu, cổ kim chưa hề thấy. Năm ấy, đã bốn mươi tuổi mà danh họa vẫn chưa nghĩ đến việc lập gia đình, Ngọc Phủ vẽ vô số tranh nhưng ông không bao giờ vẽ nữ nhân, không có một mỹ nữ nào có thể lọt vào đôi mắt họa sĩ khó tính của ông. Một lần người học trò yêu của ông là Trọng Nhân tìm được một bức họa của Tây Thi đưa cho ông xem, xem xong ông nói: Khuôn mặt thì có đẹp, sống mũi và môi đều đẹp duy chỉ có khiếm khuyết của đôi mắt làm hư cả khuôn mặt. Theo đệ nhất danh họa thì mặt Tây Thi thiếu hẳn cái hồn người nên cho vẻ đẹp của bà ta trở nên sắc và lạnh nên không thể coi đó là mỹ nhân được. Vì theo Ngọc Phủ mỹ nhân là người phải có đức hạnh và tâm hồn. Sau buổi nói chuyện với người học trò của mình, Ngọc Phủ có vẻ buồn, ông lên núi vẽ tranh và ở lỳ trên đó đến hết tuần trăng mới về. Biết tính thầy nên Trọng Nhân cũng không lấy gì làm lạ. Ngay từ thời trẻ, Ngọc Phủ đã yêu thích cuộc sống thanh đạm tiêu dao, bao nhiêu bạc tiền kiếm được ông đều đem giúp cho người nghèo quanh vùng, còn ông chỉ quen ăn những gì bà con đem đến cho. Biết ông thích uống trà ngon với hoa quả, nhiều người đã không ngại gian khổ leo lên tận đỉnh núi cao nhất vùng hái cho được thứ trà ngon nổi tiếng - Trà Tiên ông. Sở dĩ người ta gọi như vậy vì có truyền thuyết là thứ trà này do Thái Thượng Lão Quân trồng và chỉ uống khi đánh cờ với các tiên nữ của Thượng giới. Ngọc Phủ sống như một đạo sĩ thanh cao, nên người ta đồn là sở dĩ tranh ông đẹp là nhờ ông học được phép tiên. Nghe nói ông chỉ cười. Chỉ có người duy nhất nắm được bí quyết của ông đó là Trọng Nhân một môn đệ vừa có tài vừa có đức mà ông rất yêu. Ông dạy Trọng Nhân: "Muốn vẽ tranh phong cảnh phải sống như thiên nhiên, tâm trí không được vẩn đục, lòng phải thanh khiết như tuyết, trí phải tự nhiên, thanh thản vận động tự tại như gió trong trời đất, lúc ấy ta mới có thể vẽ nên tranh được". Nghe thầy nói Trọng Nhân mới hiểu vì sao ông sống thanh đạm ung dung tự tại như vậy. Sáng sớm nào Ngọc Phủ cũng dẫn học trò mình leo lên ngọn núi trong vùng. "Tinh thần người họa sĩ bao giờ cũng phải sảng khoái, mắt người họa sĩ phải tinh tường, rồi mới nói đến chuyện vẽ tranh". Đã hai mươi năm nay, sáng nào Trọng Nhân cũng cùng thầy dậy từ mờ sương để đi luyện đôi mắt biết nhìn màu sắc phong cảnh, trong khi ba ngàn môn đệ khác của Ngọc Phủ còn ngủ. Ngọc Phủ không bao giờ bắt ép học trò làm điều gì mà họ không muốn vì ông chủ trương trí não cần phải ung dung tự tại, tự vận hành như khí trời thì mới thành họa sĩ được. Trọng Nhân đã học được cách nhìn của thầy và một hôm Ngọc Phủ sai học trò yêu của mình đem bức họa hồi xưa hoàng đế đề tặng bốn chữ "Đệ nhất danh họa" mà ông thường treo trên tường xuống cất đi. Ông tuyên bố: Khi nào ta vẽ chưa hơn trời đất thì khi ấy ta chưa phải là Đệ nhất danh họa.

Lại ba mươi năm khổ công rèn luyện, thách thức với họa sĩ đất trời, mười năm nữa ta sẽ thành Đệ nhất danh họa.

