Tạp chí Sông Hương - Số 291 (T.05-13)
Bức tranh siêu nhân
15:42 | 29/05/2013

VÕ MẠNH LẬP

Chu Sửu là cây bút cầu toàn mới nổi tiếng trong làng văn đất Cố đô. Cô viết không nhiều và lười biếng phơi tên mình lên mặt báo.

Bức tranh siêu nhân
Minh họa: Lê Minh Phong

Viết xong một truyện, cảm thấy hài lòng cô mới hăm hở tìm đến tòa soạn tờ văn nghệ có tiếng từ tổng đến biên tập viên. Cô kén chọn bởi hồn văn của cô phải phảng phất đúng chỗ, lung lay đúng nơi. Cô không tuân theo thông lệ gởi tác phẩm qua bưu điện mà nộp bài trực tiếp cho tòa soạn. Cô gọi điện thoại gặp trực tiếp Tổng biên tập. Là nhà văn trẻ, lịch lãm trong giao tiếp, oai phong nhưng biết hạ mình làm dâu trăm họ, Tổng biên tập thân tình bắt tay chào đón vị khách đầy cá tính và cười xởi lởi. Nữ viết văn trẻ vào đề tự nhiên không thể hiện sự khúm núm.

- Chuyện tình lẳng lơ, anh đọc trước. Nếu gật, tôi gởi và nếu…

- Kiểu như vài lần trước chứ gì?

- Đúng thế!

Không biết Chu Sửu tự đề cao từng câu chữ của mình, hay hoài nghi trình độ thẩm mỹ, kiểu lười biếng của các biên tập viên quen nghề múa máy ngòi bút làm oai gạch bỏ không thương tiếc những gì không hạp tạng của mình, vì vậy Chu Sửu vội quay lui với Tổng biên tập.

- Nếu được, anh giao cho ai biên tập?

- Hai nam, hai nữ, cô chọn ai?

- Gã tóc dài, ngược dấu...

Khi chắc ăn bản thảo được sắp xếp ma-két đặt lên bàn Tổng biên tập, Chu Sửu mới lăm xăm đến nhà họa sĩ nổi tiếng Hoàng Trường nhờ minh họa.

Xưa cũ, họa sĩ tọa lạc trong ngôi nhà cấp bốn. Tranh to, tranh nhỏ được bà Tâm Thi, vợ ông treo kín tường theo thứ tự thời gian. Số phận ông sinh ra giờ hoàng đạo kiểu diều gặp gió lên chức vù vù, đóng đèn ngay ngắn vai sếp một trường lớn và của ngành mỹ thuật tỉnh nhà. Ông nổi tiếng vì thiên chức thầy giáo, nhiều thế hệ học trò chung hơi thổi phồng nên nhà ông có nhiều khách lui tới. Trước đây, ông được Bộ chọn đích danh đi đào tạo nước ngoài. Biết thêm ngoại ngữ ông đã mở rộng tầm mắt cho nhiều sinh viên về những trường phải lạ, hấp dẫn.

Đi Tây về, nhà cấp bốn của họa sĩ thầy nhanh chóng thành ba tầng. Từ xa ngôi nhà cao vút lên như thách thức tầm cỡ. Đến gần vừa bề thế kiểu gô-tíc, vừa thoang thoáng nét hoài cổ Huế xưa. Họa sĩ thầy có bốn con, đứa nào cũng có nét thanh tú, cao sang. Là thầy giáo, ông có cách rào đón con theo nghiệp cha truyền. Vì lẽ tự nhiên ngôi nhà trở thành ba phòng họa. Tầng một của cha, tầng hai con trai cả, tầng ba cậu con út tung hoành.

Đến tuổi, thầy phải rời bục giảng về với cái nghiệp là nghề cầm cọ. Học trò vắng dần. Khách quen, lạ ít lui tới. Duy nhất ngày đêm còn lại bà Tâm Thi, vợ thầy thường xuyên bên cạnh chăm lo cốc cà phê, ly nước cam… và đỡ đần ông dựa thân xả hơi đôi chút tuổi già, cái lưng thẳng đỏ như bức tường thạch cao cạn hồn đang phơi nắng gió ngoài hiên.

Nhiều lúc bà Tâm Thi băn khoăn không biết ông có nhớ tên những bức tranh, đứa con tinh thần đẻ đau mang nặng sinh ra không? Riêng bà Tâm Thi, vợ ông thì lại thuộc kỹ từng nét vẽ, đường cong màu sắc, thậm chí đọc vanh vách tên từng tác phẩm sinh ra theo số thứ tự thời gian và treo ở khoảng không gian nào. Làm bạn với ông hơn bốn mươi năm bà tự hỏi yêu ông vì lẽ gì. Bà không trả lời được nhưng chỉ biết là lấy nhau theo số phận. Bà cũng không biết gì về hội họa nhưng bà quý ông chăm chỉ lao động miệt mài vì danh dự nghề nghiệp, vì cuộc sống con cái gia đình. Và mỗi lần ông muốn tham khảo thẩm định của bà, bà cười rạng rỡ khen đẹp lắm. Ông cười vui hồn nhiên. Nhìn ông, bà chỉ băn khoăn thời thế xoay vần nhanh quá: Học trò vơi dần, khách tản mát ít lui tới.

