Tạp chí Sông Hương - Số 26 (T.7&8-1987)
Bức tường
16:27 | 13/08/2013

NGUYỄN THỊ MINH DẬU

Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.

Bức tường
Ảnh: internet

Cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi có cha, có mẹ và có em. Tôi là con gái đầu lòng của cha mẹ tôi. Đứa kế tôi và cũng là đứa em duy nhất của tôi, tên là Trung. Năm mẹ tôi bỏ cha tôi thì tôi mười ba tuổi, còn nó mới lên tám.

Tôi không hiểu nguyên nhân gì khiến mẹ tôi ruồng rẫy cha tôi. Từ khi biết ăn biết nói tới giờ, chưa lần nào tôi thấy hai người to tiếng hoặc cãi cọ với nhau cả. Vả lại theo chỗ tôi hiểu thì cha tôi - một người đàn ông có vẻ ngoài hơi khô khan và trầm lặng ấy rất yêu vợ. Tôi còn nhớ, mỗi lần ở cơ quan có món hàng gì đèm đẹp phân phối về, thế nào cha tôi cũng giành chọn lấy thứ bán cho phụ nữ để mua cho mẹ tôi. Khi thấy mẹ tôi mặt mày hớn hở ướm mãi tấm vải óng ả lên người, xoay xở đứng ngắm nghía mãi trước gương, nét mặt già nua khắc khổ của cha tôi bỗng như được chiếu sáng. Nụ cười của cha tôi thật rạng rỡ và cái nhìn của cha tôi với mẹ tôi nó mới dịu dàng đằm thắm làm sao chứ? Những lúc ấy, một đứa trẻ như tôi mà dường như cũng còn cảm thấy màu hào quang tươi tắn của thứ hạnh phúc bình dị gia đình.

Nhưng rồi, đùng một cái, tổ ấm của gia đình tôi vụt tan vỡ. Hay nói đúng hơn là nó bị xẻ ra làm đôi. Đó là hôm mấy ông bà lạ hoắc ở đâu tới, mỗi người xách trên tay một cái cặp; hỏi han, ghi ghi chép chép cho chán rồi sau đó tôi nghe tuyên bố: Tòa đồng ý xử cho bố mẹ tôi được phép ly hôn. Tôi chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa của cái từ "ly hôn" là gì, nhưng cũng đơn giản hiểu là bố mẹ tôi bỏ nhau. Đối với lũ trẻ chúng tôi, có lẽ việc ly hôn của người lớn cũng không mấy quan trọng hơn lời tuyên bố: "Tao cuộc bỏ mày" của mấy đứa trẻ khi chúng không thích chơi với nhau nữa. Rồi đâu lại hoàn đó! Tôi tự nhủ và chờ ngày bố mẹ tôi đoàn tụ. Như bố mẹ cái Thơ đấy thôi, bố nó vác gậy rượt đuổi đánh mẹ nó chạy khắp xóm mà cũng chẳng bỏ được nhau nữa là! Chỉ mấy hôm sau trận đánh nhau là tôi lại thấy bác An trai ngật ngưỡng tha về nhà một lô thịt thà, hoa quả hề hề cười chịu lỗi trước những cái lườm dài và những câu ca cẩm kể tội chồng của bác An gái. Tôi chờ cha mẹ tôi làm lành với nhau nhưng cứ chờ, chờ mãi... Cho đến lúc mẹ tôi quay về nhà dắt theo mấy ông thợ nề, xăm xăm đòi cha tôi chia nhà. Cha tôi, dường như không màng tới những lý lẽ dài dòng của mẹ tôi. Ông ngừng tay viết, ngẩng lên rất nhanh rồi buông một câu cộc lốc: "Tùy cô". Nói rồi cha tôi đứng lên, vội vã thu xếp sách vở nhét vào cái cặp, vội vã đi ra như người chạy trốn. Ra tới cửa ông còn ngoái cổ nói với lại: "Cô có thể xây cất tùy ý! Tôi thì thế nào cũng được!".

Đúng là tôi không hiểu chuyện gì nên cứ nghĩ việc ngăn nhà của mẹ tôi chỉ là một việc làm để biểu thị sự giận dỗi. Tôi đoán là mẹ tôi muốn vòi vĩnh cha tôi phải xuống thang đây! Xưa nay mẹ tôi vốn nổi tiếng trong những trò này. Bà rất khéo "kịch" với cha tôi. Mỗi khi không hài lòng với cha tôi điều gì, mẹ tôi thường giận kéo dài hàng tuần liền, làm mình làm mẩy với cha tôi, quát lác xua đuổi con cái. Mẹ cái Thơ thì khác. Dù có bị bố nó nện cho đấy, đuổi đi đấy, song thế nào bác ấy cũng tìm cách lần về nấu nướng, tắm giặt cho lũ con rồi lại đi dìu đức ông chồng say khướt nằm vạ nằm vật ở đâu đó... Mẹ tôi chẳng bị đánh bao giờ nhưng mẹ cứ thích xé to "cả giận" của mẹ với cha tôi. Có khi bà còn bỏ đi hàng mấy ngày không thèm về. Rồi thì khóc lóc, rồi bỏ cơm, rồi nằm ốm... đủ tội. Cho đến khi nào cha tôi phải thân chinh dỗ dành như dỗ con nít, mẹ tôi mới chịu. Tôi không hiểu sao mẹ tôi đẻ ra tôi mà tôi không hề ưa một tí ti cái tính nết thất thường quái gở ấy ở bà. Và tôi cũng không hiểu nổi tại sao bị mẹ hành như hành nợ vậy mà cha tôi vẫn vui vẻ chiều chuộng được? Có người nói đùa cha tôi thuộc loại đàn ông "râu quặp". Bởi cha tôi già hơn mẹ mười mấy tuổi mà mẹ tôi lại quá đẹp nên cha tôi rất sợ mất vợ (!). Tôi không tin thế! Cha tôi là một người rất tự trọng. Tôi có thể nói nhiều khi ông tỏ ra cứng rắn và rất "bản lĩnh" nữa là đằng khác. Tôi dám chắc về điều đó. Có lúc, tôi có cảm nghĩ nếu người ta đổi cho nhau được thì thế nào tôi cũng xin đổi làm con trai để giống cha hơn. Thằng em tôi ẻo lả yếu đuối như một cây cỏ non, vậy sao mẹ tôi lại không sinh nó làm con gái nhỉ?

Cha tôi là chuyên viên sử học công tác tại Viện bảo tàng. Còn mẹ tôi trước là nhân viên Bách hóa, sau chuyển về làm kế toán ở cửa hàng In-te-sốp trong thành phố. Có lẽ mầm mống sự thay đổi trong cung cách ăn ở của mẹ được nảy nở từ đây. Mẹ luôn làm những người xung quanh phải ngạc nhiên vì mình. Mẹ để móng tay dài, bôi sơn đỏ chót. Tóc mẹ vốn dài nay mẹ cắt ngắn uốn cao cũn cỡn. Mẹ có hàng tá áo đủ các mầu sắc sặc sỡ như đàn bướm treo trong tủ, trong khi đó cha tôi chỉ có vài ba bộ tàm tạm. Các bà trong khu tập thể, mỗi lần nhìn thấy mẹ tôi là y như rằng họ lại có dịp để bình phẩm: "Trông cô Oanh dạo này khác quá, cứ y như người từ biển quảng cáo ấy thôi". Tôi đến phát ngượng vì buộc phải nghe những câu chuyện lạ tai về mẹ mình, với những lời lẽ chẳng lấy gì làm thiện cảm ấy! Mà họ cũng chả ngại gì mẹ tôi, họ cứ nói toạc ra với nhau trước cả mặt mẹ với một thái độ gần như châm biếm hơi một chút ghen tị. Mẹ tôi thì dường như không thèm đếm xỉa đến điều đó. Đôi khi, bà ném cho họ một cái nhìn kiêu kỳ lạnh ngắt rồi ngẩng cao đầu rảo bước: "Toàn cái đồ... - mẹ tôi phàn nàn với cha tôi - chúng nó ngứa miệng cả hay sao ấy". Cha tôi đang xem báo, ông thoáng cau mày tỏ vẻ bất bình trước những ý kiến gay gắt của mẹ tôi, nhưng rồi ông cũng chỉ nhẹ nhàng: "Mình đừng nói thế, hàng xóm của ta toàn là những người tốt cả đấy chứ".

Buổi sáng, cha tôi dậy thật sớm. Ông chạy việt dã một vòng rồi bắt tay vào công tác cấp dưỡng. Chúng tôi ngủ dậy chỉ việc chén những thứ cha đã phần sẵn trên bàn. Còn công việc của mẹ trước giờ đi làm là chải chuốt, trang điểm và ướm thử hàng chục lần mầu áo. Đúng bảy giờ, mẹ tôi dắt xe ra cửa, không quên dặn tôi: "Trưa bố về, bảo bố nấu cơm nhé!".

Những ngày nghỉ, cha tôi thích làm những công việc lặt vặt trong nhà. Dường như thời gian của ông toàn dành vào việc nấu nướng, tắm giặt cho chị em tôi, quét tước thu dọn và chăm sóc mấy khóm hoa hồng trước cửa nhà. Cha tôi làm lụng một cách vội vã tất bật nhưng cũng nhẹ nhàng khéo léo chẳng khác gì cô bảo mẫu là mấy. Nói như thế không có nghĩa là cha tôi "nhát vợ" như bác An trai - bố cái Thơ vẫn đùa. Tôi nghĩ, cha tôi muốn "bù đắp tình cảm" cho mẹ con tôi trong những ngày cha đi công tác xa nhà thì đúng hơn.

Nói chung, đời sống kinh tế trong gia đình tôi không có gì đáng phàn nàn, có thể nói là mức sống của nhà tôi còn vượt xa cả mấy nhà trong xóm. Nhà tôi có xe mi-ni, có máy khâu, có máy thu hình loại nhỏ. Đó là những thứ cha tôi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài mỗi đợt tha về. Vậy mà mẹ tôi cứ chê dài: "Xì! Người ta ra nước ngoài một lần bằng cả chục lần anh đi. Khuân cái ti-vi bé bằng mắt muỗi ấy về để làm đồ chơi cho trẻ con à?". Cha tôi cười, vẻ mặt không được vui lắm: "Của kỷ niệm chứ mua bán làm gì? Đi công tác chứ có đi buôn đâu mà mỗi chuyến đi về phải mang vác cho thật nhiều hả mình?".

Nghe cha tôi nói thế, mẹ tôi bĩu môi phản đối ý kiến "lỗi thời" của cha tôi:

- Hứ! Thời buổi giá cả tăng vọt như tốc độ vũ trụ này mà anh cứ nhích như rùa ấy thì có mà...

Rồi mẹ bỏ đi, chẳng thèm hỏi han cha tôi đi đường có mệt không, có gặp trắc trở gì không? Còn chúng tôi thì mừng hết chỗ nói, reo hò bá đầu bá cổ cha tôi hôn hít mãi không chán. Rồi hí hửng lôi ra nào ô tô, nào búp bê, những con nộm gỗ xinh xắn ngộ nghĩnh, chuyền tay nhau xem những tấm ảnh cha tôi chụp chung với những người bạn nước ngoài, lấy làm hãnh diện sung sướng vì có một ông bố vô cùng cao cả và tâm đắc như thế.

Đến tối, sau bữa cơm, theo lệ quen mỗi lần giận bố, mẹ tôi đi chơi đâu đó một lúc rồi lên giường đi ngủ thật sớm. Mấy cha con chúng tôi chơi đùa với nhau. Cha tôi vừa bày trò cho chúng tôi chơi vừa để mắt liếc vào buồng. Rồi thế nào ông cũng bỏ cuộc vui của chúng tôi vội vã chạy vào buồng nếu nghe tiếng mẹ tôi khóc. Thằng em tôi chẳng hiểu chuyện gì cũng te tớn chạy theo sau. Tôi là chị nó nên tỏ ra người lớn hơn: tôi ý tứ ngồi lại. Có tò mò cũng dứt khoát không nhìn vào. Tôi chơi một mình hoặc có chơi chán thì lấy sách ra vờ đọc. Bàng quan một cách giả tạo trong khi đôi tai cứ mỗi lúc lại dỏng lên như tai thỏ nghe không sót một lời nào của hai người. Thường thì cha tôi nói nhiều và giọng điệu dịu dàng hơn mẹ tôi. Rồi thế nào tôi cũng được thấy thằng em tôi chạy ra vỗ tay cười toe toét: "Mẹ nín rồi, mẹ nín rồi". Cha tôi lúc ấy thật khác lạ, mặt mày tươi tỉnh chẳng khác nào một người vừa được tắm gội sạch sẽ. Ông xăng xái đi lại và tôi dám chắc rằng, thế là ban ngày, thế nào cha tôi cũng xắn tay áo xông vào bếp.

Đó là những ngày cha tôi ở nhà. Cha tôi ở nhà ít thôi nhưng tôi lại thấy sự có mặt của ông là cần thiết và đầy đủ hơn hết thảy mọi thứ ước muốn nào khác!

Tuy nhiên, vài ba hôm sau, nếu chịu khó để ý, tôi sẽ thấy mẹ tôi thế nào cũng đem tấm vải cha mới mang về ra ướm thử trước gương rồi đem may cắt, tính bà vẫn thế! Bà không chịu nổi một tấm vải đẹp nằm yên trong tủ khi nó chưa thành áo. Mà khi nó đã thành áo rồi thì mẹ tôi sẽ không chịu nổi nếu không đem nó ra mặc ngay lập tức. Nhưng cũng chỉ vài ba hôm đầu thôi. Mẹ tôi thuộc loại người biết cách ăn diện. Bà mặc là để "thăm dò dư luận" đánh giá sắc đẹp của bà được tôn lên hay hạ xuống trong chiếc áo mốt mới thôi! Rồi lập tức sau đó, thái độ trân trọng của mẹ tôi đối với món quà tình nghĩa của cha tôi được tăng giảm tùy thuộc vào mức độ khen chê của bạn bè. Thật vô phúc cho cái áo nếu có ai đó hờ hững chêm vào:

"Loại vải này may kiểu này không đẹp. Thời trang bây giờ có mấy ai vận một mầu đâu?".

Nghe nói thế, khuôn mặt xinh đẹp của mẹ tôi đang nở căng vì hồi hộp, bỗng nhiên xịu xuống. Mẹ tôi vội thanh minh với người ta rằng mẹ tôi không hề chọn thứ vải này, nhưng vì cha tôi mang từ tận nước ngoài về nên đành phải mặc cho nó lạ (!). Bà gọi cha tôi là "ông nhà quê", là "cái lão gàn nhà tớ" ngay trước đám bạn bè của bà với một vẻ hồn nhiên đến hợm hĩnh. Rồi, để tạo không khí vui tươi trong câu chuyện và như thuận mồm, mẹ tôi kể một lô những tính nết "gàn dở, cù lần" của cha tôi cho mọi người cùng nghe và phá lên cười với nhau.

Tôi ngồi học, nghe rõ tất cả mọi chuyện. Tôi những muốn đứng dậy đập phá một cái gì đó cho bõ giận. Cha tôi mà "gàn" ư? Nếu ở trên đời này toàn những người "gàn" như cha tôi thì cuộc sống đáng yêu biết mấy? Mẹ tôi vẫn say sưa trò chuyện với khách; mấy ngón tay nõn nà dài vút của mẹ chốc chốc lại cong lên duyên dáng sửa lại mấy búp tóc quăn trên cái đầu ốp kiểu mới nhất. Đôi gò má mẹ đỏ ửng, ánh mắt mẹ long lanh xoắn lấy cái nhìn lượn lờ ve vuốt của người đàn ông bảnh bao ngồi đối diện với mẹ. Thỉnh thoảng, người đàn ông ấy nhún vai, điệu bộ rất "Tây" và rì rầm tuôn ra một câu gì đó thú vị lắm, khiến mẹ tôi cười ngặt nghẽo. Thằng Trung em tôi ngồi với đống đồ chơi đã chán ngáp dài luôn miệng giục mẹ đi ngủ. Bắt gặp cái nhìn khó chịu của tôi, mẹ tôi cau mày, phẩy tay tỏ ý không hài lòng. Bà ra lệnh cho tôi đưa em đi ngủ. Cực chẳng đã, tôi xưng xỉa quẳng bút, vùng vằng đứng dậy buông màn rồi chui vào giường nằm với em. Một cái gì đó, không hẳn là sự buồn tủi mà như một nỗi ngạc nhiên cay đắng của đứa trẻ vốn cả tin khi nó nhìn thấy sự lừa dối của người lớn ngay tận mắt. Tôi chợt nhận thấy ngoài cái con người vui tươi hay nhõng nhẽo của mẹ tôi còn có một người đàn bà khác ẩn náu, người đàn bà đó tàn nhẫn đáng sợ hơn cái vẻ ngoài nhí nhảnh của mẹ tôi rất nhiều. Tôi chợt hiểu rằng mẹ không yêu cha tôi, chưa bao giờ mẹ yêu cha tôi, ngay cả những lúc chính mắt tôi nhìn thấy mẹ ôm ghì mái đầu bạc của cha xuống mà hôn hít.

Càng nghĩ, tôi càng giận mẹ và càng hay để ý đến những hành vi của bà. Tôi lạnh nhạt và thù ghét lây cả những ai hay đến nhà chơi với mẹ tôi, những ông và bà vô tâm và vui nhộn một cách đáng ghét. Tôi muốn kể với cha tôi về sự luôn luôn xuất hiện của "người đàn ông ấy", mỗi lúc cha tôi công tác vắng nhà. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi thấy việc làm ấy khác nào những nhát búa bổ vào đầu cha tôi. Đối với tôi, không có gì đáng sợ hơn là khi phải thấy nét mặt rầu rầu của cha và những tiếng bấc tiếng chì của mẹ. Còn gì thảm hại hơn là phải làm con của những ông bố, bà mẹ luôn kiếm chuyện cãi chửi nhau? Nhưng thà người ta to tiếng mà sống chân thật với nhau còn hơn là cứ đóng mãi cái trò âu yếm giả tạo này! Song, dù tôi có nghĩ được thế nào đi nữa thì tôi cũng không dám bật ra những ý nghĩ ấy thành lời. Tôi cứ nuốt nó trong bụng mãi như một nỗi hận cho đến ngày cha mẹ tôi ra tòa, tôi mới biết cha tôi đã rõ chuyện này từ lâu lắm.

Dạo ấy, cha tôi ít về nhà. Tự nhiên tôi thấy ông gầy rộc hẳn đi. Đôi mắt vốn sâu trũng lại càng sâu trũng. Có đêm cha tôi ngồi đọc sách tới sáng. Ông ít nói hơn trước và thường nói ra những câu thâm trầm khó hiểu. Còn mẹ tôi thì y như một con tê giác bị nhốt, lồng lộn tìm đủ mọi cách để húc đổ cái cửa đá lầm lì là cha tôi, bà cố ý gây sự để cãi nhau với cha tôi. Chán, bà bỏ đi Sài Gòn chơi hàng tháng liền, mặc kệ cha con, chị em chúng tôi ở nhà xoay xỏa lấy. Khi về, mẹ tôi diện lạ lắm, ăn vận như cô đào hát và còn phì phèo điếu thuốc đầu lọc trên môi nữa. Thằng Trung em tôi cứ ngẩn ra ngắm mẹ, rồi nó hỏi: "Mẹ ơi, sao tự nhiên mí mắt mẹ lại xanh lè thế kia?... làm cha tôi đang ngồi tiếp chuyện mẹ tôi với vẻ mặt khó đăm đăm cũng phải phì cười. Hai người đối chuyện với nhau khoảng nửa giờ, sau đó cái giường ngủ của cha tôi được chuyển ra phòng ngoài. Tôi để ý thấy từ bữa đó không bao giờ cha tôi ngồi chung mâm với mẹ tôi nữa. Cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi của gia đình tôi cứ thế kéo lê hàng năm trời. Cho đến lúc mấy ông thợ đến xây ngăn đôi cái nhà tôi ra làm hai phần theo sự chỉ huy của mẹ tôi thì tôi tưởng là mọi sự rồi sẽ chấm dứt một cách êm đẹp. Ai ngờ sự việc đó lại dẫn dắt tới một ngõ cụt đau thương khác.

... Bức tường bổ đôi chiều ngang cái nhà tôi ra làm hai phần. Mẹ tôi là phụ nữ nên được "ưu tiên" phần ngoài có cửa sổ thoáng mát và có lối xuống bếp. Cha con tôi đành nấu trong nhà. Chúng tôi vốn ăn uống giản dị nên cũng không phải loay hoay lắm về chuyện bếp núc. Thằng Trung ở với mẹ tôi. Từ hôm bức tường được xây lên, chị em chúng tôi ít khi được nhìn thấy mặt nhau chứ đừng nói gì đến chuyện được ngồi bày đồ hàng chơi với nhau như ngày xưa nữa! Nhiều hôm muốn nói gì với nó, tôi cứ phải đi vòng qua ngõ nhà khác ra phía đằng trước mà gọi vào. Những lúc ấy, tôi thấy khổ sở và thương em vô cùng. Chúng tôi có tội gì? May sao, em tôi vốn là một đứa thông minh; nhân lúc mẹ tôi đi vắng, nó lấy que sắt đục tường thành một lỗ nhỏ. Tường xây mỏng còn ướt nên cũng dễ khoét. Rồi nó dán tranh ảnh vào cái "lỗ chuột" ấy để che mắt mẹ tôi. Vậy là nhờ có "lỗ chuột" ấy mà chị em chúng tôi có thể "thông báo tin tức" và "trao đổi hàng hóa" sang cho nhau được dễ dàng.

Một lần, trong một bữa ăn có canh cá rô nấu rau cải (Tôi quên chưa nói đến cái tài nấu nướng của cha tôi: cha tôi mà nấu ăn thì chỉ có "nhất"). Ngon quá, tôi buột miệng:

- Canh này em thích ăn lắm bố nhỉ?

Đang nhai ngon lành, cha tôi bỗng ngừng lại như người bị nghẹn. Ông chỉ tay vào cái cặp lồng đậy kín nói nhỏ: "Bố múc sẵn canh ra rồi đấy, lát nữa con bưng sang cho em nhé". Cha tôi và vội rồi đứng lên. Tôi nghe ông thở dài khi lấy khăn lau mặt.

Tôi bưng canh đi qua lối nhà người sang cho em. Mấy ông bà trong xóm đã quen với cảnh thậm thụt của hai chị em tôi, nhìn tôi lắc đầu cười. Một ông từ trong nhà thò đầu nói với ra cốt để cho cả hai bố mẹ tôi cùng nghe thấy: "Có bố mày hiền, chịu để thế chứ, vào tay tao ấy à"... Tôi vờ làm ngơ, bước thật nhanh làm canh sánh cả ra ngoài, gọi em. Em tôi chưa chạy ra tới nơi thì mẹ tôi đã ở trong nhà quát ra: "Đem về! Đổ đi! Nhà tao không thèm ăn thứ canh ấy".

Tôi ức muốn khóc, hậm hực xách cặp lồng canh về đặt trên bàn. Cha tôi không nói gì. Ông bó gối lầm lũi ngồi bên chén trà. Nhìn vẻ mặt cha, tôi có cảm tưởng như ông đang nén chịu một cơn đau nào đó.

Bên kia bức tường, tiếng mẹ tôi vọng sang giục em tôi ăn cơm. Lát sau tôi nghe có tiếng thằng Trung chào mời một vài người nào đó và cả giọng đàn ông đục trầm nói gì với mẹ tôi nữa. Không ngăn nổi tò mò, tôi ghé mắt nhìn qua lỗ thủng: bên ấy mẹ tôi đang ăn tiệc. Ngoài mấy bà bạn, mẹ tôi còn có thêm ba ông khách nữa, vị nào vị ấy to béo chững chạc, họ nói cười hỉ hả xung quanh mâm rượu thịt đầy tú hụ. Bữa ăn đang lúc rộn rạo khẩn trương nhất. Ông bạn thân của mẹ ngồi kề em tôi. Ông ta giữ cái thói quen chải chuốt thường ngày: áo sơ-mi trắng bốp, ngắn tay để lộ đôi cánh tay trắng trẻo tròn lẳn như tay đàn bà. Mái tóc lượn sóng vuốt ngược ra phía sau phơi cái trán "hói trí thức" bóng nhẫy mồ hôi. Ông ta chăm chú nhai, cái quai hàm nổi hẳn lên đẩy đi đẩy lại khiến cục yết hầu giống như quả nhót trên cổ phải chạy lên chạy xuống liên tục. Tôi nghe rõ cả tiếng xương nhai vỡ rôm rốp phát ra từ trong cái miệng cần mẫn ấy.

Đang ăn, bỗng nghe mẹ tôi bỏ bát. Bà xắn đĩa xôi gấc ra làm đôi. Đoạn, bà chọn lấy mấy miếng thịt trên mâm, gắp bỏ vào chỗ xôi đặt ra một góc. Mẹ tôi nói một câu gì đó, tôi nghe không rõ. Sau đấy tiếng thằng Trung nói to:

- Con ứ sang đâu! Ai bảo lúc nãy mẹ đuổi chị Thúy.

Không khí bữa ăn có vẻ lắng xuống. Ông bạn thân của mẹ ngừng nhai, hất hàm với mấy vị khách về phía bức tường, lầm bầm với mẹ tôi. Rồi ông ta cười. Nụ cười của ông ta lúc ấy thật lạ: Nó làm khuôn mặt của ông ta méo đi và giọng cười cụt lủn ngắn hẫng như một tiếng nấc.

- Thúy! Con làm cái trò gì vậy? - Giọng cha tôi phía sau nghiêm khắc.

Tôi sợ hãi quay lại, len lét về giường nằm gọn như một con mèo. Tôi không dám nhìn vào mặt cha tôi nữa. Đôi mắt ông sầm tối, khuôn mặt biểu lộ một sự giày vò cùng cực. Ông nhắc tôi, giọng nghe lạ hẳn:

- Lần sau con đừng nhìn thế trong lúc mẹ đang có khách nghe không? Muốn sang chơi với em, con cứ sang... Bố không cấm...

... Mấy hôm sau, cha tôi đi công tác xa. Trước khi đi, ông dặn dò tôi đủ thứ. Ông xem lại gạo nước, dầu mỡ còn hết, mua thêm ít thức ăn dự trữ cho tôi và để tiền kẹp trong quyển sổ và ghi rõ ngày nào tôi nên mua và nên ăn những thứ gì. Ông còn dặn đi dặn lại là tôi phải cố tìm cách sang chơi với mẹ, với em cho em tôi đỡ buồn và ăn gì phải chia cho em... vân vân và vân vân. Và "nếu cần thì con cứ sang ở tạm với mẹ ít hôm rồi đưa tiền cho mẹ chi tiêu giúp"...

Tôi rất muốn sang với em, với mẹ, nhưng cứ nghĩ đến tiếng quát hách dịch xua đuổi của mẹ tôi và cái mặt bóng nhẫy của người đàn ông ấy trong nhà mẹ, tôi lại không muốn sang nữa. Tôi tự mua nấu ăn lấy. Tôi nấu một bữa ăn hai. Nửa ngày đến lớp còn nửa ngày tha hồ chơi tùy thích. Bè bạn tôi kéo đến đầy nhà, bày trò hát xướng vui nhộn thật đấy nhưng tôi vẫn thấy vắng thiếu thế nào. Cha tôi bây giờ ở đâu? Tôi biết là đi xa lần này cha tôi chẳng được yên dạ như mọi lần trước. Ông chắc lo buồn cho tôi nhiều lắm. Tôi cố gắng giữ gìn đồ đạc nhà cửa sạch sẽ y nguyên như khi cha tôi còn ở nhà. Thỉnh thoảng, thằng Trung "vượt biên" sang nhập bọn với tụi tôi. ở với mẹ ăn uống sung túc đầy đủ hơn mà trông em tôi chẳng béo lên được chút nào. Nó xanh bủng và ngơ ngác như một chú ngan con vậy!

Buổi trưa hôm ấy, tôi đang ôn bài thì nghe tiếng gõ ra hiệu của thằng bé. Chị em tôi đã nhất trí với nhau là khi cần gọi thì cứ gõ vào tường ba cái. Tôi đi ra, ghé tai vào "lỗ chuột". Tiếng thằng bé ở bên kia tường vọng sang. Cái giọng run run ảo não của nó khiến người nghe phải động lòng. Em tôi nói:

- Chị Thúy cho em vay bát cơm. Mẹ em đi từ sáng tới giờ chưa về. Em đói quá!

Tôi lạnh người. Em tôi đã nghĩ ra cái chuyện "vay cơm", "mẹ em", "bố chị" này từ bao giờ vậy? Phải chăng vì nhẫn tâm, vô tình mà những người lớn đã gieo vào trái tim ngây thơ của nó sự cách xa và quên lãng? Tôi bảo em:

- Sang đây với chị.

- Mẹ em khóa cửa rồi.

Tôi đã định bưng cơm sang cho em. Nhưng chợt nhớ ra là mẹ tôi mới làm cái cổng sắt phía ngoài sân nên có đưa cơm em tôi cũng không ra lấy được. Hằn học nhìn bức tường, tôi ức trào nước mắt. Và có lẽ nỗi uất ức ngấm ngầm với mẹ bị vùi lấp xưa nay đã bùng lên trong tôi một ý thức phản kháng: "Được rồi! Tôi đã có cách..." Đưa mắt quan sát ước lượng chiều cao của khoảng tường thông xuống gian bếp. Tôi chồng ghế leo lên chái hồi nhà bếp rồi từ chái hồi bếp tôi tụt xuống vào gian em tôi ở. Thấy tôi, nó nhảy cẫng lên, cười tít mắt:

- Chị làm thế nào mà chui được sang đây?

- Chị bắc ghế leo qua bếp. Thấp thôi mà! Tôi nói.

- Hay là - em tôi đề nghị - Chị cho em sang với chị? Em ở nhà một mình buồn lắm. Mẹ em đi suốt ngày...

- Để chị đi kiếm cái gì cho em ăn đã rồi chị bày cách cho em leo tường. Leo dễ thôi nhưng em có dám leo không đã?

- Em leo tốt! Chỉ sợ không có ai đỡ em lên xuống.

Thấy tôi đưa bánh ra, em tôi lắc đầu:

- Em không ăn bánh đâu! Bánh mẹ em để đầy trong tủ kia kìa! Chị có ăn em lấy cho mà ăn, em chỉ thèm cơm thôi.

Suốt đời, em tôi sẽ không còn được ăn bát cơm chung với tôi nữa. Khi nó leo lên tới mái bếp và đang tìm cách tụt xuống thì nghe có tiếng léo nhéo của lũ trẻ hàng xóm báo tin mẹ tôi về. Vốn nhút nhát và bị bệnh yếu tim từ nhỏ, nó cuống lên trượt chân rơi quật từ nóc bếp xuống, đầu đập vào chân tường ngất lịm. Lúc mẹ tôi mở được cửa và hàng xóm nghe thấy tiếng hét của tôi đổ xô tới thì em tôi đã tắt thở!

