Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Phù du bay đôi
10:29 | 17/05/2013

PHÙNG TẤN ĐÔNG 

“Ta con phù du
ao trời chật chội”

       (Hoàng Cầm)

Phù du bay đôi
Minh họa: Nhím

1.
Dễ cũng đã hơn hai mươi năm tôi mới trở lại sông Côi. Vẫn là dòng nước côi cút chạy dài dọc biển, một nhánh nhỏ của dòng sông lớn. Sông Côi có gì để tôi trở lại? Chẳng có chi. Những lúc lòng hoang hoải như thể không nơi nương tựa là tôi nghĩ đến sông Côi. Ở thành phố, lâu ngày thấy chán, thấy mọi sự bế tắc, trì đọng, muốn trôi chảy, lại nghĩ đến sông. Và chỉ riêng một sông Côi. Với tôi, sông Côi đau đớn, sông Côi đòi đoạn, những ngày tuổi trẻ lo âu và kiêu hãnh, những sớm mai hy vọng đổi thay, chợt đã buổi chiều mờ mịt, rồi những chạng vạng se thắt vì câu chuyện đời những bạn bè. Sông cứ trôi dòng nước, sương bóng thời gian còn ở với tôi. Lúc trên bến Mưa không có mưa, những ánh lửa như pháo bông từ lò rèn lúc chiều tối điểm nhịp sóng đùa, vài sợi tóc Nhiên bay vắt qua mặt tôi, bay trong lời Q. hát “thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người, biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi...”. Và lúc ấy sông trôi như kẻ mộng du. Lúc ấy tôi thèm Q. biến mất để tôi ôm em, ừ nhỉ, tại sao tôi ngày đó không dám nói lấy một lời dù cầm chắc em từ chối và tôi đau... Từ đó tôi chúa ghét sự chừng mực, sự biết điều, tại sao phải mang vác sự thật để suốt đời nặng nhọc vì nó. Nhiên là dịu ngọt như sông, hai mươi mấy năm không phôi phai màu da thịt như làn gió sớm của những ban mai không dễ gì có hai lần trong một đời người, chỉ một điều dạ hai điều thưa thô mộc mà lũ mình đồng da sắt đã chịu không thấu, sau này trong chặng cuối cơn say, cơn nhớ, Q. lảm nhảm như triết gia “Nhiên ơi mi là một tra vấn đời đời về bản chất của hiện hữu”, lúc ấy tôi phụ họa “mi đã làm chi đời bạn, đời ta”...

2.
Xưa, xưa lắm, lúc trời đất mới hình thành, chỗ ni không có sông, chỉ có biển, biển cho muối mặn nhưng không cho con người nguôi cơn khát, mà thiệt lạ tại làm sao con người cần sự ngọt, sự mát mà không thích ứng với sự mặn ngay từ thủa dò dẫm trên mặt đất... Có đôi vợ chồng đi biển bị bão làm dạt thuyền vào bãi Rộc ni, đói, khát nhiều ngày, khát mới dễ khiến người ta chết và trong cơn cùng quẫn đến khốn nạn, người chồng đã - như một ác thú - cắn vào cổ vợ để tìm đường sống. Đêm ấy trời nổi cơn tố lốc cuốn bay thằng chồng khốn nạn ra biển, nơi hắn rớt xuống nay là hòn Khốn - nơi mà vừa rồi để tiện cho việc mời mọc khách du lịch, mấy tay làm phim quảng cáo đổi tên thành hòn Phu - nghĩa là chồng, chồng chi mà ác rứa tề. Lại nói về người vợ, sau khi bị chồng uống máu tưởng chết thì có một anh dân chài được tiên nhân báo mộng đến cứu kịp và trận hồng thủy sau cơn lốc đã cho đôi vợ chồng mới kia (sau này họ đến với nhau vì anh dân chài cũng góa vợ) nhánh sông ni đây - sông Côi... Côi là côi cút, bơ vơ, thương lắm... Tôi nói với bác thợ rèn là chuyện ni bác tự nghĩ ra, bác cười khơ khơ, ừ thì chú tính ở trên đời ni rốt lại, chuyện chi mà không do thiên hạ nghĩ ra, đất có thổ công, sông có hà bá, cây cỏ, sỏi đá cái chi cũng có sự tích hết, vấn đề là tin hay không tin thôi, ông bà nói rồi, linh tại ngã bất linh tại ngã, linh hay không cốt ở tâm mình...

3.
Cơ duyên nào run rủi để kết hợp tôi với sông - một kết hợp mà Q. nói trong một lần Q. nhờ tôi “làm chứng” khi tác hợp Q. với Nhiên, một hôn sự tượng trưng với ba người có mặt ngay bên sông - đó là sự kết hợp của đấng tối linh, một kết hợp mà loài người không có quyền phân ly, chia cắt. Có đêm nằm với vợ, tôi lại chiêm bao ân ái với sông trong vóc hình một nữ thần da thịt ngào ngạt hương thơm, tỉnh dậy tôi ngồi vừa nhớ Nhiên vừa ân hận mình “đồng sàng dị mộng” với vợ. Mà thôi, tất thảy là do tôi gặp và làm quen với Q... Chúng tôi là một cặp đôi ăn ý - bây giờ người đời hay gọi là cặp đôi hoàn hảo - trong các vai diễn kịch nói, khi thì tôi vào vai chính diện thì Q. phản diện và ngược lại. Tôi và Q. từng vinh quang và cay đắng qua các vở “Con cáo và chùm nho”, “Erostras - kẻ đốt đền”, “Nhân danh công lý”, “Tôi và chúng ta”... Than ôi thời oanh liệt còn đâu khi sân khấu đột ngột về chiều, đoàn kịch tan đàn xẻ nghé, tôi về phụ trách một gánh hát bội nghiệp dư, nhiều lần suýt vỡ đầu vì ăn đá của “khán tặc” khi đào kép chạy sô chưa đến kịp, bản thân phải ra “tấu hài” mà mình thì không có chuyên môn chọc cười thiên hạ, Q. thì về huyện sông Côi làm anh lính thông tin tuyên truyền chuyên cờ đèn kèn trống “vị khứ anh hùng ẩm hận đa”, nhiều đêm say lên trong vai Êdốp của “Con cáo và chùm nho” rằng “ta biết với cuộc đời này, cuộc đời là chùm nho chưa chín, nho còn xanh lắm nhưng trong ta, ta biết chắc là tự do, tự do đã chín muồi” khiến hàng xóm và đồng nghiệp tưởng gã hóa điên, hùn nhau đưa đơn cho cấp trên đề nghị sa thải. Chẳng đợi được lâu Q. đã thành người của tự do, tự do ơi, Q. lại la lên bi kịch của ngươi là khi đạt được ngươi rồi ta chẳng biết phải dùng ngươi vào việc chi đây. Q. đi “địu” - đi tìm trầm, tìm Nhiên sau khi cha Nhiên đánh gẫy chân mà không một lời oán thán. Q. mang vác thập giá đời mình lên núi Sọ. Hơn hai mươi năm tôi hoàn toàn bặt tin Q. Mấy lần hóng được tin là mấy lần buồn “Q. sông Côi à? Chết rồi, nghe đâu say rượu, nhảy từ đỉnh Măng Lùng xuống thác Bay, ôi tài hoa lắm, kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung hay phải biết, “độc cô cầu bại”, lần khác, “Q. à, đàn hát tuyệt vời, tâm hồn lắm, Tống Giang đó, Cập Thời Vũ Q. buồn quá, chết vùi trong bãi mìn, có lẽ do cố tình hay trụy tim nên đốt dây cháy chậm rồi mà không chạy ra chỗ nấp...”; lần nữa, “ôi chán chết, lấy một con vợ mập ú bán thịt chó ở chợ Kim, cơm no bò cỡi, ôi lại còn bày đặt làm thơ Đường luật tán mấy mụ nạ dòng “kinh đã tắt mà lòng còn lí lắc” nữa cơ, ôi thôi đi đâu cũng “nổ” vang trời đất...”. Rằng đâu là Q. bạn tôi, Q. của con sông Côi dặt dìu kỷ niệm.

4.
Nhiên độ rày hay mail cho tôi, em nói rằng có lần em và Q. đã gặp ma trên bến Mưa, rằng một đêm trăng hai đứa đang ngồi ôm nhau thì có một bóng đen nhảy ùm xuống nước, hai đứa hoảng hồn một chặp mới vùng chạy, sớm mai cứ chờ tin có ai chết đuối không mà chẳng có chi. Tôi báo cho Nhiên biết, rằng tôi về bến Mưa, gặp bà Thơi, dì ruột của em, bà nói rằng thằng Nhi của em tháng trước đem thuốc nổ về khúc sông chỗ bụi tre Nưa đánh cá, cá bị thuốc nổ nổi trắng sông, riêng con ma bến Mưa chỉ là con rái cá đã già đời, thân nó to như một đứa con nít lên mười, nó chết vì mảnh mìn đâm thấu ngực. Tôi lại nghĩ đến bến Mưa - Mưa là tên mẹ của Nhiên, người đàn bà đã tự trầm trên bến sông vì những cơn ghen cuồng điên của chồng chỉ vì người đàn bà đó vốn là một cô đào hát đã tưởng bến sông Côi là bến đỗ bình yên. Sau này người chồng ấy tục huyền nhưng vẫn khôn nguôi chuyện cũ, cứ gọi bọn làm ra câu hát, câu thơ là bọn lăng loàn, trắc nết, vô loại và đó là lý do ông cấm cản chuyện Q. và Nhiên. Em bảo em mới là người phụ rẫy Q., em phụ bạc những mùa tháng năm rạm sông bơi xanh dòng, mùi thơm rạm nướng thơm hoài trong ký ức, em phụ bạc dòng nước lũ mùa mưa cho em những cành khô mục nhóm lò, phụ bạc mùi cỏ sông Côi thơm mùi da thịt Q., mùi nước hến luộc, mùi sương mù tháng chạp những chuyến đò, em chừ câm lặng sống không yêu ai được ngoài yêu cát bụi chốn về để gặp Q. gặp anh, gặp quá vãng, tội nghiệp cho ba em, cũng là nghiệp căn nặng nợ, ba em khi hiểu được lẽ đời thì không còn kịp nữa, em biết mấy đứa em đời sau đang “bán trôn nuôi miệng”, hay sắm sanh bốc trời cũng là lòe thiên hạ thôi, phù ảo hết, em và Q. và cả anh nữa cũng chỉ là phù du bay đôi. Anh còn nhớ thơ Q. chứ “ta còn lại gì đâu/ sau bạc tiền của cải/ sau dục tình đực cái/ trơ khấc một linh hồn/mà những gì linh hiển/em đã mang đi...”.

5.
Tôi quyết gồng mình giăng võng dưới hàng xoan ngủ một đêm trên bến Mưa. Ông thợ rèn đã mất, lò rèn đã thôi đỏ lửa, trên nền lò rèn cũ là quán karaoke nhiều em chân dài đến nách tay dài hơn chân, bà Thơi chửi, mẹ hắn, tau mà còn trẻ chỉ cần tốc váy lên là có cái ăn, đâu phải già nua mò cua bắt ốc như ri, sông dường chỉ riêng dành cho ba chúng tôi. Tôi tin Q. đã tro bụi, đã bay, đã lao vào ánh sáng chết chóc cùng với Nhiên vì hắn không thể sắm vai một kẻ đạo hạnh mà tầm thường hoặc sống bằng một vai suông nhạt, còn tôi Nhiên ơi, tôi cầm chắc rồi cũng chết vì đuối nước trên dòng ký ức sông Côi...

P.T.Đ   
(SH291/5-13)






 

Các bài mới
Giấc Adam (29/05/2013)
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Các bài đã đăng