Tạp chí Sông Hương - Số 25 (T.5&6-1987)
Khe Sanh - một kỷ niệm
09:46 | 08/04/2013

TRIỆU BÔN
         Hồi ký

Mùa mưa năm 1968 ở mặt trận đường Chín - Khe Sanh, trung đoàn 246 chúng tôi được gọi đùa là trung đoàn hai bốn đói. Ngày ngày chúng tôi sống bằng ba nguồn chính: thịt thú rừng, rau môn thục, và đỗ xanh.

Khe Sanh - một kỷ niệm
Căn cứ Khe Sanh bốc cháy vì pháo kích - Ảnh: wiki

Ở quãng đường số Chín chạy qua làng Vây và khu đồn điền Rô-Mơ ổi mọc rải rác khá nhiều. Dù đi trinh sát, đi nghiên cứu trận địa, đi vận tải, đi liên lạc, hễ có dịp là khi đi cũng như khi về - chúng tôi đều đảo qua những cây ổi. Ổi chín hết, đến ổi ương, rồi ổi xanh. Nhiều lần gặp thám báo Mỹ phục trong lau lách, chúng tôi từng phải nổ súng để "dành lấy" những quả ổi chát ngấm và để thoát thân. Có người chết trong lúc đang leo ổi bị pháo địch từ Sa Mưu, Đầu Mầu, và từ các điểm cao một nghìn lẻ một, sáu tám chín, năm năm hai,... bắn tới. Đau lòng nhất là trường hợp một cậu liên lạc đã chết vì ăn quá nhiều ổi xanh. Ổi chín và ổi ương, cậu ấy bỏ ba lô mang về cho anh em ốm ở nhà, phần mình cậu ấy thường ăn những quả xanh và rắn như đá cuội. Ngay lúc ngồi viết những dòng này, tôi còn ứa nước mắt nhớ lại những tiếng kêu rên cuối cùng của cậu ấy!

Mấy tháng trước đó trung đoàn chúng tôi nhận lệnh tiến quân vào Khe Sanh. Những kho gạo, kho muối tự giác phủ bạt để trong rừng, đơn vị nào cần bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Đi chiến đấu về là ngâm gạo, ngả mũ sắt làm cối, tiếng giã bột cốp chát vang khắp cánh rừng luôn luôn thiếu ánh sáng ở hai bên Rào Thanh - tên của thượng nguồn sông Bến Hải.

Một khi những anh lính đã trổ hết tài, thì khó mà chê vào đâu được. Bánh cuốn chúng tôi tráng vừa mỏng vừa mềm, nhân thịt hộp trộn với bột trứng, có lá đắng cay thái nhỏ xào lẫn vào, ăn với nước mắm kem thả đầy hạt tiêu bột. Bún chúng tôi vắt sợi rất dài, dẻo, ăn với canh riêu cua núi béo ngậy.

Rồi bánh khoái, bánh xèo, bánh rán,… thứ nào cũng tuyệt vời bởi được "tài năng" của nhiều miền gom lại.

Vui quá. Những ngày quân no, súng đạn đủ, đánh trận nào thắng trận đó. Các đơn vị nô nức thi nhau tìm giặc mà đánh. Cái sợ của anh em bây giờ không phải là hy sinh gian khổ, mà là sợ không được cùng đơn vị xuất kích.

Tình hình "yên ổn" như thế ở Khe Sanh được duy trì khoảng ba, bốn tháng. Sự thử thách gay gắt đã "mở màn" từ những trận sốt rét. Các chàng trai miền ngoài vào, sức lực anh nào cũng như vâm, coi thường muỗi mòng, coi thường việc trèo đèo lội suối, coi thường những khối sắt thép trên vai, coi thường cả việc thức đêm, dầm mưa ngồi rình giặc. Đùng một cái anh thấy thèm cơm lạ lùng, ăn lúc nào mỏi tay cầm đũa thì nghỉ, bụng no căng mà mắt vẫn không muốn rời nồi cơm, miệng cứ thấy ngọt lừ. Anh ngỡ anh khỏe vụt lên. Nhưng không. Sau vài ba bữa ăn như ma đói ấy là những cơn sốt kinh hoàng. Sáng, anh hãy còn là anh chàng "bẻ gãy sừng trâu", chiều sẽ thành một ông già lụ khụ hai tay chống hai gậy, da và mắt vàng lòe.

Cái dịch sốt tràn đến cùng với mùa mua. Rừng dày năm bảy tầng, không khí không một phút khô ráo, hầm hố suốt ngày đêm nước ri rỉ từ các rễ cây chảy ra. Các con suối thay đổi tính nết đến quái gở. Đại đội hành quân đi trước lội qua suối không cần vén quần, đại đội đi sau đành phải mắc võng nằm trên lưng đồi vì không sao vượt được dòng thác lũ đỏ ngầu cuốn cả những cây đại thụ trôi vùn vụt. Những kho gạo tự giác giữa rừng phần bị ẩm mốc hư hại, phần bị lũ cuốn, vơi đi rất nhanh! Đường tiếp tế từ hậu phương vào bị tắc. Kẻ địch lại tung biệt kích, thám báo đi lùng sục, đồng thời với việc chúng dùng các loại máy bay B52, B57, C130, F4H, F105... suốt ngày đêm ném bom rải thảm, bom tọa độ, bom bươm bướm, bom cháy, bom bi... chà đi sát lại từng khoảnh rừng. Khi toán người đi lấy gạo mang những chiếc ba lô rỗng không trở về, ai nấy mới giật mình biết là nạn đói đã ập tới.

Nạn đói đến bất thình lình giống như bị địch tập kích, và cũng ào ạt, tàn khốc chẳng kém những trận bom rải thảm của máy bay B52.
 

Hình ảnh chiến sự tại Khe Sanh - Ảnh: wiki


Cả trung đoàn bỗng chốc phải đối đầu với hai kẻ thù: Mỹ - ngụy, và đói. Sáng sáng hễ mở mắt ra là chúng tôi đã nghe tiếng máy bay trực thăng địch bay lật phật trên ngọn rừng để phát loa tâm lý chiến: "Các bạn Bắc Việt! Các bạn có đói không? Các bạn có muốn sống không?...". Dĩ nhiên là chúng tôi đã sống, vẫn sống, như cả thế giới đều thấy. Có điều, trong cuộc đời cầm bút viết văn của mình, phải nói rằng đây là những bài học "nhập đề" cực kỳ nặng nhọc, cũng cực kỳ quý báu đối với tôi.

Về sau, khi đã phải thèm cơm, nhạt muối, những chàng trai trẻ ăn chưa no lo chưa tới mới vỡ nhẽ biết quý trọng miếng cơm hạt gạo. Bây giờ anh em đều gọi thời kỳ đầu là "tuần trăng mật".

Quả thực không phải chỉ tình yêu hạnh phúc mới có "tuần trăng mật". Một cuộc chiến tranh, một chiến dịch, một vùng căn cứ, một chặng hành quân... đều có những quãng đường thuận buồm mát mái đến mức khiến người ta sai lạc cả cách nhìn. Tôi thật lòng không trách những cây bút vội vàng mô tả cuộc kháng chiến của chúng ta tưng bừng như ngày hội, chiến trường thì giống như chốn danh lam thắng cảnh, và những người cầm súng là du khách thập phương đi ngao du. Ở chiến trường, trong chiến đấu, quả thật có những nét đẹp mê hồn như thế, nhưng là với những người chỉ đảo qua cho biết. Những ai thật sự gắn bó mạng sống của mình với từng trận đánh, tôi tin chắc sẽ nghĩ khác hẳn.

Xin nói riêng một chút về mối quan hệ giữa tôi và trung đoàn 246. Hồi mới vào bộ đội, đơn vị đầu tiên tôi được ở là trung đoàn này. Bấy giờ anh Biền Sơn là Trung đoàn trưởng, còn tôi là chiến sĩ liên lạc ở một tiểu đoàn. Tôi đi khỏi trung đoàn từ khi trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tiễu phỉ trận mạn Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái. Sau nhiều năm làm nhiều công việc trong quân đội, đến khi trở thành người viết văn đi chiến trường, tình cờ tôi gặp một tốp chiến sĩ ra Bãi Hà lĩnh quân trang, tôi lân la hỏi chuyện và biết họ là người của 246 đang chiến đấu ở Khe Sanh. Thế là tôi theo họ về với Trung đoàn cũ của mình. Trong suốt thời gian sống với trung đoàn, tôi khá thoải mái vì không ai xem tôi là khách, tôi được tham gia hầu hết những công việc của trung đoàn, từ giao ban chiến đấu hàng ngày, thông qua phương án tác chiến của ban chỉ huy, bàn phương hướng lãnh đạo của Đảng ủy, đến những việc mò tôm bắt cá, hái rau bẫy thú, nấu nướng sì sụp ăn mãnh của anh lính.

Một sự bất ngờ nữa đối với tôi: Trung đoàn trưởng Biền Sơn năm xưa, nay là Tham mưu trưởng chiến trường B5 (tức mặt trận Khe Sanh, đường Chín). Tôi phải kể ra chuyện này, vì về sau anh Biền Sơn là người có liên quan tới một truyện ngắn của tôi mà chính anh không biết.

... Vào cuối mùa khô năm 1969, trung đoàn 246 có một tiểu đoàn (tiểu đoàn 3) nhận nhiệm vụ từ Khe Sanh vượt qua vùng Ba Lòng - Lao Bảo để lùi sâu xuống vùng đồng bào Vân Kiều ở phía nam sông Sêpôn. Tôi theo tiểu đoàn 3 ra đi, và trở về chỉ huy sở trung đoàn cùng với một số trinh sát. Lúc qua biên giới Việt - Lào đi khỏi Huổi San một quãng, Phú - một trong ba chiến sĩ trinh sát - chỉ xuống một cái vòm cống bắc ngang đường 9 và bảo:

- Hồi đánh điểm cao 552, có một cậu ở Mê Công (biệt danh của một sư đoàn) bị thương, đơn vị không kịp đón ra, nên đã trốn xuống đây. Tay ấy bị gãy ống chân, mà sống được bốn mươi bảy ngày, ghê không?!

- Ai nuôi cậu ấy? - Tôi hỏi.

Phú phì cười:

- Nó nuôi nó chứ còn ai nuôi nó.

- Sao? Lành lặn như mình mà lạc đơn vị bốn mươi bảy ngày còn chết đói nữa là!

- Ấy thế mới thần tình. Anh có viết được thành truyện thì viết đi.

- Nhưng "ông" phải kể thật tỉ mỉ hộ tôi chứ?

- Tôi biết gì mà kể. Cái hôm chúng tôi nhặt được cậu ấy thì nó đã gần chết rồi, người gầy chỉ còn xương bọc da, như con cá mắm.

Đi thêm mấy bước, Phú lại nói:

- Cái phúc nhà cậu ấy kể cũng lớn. Giá chúng tôi không bị một trận pháo ở quãng nầy, nghĩa là không phải chui xuống cống, thì nó "đi đứt" rồi. Ly kỳ thế mà anh không viết được?

- Trời ơi! Tôi kêu lên. "Ông" tưởng văn chương có sẵn trong túi, muốn rút ra lúc nào là được lúc ấy hay sao?

Tôi trả lời Phú như thế, rồi bỏ qua luôn, hoàn toàn không có ý định theo đuổi câu chuyện do anh kể. Dù tôi có muốn theo đuổi câu chuyện ấy cũng chẳng được. Anh em trinh sát trung đoàn tôi nhặt được người chiến sĩ ấy ở dưới cống lúc anh ta đã mê man bất tỉnh, họ cáng anh về trạm phẫu tiền phương giao cho các đồng chí quân y xong rồi thì việc ai nấy làm, không ai để tâm theo dõi xem anh ta được chạy chữa ra sao, liệu có qua khỏi được không?

Song, từ đó, một câu hỏi thỉnh thoảng lại gợi lên trong suy nghĩ của tôi: hình như khoa học ngày nay còn nhiều chỗ xem như mù tịt trước những "trữ lượng" kỳ diệu trong con người? Và với những con người sống có lý tưởng cao đẹp, như các chiến sĩ cách mạng chẳng hạn, thì những khối "trữ lượng" ấy còn lớn lao gấp bội? Trường hợp người chiến sĩ nọ là một thí dụ. Cái con số bốn mươi bảy ngày ấy, thật đáng làm cho khoa học phải kinh ngạc!

Chiến trường mỗi ngày một thêm ác liệt, tôi được nghe, và phải chứng kiến biết bao trường hợp hy sinh của đồng đội. Những vết thương mà trong hoàn cảnh bình thường con người không thể chịu nổi, thực tế là các chiến sĩ đã phải chịu đựng một cách lặng lẽ, và hết sức căng thẳng. Nhiều người đã chết sau nhiều ngày chịu đựng, nhưng không ít người đã vượt qua được "cửa tử" để trở về với đời, với bạn bè, với cách mạng.

Cái con số bốn mươi bảy ngày kia tuy vẫn làm tôi kinh ngạc, nhưng là nỗi kinh ngạc có thể hiểu được, thậm chí tôi còn chuẩn bị sẵn tư tưởng để, biết đâu, một lúc nào đó nó sẽ rơi vào thân phận của chính mình.

Trong một lần sốt rét phải đi trạm xá trung đoàn, tôi bắt đầu nẩy ý định viết một truyện ngắn về sức sống kỳ diệu của người chiến sĩ ngoài mặt trận.

Ý định viết giống như suy nghĩ của người vẽ thiết kế. Còn sáng tác thì chính là giai đoạn thi công. Khoảng giữa thiết kế và thi công là hàng loạt công việc chuẩn bị. Ở đây tôi vấp phải biết bao câu hỏi vượt quá khả năng hiểu biết của mình. Chẳng hạn: Với những vết thương như thế nào thì người có thể sống được một thời gian như thế? Khi vừa bị dập nát một chân, vừa cô độc hoàn toàn giữa bốn phía là kẻ thù, anh chiến sĩ phải làm những gì để duy trì được sự sống của mình. Những thói quen sinh hoạt của bọn lính Mỹ ở chiến trường Khe Sanh? Tình hình chiến trường trong bối cảnh của truyện ngắn mà tôi định viết? Rồi cách ăn ở, phong tục tập quán của đồng bào Vân Kiều, Tà Ôi trong vùng? v.v...

Tôi lần lượt giải quyết từng câu hỏi vừa nêu trên, với chút kinh nghiệm là phải hiểu biết mười phần để chỉ viết ra được ba bốn phần. Nhiều câu hỏi tôi trả lời không khó lắm, nhờ việc chính tôi cũng là một người lính, và chính tôi đã sống ở chiến trường này như một người lính. Song, có nhiều câu hỏi, để trả lời thì phải tốn nhiều thời gian và công sức, dĩ nhiên trong đó có cả những trường hợp rất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Còn lại một vấn đề sau cùng, tuy chẳng có gì khó mà lại hóa khó, đó là những hiểu biết về bọn lính Mỹ trên các cao điểm. Phận sự của người viết ở chiến trường không phải bao giờ, và không phải nhất thiết cứ đi cùng với bộ binh - trong những trận đánh mới viết được. Trận đánh của người lính cầm súng gọn hơn trận đánh của người lính cầm bút rất nhiều. Xong một trận hoặc xong một chiến dịch, anh lính cầm súng có quyền yên chí là mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, nhiệm vụ chính của anh lính cầm bút thì sau đó mới thật sự bắt đầu. Cũng vì cái lý do sát thực ấy-mà nhiều người viết đi vào chiến trường đã dựa dẫm vào để biện bạch cho việc tại sao mình không xông xáo, không lăn lộn như những người lính, khiến những người chiến sĩ thực sự thấy công việc viết lách là một thứ xa lạ với họ, vì nhà văn viết những chuyện gì, và ở đâu kia, chứ có được là bao những nét đích thực là cuộc sống của họ?

Đó là những nguyên nhân thúc đẩy tôi phải tận mắt nhìn thấy cảnh sinh hoạt của bọn lính Mỹ trên các chốt.

Sau khi nghe tôi trình bày lý do này nọ, anh Biền Sơn lắc đầu, hỏi: "Lỡ bọn Mỹ tóm được cậu, chúng tôi lấy gì đền cho Tổng cục chính trị?"

Lần sau, rồi lần sau nữa, tôi lại nài nỉ xin tham mưu trưởng chiến trường cho được lên chốt Mỹ. Trong thời gian anh Biền Sơn còn lắc đầu ngần ngại, tôi tìm một cách khắc phục: lên với các chiến sĩ trên chốt bắn tỉa. Ta bắn tỉa bằng loại súng trường nòng dài, có khả năng sát thương khá xa. Các chiến sĩ bắn tỉa ngày nào cũng diệt được địch, riêng công việc của tôi thì không thu được kết quả gì lớn. Do đó, tôi lại về gặp anh Biền Sơn. Lần này tôi được anh chấp nhận:

- Ừ thì đi. Sáng mai phải dậy thật sớm, kiếm gì ăn cho no, rồi tôi cho trinh sát đến dẫn cậu lên một nghìn lẻ một. Được chưa nào?

Được lời anh Biền Sơn, tôi reo mừng, nhưng mà cũng lo thắt ngực. Bấy lâu nay cứ nằng nặc đòi đi, giờ được đi, chẳng lẽ lại rung chân?

Ở mặt trận Khe Sanh đã diễn ra mấy trường hợp giao động trong chiến đấu, trở thành những "tấm bia miệng" nhục nhã. Tôi biết có một anh tiểu đoàn trưởng, khi ở hậu phương đã từng nổi tiếng vì ba bốn lần chích ngón tay lấy máu viết thư gửi lên cấp trên xin được đi chiến đấu. Vậy mà, vừa qua khỏi sông Bến Hải, bị một trận bom B52 dội trúng đội hình hành quân của tiểu đoàn, anh ta đã bỏ chạy. Khi bị truy tố trước tòa án binh của mặt trận, anh ta vừa khóc vừa nói: "Tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật, nhưng quả thật tôi không sao đủ can đảm để đi chiến đấu được nữa!". Lại một chiến sĩ khác, trong trận chiến đấu giữ đồi Không Tên, cậu ta dùng B40 bắn cháy một máy bay trực thăng đổ quân, diệt gọn cả một trung đội lính Mỹ trên chiếc máy bay ấy. Rồi cậu ta bị thương vào tay. Đơn vị đưa cậu về bệnh viện, nhưng cậu nhất định không chịu đi. Cậu ấy nói: "Tôi không ném được lựu đạn nữa, nhưng bắn súng vẫn còn được"… Rõ ràng đây là một chiến sĩ tốt, có tinh thần "chia Iửa" cho đồng đội đến cùng. Vậy mà qua một đêm, sáng hôm sau anh em trên chốt không thấy cậu ta đâu nữa. Thoạt đầu, mọi người đều lo cậu ta bị thám báo Mỹ bắt cóc, hoặc vì một lý do nào đó cậu ta đã chết mà không ai biết. Thế là cậu ta được nêu tên trên tờ báo của mặt trận, và được đề nghị tuyên dương hai danh hiệu dũng sĩ một lúc (dũng sĩ diệt Mỹ, và dũng sĩ diệt máy bay). Nào ngờ, mãi sau đơn vị mới biết là cậu ta đã bỏ trốn trong đêm hôm đó, và bị bắt giữ ở ngoài sông Gianh.

Trở lại câu chuyện về tôi. Qua một đêm không sao chợp mắt vì nghĩ tới cuộc "chui sâu" vào chốt Mỹ, thực lòng có lúc tôi mong nếu sáng mai cuộc đi trinh sát của tôi bị hoãn lại, thì có lẽ sẽ dễ chịu hơn. Song, dù vậy, sáng hôm sau khi người dẫn đường (một anh con trai Vân Kiều) cùng ba chiến sĩ trinh sát đến, tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ, và vui vẻ lên đường ngay.

Cũng như các vùng núi khác, ở Khe Sanh buổi sáng thường là sương mù dày đặc bao trùm lên các eo núi, đỉnh núi. Nhờ thế, con đường tiếp cận lên chốt pháo binh Mỹ - ở điểm cao một nghìn lẻ một - của chúng tôi - không gặp trở ngại gì, ngoài việc phải thận trọng lách bàn chân vào những đám cành khô mục để khỏi phát tiếng động, là tinh mắt phát hiện những sợi dây mìn vướng khi đến gần chỗ địch ở. Gần tới đỉnh núi, mấy người bạn trinh sát chỉ cho tôi một chỗ nấp giữa hai nhánh rễ nổi của một gốc cổ thụ đã bị bom phát quang phát gãy ngang thân! và dặn:

- Anh cứ ngồi đây mà quan sát. Chúng tôi làm gì thì mặc chúng tôi. Nhé.

Tôi hỏi:

- Vậy địch ở đâu?

Anh trinh sát chỉ vào cái khối sương mù mịt trước mặt, thì thầm:

- Đừng nói to. Chúng nó ở kia kìa!

Nói rồi, ba chiến sĩ trinh sát tản ra mỗi người một chỗ. Người thanh niên Vân Kiều thì đã quay lại từ lúc chúng tôi leo khỏi chân cao điểm. Còn lại một mình, nghe những tiếng động lịch kịch dội lên trong lòng đất, biết đó là tiếng động do bọn Mỹ gây nên, tôi bỗng chờn chợn nhìn quanh bốn phía, và rút khẩu súng lục dắt cạp quần ra để trước mặt.

Đây không phải là lần đầu tiên trong đời tôi sống ở mặt trận, cũng không phải lần đầu tiên tôi ở gần địch, nhưng những lần trước (từ hồi chiến đấu tiễu phỉ trên Lao-Hà-Yên) tôi luôn luôn có đồng đội bên mình, và ý nghĩ duy nhất là chờ lệnh nổ súng, khác hẳn lần nầy: bọn địch đông thế, mình thì quá ít, những khẩu đại bác Mỹ to lớn thế, còn khẩu súng ngắn của mình lại quá bé nhỏ, thứ vũ khí chính của mình là cây bút thì trong trường hợp này hoàn toàn chẳng được việc gì.

Để đỡ mất thời gian của bạn đọc, tôi bỏ qua những chi tiết cụ thể, những cảm xúc cụ thể đã diễn ra với tôi kể từ lúc tan sương, trận địa súng cối tầm đại 106,7 mi-li-mét của bọn Mỹ chỉ cách tôi một bức tường thấp do chúng xếp những thùng đạn rỗng tạo thành. Hơn nữa, một số chi tiết tôi đã viết vào truyện ngắn rồi, không nên nhắc lại nữa. Điều thấm thía đối với tôi hôm đó là qua chính mình, tôi nhìn rõ hơn thế nào là lòng dũng cảm của người chiến sĩ trước quân thù. Tôi được anh em khen là gan dạ, là có tinh thần chiến đấu tốt, tôi thì nghĩ: "có lẽ mình cũng là loại người dũng cảm thật, nếu như không vì đề cao lòng dũng cảm mà bỏ qua những phút run sợ trong lòng".

Sau chuyến đi này, tôi bắt tay vào viết một truyện ngắn tên là "Mầm sống". Nếu như MẦM SỐNG có được chút ít thành công, có lẽ nên kể đến những điều tôi chưa và không viết lên mặt giấy. Cái nền ấy là sự gian khổ, nạn đói, những cái chết, những "tấm bia miệng", những tấm gương anh hùng... mà tôi đã tìm được trên chiến trường Khe Sanh.

27-6-1985
T.B
(SH25/6-87)






 

Các bài mới
Thuở hàn vi (11/04/2013)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Văn Cao (08/03/2013)