Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-13)
Những chuyên đề về Huế trên Sông Hương
15:01 | 19/06/2013

TRẦN NGUYÊN

Hòa nhập với làng văn nước nhà, Sông Hương còn phải chở nặng phù sa văn hóa của chính nơi mình sinh ra. Mấy năm trở lại đây, Sông Hương tạo được ảnh hưởng trong giới độc giả với nhiều chuyên đề văn học mang tính chất khai mở, dám nói và làm những hiện tượng, trào lưu văn học còn ngại ngần.

Những chuyên đề về Huế trên Sông Hương

Đó là những chuyên đề như “Dấu ấn Hậu hiện đại”, chuyên đề “Thơ Tân hình thức”; hai chuyên đề sau này một số tờ báo và tạp chí uy tín cũng đã “khởi động”, và những bài viết quan trọng trong đó được công bố lại. Chứng tỏ, vấn đề một khi chưa được nhìn nhận thấu đáo luôn tạo ra những rào cản không đáng.

Sông Hương còn có một số chuyên đề gắn với Huế, gắn chặt với những trăn trở và cả nỗi đau của Huế nữa: “Chuyên đề Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh”, “Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, 7 thập kỷ Đây thôn Vỹ Dạ”, “Kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha”, “Kỷ niệm 10 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ” v.v.

100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Tịnh (12/12/1911 - 2011) và 70 năm ra đời “Tôi đi học” - Chuyên đề này thật sự tươi mới và gợi lại cái cảm xúc chân thành không bao giờ cũ dẫu tuổi thơ “già cỗi” trong mỗi người từng được mẹ cha dắt tay đến lớp. Thú vị nhất là bài viết “Thanh Tịnh, Quê Mẹ” so sánh hình ảnh sinh động trong “Tôi đi học” với khung cảnh cậu học trò nhỏ tung tăng đến trường từ tập truyện Cuốn sách của bạn tôi của văn hào từng nhận giải Nobel năm 1921 Anatole France.

Nhiều bài vở chất lượng nêu lên những vấn đề rất mới về đời và sự nghiệp thơ văn hai nhân vật tài danh Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ. Những kỷ niệm mới, những nhận định mới về các giá trị cũ gần như mặc định trong giới phê bình; đặc biệt là một số tác phẩm của họ chưa công bố nằm đâu đó trong bạn bè người thân. Chuyên đề về Trịnh Công Sơn với sự góp mặt của nhiều tác giả vốn thân thiết và hiểu rõ về tác giả như Bửu Ý, Đinh Cường, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hoàn...

Tác giả Nguyễn Hoàn từng viết nhiều bài tâm đắc về Trịnh dành riêng cho Sông Hương. Bài “Con người minh triết trong nhạc Trịnh Công Sơn” là một cách tiếp cận có thể nói sâu sắc nhất từ xưa đến nay. Qua sự soi chiếu của anh đã làm sáng rỡ tính chất triết học trong con người Trịnh. “Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài. Sau cơn bão qua im lặng mặt người, nghe bao nỗi đau trên một bàn tay”. Người học Thiền đều biết đến công án “Tiếng vỗ một bàn tay”; khi đưa vào nhạc phẩm mới thấy mức độ nhạy cảm thâm sâu của người nhạc sĩ này. Một bàn tay thì không thể tạo ra âm thanh nếu người tu không xoay mình hướng nội, lắng chìm trong tự tánh vĩnh hằng. Nỗi đau trên một bàn tay không dữ dội, nhưng là sự hụt hẫng sâu hoắm không thể nào bù đắp.

Nếu Trịnh Công Sơn là “giọt máu của Huế”, thì Bửu Chỉ là “giọt thời gian vương trên Cố đô”. Mười năm sau ngày mất của Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền “tìm ra” “9 bức tranh chưa từng được phổ biến trong một tập tranh khổ “siêu nhỏ” được vẽ bằng bút sắt”. Chuyên đề này là Tiếng vọng một đời người (Đinh Cường). Cuộc đời anh như Cú nhảy vào thiên thu và cuộc truy hoan sắc màu với vô thường (Bửu Nam). Lê Minh Phong thì bắt gặp trong thế giới của Bửu Chỉ Sự phi lý của cuộc sống, “sự ước lệ của không gian và kể cả độ sâu huyền bí nguyên thủy; là sự va đập mạnh mẽ giữa họa tiết và màu sắc, sự va đập này luôn kéo không gian mở ra, đôi khi sự lan tỏa của không gian vượt qua mọi giới hạn của tư duy, kéo lê cái tưởng tượng của người xem bằng sự vón cục của màu sắc hòa cùng với sự thanh thoát nào đó ẩn sau đường nét”. Và sau hết, ông là Triết gia của sắc màu (Lê Huỳnh Lâm), “mở cánh cửa đã được niêm yết bởi cuộc đời đầy rẫy những âu lo, sợ hãi, mưu toan...”.

Chuyên đề về nhà thơ Ngô Kha và họa sĩ Bửu Chỉ, đã góp nhiều “bài đinh” vào hai cuốn sách dày dặn và sang trọng: Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu; Bửu Chỉ - đường bay nghệ thuật & ký ức trần gian. Có tính phát hiện và hấp dẫn, ấy là những yếu tố cần thiết khi thực hiện những chuyên đề tưởng “cũ càng” mà Sông Hương đã làm được và luôn hướng tới.

Trần Vàng Sao, một nhà thơ rất “cá biệt” của Huế, lần đầu tiên sau hàng chục năm trầm lặng bỗng xuất hiện một cách rạng rỡ trên Sông Hương nhân dịp trường ca Gọi tìm xác đồng đội được ấn hành. Chính ông và rất nhiều người hết sức ngỡ ngàng khi Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình đăng lại trên Sông Hương, điều mà sau “sự vụ” ngày ấy nó bị phủ bụi cho đến bây giờ...

