Tạp chí Sông Hương - Số 25 (T.5&6-1987)
Căn nhà bên bờ sông lở
09:39 | 03/04/2013

HỒ ANH THÁI

Tan học, Lân không về nhà. Cậu ta ăn mấy cái bánh rán, rồi tới vườn hoa Hàng Đậu, chờ lũ bạn để cùng đi đá bóng. Lân dựng xe đạp, và nằm ngửa trên chiếc ghế đá cạnh đấy, tranh thủ nhắm mắt nghỉ ngơi ít phút.

Căn nhà bên bờ sông lở
Ảnh: internet

Có tiếng lách cách lục cục của xe ai ở gần đấy. Những tiếng động khẩn thiết kéo dài một lúc, khiến Lân sốt ruột, ngồi bật dậy: Một cô gái áo thụng đỏ, đang nắm cái pê-đan mà lay lắc. Mái tóc xõa trên gương mặt đỏ bừng, trông cô gái như đang đánh vật với cái xe hỏng.

Chỉ ba bốn bước là Lân đã tới bên cô gái, nhấc bổng cái xe đưa lên vỉa hè. Cậu ta quay mấy vòng đĩa nhẹ bỗng như không có xích, xem xét một lúc rồi vật ngửa cái xe lên. "- Bị tuột râu tôm rồi!".

Lân lấy một hòn gạch, kỳ cạch gõ một lát nữa vẫn không chữa được.

"- Thôi, anh để em đi tìm hiệu chữa vậy." Cô gái gạt mấy sợi tóc xòa trước trán, có vẻ không muốn phiền Lân.

Lẽ ra mọi việc có thể chấm dứt sau câu nói biết điều này. Nhưng Lân lại hình dung ra cô gái, với những giọt mồ hôi khá to ở trán, lóc cóc với chiếc xe qua mấy dãy phố để tìm hiệu sửa xe đạp. Thế là cậu ta giữ lấy ghi-đông, nói giọng dứt khoát: "- Để tôi đưa cô về và chữa thêm một chút nữa là được thôi". Cô gái cũng thừa nhận cách đấy là hơn cả. Lân đạp xe, để cô gái ngồi sau pooc-ba-ga, một tay dắt xe cô theo. Rồi cậu ta biết tên cô là Dung, đang học lớp mười hai trường Chu Văn An. Hôm nay Dung vừa từ Bưu điện - nơi mẹ cô làm việc đi ra thì xe bị hỏng, may mà gặp Lân.

Lân không nghĩ rằng mình sẽ đến nhà Dung nhiều lần nữa, vì cô không phải là người sắc sảo và trội hẳn lên với bạn bè cùng lứa. Hơn một tuần qua đi. Hôm ấy, đội bóng của Lân, gồm mấy chàng sinh viên Tổng hợp, thắng nhóm Kiến trúc khá đậm. Họ nhảy nhót reo mừng rồi vơ vội quần áo, sách vở, cặp lồng kéo nhau đi "khao quân". Trong trạng thái bừng bừng phấn khích, phải một lúc lâu Lân mới nhớ mình còn bỏ xe đạp ở sân bóng. Khi cậu ta quay lại thì chỉ thấy một cái sân vắng. Mấy tờ giấy nhàu bị gió đẩy sê sết trên sân. Không quay lại với các bạn. Lân chạy xộc vào Bưu điện ở gần đấy, chẳng kịp để nhìn ai, vồ lấy cái ống nghe điện thoại trên mặt quầy, hấp tấp quay số và gọi: - Alô, cho cháu nói chuyện với bố Lịch... Bố đấy ạ? Bố ơi, bố mua rau về rồi nấu cơm đi. Mẹ đi công tác rồi... Sao ạ? Con bị mất xe đạp, mới lúc nãy thôi... Con sẽ về muộn, vì còn ra chợ giời, thử tìm xem..."

Lân bỏ cái ống nghe, vội đi ra cửa, thì nghe tiếng gọi tên mình. Cậu ta lúng túng quay lại, moi tiền để trả, và bất chợt nhận ra cô gái đứng bên quầy là Dung. Cô nhìn Lân xót xa, như chính xe mình bị mất: "- Anh lấy xe em mà đi. Em đợi một lát rồi về cùng xe mẹ. Anh chưa biết mẹ em nhỉ? Mẹ em đấy". Dung chỉ người phụ nữ tân thời ngồi sau quầy. Lúc này Lân mới để ý nhìn và có cảm tưởng đó là chị gái Dung thì đúng hơn. "Chị gái" ăn mặc hợp thời trang, má phấn môi son, chào Lân bằng cái gật đầu và mỉm cười yểu điệu.

Hơn một tháng, chiều nào Lân cũng đến chợ trời - có hôm cả Dung cùng đi, nhưng không tìm được xe. Thành ra sáng sáng Lân phải đèo Dung tới trường của cô rồi mới đi học. Buổi trưa quay lại đón.

Đột ngột một sáng chủ nhật, "Chị gái" tìm đến nhà Lân, ngoài bãi sông. Vừa lúc một đám cưới kéo dài từ đầu đường vào sân trong bãi. Những ông già bà cả áo gấm, khăn xếp, áo tứ thân, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Những trai thanh, gái lịch quần bò lơ.vitx đóng com lê hoặc blu-dông chói chang màu sắc. Từ cửa sổ nhà Lân nhìn ra tưởng đấy là một dòng sông hoa trườn qua bãi ngổn ngang đá hộc, tre pheo để xây kè, rồi đổ xuống phía bờ sông lở. "Chị gái" kéo tấm màn gió trên cửa sổ lại như cũ rồi thè lưỡi nói với bố mẹ Lân:

- Khiếp quá, đến đám cưới thằng cháu Lân với con bé Dung, chúng mình cũng phải đội khăn, ăn trầu rồi phơi mặt ra ngoài đường như thế thì buồn cười thật. Thời mới mà còn phải bê quả đựng trầu ngồi trên xích lô? Úi trời, ngồi xích lô là em xin vái cả nón.

"Chị gái" vừa nói vừa hình dung chính mình phải làm những lễ nghi cổ lỗ ấy và cười rú ra. Chồng hy sinh ở chiến trường B hơn mười năm trước, một mình Cẩm tức "Chị gái" - chèo chống nuôi con. Chị vốn hồn nhiên, vả lại để hiểu và dạy con, Cẩm cũng phải sống với con bằng tuổi tác của nó. Chị trẻ hơn tuổi là vì vậy.

Với Cẩm, cái vui đến rất nhanh, và nỗi buồn cũng trong chốc lát. Một bóng sẫm lướt qua cặp mắt, khi chị nói chuyện gia đình mình.

- Tết năm nào cũng chỉ có một mẹ, một con. Năm vừa rồi, lúc giao thừa, con cháu Dung ra vẻ thành kính, đốt ba nén hương và lẩm nhẩm: "Cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho gia đình tôi sang năm mới thêm tuổi, thêm người cho nhà cửa đuề huề, ấm cúng". "- Sang năm mới con định lấy chồng hay sao mà nói là thêm người?", "- Là con nói mẹ sẽ lấy chồng ấy chứ. Con rất muốn có thêm một ông bố dượng, nhưng tất nhiên phải là người chịu nghe lời con..."

Cẩm lại bật cười như nắc nẻ, những tia sáng lóe lên trong đôi mắt ươn ướt. Bố mẹ Lân cũng cười, mà trong lòng thương cảm, nhất là Lịch. Anh vồn vã đưa tận tay Cẩm chén nước, và ân cần hỏi han chuyện gia đình chị. Cẩm về rồi, Lịch còn băn khoăn mãi. Lòng day dứt như quen biết nhau đã lâu, mà anh chưa giúp được gì cho Cẩm.

Lịch là người dễ động lòng thương. Nếu ai đó nhìn thẳng vào mặt anh mà kể nghèo, kể khổ, thì anh không thể chịu nổi, chỉ chực rơi nước mắt. Có lần anh gặp ở cổng cơ quan một cô gái son phấn ăn mặc như một cô gái Sài Gòn. Cô này kêu to: "- Ủa anh Hai, bộ anh Hai quên em rồi sao chớ?", " - Cô là?...", "- Trời đất, anh Hai quên em thiệt rồi, hồi anh vô trỏng công tác đó." Lịch mang máng nhớ dạo ấy anh có gặp mấy cô vui tính làm việc ở Viện N. Nghe cô nói rằng vừa bị lừa, mất hết va-li, túi xách, anh mời cô lên xe đưa về nhà. Đang hỏi thăm về việc cô gái bị mất đồ và cô ta sắp mượn xe đạp "để đi tìm mấy đứa bạn" thì Trang về. Chị hoảng hốt kêu lên: "- Nó chẳng phải người Sài Gòn sài ghiệc gì đâu. Nhà nó ở ngay ngõ chợ kia thôi. Để em đi gọi bảo vệ". Cô kia sợ quá, van xin rối rít rồi lủi mất. Nhưng bấy nhiêu chuyện chưa đủ làm cho Lịch rút kinh nghiệm. Một thời gian sau, anh bị kỷ luật về chuyện quan hệ nam nữ với cô Thúy phục vụ trà nước ở cơ quan. Thúy mới ngoài ba mươi, có một gương mặt dễ thương, phải cái đi khấp khiểng vì bị tai nạn giao thông, người ta không dám gọi trước mặt Thúy, nhưng sau lưng thường gọi là cô Thúy "khoèo" để phân biệt với ba cô Thúy khác. Nghe đâu trước kia cô cũng có người yêu nhưng anh ta đã đánh bài chuồn sau khi cô bị tai nạn. Biết thêm nhiều chuyện dễ gây mủi lòng khác, Lịch rất lấy làm ái ngại và thương hại Thúy. Mỗi khi gặp cô anh thường chào hỏi với thái độ nghiêm chỉnh và kính cẩn quá mức, dường như không làm như vậy tức anh xúc phạm Thúy. Thế rồi một đêm, một mình anh trực ở cơ quan. Đột nhiên Thúy bước vào phòng đóng cửa lại. Cô không dám làm phiền Lịch và gia đình anh, nhưng cô sống đơn độc, không họ hàng thân quen và chỉ ao ước có một đứa con. Hơn một giờ trò chuyện với nhau, Lịch mềm lòng trước đòi hỏi của Thúy. Cô chỉ cần có một đứa con cho khuây khỏa… Rồi chuyện bung ra trong cả cơ quan, Thúy bị chuyển xuống cơ sở, song không lấy đó làm buồn, vì đã toại nguyện. Còn Lịch bị kỷ luật, và thầm nguyền rủa sự mềm yếu của mình.

Sau khi gặp Cẩm, Lịch cứ bị ám ảnh mãi bởi cuộc sống vất vả và tẻ lạnh của chị. Mấy tuần qua đi, bất chợt một buổi tối anh hỏi riêng Lân:

- Con có biết gì về công việc của cô Cẩm không?

- Cô ấy vẫn làm ở Bưu điện. Thỉnh thoảng vào buổi chiều Dung và con có đến đón.

- Như thế chưa đủ đâu - Lịch lắc đầu với vẻ trách móc - phải nói là công việc của cô ấy rất nặng nề.

Lân không hiểu công việc ngồi trực điện thoại, bán tem thư, nhận điện và trả bưu phẩm nặng nề theo nghĩa gì.

Cậu ta hỏi Dung. Cô cũng không biết. Và đôi trẻ vẫn ríu rít đưa nhau đi học bằng chiếc xe của Dung. Thời gian để ý đến người mẹ cũng ít hơn. Đó chính là nỗi buồn của Cẩm. Một phần nữa là vì hai mẹ con không khi nào chia sẻ và cảm thông với nhau những chuyện ở cơ quan. Một buổi chiều, Lân đưa Dung đến Bưu điện. Từ xa cậu đã thấy bố mình đang đứng đợi ở trước cửa. Cô Cẩm tươi cười xách túi đi ra, rồi họ lên xe phóng đi. Lân vội ngoặt sang phố khác, nói dối là có việc phải đến nhà một người bạn một lát.

Một buổi Lịch nói với con:

- Bọn gian thương gửi rất nhiều hàng cấm từ miền Nam ra, theo đường Bưu điện. Mỗi ngày, Bưu điện nhận được hàng trăm gói, với hàng trăm địa chỉ, nhưng thực chất là cho một nhóm người. Cô Cẩm phát hiện ra và kiên quyết không phát bưu phẩm. Cho nên bọn gian thương viết thư nặc danh, dọa sẽ đổ a-xít, hoặc đánh què chân, ném vỡ đầu...

Nghe bố nói, Lân cảm thấy ớn lạnh sau gáy. Công việc của cô Cẩm nặng nề và nguy hiểm là vì vậy. Thế mà bấy lâu đôi trẻ quá vô tư, chẳng mấy khi để tâm giúp mẹ, hoặc đưa đón mỗi buổi tan tầm. Lân thầm hiểu sự quan tâm của bố, nhưng lập tức cậu ta nhăn mặt như uống phải một ngụm thuốc đắng.

Nhưng Lịch chẳng hề thấy có điều gì không ổn trong hành vi của mình. Thấy hoàn cảnh của Cẩm như vậy, ai mà chẳng giúp đỡ ít nhiều. Người ta giúp được, sao Lịch lại không? Sau hôm đứng chờ Cẩm ở cửa, và gạt mấy mụ béo múp nhâu nhâu xông vào xỉa xói Cẩm ra. Lịch luôn cảm thấy không yên lòng. Anh chỉ lo đến muộn một chút là Cẩm sẽ gặp chuyện không may. Có hôm anh cùng Cẩm phải tới đồn công an, trình bày lại thật cụ thể việc vừa diễn ra ở Bưu điện. Tuy nhiên Lịch vẫn chẳng yên tâm. Cứ như thế, họ đưa đón nhau sau giờ làm việc, đi xem triển lãm xem phim và vào hiệu giải khát. Đôi lúc Lịch giật mình, cảm thấy như có lỗi khi đứng trước mặt vợ. Cũng may, hình như Trang quá bận nên không biết chuyện gì.

Thực ra Trang lờ mờ cảm thấy mối quan hệ tưởng như vô hình giữa chồng mình và Cẩm. Tuy nhiên thời gian này chị đang bị hút vào việc nghiên cứu chế tạo một chiếc máy đếm hạt giống. Ở viện nghiên cứu của chị, muốn đếm hạt giống, người ta vẫn thường phải dùng phương pháp thủ công là lần từng hạt. Có cách gì để tiết kiệm thời gian, chấm dứt được công việc tẻ nhạt ấy? Sáng kiến bất chợt đến với Trang vào một buổi chiều chủ nhật, pha một phin cà phê, rồi ngồi nhấm nháp với chồng và con. Lúc ấy cơn mưa rào vừa tạnh. Trang nhìn ra cây dạ hương bên ngoài cửa sổ. Nắng chiều muộn dát vàng lên từng gân lá và làm những giọt nước vàng chói lên. Những giọt nước từ cành trên giỏ xuống một chiếc lá, làm nó nảy lật phật rất đều đặn. Như có một tia chớp chợt lóe lên kèm theo tiếng sấm vang trời, Trang giật nảy người vì ý nghĩ thoát đến. Đúng rồi, chiếc máy đếm hạt sẽ dựa trên nguyên tắc chiếc lá đếm hạt mưa. Mỗi hạt rơi xuống sẽ làm tấm màng mỏng rung động và ghi dấu lại... Từ đó vừa bận đi công tác, vừa cùng đồng nghiệp lao vào nghiên cứu thiết kế chiếc máy đếm hạt. Trang ít có thời gian để ý việc nhà. Mặc dù vậy, không phải là chị không nhận thấy một điều gì, nhất là sự vồn vã và nhiệt tình thái quá của Lịch đối với vợ, thái độ chỉ có ở anh khi có điều gì muốn giấu.

Trang vẫn thường tự hào về gia đình hạnh phúc của mình. Chị vẫn nói với bạn bè rằng Lịch đến với chị trước hết bằng tình thương, lấy nhau rồi, sống với nhau thì tình yêu mới đến. Vậy đâu phải người ta cứ nhất thiết phải bắt đầu bằng tình yêu? Dạo ấy Lịch và cậu em trai cùng học trường Bách Khoa. Bố mẹ của hai người ở bên Gia Lâm, và có quen biết bố Trang. Vì vậy ông bố Trang đồng ý cho hai anh em Lịch ở nhờ căn phòng ngoài. Ngày ngày hai anh em nhờ Trang mua giúp rau dưa và thức ăn, lúi húi tự thổi nấu, ăn uống rồi chúi đầu vào học. Trang chăm chỉ, nết na, chỉ mỗi tội từ khi mẹ mất đi, cô trở nên nhát như cáy. Trang sợ từng con chuột, con mèo, con gián, cho đến cả những cái bóng tưởng tượng. Được một thời gian, ông bố bị cảm lạnh và đột ngột qua đời. Trang mất nơi nương tựa cuối cùng. Những đêm đầu, ngả một mình trong căn phòng lạnh lẽo, Trang thu mình trong một góc giường, không dám thở mạnh. Một chốc nghe chuột rúc rích cười, và tiếng mèo kêu như trẻ con khóc trên mái nhà, Trang hét ầm lên, tung chăn, chạy sang phòng anh em Lịch. Lịch đưa cô về phòng, bật đèn cho sáng, rồi mới yên tâm đi ngủ. Thế mà mấy sáng liền, hai anh em ngủ dậy đã thấy Trang quấn chăn, đứng nấp sau cánh cửa, mặt tái đi vì sợ. Trông cặp mắt trợn trừng và mái tóc rối bù của cô, người ta dễ tưởng đấy là một người bị bệnh tâm thần. Cuối cùng hai anh em Lịch đành quyết định để Trang sang ngủ trên một chiếc giường đơn. Còn cậu em sang ngủ bên phòng Trang. Từ đó cô mới tỉnh lại. Một thời gian sau, chẳng biết bắt đầu từ bao giờ và như thế nào, Trang và Lịch làm một cái lễ cưới đơn giản. Liền theo đó là những tháng ngày vất vả. Bụng mang dạ chữa, Trang vẫn phải cùng chồng gom góp đồ đạc, đèo bòng đi sơ tán. Đến lúc trở lại thành phố, hết nạn giặc, lại đến nạn lụt. Cứ đến mùa nước là cá bãi sông ngập trắng. Hai vợ chồng mượn được chiếc thuyền, bỏ thằng cu Lân khóc nhèo nhẽo và quẳng cái bếp dầu, bao gạo, túi quần áo lên rồi lội nước phòm phọp mà đẩy thuyền đi. Tìm tới nhà bạn bè ở nhờ. Những năm gần đây lại thêm nạn bờ sông lở. Thỉnh thoảng trong đêm thanh vắng, Trang phập phồng trở mình và nghe tiếng một tảng đất lở đánh ùm xuống nước. Bờ sông lở với tốc độ nhanh khủng khiếp, chẳng mấy chốc chỉ còn cách nhà chừng vài mét. Chị làm đơn, và cơ quan đã hứa thời gian tới sẽ phân cho nhà mới.

Nhiều lúc nghĩ lại gần hai chục năm chèo lái để sống của vợ chồng mình, Trang không khỏi có chút kiêu hãnh ngấm ngầm. Thảng hoặc chị vẫn biết một vài chuyện trăng gió của chồng. Nhưng Trang là người biết nén nhịn. Chị nghĩ đôi ba cuộc tình vụn vặt thường vẫn có trong nhiều người. Cứ bỏ qua, nó sẽ trôi đi mà chẳng tới một kết cục gì. Còn làm ồn lên, xấu chàng hổ thiếp, mà lại là cái cớ để đôi tình nhân thương nhau hơn. Thêm nữa Trang thường bù đầu vì biết bao công tác ở Viện.

Tuy biết chịu đựng, song không phải Trang chẳng thấy nhức nhối trong lòng. Chiều nay đi làm về muộn, chị ghé vào chợ mua thức ăn, đến lúc trở về thì xe liên tục bị tuột xích. Hai bàn tay lem nhem dầu máy mà rốt cục vẫn phải đi bộ, dắt xe về. Tới nhà trời đã tối không có điện, chị phải lò mò tìm cái đèn dầu, châm lên, rồi xách xô đi qua bãi mới lấy được nước, vì máy gần nhà không chảy. Bắc nồi cơm lên bếp một lúc, Lân mới về. Cùng lúc nền đất rùng mình như có một con trăn tinh trằn mình ở dưới. Rồi tiếng một tảng đất rơi xuống dòng sông đánh oằm.

Mấy người hàng xóm giật thót, mang đèn chạy ra:

- Bờ lại lở nữa rồi!

- Khiếp thật, kề bên cửa nhà anh Lịch còn gì!

Hai mẹ con rụng rời ra xem. Dưới ánh đèn dầu, chỗ bờ sông lở như cái mép toác ra của một con cá mập muốn đớp mồi.

- Như thế này chẳng biết chết sống khi nào - Trang thở dài khi trở vào- Bố con cứ đi biền biệt, tối cũng chẳng biết đường về. Vợ con vất vả thì không thương, cứ thương gió quý mây ở đâu đâu.

Lân khó chịu đáp lại:

- Nào con có nói khác. Nhưng những câu như thế, mẹ phải nói với bố. Nói với con thì ích gì?

Trang thấy con nói phải, nên im lặng, Mặc dù thế, như có những con mọt đục khoét, cắn rứt trong lòng, chị càng bấm bụng chịu, càng thấy đau âm ỉ. Vừa lúc Dung rón rén đi vào, cười nói líu tíu:

- Khủng khiếp quá, vào nhà không cẩn thận thì lộn nhào xuống sông. Anh Lân mau lên, muộn quá rồi. Đứa bạn em mới cho hai vé xem phim...

Bất ngờ với chính mình, Trang giằn mạnh nồi cơm lên cái rế, và kêu lạc giọng:

- Lúc nào cũng xem, vui thú nỗi gì mà xem!

Dung bật cười hồn nhiên, tưởng Trang đùa, vì cô chưa bao giờ thấy mẹ Lân nặng mặt nặng lời. Nhưng Lân đã cau mặt gắt mẹ:

- Con đã bảo mẹ nói chuyện ấy với bố cơ mà. Sao bỗng dưng...

Cậu ta nghẹn lời vì chợt nhận thấy sự vô lễ của mình đối với mẹ. Lân chưa bao giờ dám nói gay gắt với mẹ như thế.

Trang cũng thừ người ra vì ân hận. Ừ nhỉ, sao chị lại giận cá mà chém thớt như vậy? Sao có thể thiếu bình tĩnh như thế? Lúc chị tĩnh tâm trở lại, Lân và Dung đã đi từ lúc nào.

Đôi trẻ không đi xem. Lân đưa Dung về tận nhà, nhưng không vào. Cũng chẳng nhìn Dung, Lân cộc cằn nói.

- Thôi, tôi xin lỗi Dung. Coi như chúng ta không biết nhau. Chưa hề gặp nhau. Tất cả chỉ tại tôi.

Rồi Lân xăm xăm bước đi. Cậu nhảy lên một chiếc ô tô buýt chầm chậm đi qua, để trở về bãi sông.

Chẳng rõ Dung về nhà dằn vặt mẹ như thế nào, và hai mẹ con tranh cãi những gì. Cũng có thể Cẩm chợt nhận ra rằng không thể chiều theo Lịch, để anh đưa đón như vậy nữa. Ngày hôm sau, Cẩm dứt khoát không để Lịch đi cùng, và rẽ sang phố khác để về nhà. Luôn mấy ngày trời, Lịch buồn bã đạp xe theo, nhưng cuối cùng đành phải quay về.

Không khí gia đình trở lại bình thường. Hết giờ làm việc Lịch lại trở về nhà, cùng vợ con lo chuẩn bị bữa cơm chiều. Duy có cái bờ lở thì chẳng ai biết giải quyết như thế nào. Chỉ còn trông chờ vào căn nhà cơ quan hứa sẽ cấp cho.

Lân vẫn đều đặn đến trường bằng ô tô buýt. Một buổi cậu ta được một đứa bạn cho biết cô Cẩm vừa được đưa vào bệnh viện. Chẳng là sáng hôm nay trong khi trả bưu phẩm, cô Cẩm phát hiện ra một người đàn bà hai lần mang hai chứng minh thư đến đòi nhận. Biết mụ ta là con phe, mặc dù mụ đã nài nỉ rất nhiều, hứa "không quên ơn" cô Cẩm vẫn kiên quyết không trao gói bưu phẩm. Cô đề nghị mời công an đến lập biên bản, mở gói hàng. Đó là một gói gồm hai ký thuốc nhuộm. Mấy gói bưu phẩm đáng nghi khác cũng là thuốc nhuộm. Thì ra bọn gian thương đã liên lạc với nhau qua những địa chỉ này, và thuê những người có tên đến nhận. Vậy là buổi trưa, cô Cẩm vừa đi khỏi Bưu điện một đoạn, đến góc phố, một bọn lố nhố ập tới giữ xe, rồi giằng xé, đánh cô. May bảo vệ đường phố và công an đến kịp thời...

Nghe bạn kể, lòng Lân nóng như lửa đốt, nhưng đắn đo một lúc mới quyết định tới thăm cô. Cô Cẩm bị thương nhẹ. Mấy vết sây sát đã được sát trùng và băng bó cẩn thận. Lân đến nơi khi bố đã có mặt và chuẩn bị đưa cô Cẩm về nhà. Lịch thầm trách mình đã nhẫn tâm để mặc cho người thiếu phụ ấy một mình chống trả bọn lưu manh. Anh ân hận như chính mình là người có lỗi. Thấy con đến, Lịch bối rối định thanh minh, nhưng lại nói:

- Con về trước giúp mẹ đi. Bố sẽ về ngay!

Lân bỗng thấy thương hại cái nhìn cầu khẩn, đầy vẻ biết lỗi của bố, và lẳng lặng ra về.

Mấy ngày sau, lúc không có ai ở nhà, căn nhà bị sụt vì một tảng đất to lở xuống. Buổi chiều Lân trở về, thấy căn nhà như một người khổng lồ bị xô về đằng trước, ngã sấp mặt xuống triền sông dốc thoai thoải và khá cao. Cả cái mái tranh xõa gần mép nước như một mớ tóc rối bù. Cũng may chỉ có bức tường trước bị sụt xuống. Dưới trời mưa phùn, mẹ đang tất tả đẩy cái xe cải tiến lại gần nhà rồi cùng mấy người hàng xóm khiêng cái tủ sách đặt lên. Những người hàng xóm chạy ngược chạy xuôi, thu góp hộ đồ đạc trong nhà, rất may vẫn còn nguyên vẹn, dồn lại một đống để chở dần đi. Đến lúc cái xe chở đồ lăn bánh qua bãi, Trang còn bước thấp bước cao chạy theo. Một tay vuốt nước mưa trên mặt, chị bỏ lên xe cái khung ảnh chụp vợ chồng mình trong ngày cưới, cô dâu chú rể đang tươi cười hạnh phúc bên chữ song hỷ. Hóa ra nãy giờ chị đã dùng câu liêm cố móc cho được cái khung ảnh bị văng xuống triền sông lở.

Hai mẹ con mang đồ đạc tới nhà một người cùng cơ quan Trang, gửi lại, và ngủ nhờ ít bữa. Buổi tối sau khi xếp dọn đồ đạc cho tạm ổn, Lân mặc áo mưa rồi quay lại bãi sông. Cậu ta ngồi dưới gốc nhãn gần nhà, mắt dõi về phía con đường dẫn vào bãi. Những hạt mưa bụi như những mũi kim nhỏ châm chích vào mặt. Dưới ánh sáng của ngọn đèn trước căn nhà gần đó, những giọt nước đọng trên lá chốc chốc lại tóe lên như những giọt pha lê. Chắc giờ này mẹ cũng đang ngồi bên cửa sổ căn nhà lạ, đếm những giọt mưa giỏ trên chiếc lá như những giọt nước mắt.

Lân ngồi thẳng dậy. Một bóng người đang dắt xe vào bãi. Thoạt nhìn, Lân thầm kêu lên: "- Cô Cẩm!" Cô Cẩm đến đây làm gì? Vậy thì bố đi đâu? Nhưng tới khi người trùm áo mưa kín mít ấy đến gần, Lân mới nhận ra Dung. Chẳng rõ vì một cơn gió lạnh thốc tới, hay bị bất ngờ mà lòng Lân run lên đột ngột. Đến gần căn nhà, Dung chợt kêu "ối" một tiếng, rồi ngẩn người nhìn căn nhà đổ, không tin vào mắt mình nữa.

Từ trong bóng tối của cây sấu, Lân bước ra hỏi giọng run run:

- Dung đi đâu thế này?

- Em đi tìm mẹ. Em đến cơ quan, người ta bảo mẹ về lâu rồi. Nhỡ đâu có chuyện gì… - Dung lại nhìn căn nhà và rùng mình, hơi thở như hụt đi - Khủng khiếp quá! Có làm sao không anh?

Lân không đáp, mắt ngóng về phía con đường dẫn vào bãi sông. Cậu ta cũng đang đợi bố, lo bố về thấy căn nhà đổ mà không biết mẹ con Lân đi đâu. Lúc ấy, biết đâu bố chẳng hoảng lên, tưởng hai mẹ con lăn xuống sông rồi? Gió vẫn thổi phần phật phía dưới mặt sông, quẩn quanh cái bờ lở. Hai người vẫn đứng giữa trời mưa lạnh, chẳng nói gì với nhau.

- Thôi, Dung đi về đi. Cứ yên tâm, không có chuyện gì xảy ra đâu - Cuối cùng Lân nói. Sợ phải nhìn thấy Dung thêm một phút nữa là sẽ mềm lòng. Mềm yếu lúc này là hỏng hết, Lân tự nhủ, mình sẽ dẫm phải vết chân của bố mất. Mình sẽ sa vào cái hố thương xót mù quáng như bố. Lân chưa đủ thời gian để suy xét tốt xấu, nhưng hiện tại, cậu ta không muốn làm một điều gì theo cách thức của bố.

Dung chợt xoay người, nhìn Lân không chớp:

- Anh Lân, anh đưa Dung về rồi lấy xe, mai mà đi học. Không phải đón Dung đâu. Trường gần nhà, Dung đi bộ cũng được.

Lòng quặn lên. Lân chỉ muốn đồng ý, muốn ngay lập tức đèo cô gái nhỏ đang run rẩy vì mưa rét về nhà. Muốn trở lại căn nhà lạnh lẽo của cô, làm ồn ào lên bằng những câu chuyện đùa vô nghĩa. Nhưng một nỗi lo mơ hồ khiến cậu ta ghìm lại.

- Cảm ơn Dung, tôi đã có vé tháng đi ô tô buýt đây rồi.

Một tiếng ào ở dưới mặt sông, và mặt đất rùng rùng nhẹ. Bờ vẫn đang lở.

Hà Nội, tháng 1-1985
H.A.T.
(SH25/6-87)




 

 

Các bài mới
Thuở hàn vi (11/04/2013)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Văn Cao (08/03/2013)