Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-13)
Cỏ non xanh...
15:18 | 27/06/2013

VÕ NGỌC LAN

Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

Cỏ non xanh...
Ảnh: internet

Huế đang bắt đầu vào Hạ, đã nghe nhiều tiếng ve râm ran. Không biết ve ở đâu về mà trưa nào cũng tấu lên khúc nhạc bất tử, khiến bao người đi đường ngước mắt lên hàng cây. Trong vòm lá xanh ấy, điệu nhạc ve sầu rộn rã với loài ve trốn mình trong lá xanh non nên chỉ thấy màu cây lá xanh giữa một Huế rất xanh.

Hầu như ai đứng trên cầu Trường Tiền nhìn dòng sông xanh ngắt với màu nước xanh, của bầu trời xanh và của cây cối hai bờ soi bóng đều thấy Huế xanh biêng biếc, long lanh như viên ngọc xanh. Trong tổng thể xanh ấy, không thể không nhắc đến sự góp mặt của thảm cỏ ven sông Hương. Dù nhìn sông Hương ở góc độ nào hay đứng ở vị trí nào thì bờ cỏ non tơ ấy vẫn hiện ra mồn một trước mắt người. Là cỏ dại nhưng thảm cỏ đó mịn màng như đám mạ non, dịu dàng như cô gái đang thơ bởi chất ngọt của nước sông đã làm cho màu xanh đó thêm ngọt ngào. Đúng là dòng sông Hương đã đẹp hẳn lên nhờ bãi cỏ non đó để thêm nét điểm trang dịu dàng cho bên bồi bên lở.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Xuân, cỏ trên bãi bồi ven sông Hương lại lên xanh mơn mởn. Màu xanh đó như làm cho dòng sông trong trẻo hơn, xinh đẹp hơn, thêm nét trẻ trung để ai biết sông đã qua bao tuổi. Trong màn sương sớm, màu xanh đó làm dịu mát tâm hồn với nhiều hy vọng. Như ý nghĩ Tố Như viết Kiều ở Huế, phải chăng ông đã từng lấy dòng sông Hương để làm cảm hứng? Khi nhà thơ tài danh ấy viết “Cỏ non xanh...” ít ra ông cũng đã nhiều lần nhìn thấy sông Hương xanh vì màu cỏ non xanh. Buổi chiều về qua cầu Trường Tiền, vệt nắng chiều sắp tắt cũng đủ làm bờ cỏ xanh ánh lên màu xanh ngọc bích. Câu thơ của Nguyễn Du viết về tháng ba nhân Tiết Thanh Minh trong Kiều thêm lần nữa lại rưng rưng cảm xúc:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa


Không biết vùng cỏ non “Phương thảo liên thiên bích” trong thơ thi hào họ Nguyễn ở đâu, chứ bãi cỏ ven sông Hương xứ Huế đúng là “Phương thảo thê thê Anh vũ châu” (Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi - Thôi Hiệu). Với những người đã quá quen với Huế thì cũng lâu lắm rồi bãi bồi ven sông đã trở thành cái diềm màu xanh ngồ ngộ cho dòng sông. Màu cỏ non như màu mạ non xanh đã là một gam màu đẹp cho bức tranh bầu trời, sông nước xứ Huế. Đứng ở bất cứ nơi nào của dòng sông, dù bên tê hay bên nớ, đều thấy những diềm cỏ non xanh nhẹ nhàng, dịu dàng như cô gái Huế. Nếu sông Hương thiếu đi bãi cỏ non ấy, hẳn dòng sông sẽ thiếu đi chút điểm trang thơ mộng và Huế sẽ thiếu đi tấm thảm cho hoa rơi để mùi thơm của hoa làm sao thơm được cho dòng sông!