Đang suy ngẫm, tiếng chuông reo, bà Tâm Thi giật mình vội vàng hớn hở mở cửa đón khách như vài năm trước trong mùa tranh thị trường đang thịnh.

Vừa nhìn rõ mặt, bà Tâm Thi đã nhận ra cô gái cách đây không lâu đến nhờ ông minh họa truyện ngắn của cô sắp đăng. Cuộc giao đãi giữa cô và ông, bà còn nhớ ông cười từ chối không có thời gian. Ông cho phép cô chọn bức tranh nào thích hợp thay vì minh họa. Cô vinh hạnh được một họa sĩ nổi tiếng chiều lòng, cảm động đến mức hai bàn tay lẩy bẩy cầm không vững chiếc máy ảnh tự động để nháy liền vài kiểu. Cô ra về trong niềm vui nên không kịp hỏi tên bức tranh. Bà Tâm Thi định nói vói cho cô biết bức tranh Siêu Nhân ra đời cách đây hơn một năm vào tuổi ông tròn bảy mươi.

Định kỳ xuất bản hàng tháng cô đến nhà họa sĩ tặng Tạp chí và ngỏ lời cám ơn. Cổng nhà vẫn mở rộng. Cô vẫn lịch sự bấm chuông. Bà Tâm Thi đủng đỉnh ra đón khách.

- Em đến cảm ơn thầy cô và xin thưa chút việc!

- Ông nhà tôi đi thực tế rồi!

- …?

- À! À, ông nhà tôi có thói quen đi chợ mua thức ăn thay tôi, tiện bề mua những thứ ông ghiền, vừa giải lao, thư giãn, ngắm phố phường, chợ búa tìm nguồn cảm hứng cho một ngày dài còng lưng chấm phá.

Vừa lúc họa sĩ về. Ông xách một túi nặng, lệch hẳn vai còm. Bà vội đỡ để ông kịp đứng thẳng bước vào nhà tiếp khách.

- Em cảm ơn thầy, xin gởi thầy tiền nhuận bút. Cô lễ phép thưa.

- Bày vẽ chi. Có cái tên tôi được khuếch trương trên Tạp chí sang trọng là oách lắm rồi.

- Dạ thưa!...

- Hình như có chuyện chi muốn nói, cô cứ việc. - Họa sĩ linh cảm.

- Em muốn biết tên bức tranh và chiều nào là đầu, phía nào là cuối?

- Bà ơi. Bà còn nhớ tên bức tranh không? Ông quay lưng sang phía bà.

- SIÊU NHÂN

- Bức nào cũng có tên, sao bức tranh ấy lại không. Cảm ơn bà. Tôi nhớ ra rồi, đó là SIÊU NHÂN thì treo ngược xuôi gì cũng được, có đặt tên hay chưa đặt tên không cần thiết và nội dung thì tùy cảm hứng của người xem. Miễn sao có gắn chặt cái tên Hoàng Trường là được.

Dựa lưng vào bức tường phía sau, nghe qua câu chuyện hai người nhiều lúc bà Tâm Thi cảm giác như tim ngừng đập, nghẹt thở. Cũng vì cái tên Hoàng Trường mà suốt đời bà phải cặm cụi lo toan. Trước đây đồng vô đồng ra phơi phới, ông không hề quan tâm đến việc chi tiêu. Bây giờ bất đắc dĩ ông mới nắm giữ đồng tiền còm cõi xếp vào ngăn tủ. Sáng nào ông cũng dậy sớm nhâm nhi cà phê và lặng lẽ kiểm tiền, không muốn cho bốn người con đang tuổi ăn tuổi lớn biết đến. Ông nâng cốc cà phê uống cạn những giọt cuối cùng mới xách giỏ ra đi…

Và ông, tuổi hơn bảy mươi mà còn say sưa vẽ. Bây giờ tầng một sở hữu của riêng ông, tranh đã treo kín tường, nay mai và mai kia… với đà này tranh sẽ tràn ra hành lang. Cái tên Hoàng Trường sẽ đi đâu về đâu? Đến đâu?

Ra về trong tâm trạng khác lần đầu đến xin ông minh họa, cô không đề ga xe máy mà thủng thẳng dắt xe đi bộ, miên man suy ngẫm những từ ngữ trả lời rành mạch của họa sĩ. Cô băn khoăn cho những ai bị hụt hẫng khi xem bức tranh Siêu Nhân của ông già hơn bảy mươi nằm gọn trong truyện ngắn của một cô gái chưa tròn hai mươi tư mấp máy tuổi thăng hoa. Ông đã làm nổi thêm nữa cho cô hay cô đã vô tình làm nổi tên tuổi của ông? Quả là câu hỏi khó chờ đợi, mà thời gian thì cứ trôi…

V.M L
(SH291/5-13)








 

Các bài mới
Giấc Adam (29/05/2013)
Các bài đã đăng
Sống trong Diễn (24/05/2013)
Lậu chữ (21/05/2013)