Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng…” phải chăng là Kiều nhớ và nghĩ về Kim Trọng?
17:25 | 13/05/2013

MAI VĂN HOAN

Trong những tháng ngày ở Châu Thai chờ đợi Từ Hải, sau khi diễn tả nỗi nhớ của Kiều đối với quê nhà, cha mẹ, Nguyễn Du viết: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng…” phải chăng là Kiều nhớ và nghĩ về Kim Trọng?
Ảnh: internet

Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình, những người quan tâm đến Truyện Kiều xưa nay, khi đề cập đến hai câu này đều cho rằng Kiều đang nhớ và nghĩ về chàng Kim. Nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Vũ Hạnh cũng cho như vậy nhưng mỗi người lại có những cách lý giải, phân tích, khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Nhà thơ Xuân Diệu bình một cách say sưa: “Đôi ta (Kim - Kiều) như cái ngó sen, cái cuống sen, chúng ta bị chia ra như cái ngó sen bị bẻ làm hai đoạn, nhưng khi ngó sen bị bẻ đôi và khẽ nứt ra thì ở giữa hai đoạn vẫn còn có những sợi tơ lòng của ngó sen níu lấy hai đoạn mãi thôi. Đây là một hình ảnh rất Á Đông, tôi cho là tác giả chọn hình tượng rất giỏi, đứt mà vẫn nối, xa nhau chúng ta vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim chúng ta càng níu lấy nhau” (Nhà thơ thiên tài dân tộc Nguyễn Du). Trong khi đó nhà văn Vũ Hạnh lại cho rằng: “Gặp được Từ Hải, thấy đời mình đã có phần ổn định, thì nói về người tình cũ, Kiều đành chua xót bảo với lòng mình: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Như thế sau gần 10 năm lưu lạc mối tình đối với Kim Trọng đã biến thành nghĩa và là chút nghĩa nhỏ nhoi giờ đã xa xôi cũ kĩ lắm rồi, như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng, thứ hoài niệm về một dĩ vãng tươi đẹp đã vỡ tan tành” (Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều). Xuân Diệu thì cho rằng Kim - Kiều vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim càng níu lấy nhau. Còn nhà văn Vũ Hạnh lại khẳng định mối tình của Kiều đối với Kim Trọng trong khi sống hạnh phúc với Từ Hải đã biến thành “nghĩa” và chỉ là “chút nghĩa nhỏ nhoi như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng” mà thôi. Tôi cứ băn khoăn: Tại sao lại có cách hiểu, cách cảm, cách phân tích trái ngược nhau như thế? Xét trên phương diện logic tình cảm, tôi nghiêng về lời bình của nhà thơ Xuân Diệu. Nhưng xét trên phương diện hình thức diễn đạt thì tôi lại nghiêng về lời phân tích của nhà văn Vũ Hạnh.
 

Tình cảm của Kiều đối với chàng Kim không thể biến thành “chút nghĩa cũ càng” như nhà văn Vũ Hạnh nói được dù là đã gần 10 năm họ xa nhau, dù là Kiều đang sống hạnh phúc bên cạnh Từ Hải. Mối tình đầu bao giờ cũng hết sức sâu nặng - đặc biệt là mối tình giữa Kim Trọng và Thúy Kiều! Hai người đã từng “Đinh ninh hai miệng một lời song song”. Giữa hai người đã có bao nhiêu kỷ niệm “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”. Khi buộc phải bán mình chuộc cha, Kiều đã từng nói với lòng mình: “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” kia mà! Vậy nên không thể có chuyện vì đang sống hạnh phúc với Từ Hải, Kiều xem Kim Trọng chỉ là “chút nghĩa cũ càng”. Song về khía cạnh chữ nghĩa và cách diễn đạt tôi thấy lời bình của Xuân Diệu vẫn có chỗ chưa thật hợp lý. Nếu phân tích như nhà thơ thì “còn vương tơ lòng” sẽ mâu thuẫn với “chút nghĩa cũ càng”. Đã biến thành “chút nghĩa cũ càng” rồi thì níu lấy nhau đã khó, làm gì có chuyện “càng níu lấy nhau”! Vài sợi tơ “mỏng manh” ấy làm sao còn đủ sức níu lấy nhau như nhà thơ Xuân Diệu bình? Bởi vậy, xét về phương diện hình thức diễn đạt tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh phân tích có lý hơn.

Nhân đây, tôi mạnh dạn đưa ra một cách hiểu khác để mọi người cùng tham khảo, trao đổi, bàn luận.

Trong suốt tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng từ ngữ hết sức nhất quán. Chưa bao giờ nhà thơ dùng mỗi từ “nghĩa” mà không có chữ “tình” kèm theo để nói về mối quan hệ Kim - Kiều. Tôi nhận thấy bao giờ nhắc đến mối quan hệ Kim - Kiều, Nguyễn Du đều dùng chữ “tình”: Từ khi đá biết tuổi vàng/ Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ; Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung... Và sau mười lăm năm lưu lạc, gặp lại Kim Trọng, Nguyễn Du cũng viết: “Tình nhân lại gặp tình nhân”. Kiều đã từng khẳng định “tấm son gọt rửa bao giờ cho phai” thì cớ làm sao mối tình với Kim Trọng biến thành “chút nghĩa cũ càng”? Vì đã từng thề ước với chàng Kim nên Kiều tự xem mình như vợ chưa cưới của chàng “Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi”. Trong tiếng Việt “tình” thường đi đôi với “nghĩa”: tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em, tình nghĩa bạn bè… Nhưng khi nhắc đến Kim Trọng, bao giờ Kiều cũng nhấn mạnh chữ “tình”. Đó phải chăng là chủ ý của Nguyễn Du? Chẳng hạn: “Tình sâu mong trả nghĩa dày”, hoặc “Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi”. “Nghĩa cũ” khác xa với “chút nghĩa cũ càng”. Đã “chút nghĩa” là rất nhỏ nhoi rồi lại “cũ càng” nữa thì làm sao kết thành “khối tình” được!? “Vương tơ lòng”, đúng như nhà văn Vũ Hạnh phân tích “chỉ vài sợi tơ rất mỏng manh” làm sao còn níu lấy nhau được nữa? Bởi vậy, tôi đồ rằng hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng là nàng Kiều đang nghĩ về Thúc Sinh chứ không phải là đang nghĩ về Kim Trọng. Bởi vì những khi đề cập đến mối quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh, Nguyễn Du vẫn thường nhấn mạnh chữ “nghĩa” và “chút nghĩa”. Chẳng hạn như: “Đôi ta chút nghĩa đèo bòng” hay “Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng”... Chưa bao giờ nàng Kiều dùng “chút nghĩa” để nói với chàng Kim cả. Thúc Sinh cứu Kiều ra khỏi lầu xanh là “nghĩa”. Thúc Sinh bất chấp thân phận gái lầu xanh cưới Kiều làm vợ lẻ là “nghĩa”. Vì thế, theo tôi hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng chỉ có thể là Kiều đang nhớ và nghĩ về Thúc Sinh. Điều đó vừa hợp với logic tình cảm vừa hợp với logic hình thức diễn đạt. Kiều là một người nặng ơn nghĩa. Mặc dù đang sống với Từ Hải nhưng nàng vẫn không quên “chút nghĩa cũ càng” với chàng Thúc. Nàng vẫn lấy làm tiếc với chút “chút nghĩa cũ càng” ấy. “Còn vương tơ lòng” cũng chính là chút tình “mỏng manh” còn sót lại với Thúc Sinh. “Còn vương tơ lòng” rất phù hợp với lời chàng Thúc nói trong lần chia tay cuối cùng của hai người: Dẫu rằng sông cạn, đá mòn/ Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. “Còn vương tơ” thôi, chứ không phải “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” như Kiều nói với bóng hình Kim Trọng trong đêm trao duyên cho Thúy Vân. Tình với Thúc Sinh chỉ là “ái ân ta có ngần này mà thôi”, còn với Kim Trọng thì “kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”! Nguyễn Du không thể để Kiều lẫn lộn hai mối quan hệ tình cảm này. Cách dùng từ ngữ của ông là vô cùng chính xác. Còn điều này nữa: Ngay cái việc đang sống với Từ Hải, Kiều chỉ nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nhớ chàng Kim không thôi, theo tôi cũng cần nên xem lại. Trong trăm ngàn nỗi nhớ, tôi tin rằng một người đa tình, đa cảm và giàu lòng ơn nghĩa như Kiều mà không mảy may nhớ gì đến Thúc Sinh là điều hết sức vô lý và phần nào thiếu nhất quán. Thận trọng và kỹ lưỡng đến từng chi tiết như Nguyễn Du chắc chắn là không thể sơ suất như vậy được.

Vì những lý do trên, tôi tin chắc rằng hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng là nói về chàng Thúc. Kiều nhớ và nghĩ về Kim Trọng ở hai câu tiếp theo: Duyên em dù nối chỉ hồng/ May ra thì đã con bồng con mang.

M.V.H
(SDB8/3-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bàn tay (07/05/2013)