Lâu lắm rồi người ta đã quen nhìn màu xanh của đám cỏ non ven sông. Vạt cỏ mơn mởn tràn đầy sinh lực ấy sống bên dòng sông Hương suốt hai mùa mưa nắng. Mỗi ngày cỏ lại xanh hơn như níu giữ đám lục bình thôi đừng trôi về phía hạ lưu. Ở đó đám trẻ tha hồ đuổi bắt hay thả diều để cánh diều được lên cao và làm duyên với dòng sông. Thỉnh thoảng lại có cặp tình nhân ngồi trên bãi cỏ say sưa ngắm cầu Trường Tiền hay nhìn sang phố xá bên kia. Người ta bảo Huế có nhiều người làm thơ, thi nhân nổi tiếng đều có thơ về Huế quả thật không sai. Chẳng biết bãi cỏ ven sông này đã bao lần tạo thi hứng cho tao nhân mặc khách. Nếu đi dọc dòng sông xuôi ngược hai đầu, điểm nào trên sông cũng xanh, tạo nên một thành phố xanh đến mức tuyệt vời. Cỏ ở đây như được nuôi dưỡng bởi phù sa của dòng sông nên có màu xanh ngút ngàn, làm dày thêm màu xanh của Huế. Trong nắng gió mênh mang ấy, Huế được ru bởi những lời ca của cây lá cùng với lời thì thầm của dòng sông thơ. Những cơn mưa mùa Hạ kéo qua, cây cối lại xanh hơn. Khi mặt trời ló dạng, hình như có ai đó trên trời đã làm rơi hàng ngàn viên ngọc trên bãi cỏ xanh nên Huế lung linh hơn và màu xanh đó càng thêm lộng lẫy. Mùa mưa, dòng sông chìm trong mênh mông nước, chỉ thấy màu xanh mờ nhạt rồi nước dâng cao, thay thế là những đám lục bình trôi dạt. Không ai biết loài cỏ non đó ở đâu? Khi nước rút, cỏ biến mất dưới lớp phù sa dày lớn. Những hàng cây rũ bóng như tìm xem dưới mông lung của đám bùn bí ẩn kia đâu là loài cỏ dại.

Lớp phù sa trên sông được bồi thêm mỗi ngày như có người miệt mài cho nó thoai thoải láng mịn. Năm nào cũng vậy, sau đợt mưa rét kéo dài, hình như trời đã kịp gieo trên bãi bồi những hạt giống mới. Rồi để một sớm mai người ta thấy ở đó phủ một màu xanh mới khi những cọng cỏ non tinh khôi bắt đầu vươn lên. Cái màu xanh mới nhú mầm từ lớp bùn đen ấy thật đẹp, gây ngạc nhiên thích thú cho người ngang qua. Trong bức tranh màu xanh đó, đẹp nhất vẫn là bãi cỏ bắt đầu từ chân cầu Trường Tiền kéo dài đến cầu Phú Xuân. Đã có người bảo nhìn đám cỏ mịn ấy như chiếc gối nhung, cứ ao ước được gối đầu lên đó mà ngủ. Thì có ở đâu một dòng nước xanh - bãi cỏ xanh - hàng cây xanh và thêm một bầu trời xanh đầy thi vị như thế? Có được cảm xúc đó cũng dễ hiểu bởi khi chạm đến cái đẹp hầu như ai cũng có chút lâng lâng. Cứ trải mắt nhìn cỏ hồn nhiên chen chân, lạ thay như có người chăm sóc, như giữ cho nơi này cái đẹp hồn nhiên lạ lùng. Cỏ dại khờ như đời sống trinh bạch vốn có. Nơi đây cỏ với cuộc sống của chúng đã có thế giới riêng đầy mơ mộng bởi nơi ấy dù có người dẫm chân đến thì chẳng ai làm đau chúng. Bởi vậy khi thấy nhiều du khách đứng ở chân cầu, đặt góc máy thật thấp để thu chút hình ảnh đó vào ống kính, mới thấy cái đẹp thật giản dị. Tự thân cỏ dại với đời sống riêng của mình đã không làm ai lãng quên. Thích nhất là trên bãi cỏ non ấy mỗi sớm mai lại đầy nhiều sắc hoa vàng rơi rụng, màu của hoa điệp, hoa tràm mọc ven sông. Nếu trong Kiều, làm đẹp cho màu xanh là màu trắng của hoa lê, còn bên dòng Hương này vẫn có hoa của bốn mùa cho cỏ dại đẹp hơn. Hãy bắt đầu bằng sáng mai nào đó, khi đi qua cầu sẽ thấy bãi cỏ non có rất nhiều hoa rơi. Trước khi hóa thân vào đất, loài hoa đã thêm một lần làm đẹp cho đời nhờ đôi tay nâng niu của cỏ. Đôi lúc lại cứ nghĩ bãi cỏ non ấy là rèm mi non tơ của cô gái mang tên sông Hương. Hình như những điều dòng sông Hương muốn nói đã được góp nhặt nên lời sau những cái chớp mắt của một hàng mi đẹp.

Dù không vời vợi “xanh tận chân trời” thì màu cỏ non xanh đã tô điểm thêm một khoảng trời mộng mơ xứ Huế. Đi giữa vùng đất xanh, chút xanh ấy cũng đủ làm dịu mát đi chút hanh nắng giao mùa. Để vẫn thấy cỏ xanh, với màu cỏ non xanh tận chân trời.

V.N.L
(SDB9/6-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Quán gió (24/06/2013)
Trăng (21/06/2013)