Tạp chí Sông Hương - Số 290 (T.04-13)
Người tình của ông Briseux
09:40 | 25/04/2013

Henry James (1843 - 1916), nhà văn Mỹ viết tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học; đặc biệt yêu văn học và nghệ thuật Pháp. Ông định cư ở Londres, Anh từ 1876. Tác phẩm: 112 truyện ngắn (1864 - 1910), Toàn tập (1990 - 2009), nội dung thể hiện ở nhiều chủ đề như: ý thức, tâm lý, mơ mộng, tình cảm, vẻ đẹp, chân lý nghệ thuật.

Người tình của ông Briseux
Văn hào Henry James

HENRY JAMES


Người tình của ông Briseux


Phòng triển lãm mỹ thuật nhỏ ở M*** là một bảo tàng tiêu biểu - lạnh lẽo, mốc meo, vắng vẻ; tuy chưa đạt mức phong phú nhưng đặc biệt giàu những bức họa tinh xảo. Sàn nhà lát gạch, các cửa sổ treo rèm lóng lánh đã tàn phai; ngay đến ánh sáng dường như mờ nhạt và trung hòa khiến không khí ảm đạm thiếu đèn chiếu cho những bức tranh cũng bị lây nhiễm. Các đề tài được trình bày thuộc loại hàn lâm thông thường đã đành - tính khôn ngoan của Salomon(1), cơn thịnh nộ của Oreste(2); thêm vài phong cảnh thanh nhã được trưng ra cách nhìn thiên nhiên ở thế kỷ cuối, và nửa tá bức chân dung những nhà quý tộc Pháp ở thời kỳ này chải chuốt, thấu đáo trong hành vi; có thể nói, được các mắt nhìn ngắm nghía thành vấn đề. Đối với tôi, xin thú thực là nơi đây tạo niềm mê hoặc buồn bã, nhưng tôi nhận thấy để thưởng thức, trong các bức họa cũ xưa vô nghĩa ấy tuyệt không có bức nào quá vô lý. Trong hội họa Pháp, ngay cả khi không do bàn tay của một bậc thầy, luôn luôn có sự hoàn thành thú vị. Mục lục cũng hấp dẫn một cách kỳ lạ, một mẩu văn chương cổ xưa, có các bình luận theo cách nhà trứ danh Ô.de La Harpe. Vừa lật các trang giấy, tôi tự hỏi đâu là mức độ bài xích mà mục lục và các bức họa đã được người con duy nhất của M*** cải hóa và đạt được trong nghệ thuật với danh tiếng lừng lẫy hơn ở địa phương. Sự phỏng đoán là thích đáng, bởi chính tại những gian phòng đượm hoàng hôn này mà người nghệ sĩ độc đáo uyên thâm kia đã lắng nghe được tiếng kêu ríu rít ban mai đầu tiên của thiên tài anh ta hé nở: ban đầu nửa cả tin, như người ta giả thiết, những ngày lễ vào chủ nhật, tay trong tay thân phụ, da dẻ hồng hào, mắt mở to trước vẻ giận dữ cổ điển của Achille(3) và màu sáp da thịt của Didon(4). Và sau đó, tay thọc túi áo, nhíu mày biểu lộ chê bai do ảo tưởng một Achille nồng nhiệt hơn chút ít và một nàng Didon hấp dẫn sâu xa hơn. Ảo tưởng này là chính đáng gấp đôi, vì cuối cùng viện bảo tàng bé nhỏ, sau nhiều so sánh, đợi chờ và thương lượng, trở thành chủ sở hữu một trong những bức tranh của Briseux. Tôi được người gác gian thông báo tức thì sự thể - đó là nhân vật còn lại qua năm tháng và niềm đam mê kinh niên, song còn khá tráng kiện, bày tỏ thẩm mỹ văn hóa của mình với một người ngoại quốc được xem là tao nhã. Anh ta trân trọng dẫn tôi đến đối diện tác phẩm vĩ đại và đặt một chiếc ghế nơi đầy ánh sáng cho tôi. Trong cuộc đời, trước khi đạt danh tiếng, người họa sĩ nổi tiếng đã sớm rời bỏ thành phố sinh trưởng và gia đình phức tạp - ông thân sinh là một người bán thuốc lẻ, biết chiêm ngưỡng đúng đắn nghệ thuật, nhưng lại ghê sợ các nghệ sĩ - đã không chịu mất công gìn giữ những bức vẽ thời thơ ấu của anh. Họ còn tệ hại hơn ngu ngốc nữa! Bức vẽ nguệch ngoạc kém nhất có chữ ký của anh nay trị giá hàng trăm quan, mà trong thành phố vẫn còn những người ruột thịt của anh vốn khan hiếm tiền bạc. Mua được một bức họa nghiêm chỉnh, tất nhiên đâu phải là việc dễ dàng; và cô bé M*** dù có trái tim nồng nhiệt của người mẹ, tự thấy mình chẳng có tiền dành dụm dù ít ỏi. Song sự việc được dàn xếp, ký nhận, và bức tranh được mua xong. Để đạt sự chiến thắng toàn vẹn, mười lăm ngày sau khi tác phẩm được đóng đinh treo lên, ông Briseux lìa trần vì một cơn sốt ở Rome, và các bức tranh của ông lên giá kinh khủng nhất! Chính tác phẩm này đã khiến nhà hội họa lừng danh tiếng. Bức chân dung “Người đàn bà quàng khăn vàng” đã gây xôn xao một thời ở Nhà khách năm 1836. Mọi người đều thông tỏ về chiếc khăn vàng và nói về nó như về chiếc “nón rơm” của Rubens(5) hay chiếc “bao tay rách” của Titien(6); hoặc giả họ không bàn gì nữa thì hậu thế sẽ bàn tiếp! Đó là diễn từ lẩm bẩm của người gác gian trong khi tôi quan sát bản vẽ gốc quý giá của Briseux; và sau một tua ca cẩm là lời khẳng định cuối cùng dường nhằm tiên đoán linh hoạt về vụ mùa thu hoạch những đồng frs liên tiếp mà những người kế tiếp anh ta phải vun vén cho bảo tàng. Sẽ là lời chúc khá ngọt ngào khi nói rằng cứ nhìn bức họa là thật đáng đồng tiền bỏ ra. Đó là một công trình tuyệt vời mà tôi đã trải qua nửa tiếng đồng hồ ngắm nghía với niềm thích thú vô cùng êm dịu làm quên đi anh gác gian chán ngắt. Đây là bức chân dung bán thân một thiếu phụ không hẳn đẹp và còn xa mới là xấu; phục trang sang trọng mà giản dị đơn sơ với một tấm khăn quàng lụa màu vàng thêu hoa văn Ả Rập kỳ lạ. Nàng buồn bã và nghiêm trang, chiếc áo dài màu tối, phông nền trung hòa tương phản làm chiếc khăn óng ánh, lấp lánh một cách rực rỡ. Chiếc khăn như thực sự phát quang một màu sáng tươi khiến bức tranh chói lọi, dẫu các phụ tùng giản đơn; và tuy nhiên nó còn tạo thêm giá trị lớn lao cho sự láng bóng mềm mại của da thịt. Bức tranh thiếu một hoàn tất hài hòa gì đó, một sự thống nhất chỉn chu của các bộ phận mà họa sĩ thực hiện tiếp sau; nét chấm phá vội vã, và đây đó hơi nặng nề; nhưng tính linh hoạt và nghị lực của tác giả thật phi thường, và sự chân thành tựa trẻ thơ của vài sức bật đột biến, tạo nên một kiểu mẫu quan trọng ở thời điểm cơ bản của lịch sử một thiên tài, khi những hứa hẹn còn êm ái bừng nở - để chỉ ra là vào một đêm mà tinh lực ứng nghiệm. Chẳng có gì phải ngạc nhiên là bức tranh đã gây xôn xao: các phán quan thuộc loại phóng khoáng nhất đã phải cảm thấy bức họa chứa chất điều gì đó không thể đánh giá được mà người nghệ sĩ chỉ sản sinh một lần - dòng tuôn trào đầu tiên của những nỗ lực, đóa hoa bản lai của anh. Vừa tiếp tục quan sát bức tranh, tôi tự hỏi phải chăng nó còn chất chứa điều gì hơn nữa - sự phản ánh một thái độ vừa thâm trầm, vừa nồng nàn hơn cả tài năng nghệ sĩ… Mặc dầu nhân vật có vẻ bình tĩnh, cặp mày và đôi môi mang dấu ấn kích động liên tiếp, mắt buồn buồn mà cháy rực, và má ửng đỏ của điềm báo hung dữ. Rõ ràng là sự biểu đạt gì đó hơn cả chiếc khăn vàng. Đối với con mắt phân tích, đó là biểu tượng của một tinh thần hoặc ít nhất, là một khí sắc.

- “Người đàn bà này là ai vậy?” Tôi hỏi anh bạn đứng bên.

Anh ta nhún vai và có vẻ ngại ngùng một chút. Tuy vậy, bằng tiếng Pháp sành sỏi, anh đi tới giả thiết sau đây:

- “Trời đất! Một người tình của ông Briseux!... Các nghệ sĩ ấy mà!”.

Tôi rời chỗ ngồi và đi qua các gian phòng kế tiếp, nơi mà, như tôi đã nói, tôi có được nửa giờ tiêu khiển. Khi trở lại, chiếc ghế của tôi đã có một phụ nữ ngồi, có vẻ như đến thăm bảo tàng một mình. Tôi không chú ý lắm, chỉ nhớ là tuy hấp dẫn nhưng bà không còn trẻ, bận đồ đen, mắt dán vào bức tranh. Việc đó lôi cuốn tôi, và tôi chậm rãi quan sát kín đáo bà để có thể thâu lượm được một ấn tượng thực sự. Bà ta không còn trẻ với mái tóc bạc trắng, song màu trắng bạc duyên dáng ấy thường sớm thuộc về những người đẹp tóc nâu. Người gác gian lượn lại gần bà, kể lể, giải đáp và trả lời cho bà (tuy bà chẳng đặt ra câu hỏi nào) theo tôi là với giọng Anh. Nhưng chắc hẳn đó không phải là việc tôi tưởng tượng ra, vì bỗng nhiên bà bạn tôi dường như khó chịu bởi cảm giác bị quan sát, kéo tấm khăn quanh mình lại, đứng dậy và chuẩn bị đi ra. Tôi liền tức thì rút lui, nhưng theo cử chỉ của bà, mắt chúng tôi giao nhau, và trong ánh mắt lanh lẹ, đúng là có chút chống đối, tôi nhận thấy điều gì đó thúc đẩy sự tò mò hơn là phép lịch sự. Bà đi ra, còn tôi đứng lại nhìn bà; khi bà quay lại, hình như thái độ ngạc nhiên của tôi khá rõ ràng khiến bà đỏ mặt. Tôi thấy bà đi chầm chậm qua gian phòng rồi qua phòng tiếp theo, vừa mơ hồ đưa mắt nhìn các bức họa; thế là mắt tôi dò hỏi thẳng Người đàn bà quàng khăn vàng. Đôi đồng tử linh hoạt lạ lùng của bà đáp lại khá rõ câu hỏi của tôi. Tôi cảm thấy hài lòng và rời khỏi bảo tàng.