Chuyên đề Festival luôn được chuẩn bị rộn rịp nhất. Bởi phần lớn những bài cơ bản đều nhờ anh em trong ban biên tập. Có thể vấn đề cũ nhưng cái nhìn phải mới. Nếu là nhân vật, bài viết thường được viết dưới dạng ký văn học, nhìn nhận đúng giá trị sản phẩm và phần nào đó đi sâu vào tâm thế, phong cách làm việc cũng như những ưu tư với nghề của người tạo ra nó (về các nghệ nhân như Lê Văn Kinh, Lê Văn Xanh). Hoặc đó có thể là một bài tổng quát về chiều sâu văn hóa của lễ hội, tính chất riêng biệt hấp dẫn của Festival Huế như Sự mê hoặc của văn hóa... Lồng trong các chuyên đề Festival luôn có những bài viết về đô thị Huế, gợi nên nhiều ý tưởng, góp tiếng nói để đô thị Huế sớm xứng danh thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó là những chuyên đề quan trọng khác: “Lụt”, “Làng”, “Nông thôn mới”, “Một thoáng trẻ”. Làng - nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ. Tiếng “Làng” vang lên như một nỗi nhớ mơ hồ và mong manh, song nó “chống đỡ bền vững cho cơ thể Việt Nam đang ưỡn mình trước đại dương mênh mông” (Nguyễn Hữu Thông). Thực hiện chuyên đề làng, Sông Hương muốn níu lại những gì đã và sẽ mất đi bởi ồn ào đô thị. Ở đó có những người mẹ vẫn đợi con quay về. Ở đấy vang lên tiếng chim bên Dậu thưa; có Tiếng trống đình dồn dập truyền đi những thông điệp quá vãng. Về ngôi làng mang mang nỗi nhớ, tiêu đề như một câu thơ dồn nén bao luyến tiếc ngậm ngùi của người rời xa ngôi làng thứ hai gắn bó trong đời “từ bao giờ, đó đã là quê hương”.

Cũng liên quan mật thiết đến Làng, nhưng là những ngôi làng trằn trọc trở mình, những ngôi làng “trở dạ” trước những biến động và tiêm nhiễm từ phù hoa đô hội được gom vào chuyên đề “Nông thôn mới” trên Sông Hương số Đặc biệt tháng 6/2012. Đọc Giấc mơ trù mật (Hồ Trường An), Trên những giấc mơ xanh (Lê Tấn Quỳnh)... chúng ta mới hiểu: “Đất không hề vô tri vô cảm. Đất biết yêu thương, dâng hiến, căm thù, vui buồn và hờn giận”...

Chuyên đề “Một thoáng Trẻ” được hình thành từ Trại sáng tác Trẻ do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức; là một chuyến thâm nhập thực tế thú vị của những cây viết trẻ. Họ đã có dịp đến với những địa chỉ đặc trưng như Chiến khu Hòa Mỹ, làng cổ Phước Tích. Những trải nghiệm thực tế đầy sinh động đã thổi sinh khí vào tác phẩm. Đi qua những vùng đồi của Huế như Nam Đông, A Lưới, đi qua những vùng quê pha tạp phong cách và lối sống thị thành, chợt thấy ngậm ngùi bâng khuâng. Không hẳn đô thị vươn tay về làng đều tạo nên mặt trái nhưng phần lớn những vùng đồi, những ngôi làng như vậy đang có nguy cơ già đi và... lâm bệnh.

Nhìn lại những chuyên đề mà Sông Hương đã thực hiện, nhẽ ra phải nhắc trước hết đến chuyên đề “Lụt”. Chuyên đề kỷ niệm thảm họa Đại hồng thủy cách đúng 10 năm trước đó. Lụt Huế (Lê Huỳnh Lâm), 10 năm thương lắm Huế ơi! (Trần Hữu Lục), Huế trong mùa nước nổi (Trần Hạ Tháp), Về quê mùa bão lụt (Nguyễn Đặng Mừng), Trời hành cơn lụt mỗi năm (Trần Kiêm Đoàn), Những đoản khúc từ đỉnh lũ (Hồ Đăng Thanh Ngọc), Thầy và trò và cơn đại hồng thủy (Lê Vĩnh Thái)... Những cái tên gợi lên bao mất mát và tang thương.

Trong các chuyên đề gắn với Huế, “Lụt” là chuyên đề nặng lòng nhất, không chỉ ở tính bao quát và trực diện của đề tài mà hơn hết đó là sự nếm trải, là nỗi đau của chính những người viết. Những đoản khúc từ đỉnh lũ như “những thước phim vàng” sinh động về cảnh con người và loài vật chao lộn “trên dòng sông chết”. Cảm động hơn là ký ức của thầy giáo Lê Vĩnh Thái, người bất chấp hiểm nguy ở lại vùng lũ dữ dẫn dắt học trò tránh được thảm họa đau lòng... Điều đặc biệt là chuyên đề này được thực hiện giữa thời điểm Huế cũng đang hứng chịu một trận lụt khác. Nỗi niềm nhân lên, những trang viết nhờ đó trĩu nặng ưu tư, đọng lại trong lòng độc giả dài lâu một khi Huế vẫn còn lụt.

Những chuyên đề về Huế trên Sông Hương đã vượt qua tính thời sự, soi đến tầng sâu văn hóa, phơi lộ những giá trị nhân văn đặc trưng của vùng cố kinh xưa.

T.N
(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Cỏ non xanh... (27/06/2013)
Các bài đã đăng