Tạp chí Sông Hương - Số 25 (T.5&6-1987)
Dương Văn An - người viết địa phương chí xuất sắc ở thế kỷ XVI
15:52 | 30/05/2013

LÊ VĂN HẢO

Thế kỷ XV - XVI ở nước ta, sau thắng lợi vĩ đại của khởi nghĩa Lam Sơn và của chiến tranh giải phóng dân tộc, đã bước vào một thời kỳ phục hưng mới của nền văn hóa Đại Việt.

Dương Văn An - người viết địa phương chí xuất sắc ở thế kỷ XVI
Sùng nham hầu Dương Văn An - Ảnh: internet

Đó là thời kỳ của những nhà văn, nhà thơ lớn: Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), Nguyễn Du (thế kỷ XVI), thời kỳ của những học giả lớn Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), Lương Thế Vinh (1442 -?), Vũ Quỳnh (1452 - 1497) và Kiều Phú (1446 -?)... thời của những công trình học thuật lớn: Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản thảo thực vật toàn yếu, Đại thành toán pháp, Hí thường phả lục, Lĩnh nam chích quái, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức bản đồ...

Giữa những thành tựu học thuật của thời kỳ phục hưng văn hóa ấy, không thể không nhắc đến Ô châu cận lục của Dương Văn An (1513 -?) cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Đại Việt ở thế kỷ XVI. Với Ô châu cận lục, Dương Văn An đã tiếp nối thành công truyền thống viết địa chí của đất nước ta được Nguyễn Trãi khơi nguồn một cách rực rỡ ở đầu thế kỷ XV với cuốn Dư địa chí (1435). Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn.


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Dương Văn An tự là Tỉnh Phủ, quê ở làng Tuy Lộc - huyện Lệ Thủy, phủ Tân Bình, lộ Thuận Hóa, ngày nay là xã Lộc Thủy huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên. Tuy Lộc là một ngôi làng ở ven sông Kiến Giang "nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện"(1). Hai huyện ấy tức là huyện Lệ Thủy và huyện Khang Lộc nổi tiếng trù phú đã từng đi vào tục ngữ, ca dao: "Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện".

Bản thân làng Tuy Lộc vào thời Dương Văn An đã là một làng quê trù phú giáp giới làng Đại Phúc Lộc (xã Đại Phong ngày nay), một làng "có chợ búa, thuyền ghe buôn bán tụ tập, là một nơi đô hội của Tân Bình", có nghề làm giấy dó, nghề nấu rượu. Rượu Tuy Lộc, theo Dương Văn An cho biết, nổi tiếng ngon nhất vùng. Tuy Lộc còn là một làng văn vật, có nhiều người từng đỗ đạt, làm quan, có người đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi như Nguyễn Danh Cả, về sau được phong làm Trung lương Đại phu thời Lê Sơ.

Dương Văn An sinh năm 1513 "theo nghề nho học, được thấm nhuần giáo hóa đã lâu" được hun đúc bồi dưỡng nhờ bởi "sự đi dời phong tục, tác thành nhân tài" của quê hương cho nên vào năm 34 tuổi (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên ông đậu đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi(2).

Sau khi thi đậu ông được triều đình nhà Mạc bổ làm quan. Năm 1555 ông giữ chức Lại khoa đô cấp sử, tước Sùng nham bá, về sau được thăng lên tả thị lang bộ Lại rồi dần dần tăng lên chức thượng thư bộ Lại, tước Sùng nham hầu. Sau khi mất (chưa rõ năm nào) được truy tặng tước Tuấn quân công.

Trong thời gian làm quan với Mạc, ông có nhà ở xã Phù Diễm, huyện Từ Liêm (nay là ngoại thành Hà Nội).

Vào năm 40 tuổi (1553) ông về chịu tang và nghỉ ở quê nhà ba năm, thời gian rảnh rỗi ấy đã được dùng vào việc "đọc khắp các loại sách".

Lúc bấy giờ có hai người nho sinh cùng làng đã khởi thảo hai tập địa phương chí về hai phủ Tân Bình (Quảng Bình cũ) và Triệu Phong (Quảng Trị cũ) đưa ông xem. Là một người có lòng tha thiết yêu quê hương, ông có nhận xét về hai tập sách ấy "Về hình trạng các sông núi, tên gọi các sản vật, phong tục lề thói thế nào, nhân vật hay dở ra sao đều thấy rõ như trên bàn tay".

Và tuy "lấy làm mừng được xem hai tập ấy" nhưng ông vẫn chưa hài lòng và có ý định biên soạn một cuốn địa phương chí đầy đủ hơn về lộ Thuận Hóa: "Tôi không tự nghĩ mình học vấn kém, khảo thêm các sách sử thông tục tham chước thêm những điều truyền, văn, chỗ rườm thì bán bớt, chỗ lược thì bổ sung, đặt tên là Ô châu cận lục"(3). Công việc này ông tiến hành trong hai năm (1553 - 1555) mới xong.

Trong lời tựa Ô châu cận lục ông nêu rõ ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa đạo lý của việc biên soạn địa phương chí như sau:

"Một câu đng dao tr em hát lên, một lời khen chê xóm làng nhắc tới, thánh nhân còn chép lấy, huống chi tập sách này ghi chép cả núi sông khúc chiết, hình thế him tr, vật sản tài nguyên có ích cho quốc dụng, chiếc cầu, nhà trạm quan hệ đến vương chính, thành nào có thể chống đỡ trong ngoài, đền nào có thể ngăn trừ tai họa đều ghi chép cả. Một phụ nữ có nết na trong sạch cũng chép mà cả đến thói dâm tục bạc cũng không quên là để ngụ ý yêu ghét, một kẻ sĩ có khí tiết cao cũng chép mà cả đến kẻ loạn thần tặc tử cũng không bỏ là để ngụ ý khuyên răn"(4).

Như vậy là Dương Văn An, nhân đọc bản thảo sách chép về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong có một tầm nhìn xa rộng, toàn diện hơn về toàn bộ vùng đất Thuận Hóa, đã tham khảo thêm các nguồn tài liệu viết, lại quan tâm khai thác nguồn tài liệu văn hóa dân gian truyền miệng để viết Ô châu cận lục thành một tác phẩm địa phương chí hoàn chỉnh.

Chúng ta hiện chưa tìm được những thơ văn khác của Dương Văn An, nhưng chỉ riêng với tác phẩm này, ông đã xứng đáng được xem là một danh nhân văn hóa có công lớn trong lịch sử nền học thuật nước nhà cũng như trong lịch sử văn học dân tộc.
 

  Các bản dịch "Ô châu cận lục" - Ảnh: internet  


MỘT HỌC GIẢ YÊU NƯỚC, MỘT TÂM HỒN NGHỆ SĨ

Qua Ô châu cận lục, Dương Văn An đã dày công thực hiện một công trình học thuật nghiêm túc về vùng đất Thuận Hóa giữa thế kỷ XVI.

Công trình địa phương chí nầy gồm sáu quyển.

Quyển một giới thiệu mô tả núi sông xứ Thuận Hóa: núi lớn, sông to, hang động, rừng rú và cửa biển.

Quyển hai nói về sản vật xứ Thuận Hóa: thổ sản, lâm sản, hải sản, hoa trái chim muông, cầm thú.

Quyển ba cung cấp danh mục các phủ huyện, châu, xã xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất, hấp dẫn nhất của tác phẩm.

Quyển IV nói về thành thị xứ Thuận Hóa, liệt kê, mô tả thành, chợ, trạm, bến bờ.

Quyển V giới thiệu, mô tả các thắng cảnh, chùa tháp, đền miếu xứ Thuận Hóa.

Quyển VI bàn về chế độ quan chức xứ Thuận Hóa và ghi chép tiểu sử của 102 nhân vật quê ở Thuận hóa từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI: những người đỗ đạt cao, quan văn, quan võ, những người trung nghĩa, tiết hạnh.

Là một tập sách địa lý Ô châu cận lục đã ghi lại cho chúng ta khá đầy đủ những tên xóm làng, núi sông, chợ búa danh lam thắng cảnh, các loại cây cỏ, hoa trái chim thú... của xứ Thuận Hóa. Ví dụ qua danh mục các huyện xã xứ Thuận Hóa xưa, ta được biết nhiều tên làng ngày nay đã tồn tại từ giữa thế kỷ XVI và trước đó nữa. Huyện Hải Lăng (nay là Triệu Hải) đã có những làng mang tên Tích Tường, Cầu Nhi, Diên Sanh, Như Lệ... Huyện Đan Điền (nay là Hương Điền) đã có những làng mang tên Niêm Phò, Cổ Bi, Bác Vọng, Bao La, Bồ Điền, Thế Chí, Hiền Sĩ... Huyện Kim Trà (nay là Hương Phú) đã có những Nguyệt Biều, Thế Lại, Hà Khê, Phụ Ổ, Thái Dương, Vĩ Dã, Kế Môn, An Truyền, Lương Viễn, An Ninh, La Chữ... Huyện Tư Vinh (nay là Phú Vang) đã có những Tiên Nộn, Dương Nỗn, Lai Thế, Dưỡng Mong, Lại Ân, Vỗng Trì, Địa Linh, Dương Xuân, Nam Phổ, Vân Thê, Diêm Trường... đều là những tên làng cổ kính còn thông dụng ngày nay.

Là một tập sách lịch sử, Ô châu cận lục ghi lại cho chúng ta tên tuổi những người con của quê hương Thuận Hóa đã cùng với nhân dân góp phần làm nên lịch sử nước Đại Việt thời Trần, thời Lê. Đó là những Đặng Tất "thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy", những Bùi Dục Tài "đỗ tiến sĩ khai khoa cho một địa phương, danh tiếng tót vời"... Tập sách của Dương Văn An cũng cho thấy sự tiến hóa đi lên của vùng đất Thuận Hóa qua các thời kỳ lịch sử: "Từ đời Lý đời Trần trở về trước thuộc cương vực của Chiêm Thành, từ đời Hồ đời Lê trở về sau là phủ huyện của triều đình, mà từ sau khi nhà Trần, nhà Hồ cho dân di cư đến thì tiếng nói hơi giống miền Hoan Diễn, phong tục có khác người Chiêm Thành(...) vốn đất đai chật hẹp, phong tục quê mùa, nhân vật thưa thới không ví được với miền Hoan Ái. Nhưng từ khi Đặng Tất nổi tiếng có tài làm tướng, Bùi Dục Tài do chân khoa bảng xuất thân thì nhân tài phong thổ xứ Thuận Hóa tiến bộ rất nhanh, có thể ngang hàng với Trung Quốc".

Là một tập sách dân tộc học, Ô châu cận lục cung cấp cho chúng ta rất nhiều nét cụ thể về đời sống vật chất và tinh thần, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân xứ Thuận Hóa thời trung đại, "Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca. Lễ an táng thì chôn cất rất nhanh, không có lệ cúng sớm cúng chiều nhưng dịp cúng tế thì bày cỗ bàn linh đình, tốn kém. Làm ma chay trong nhà thì múa hát trước quan tài gọi là hò đưa linh, dịp giỗ đầu thì cúng lễ lúc gà gáy gọi là cúng trộm. Lễ cưới dùng tiền mắt ngỗng làm của giá thú, cúng bái dùng cỗ xôi gà mở cuộc hát chầu văn".

Đi vào từng huyện, từng xã cụ thể, Dương Văn An ghi lại được nhiều chi tiết lý thú: "Thổ dân làng La Giang còn nói tiếng Chiêm, con gái làng Thủy Bạn vẫn mặc áo Chiêm". Dương Văn An còn có những đánh giá khái quát sâu sắc về phong cách con người của một vùng đất: Ở Thuận Hóa "đàn ông khá kiên cường, đàn bà hơi mềm mại. Trai thì trọng đức dũng cảm tài lương, gái thì quý nết đoan trang cần kiệm".

Nhưng Ô châu cận lục không chỉ là một công trình học thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Nơi đây, Dương Văn An đã thành công gây được cảm xúc cho người đọc về đất nước tươi đẹp, thiêng liêng, về nhân dân cần cù dũng cảm, về tinh thần sáng tạo, khí phách anh hùng, đạo đức cao cả của cha ông, những người chủ nhân chân chính của Thuận Hóa và của Đại Việt. Dương Văn An đã viết tập sách của mình với cái nhìn của dân gian và tâm hồn của dân gian. Ông sử dụng thể loại văn xuôi biền ngẫu giàu chất thơ trữ tình, trang trọng và tráng lệ để nói về con người, cảnh vật và sản vật của quê hương, qua đó thể hiện sắc sảo lòng yêu quê hương đất nước nồng thắm của mình, niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt của mình về một vùng "địa linh, nhân kiệt" của Tổ quốc. Ở nhà nho yêu nước Dương Văn An, bút pháp khoa học luôn luôn chan hòa với phong cách trữ tình của nhà thơ, của nghệ sĩ.

Để mô tả phong cảnh quê hương ông viết lên những lời văn trang trọng, cao nhã, gợi lên một cái gì rất thiêng liêng, quý báu:

Phủ Tân Bình "đất vốn thuộc Ô châu, sông gọi tên Lệ Thủy. Non nước Minh Linh, nhân dân Khang Lộc. Tòa thành Ninh Viễn gần tiếp ngọn Trường Giang, miếu đức Văn Tuyên xa trông về Lỗ Xá. Cao ngất kia dãy Hoành Sơn, màu thu một vẻ, thanh u ấy hang Linh động, hoa xuân bốn mùa. Ngọn Mã Yên cao ngất kỳ tình át chín tầng mây, núi Thần Định nguy nga hùng khí đè trăm cõi";

Phủ Triệu Phong "ngọn Lôi Sơn cao vót nghìn trùng, sông Linh Giang mênh mông vạn khoảnh. Núi Hương Uyên khói xanh nghi ngút, đèo Hải Vân mây biếc mịt mờ, sông to sóng nổi lưng trời, bể cả nước bao mặt đất... Ngôi đền Minh Uy đứng vững ở đầu nguồn, tòa thành Châu Hóa khóa chặt lấy cửa sông".

Tả một ngọn núi của quê hương, Dương Văn An vẽ nên một bức tranh sinh động, hoành tráng: "Thế núi nhọn mà cao, quanh co uyển chuyển, chỗ đứt, chỗ liền, chỗ cao, chỗ thấp trông như hình yên ngựa, về tả hữu, thế núi kéo đi, có chỗ như ngựa đi chậm, có chỗ như ngựa đi nhanh... là núi rất cao giữa muôn nghìn núi" (núi Mã Yên). Tả một cái hồ ở đồng bằng hay một dải cát ở ven biển, tác giả Ô châu cận lục luôn luôn tìm thấy những nét dáng thanh tú, diễm lệ của cảnh vật: "Đụn cát bao la? cây rừng rậm rạp, biển cả vòng phía đông bắc, núi non chầu phía tây nam, ngành khoảnh mênh mông, một bầu trong suốt, quấy không đục, lọc cũng không trong thêm"(bàu Tró).

Và mỗi cảnh vật của thiên nhiên hay mỗi thành tựu của lao động sản xuất đều thấm đượm chất thơ: "Thùy liễu mọc đầu bến nước, đàn âu sớm tối nhởn nhơ, hoa lau san sát bên bờ, lũ nhạn đi về bay lượn... Lụa xã Cao Đôi óng ả trông như tuyết trắng phủ đầy đường, lúa làng Đông Dã thơm tho coi tựa mây vàng che kín đất... Lá trầu thơm phức, buồng cau xanh tươi. Mơ chua là vị nấu canh, dưa ngọt là đồ thết khách. Lúa nếp mọc ở ruộng núi hương vị thơm tho. Củ mài mọc ở sườn non, chất vị bình đạm".

Dương Văn An đặc biệt say sưa ca ngợi tinh thần cần cù lao động của nhân dân Thuận Hóa bằng những mô tả vừa cụ thể, chi tiết lại vừa gợi cảm, bay bổng: "Đồng bằng thì nông trang vốn sẵn nghiệp nhà, bờ biển thì cá muối là kho vô tận. Gà gáy ba dạo, nơi nơi đi chợ, đếm sang canh năm, người người ra đồng. Trai làng Võ Khuyên chăm việc canh nông, gái xã Trường Dục giỏi nghề khung cửi. Ruộng An Nhơn mở rộng, kho đụn chứa đầy, nước An Lạc ngon lành trâu bò béo tốt. Xẻ ván đóng thuyền có làng Diêm Trường, Phụng Chánh, rèn sắt làm đồ có làng Tân Lạn, Hoài Tài".

Dương Văn An cũng không quên biểu dương những người con anh dõng tài ba của quê hương bằng những lời ngợi khen vô cùng trân trọng mà xúc động: "Ôi! Xem cái mực hơn kém của nhân vật, quan hệ đến cơ an nguy của nước nhà như cái đức trung nghĩa trí dũng của Đặng Tất, thực là nhân tài của cả nước chứ không phải nhân tài riêng của Ô châu, như cái tài văn chương, chính sự của Bùi Dục Tài, thực là người giỏi của cả nước chứ không phải người giỏi riêng của Ô châu!".

Quan điểm "địa linh, nhân kiệt" kết hợp với tình yêu quê hương đất nước đã là một trong những nguồn cảm hứng sâu xa làm nên niềm tự hào sôi nổi của Dương Văn An, niềm tin mãnh liệt về một vùng đất giàu có, văn hiến và anh hùng của tổ quốc:

"Địa phương ta mặt đất thì non sông tốt đẹp, bể cả thì sóng nước mênh mông, sông Bình Giang trong trẻo, sông Lĩnh Giang bao la, núi Hoàng Sơn hùng vĩ, núi Linh Sơn xanh tươi, núi Cẩm Lý linh kỳ, núi Đâu Mâu vượng khí, núi Hương Uyển quanh co rực rỡ như rồng uốn khúc, núi Thương Sơn xanh tốt chót vót như phượng vờn mây, thật là những nơi kỳ lạ của trời đất. Địa linh đã như thế, có lẽ nào không chung đúc ra những người tuấn kiệt, không kết tinh nên những đấng tài hoa được ru?".

Tấm lòng yêu quý của ông đối với quê hương đất nước, cùng với những lời, những trang văn tráng lệ, chan chứa tình cảm và chất thơ, những hình tượng hùng vĩ và mỹ lệ dành để ca ngợi quê hương đã làm nên vinh dự của Dương Văn An, đã khẳng định vị trí xứng đáng của ông trong lịch sử khoa học, lịch sử văn hóa Việt Nam.

Trước đây Lê Quý Đôn khi viết Phủ biên tạp lục (1776), các sử thần của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Đại Nam nhất thống chí đã trích dẫn Ô châu cận lục rất nhiều. Những người viết lịch sử và địa chí Bình Trị Thiên ngày nay cũng đánh giá cao những tư liệu lịch sử, địa lý, dân tộc học chứa đựng trong tác phẩm của Dương Văn An. Với tâm hồn cao đẹp của mình, với công trình học thuật có giá trị văn học lớn, ông đáng được xem là một nhà soạn địa phương chí xuất sắc, một danh nhân văn hóa của Bình Trị Thiên và của dân tộc Việt Nam.

L.V.H.
(SH25/6-87)



-----------------------
1. Lương An, Dương Văn An và Ô châu cận lục, tập san Văn hóa Bình Trị Thiên số 15-1883, tr. 31.
2. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I (in lần 2) nhà XB.Văn hóa, 1984, tr. 376.
3. Bài tựa ÔCCL, Trần Văn Giáp trích dịch, sđd.., tr. 375 - 376.
4. nt. tr, 376.










 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thuở hàn vi (11/04/2013)