Có lẽ nói đúng hơn là tôi không hoàn toàn hài lòng. Tôi đi lang thang vô định trong thành phố nhỏ bé và tất yếu là tới nơi dạo chơi địa phương. Nơi dạo chơi của M*** là nơi chốn khá thú vị. Được trải dài tới chóp các bức tường cũ của thành phố, đây đó là các bao lơn vững chãi, sạch sẽ do nó được tiếp xúc với nhiều thế hệ, người ta khoan khoái trước tầm nhìn một phong cảnh miền provence(7) có sắc màu mờ ảo nhưng dễ thương. Giữa bờ thành được điểm tô một rặng cây tilleul sít sao với những chiếc ghế dài xen kẽ; và khi ngồi dưới bóng cây, mắt ta nhìn đóng khung do đường viền bao lơn và đường cân xứng của các cành cây đã được hoạch định. Vì vậy người ta thấy được một dải phong cảnh nằm ngang - những tảng đá trắng sáng chói và những cây ôliu um tùm nhấp nháy trong ánh chiều tà. Thêm nữa là một, hai vú em cùng bọn trẻ bới tìm đống sỏi, một anh tập nghề lười biếng bận áo bludơ đang gà gật trên chiếc ghế dài, và một cặp lính tráng mang quần dài đỏ nghiêng người trên thành tường. Tôi là người độc nhất lượn lờ trên các bờ thành và đó là nơi để nhấm nháp nỗi cô đơn. Bản chất tôi là một du khách rất đa cảm, tôi chẳng thích gì hơn là đốt một điếu xì gà rồi đắm mình theo tri giác thiền định của màu sắc bản xứ. Tôi ưa thích trầm tư trước cảnh đẹp như tranh vẽ; và cảnh bài trí trước mặt thấm đẫm hồn tôi. Tuy nhiên, lúc này bờ thành có bóng râm và các luồng sáng xa chẳng hấp dẫn bằng một nhân vật, mơ hồ mà rõ rệt, lập tức đến chiếm cứ mối quan tâm của tôi. Sự xác nhận lặng lẽ mà tôi tiếp nhận trước khi rời bảo tàng có tác dụng cho tôi tính toán hơn là giúp tôi sáng tỏ. Phải chăng con người khiêm nhường và đáng kính này là người tình cùa ngài Briseux danh tiếng? một trong “các nghệ sĩ ấy” như dư luận đồn đại với ý nghĩa xúc phạm cũng như cung kính nhất của ngôn từ. Bà là nguyên mẫu bức chân dung một cách biểu cảm. Vào thời ấy khi da dẻ còn được thừa nhận, bà đã quàng chiếc khăn màu vàng. Thời gian làm bà thay đổi, nhưng không biến đổi bà bao nhiêu như bà tưởng tượng khi trực tiếp đến chiêm ngưỡng những nét duyên dáng tươi trẻ của mình từ tượng đài cao cả này. Tại sao bà lại đến đây? Vì ngẫu nhiên hay vì phô trương? Bà nghĩ sao về việc tìm lại mình bị tước đoạt quá kỳ lạ qua hình ảnh thực của chính mình và bị đổi thành một nữ khán giả bất lực trước sự sống sót của bản thân đối với hậu thế? Càng kiểm nghiệm các cảm nghĩ của mình, tôi càng đoán chắc bà không phải là một phụ nữ Pháp, mà là một cô gái già giản dị cùng giòng dõi bên kia đại tây dương với tôi. Vấn đề là hậu thế không có sự trông cậy nào lớn hơn là trông vào cái bảo tàng mốc meo này, mà chắc chỉ sở hữu nhiều, cái lạnh ở mộ phần, gắn chặt quan niệm hiểu biết đã có từ chúng ta. Tôi cảm thấy khó dung hòa người đàn bà với chính bà ta; và vì dao động phỏng đoán mà tôi rời chỗ ngồi và đi chậm tới đầu bên kia bờ thành. Tại đây, các phỏng đoán dừng lại, vì một cơ may mới làm ngạc nhiên; bởi lẽ người tình của ông Briseux đang ngồi trên một chiếc ghế dài dưới các lùm cây. Bà ngắm nhìn hoàng hôn xa xôi cùng vẻ suy tư của kẻ đã cùng quan sát bức chân dung của bà; song khi tôi đi qua trước bà, bà nhìn tôi và dường như sự lúng túng đã biến mất. Tôi lại thong thả dạo bước trước bờ thành; thế rồi một sức mạnh nảy sinh theo cách gì đó từ không khí trong lành dịu dàng, từ phong cảnh các đá tảng và những cây ôliu tràn ngập ánh sáng, và từ một cảm xúc đồng loại trong nỗi cô tịch giữa những ảnh hưởng ngoại lai sâu xa; hơn nữa không vì tò mò mà sau tất cả là niềm tri ân chân thành về một sự kiện tất yếu được chuyển thành quyết định của một người đàn ông nhút nhát. Tôi nhận thức nghiêm trọng phải thực hiện công việc. Tôi đến gần bà bạn và nghiêng mình. Bà đón tôi chào và nhìn tôi không hẳn là nghi ngại mà như đòi hỏi một sự giải thích. Để giải thích, tôi ngồi xuống bên bà. Điều gì đó trên vẻ mặt bà tạo dễ dàng cho việc giải thích. Tôi chắc đây là một cô gái già, dễ thương, nhưng kỳ dị thực sự. Tuổi tác giúp bà được sống tự do và thành thực như bà mong muốn; tuy nhiên còn là đàn em của bà, tôi vẫn có khá đủ lông xám ở bộ râu của mình để nụ cười của bà được chứng thực trước sự vồn vã khá nhiệt tình của tôi. Nụ cười này, khi bà nhận ra cung cách kính cẩn sâu sắc của tôi, thì bật lên thành tiếng làm hoàn tất các giới thiệu. Điều đó cũng bộc lộ là bà cảm thấy trong lòng sự dửng dưng xám xịt của những bờ thành lịch sử, cảnh quan đầy cây ôliu, khí hậu ngoại lai nhẹ nhàng, đặt ra những quy ước hoàn toàn trong tay chúng tôi; vả lại cũng như điều gì đó biểu lộ nơi đôi mắt, có thể là giếng nước kỷ niệm đã lay động tâm hồn bà dữ dội ắt hẳn phải tràn đầy. Tôi có cảm tưởng rằng trong một, hai giờ này bà giống hệt bức chân dung đã thực hiện cách hai mươi năm trước. Dẫu sao, trong vài phút, điều này như một hiển nhiên thú vị mà vì thế ngồi ở đây - tôi, một người hoàn toàn xa lạ - nghe câu chuyện ban đầu e dè trước những câu hỏi đầu tiên của tôi, sau hình thành dần các giải đáp… Tôi nói thêm, xin thề tự giới thiệu là một sinh viên nhiệt thành của ông Briseux quá cố. Không gì hơn sự thật, và tôi chứng minh rõ ràng là hiểu biết các tác phẩm của ông. Vậy thì chúng tôi là những con chiên cùng niềm tin, và được phép bàn cãi những điều huyền bí của ông. Tôi nhắc lại trôi chảy câu chuyện của ông, và chắc hẳn không vi phạm các giới hạn đúng đắn của việc biên tập nhiệt tình khi cung cấp một điều khoản khiếm diện: vào thời kỳ ấy bà phải là một cô gái dịu dàng tuyệt vời.

Tôi trải qua mùa đông (bà nói) với người cháu gái tại Cannes(8), khi ngẫu nhiên biết có một nhà quý tộc Anh đang quan tâm tới công việc, là chiếc “khăn quàng vàng” của Briseux đã được viện bảo tàng nhỏ này mua. Đến từ Paris, ông ta đã dừng lại trên đường đi, để xem, và, dẫu là người sành sõi xuất chúng, người đàn ông tội nghiệp ấy; ông có hiểu không, ông ta không bao giờ chịu am tường điều mình cần khám phá chỉ trong chốc lát. Tôi đã không chỉ cho ông ta, dẫu ông ấy có vẻ dễ thương; “Bradshaw”(9) trong tay, làm sao tôi có thể thu xếp để dành riêng một ngày ở M*** trên đường trở về Paris. Tôi chỉ bằng lòng nói với ông ta là tôi có quen biết ông Briseux ba mươi năm về trước và là người đầu tiên được xem kiệt tác đầu tiên của ông ấy. Ngay cả như vậy cũng chẳng khuyến dụ được ông ta. Tuy nhiên là, tại sao điều đó lại khuyến dụ ông ta dẫu rằng đó là điều đã xảy ra? Ban nãy khi ngồi trước bức họa, tôi cảm đến tận mọi sợi tơ lòng, tôi không phải là con người phục sức, đang ngồi với nụ cười khiếm nhã một cách dị thường như thế. Cô gái tội nghiệp ấy đã chết và được chôn vùi; tôi không nói dối tôi không phải là cô ta. Tuy nhiên, trong khi nhìn cô, tôi có cảm tưởng thời gian phục hồi và cuộc thực nghiệm được lặp lại. Trước mặt tôi là một chàng trai mặc áo vét đã sờn, có đôi mắt đen long lanh, đang phác họa trên tấm lụa lớn với các dáng điệu cảm hứng gần gũi hơn tất cả những người tôi đã thấy trước đó. Tôi có cảm tưởng như trông thấy chính mình - chính mình tồn tại - ăn bận ấm áp với chiếc khăn quàng trứ danh đó, làm mẫu nhiều giờ trong một thứ cơn sốt khiến sự mệt nhọc trở thành vô thức. Tôi thường tự hỏi nếu, trong các giờ phút đáng ghi nhớ ấy, tôi, hoặc nhiều hay ít chính là tôi, không ở giai đoạn đơn giản mà các giờ phút ấy đã sinh sản một hành động điên rồ hoặc một lý tính trác tuyệt. Có lẽ ông có thể nói cho tôi hiểu.

Đó là ở Paris, năm tôi hai mươi lăm tuổi. Tôi ra ngoại quốc cùng bà Staines, người bạn già quý báu của mẹ tôi, người mà, trong những ngày cuối đời, đã giao phó tôi hẳn hoi cho sự bảo trợ của bà. Không có bà Staines, chắc chắn là tôi không có gia đình. Anh trai tôi mới cưới vợ, nhưng không hạnh phúc; và một kinh nghiệm đã chứng minh cho tôi là dưới mái nhà anh sự hiện diện của tôi chẳng thể nào an bình được. Bà Staines mà người ta gọi là một vị thượng lưu - con người có cái mũi khoằm, mang găng tay trong nhà, và chìa tai ra khi hôn ai. Mẹ tôi coi bà là người phụ nữ thánh thiện nhất, viết thư cho bà mỗi tuần từ khi ở trường mà mở đầu là “Lucretia rất thân yêu của tôi”; nhưng đó là bản chất mẹ tôi yêu thương, thần phục và bị ức hiếp. Thư bà Staines trả lời là một danh mục lời khuyên răn thích ứng với “chức vị” bà - điều đó là cách thông báo ám chỉ việc mẹ tôi đã lấy một mục sư quá nghèo. Trong khi đó bà Staines lại đón tiếp tôi rất mực dịu dàng làm tôi miễn cưỡng tự trách mình về sự lạnh nhạt mà bà cũng gia ân. Tôi tha thứ sự lạnh nhạt của bà, bởi vì đó là thái độ của một phụ nữ thất bại. Bà là người tham vọng, và các tham vọng của bà đều trượt hỏng. Bà lấy một người đàn ông rất thông minh, một luật sư trẻ đầy tiến triển, có khuynh hướng chính trị, hứa hẹn trở nên nổi tiếng. Là vợ một ngọn đuốc của các luật lệ, bà có thể phán đoán mọi điều và cầm bằng việc ông sẽ đạt tới một tài trí hạng nhất. Tôi nghĩ là bà tự cho mình sinh ra để thành nữ mưu sĩ hợp pháp của một chủ nhân ông công sở. Ông Staines tội nghiệp có thể trở thành chủ công sở nếu còn sống; nhưng bị đột quỵ lúc ba mươi lăm tuổi, và một năm sau vợ ông phải chịu hai tang. Với thời gian, bà chuyển hy vọng về con trai duy nhất; tuy nhiên nỗi thất vọng đè nặng trái tim còn hơn niềm kiêu hãnh mẫu tử ra lệnh cho bà phải im lặng mãi mãi. Không bao giờ người con trai muốn tiếp nối dấu vết của cha mình. Thiên tài anh ta - nếu anh có thiên tài - là hướng về một lãnh vực hoàn toàn khác mà anh sẽ là thành viên, không hữu ích, nhưng tô vẽ cho xã hội. Dường như anh thích hợp trở thành người trang trí đặc biệt, và mẹ anh tìm thấy niềm an ủi phần nào là nhìn anh khôn lớn. Anh làm công việc theo bề ngoài nhằm trở thành hấp dẫn tới mức dẫu phải làm nơi nào khác, thì người ta chỉ biết về vẻ đẹp của anh. Đó là vẻ đẹp của một Apollon(10) siêu quần. Khi tôi thấy anh lần đầu tiên, lúc ấy anh rời trường Đại học, lẽ ra có thể được xem là một vĩ nhân ra đời. Anh có sự hoàn hảo với một vẻ đặc biệt từ cử chỉ đến dáng điệu. Không thể có chàng trai nào đẹp hơn, nghiêm trang hơn, và có giáo dục hơn. Anh cao ráo, mảnh dẻ, tóc vàng với những lọn tóc đẹp đẽ kết quanh khuôn mặt khéo vẽ; đôi mắt xanh trong sáng và lạnh lùng hơn cả một sáng mùa đông; một hàng răng hết sức đẹp khiến nụ cười hiếm hoi của anh có thể gần như biểu lộ sự hăm hở khiêm nhường; và một biểu cảm đại thể kín đáo thận trọng dường như đối lập với thói phong lưu công tử. Chắc hẳn một lúc sau, người ta có thể thấy anh hoàn toàn thản nhiên và lễ phép, mà họ có thể yêu anh hơn nếu các cung cách của anh không mỗi lúc một sút kém đi, như đôi khi chiếc cà vạt của anh lại bị lộn ngược. Tôi, thú thực là, anh gợi cảm mạnh mẽ cho tôi ngay từ đầu, và tôi bí mật tôn thờ anh. Chưa bao giờ tôi thấy một người phong nhã đẹp trai đến thế, và tôi ngờ rằng thế giới này không ai giống được như thế. Kinh nghiệm xã hội của tôi hạn chế, và tôi đã sống giữa những người mà Harold Staines đã coi là quá khốn khổ - đa số đội mũ kém lau chải tử tế. Vì vậy tôi chẳng giận khi khám phá là mình mến phục tài cán của loại người điêu luyện nhất; và thật là, tôi hoàn toàn dốt nát, cách đánh giá của tôi không bị đổ vỡ. Harold rất đáng trọng và đáng yêu, và lỗi lầm duy nhất của anh là tỏ ra khôn ngoan hơn người ta có thể mong đợi một cách phải chăng. Riêng vào buổi chiều, khi anh tựa khung cửa ra vào, cổ thắt cà vạt trắng, đầu duyên dáng của anh chế ngự tất cả đám đông; anh có cái vẻ của nhà ngoại giao trẻ tuổi khôn lường mà chủ nghĩa hoài nghi không phá bỏ được sự lịch thiệp.

