Tạp chí Sông Hương - Số 288 (T.02-13)
Rắn Đại Nội, sự thật và huyền thoại
09:43 | 04/02/2013

TRỌNG BÌNH  

Rắn là loài vật xuất hiện sớm và có sức ám ảnh mạnh mẽ trong hầu hết các nền văn hóa của nhân loại. Rất nhiều nơi trên thế giới có tín ngưỡng thờ rắn, tùy vào đặc điểm văn hóa của từng quốc gia, khu vực lãnh thổ mà con vật này biểu trưng cho các lớp ý nghĩa khác nhau.

Rắn Đại Nội, sự thật và huyền thoại
Vườn Cơ Hạ và động Đào Nguyên - nơi được cho là có một con rắn to như lốp xe Huê Kỳ, trên đầu có mào màu đỏ thường cất tiếng gáy như gà vào buổi sáng

Và có những câu chuyện về rắn vừa sự thật, vừa ly kỳ huyền thoại, một thời được các hộ dân sống trong Đại Nội - Huế bây  giờ vẫn còn truyền miệng nhau; hay chúng tôi mỗi khi gặp những người bạn nối khố ngày xưa đều nhắc về chuyện gặp rắn trong Đại Nội.

Ngày đó, Đại Nội hoang tàn lắm, những bức thành cổ đổ nhào vì thời gian và chiến tranh bị cỏ dại bám vào như muốn làm nhân chứng cho một chế độ quân chủ đã bị suy tàn, còn nữa, khắp các cung điện và sân rồng tranh săn1 mọc cao quá đầu người. Trong khung cảnh “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, những đứa trẻ như chúng tôi vẫn vô tư trèo qua những bức tường đổ nát để vào Đại Nội hái xoài, hái mận, hái đào… Buổi chiều, mưa lâm thâm, tôi rủ thằng Hùng ở gần nhà vô Đại Nội hái xoài; biết tôi có người thân làm trong đó nên thằng Hùng hồ hởi lắm. Không xin được mấy chú bảo vệ, chúng tôi men theo một mảng tường đổ nát để leo thành vào Đại Nội. Vào đến Triệu Miếu, nơi có vườn đào trĩu quả (bây giờ vẫn còn) nhưng xung quanh thì tranh săn mọc um tùm, sau khi rẽ qua những bụi tranh săn trước mặt, đang chuẩn bị leo lên cây, tôi với thằng Hùng phải dừng lại vì nghe tiếng sột soạt, tiếp đến là tiếng thở phì phò rất gần với nơi chúng tôi đứng. Đang nín thở để xem chuyện gì thì những bụi tranh săn dường như đều nằm rẹp xuống và ngả ra hai bên. Một con rắn đang từ từ trườn đi, nó trườn đến đâu tranh săn ngã ra đến đó, hai thằng chỉ biết há hốc mồm miệng, tôi muốn hét nhưng sao cổ họng khô khốc. Đoạn đường con rắn trườn ngang qua chúng tôi chỉ khoảng 10m, nhưng thời gian chúng tôi nín thở thì dài vô tận. Bất ngờ thằng Hùng khóc thét lên rồi vùng chạy, tôi cũng chạy theo, hai chân như muốn ngã quỵ. Về nhà, thằng Hùng ốm liệt giường ba ngày, mẹ hắn thắp hương ra giữa ngã ba đường lầm rầm khấn xin bề trên đừng bắt con bà. Còn tôi, tôi không dám kể với ba mạ tôi về chuyện thằng Hùng bị ốm là vì tôi rủ hắn vô hái đào trong Đại Nội và gặp rắn, và rắn Đại Nội đã có trong tâm trí tôi từ đó.

Năm 1984, trong Đại Nội có một võ đường karatédo do võ sư Trương Trọng Toản cán bộ của Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế dạy cho những người bảo vệ của cơ quan. Thời gian này, tôi được ba mạ tôi cho vào đây để tập võ. Sân tập võ không bao giờ được cố định (không biết lý do gì), khi thì tập ở Nhà hát Duyệt Thị Đường, khi thì tập ở sân Điện Cần Chánh, khi thì tập Triệu Miếu, Thế Miếu, Thái Miếu… thời gian tập bao giờ cũng bắt đầu từ 5 giờ chiều cho đến 8 giờ tối. Một lần, Huế đang giữa mùa đông, mưa lâm thâm cùng với cái lạnh cắt da cắt thịt, anh Nguyễn Khoa Đức - huấn luyện viên của võ đường xin thầy về trước vì nhà có việc. Cả võ đường đang tập thì thấy anh Đức hớt hải chạy vào, mặt xanh mét, anh nói có con rắn đang nằm chắn ngang giữa đường, sợ quá nên quay lui. Nghe vậy, thầy cho võ đường nghỉ tập để cùng về, từ Duyệt Thị Đường ra đến con đường đi ngang qua Phủ Nội Vụ, anh Đức chỉ: “Đầu nớ tề”. Trong cái màu tối lờ mờ của ánh trăng bị mây che khuất chúng tôi thấy một con rắn rất dài, đường kính cỡ như bánh xe honda đang nằm chắn ngang qua đường, mấy anh lớn tuổi lấy đèn pin hua hua rồi lấy đá ném, con vật hình như không biết sợ, nó ngóc đầu lên cao, phùng mang thở phù phù rồi từ từ trườn vào góc thành gần đó. Vội vàng đạp xe đi ngang qua khỏi nơi con rắn vừa nằm, không ai nói với ai điều gì, nhưng tôi hiểu mọi người ai cũng sợ.
 

Ngôi miếu phía đông Điện Thái Hòa - nơi được truyền miệng là có nhiều rắn sinh sống nhất


Anh La Hùng (con trai cố nghệ nhân tuồng cung đình La Cháu) cho biết, vì gia đình có họ hàng xa với bà Từ Cung - thân mẫu của vua Bảo Đại nên cả nhà anh được cho vào ở trong khu vực Hữu Vu - Đại Nội cho đến đầu thập niên 80. Và khi nghe chúng tôi bắt đầu câu chuyện về rắn trong Đại Nội thì anh hồ hởi bảo, từ nhỏ được sinh ra và lớn lên nơi đây nên mọi ngóc ngách của khu vực Tử Cấm Thành anh thuộc làu như lòng bàn tay. Từ ao hồ nào có nhiều cá nhất, cây cao nào chim hay đậu nhất, và đặc biệt, lùm cây, góc thành nào có nhiều rắn nhất mà tất cả “cư dân” sinh sống trong Đại Nội phải bất khả xâm phạm, anh đều nắm rõ. Bởi vì, rắn ở đây vừa nhiều, vừa to và đã trở thành huyền thoại với cuộc sống của những người dân như: o Mai, ông Bửu Tự, ông Diệp sống ở khu vực cửa Hiển Nhơn; ông Lẫm đàn cò sống ở phía đông Điện Thái Hòa; ông La Nghiêm, ông La Cháu, chị Lan sống ở Hữu Vu; ông Suyền, ông Quảng Lập và các ni cô sống ở Cung Diên Thọ…

Nói rằng, rắn ở đây trở thành huyền thoại cũng không ngoa chút nào, bởi dưới những bức thành đổ nát, cây cỏ um tùm đi đâu cũng gặp rắn thì còn có những câu chuyện truyền miệng nhau như: góc thành phía đông vườn Cơ Hạ gần động Đào Nguyên có một con rắn to như lốp xe Huê Kỳ, trên đầu có mào màu đỏ thường cất tiếng gáy như gà vào buổi sáng, đặc biệt con rắn này có thể bay từ bức thành này qua bức thành khác, và mỗi lần nó di chuyển thì gió bụi và tranh săn xào xạc một góc thành. Câu chuyện trên không biết có thật hay không, nhưng với anh La Hùng thì đã bắt gặp một đôi rắn to và dài như hai con rồng trong hồ tiểu Ngự Hà trước mặt Ngự Tiền Văn Phòng. Anh kể, cuối những năm 70 khi đó anh vẫn còn là một cậu bé khoảng hơn 10 tuổi, từ Hữu Vu anh lang thang vào Ngự Tiền Văn Phòng để hái xoài, hái xong mon men ra gần am Phổ Minh nằm bên hồ tiểu Ngự Hà. Đang nhấm nháp thưởng  thức những trái xoài vừa  hái được, bất ngờ anh nghe một tiếng ầm rất lớn, nước tung trắng xóa. Từ phía đối diện với am Phổ Minh một đôi rắn rất to, trên đầu có mào rẽ nước cùng sóng đôi phì phò lao đi tạo thành những đợt sóng nhỏ dập dềnh nước vào bờ. Anh đem chuyện này về nhà kể với ba anh - nghệ nhân La Cháu, ba anh bảo, đó là rắn ngài không được đùa giỡn. Từ đó anh không còn dám đến am Phổ Minh để chơi nữa. Ông La Nghiêm, một người bà con với Đức Từ Cung sống trong Tả Vu cũng đã có lần bắt gặp một con rắn nằm cuộn tròn to như lốp xe ôtô. Chuyện được kể lại, hôm đó trời đã về chiều ông La Nghiêm đi trồng chuối về thì tranh thủ vào khu đất trống ở phía đông Điện Thái Hòa, nơi có nhiều tranh săn mọc nhất cắt về để lợp nhà. Đang cúi gập mình chọn lựa tranh để cắt thì bất ngờ ông nhìn thấy một đống cuộn tròn đen sì lộ ra trước mặt, ông hét lên thất thanh vùng chạy và cũng như bị giật mình, đống màu đen sì kia cũng hoảng hốt chuyển mình lao vút qua bức thành đối diện. Mọi người bảo ông Nghiêm đã gặp rắn hổ gió. Từ đó ông Nghiêm không còn dám bén mảng tới khu vực gần đó để cắt tranh săn nữa. Nhắc đến câu chuyện này, những người đã từng sống trong Đại Nội cho biết, khu vực phía đông Điện Thái Hòa có một ổ rắn có hàng chục con rất to sinh sống.

Năm 1993, quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và cũng từ đó những bức thành đổ nát được phục hồi, cây cỏ được chỉnh trang, những bụi rậm và lùm tranh săn cũng biến mất với thời gian. Những hộ dân sống trong Đại Nội vào giữa thập niên 70 - 80 không còn nữa. Vườn Cơ Hạ, nơi rắn có mào thường cất tiếng gáy vào buổi sáng bây giờ đã trở thành một điểm tham quan rất được du khách ưa thích. Và câu chuyện những con rắn trên mình mọc đầy rễ cây trườn ra giữa đường khi trời có mưa giông bây giờ chỉ còn là ký ức trong nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại về rắn Đại Nội một thời.

T.B   
(SH288/02-13)


--------------------
(1) Một loại tranh cỏ thường dùng để lợp nhà.
 








 

Các bài mới
Hạt muối (25/02/2013)
Các bài đã đăng