Tạp chí Sông Hương - Số 289 (T.03-13)
Tác phẩm mới tháng 3/2013
15:04 | 25/03/2013

BI KỊCH (chuyên luận), tác giả Adrian Poole, Nxb. Tri thức, 2012. Adrian Poole là giảng viên môn Ngữ văn Anh và Văn học so sánh tại đại học Cambridge. Là người đam mê nghiên cứu văn học thế kỷ 19 và 20.

Tác phẩm mới tháng 3/2013

Trong Bi kịch Adrian Poole đã đặt ra những giả thiết như ai cần bi kịch? Liệu chúng ta có thể tồn tại trong một thế giới không có bi kịch hay không? Qua chín chương người đọc từng bước bị thuyết phục với những diễn giải thú vị, tìm thấy câu trả lời cho những nghi vấn như Ai cần bi kịch? Đổ lỗi cho ai? Những ý niệm lớn... Qua đây, chúng ta nhận thấy cuộc sống của con người không thể thiếu bi kịch, bi kịch là một phần kiến thiết nên cuộc sống và nghệ thuật của mọi thời đại.


MÀU CỎ XANH TRONG SUỐT truyện cực ngắn của các tác giả Lưu Diệu Vân, Nhã Thuyên, Hoàng Long, Phạm Vũ Văn Khoa, PK, Nxb. Trẻ, 2013. Đây là sự góp mặt của năm nhà văn viết truyện cực ngắn được xem là đặc sắc hiện nay. Truyện cực ngắn còn được biết đến dưới nhiều dạng thức định danh như “truyện chớp” (flash fiction), “truyện bất ngờ” (sudden fiction), “vi truyện” (micro fiction)... Nhìn chung truyện cực ngắn có những đặc điểm như: dung lượng ngắn, nhịp điệu diễn trình của các chi tiết nhanh và mạnh, chấp chới giữa ranh giới của thơ và truyện. Đó là những lát cắt mỏng trong cuộc sống đương đại khi con người đối diện với một quái trạng văn hóa bùng nổ trong một thế giới đầy rẫy sự ngụy tạo. Màu cỏ xanh trong suốt linh hoạt về ngôn ngữ, mỗi truyện ngắn sau khi dừng lại nó không có sự hoàn kết mà luôn tạo ra những luồng dư chấn lan đi, một sự lan tỏa khó xác định ranh giới.


TÁC PHẨM TRONG NĂM 2012 (nhiều tác giả), Nxb. Thuận Hóa 2013. Đây là những sáng tác trong năm 2012 của các hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Trong tập sách này người đọc nhận thấy sự đa dạng về lối viết của các hội viên của Hội nhà văn Thừa Thiên Huế. Nói đa dạng về lối viết bởi ở đây là sự góp mặt, đan xen của thi pháp truyền thống và thi pháp hiện đại. Bạn đọc tiếp tục gặp lại các tác giả quen thuộc trên văn đàn như nhà văn Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Trần Hoàng Phố, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyên Quân, Hải Trung, Phạm Nguyên Tường, Trần Huyền Sâm, Hồ Thế Hà, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vũ Trường Giang, Fan Tuấn Anh, Đông Hà, Lê Minh Phong...


EM LÀM ƠN IM ĐI ĐƯỢC KHÔNG? (truyện ngắn), tác giả Raymond Carver, Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & Nxb. Văn học 2012. Là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ, tác phẩm của Raymond Carver đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực truyện ngắn Raymond Carver là một bậc thầy về hình thức, người đã khiến văn chương Mỹ vốn có nhiều đột biến càng trở nên mới mẻ lạ thường. Đọc Raymond Carver chúng ta thấy bi kịch của con người hiện đại, hậu hiện đại được chứa ẩn sau lớp diễn ngôn tỉnh táo, ráo hoảnh, sắc bén, chuẩn xác. Đó là lớp diễn ngôn của một bậc thầy về tâm lý và một sự quan sát tinh tế của một nhà văn tầm cỡ. Truyện của Raymond Carver tưởng như là không nói gì cả, tưởng như là chỉ trình ra những sự kiện nhưng thực chất đó là cả một bức tranh thấu triệt con người, thấu triệt thời đại. Đọc Raymond Carver chúng ta biết chúng ta là ai, chúng ta đang đối diện với sự sa đọa như thế nào, khuôn mặt đích thực của con người là gì. Trong mắt các nhà phê bình tầm cỡ thì truyện ngắn của ông trở thành kinh điển mẫu mực của thời đại. Đây thực sự là một cuốn sách đáng đọc để chúng ta tìm thấy căn nguyên của sự đổi mới trong truyện ngắn đương đại.


CHO NHỮNG GÌ CÒN LẠI (thơ), tác giả Đỗ Văn Khoái, Nxb. Thuận Hóa, 2012. Có vẻ như tình yêu vẫn là cội nguồn thi hứng của Đỗ Văn Khoái. Tình yêu trong thơ anh cũng như tình yêu đã đeo bám thi sĩ ngàn đời. Tình yêu không thể có một sự kết hợp toàn vẹn nào. Cũng chính vì những đổ vỡ đó khiến trái tim nhà thơ không ngừng thổn thức, truy vấn để lý giải cho câu hỏi: Tình yêu là gì? Đôi khi trong Cho những gì còn lại chúng ta thấy tình yêu chỉ là cái cớ để thơ tồn tại và dự phóng. Nàng thơ, người tình của thi sĩ dường như có thật, dường như không thật. Cái còn lại sau cùng vẫn là nỗi cô đơn, sự gào thét của một trái tim chứa đầy những vết thương mà chỉ có linh dược mới có thể hàn gắn được. Cũng như Lý Hạnh đã băn khoăn rằng “không biết nỗi cô đơn của Khoái bắt nguồn từ đâu, chỉ biết ngay từ khi mới đọc thơ anh, tôi đã bắt gặp trong ấy là sóng, là gió, là những nỗi day dứt đắng và chát như rượu...”.


TRÔI CÙNG ĐÁM CỎ RẼ (thơ), tác giả Lê Vĩnh Thái, Nxb. Văn học, 2013. Từ Ký ức xanh đến Trôi cùng đám cỏ rẽ là một quá trình không ngừng nỗ lực trong việc thay đổi bút pháp của tác giả này. Thơ Lê Vĩnh Thái là sự đan xen giữa cái đẹp của truyền thống và hiện đại. Cái đẹp truyền thống dung chứa trong từng hình ảnh, hình tượng, ý tưởng nhưng chúng lại được triển khai trên hình thức mới mẻ. Đổi mới đối với Lê Vĩnh Thái không phải là sự bội ước với quá khứ mà chính quá khứ là nguồn cội của thi ca. Từ nguồn cội sâu thẳm đó nhà thơ kết nối với sinh khí tân thời. Trong sự ồn ào cách tân thơ hiện nay chúng ta thấy đôi khi nhà thơ thường lắm lời nhưng lại trơ nghĩa. Sự đổi mới quá mức về hình thức trong khi tác phẩm thiếu vắng ý tưởng khiến thơ ca trở nên méo mó. Thơ Lê Vĩnh Thái thoát ra khỏi sự thiếu hụt này bởi chúng ta luôn bắt gặp trong thế giới của anh sự biểu nghĩa thực sự.  

(SH289/03-13)








 

Các bài mới
Mẹ khổ (26/03/2013)
Các bài đã đăng
Dàn đồng ca (18/03/2013)