Mẹ anh ta bảo đảm cho anh niềm tin về của cải sẽ đem lại cho anh sự an nhàn thoải mái; song dù anh có những thị hiếu lịch duyệt mà sự nhàn cư không dự phần; cùng với mẹ, anh nhận biết phải chọn một nghề nghiệp. Thế là bà đánh giá được sự thất vọng hoàn toàn của mình. Trong gia đình bà chỉ có các vị quan tòa và giám mục nên bà không tính tới nghề nghiệp đáng kính nào khác. Họ tranh cãi nhiều về vấn đề này; bởi lẽ đơn giản là họ rất hòa hợp, và nếu Harold không hỏi ý kiến bà để xác đúng, anh cũng phải thưa lại vì lễ phép. Thực ra, tôi tin là không có ai trên đời này để anh thật quan tâm về ý kiến - và người ấy nếu không phải là bà Staines, ngay cả chưa đến lúc cầu may; trong chốc lát, đó là tôi. Còn lâu mới là bà Staines vì một ngày, sau một cuộc nói chuyện rất lâu, tôi thấy bà rời anh mà khóc lóc; và những giọt nước mắt từ một dấu hiệu hiếm có của ngưới đàn bà cao cả này là một sự kiện. Ngay ngày đó, Harold không về ăn tối; và ngày hôm sau, tôi có cảm giác anh ngẩng cái đầu đẹp đẽ lên cao hơn bình thường. Tôi chẳng hỏi câu nào, nhưng ít lâu sau sự tò mò của tôi được toại nguyện. Với vẻ tự hào rõ ràng, dường như buộc mình cố gắng chống bị bài xích, bà Staines cho tôi hay, Harold đã quyết định làm một… nghệ sĩ. “Đó không phải là nghề nghiệp mà tôi ưa thích, bà nói, nhưng con trai tôi có tài năng… và có sự tôn kính… sẽ làm nó được vinh danh”. Miễn là Harold có thể làm gì đó hơn cả Raphael(11) và Rembrandt(12) về nghề bút vẽ, chắc là tôi chưa sẵn sàng chấp nhận; nhưng tôi trả lời là tôi hạnh phúc và chúc nó có thể đạt được mọi thành công. Tuy vậy, tôi không ngạc nhiên, vì bà Staines có điều mà mọi người khác gọi là sự cuồng si đối với tranh họa và đồ đồng, những gạt tàn và chân đèn xưa cũ. Harold không tỏ ra ham sử dụng cây chì vẽ của mình, nhưng lại thường xuyên tìm kiếm - thực ra tôi tin chính anh quan niệm - sự “thiết yếu phải vẽ” của một tài năng phóng đãng nhất. Bây giờ anh sắp sử dụng nó, thực vậy; và tôi nhớ đã rất hài lòng quan sát anh mà cây dù trắng lớn tạo nên yếu tố quan trọng, là khá rộng rãi để bảo vệ làn da đẹp đẽ của anh khỏi ánh nắng mặt trời.

Đó là vào thời kỳ tôi thực sự đến ở bên bà Staines - không nghi ngại lo lắng, rất tin tưởng; quả là tôi đã rất dốt nát… Hẳn là tôi có sự độ lượng đơn sơ ở mức độ rộng rãi của tuổi trẻ; song dù đánh giá không đúng thân phận của mình, có sao thì mặc, tôi cứ xử sự theo lương tâm. Tôi đã xác định cẩn thận là không nhận bất cứ một ân huệ nào mà không thể trả lại, và cũng sống bình tĩnh hữu ích và ân cần dễ thương khi có thể tạo được cơ hội một cách khiêm tốn. Tôi là một cô gái không gia đình, nhưng không là mối quan hệ vì nghèo khổ. Gia sản tôi ít ỏi, nhưng tôi sẵn sàng lao vào cuộc sống để cải thiện nó, còn hơn bị rơi vào thái độ phụ thuộc vô trách nhiệm. Ban đầu bà Staines nghĩ là tôi lờ đờ và dễ thương; làm bạn với tôi chẳng tốn kém gì ngoài sự bảo dưỡng của bà. Về sau khi, trong một lúc, tôi đưa ra các chứng cứ khá minh mẫn và khá ý chí, tôi nghĩ là bà tưởng tôi tính toán và - Chúa tha lỗi cho bà! - đạo đức giả. Nhưng cuối cùng, rõ ràng rằng cho đến cuối, tôi cho là bà tiếp tục khen tính hoạt bát của tôi cọng thêm nét dịu dàng nữ giới là sự khác biệt của tôi mà bà đã ưa chuộng - bà tính toán là tôi có những ý tưởng khôn ngoan và - chúng ta đi đến câu chuyện của tôi - tôi sẽ là người vợ đàng hoàng của con trai bà.

