Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-13)
Cửa Sập, sập khi nào?
10:08 | 14/05/2013

LÊ HUY ĐOÀN

Những cửa thành của Kinh thành Huế ghi dấu những sự kiện từ kinh đô thất thủ ngày (23/5 năm Ất Dậu, 1885) sau cuộc chiến không cân sức giữa phe chủ chiến của triều đình Huế với giặc Pháp rồi đến sự tàn phá của thiên tai qua trận lụt 1953 làm 4 cửa thành đổ sập, rồi lại trải mình qua chiến sự Tết Mậu Thân (1968) với bao nhiêu vết hằn của bom đạn.

Cửa Sập, sập khi nào?
Cửa Nhà Đồ - Ảnh: internet

1. Một vài đính chính về cửa Sập

Bài viết “Kinh thành Huế có bao nhiêu cửa?” của tác giả Nguyễn Văn Liêm đăng trên trang “dulichhue. com.vn” ngày 19/8/2012 và trang “Hue.org” ngày 4/11/2012 có nhiều hình minh họa rõ ràng và nhiều chi tiết về số lượng cửa, vị trí địa lý, lịch sử xây dựng, lý do bị hủy hoại và năm trùng tu. Bài viết ngắn gọn, súc tích và thú vị. Nhưng tiếc là bài viết có nhiều điểm sai.

Dưới đây là 3 đoạn sai trong bài viết nói trên của tác giả Nguyễn Văn Liêm:

Phía bên phải di tích Kỳ Đài là Cửa Quảng Đức nằm ở mặt Nam của Kinh Thành, chỉ lưu thông một chiều từ hướng đường Lê Duẩn vào đường 23/8. Phần cửa vòm được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu được xây dựng vào năm 1829, thời Minh Mạng. Trận lụt năm 1953, đã quét sập đổ hoàn toàn bộ phận vòm cửa và vọng lâu, vì thế dân chúng vẫn quen gọi là cửa Sập.

Cửa Hữu
, có tên chữ là Tây Nam Môn, nằm ở phía Tây Nam của Kinh Thành, ở đầu đường Yết Kiêu. Phần cửa vòm, được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu được xây dựng năm 1829 thời Minh Mạng. Đêm mồng 5/7/1885, vua Hàm Nghi đã xuất bôn từ cửa này ra khỏi Kinh Thành, để ban hịch Cần Vương. Chiến sự năm 1968, đã làm sập vọng lâu và vòm cửa.

“Cửa Chánh Tây
nằm ở phía Tây Kinh Thành, trên đường Thái Phiên, TP Huế. Phần cửa vòm được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lầu bên trên được xây dựng năm 1829, dưới thời vua Minh Mạng. Trong chiến sự năm 1968, nơi đây từng là cửa ngõ giao tranh ác liệt, cửa bị tàn phá hoàn toàn phần vọng lầu phía trên, sau đó bị cấm đi lại”.


Như vậy, ông Nguyễn Văn Liêm cho rằng cửa Hữu và cửa Chánh Tây đổ sập do bom đạn trong chiến sự năm Mậu Thân 1968 và cửa Quảng Đức được gọi là cửa Sập.

Tác giả không biết rằng 2 cửa Hữu và cửa Chánh Tây đã sập đổ đồng thời với 2 cửa Ngăn và cửa Nhà Đồ trong trận lụt kinh hoàng năm 1953 chứ không phải là sập đổ vì chiến sự năm 1968.

Cửa Sập dùng để gọi cửa Nhà Đồ chứ không phải gọi cửa Quảng Đức. Tên gọi đó gắn liền với hai động nhền nhện ngay gần sát cửa Nhà Đồ. Cách đây hơn hai năm, để chắc chắn điều mình nói là đúng, tôi gửi mail cho Thầy Võ Văn Dật, (bút hiệu Võ Hương An), nguyên là giáo sư trường Trung học Hàm Nghi Huế để hỏi chuyện này. Tôi hỏi thầy là có phải 3 cửa Chánh Tây, cửa Hữu, và cửa Sập đều bị nước lụt làm sập năm đó phải không? Có cửa nào bị sập vì lụt 53 nữa? Thầy Dật trả lời: “Đúng là có 4 cửa bị sập vì nằm trên đường chảy của nước trên nguồn đổ về: cửa Chánh Tây, cửa Hữu tức Tây Nam, cửa Chánh Nam tức Nhà Đồ và cửa Quảng Đức. Xin nói rõ hơn một chút: lấy Cột cờ làm chuẩn, thì cửa bên trái Cột cờ (từ trong nhìn ra) là cửa Ngăn, có tên chính thức là Thể Nhơn. Cửa bên phải Cột cờ là Quảng Đức. Cửa này xưa, thời còn vua, chỉ dành cho các bà thuộc Nội cung vô ra, đặc biệt ra hóng mát sông Hương, thường xuyên đóng, dân chúng không được sử dụng, vì vậy ngay cả người Huế cũng lắm người không biết cửa này tên gì”.

Sau trận lụt năm Tỵ (1953) xuất hiện một tên mới: cửa Sập. Vậy cửa Sập là cửa nào?

Đa số sách báo nói cửa Sập là cửa Quảng Đức, theo tôi, là sai. Dân Cầu Đất thời ấy đều biết cửa Sập là dùng chỉ cửa Nhà Đồ.

2. Cửa Hữu bị sập lúc nào? Vì sao bị sập?

Năm 1951, ba tôi thấy sống ở vùng quê tôi (xóm Đông An, làng An Ninh hạ) không an toàn nên đã quyết định đưa gia đình di chuyển về ở nhờ trên đất khu vườn rộng của ông ngoại tôi ở bên ngoài cửa Hữu, thuộc phường Phú Thạnh, thành phố Huế. Ba tôi đem cái khung nhà rường ba gian hai chái trên quê về dựng làm chỗ trú ngụ, mái nhà lợp tạm bằng tranh.

Đường bên ngoài cửa Hữu (bây giờ là đường Yết Kiêu nối dài) là một đoạn đường ngắn chỉ có mấy nhà. Nhà tôi cách bờ hồ chừng 20 mét. Lúc đó, phường Phú Thạnh dân cư còn thưa thớt. Từ cầu Dã Viên cho đến cầu An Hòa phía cận hồ, những ngôi nhà có khu vườn rộng nối tiếp nhau. Trước năm 1975, tôi có thể kể tên từng nhà nằm ở mặt tiền đường từ cầu Dã Viên cho đến tận cầu An Hòa. Bên kia đường ray xe lửa, phía bờ sông Bạch Yến, nhà cũng có vườn nhưng nhỏ hơn phía bờ hồ nhiều. Đoạn đường từ cầu Dã Viên xuống đến vườn hoa Phu Văn Lâu vẫn còn nhà đông đúc ở hai bên đường mãi đến năm 59, 60 mới dời vào định cư trong phường Tây Lộc. Hầu hết là nhà trệt xây dựng tạm bợ.

Và cơn lũ ngày 1953 là nỗi ám ảnh đến bây giờ.

Khi nước nguồn đổ, nước chảy cuồn cuộn trên dòng sông Hương, xoáy dưới chân cầu. Nước cuộn vào sông Bạch Yến rồi đổ vào hồ. Người ta không biết vì sao những cây khô, cây cháy và củi rều lại trôi trên sông nhiều như thế. Con nít như tôi, thấy nước bạc dâng lên thì thích, đâu biết là người lớn lo trong bụng thế nào. Trên cái cống ngoài cửa Hữu, cả hai bên thành cống, người ta đặt 5 cái rớ.

Có một việc đặc biệt tôi muốn nói ở đây. Cửa Hữu và các cửa khác của kinh thành Huế đều có hai cánh cửa gỗ to lớn với khung cửa và những thanh đố ngang dọc rất chắc chắn, cao đền gần vòm cửa. Mỗi buổi chiều, cứ đến 5 giờ, cửa Hữu được đóng lại và khóa bằng sợi xích và cái khóa to tướng. Tôi nghe ba tôi nói lại là cửa Chánh Tây, cửa Nhà Đồ và cửa Quảng Đức cũng bị đóng và khóa tương tự như cửa Hữu. Năm đó tình hình chính trị và quân sự rất căng thẳng và phức tạp. Chiều hôm đó, tôi đội nón dầm mưa ra ngoài cống cửa Hữu coi người ta cất rớ và xem chừng nước lớn đến đâu.

Trong đêm tối, nghe tiếng nước mưa, tiếng nước chảy trên đường, nghe cả cơn cuồng nộ của thiên nhiên xuống thành phố Huế. Nước đã tràn qua đường ray và quốc lộ 1 từ hồi nào rồi. Từ sáng cho tới chiều tối nước cầm chừng không cao lên chút nào nữa. Nước ngâm như thế cho đến sáng hôm sau thì rút xuống nhanh.

Nghe nói năm đó trên làng Bằng Lãng (Tuần) nước lụt cuốn trôi nhà cửa và người nguyên một ngôi làng. Củi rều và rác rến còn vương trên nửa thân cây! Tang thương phủ màn u ám trên quê hương Thừa Thiên Huế. Cả tỉnh có 335 người chết, 6.192 ngôi nhà bị đổ.

Và cửa Hữu sập lúc 9 giờ 15 phút sáng ngày 22 tháng 9 năm 1953. Có lẽ ba cửa Chánh Tây, Nhà Đồ, Quảng Đức cùng đổ sập ngày hôm ấy.

Nguyên một cái cửa thành đổ sập xuống thành từng khối gạch to lớn. Màu gạch vồ đỏ au, màu những đường vữa vôi trắng hếu. Ngay vị trí chân móng cửa thành kéo dài qua hai bên là một hố sâu hoắm. Dòng nước hung hãn chảy qua cửa thành bị cửa gỗ chận lại; những cây gỗ, củi rều trôi theo nước lụt tấp vào cửa chặn dòng nước chảy bên trên nên nước tuôn bên dưới xói mòn chân đế của cửa thành. Giống hệt người đốn cây, từng nhát, từng nhát rìu chặt gốc về một phía, chỉ chặt đền hơn nửa thân, cây đã đổ. Nước xói làm hỏng mất chân đế phía ngoài nên toàn bộ cửa đổ sập ra bên ngoài thành. Nếu cửa thành không khóa lại, dòng nước không bị chận lại, có lẽ 4 cửa thành đã không bị sập đổ như thế.

Mấy hôm sau, nhiều người dân đem búa, đục tìm cách gỡ gạch ra từng viên để dùng nhưng vữa vôi pha mật đường gắn kết gạch quá chắc chắn nên không ai lấy được một viên nguyên vẹn.

L.H.Đ
(SDB8/3-13)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bàn tay (07/05/2013)