Khỏi nói về sự gào khóc của tôi đến mức nào. Mọi người càng xúm đen xúm đỏ. Những lời thở than, những lời trách móc. Một vài ông bà già chì chiết mẹ tôi không nể.

Sau khi em chết, mẹ tôi như người hóa điên. Bà nói cười lảm nhảm, tóc tai rã rượi khóc gọi tên em tôi. Cô dì chú bác khuyên tôi về ở với mẹ nhưng tôi không chịu. Cái chết đói như con khỉ bị nhốt của em tôi còn đó! Tôi quên sao được? Cha tôi vẫn chưa về. Khi tĩnh tâm lại, mẹ tôi dỗ dành tôi về ở với bà mãi, rồi gục đầu vào người tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi xót xa cho mẹ, đau đớn cho thân phận mình nhưng tôi vẫn cương quyết từ chối.

Cha tôi về, nghe tin em tôi chết, ông hộc lên một tiếng rồi chạy bổ vào túm lấy mẹ tôi. Cánh tay ông vung lên rồi bỗng bất lực hạ xuống. Ông không khóc nhưng mắt ông ngầu đỏ và hai hàm răng cứ nghiến trèo trẹo khiến tôi phát sợ. Khách khứa bà con kéo đến đầy nhà, mỗi người an ủi một câu nên cha tôi cũng nguôi dần. Suốt đêm ấy, nằm giường bên này, tôi nghe cha tôi vật vã ở giường bên kia với những tiếng nấc âm thầm bị kìm nén. Sáng hôm sau, cha tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc, gói ghém đâu vào đấy rồi dắt tôi sang nhà mẹ tôi. Ông lừ lừ nhìn mẹ tôi từ đầu tới chân. Chưa bao giờ tôi thấy ánh mắt cha tôi dữ dội sầu thảm đến thế. Ông chậm rãi nói với mẹ tôi:

- Tôi nhường lại cho cô toàn bộ cái nhà này. Nhưng với một điều kiện là cô phải phá bức tường ấy đi. Đồ đạc còn lại, cô muốn dùng thứ gì tùy ý. Tôi sẽ đem con bé đi...

Như một kẻ ốm bị thêm một trận đòn, mẹ tôi lặng người không nói được gì. Bà trân mắt nhìn cha con tôi hồi lâu rồi òa khóc. Tôi đứng nhìn hai người, không thể khóc được nữa. Dường như những nỗi cay đắng bất hạnh đến với tuổi thơ quá nhiều đã sấy khô dòng nước mắt vốn dễ òa chảy của một đứa trẻ như tôi.

... Ít năm sau, mẹ tôi lấy chồng: một người đàn ông trẻ đẹp có chức vụ. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần gặp tôi, bao giờ mẹ tôi cũng sụt sùi than thở cho số phận đen đủi của mình. Mới có mấy năm mà mẹ tôi đã thay đổi đi rất nhiều. Một lũ con trai ra đời cùng với sự suy sụp về mặt tinh thần đã lấy đi cái nhan sắc tươi thắm của mẹ.

Thời gian sau, tôi vào đại học rồi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cha tôi đã về hưu. Ông vẫn sống một mình ở căn nhà nhỏ ở phía ngoại ô bắc thành phố. Tôi viết thư nhiều về cho cha và được biết ngôi nhà cũ của chúng tôi giờ đã được chuyển sang cho một hộ khác ở. Hàng năm, vào ngày em tôi mất, cha tôi lại đến đó để thăm lại ngôi nhà. Bức tường vẫn nằm y nguyên ở vị trí cũ nhưng nó đã không còn là một nỗi ngăn cách kinh hoàng với những người chủ mới trong căn nhà ấy nữa. Người ta đục nó ra làm một cái cửa xinh xắn cho một gian phòng cưới. Đôi vợ chồng mới ấy sẽ sinh con và tôi tin chắc rằng, những đứa trẻ ấy sẽ không bao giờ phải chịu cái cảnh ngăn chia bít bùng như chị em tôi nữa. Suốt đời, tôi chỉ có một ước mong là đừng có ai phải sống như chị em tôi ngày xưa nữa.

N.T.M.D
(SH26/8-87)






 

Các bài mới
Tâm hồn (16/08/2013)
Các bài đã đăng
Đêm ngâu vào (08/08/2013)