Dĩ nhiên bà đã kéo dài việc đi tới kết luận phỉnh phờ và bất ngờ này; kết quả là chúng tôi sẽ trải qua mùa đông cùng nhau sau khi Harold “chuyển sự chú ý của mình”, theo câu nói quen thuộc của bà ở chỗ đông người, “về phía hội họa”. Anh tuyên bố là chúng tôi phải ra nước ngoài ngay để anh có thể nghiên cứu những tác phẩm của các bậc thầy. Mẹ anh, tôi nghĩ là, khuyên anh có thể bắt đầu sơ bộ ở gần nhà hơn. Nhưng anh tỏ ra tự chủ các bước đầu, vì bà tự để bị thuyết phục; và chúng tôi đi Rome. Tôi mù tịt biết bao trước những bí ẩn bậc thầy mà Harold nêu ra; rồi chúng tôi trải qua một mùa đông thú vị. Anh bắt đầu các nghiên cứu mọi thứ với sự vội vã trang trọng và dành nhiều thời gian ghi chép nghệ thuật cổ xưa của Vatican(13) và Capitole(14). Anh làm việc chậm rãi, nhưng chắc chắn, dứt khoát kỳ lạ và kết thúc các bức vẽ của mình với sự chăm chút cao siêu. Anh tự phong là rất ít giáo lý, song để hiểu nó hơn, người ta sẽ khám phá ra nhiều nguyên lý khác nhau mà anh nắm chặt chẽ. Nhiều thứ có quan hệ đến kích thước thân hình con người, được chính anh kiểm tra. Anh khẳng định là chúng thiết lập một phương pháp không thể sai lầm để học vẽ. Nếu những nghệ sĩ khác không biết thì mặc kệ họ. Anh khăng khăng áp dụng cái phương pháp hiếm lạ ấy suốt mùa đông, và đem theo từ Rome một album đồ sộ đầy những bản điêu khắc và những contadini(15) chạm trổ đánh bóng tỉ mỉ. Trước hết, anh đi cùng nhiều học viên khác trong xưởng một họa sĩ, nhưng cả thầy lẫn bạn không làm anh thích thú; và đến một ngày anh trở về tởm lợm tuyên bố là anh phủi tay. Vì không bao giờ anh nói những chuyện khó chịu, anh chẳng nói về điều làm trái ý anh; nhưng tôi đoán là anh bị xúc phạm ghê gớm và chẳng ngạc nhiên là anh không tìm cách thân thiện với đoàn sinh viên mỹ thuật. Họ để tóc dài buông thả và hút thứ thuốc lá tồi; họ sống ở đâu có trời mà biết, vay mượn tiền nong và sống tự do. Chắc chắn ông Staines không phải là người từ chối một đồng napoleon với người bạn cần tiền, nhưng ông không thể tha thứ cho sự phóng đãng… Anh không mảy may sống như thế bao giờ! Chúng tôi trở nên bạn rất tốt, và đặc biệt vì thế mà tôi thích anh. Không gì thật hơn phải nói rằng chúng tôi yêu các khác biệt của nhau khá lâu; điều này làm chúng tôi thay đổi và cũng làm chúng tôi khoan khoái. Thú thực là đôi khi những ý tưởng tốt đẹp của tôi va chạm một khinh suất rủi ro, mà một liều thuốc phiền muộn hay, không bao giờ chữa cho tôi lành được. Trong những lúc phẫn nộ, tôi có thói thả lỏng dây cương về tật “châm biếm” mà các bạn nhảy trong đoàn khiêu vũ thường hay gọi thế. Để đầu óc nghỉ ngơi, hẳn là tôi sẽ hối hận, nhưng những tạ lỗi chân thành lại cứ đi theo gót sự xúc phạm. Rồi thì tôi tưởng - không chỉ các bạn trong đội nhảy, người ta nói tôi cao thượng. Song ngay từ đầu cho đến mãi mãi, tôi luôn ngưỡng mộ kín đáo những người ngay thẳng có thái độ dường như phù hợp một kiểu hòa hợp nhất trí, tựa các đường nét của một pho tượng đẹp đẽ. Harold Staines là một trang hào hoa phong nhã hoàn hảo, như người ta nói ở thời đó và tôi chiêm ngưỡng anh vì lẽ còn văng vẳng bên tai cái điệp khúc muôn thuở nghe ở nhà trường - “Con ơi, con ạ, bao giờ con mới biết làm một phu nhân?” Đối với tôi hình như anh là một hóa thân của những hiền nhân yên tĩnh trong cuộc đời, và tôi không hiểu là ở điểm nào mà tôi lại thần phục anh như một nhân vật vĩ đại cho tới một lần khi tôi nghe một thanh niên trong đoàn thánh Pierre xài xễ anh là thứ làm bộ tịch bẩn thỉu. Thế là tôi đi đến kết luận: xã hội rất thô tục và tầm thường, còn ông Staines là rất đàng hoàng.

Cái cảm tưởng này đã không bị xao lãng bởi… tôi không hẳn biết phải gọi thế nào cách cư xử lịch thiệp đàng hoàng của anh đối với tôi. Thoạt tiên anh xử sự với sự thương hại phép tắc, như với một người rất trẻ khá hèn mọn mà sự hiện diện ở trong nhà dựa vào việc bảo trợ hơi kỳ quái của mẹ anh hơn là do giá trị hiển nhiên của chính anh. Song, về sau, những giá trị thiên bẩm của tôi, dẫu như thế nào, bước đi trên thái độ rụt rè của tôi; anh đến gần tôi, đặc biệt lúc đông người, với một thứ lễ nghi trọng vọng như để thông báo với mọi người là nếu mẹ anh và anh xử sự bình đẳng với tôi - vậy thì, vì tôi là bình đẳng với họ. Cuối cùng một ngày đẹp trời, tại Rome, tôi được biết là tôi được hân hạnh làm vui lòng anh… Với tôi, không mấy chắc chắn là tôi có thể quyến rũ ông Staines dù chỉ chốc lát, tôi thực sự thất vọng và cảm thấy khó chịu phải nói với anh là còn chờ đợi cái sở thích của anh thế nào nữa. Với ý nghĩ, trở nên thân mật, tôi thấy không có bất cứ thiếu sót gì, mà cảm thấy tự phụ một cách kỳ lạ. Tôi không xem anh là một thiên tài, nhưng sự chiêm ngưỡng anh làm tôi thích thú hơn vì nó hòa âm cùng mười hai thiên tài mà anh đã chỉ cho tôi vào những chuyến du ngoạn khảo cổ của chúng tôi. Những vị này ở dạng bị rỉ sét đời sống bao phủ và bị những sai lầm xã hội ám ảnh mà nhất định là người ta không thể trông cậy vào họ; vì hai ngày liền họ chỉ có một câu trả lời cho các bà vợ khốn khổ về bất kỳ câu hỏi sinh tử nào. Vả lại, họ hết sức xấu xí. Harold là sự kết nối đích thực, các dáng điệu oai vệ và vẻ đẹp hào hoa vàng ươm của anh dường là kết quả tâm linh yên tĩnh tự nhiên của anh. Cách thức tuyên bố của anh rất độc đáo, có thể tỏ ra phàm tục đối với vài cô gái. Theo tôi, nó lại có sự cao cả đặc biệt. Một tuần lễ trước đó, khi chúng tôi ở trên thành Latran(16), tôi đặt một câu hỏi cho anh về đập dẫn thủy Claude mà anh không trả lời được lúc đó, tuy là khi tới Rome, anh đã phòng thủ một khối sách tham khảo khổng lồ dự trữ để tra cứu với sự cần mẫn không sai lầm được. “Anh sắp được thông báo” anh nói một cách nghiêm trang, nhưng tôi chẳng nghĩ tới nữa. Vài ngày sau, anh yêu cầu tôi lên ngựa cùng đi dạo ở miền quê; nhưng tôi rất ngạc nhiên vì được tham dự một hội thảo khảo cổ học. Nó tương xứng với loại thính giả bác học hơn. Anh dẫn chúng tôi tới một ngọn núi nhô ra, chế ngự dọc dài đập dẫn thủy, và tức thì trút ra kết quả các nghiên cứu của anh. Nhất định đó không chỉ có lời khen ngợi đơn thuần mà đối với tôi là một tặng thưởng hơn cả nếu anh tặng tôi một bó hoa năm mươi quan, hoặc giả cho ngựa nhảy qua bức tường sáu pieds(17). Anh nói với tôi con số nhịp cầu, và cả những tảng đá; bài diễn văn của anh có thêm gia vị khoa học. Tôi trịnh trọng lắng nghe và hăng hái ngắm nhìn sự tàn phá tan nát, như thể bỗng nhiên nó trở nên thú vị một cách diệu kỳ. Nhưng thú vị, chính là ông Staines: vinh danh cho người đàn ông đã giữ quá đẹp lời hứa của mình! Khi anh dừng lại, tôi không nói gì, và quãng vài phút sau tôi chuẩn bị cho con ngựa trở về. Thế là anh đặt tay lên cương ngựa của tôi và, cũng giọng nói y như khi nói về đập dẫn thủy, anh cho tôi biết trạng thái cảm xúc của anh. Không ngờ rằng, tôi đã xiết chặt được chúng, và chỉ còn cho phải phép là tôi được biết anh tôn thờ tôi. Phải phép! Tôi luôn luôn nhớ từ này, ngay cả nếu còn lâu tôi mới nghĩ là anh làm chói tai với tài hùng biện của anh. Chỉ một lúc sau là anh tự công bố theo chiếu lệ. Về sau, tôi thường nhớ đó là chìa khóa tính cách của anh.

Xin chớ ngạc nhiên bởi những chi tiết này: để được công bằng tôi phải hoàn toàn thành thực; và nếu tôi tự nguyện kể chuyện mình cho ông nghe, là vì tôi đã tưởng tượng, cũng là hữu ích cho chính bản thân được nghe lại. Những lời thẳng thắn trở về khi tôi kể lại. Tôi từ giã Rome đính ước với ông Staines theo chấp thuận dè dặt thông thường của mẹ anh ta. Tôi nói với anh là có thể miễn trừ việc ấy, nhưng anh không muốn, và cho đến lúc ấy tôi không có lý do gì để chờ đợi. Tất nhiên, bà ao ước anh cưới một phụ nữ có thế lực hơn. Vị thế của tôi, cuối cùng đạt được sự nhìn nhận của bà, nhưng khó khăn lắm bà mới có thể coi tôi là người con dâu có khả năng. Tôi hy vọng, với thời gian, làm bà vừa lòng và nhận được ân huệ của bà. Vậy thì tôi sẽ đòi hỏi không chậm trễ hơn. Chúng tôi từ giã Rome và từ từ lên lại bờ biển địa trung hải để giúp Harold vẽ. Anh gặm nhấm núi non và làng mạc với sự mẫn cán giống như đối với các pho tượng ở Vatican, và dĩ nhiên cũng thành công như thế. Một mùa đông thực hành đem lại cho anh sự dễ dàng quá lớn và anh có thể phác họa một phong cảnh tuyệt đẹp chỉ trong một buổi sáng. Tôi luôn cảm thấy kỳ lạ là anh rất chừng mực về các cung cách và khi diễn thuyết nhưng lại có thể phóng khoáng về màu sắc trong hội họa. Ít nhất đó là việc làm, và những bức vẽ thuốc màu vội vã này là các hỗn hợp kỳ công. Đỏ thắm, xanh da trời, cam và ngọc bích - là không thiếu đối với anh. Nhưng về việc đó, thiên nhiên ở các vùng này có sẵn ánh sáng chói lọi. Ít nhất nó cũng giúp một cô gái nhiệt tình hai mươi tuổi, mới đính hôn. Và cô ta còn có một thời gian nào đó về sau. Tôi không chối cãi là bờ biển và bầu trời lấp lánh này đôi khi lại phản chiếu một cách mơ hồ thần sắc ảm đạm của tôi. Cắt nghĩa dòng cảm xúc của tôi ở thời kỳ này là vượt quá những gì tôi có thể nói với ông; đặc biệt làm sao để ông tin tôi không dối trá hay đỏng đảnh. Tôi khước từ; tôi có thể đảm bảo với ông một cách đơn giản là tôi nhận biết được các xúc động, ngay trước khi hiểu chúng, với sự kinh ngạc đau đớn. Tôi không vỡ mộng, nhưng hoan hỉ gặt hái cái kết thúc bất ngờ. Hình như trái tim tôi có cánh, mà người ta bỗng tháo ra. Tôi chưa bao giờ bị chinh phục đặc biệt say đắm, và hiểu là cần ngưỡng mộ mọi việc trong an bình, nên tôi cần giữ mình lễ độ với một khoảng cách. Trước sự ân cần của Harold, hạnh phúc của tôi đạt tuyệt đích một cách tàn nhẫn, và chẳng hiểu vì sao tôi tự thấy mình lâm vào tình thế lưỡng nan với bao câu hỏi và nghi ngại. Tất nhiên không phải lỗi tại anh, anh không hề hứa hẹn sẵn sàng hợp hôn với tôi. Đó chỉ là những quan tâm và hy sinh thích đáng. Nếu có lỗi lầm, đó là do tôi, đã xử sự khi còn quá trẻ và ngốc nghếch. Từ ngày đính hôn tôi cảm thấy già đi năm tuổi và hành xử chín chắn đầu tiên - dường như hoàn toàn dễ sợ - là quay về phía người tình, nhìn kỹ anh ta, để kiểm nghiệm sự phán xét của mình. Cách xử thế cứng nhắc của anh còn gây ấn tượng cực kỳ, và đôi khi tôi có cảm tưởng nghe một bản hòa tấu mà chỉ riêng vài nốt đoản và nốt lặng phát âm. Đó là tất cả hoặc còn gì khác chăng? Hơn một lần, hình như tôi lâm vào một nỗi sầu muộn hỗn loạn, trong khi vẫn điềm tĩnh trông đợi, và những điệu bộ của Harold là lời cuối cùng của tính cách anh. Nếu trái tim nhân loại bớt hoài nghi quá thể, thì tôi đã có thể có hạnh phúc một cách thần diệu. Tôi ngồi gần người yêu trong khi đó, anh làm việc. Tôi ngắm phong cảnh mê hồn nhất thế giới, và thán phục sự táo bạo thản nhiên mà anh lao vào. Sớm hơn tôi đợi chờ, các cuộc tiếp xúc khá lặng lẽ ấy, chắc hẳn cũng lãng mạn như việc sắp xếp có thể tạo nên, tiếp nhận được sự phê chuẩn của bà Staines. Bà đã đoán được bí mật của chúng tôi, và không phản đối gì ngoài bí mật ấy. Bà hài lòng sự chọn lựa của con trai, và nói khoa trương là bà không cao vọng. Bà cũng tỏ ra tử tế (ngay cả nếu ông gặp bà; bà chẳng dấn thân vào bất cứ sự phỉnh phờ vô ích nào), và tôi lấy làm ngạc nhiên vì đã tưởng bà nghiêm khắc. Từ đó, bà nói với tôi nhiều về con trai bà, nhiều lắm; tôi có nghĩ là đề tài này lôi kéo tôi ít hơn không. Tôi đã nói là tôi không tàn nhẫn. Phải chăng tôi tự phán xét quá ngọt ngào? Rất nhanh chóng, tôi thấy có gì đó đè nén - điều gì đó gần như kích động đang lặp lại và mơn trớn trong các biện luận mẫu tử của bà Staines. Một hôm khi nằm dài hơn thường lệ, bà nhắc tôi cái giá mà tôi đã giành giật được, tôi dữ dằn thay đổi đề tài giữa câu nói làm bà dương mắt lên trước sự nổi giận của tôi. Tôi nghĩ là bà sắp la mắng tôi, nhưng bà nén xuống và bằng lòng đề cập vấn đề lại sau với nhiều thận trọng hơn. Tới đây, có một kỷ niệm khác.

(Sông Hương sẽ đăng hết truyện ngắn này vào số sau, mời độc giả đón đọc)  
Thái Thu Lan dịch
(Theo bản dịch “La maitresse de Mr Briseux”
của Jean Pavans. Ed.Minos - La Difference. Paris, 2010
)

(SH290/04-13)



---------------------
(1) Vua Israel (970 - 931 tr.CN). Xây dựng điện Jerusalem. Nổi tiếng vì đạo đức ở phương Đông và trong Thánh kinh. Sáng tác nhiều thơ, được lưu danh trong Cựu ước.
(2) Con trai Agamemnon và Clymtemnestre. Là nhân vật trong bi kịch của Euripide.  
(3) Anh hùng trong Iliade của Homere. Bị mũi tên độc do Paris bắn trúng gót chân. Vì giận dữ, gây  thất bại cho quân đội Hy Lạp.
(4) Con gái Mutton - vua xứ Tyr. Là người sáng lập Carthage. Lên dàn thiêu và tự đâm chết.  
(5) Họa sĩ, nhà ngoại giao. Sinh ở West phalie (1577 - 1640). Di dời bảo tàng Luxembourg sang Louvre. Tác phẩm nổi tiếng: Xuống thánh giá, Sự khổ hạnh của thánh Pierre…
(6) Họa sĩ Ý (1490 - 1576). Nghệ sĩ thế giới. Làm việc cho các Giáo hoàng. Cuối đời thiên về trữ tình kết hợp kỹ thuật táo bạo.
(7) Miền nam Pháp. Chuyên về chăn nuôi, ngũ cốc và nho.  
(8) Bãi tắm, nơi nghỉ mùa đông bên bờ Địa trung hải. Tổ chức festival điện ảnh hàng năm.  
(9) Tên nhân vật, nhan đề sách.  
(10) Con trai Zeus (Thượng dế). Là thần ánh sáng, nghệ thuật và chiêm tinh cura người Hy Lạp.  
(11) Họa sĩ bậc thầy, kiến trúc sư Ý (1483 - 1520). Làm việc ở triều đình các Giáo hoàng, ở Florence,  Rome. Tác phẩm nổi tiếng: Gia đình thần thánh, Thánh Michel, Trường phái Athenes…
(12) Họa sĩ bậc thầy, nhà điêu khắc Hà Lan (1606 - 1669). Tác phẩm nổi tiếng: Tobie và gia đình,  Vòng tròn ban đêm, Vị hôn thê do thái…
(13) Nơi các Giáo hoàng cư ngụ, Rome. Tập trung các lâu đài, giáo đường, bảo tàng hội họa điêu  khắc khảo cổ.
(14) Một trong hai đỉnh đồi ở Rome, có điện Capitolin của Jupiter (cha các thần của La mã như Zeus  của Hy Lạp) do họa sĩ Michel - Ange thiết kế.
(15) Hình ảnh nông thôn.  
(16) Cung điện ở Rome, chỗ ở của các Giáo hoàng. Nhà thờ Thánh Jean de Latran gần cung điện là  một trong năm đại giáo đường của Rome.
(17) Đơn vị đo chiều dài Anh = 0m,3048.
  








 

Các bài mới
Đêm Los Angeles (26/04/2013)
Tình khúc Huế (26/04/2013)
Các bài đã đăng
Tình đất (22/04/2013)
Nụ hôn Wasabi (22/04/2013)
Sứ mệnh (16/04/2013)