Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Phát hiện văn bản Hán Nôm cổ cách đây 546 năm tại Phong Điền Thừa Thiên Huế
10:02 | 26/01/2010
NGUYỄN THẾPhong Điền là huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa của các thời kỳ. Sự kiện đáng ghi nhận gần đây là việc tìm thấy trống đồng cổ Đông Sơn có niên đại từ thế kỷ 2- 1 trước công nguyên, di tích văn hóa Chăm Pa, văn hóa Việt cổ... đã tạo sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.
Phát hiện văn bản Hán Nôm cổ cách đây 546 năm tại Phong Điền Thừa Thiên Huế
Dấu kiềm trên văn bản niên hiệu Đại Hòa thứ 9 (1451) - Ảnh: lichsuvn.info

Gần đây, trong một đợt đi điền đã khảo cứu các văn bản Hán Nôm trên địa bàn huyện Phong Điền, chúng tôi đã phát hiện một văn bản Hán Nôm cổ được viết từ thời Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa thứ 9, tức vào năm 1452, cách đây 546 năm. Đây là văn bản cổ nhất được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế dưới dạng bản gốc, ra đời trước tác phẩm Ô Châu Cận Lục hơn 100 năm. Mặc dù đây chỉ là một tư liệu địa bạ cổ xác định việc khai canh và quyền sở hữu ruộng đất của một tập đoàn người. Song các nội dung về niên đại, địa danh cổ... sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm một phần nào về vùng đất Hóa Châu xưa của thời di dân mở nước.

ĐẶC ĐIỂM VÀ NỘI DUNG VĂN BẢN

Văn bản được viết trên giấy dó, có khổ rộng 42cm x 26,5cm. Mặt sau được dán bồi thêm một lớp giấy dó khác có khổ rộng và dày hơn mảnh bản gốc. Phần nếp gấp ở giữa văn bản gốc bị rách, mất một số nét và chữ, nên được người đời sau viết lại trên phần giấy bồi. Toàn văn bản có 21 dòng, 567 chữ, không tính ở lề bên phải có viết thêm 4 chữ (Khám cấp Ma Nê) (Chữ Nê ở đây có bộ thủy, còn chữ Nê trong văn bản không có bộ thủy). Văn bản được viết theo lối chữ chân, chủ yếu là chữ Hán, một số địa danh và tên người được viết bằng chữ Nôm.

            Tạm dịch:

Lộ Thuận Hóa, Châu Hóa, Tán Trị Thừa Chính sứ ty khám cấp ruộng biền hoang bãi nổi.

Năm Đại Hòa thứ 7 (1450), ngày mồng năm tháng chạp. Căn cứ vào việc Lê Cạnh, xã trưởng xã Đa Cảm, huyện Trà Kệ, châu Hóa, lộ Thuận Hóa, cùng với Đoàn Túy (?), Lê Cán, Võ Thát, Lê Lực, Nguyễn Văn Lỗ, Đoàn Luyện, Đoàn Cù, Bùi Thị, Đoàn Văn Quí, Đoàn Văn Tỷ cùng với Đoàn Văn Kỳ, Nguyễn Ý, Lê Văn Độc, Hồ Đức Tuyền, Nguyễn Cự Lộng, Phùng Văn Hý, Lê Bái, Hồ Đồi, Đoàn Văn Thi cùng Trần Tử Kỳ (?), Lê Hiến, Lê Văn Quế, Phan Chó Con.

Nhân bởi (đất đai) trong xã hẹp, người đông (mà) ruộng ít. Biết được trong huyện có số biền hoang bãi nổi (đã từng) thành ruộng nhưng không có người đến canh tác. Lê Cạnh, Đoàn Túy (?), Lê Văn Quí, Phan Chó Con lập tờ trình báo cáo với quan huyện sở tại, xin ra sức khẩn hoang, canh tác thành thục và nộp thuế. Huyện quan chấp thuận việc đến canh khẩn ruộng tại xứ đồng Ma Nê, Đông Tây tứ phía tổng cộng hơn một trăm mẫu. Phê giao cho Lê Cạnh, Đoàn Túy (?), Lê Văn Quế, Phan Chó Con (cùng với những người trong nhóm) được khẩn hoang, canh tác thành thục và nộp thuế như lệ định.

Đến ngày mồng mười tháng 8 năm Đại Hòa thứ 9 (năm 1452), Lê Cạnh, Đoàn Túy (?), Lê Cán, Võ Thát, Lê Lực, Nguyễn Văn Lỗ, Đoàn Luyện cùng Đoàn Cù, Bùi Thị, Đoàn Văn Quí, Đoàn Văn Tỷ, Đoàn Văn Kỳ, Nguyễn Ỹ, Lê Văn Độc, Hồ Đức Tuyền, Nguyễn Cự Lộng cùng Phùng Văn Hý, Lê Bái, Hồ Đồi, Đoàn Văn Thi, Trần Tử Kỳ (?), Lê Hiến, Lê Văn Quế, Phan Chó Con có tờ trình. Thừa Ty cùng quan huyện đích thân đến xứ ruộng này xem xét và đo đạc Đông Tây tứ phía y như Lê Cạnh, Đoàn Túy (?) Lê Văn Quế, Phan Chó Con (cùng với mọi người) đã trình báo. Ngoài việc chấp thuận tờ trình làm bằng chứng cho số ruộng này, (các quan) đã thiết lập và phân định mốc giới.

Cấp giao cho Lê Cạnh, Đoàn Túy (?), Lê Văn Quế, Phan Chó Con (cùng với những người đã tham gia) được quyền canh tác trên hơn trăm mẫu ruộng ở xứ đồng Ma Nê. (Số ruộng này) được đăng ký vào sổ điền của xã. Được quyền để lại cho con cháu canh tác và nộp thuế như lệ định. Vậy nên cấp giấy này để làm bằng.

Kể như sau:

Khám xét và cấp xứ ruộng Ma Nê tổng quát là một trăm mẫu, bảy sào, tám thước, hai tấc.
Phía Đông, một trăm sào giáp với xã Đàm Bổng.
Phía Tây, một trăm sào giáp với xã An Triền.
Phía , một trăm sào giáp bến Thu (bến Su)
Phía Bắc, một trăm sào, bảy thước, tám tấc giáp Đại Giang.

Cấp giao cho:

Những người khai canh: Lê Cạnh, Đoàn Túy (?), Lê Văn Quế, Phan Chó Con cùng những người tham gia đều được như vậy.

Ngày 8, tháng 12, năm Đại Hòa thứ 9 (tức năm 1452).
                                    (Quan) Đối Đồng Lại: Trần Thăng.


            Hoàn cảnh nơi phát hiện văn bản:
Văn bản được phát hiện cùng với một số văn tự, khế ước... khác (có niên đại từ trên 2-3 trăm năm) tại nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thừa - Huế. Nhà thờ này có từ lâu đời  và được xây dụng kiên cố vào năm Tự Đức thứ 34 tức vào năm 1882, cách đây 116 năm. Hiện  vẫn còn bảng gỗ ghi ngày tháng xây dụng gắn ở đòn tay thượng tích của nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ còn giữ được kiến trúc xưa nhất ở Phong Điền và là nơi còn bảo lưu được nhiều hiện vật gỗ có giá trị, những đồ án, hoa văn, họa tiết đặc trưng tiêu biểu của làng nghề điêu khắc truyền thống Mỹ Xuyên.

            Những giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử:

- Về niên đại, niên hiệu:

Đây là văn bản Hán Nôm xưa nhất được tìm thấy ở Thừa Thiên - Huế. Niên đại được ghi ở phần cuối văn bản: (Đại Hòa cửu niên, thập nhị nguyệt, sơ bát nhật). Tức là vào ngày 8 tháng 12 năm 1452 vào triều Lê Nhân Tông, cách đây 546 năm.

Điểm đặc biệt ở văn bản này, niên hiệu của vua Lê Nhân Tông được ghi là “Đại Hòa”, chứ không phải là “Thái Hòa” như các biên niên và sử liệu thường ghi. Khi nghiên cứu về lịch sử Việt , một số nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản đã có ý kiến cho rằng: Niên hiệu của vua Lê Nhân Tông là Đại Hòa chứ không phải là Thái Hòa. Sở dĩ có niên hiệu Thái Hòa là do sự nhầm lẫn từ bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của triều Nguyễn soạn vào năm 1884. Vấn đề này đã được nhà nghiên cứu YAOTAKAO giảng viên trường đại học OSAKA Nhật Bản trình bày cụ thể trong bài viết: "Khảo sát về niên hiệu vua Lê Nhân Tông là Đại Hòa chứ không phải là Thái Hòa" đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 4(287) năm 1996 (trang 47 - 53). Như vậy, niên hiệu "Đại Hòa" ghi ở văn bản này là một bằng chứng góp thêm cho việc xác định niên hiệu của vua Lê Nhân Tông.

Về địa danh:

- Lộ Thuận Hóa: là địa danh được đặt vào thời Lê sơ, thuộc đạo Hải Tây. Trước đó, vào kỷ thuộc Minh gọi là phủ Thuận Hóa. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt làm Thừa Tuyên Thuận Hóa. Năm Hồng Đức 21 (1490) đổi thành xứ Thuận Hóa. Đến đời Hồng Thuận (1509 - 1516) gọi là trấn Thuận Hóa. Lộ Thuận Hóa bao gồm hai châu là châu Thuận và châu Hóa.

- Huyện Trà Kệ: Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: Theo Thiên hạ quận quốc lợi binh thư chép: Nhà Minh năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404)... Châu Hóa có bảy huyện là: Lợi Rồng, Sĩ Vang, Sạ Lệnh, Trà Kệ, Tư-Dung, Bồ Đài và Bồ Lãng.

Thiên dư hạ tập đời Lê Thánh Tông chép: "Phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa Thừa tuyên có sáu huyện là: Kim Trà, Đan Điền, Hải-Lăng, Võ Xương, Tư Vang và Điện Bàn".

Đến đời Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng) đổi huyện Kim Trà thành huyện Hương Trà.

Một văn bản khác được tìm thấy ở đây (nhà thờ họ Lê Văn) lập vào năm Hoàng Định thứ 20 (1619) ghi địa danh là: Triệu Phong Phủ, Hương Trà huyện...

Như vậy, Trà Kệ là một trong bảy huyện được đặt đầu tiên ở châu Hóa. Sau này đổi thành Kim Trà rồi Hương Trà. Huyện Phong Điền (nơi phát hiện văn bản) được thành lập từ một phần đất của hai huyện Hương Trà và Đan Điền vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834).

- Xã Đa Cảm: Trước đây, trong dịp về sưu tầm văn hóa dân gian tại làng Mỹ Xuyên, chúng tôi đã chép được một bài văn tế cô hồn xưa của làng. Đoạn mở đầu của bài văn tế như sau: "Ô hô! Đa Cảm, Dỏng-Xuyên trăm năm còn tạc thẻ, Mỹ Xuyên đây, Mỹ Cang đó mới một bộ mà phân đinh. Cũng đất Đồng Hầm, cũng đồng Kẻ Né. Cũng một đời qua cũng trăm năm lẻ...". Qua việc phát hiện các văn bản Hán Nôm cổ ở nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên, đối chiếu với nội dung các địa danh trong bài văn tế cổ và các tư liệu lịch sử, chúng tôi đã "giải mã" và hệ thống được địa danh của làng này qua các thời kỳ như sau:

- Thời Trần, Hồ, Lê sơ trung hưng làng có tên là: Đa Cảm. - Giữa thời Lê trung hưng làng đổi tên là: Dỏng Xuyên. (Trong một văn bản khác được tìm thấy ở đây, thuộc niên đại Hoàng Định thứ 20 tức vào năm 1619, cách đây 379 năm nói về việc tranh chấp về nguồn lợi lâm sản giữa hai làng Phúc Giang (nay là Phước Tích) và làng Dỏng Xuyên, nay là làng Mỹ Xuyên.

- Cuối thời Lê làng mang tên: Dỏng Cảm (theo Ô Châu cận lục)

- Thời Chúa Nguyễn đổi thành Đạm Xuyên thuộc tổng Phù Trạch. (Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn)

- Thời vua Gia Long làng được đổi thành Mỹ Xuyên. (Theo Đại nhất thống chí, mục viết về trạm Thừa Mỹ ở đây: (Đầu đời Gia Long gọi là trạm Mỹ Xuyên...)

- Vào thời Tự Đức, làng được chia đôi thành Mỹ Xuyên Mỹ Cang. Trong một văn tự phân định đất đai lập năm Tự Đức thứ 12 (1859) ghi rõ địa danh Mỹ Xuyên xã, Mỹ Cang thôn. Điểm đặc biệt là chữ Mỹ trong Mỹ Xuyên có bộ thủy còn chữ Mỹ trong Mỹ Cang không có bộ thủy. Ngôi chùa làng ở đây được gọi là chùa Song Mỹ.

Ngoài các tên của làng Mỹ Xuyên qua các thời kỳ nêu trên, làng còn có tên là làng Hói (tên này đến nay vẫn còn có người gọi). Chúng tôi có sưu tầm một số câu nói về làng Hói:

                        Làng Hói nay, làng Đa Cảm ngày xưa.
                        Non nước ngàn thu hãy còn tạc thẻ...

Hoặc: "Chợ làng Hói ăn đói uống say" chỉ việc ngày xưa, cạnh trạm Thừa Mỹ (Mỹ Xuyên) có chợ làng Hói. Chợ ít hàng ăn nhưng có nhiều hàng bán nước chè xanh cho khách qua đường, hễ ai bụng còn đói mà uống nước chè xanh ở đây thường bị say.

Về các địa danh khác được nêu trong văn bản:

- Ma Nê: là địa danh chính của vùng đất mà tập đoàn người của xã Đa Cảm xin đến khẩn hoang, cho đến nay, tên gọi vùng đất vẫn không thay đổi. Hiện ở đây có hơn 40 hộ dân sinh sống lập thành thôn Ma Nê. Số ruộng khai hoang kể trên trở thành ruộng kỳ tại của làng Mỹ Xuyên, từ xưa đến nay dân làng Mỹ Xuyên vẫn đến canh tác. Nhưng gần đây, do đi lại bất tiện, (từ làng Mỹ Xuyên đến đó hơn 10 cây số) nên đã giao số  ruộng trên cho xã Phong Chương canh tác.

Từ chỉ địa danh "Kẻ Né" trong văn tế cô hồn xưa của làng Mỹ Xuyên nêu ở trên cũng chính là tên gọi của vùng Ma Nê.

- Đàm Bổng: là tên gọi xưa của làng Ưu Đàm (Ưu Điềm). Sở dĩ trong văn bản ghi ruộng giới cận với Đàm Bổng là do dân làng Ưu Điềm xưa kia cũng đã đến khẩn hoang một phần ruộng ở xứ đồng Ma Nê.

- An Triền: nay là làng Vân Trình thuộc xã Phong Bình.

- Bến Su: (Su, tiếng địa phương có nghĩa là sâu) có lẽ địa danh này chỉ bến đò từ làng Phù Nông (giáp với Ma Nê) sang làng Vĩnh Xương xã Điền Môn.

- Đại Giang: Ở đây chỉ đoạn cuối của sông Ô Lâu chảy ra phá Tam Giang. Trong một văn bản khác được tìm thấy ở đây vẫn ghi làng Mỹ Xuyên có phía Bắc giáp Đại Giang. Như vậy, phần hợp lưu của nguồn Tho Lai (Mỹ Chánh huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị) với nguồn Ô Lâu (Phong Điền) được gọi là Đại Giang. Đây là điểm cần chú ý khi nghiên cứu về lịch sử văn hóa Chăm Pa , vì có một số tư liệu ghi địa danh "Đại Giang".

Nhân vật và các mối liên quan khác:

Liệt kê danh sách những người đứng tên xin khai khẩn vùng ruộng Ma Nê có đến 24 người thuộc 8 dòng họ: Lê, Bùi, Đoàn, Võ, Nguyễn, Hồ, Phùng, Trần, Phan.

Nghiên cứu gia phả của họ Lê Văn đang được lưu giữ tại nhà thờ họ, chúng tôi đọc được phần mở đầu: như sau: "Thủy tổ Lê Đại Sĩ sinh hạ nhất nam: ông "xã gánh" Lê Cá tục viết ông Cập. Do tại Thanh Hóa trấn, thủ thân phụ ngọc cốt, tức Lê Đại Sĩ hồi an táng bổn xã cát địa. Tái canh Ma Nê xứ điền dĩ bạch y tả kiến canh bộ. Lê Cá sinh hạ tam nam tức ông Cán, ông Cạnh, ông Lực".

Qua phần gia phả nêu trên, ta biết được rằng: Người họ Lê vào mảnh đất này đầu tiên là ông Lê Cá, tục gọi là ông "xã gánh" (Các cụ trong họ nghe kể lại, vì tổ của họ gánh rất mạnh nên lại làm xã trưởng nên được gọi là ông xã gánh), là người ở trấn Thanh Hóa, sau khi vào sinh sống ở đây một thời gian, đã trở ra Bắc đưa hài cốt thân phụ là Lê Đại Sĩ vào táng tại vùng đất tốt của làng và tôn làm thủy tổ của dòng họ Lê Văn. Ông (Lê Cá) đã đến canh lại ruộng tại xứ đồng Ma Nê, dùng áo trắng để ghi chép ruộng đất. Ông Lê Cá sinh hạ được ba người con trai tức ông cán, ông Cạnh, ông Lực.

Người xã trưởng đứng tên trong tờ trình xin khẩn hoang ruộng chính là người con thứ hai của ông cá, tên là Lê Cạnh cùng với hai người anh em là Lê Cán và Lê Lực. Như vậy, khởi sự việc canh khẩn ruộng tại xứ đồng Ma Nê bắt đầu từ người cha là ông Lê Cá (theo gia phả ghi). Về sau các con của ông và những người tham gia mới lập văn bản trình với quan trên.

Tính từ khi thành lập và ổn định làng xã dẫn đến sự việc "đất làng hẹp, người đồng ruộng ít" như trong tờ trình ghi, thì ít ra làng này cũng đã có thời gian phát triển từ bốn đến năm mươi năm, mới bị khủng hoảng vì thiếu ruộng đất canh tác.

Như vậy, việc hình thành làng xã của cư dân Việt ở vùng đất này phải từ khoảng trên dưới 600 năm về trước tức là vào thời Trần. Có sự trùng hợp là ở làng Câu Nhi (thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) giáp với làng Mỹ Xuyên, còn lưu giữ được bản sao tập (Thỉ thiên tự) mà bản chính do cụ tổ họ Bùi tên là Bùi Trành soạn vào thời Lê Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ hai, tức vào năm 1429. Kể chuyện bước đầu vào Thuận Hóa, việc gặp gỡ, quan hệ trao đổi với cư dân bản địa (người Chăm). Văn bản Hán Nôm ở Mỹ Xuyên có chi tiết : "biền hoang bãi nổi đã thành ruộng", hoặc ở gia phả họ Lê ghi : "tái canh Ma Nê". Cho chúng ta thấy rằng, trước đó, ruộng đất ở vùng này đã được canh tác thành thục. Nhưng do cuộc trao đổi công chúa Huyền Trân để lấy hai châu Ô và Lý, nên đại bộ phận nhân dân Chiêm Thành theo vua vào . Số còn lại vẫn tiếp tục sống xen cư, hòa đồng với người Việt.

Việc phát hiện văn bản Hán Nôm cổ này đã giúp cho chúng ta hình dung được thời di dân mở  nước của cư dân Việt vào vùng Thuận Hóa nơi mà tổ tiên ta xem là "Ô châu ác địa". Từ sau năm 1307, khi hai châu Ô và Lý thuộc về Đại Việt. Việc cát cứ ban đầu ở vùng đất này chủ yếu là quan binh nhà Trần. Những vùng đất phù sa màu mỡ ven sông ở đây đã hấp dẫn họ. Hưởng ứng chủ trương di dân của triều đình, họ đã chiêu tập, vận động bà con, anh em vào đây khẩn hoang lập ấp. Cuộc sống gian khổ ban đầu cùng với cảnh chiến tranh , cướp bóc triền miên do người Chiêm Thành từ đàng trong gây ra, rồi bị giặc Minh xâm chiếm buộc họ phải co cụm trên những khoảnh đất hẹp, vừa lập làng, vừa chiến đấu với thiên tai địch họa. Về sau, khi ổn định, họ phải tự điều chỉnh bằng cách tái đi dân hoặc khai phá thêm ruộng đất ở nơi khác để đảm bảo cho cuộc sống lâu dài. Trường hợp đi hằng mấy cây số để khai phá đồng ruộng Ma Nê của dân làng Đa Cảm (Mỹ Xuyên) là một bằng chứng, ngoài ra họ còn ngược lên thượng nguồn sông Ô Lâu cách hơn mười cây số để khai thác vùng đất Đồng Hầm (nay là thôn Hòa Mỹ xã Phong Mỹ) như trong bài văn tế của làng đã ghi "Cũng đất Đồng Hầm, cũng đồng Kẻ Né (Ma Nê)".

Trải qua những biến động lịch sử  của vùng đất Thuận Hóa, cộng với thiên tai và khí hậu ẩm ướt, đã làm hư hỏng biết bao văn bản, tư liệu cổ, đặc biệt là tư liệu Hán Nôm của các làng xã. Những văn bản Hán Nôm của họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên được con cháu gìn giữ cho đến bây giờ là một điều đáng trân trọng, mặc dù có một số không còn nguyên vẹn. Song, chỉ từ một văn bản trên đây cũng đã giúp cho chúng ta khai thác được những đặc điểm về làng xã mà từ lâu ta chưa biết.

Chắc chắn rằng, hiện nay còn có những gia đình, họ tộc, làng xã ở một số nơi đang lưu giữ được những tư liệu, gia phả cổ..., đó chính là nguồn tư liệu quí cần khai thác để bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu lịch sử. Những năm qua, ngành văn hóa, một số cơ quan chuyên môn, các trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã tiến hành nhiều đợt sưu tầm văn bản Hán Nôm, văn hóa dân gian... song nhiều vùng vẫn còn bị bỏ trống. Mong rằng sắp tới công tác này sẽ được quan tâm hơn, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên môn về Hán Nôm để phục vụ cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật tư liêụ Hán Nôm trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Riêng đối với ngôi nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên, nơi còn bảo lưu được các văn bản Hán Nôm cổ và nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn mong rằng ngành văn hóa sớm có kế hoạch nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích.

N.T
(120/02-99)




 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng