Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-12)
Đất nở
07:53 | 15/10/2012

PHẠM XUÂN PHỤNG

Em bé gái tuổi lên mười ở thôn Kà Đông, xã Thượng Long đang gùi một a-chói đầy củi giữa nắng trưa hừng hực lửa, tóc và áo dính bết mồ hôi mà khuôn mặt vẫn rạng ngời với nụ cười hồn nhiên khi em bất chợt nhìn thấy đoàn chúng tôi đang chăm chú nhìn mình.

Đất nở
Nhà Gươl ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông - Thừa Thiên Huế - Ảnh: internet

Mai đây, em bé này cũng như bao thanh thiếu niên khác ở thôn Kà Đông, thôn Kẻ La của Thượng Long, thôn La Hố của xã Thượng Lộ, thôn Tây Lộc, Tây Linh của xã Hương Giang và bao nhiêu thanh thiếu niên ở các ngôi làng khác trong vùng thung lũng này sẽ trở thành trụ cột nuôi sống gia đình. Áo vẫn đẫm mồ hôi nhưng nụ cười trên môi vẫn nở. Niềm vui vẫn ngời trong mắt.

Thượng Long là một xã nghèo của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một trăm phần trăm dân số là người Cơ Tu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28 phần trăm, hộ cận nghèo chiếm 26 phần trăm, vị chi hơn một nửa số dân xã này thuộc diện nghèo quanh năm. Xã có 8 thôn, nằm rải quanh một thung lũng. Thôn 2 (Kà Đông) có gần 30 gia đình, nhà xây dọc hai bên con đường làng đã được bê tông hóa, rộng vừa đủ cho chiếc xe ô tô 16 chỗ chạy vào chạy ra dễ dàng. Các ngôi nhà đều xây theo kiểu nhà người Kinh, ba gian hai mái. Kiểu nhà sàn ngày xưa hoàn toàn biến mất. Làng chưa có nhà gươl để sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết các ngôi nhà đều xây kiên cố, tường bờ lô, cột đúc. Có vài nhà còn lát gạch men nền nhà như nhà bác Hồ Thương Tôm. Duy nhất ngôi nhà lợp tre nứa còn chen giữa các ngôi nhà mái ngói, mái tôn.

Bác Hồ Thương Tôm đón chúng tôi bằng một nụ cười, mời chúng tôi ngồi trên nền nhà tráng men bóng loáng, quanh bộ khay trà. Chúng tôi vào đây chỉ để hỏi mua mấy “mụt” măng to mập trong bụi tre trước ngõ nhà bác. Thoạt đầu bác không cho chặt vì bác tưởng chúng tôi nói đùa. Khi biết chúng tôi mua thật, bác bảo người vợ xách rựa đi chặt măng. Tôi cũng lò dò đi theo chị để tiện thể quan sát khu vườn. Khu vườn nhà bác cũng như bao nhà khác, chỉ rộng chừng 500 trăm mét vuông. Nếu mai đây dân số tăng lên, các khu vườn có thể sẽ bị chia nhỏ hơn nữa. Đất đang bị teo nhỏ dần vì con người ngày một nở ra.

Ở Thượng Long, vườn thường trồng chuối, cau, riêng nhà bác Tôm chỉ trồng tre lấy măng. Năm búp măng không biết giá, hỏi chủ nhà, chủ nhà cười: Không biết! Thì biếu bà con 5 chục ngàn vậy, coi như làm quà cho bầy trẻ đang xúm xít tò mò dòm ngó mấy ông khách với nụ cười chực nở trên môi.

Nhà bác Tôm sinh sống bằng nghề làm nương trồng sắn, chuối và mấy chục hecta cao su chừng 4 - 5 tuổi, chưa thu hoạch được. Chừng vài năm nữa, khi nhựa trắng chảy thành dòng, chắc nhà bác còn khá hơn. Trong chiếc tủ đặt ở góc nhà, tôi nhìn thấy một tai nấm linh chi cổ, rộng bằng tai voi. Mặt tai nấm có những đường vân tròn tuyệt đẹp màu nâu vàng, nom giống hệt mặt trống đồng Ngọc Lũ. Linh chi tự nhiên mọc ra từ các thân cây cổ thụ bị chết, đó là một loại nấm ký sinh. Thời chiến tranh, đi qua các khu rừng già Trị Thiên, tôi luôn gặp những tai nấm linh chi khổng lồ, có cái to bằng chiếc mâm đồng, màu đỏ nâu hay đỏ thẫm, có khi đỏ như bột hùng hoàng, chu sa. Đó là loại nấm độc, không thể dùng. Mà chúng tôi cũng không thể dùng vì tai nấm cứng như lốp cao su, dao sắc mấy cũng không thái được, sắp chết đói cũng chỉ dám nhìn. Loại nấm dùng làm thuốc thường mọc trên các thân cây gỗ mềm, màu nâu đỏ ngả vàng, phải bào chế mới dùng được, theo tài liệu nghiên cứu gần đây. Tìm trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, không hiểu sao ông chẳng nói đến vị thuốc Linh chi mà hơn chục năm nay người ta đồn rằng có thể cải lão hoàn đồng, tăng cường sinh lực đàn ông, diệt khối ung thư. Bây giờ nhà thuốc đông y nào cũng bán linh chi, nhiều người đổ xô đi mua linh chi về sắc hoặc ngâm hoặc pha như pha trà để uống, mong giữ gìn sức khỏe, đuổi hết chất độc do rượu bia đưa vào. Nghề trồng nấm linh chi đang trên đà phát triển vì mỗi ký linh chi bán được gần cả triệu đồng. Linh chi trồng cấy thường mọc trên mùn cưa gỗ thân mềm như cây keo, cao su mà Nam Đông thì bạt ngàn cao su và keo, có thể coi là nơi lý tưởng để phát triển nghề trồng nấm.  Đó chính là lối canh tác liên hoàn: keo, cao su -> nấm (linh chi, bào ngư, nấm rơm, mộc nhĩ) -> phân bón hữu cơ -> xử lý rác thải bảo vệ môi trường -> làm giàu. Một hướng xây dựng kinh tế nông thôn mới của Nam Đông, thế mạnh của Nam Đông riêng có nhiều hơn tất cả. Tăng thu nhập cũng là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bác Tôm đưa chai mật ong nguyên chất (tận nơi này mà không có mật ong nguyên chất rừng thì ở đâu có?) ra mời chúng tôi, ai cũng thích nhưng chỉ dám uống một ly vì sợ say. Uống mật ong say tuy bổ dưỡng nhưng cũng mệt bã người như uống rượu nặng độ hay húp một chén nước mắm nhất. Tôi uống hai ly, người cứ bừng bừng như ngày mới cưới vợ. Cô Hoa Nghiêm thích quá, nài bác Tôm để lại, bác Tôm vui vẻ bán với giá rẻ như cho: 70 ngàn đồng. Một chai mật loại này bán ở chợ Khe Tre 250 ngàn đồng. Tôi nhờ anh Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy mua tại nhà người dân Cơ Tu đi lấy mật tự nhiên, giá đã là 200 ngàn đồng. Thế mới cảm được tấm lòng mến khách của bác Tôm, cũng như của bà con Cơ Tu hiền lành chất phác. Nuôi ong lấy mật cũng là một thế mạnh của Nam Đông vì có các loài hoa phù hợp.

Nam Đông là một vùng đất có số phận lạ kỳ: 5 lần thay tên, bốn lần đổi chủ. Thời Pháp thuộc, vùng đất này thuộc nguồn Tả (một trong 4 nguồn ở miền núi Thừa Thiên, nguồn là đơn vị hành chính miền núi do thực dân Pháp đặt ra để cai trị) và một phần của nguồn Hữu. Sau 1954, được gọi là quận Thượng Du, cùng với A Lưới, rồi sau đó lại đổi tên thành quận Nam Hòa. Năm 1960, Nam Đông không có tên gọi, chỉ được chính quyền cách mạng đặt vào Vùng C, một trong ba vùng miền núi Thừa Thiên. Đến năm 1963 lại đổi thành quận 4. Năm 1976, chính quyền ta đặt tên Nam Đông, bao gồm 8 xã. Đến thời Bình Trị Thiên hợp nhất, Nam Đông lại bị xóa tên, đưa vào huyện Phú Lộc. Tháng 10 năm 1990, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức “trả lại tên cho em”. Đến nay gần tròn 22 năm chẵn. Huyện đã thế, các xã cũng chịu chung số phận đổi họ thay tên, chia cắt rồi sáp nhập, nhập vào lại chia ra. Nam Đông ngày nay gồm 10 xã và một thị trấn Khe Tre. Chỉ trong hơn 50 năm mà bao điều thay đổi về số phận của một vùng đất, số phận con người! Đất có đau không nhỉ?

Đất không hề vô tri vô cảm. Đất biết yêu thương, dâng hiến, căm thù, vui buồn và hờn giận. Đất từng có những đợt trào sôi căm tức, mệt mỏi cựa mình tạo nên những cơn địa chấn sóng thần, những pha trượt đất, những kỳ phun nham, đồi tan, núi lở, bao mạng người tiêu vong. Nhưng con người dường như chỉ biết sợ hãi vào lúc Đất căm giận. Khi mọi sự bình yên, con người vẫn coi Đất hiền lành như đất nên cứ tha hồ khai thác, đào bới, cắt chia. Đất như Người Mẹ vĩ đại, bao dung, cứ thế âm thầm bảo bọc, chở che, nuôi dưỡng cho mọi sinh linh trên đất, dù biết vì lòng tham, con người - đứa con trí tuệ nhất - đang róc thịt xẻ da của Mẹ. Rồi sẽ có một ngày Người Mẹ vĩ đại kiệt sức tàn hơi, những đứa con của Mẹ không còn chốn dung thân, cũng sẽ không còn chiếc thuyền Nô-Ê thần thoại để cứu vớt giống nòi. Ngày ấy sẽ đến nếu con người cứ tận lực dã man khai thác đất, coi đất là của riêng mình tha hồ hưởng lợi, nguồn lợi vô tận nên tham lam muốn vét cả về mình. Trên đất nhung nhúc những loài sâu bọ hại mùa màng, hại sinh mạng muôn loài nhưng loài sâu bọ độc hại nhất chính là những kẻ tham lam. Chuyện đã từng xảy ra ở nhiều nơi khi người ta mượn gió bẻ măng, lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước muốn làm giàu cho dân bằng cách giao đất rừng cho dân khai thác làm ăn thoát nghèo và bảo vệ rừng cho hậu thế thì một số người có chức quyền lại hè nhau chia chác, rồi khi người dân nổi giận lại vuốt ve bằng những lời có cánh ngọt ngào: Chúng tôi đã xử lý nghiêm minh (!). Đất từng ngày co mình run rẩy, chảy máu trước bàn tay bạo tàn vô cảm của những kẻ tham lam có thể ăn tươi nuốt sống mọi thứ chúng thèm. Đau lắm chứ!

Nhưng hôm nay, như hàng triệu năm qua, ở nơi này Đất vẫn nở. Đất nở từng ngày cho con người trái ngọt hoa thơm. Đất tạo nên những buồng cau trĩu quả, những buồng chuối tròn căng, những quả mít chín thơm lừng. Đất xẻ da mình tạo những dòng sông, con suối cho con người trồng lên những rừng cây cao su cung cấp dòng nhựa trắng giúp dân thoát nghèo. Đất cho con người những hồ ao để nuôi con cá, những bãi cỏ chăn nuôi trâu bò, dê và những sản vật khác khi con người biết quý đất như vàng, biết tạo nên vàng từ đất, chứ không phải chăm chăm đào bới xương thịt Mẹ Đất để tìm vàng cho thỏa lòng tham. Con người Nam Đông, người Kinh, người Cơ Tu đều hiểu lòng Đất nên đã làm nên bao chuyện diệu kỳ. Những số liệu khô khan tuy có thể nêu ra rõ ràng nhiều sự thăng tiến vượt bậc của Nam Đông sau hai mươi hai năm tái lập. Nhưng có những điều chỉ cảm nhận mà thôi.

Đêm. Thị trấn Khe Tre yên ả, thanh bình. Trời đêm xanh cao vời vợi, màn đêm trong vắt như không vướng bụi trần gian. Mặc dù hai bên hè phố tôi đi vẫn có nhiều bạn trẻ ngồi quanh bên bàn nhậu, nhưng không cười nói ồn ào. Mặc dù đêm đã về khuya nhưng trên đường lang thang tôi vẫn thấy như mình đang đi trong xóm trong làng, không hề sợ hãi tội ác từ bóng đêm. Những cánh rừng bao quanh chỉ cho nhựa sống, không bao che cho tội ác và dối gian. Tôi cứ lang thang qua nhiều góc phố, ngọn gió bình yên dìu dịu quanh mình. Thảo nào anh Ngô Văn Chiến - Chủ tịch huyện - có thể bình thản và tự hào tuyên bố: Ở Nam Đông không có tệ nạn ăn cắp, cướp giật. Mai này chắc mình phải lên đây để tìm một góc bình yên.

Nam Đông đêm nay Đất đang âm thầm nở. Đất nở hoa hạnh phúc vì Người.

Tháng 7/2012 ở Nam Đông
P.X.P
(SĐB9-12)







 

Các bài mới
Mắt Tam Giang (24/10/2012)
Các bài đã đăng
Hối (08/10/2012)
Ký ức làng (08/10/2012)
Rừng (08/10/2012)