Tạp chí Sông Hương - Số 283 (T.9-12)
Bồng bềnh 'Thiền mây'
09:39 | 28/09/2012

NGUYỄN KHẮC THẠCH 

Lâu nay, trên thi đàn bon chen vẫn thấp thoáng những bóng chữ u mê phóng chiếu cốt cách thiền. Người ta quen gọi đó là thơ thiền.

Bồng bềnh 'Thiền mây'
Ảnh: internet

Song, việc phân cách đặc trưng và nội hàm của nó mới chỉ là những thông ước chung trong trường nghĩa tập mờ. Sự à uôm giải đải của thói quen phiến diện trên bề mặt sự vật đã nhìn nhận thơ thiền ở tầng nghĩa y thức mà không đi sâu vào tầng nghĩa y trí. Bởi vậy, ở bình diện giữa đề tài với loại thể hoặc giữa hình thức với nội dung của dạng thơ này thật khó phân biện.

Thơ thiền vốn là hai phạm trù đối ngẫu vừa có nét tương đồng, vừa có phần dị biệt nhưng qua cuộc “hôn phối ngôn từ” thành cặp thơ thiền thì tại điểm đồng quy của chúng dường như chỉ còn tuyệt đối một. Tôi đã bồng bềnh qua Thiền mây - tập thơ mới của thi sĩ Trần Lan Vinh với chiêu thức quyến niệm một thực tại ảo bằng kinh nghiệm tâm linh trong cõi định vô ngôn để nghe tiếng vỗ một bàn tay buông mật ngữ thơ thiền. Thì ra thơ thiền không phải là sự vận hành ý tưởng qua dây chuyền cấu trúc cảm hứng của chủ thể để tạo ra tác phẩm nghệ thuật cho đối tượng có nhu cầu thụ hưởng nó. Thơ thiền là tia chớp trực ngộ của tâm hồn thi nhân băng qua mọi hàng rào khái niệm và phủ nhận mọi hình thức khẳng định cái tôi bản ngã. Nó trống vắng mọi kĩ năng kĩ xảo của thi pháp. Nó đến với người đọc cũng bằng sự chiêu cảm trực giác của họ mà không cần bất cứ một nỗ lực đáng kể nào từ trí lí. Trần Lan Vinh đã nương ngón tay chỉ trăng quán chiếu những bí ẩn u huyền diệu vợi của vạn hữu giữa chơi vơi:

Đêm thả giọt sao về cõi núi
Câu kinh tụng cởi kiếp luân hồi
Mưa tạnh lâu rồi nghe gió thổi
Hồn sương bỏ lối trắng chơi vơi


Vẻ tự nhiên nhi nhiên nhưng nó khuấy động những thâm căn thầm kín trong hiện thể nhân tình. Một cánh diều trăng huyền ảo cũng đủ nới rộng đường biên thực tại mà nơi đó không còn ý niệm nhị nguyên.

Một thoáng lửa chài trong sương trắng
Bờ tre níu lặng cánh diều trăng
Sóng nhập hồn sông lời nước chảy
Chuông chùa vọng đáy bước thinh không


Phải chăng tác giả đã đạt tới sự trải nghiệm tam muội trong cảnh giới chân thiền? Nơi đó là sự đồng nhất thể giữa con người và vũ trụ, giữa hữu hạn với vô biên. Thi sĩ qua đây cũng hoang dã như hoa cỏ. Tâm thức hiến dâng vô niệm hay sự hào phóng siêu nhiên là phẩm cách huyền cơ của những sinh linh hàng á thánh. Đấy cũng là phép nhiệm mầu khả thủ hoán vị vòng tri kiến giả lập giả danh bằng thực tại tri thức tối thượng. Người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng được mặc khải căn lành khai thị niềm thức ngộ của mình qua tác phẩm. Thơ thiền là nghệ thuật của chân không diệu hữu được kí thác bởi những pháp giới vô vi, những tâm hồn vô ngã. Ở bình diện khác thì thơ thiền là sự khế hợp không gian tâm cảnh với thời gian đồng hiện qua trường nghĩa mơ hồ và bất lực của ngôn từ. Những bài kệ hàm tính mục đích trong cửa nhà thiền dù có hình thức giống thơ đến mấy cũng không thể gọi là thơ thiền. Song, để định danh nó trong quan hệ loại thể thì có thể “cơ cấu” vào chiếu thơ đề tài thiền. Bài Cư trần lạc đạo của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông thực chất là 4 câu kệ trong bài phú cùng tên mà vẫn lấp lánh đặc trưng thơ nhưng chưa phải thơ thiền vì nó vẫn còn chỗ phân biệt “đối cảnh” với “vô tâm” dù rất vi tế (Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền). Sự chia chẻ ở đây nhằm khảo sát tính chất chứ không phải đong lường giá trị. Một bài thơ thường chỉ mang lại trạng thái “giải tỏa” còn một bài kệ có khi thức ngộ đến cửa “giải thoát”. Cũng vậy, nếu là “tùy duyên” thì những bông hồng chưa hẳn đẹp hơn bông dược thảo. Thấm vào tôi từ lúc nào hương dược thảo ấy của một đồng nghiệp là nhà thơ Thu Nguyệt mà man mác mãi mùi thiền: Bàn tay nắm lại xòe ra/ nắm là thấy có buông là thấy không...

Thơ Trần Lan Vinh nói chung vốn ảo lạ từ xúc cảm đến biểu cảm, từ ý tưởng đến ngôn từ. Những ám tượng chung chiêng khúc xạ trong miền vô thức luôn dự nghiệm qua giọng thơ này. Vô thức là không gian phù thủy đầm đìa năng lượng tối mang hệ lụy bảo trì mọi xung lực nghệ thuật cho những linh căn đồng sàng chia sẻ. Riêng tập Thiền mây gần cả trăm bài này, tuy cùng thể loại (thất ngôn tứ cú) tưởng chừng như đơn điệu hoặc trùng lặp nhưng mỗi bài đều đa nghĩa và án ngữ hồn cốt riêng của nó. Nó thanh tú uyển nhã như tranh thủy mặc: Đồng xưa khói rạ hương cỏ ngái/ xóm bãi chày ai giã vợi chiều. Hoặc trầm lắng uyên áo như đài thuyết pháp: Rừng thông lá nắng vàng sóng sánh/ mây vào tận sảnh lắng nghe kinh. Có thể nói Thiền mây của Trần Lan Vinh là những ngõ đất- ao chùa - hồn mai - thỉnh nụ - tìm - niết bàn trong thiền uyển. Giữa cái vườn thiền thơ mênh mang tĩnh mạc này, người ta cũng có thể nghe một tiếng hét lạnh trời của Không Lộ thiền sư, một tiếng nước khua lòng ao xưa của con ếch Basho hoặc thấy một cành mai trổ rạng đêm của thiền sư Mãn Giác.

Và giữa muôn trùng sắc không hằng hữu ấy, ngôi đền thơ xao xuyến ấp iu Trần Lan Vinh hẳn còn duyên khải huyền tụng niệm...

N.K.T
(SH283/09-12)









 

Các bài đã đăng
Mùa gió Tam Giang (28/09/2012)
Mở khóa kéo (25/09/2012)