Đã lục tuần rồi mà Ngọc Phủ vẫn còn tráng kiện như thanh niên, tóc đen tuyền, mắt sáng như sao, môi vẫn còn đỏ hồng, trông ông đúng là một bậc nam tử tuấn tú. Mọi người cho ông là người trời, cốt của ông là cốt tiên. Ông nói với Trọng Nhân người học trò luôn theo sát bên ông: Với ta khái niệm thời gian đã ngừng trôi, ta đã khiến được cái lý của ta thắng cái khí của vũ trụ.

Một hôm từ trên núi trở về nhà, Ngọc Phủ thấy một thiếu nữ nằm bất tỉnh bên đường, ông bèn sai Trọng Nhân đem về nhà phục thuốc chạy chữa. Đến mươi hôm sau cô gái mới tỉnh dậy, Ngọc Phủ hỏi han gì cô gái cũng không trả lời, chỉ ú ớ đáp lại. Mãi sau ông hiểu rằng cô gái bị câm, lòng ông buồn rười rượi, cô gái có một sắc đẹp thật lạ lùng, nhất là đôi mắt thiếu nữ thì không sao tả nổi, ông buồn - buồn vì mình không phải là lương y, ông là Đệ nhất danh họa chứ không phải "Đệ nhất y sư" như Hoa Đà, Biển Thước để chữa chạy cho cô gái. Không biết tên cô gái là gì, ông bèn đặt cho cô gái một cái tên mới là Thiên Thanh - Thiên Thanh là màu xanh da trời - màu ông ưa thích nhất. Ông hỏi cô gái có thích cái tên mới ấy không, cô ta gật đầu, từ đó thiếu nữ mang tên Thiên Thanh, mà ông hay gọi yêu là nàng Tiểu Thanh. Từ ngày có Tiểu Thanh cuộc sống của danh họa vui hẳn lên, ông sai Trọng Nhân điều khiển các môn đệ khác lên núi học vẽ còn ông ở nhà nói chuyện cho Tiểu

Thanh bớt buồn, ông dự định vẽ Tiểu Thanh vào một dịp thuận tiện.

Một hôm ông cùng Tiểu Thanh ra bờ sông lấy nước, chiều mùa thu ven sông hiu hắt, những cây ngô đồng vàng bên kia sông làm người ta nhớ đến nàng Tây Thi kiều diễm ngày xưa đã xây lâu đài của mình và cho trồng ngô đồng xung quanh. Khói lam chiều nhẹ bốc lên bên kia sông nơi những mái nhà tranh hiền hòa, lòng danh họa xao xuyến buồn. Chợt Tiểu Thanh buông thùng gỗ và òa khóc, tiếng khóc không lời chỉ nghẹn ngào trong họng thiếu nữ bị câm, lệ rơi lã chã. Ngọc Phủ vội vã đem Tiểu Thanh về nhà, ông không rõ sự làm sao mà cô khóc. Danh họa cầm lấy bút vẽ Tiểu Thanh trong khi đôi mắt nàng thổn thức. Bức họa được vẽ rất công phu, đây là lần đầu tiên Ngọc Phủ vẽ một người con gái và Tiểu Thanh với sắc đẹp tuyệt trần, xứng đáng được ngọn thần bút của Ngọc Phủ miêu tả. Trong hội họa thời xưa các danh họa khi vẽ người cũng như những sinh vật sống động đều chú trọng bậc nhất vào thuật "điểm nhãn", điểm nhãn có thành công thì bức họa mới sống được. Với ngọn thần bút của Ngọc Phủ thì việc ấy đối với ông không có gì là khó, bức tranh diễn tả vẻ não nùng của thiếu nữ thật đạt, ai nấy đều xúc động trước sắc đẹp và nỗi buồn trong mắt nàng Tiểu Thanh. Duy có Ngọc Phủ là không hài lòng, ông thấy ngọn bút của mình chưa diễn tả được đôi mắt ấy với ông vẫn là niềm bí ẩn lớn, ông buồn khôn xiết. Mặc cho bao nhiêu người ca tụng bức họa, ngay cả ba ngàn môn đệ của ông cũng hết lời xưng tụng, coi sư phụ mình là vị thần hội họa. Ông bỏ ra một tháng trời suy gẫm lại xem có thật là ông vẽ chưa đạt không, hay là ông khó tính với mình quá. Cuối cùng ông cho gọi Trọng Nhân đến hỏi ý kiến người đồ đệ cưng của mình. Trọng Nhân nghe thấy hỏi ngồi yên lặng một ngày trời không đáp, đến gần tối Trọng Nhân mới sụp xuống lạy thầy: "Bạch sư phụ, sự phụ là bậc danh họa xưa nay không ai có thể sánh cùng, con được theo học với sư phụ quả là phước lớn trời ban, nhưng bức họa Tiểu Thanh quả là sư phụ vẽ không đạt, sư phụ không diễn được đôi mắt nàng. Nghe Trọng Nhân xét đúng điều ông còn nghi ngờ, Ngọc Phủ đỡ Trọng Nhân dậy, ngửa mặt lên trời than rằng: "Năm chục năm xứng đáng là Đệ nhất danh họa trong trời đất tưởng không việc gì là không làm nổi, nay chỉ có một đôi mắt mà vẽ không nổi thì sống mà làm gì nữa". Nói rồi Ngọc Phủ ôm mặt khóc ròng. Trọng Nhân phải cố an ủi thầy. Sau một hồi nguôi nguôi, Ngọc Phủ ôm Trọng Nhân cười ha hả: "Thật không uổng công ta dạy dỗ, con đã thành tài, có thể nối nghiệp ta được ". Trọng Nhân vội quỳ xuống tạ ơn thầy. Ngọc Phủ bảo Trọng Nhân đứng lên. Con đã luyện được cặp mắt thần, từ mai con có thể vẽ được, còn ba ngàn môn đệ phàm tục kia ta sẽ cho về quê quán làm ăn.

Về nhà Ngọc Phủ cho gọi tất cả các môn đệ đến, ông nói cho họ biết là giờ đây ông không còn gì để dạy họ nữa, họ có thể về quê quán làm ăn được rồi. Truyền xong Ngọc Phủ mở rương lấy tiền chu cấp cho mỗi đệ tử một ít làm tiền lộ phí, mọi người lạy tạ lui ra, Ngọc Phủ chỉ giữ Trọng Nhân lại. Hôm sau danh họa bệnh nặng, ông không ăn uống gì, nằm im bất động, chỉ có đôi mắt là còn thấy sự sống. Trọng Nhân và Tiểu Thanh cố lo chạy thuốc thang phụng dưỡng, nhưng không kết quả, sau nhờ một danh y nổi tiếng ra tay bệnh mới thuyên giảm. Danh y xem mạch và cho biết là Ngọc Phủ vì suy nghĩ về một điều gì đó quá lớn lao mà tâm huyết hao tổn, khí huyết đảo ngược sinh ra bán thân bất toại, để chữa khỏi ông tặng cho danh họa một viên linh dược mà ông khổ công tìm tòi kiếm thuốc ròng rã mười năm trời trên dãy Bạch Sơn tuyết phủ, mới chế được. Nhưng muốn cho người bệnh uống được mau lành, thuốc phải hòa với máu của thanh nữ mà uống thì bệnh mới giảm, Tiểu Thanh tình nguyện lấy máu mình làm thuốc để tiếp thêm khí huyết cho danh họa mau bình phục. Sau khi uống xong viên linh dược nọ, một tuần sau danh họa bình phục. Nghe chuyện Tiểu Thanh hiến máu cho mình ông rất cảm động.

Để tỏ lòng quý trọng Tiểu Thanh, ông xin được cưới nàng làm vợ, Tiểu Thanh bằng lòng, bà con thôn xóm đến dự đám cưới rất đông, ai cũng mừng cho danh họa lấy được người vợ, vừa hiền thục, vừa đẹp như Tiên Nga giáng thế.

Cuộc sống của Ngọc Phủ với Tiểu Thanh rất đầm ấm, có thêm Trọng Nhân người đồ đệ tận tụy trung thành cuộc sống càng thêm vui vầy. Nhưng chỉ được ít lâu sau, nỗi buồn về bức họa hôm nào lại canh cánh trong lòng Ngọc Phủ. Một hôm có người khách lạ ở phương xa đến chơi thấy vợ chạy ra mừng đón, Ngọc Phủ lấy làm lạ khi hỏi ra thì mới biết là ông khách lạ kia là người cùng quê với Tiểu Thanh. Mừng rỡ Ngọc Phủ mời khách vào nhà làm cơm khoản đãi, rồi hỏi thăm chuyện gia đình vợ mình. Nghe khách kể Ngọc phủ mới biết rằng Tiểu Thanh quê ở mãi vùng Nam Tống, khi quân của Thành Cát Tư Hãn tràn đến, thôn trang của Tiểu Thanh bị đốt rụi, đàn ông trai tráng đều bị bắt đi, còn đàn bà thì bị làm nhục, thấy Tiểu Thanh đẹp, một tướng giặc định đem về làm tì thiếp. Không chịu mang nhục với tiếng giao thân với ngoại bang Tiểu Thanh cắn lưỡi tự tử. Tưởng rằng cô đã chết tướng giặc bỏ cô lại bên ngôi nhà cha mẹ cô, nơi chỉ còn là một đống tro tàn rồi tiếp tục xua quân đuổi theo binh Tống lúc ấy đã qua sông. Khi bà con trở về thấy Tiểu Thanh còn thoi thóp, bèn hết lòng chạy chữa cô qua khỏi, nhưng từ đó cô đờ đẫn hẳn đi, chiều nào cũng đi lang thang tìm cha mẹ, cô đâu có biết rằng thân sinh của cô đã bị giặc bắt đi, làm phu dịch cho quân của Thành Cát Tư Hãn và đã chết vì không chịu được đòn của bọn rợ Mông. Phiêu bạt mãi cô xa rời Nam Tống xuôi về Bắc Tống và gặp Ngọc Phủ. Người khách còn cho biết người anh trai của Tiểu Thanh trước kia bị giặc bắt, nay đi trốn được và về quê nhà và đang đi tìm em gái. Nghe xong câu chuyện về vợ Ngọc phủ mới vỡ lẽ ra rằng vì sao ông không vẽ nổi mắt vợ ông. Ngọc Phủ đã học được cách nhìn thiên nhiên, nhưng ông chưa học được cách nhìn con người.

Sau khi được biết cô còn một người anh trai ở quê nhà, Ngọc Phủ ngỏ với vợ muốn về quê Tiểu Thanh tìm gặp người anh của cô để mời anh vợ đến đoàn tụ với Tiểu Thanh. Vợ ông nghe nói rất mừng, liền đồng ý ngay. Ngọc Phủ sửa soạn hành trang, dặn dò đệ tử của mình là Trọng Nhân ở lại chăm sóc Tiểu Thanh thật chu đáo, ông đi ít lâu sẽ về.

Lần đầu tiên kể từ khi được hoàng đế ban thưởng, Ngọc Phủ rời thôn trang bên bờ Tống Giang của mình để thực hiện một chuyến đi xa. Cảnh sắc trên đường thật đẹp, lòng danh họa dạt dào, cảm xúc, nhưng càng đi gần về Bắc Tống, cảnh xóm thôn càng xơ xác tiêu điều, đôi khi Ngọc Phủ đi qua một thôn trang còn đang bốc khói vì ngọn lửa của rợ Thát Đát. Miền Bắc Tống luôn bị những cuộc thôn tính của Thành Cát Tư Hãn quấy nhiễu, đời sống dân tình khổ sở, Ngọc Phủ gặp từng đoàn người chạy giặc, đàn bà em nhỏ bủng beo, xanh xao vì đói, lòng Ngọc Phủ quặn đau. Cuộc chiến tranh giữa Tống với rợ Thát đang bước vào giai đoạn triều đình Tống Bang chỉ còn biết lui dần từng bước cho vó ngựa thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn chiếm hết miền này đến miền khác, Bắc Tống có nguy cơ mất vào tay giặc Mông, về đến quê hương của Tiểu Thanh thì xóm làng của cô đã tan tác một lần nữa vì vó ngựa hung hãn của Thành Cát Tư Hãn. Xóm thôn không có một bóng người, chờ mãi không gặp ai để hỏi thăm, ông buồn rầu trở về. Trên đường về không may ông bị rơi vào tay giặc Mông. Không cần biết ông là Đệ nhất danh họa, chúng bắt ông sung vào đoàn phu tạp dịch phục vụ cho tham vọng làm chủ Trung Nguyên của Thiết Mộc Chân. Năm năm trời Ngọc Phủ chịu cảnh đòn roi, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, giữa tiết trời đông giá lạnh căm căm, lại phải chứng kiến hàng ngàn cuộc tảo phạt, đốt phá xóm làng quê hương ông của giặc Thát. Lòng căm thù trong ông bừng bừng trào lên, lại thêm vào đó nỗi nhớ quê hương và vợ tha thiết, ông buồn rầu. Mặt trời đối với ông giờ đây không còn đẹp nữa, lúc nào cũng ảm đạm trong sương mù, trong khói từ những thôn trang bị giặc đốt bốc lên, đến cả dòng sông đối với ông giờ đây cũng chỉ như máu dân làng bị tàn sát. Năm năm chiến tranh loạn lạc trôi qua, Ngọc Phủ đã da nhăn tóc bạc, nỗi cơ cực lẫn với niềm thông cảm trước nỗi khổ của nhân dân làm mắt ông không còn sáng như xưa nữa mà đượm buồn màu tro xám. Một lần ra sông lấy nước cho ngựa uống, lợi dụng sự sơ hở của quân canh Ngọc Phủ trốn đi, xuôi dọc theo dòng sông, Ngọc Phủ tìm đường về quê nhà. Đến thôn trang lòng ông chết lặng đi: xóm thôn không một bóng người, những ngôi nhà bị giặc đốt giờ chỉ còn là đống tro tàn nguội lạnh. Chiến chinh đã tràn cả về đây, theo trí nhớ ông lần mò về nền nhà cũ, tim ông đập rộn lên vì sung sướng khi thấy một túp lều bé nhỏ dựng lên trên tro than. Bước vào lều ông gặp một người đàn ông, tóc giờ cũng đã điểm bạc, hồi lâu ông mới nhận ra đó là Trọng Nhân - người học trò năm nào. Hai thầy trò gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Thấy thầy đưa mắt nhìn quanh lều như kiếm ai, Trọng Nhân đoán ra ý thầy, nước mắt rưng rưng, lặng lẽ dắt tay thầy ra ven sông chỉ vào nấm mồ bé nhỏ: Đây là nấm mồ của một kiếp hồng nhan. Chết lặng cả người, Ngọc Phủ ngồi yên lặng, toàn thân bất động, trong khi Trọng Nhân kể cho thầy nghe về ngày rợ Thát tràn vào thôn trang chém giết không chừa một ai, chỉ có Trọng Nhân hôm ấy lên núi vẽ tranh nên thoát chết. Ngọc Phủ nghe được tiếng còn tiếng mất, ngay cả tin giặc còn đóng trại bên kia sông, ông vẫn không quan tâm. Tâm trí ông để hết vào hình bóng người vợ hiền yêu quí. Ông ra hiệu cho Trọng Nhân đưa bút vẽ. Trọng Nhân vội dâng lên sư phụ bút vẽ và một tấm lụa trắng tinh, những thứ mà Trọng Nhân luôn đem theo người để vẽ. Bút vẽ trong tay Ngọc Phủ thoăn thoắt đưa thoáng một lúc, Tiểu Thanh trong tranh đã hiện lên như thật, Ngọc Phủ khẽ nhắm nghiền mắt lại một lát để hình dung lại đôi mắt đau khổ của vợ, đôi mắt mà ông đã từng gặp ở rất nhiều phụ nữ và trẻ thơ trên con đường chiến chinh ông đã trải qua, và chính mắt ông cũng phảng phất nỗi buồn của vợ. Mở mắt ra, sau một cái rùng mình thật nhẹ, Ngọc Phủ vẽ đôi mắt của vợ, lần này thuật điểm nhãn của ông đã đạt độ xuất thần, đôi mắt người phụ nữ trong tranh buồn không bút mực nào tả xiết. Tiểu Thanh như đang sống, như đang ngước cặp mắt đau khổ đờ đẫn nhìn về phương xa đợi chồng. Trước thần bút của sư phụ, Trọng Nhân sụp xuống chân thầy mà không dám thốt lên một lời nào. Ngọc Phủ bắt vào vẽ dòng Tống Giang, dòng sông trong Hoàng hôn như màu máu, bên kia sông những xóm làng bốc cháy ngùn ngụt, cảnh điêu linh của Tống trong năm năm trời Ngọc Phủ nếm trải được huy động hết vào tranh với ngọn bút thần của Đệ nhất danh hoạ. Bức tranh thật xúc động đến nỗi Ngọc Phủ phải choáng váng ngây người ra. Hai thầy trò chỉ tỉnh giấc khi tiếng vó ngựa rầm rập khua lên rất gần. Vừa ngẩng lên thì hàng ngàn kỵ binh hộ tống một tên tướng oai phong lẫm liệt đã đến trước mặt. Quả là những chiến binh giỏi nhất Trung Nguyên. Vó ngựa lướt nhanh như gió. Trước mặt Ngọc Phủ là Thành Cát Tư Hãn con người nổi danh dũng mạnh về hung bạo. Thành Cát Tư Hãn dùng ngọn giáo nâng bức tranh lên xem, đoạn khen: Quả không hổ danh là Đệ nhất danh họa. Không để Ngọc Phủ kịp đáp, hoàng đế tiếp: nhưng đáng tiếc là lão phu lại đi vẽ con tiện dân xấu xí này, nếu người theo ta về cung ta sẽ cho phép kiến diện để vẽ thứ phi Linh Sa, bà hoàng đẹp nhất trong các bà hoàng của ta.

Ngọc Phủ khẳng khái đáp lời Thành Cát Tư Hãn: đáng tiếc là tại hạ không thể vâng lệnh hoàng đế được.

- Sao? Thành Cát Tư Hãn nhướng mày.

- Tại hạ không thể vẽ giặc.

- Cha chả, quân! chém lão tặc cho ta! Thiết Mộc Chân quát binh lính.

Sáu, bảy tùy tướng của Thành Cát Tư Hãn xúm vào Ngọc Phủ.

- Khoan - Trọng Nhân bước ra, - Sư phụ ta sẽ vẽ, các người hãy tha chết cho sư phụ ta.

Hoàng đế đồng ý, rồi lệnh cho Ngọc Phủ cùng đệ tử sửa soạn đến ra mắt thứ phi Linh Sa, người lúc nào cũng theo sát hoàng đế lúc xông pha trận mạc.

Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa cùng các tùy tướng bỏ về trại bên kia sông để báo cho thứ phi sửa soạn, sau khi lệnh cho binh lính đưa hai thầy trò sang sông sau.

- Không, ta không vẽ con nữ tặc ấy - Ngọc Phủ quát lên với đệ tử. Trọng Nhân im lặng, cúi đầu không dám hó hé một tiếng.

Sẵn bút vẽ mà lòng thì đang giận dữ, Ngọc Phủ vẽ ngay Thành Cát Tư Hãn vào tranh, những ngọn lửa của những ngôi nhà bốc cháy, nay bung lên bao vây hắn, đuổi theo hắn ra bờ sông, trong dòng Tống Giang tung bọt sóng trắng xóa giận dữ truy cản bước ngựa đang trốn chạy của Thành Cát Tư Hãn. Bức tranh từ chỗ buồn thảm thê lương, nay đổi thành căm giận báo hiệu ngày tàn của bạo chúa đang điểm. Bọn giặc định hối thúc thầy trò Trọng Nhân đi sang sông cho mau, hoàng đế đang đợi. Nhưng Trọng Nhân cương quyết ngăn cản không để giặc đụng đến sư phụ mình trong khi ông đang múa ngọn thần bút. Không dám đụng đến thầy trò danh họa vì đã có lệnh hoàng đế phải đối xử tốt với thầy trò Ngọc Phủ, bọn lính đành cho người sang sông báo cho Thành Cát Tư Hãn biết. Khi Thành Cát Tư Hãn đến thì bức tranh đã được vẽ xong. Nhận ra thâm ý của bức tranh, hoàng đế tức giận bắt Ngọc Phủ phải vẽ thay vào hình ảnh của mình hình ảnh Văn Thiên Tường, người đang lãnh đạo nhân dân Tống kháng chiến chống Thành Cát Tư Hãn. Ngọc Phủ nhất định không nghe. Bạo chúa gầm Iên: Kẻ nào chống lại ta, kẻ đó phải chết. Vó ngựa của ta lướt đến đâu cỏ không mọc được đến đó, quân của ta có thể chạy đua cùng mặt trời từ Đông sang Tây, người người đều qui phục ta, duy chỉ có người, một lão già còm cõi lại dám láo xược, ngươi phải chết. Trong cơn giận dữ Thành Cát Tư Hãn rút gươm chém đầu Ngọc Phủ, đầu ông rơi xuống đất mà thân ông vẫn đứng thẳng, máu phun ra như suối.

Bọn rợ Thát thấy đều hoảng kinh. Thành Cát Tư Hãn ra lịnh cho lính sang sông, nhổ trại. Lần đầu tiên trong cuộc đời chinh chiến dày dạn hoàng đế cảm thấy mệt mỏi.

Bên sông chỉ còn mình Trọng Nhân bên xác thầy. Trọng Nhân ôm lấy thầy khóc ngất. Khi trời tối, Trọng Nhân lặng lẽ đào huyệt chôn sư phụ, bên nấm mồ Tiểu Thanh bây giờ có thêm nấm mồ xấu số nữa. Hai nấm mồ nằm kề bên nhau bên bờ Tống Giang nghìn năm rì rầm nghe sóng hát, lau sậy khua áng nhạc buồn xào xạc, đìu hiu.

Sau khi chôn cất thầy xong, Trọng Nhân cuốn bức tranh giờ đây vấy đầy máu thầy vào người bỏ đi đâu không biết.

Người ta truyền rằng sau này Trọng Nhân có vẽ lại vô số bức tranh của thầy, tài hoa cũng chẳng thua kém gì Ngọc Phủ. Những bức tranh như vậy lưu truyền trong dân gian nuôi dưỡng lòng căm thù và niềm tin chiến thắng của nhân dân Trung Hoa đối với sự bạo tàn của Thành Cát Tư Hãn.

Đến đầu thế kỷ XX, sau khi vương triều của Thành Cát Tư Hãn đã sụp đổ mấy trăm năm về trước, có một người đem đến cho nhà văn cách mạng Lỗ Tấn một phiên bản bức tranh trên, và kể lại câu chuyện về Ngọc Phủ. Lỗ Tấn thấy bức tranh cũng không có gì đẹp như người ta vẫn đồn đại về tài họa của Ngọc Phủ, hơn nữa truyền thuyết lại có nhiều đoạn hoang đường không đúng với sự thật lịch sử. Nhưng tư tưởng của bức tranh làm ông thích, ông đem treo bức tranh ở phòng làm việc của mình. Một vài đồng nghiệp của Lỗ Tấn tỏ ý trách ông sao lại tin vào câu chuyện hoang đường bịa đặt mà đi treo bức tranh tầm thường ấy. Lỗ Tấn trả lời tất cả: Cái chính là tư tưởng.

Sau khi Lỗ Tấn qua đời, bức họa rơi vào tay một người Pháp say mê sưu tầm tranh cổ Trung Hoa, bức tranh được đem về viện bảo tàng tranh ở Paris. Trong đệ nhị thế chiến quân đội Hitler chiếm đóng nước Pháp, bọn Đức lấy đi nhiều tranh quí của viện bảo tàng Pháp, còn bức tranh của Ngọc Phủ thì bị bọn SS - Ngự lâm quân của Hitler dùng tiểu liên bắn nhiều lỗ. Sau chiến thắng của phe Đồng minh đối với bọn phát xít Hitler người ta mời hai mươi nhà danh họa lớn ở Châu Âu và nhiều nhà cổ học Phương Đông đến khôi phục lại bức tranh. Cho đến nay người ta vẫn không biết câu chuyện về Ngọc Phủ có thật hay không, hay đây chỉ là một truyền thuyết hư cấu của dân gian.

Năm 1973, dưới sự bảo trợ của cơ quan phát triển văn hóa Liên Hiệp Quốc, triển lãm tranh của các danh họa chống chiến tranh, lần đầu tiên bức tranh của Ngọc Phủ ra mắt công chúng Nhật Bản. Mọi người đều sửng sốt vì tài họa và tính tư tưởng của tác giả. Người ta gọi Tiểu Thanh trong tranh là Đức Mẹ phương đông, Thành Cát Tư Hãn là vị thần bạo lực, còn danh họa Ngọc Phủ được xem như là Picasso thời cổ đại.

V.K.
(SH23/01-87)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)