Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Một dòng tràn ý biếc
14:47 | 17/06/2013

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Trong tủ sách của tôi, sau bao dâu biển, còn lại một cuốn Sông Hương hai mươi mấy năm trước, trong đó có thư trả lời độc giả của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hình như là Tổng Biên tập.

Một dòng tràn ý biếc
Nhà văn Nguyễn Đức Tùng - Ảnh: internet

Bức thư làm tôi ngạc nhiên, vì vậy tôi giữ lại, mỗi lần dọn nhà lại nhét vào đáy vali. Đi qua bao thăng trầm của đời người, gồm ba cuộc tình tan vỡ và bốn cuộc gặp lại tha thứ huy hoàng, mà tờ tạp chí kia vẫn còn theo tôi đến nay như một nỗi ám ảnh từ quê nhà.

Người xa quê không được đọc nhiều. Sông Hương là tờ báo giấy duy nhất mà tôi còn nhận được đều đặn. Bây giờ mọi người đều đọc trên điện toán, trên Iphone, riêng tôi mỗi lần cầm tờ tạp chí, sờ tay lên bìa trơn và mịn, tranh vẽ thật đẹp, lại có cảm giác êm dịu ấm áp như ngồi uống cà phê với bạn bè bên cầu Trường Tiền dưới tàn phượng đỏ hôm nào. Vì Huế là một phần của tâm hồn tôi, tuy không phải là nơi sinh ra, nhưng là nơi tôi đã sống tuổi thơ những ngày kỳ tuyệt. Nhiều bài thơ tôi viết trong khi nghĩ về Huế mà không hề nói ra. Trong đời người, có những kỷ niệm, đoạn đường, có ảnh hưởng lớn đến nỗi khi có ai bất ngờ hỏi về chúng, mình không biết bắt đầu ra sao.

Tôi thích Sông Hương vì một thời đổi mới lừng lẫy và vì vài ba năm gần đây nó đã bắt đầu lấy lại phong độ cũ. Hình như số nào cũng có một bài chủ đạo, như phê bình, giới thiệu tác giả hoặc tùy bút, ký sự. Theo tôi, truyện ngắn và thơ nên có những chủ đề tập trung hơn nữa. Phần “lễ lạc” nên bớt đi nhường cho sáng tạo. Trong mấy năm gần đây tôi mê tranh đẹp của Đinh Cường, Đặng Mậu Tựu, Phan Ngọc Minh... chú ý những trang đặc sắc của Bửu Ý, Trần Đình Sử, Nguyễn Tiến Văn, Bửu Nam, Đặng Tiến, Thái Kim Lan, Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Tô Nhuận Vỹ, Đỗ Quyên, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà, Trần Thùy Mai, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường, Mai Văn Hoan, Dương Khánh Phương, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Hồ Thế Hà, Nguyễn Khắc Phê, Võ Thị Xuân Hà, Phan Trung Thành, Khế Iêm, Đông Hà, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang… Tôi nghĩ, trong tình hình chung của văn học cả nước, một nền văn học đang suy yếu, ngày càng nặng về giải trí, Sông Hương tuy chưa tạo ra được khúc quanh đột ngột như thời đổi mới, nhưng đang đi những bước táo bạo về phía tiền phong và đa nguyên văn học nghệ thuật, thật đáng yêu, đáng quý.

Như vậy mới phải, vì phong thủy Huế thích hợp cho sự đa nguyên văn hóa, phồn tạp, đệm vào nhau, đan vào nhau, hòa hợp. Không gian Huế là đô thị nhưng yên tĩnh như làng quê. Vì vậy mà Sông Hương quyến rũ được nhiều cây viết từ mọi miền, mãnh liệt bên trong mà hiền lành bên ngoài. Trong ca khúc Danube Xanh do Phạm Duy dịch có một lời thật đẹp: “một dòng tràn ý biếc”, có thể dùng để nói về nội dung và hình thức của Sông Hương. Nhưng bạn muốn con sông của chúng ta chảy nhanh lên hay muốn nó chảy chậm lại?

Mong ước của tôi là: tranh luận nhiều, bài vở và số trang nhiều. Mỗi kỳ tạp chí có một chủ đề rõ ràng, với ít nhất một bài chủ đạo. Ban biên tập có “đơn đặt hàng” cho các tác giả quan trọng. Lời chúc riêng của tôi dành cho tạp chí: cách tân hơn và dân tộc hơn, táo bạo hơn và thuần phác hơn nữa. Nhân tiện, tôi cũng muốn hỏi, ai đã đặt tên cho Tạp chí Sông Hương mà tài tình quá vậy?

N.Đ.T

 

Nhà văn Lê Minh Khuê - Ảnh: internet

Nhà văn Lê Minh Khuê:

Những năm mới có những chuyển biến mà ta gọi là thời kỳ đổi mới, văn chương rầm rộ làm cái việc gọi là phản ánh hiện thực. Những gì gay cấn một chút người ta bảo nhau gửi Tạp chí Sông Hương. Ngày ấy mình không in gì ở Tạp chí Sông Hương vì tính mình, hễ thấy ai hăng hái thì mình lùi lại, làm gì thì để sau giống như thích đọc báo nguội vậy. Không in gì nhưng mình đọc tạp chí say mê vì đã lâu lắm mới có một tờ tạp chí hội tụ những gương mặt “đẹp” của làng văn, hội tụ nhiều vấn đề bức bối lâu nay chưa được nói ra. Đọc đã lắm. Rồi thời thế lại phải quay cái vòng quen thuộc của nó. Mọi thứ chậm lại, thậm chí dừng lại. Tiếc. Nhưng nghĩ cho cùng, không thế cũng không xong! Bây giờ thỉnh thoảng cũng được đọc tạp chí, thấy vẫn có chút gì đó của những năm đầu đổi mới, ở cách nghĩ. Thỉnh thoảng có những cái in ở nơi khác không tiện nên gửi ở đây và được in. Hy vọng tạp chí sẽ trở lại phong độ cũ, là nơi hội tụ của cái đẹp, cái sâu sắc của văn chương.

(SH292/06-13)




 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng