Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Nguyệt thực
14:20 | 28/01/2010
NGUYỄN NHÃ TIÊNQuyên ra phố một thời gian thì về. Hằng năm cứ vào đầu tháng tám là Quyên đinh ninh phải về. Quyên bảo với bọn trẻ nhỏ trong làng: “Chị đi đám giỗ ít bữa thì về”. Lũ trẻ nhỏ trong làng thì lại bảo là: “Chị Quyên đi đám giỗ chồng chị ấy”.

Không ai biết Quyên dám cưới từ hồi nào. Có kẻ thật lòng hỏi chuyện, chỉ nghe Quyên nói một cách mơ hồ: “Anh ấy chết lâu rồi”. Anh ấy là ai? Biết rồi, cũng chẳng ai chất vấn hỏi han làm gì nữa. Mỗi người tự thêu dệt một đường. Có điều, tất cả mọi thêu dệt cho thêm ly kỳ câu chuyện, cũng đều nói chung nhất đến một cái tên đàn ông xuất hiện trong đời Quyên. Đó là một người lính có tên là Liêm. Tất nhiên là anh ta đã chết nên mới có chuyện Quyên đi đám giỗ chồng. Nhưng họ yêu nhau thôi, còn cưới nhau từ bao giờ, và vì sao lại chết thì chẳng chuyện kể nào giống chuyện kể nào. Quyên trở thành huyền thoại của cái làng Hóc Núi này. Những huyền thoại đẹp và cay đắng vây quanh một số phận mà hạnh phúc lẫn bi kịch tất cả tưởng chừng hoang tưởng.

“... Thuyền ơi! Thuyền ơi có nhớ bến chăng. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Nhắn ai luôn giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son...” Dường như bài hát ấy đã trở thành bài thánh ca cho tình yêu mà Quyên thường tụng niệm suốt từ nhiều năm nay. Ai rồi cũng già theo thời gian hoặc thời gian có khả năng làm biến đổi tất cả. Nhưng với Quyên thì sự thật cũng như là chuyện hoang đường. Ý thức thời gian vô nghĩa đối với một người đã đứng bên lề dòng đời. Dường như, chính từ sự hát hò lẩm nhẩm một cách vô thức kia, có khả năng giúp Quyên tìm lại chút tàn tro hiếm hoi để may ra nhen nhúm ngọn lửa của một thời xa xôi nào đó linh thiêng thắp sáng một tình yêu vĩnh cửu.

Quyên đi dọc theo triền sông. Buổi chiều đỏ ối, rực rỡ cái quầng ráng bồng bềnh nhấp nhô theo làn sóng lượn lờ trên mặt nước. Chưa bao giờ sông Vu đẹp như thế, làm như con sông không phải được sinh ra từ nguồn mà từ một giấc mơ nào đó trôi ra. Quyên cũng vậy, ánh sáng hồng hào từ mặt sông hắt lên triền bãi, lồng cả vào tóc vào mắt vào môi, vào từng bước chân thư thả nhẹ tênh, phiêu bồng cùng bài ca không có đầu đuôi, hoang mang bay lẫn vào trong gió reo phần phật”... Dù cho bến cách sông ngăn. Dễ gì chặn được duyên anh với nàng. Xé mây cho ánh trăng vàng. Cho sông nổi bến cho chàng về em...” Quầng ráng rực rỡ trên đầu dòng sông chưa tắt thì vầng trăng xuất hiện lửng lơ treo ở phía cuối dòng. Sông Vu cũng không tắt, dòng nước ngời sáng như một dải ngân hà lang thang trên mặt trái đất gập ghềnh.

Quyên không lỗi hẹn cùng bọn trẻ trong làng, mà hình như Quyên chưa bao giờ lỗi hẹn suốt bao nhiêu năm nay với bọn trẻ. Nghĩa là, sắp tết trung thu thì dù ở đâu Quyên cũng phải về. Có thể ký ức thần thánh mách bảo cho Quyên điều ấy. Cũng có thể bọn trẻ như một hiện hữu thường trú trong cuộc đời Quyên. Lũ trẻ con trong làng lớn lên rồi rời làng ra đi, lớp có vợ, có chồng. Cứ thế lớp này khôn lớn, lớp khác lại có mặt. Chỉ có Quyên là người một mình ngồi lại. Không tháng năm, không tuổi tác, nếu có chăng là khi, vầng trăng trung thu xuất hiện cùng với tiếng hát, tiếng hò reo của bọn trẻ con làng Hóc Núi. Đêm ấy, ngày ấy, Quyên lờ mờ nhớ ra. Bỗng dưng, Quyên ôm mặt khóc nghẹn ngào. Tiếng khóc không phát ra hết được những thanh âm, bỗng quay ngược lại trôi vào cổ, vào tim phổi phập phồng, rồi chuyền xuống đôi bàn chân Quyên run lên bần bật cùng với tiếng nấc trào ra uất nghẹn. Quyên đánh rơi mình xuống bờ cát như rơi vào một thế giới mơ hồ xa vắng. Rơi mãi cho đến khi mắt Quyên chạm vào vầng trăng là đà trôi ngược dòng nước.

“Không ở lại vui trung thu cùng các em sao Liêm”. Quyên hỏi một cách gắng gượng vì biết thế nào Liêm cũng không thể ở lại được. Trong đơn vị dừng chân qua làng Hóc Núi, thì Liêm là người ít tuổi nhất, có vẻ như còn non chọet không ra dáng dấp lính chiến chút nào. Lần đầu trú quân ở đây, Liêm được bố trí ở nhà Quyên. Ngôi nhà to đùng ba gian hai chái, thế mà chỉ có hai cha con, cụ Đường và Quyên. Cụ Đường thì già cả ốm yếu. Còn Quyên, vừa công tác đoàn vừa phụ trách lớp học xóa dốt cho trẻ em trong làng. Thấy gia đình Quyên đơn chiếc, Liêm và đồng đội mình mỗi lần về làng Hóc Núi trú quân là đến nhà cụ Đường ở. Mọi công việc nhà cơm nước, nấu cám cho lợn, gánh nước uống, kể cả giặt áo quần, chăm sóc cụ Đường, Liêm làm gọn gàng đâu vào đấy cả. Những lần đầu Quyên còn e dè cản ngăn. “Thôi mấy ông tướng ơi, để đó cho tui, lo mà nghỉ để còn đi đánh giặc”. Liêm nhanh nhẩu: “Chị Quyên à, tụi này là lính trơn hết, chưa ai lên tướng cả. Mà tướng tá gì cũng thế, quân với dân như cá với nước”. Thế rồi từ đó, làng Hóc Núi như quê nhà thân thiết của Liêm. Ngoài việc làm giúp trong nhà, Liêm còn giúp đỡ Quyên nâng kiến thức để có thể dạy trẻ em những lớp cao hơn. "Chị Quyên ơi, mai mốt hòa bình, Liêm về xin làm học trò chị luôn”. Quyên gí cây thước kẻ vào trán Liêm, mặt đỏ bừng: “Chọc tui phải không. Đã làm thầy tui rồi lại đòi làm học trò tui là nghĩa làm sao”. Liêm cười thành tiếng rồi lắp bắp: “ Nghĩa là... nghĩa là... Có nghĩa gì đâu một buổi chiều...”. Cả hai cười nói hồn nhiên trong trẻo, và chính sự hồn nhiên đã làm họ nhìn thấu rõ nhau hơn

Tết trung thu năm ấy tưởng chừng là ngày hội lớn, không những của trẻ em mà còn của tất cả mọi người làng Hóc Núi. Từ mùng mười tháng tám, mọi sự chuẩn bị cho đêm trung thu gần như đâu vào đấy. Làng Hóc Núi trở thành thủ đô của vùng giải phóng. Quân về, quân đi tấp nập. Đơn vị nào khi chia tay với làng cũng để lại cho trẻ em của làng vô số những bài hát. Người lớn đổ dồn yêu thương cho con em họ bằng tất cả khả năng có sẵn. Rổ, rá, nia, đũa... Mọi món hàng thủ công cho đêm chợ phiên được mở đúng vào đêm rằm, đều có bàn tay người lớn chăm sóc. Những vở kịch, bài ca của các em đã được tập thuộc lòng. Những đồng bạc tích cóp được từ gánh củi chà chặt trên đồi, từ sắn, từ khoai, từ lúa đã được chắt bóp đợi chờ mua hàng hóa của con em mình trong đêm chợ phiên thiên đường của con cái họ.

Quyên là người bận rộn hơn ai hết. Vừa là cô giáo dạy bọn trẻ, vừa làm công tác đoàn, phụ trách thiếu niên nhi đồng. May là những ngày này có Liêm về giúp đỡ. Cậu “công tử bột” người thành phố này lại là tay thạo việc. Liêm hướng dẫn các em cách đóng trại, bày vẽ cho các em những trò chơi, đạo diễn cho các em những vở kịch, còn hát hò thì không chê vào đâu được. “Chị Quyên ơi! bài hát Liêm tập cho chị đã thuộc lòng chưa, lên sân khấu mà bể dĩa thì có bỏ làng mà đi”. Quyên trả lời Liêm bằng cách cất giọng vừa đủ cho hai người nghe: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...” Liêm vỗ tay reo lên: “ Cô giáo thánh thần ơi! giọng cô mà to lên chút nữa, bộ dội qua làng nghe được thì chẳng có tay nào mà không chịu hi sinh giữa làng này” Quyên lí nhí không rõ lời: “ Vừa thôi ông tướng ạ”

Có lẽ trên đời này, tình yêu đẹp nhất là không có một lời tỏ tình nào hết. Tất cả mọi lời vu vơ, mây bay, gió thổi đều có thể tuôn đầy bóng gió, còn lời cuối cùng hãy để cho mắt môi âm thầm trò chuyện. Hãy yên lặng nuốt vào lòng những tiếng nói của mắt để khai sinh ra hằng hà sa số những giấc mơ. Những giấc mơ thì không chết bao giờ.

Thế mà, tết trung thu năm ấy Liêm lại đi. Đơn vị có lệnh Liêm phải về khu gấp chuẩn bị liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quân. Nhìn Quyên buồn, Liêm chỉ còn biết an ủi: “ Còn trung thu tới, rồi kế tiếp nữa mà, chị Quyên lo gì”. “ Mắc mớ gì mà tui phải lo, ai đi cứ đi, ai ở cứ ở”. Giá như Quyên khóc thét lên cho hả tức. Sao lại không đi trước đi, hoặc là chờ qua tết trung thu hãy đi. Lại đúng cái ngày kề cận trung thu. Lệnh với lạc, nghỉ quách bộ đội đi về làng Hóc Núi cuốc đất với Quyên, dạy trẻ nhỏ với Quyên... Những tức tưởi âm thầm. Quyên cố không khóc mà nước mắt cứ hả hê ràn rụa.

Sáng sớm hôm sau, Quyên tiễn Liêm ra tận bờ sông Vu. Lần đầu tiên trong đời mình, Quyên biết tiễn một người đi. Con sông Vu cũng thật kỳ lạ, mọi ngày trong vắt, chảy thảnh thơi một cách hồn nhiên sao hôm nay sóng nhiều thế, và lại còn gió thu sớm ướt đẫm sương chui rúc khắp người, “ Chị Quyên ở nhà vui tết trung thu với các em nhé... Trung thu sau, Liêm về...” Qua đến bờ bên kia rồi Liêm còn hét lên, giọng đứt quãng trong gió.

Không ai ngờ rằng, tết trung thu ấy lại là ngày tang tóc lớn lao nhất của làng Hóc Núi. Khi đêm chợ phiên chuẩn bị bắt đầu thì hàng loạt pháo bầy từ đồn Ai Thủy dội tới. Những tiên liệu trong chiến tranh không phải là không tính đến. Nhưng làng Hóc Núi này, suốt mấy năm nay chưa hề có một trái pháo, một trận ném bom nào lọt tới. Thế mà tai họa đến. Lại chọn đúng vào ngay đêm trung thu cái bọn quỷ dữ đồn Ái Thủy ấy! Gần trăm sinh mệnh con người, đông nhất là trẻ nhỏ của làng.

Quyên may mắn thoát chết, nhưng sống có khi còn tệ hại hơn chết. Sau đêm kinh hoàng đó Quyên như người lạc vào một thế giới khác. Thoạt tiên, là những cơn điên dữ dội tàn phá, mặc nắng mưa bom đạn hiểm nguy, Quyên lội hết làng này qua làng khác than khóc, kêu gào, nguyền rủa... Mùa thu năm đó, Quyên lại thêm một cái tang trọng đại khác. Cụ Đường, thân sinh của Quyên qua đời. Nhưng Quyên không còn nhớ đường về. Ngày ngày đi hết làng quê qua phố chợ, tiếp tục kêu gào đòi trả lại máu xương những em nhỏ thân yêu của mình... Làng Hóc Núi ngày ấy bận rộn trăm ngàn công việc. Cuộc chiến tranh đã lên đến đỉnh điểm, cả người sống cũng không thể ở yên trên mặt đất. Mọi nhà cửa sinh hoạt hội họp đều dưới hầm hố. Những người nông dân đã ra ruộng cày cấy, đồng nghĩa với đi ra chiến trường. Lớp người này ngã, lớp khác tiếp tục. Quyên trôi dạt chân trời cuối bể, ai biết đau mà lần.

Sua chiến tranh, Quyên trở về làng. Cũng vào một đêm trung thu trăng sáng đầy trời, Quyên về, lang thang trên cái sân bãi kinh hoàng ngày xưa, nhưng không còn kêu gào than khóc nữa. Đi một mình, trò chuyện lầm thầm một mình. Bầu bạn với Quyên thân thiết nhất vẫn là bọn trẻ con. “Chị Quyên dạy tụi em hát đi. Chị Quyên, trung thu này chúng mình đông chợ phiên nghe...” Chị Quyên ừ hết. “ Chị không bao giờ đánh mất các em được. Mất các em là mất hết cả cái làng Hóc Núi này”. Quyên lại lẩm bẩm một mình, lên xuống như trò chuyện với dòng sông.

Vài người đi phố về, qua đò gặp Quyên bảo: “ Thằng Liêm còn sống, hắn làm chức gì to lắm. Nhà to cửa lớn, vợ đẹp con ngoan ở ngay giữa phố. Thằng tệ thật, bao nhiêu năm rồi sao nó không về thăm làng Hóc Núi. Có quên thì nó cũng phải nhớ Quyên chứ”. Quyên lơ đãng nhìn về phía sông Vu, rồi hỏi lại một cách vu vơ: “ Liêm nào hè, Liêm chết rồi mà”. Rồi Quyên bước lang thang theo dọc bờ sông. Vẫn bài thánh ca ấy được cất lên, hòa vào thanh âm dòng nước chảy như một lời cầu nguyện, một lời mặc khải mà chỉ có Quyên và dòng sông này mới là người biết gìn giữ nâng niu. “ Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”

Trung thu 98
N.N.T
(120/02-99)



 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng