Tạp chí Sông Hương - Số 289 (T.03-13)
Nhiệt đới gió mùa(*) và nhiệt hứng văn chương
14:58 | 26/03/2013

BÙI VIỆT THẮNG  

Bản thảo tập truyện Nhiệt đới gió mùa tôi nhận được từ nhà văn Lê Minh Khuê qua email cá nhân, in ra 115 trang A4, co chữ 12, đọc phải hết sức chăm chú vì mắt mũi có phần kém sút khi tuổi đã ngoại lục tuần.

Nhiệt đới gió mùa(*) và nhiệt hứng văn chương
Nhà văn Lê Minh Khuê và cuốn sách "Nhiệt đới gió mùa" - Ảnh: vnexpress

Tôi vẫn nói đùa với bạn bè văn chương rằng trong số các nhà văn đương thời, Lê Minh Khuê là người tôi “đeo bám” sát sao nhất, cũng phải đến hơn một phần tư thế kỉ, từ cái thời chị còn ở khu tập thể báo Tiền Phong (phố Hàng Trống, Hà Nội). Khi tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố (1986) của chị nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987, tôi có viết bài giới thiệu in trên báo Văn nghệ nhan đề Sức bền của ngòi bút. Tôi còn nhớ dạo đó nhà văn Thiếu Mai phụ trách trang Lý luận - Phê bình của báo đã sửa thành Để có sức bền của ngòi bút (có lẽ cách viết của tôi hàm ý khẳng định hơn, còn người biên tập thì có ý còn phải thử thách thêm!). Sau tập truyện ngắn Bi kịch nhỏ (1993), chị vấp phải một vài khó khăn nhưng rồi nhanh chóng vượt qua vì người ta nhận ra cái thiện ý và nhiệt huyết của một nhà văn từng trải qua chiến tranh, từng cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp chung, từng có tác phẩm được chọn vào chương trình Ngữ văn cấp hai (PTCS) - một truyện ngắn xinh xẻo, đằm thắm tình người, tình đời - Những ngôi sao xa xôi. Dạo đó tôi có viết một bài phê bình Ấn tượng Lê Minh Khuê, gửi báo Văn nghệ nhưng không in được (không rõ lí do), mãi đến năm 2008, Tạp chí Xứ Thanh (Hội VHNT Thanh Hóa) mới in. Vừa rồi tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 10/2012 có in lại truyện Ronan Keating của Lê Minh Khuê, ngay sau đó số tháng 11/2012, cũng tạp chí này, có in bài phỏng vấn nhà văn Lê Minh Khuê của tôi với nhan đề Tôi đã viết truyện Ronan Keating như thế nào. Những bài viết ra, dù được in hay không, tôi cũng cố gửi cho nhà văn để “đọc cho vui!”.

Lần này thì hơi khác. Ngay sau khi chỉ mới đọc xong truyện dài nhất trong tập hơn 40 trang Nhiệt đới gió mùa (cũng là truyện được dùng đặt tên cho tập truyện) tôi đã gửi thư cho nhà văn qua email “Dù đã trải qua chiến tranh, đói khổ, chết chóc và cả những oan khuất cuộc đời, dù đã là người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi khá cứng rắn và vững vàng với đời, nhưng thú thật khi đọc xong truyện đầu Nhiệt đới gió mùa, tôi cảm thấy rã rời và bị ám ảnh”. Quả thực truyện ngắn Lê Minh Khuê thường tạo ra những ám ảnh nghệ thuật lâu bền và khắc sâu trong tâm trí người đọc cái dữ dội đến khốc liệt của đời sống kiểu như Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại, Anh lính Tô-ny D, Bến tàu mùa đông…hoặc với kiểu truyện sâu đằm, có khi bay vút lên như Mong manh như là tia nắng, Một buổi chiều thật muộn, Một chiều xa thành phố, Những ngôi sao xa xôi, Cơn mưa cuối mùa… Lê Minh Khuê là nhà văn “hai trong một”- quyết liệt đến tận cùng và cũng đắm đuối đến tận cùng.

Nhiệt đới gió mùa trong bản chất là một cuốn tiểu thuyết nhưng được dồn nén lại trong một hình thức mà tác giả chỉ khiêm tốn ghi dưới là “truyện”. Nó là một tác phẩm viết về chiến tranh theo cách riêng của nhà văn, viết “thẳng vào tim đen” mọi chuyện - gạt bỏ hết thảy mọi sự vẽ vời, đắp điếm - chỉ tập trung tối đa khoét sâu vào những “vết thương chiến tranh” khó bề chữa trị đối với những con người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào sự kiện bi hùng này. Chiến tranh có thể làm cho con người trở nên anh hùng hơn, nhưng cũng chính chiến tranh có thể làm cho con người trở nên xấu xa hơn. Đó là hai mặt biện chứng của chiến tranh mà lâu nay chúng ta vô tình hay cố ý chỉ nói về một mặt của nó. Gần đây tôi có đọc tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê (Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008) và truyện ngắn Đội hành quyết của Thái Bá Lợi (in trong Những truyện ngắn chọn lọc, 2 tập, Nxb. Hội Nhà văn năm 2012, ấn phẩm ra mắt kỉ niệm 55 năm Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1957 - 2012). Tôi cũng vì thế mà đọc lại Gió dại (1992) của Bảo Ninh - một truyện ngắn gây dư chấn khá mạnh đến mức đã có lúc nhà văn phải đổi tên thành Mùa khô cuối cùng khi in lại (2004). Năm 2011 nhà văn quyết định lấy lại tên nguyên thủy cho “đứa con tinh thần” của mình khi chọn đưa vào Bảo Ninh - Tác phẩm chọn lọc (Nxb. Phụ nữ, 2011). Tôi nghĩ đó là những tác phẩm viết về những “chấn thương tinh thần” do cuộc chiến tranh dài lâu và khốc liệt đổ xuống những con người bình thường đã hi sinh xương máu nhiều nhất nhưng chính họ lại phải gánh chịu nhiều nhất những hậu quả tàn độc của chiến tranh. Chiến tranh về một phương diện nào đó mang gương mặt của cái ác, cái xấu. Sự thật này không phải một sớm một chiều được nói ra, được thừa nhận, được ghi lại bằng ngôn từ văn chương.

Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, nếu có thể nói mà không sợ quá lời, là một tác phẩm nằm trong “Bảo tàng văn học chiến tranh” ở phương diện tố cáo chiến tranh đã gây nên lòng hận thù ác độc cho con người, phát triển cái phần thú tính, phần “con” trong con người. Đó chính là sức mạnh hủy diệt của chiến tranh và vì thế cần lên án nó không tiếc lời bằng tất cả các phương tiện, trong đó có phương tiện nghệ thuật ngôn từ.

Đọc tập truyện Nhiệt đới gió mùa một lần nữa độc giả chứng kiến sự uyển chuyển của ngòi bút Lê Minh Khuê từ cái “nhìn xa” đến cái ‘nhìn gần” cuộc sống và con người thời đại. Tôi cứ hình dung ngòi bút của nhà văn giống như một cái kính hiển vi với độ phóng cực đại không chỉ trong cái truyện làm nòng cốt là Nhiệt đới gió mùa mà cả trong 11 truyện còn lại trong tập. Cái nhìn rất gần đã giúp nhà văn phát hiện ra “Cuộc đời có những phút thật xốn xang” (Một mình). Đó là những “chốc lát” độc sáng trong cuộc đời mỗi người. Trong truyện Carmy ba chấm có nhân vật Tuyền rất ngộ, khi cuộc sống hiện đại tràn ngập lãnh thổ với đủ thứ nhũng nhiễu, tai ương nhưng anh ta vẫn cứ một tính “Nó nổi tiếng ở làng này vì cái tật có thể ngồi im hàng giờ. Nín thở. Ngay trong vườn, ngay đầu hồi nhà nó để nhìn một cái hạt cây nẩy mầm. Hạt thường nảy mầm sáng tinh mơ như đón mặt trời. Biết quy luật này Tuyền thức dậy từ lúc chưa rõ mặt người. Rón rén như sợ kinh động nó ngồi chờ trước đám đất mà mấy hôm trước nó vùi hạt bưởi già. Đất cựa hẳn hoi. Rồi hai cục đất nhỏ tách nhau ra một kẽ hở tí xíu như cái móng tay hình thành và từ từ một cái chấm trắng trắng xanh xanh trồi lên mắt thường khó nhìn thấy nhưng thằng Tuyền có mắt kính hiển vi nó nhìn mầm lên tim nó nhảy nhót. Sợ cái cây con nghe thấy tiếng thở thằng Tuyền thường nín rất lâu rồi tức ngực quá nó quay ra phía sau thở mạnh (…). Nó bị đám mầm thôi miên. Trong đám mầm bưởi kia bây giờ một cây đã lớn cao đến bụng thằng Tuyền. Nó xem cái cây ấy như sinh mệnh. Như bí mật hệ trọng. Nó nhìn cây bưởi lớn và thấy mình thêm mạnh”. Nếu nhân vật Tuyền có cái nhìn tạo vật thiên nhiên như cái “mắt kính hiển vi” là vì người sinh hạ ra nó, tức nhà văn, tất cũng phải có cái nhìn của Tôn Hành Giả!

Có lẽ trong tập truyện này nhà văn nói nhiều đến cái chết hơn cả, nhưng cái quy luật “sinh bệnh lão tử” không ai tránh được. Những tai họa (“thiên tai” hay “nhân tai”) đâu có chừa ai. Cái chết là sự chấm hết một đời người. Chết là hết và vì thế sự sống mới thật quý giá, dẫu cho sống có thể lầm than, oan khuất, chờ đợi vô vọng. Nhân vật trong truyện Lãng mạn nửa mùa đêm đêm cứ đứng trồng cây si trước nhà một cô gái từng có quan hệ, đứng để “Chờ đứa trẻ ra đời để xem nó là trai hay gái. Cũng chưa biết làm gì tiếp theo”. Chưa biết làm gì tiếp theo là một cảm hứng mang đậm tinh thần hiện sinh của đời sống hiện đại mà con người phải tuân theo trong mọi hành xử. Qua truyện này và các truyện trong tập Nhiệt đới gió mùa tôi nhìn thấy một cảm hứng hiện sinh rất đậm trong văn Lê Minh Khuê. Cảm hứng này giúp nhà văn nhìn thấy sâu hơn bản chất của đời sống là cái phi lí chứ không là cái có lí chi phối mọi hoạt động của con người và cái phi lí là một thứ ma lực, một trường lực hút vào đó hết thảy mọi biến động to lớn nhất cũng như những biến đổi tinh vi nhất của xã hội thời chiến cũng như thời bình.

Viết Nhiệt đới gió mùa Lê Minh Khuê nghiêng về sử dụng một lối văn có “tông” mạnh, nhiều khi gây sốc cho những ai yếu bóng vía hoặc giả chưa quen với sự thật vốn bao giờ cũng như “thuốc đắng giã tật sự thật mất lòng”. Đây là cảnh “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt” khi Phong có cơ hội trả thù Hiếu tàn độc, dù họ là anh em cùng cha khác mẹ “Hai thằng nhân viên lực lưỡng nhảy như con báo về phía Hiếu đang ngồi, xô ngã cái ghế và một thằng ôm cứng vai anh thằng kia lấy con dao biệt kích nhọn hoắt làm một động tác thành thạo. Ngửa đầu Hiếu ra sau nó thọc mũi dao vào một bên mắt khoét một vòng rồi hất một cục như hòn bi cùng với da với thịt dính theo xuống nền xi măng. Hiếu chưa kịp hiểu vì sao chúng cầm con dao nhọn về phía anh thì toàn thân anh như bị ném ở độ rất cao xuống vì cơn đau của con dao đâm vào vùng mắt (…). Sự việc diễn ra như một nhát cắt trên phim. Hai thằng nhân viên dùng chân đá Hiếu ra giữa nhà. Máu bây giờ mới tràn ra khắp mặt, Hiếu không nhìn thấy gì chỉ biết rằng Nhâm đã chết và cái thằng nói giọng Hà Nội đang cúi xuống người Hiếu (…). Thế là huề nhé anh Hiếu! Tôi xin một mắt của anh đền cho mẹ tôi! Phong nhặt cái cục thịt đẫm máu trong có con mắt của Hiếu cho vào túi ni lông như giữ tang vật” (Nhiệt đới gió mùa). Một cuộc trả thù đẫm máu giữa những người con của cùng một cha. Những cuộc trả thù làm cho cuộc đời con người ta ngắn lại và là mảnh đất màu mỡ cho cái ác, cái xấu nở rộ. Câu chuyện đau lòng trên được kể lại một cách khách quan “lạnh lùng”, có vẻ như “tàn nhẫn”. Nhưng biết đâu nhà văn đã lén lau những giọt nước mắt khi viết như thế?! Tôi tin là trái tim nhà văn đã bị bóp nghẹt trong khi cố gắng bình tĩnh để kể lại với độc giả một trong nhiều câu chuyện chiến tranh đang bị thời gian và thói vô tình của con người lãng quên. Đó là những “bi kịch nhỏ” mà nhà văn Lê Minh Khuê muốn kể lại với mọi người. Xin hãy lắng nghe!

B.V.T
(SH289/03-13)



.............................................
(*) Tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.
  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ khổ (26/03/2013)
Dàn đồng ca (18/03/2013)