Tạp chí Sông Hương - Số 120 (tháng 2)
Nàng Hinh và những khúc quan hoài
08:45 | 18/03/2008
NGUYỄN ANH ĐÀONàng vào Phú Xuân đã gần hai tháng. Giữa cảnh ngựa xe tấp nập, khăn áo lượt là, muôn hồng nghìn tía của chôn kinh thành, không làm cho lòng nàng nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương. Ở cái làng nằm khuất dưới những rặng liễu bên Hồ Tây, vào mùa này rực lên màu vàng của những cuộn tơ óng ả vắt trên bờ giậu. Gió thu lồng lộng mơn man như những ngón tay thiếu nữ nhẹ bứt những chiếc lá đào úa vàng rắc xuống hồ làm thành những chiếc chong chóng quay tít trên mặt nước. Nàng đắm chìm trong nỗi nhớ nhà, nhớ kinh thành cũ với những đền đài, chùa miếu, tuy không thật uy nghi tráng lệ nhưng in đậm dấu vết của thời gian mà mỗi triều đại như khắc hằn trên đó những nét tinh hoa của một nền văn vật nghìn năm.
Nàng Hinh và những khúc quan hoài
Dưới chân đèo Ngang

Chiều qua, lúc đang dạo chơi ở vườn Thượng uyển cùng các cung nữ, nàng đang mải mê ngắm nhìn mấy con thiên nga bơi lội dưới ao sen thì Thiếu Hoa kéo vai nàng bảo:
- Chị Hinh! Hoàng thượng cho gọi chị.
Nàng ngạc nhiên:
- Sao? Hoàng thượng cũng có ở đây?
- Phải Ngài ở trên lầu ngự.
- Ngài bảo sao?
- Ngài hỏi: “Người kia có phải là vợ ông Lưu Nghi hiện là tri huyện Thanh Quan đó không?”. Chúng em tâu “ Phải”. Thế là Ngài cho gọi. Chị lên mau đi, Hoàng thượng đang chờ.
Nàng theo Thiều Hoa nhẹ nhàng đặt chân lên những phiến đá ngũ sắc bước lên lầu bát giác, nơi vua Minh Mệnh đang ngồi uống trà và thưởng hoa, có mấy cung nữ cực kỳ xinh đẹp đang chầu hầu.
- Muôn tâu Bệ Hạ. Thần xin bái kiến. Nàng cúi mình chào.
Đức Vua phẩy tay:
- Khanh bình thân.
Nàng đứng dậy lùi ra phía sau hai bước, tới khi vai tựa vào lan can chạm hình rồng thì ngồi xuống ghế, rồi ngước mắt nhìn Đức Vua. Ngài hỏi:
- Khanh vô đây lâu chưa? Ở ngoài nớ, ông Phạm Quý Thích có mạnh không?
Nàng cúi đầu đáp:
- Muôn tâu Bệ Hạ, thần thiếp vào đây được hai tuần trăng. Chưa biết ý Bệ Hạ dùng vào việc gì. Còn ngoài Bắc Thành, Lập Trai tiên sinh đang bệnh
- Ông ấy vẫn dạy học?
- Dạ phải. Ngoài ra, thầy còn gắng để hoàn thành bộ “ Thảo Đường thi tập”, trước khi về với tiên tổ.

Minh Mệnh gật đầu nói lẩm nhẩm một mình: “Cáo quan ở triều đình để về sống ẩn dật, ốm o với cái “nghề gõ đầu trẻ”. Lại còn viết sách. Đúng là cốt cách của đám nho sĩ Bắc Hà”. Bỗng Ngài ngửng lên, nhìn thẳng vào mặt nàng, hỏi:
- Vậy khanh cũng là học trò của ông Thích, cùng với ông Siêu, ông Lý?
- Dạ. Thần thiếp phận gái “cỏ nội hoa hèn”, dẫu có học hành thì cũng là lỗ mỗ. Có hiểu biết chút gì  chẳng qua cũng là để giúp cho việc nội trợ, và sau này nếu sinh hạ thì dạy bảo con cái.
- Hồi trước ông Thích vô trong nầy làm ở Viện Sử Tu có tiến cử khanh với triều đình. Trẫm có nghe tin, khanh là người học rộng lại giỏi thơ Nôm nức tiếng Bắc Thành, nên ta cho triệu. Nhưng để “mục sở thị”, ta muốn biết tài của khanh có thật như lời đồn không, hay chỉ là hư danh.
Nói rồi, Minh Mệnh sai lấy bút mực và chỉ vào một bức tranh sơn thủy treo ở tường lầu, hỏi:
- Chắc khanh đã nhận ra cảnh trong bức họa này ở đâu rồi chứ?
- Dạ. Đó là dải Hoành Sơn, chỗ nhô ra biển mà mọi người vẫn quen gọi là Đèo Ngang. Tháng trước thần thiếp đã được chiêm ngưỡng cảnh trời nước bao la khi đi qua đây.
- Khanh họa một câu cho ta xem thử.
- Dạ, thần thiếp không dám tự tiện, nếu Bệ hạ không phê trước.
- Được. Đưa bút đây.

Cung nữ dâng bút. Minh Mệnh vén một bên tay áo, tay kia đè lên bức tranh, vung bút viết một hàng chữ bên phải:
“Quải thư bích thượng tận thâu tứ hải sơn hà”- ( Bức tranh treo trên tường thu tóm hết cả bốn bề núi sông).
 Rồi Ngài đưa bút cho nàng:
- Khanh đối ta coi.

Nàng Hinh nhìn qua bức tranh rồi cầm bút ghi luôn một dòng bên trái “Tẩy túc trì trung giao động cửu thiên tinh đẩu”- ( Rửa chân giữa ao làm động cả chín tầng trời sao).

Nhìn chăm chắm vào vế đối của nàng, đôi mắt của Hoàng đế rực sáng lên trước nét chữ như rồng bay phượng múa của người thiếu phụ Bắc Hà có khuôn mặt đẹp và buồn phảng phất như một áng mây chiều, mờ mờ sương khói.  Nhà vua như bị một lực hút vô hình, cảm giác như mình đang chơi vơi giữa chốn vô cùng. Nhưng ngài cố giữ nét mặt bình thản nói:
- Hay! Nhưng thái quá. Ta muốn thâu tóm cảnh vật trong tĩnh lặng mà nàng thì khuấy động cả trời sao. Vậy, liệu nàng có câu nào mềm mại hơn thế không?
- Khi nãy Bệ Hạ bảo thần đối nên phải tuân theo niêm luật. Còn cảnh Đèo Ngang thì thần thiếp đã có sẵn mấy câu tức cảnh. Nếu Bệ Hạ không cho là nôm na, quê mùa thì thần thiếp xin đọc.
- Vậy thì đọc đi nghe chơi.

Nàng Hinh vừa nhìn tranh, vừa đọc thơ:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia...”


- Còn hai câu kết? Minh Mệnh hỏi.
- Hai câu đó chính là vế đối mà Bệ Hạ đề bên phải bức tranh. Nàng nói tiếp:
- Vẫn cảnh “trời non nước” thâu tóm trong bức tranh, ở Bệ Hạ thì có khi treo trên tường, hoặc cuộn lại để vào trong tay áo. Còn thiếp thì cất vào trong trái tim này. Nàng đặt tay lên ngực mình.
Minh Mệnh thốt lên:
-  Nôm na mà như rứa thì kém chi Hán Đường. Thật là danh bất hư truyền.
Ngừng một lát rồi Ngài nhìn thẳng vào mặt nàng, hỏi:
- Nhưng theo ý khanh, “nhớ nước” là nước nào vậy? 
- Nước Thục. Chẳng lẽ Bệ Hạ không nhớ chuyện vua Đỗ Vũ hay sao? Nước mất, Đỗ Vũ nhớ tiếc, hóa thành con chim đỗ quyên, suốt ngày kêu “Thục Quốc! Thục Quốc!”, cho đến khi nhỏ máu ra miệng mà chết .
- Ừ phải. Nhưng như thế thì da diết quá! Còn vương triều Nguyễn ta, lừng lẫy uy nghi, vững như bàn thạch, lẽ nào lại để chúng thần như nàng phải nhớ tiếc cái triều đại cũ nát hư mục ấy mà cất tiếng kêu như loài chim Thục quốc kia? Vậy, từ rày nàng ở luôn trong cung, trông nom dạy bảo cung nữ cho ta. Ta phong chức cho nàng là “Cung trung giáo tập” (1). Lại ban khăn áo hàm lục phẩm đế sau này mãn nhiệm về quê ngoài nớ hưởng lộc suốt đời.
Nói rồi, Minh Mệnh sai người mang ngự tửu ban cho nàng. Ngài nâng ly rượu, nói:
- Rượu này ngâm thuốc quý đấy. Chỉ nàng ta mới ban. Nhấp đi rồi dạy bảo cung nữ cho ta. Bọn này có tới vài trăm mà mỗi đứa lại một nết. Phải công phu lắm mới đưa chúng vào khuôn phép được.
- Đa tạ Hoàng thượng! Nói rồi nàng đưa ly rượu lên môi, nhưng chưa nhắp vội, đôi mắt đưa sang nhìn vua Nguyễn như nhìn một pho tượng được tạc một cách cầu kì: Khuôn mặt Ngài loáng bóng như phết sáp ong, và tấm thân “đoản hạ, tích thượng”, đầy tráng lực. Nàng nghĩ: Đây chắc là loại rượu ngâm thuốc mà người ta vẫn nói về tác dụng của nó tới mức “nhất dạ lục giao sinh... ngũ tử” do một danh y dâng lên biếu ngài. Hèn gì nhà vua có tới trên trăm người con!

Thấm thoát đã ba năm.
Công việc hằng ngày nơi cung cấm của nàng là dạy cho đám cung nữ học lấy dăm ba chữ thánh hiền để họ giữ lấy đạo phi tần đối với Đức Vua mỗi khi Ngài đoái thương đến. Còn không thì quanh năm suốt tháng “gối loan tuyết cóng, chăn cù (2) giá đông”, dù có phấn son trang điểm đến đâu cũng bằng thừa. Còn việc cai quản họ thì đã có thị giả (3). Nàng vừa soạn sách vừa dạy chữ. Công việc phải nói là buồn tẻ. Hơn nữa do lây cái buồn của người cung nữ, nạn nhân của sự lãng quên đành chịu bỏ phí cả một thời xuân sắc, khiến nàng càng ủ dột, nỗi lòng tê tái bâng khuâng. Chiều nay, lúc dạo gót trên đỉnh Bàn Sơn, nàng thả tầm mắt nhìn cảnh làng quê hai bên bờ Hương Giang mà cồn cào nỗi nhớ nhà, nhớ chồng và ngán cho thân phận mình nơi đất khách. Nàng buông một tiếng thở dài.

- Chị lại nhớ ông huyện ở ngoài nớ rồi. Thiếu Hoa nói.
- Vợ chồng xa nhau ai mà không nhớ. Từ khi chúng mình làm bạn với nhau, anh ấy thụ chức ở Thanh Quan, quanh năm bộn bề công việc. Còn mình thì vào đây, thành ra quan san cách trở, những mong sớm có ngày đoàn tụ.
- Chị có thơ tả nỗi nhớ nhà không, đọc em nghe với.
- Ừ nhỉ. Giữa buổi hoàng hôn nới xứ lạ, cảnh vật như đang chìm trong tàn úa, mà bóng người thì khuất nẻo dần, chỉ còn lại ta, một kẻ xa nhà cô liêu, sao ta không có vài câu cảm khái. Rồi vừa nhìn cảnh vật xung quanh, nàng vừa đọc:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ ở chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”


- Thực là tuyệt! Thiếu Hoa nói. Nhưng chị chỉ dành cho ông huyện có hai câu trong số tám câu là cớ làm sao?
- Hai câu, nhưng đó là phần kết em ạ. Còn sáu câu kia chỉ là cái nền. Giữa cảnh chiều hôm nơi thôn dã, mọi thứ như dang thu nhỏ lại còn nỗi nhớ của mình thì đầy mãi lên như con nước triều ngoài phá kia. Giá như cánh nhạn mà mang được thì ta gửi nỗi nhớ này đến người ở nơi xa cùng chia xẻ.

Lại một hôm quanh chiếc sập gụ sơn son thiếp vàng trong nhà học, Thiếu Hoa, Dạ Ngân, Thu Cúc cùng các cung nữ ngồi ê a học bài. Nàng Hinh đang giảng Kinh Thi:
- Các em nghe đây: Học được Kinh Thi thấy vui vẻ khoan khoái, biết được điều phải trái, lẽ đời. Ở xa thì nhớ đạo vua tôi ( viễn tri sự quân). Ở gần thì thờ cha mẹ ( nhi tri sư phụ). Biết được cả loài muông thú, cây cỏ, cả loài đom đóm ( Đa thức ư điểu thú, thảo mộc tri oanh)


(Minh họa: Ngô Lan Hương)


Trong lúc nàng đang say sưa giảng giải thì Đức Vua đi qua vô tình nghe đến chữ "viễn tri sự quân” thì Ngài dừng lại lắng nghe và thầm nghĩ: “ Người đàn bà này ngoài vẻ đoan trang, kiều diễm còn thông thái, mẫn tuệ, làu thuộc tứ thư, ngũ kinh, hơn hẳn bọn nữ nhi tầm thường, chỉ lấy cái nhan sắc để quyến rũ người đời, còn tâm hồn thì trống rỗng. Tiếc rằng nàng đã có chồng. Ta dẫu có mấy trăm cung phi, nhưng vẫn ước được như Thành Đế nhà Hán, có một nàng Triệu Phi Yến, hoặc giả cũng mong được như vua xứ núi (4) mặc áo vải đi giày cỏ nhưng có được nàng Ngọc Hân sớm tối đàm đạo văn bài, lại còn can dự triều chính...” Nhưng đến câu “Thảo mộc tri oanh” thì Ngài sa sầm nét mặt. Ngài lặng đi một lúc rồi phẩy mạnh tay áo thụng, đi nhanh về điện Thái Hòa vẻ mặt hầm hầm, miệng lẩm bẩm: “Thảo mộc tri oanh”. Lại câu đối đề tranh năm trước “Rửa chân mà động cả trời sao”. Thật quá lắm! Cái tính đa nghi trong Ngài như một hòn than âm ỉ vừa như có gió thổi bùng lên. Mà không nghi sao được, khi tin tức về cuộc nổi loạn của dân phu Bắc Hà do Phan Bá Vành cầm đầu luôn báo về. Bọn nho sĩ ngoài nớ cũng hùa theo, khiến quan quân triều đình khó nhọc mà vẫn chưa dẹp được.
- Thái giám! Ngài gọi.
- Dạ.
- Triệu ngay Cung trung giáo tập Nguyễn Thị Hinh đến đây cho ta.
Nàng bước vào cúi lạy:
- Thần thiếp xin bái kiến.
Minh Mệnh hỏi ngay:
- Khanh dạy cung nữ đến đâu rồi?
- Bẩm thần thiếp đang giảng Kinh Thi ạ.
- Hừ, Kinh Thi hàng vạn chữ, thiếu gì chỗ giảng mà khanh giảng “Điểu thú tri oanh”. Vậy là có ý gì?
- Muôn tâu Hoàng thượng, đã là sách thánh hiền thì việc dạy cũng như việc học phải cho tường tận đúng nghĩa. Theo Kinh Thi của Đức Khổng Tử biên soạn thì chữ “oanh” chính là loài đom đóm vậy. Thần không dám giảng sai, ngoài ra không có ý gì ạ.
- Bao biện! Minh Mệnh đập tay xuống sập rồng. Nhà ngươi hẳn cũng đã biết tiên vương ta, Nguyễn Thế Tổ Gia Long đã bao phen lận đận, nếm mật nằm gai, chui rúc chốn sình lầy, đầm bãi nuôi chí diệt giặc Tây Sơn trong suốt mấy năm trời mới dựng nên cơ nghiệp, lẽ nào lại lập lòe như con đom đóm hay sao? Ta biết bọn nho sĩ các ngươi ở ngoài nớ vẫn còn thương tiếc nhà Lê, chưa hẳn một lòng với triều Nguyễn ta. Như thế là không thức thời.

Nàng Hinh điềm nhiên trả lời:
- Những điều đó là do Bệ Hạ nói ra. Còn thần thiếp chỉ biết làm tròn phận sự của người giáo tập.
Mấy ngày sau thì nàng có chiếu bãi nhiệm, về quê. Số bạc tiền vua ban vừa đủ chi tiêu dọc đường, khi thì đi cáng, khi thì cuốc bộ, ròng rã mười ngày thì đặt chân lên đất Bắc Thành. Đến phường Báo Thiên nàng nghỉ tạm dưới gốc sấu. Mệt, nhưng nàng cảm thấy phấn chấn như chim về cành cũ. Tay vén vạt áo mớ ba, nàng lấy ra chiếc gương nhỏ lên soi và nhận ra gương mặt mình sạm nắng, hõm mắt hơi quầng. Nhưng cả khuôn dung không một chút trang điểm vẫn nhẹ nhõm lại cân xứng bởi đôi gò má đỏ căng và hai nét lông mày như vẽ. Thèm trầu, nàng lần xà tích mở hộp đựng ra, nhưng trầu đã hết. Thì nàng đi tiếp đến nơi nào có sẽ mua.

Mới có hơn ba năm mà Thăng Long biết bao thay đổi: Cảnh cũ, người xưa hầu như vắng bóng. Đập vào mắt nàng là cảnh tiêu sơ, hoang phế nhưng dấu tích thì vẫn trơ trơ như muổn thi gan cùng năm tháng. Qua trước cửa điện Trung Hòa trống hoang, trống huếch, đá tường lớp lớp rêu phong, nàng dừng chân trước đài Khán Xuân cạnh chùa Trấn Võ. Nơi đây khi vào cái tuổi tóc còn để bím, nàng đã một lần theo cha đi xem Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sóng kiệu cùng công chúa Ngọc Hân trong ngày lễ kết hôn, trống giong, cờ mở. Nay cỏ mọc lút tường, khán đài nham nhở không có người tu sửa. Trong lòng nàng dâng lên một nỗi u hoài.
Nàng không chủ ý làm thơ mà lời thơ cứ vẳng lên:
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời!”


Đến chùa Trấn Bắc, một ngôi chùa cổ nằm khuất trong lùm cây ở phía bắc kinh thành xưa, ngay bên bờ Hồ Tây, tuy đã gần đến nhà mình, nhưng nàng chưa vội về nhà ngay mà rẽ vào chùa. Mấy bà, mấy chị người làng Nghi Tàm, vào lúc nông nhàn  mang thúng, mẹt ra trước cổng chùa bày trầu nước bán, thấy nàng thì reo lên:
- Kìa, bà Huyện đã về! Bà con chúng tôi mong mãi.
- Chào bà, chào chị. Sao không mang hoa, mang lụa ra bán mà lại bán những thứ này?
- Hoa đang cuối vụ. Còn lụa thì có người mua như dạo trước đâu, cái thời vương công, hoàng tử dập dìu ấy. À, mà xin mời bà Huyện xơi trầu, xơi nước rồi hãy vào chùa thắp hương. Hôm nay là ngày rằm mà.

Nàng đưa hai tay đón cặp trầu đưa lên miệng vừa nhai vừa hỏi chuyện quê nhà. Đoạn nàng bước vào ngắm cảnh chùa. Bỗng nàng cảm thấy nôn nao nhớ tiếc một cái gì đó không nói được ra lời. Đứng trước tấm bia lớn với những dòng chữ lờ mờ, nhòe nhọet, nàng lấy khăn lau lớp bụi bám trên mặt đá rồi đọc và biết rằng: Chùa này dựng từ thời vua Trần Thái Tôn. Chùa không thờ Phật mà thờ vị thần Huyền Thiên Trấn Bắc. Tương truyền các thầy phong thủy ta đã tâu với vua là thành Thăng Long xung yếu về mặt Bắc, dễ bị bọn giặc tấn công, nên vua lập đàn thỉnh cầu một vị thần mà theo đạo thần tiên, vị thần đó trấn giữ phương Bắc trên thiên đình xuống để giữ yên mặt đó. Đời Hậu Lê, các Chúa Trịnh mở mang tu bổ lại chùa khang trang, bề thế. Đặc biệt thời chúa Trịnh Sâm đã cho dựng ở đây một hành cung lộng lẫy để thỉnh thoảng đến đó di dưỡng tinh thần. Hai mươi năm qua, Thăng Long không còn là kinh đô nước Việt nữa thì chùa chỉ còn là nơi hương khói, cầu kinh niệm phật của giới tu hành. Hành cung xiêu vẹo, xung quanh rầu rầu những đám cỏ hoang. Những dải mây chiều vắt ngang phía trời tây in hình ngũ sắc xuống mặt hồ, hòa lẫn vào những cánh sen đung đưa trên mặt nước. Nhìn cảnh ấy, lòng nàng lại trào lên nỗi nhớ. Vẫn nơi này năm trước, nàng cùng các nho sinh đàn anh như Văn Siêu, Văn Lý và cả Lưu Nghi, lúc đó đang để ý đến nàng, vẫn đến đây vãn cảnh, xem nhà chúa đi thuyền hái sen. Trên bờ, phường bát âm cử nhạc, tiếng sáo, tiếng sênh réo rắt lay động cả mặt hồ... Mà nay thế sự đổi thay quá đỗi, nào khác chi cảnh “hí trường”. Qúa khứ như sóng lừng xô tới. Nàng thấy sợ. Nàng không dám tần ngần đứng lâu, sợ nỗi lòng bi lụy, sắc mặt u sầu khiến mọi người xung quanh nhầm tưởng là nàng thất sủng với Đức Vua phải bãi nhiệm về quê nên buồn. Nàng bước vội ra khỏi cửa chùa. Vừa lúc đó thì có mấy chàng trai vẻ thư sinh đi qua.

- Chào bà Huyện. Lâu lắm chúng em mới lại được gặp. Bà vừa vãn cảnh trong chùa ra, hẳn có thơ? Xin bà chị đọc cho chúng em nghe với
- Có đấy. Nhưng là thơ ứng khẩu thôi nhé. Chưa gọt giũa gì đâu. Các cậu nghe thì chị đọc.
- Chị đọc đi, chúng em xin nghe.

Nàng Hinh cất giọng đọc chậm từng câu:
“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách qua đường để chạnh lòng đau
Mấy đò sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?”


Nàng dừng lại:
-Còn câu cuối, chị nhờ các cậu
Trong chùa tiếng tụng kinh, gõ mõ vẫn đều đều, vô tình và buồn chán. Một cậu đọc luôn câu tám: “khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu”.
Nàng và cánh học trò cùng cười: “Tạm được! Tạm được!”. Rồi họ bảo nàng đọc lại từng câu để cùng chép lấy và truyền tụng cho người khác.

Rời chùa Trấn Bắc, nàng về thăm nhà mình ở Nghi Tàm và hôm sau thì xuôi quê chồng ở làng Nguyệt Ang. Chồng nàng cũng vừa bị giáng chức tri huyện Thanh Quan về làng làm một viên ngoại lang. Vợ chồng gặp nhau xiết bao nỗi tủi mừng. Trong bữa tiệc đoàn viên cùng bạn bè, ông Lưu Nghi đứng lên cắt giọng:
- “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm. Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon” (5). Phải thế không các bạn?
Mọi người vỗ tay: “ Đúng! Đúng!”

Từ đây không còn cái cảnh “Kẻ ở chương đài người lữ thứ” nữa. Họ sống bên nhau trong cảnh điền viên vui thú cho đến cuối đời. Nhưng riêng nàng vẫn không nguôi một nỗi buồn nhớ tiếc. Nàng lấy bút viết bài “Thăng Long hoài cổ” mà nàng thuộc từ lúc nào lên vuông lụa rồi treo lên vách. Hồn thơ đặc quánh lại trong nỗi nhớ về “nền cũ, lối xưa”. Thời gian có gột trải, lớp sóng phế hưng có tàn phá đến mấy thì hình ảnh Thăng Long xưa vẫn khắc đậm trong tim người nữ sĩ.

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường”.


Nhiều người ở Bắc Thành đã thuộc bài này. Họ viết lên giấy vàng dán ở nhà. Gần một trăm năm sau, những Việt kiều ở Pháp đã thấy bài thơ này trưng bày trong khu văn hóa Á Đông của một viện bảo tàng dưới đề tác giả: BÀ HUYỆN THANH QUAN. Bài thơ viết bằng chữ La tinh trong một cuốn sổ tay của một viên tướng Pháp bị tử trận khi đem quân ra đánh thành Hà Nội. Cuốn sổ đó đã được đưa về Pháp.

N.A.Đ 
(120/02-1999)


--------------------------------------
(1). Người dạy học cho các cung nữ
(2). Chăn cù: chăn dệt bằng lông thú
(3). Thị giả: quan hoạn hay thái giám
(4). Chỉ Nguyễn Huệ
(5). Hoắc lê: hai loại rau người nghèo thường ăn. 

 

 

Các bài mới
Chốn xưa (23/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Quê hương (05/02/2010)
Các bài đã đăng