Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Một cuộc sống khác của Sông Hương
16:56 | 17/06/2013

PHẠM PHÚ PHONG
(Nhìn lướt qua các tuyển tập kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương)

Cũng như người, sông có đời sông. Nhưng người có tuổi, còn sông không có tuổi. Không ai biết dòng sông chảy qua kinh thành gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử một vùng đất có từ bao giờ? Nhưng cách đây ba mươi năm đã ra đời một cuộc sống khác, một dòng chảy khác, tồn tại song song với nó, góp phần khẳng định và phát huy đời sống tinh thần của con người xứ Huế, đó là Tạp chí Sông Hương.

Một cuộc sống khác của Sông Hương

Khác với hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của nhiều tờ báo văn nghệ Trung ương và địa phương, ở Huế, Sông Hương là tờ báo văn nghệ duy nhất; là tiếng nói của văn nghệ sĩ, trí thức xứ Huế, nhưng đồng thời có sức thu hút và lan tỏa, trở thành diễn đàn của cả nước và văn nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài. Sông Hương, tuy chất lượng mỗi số, mỗi giai đoạn không đồng đều, nhưng chưa bao giờ là tờ báo địa phương. Sông Hương ngay từ đầu đã thế và cho đến nay, sau ba mươi năm, đặc điểm mang tính ưu việt này vẫn còn giữ được và ngày càng phát huy, khác với nhiều tờ văn nghệ địa phương khác.

Cách đây mười năm, nhân kỷ niệm hai mươi năm thành lập tạp chí, Ban Biên tập đã tuyển chọn và cho ra mắt bốn tuyển tập Sông Hương văn, Sông Hương thơ, Sông Hương phê bình và đối thoại, Sương Hương dòng chảy văn hóa. Lần này, nhân kỷ niệm ba mươi năm thành lập, công việc này cũng được Ban Biên tập tiếp tục thực hiện trong mục tiêu cố gắng nâng cao chất lượng, cũng trên các mảng thể loại chính đã làm nên vóc dáng và diện mạo của Sông Hương lâu nay. Đó là tuyển thêm mười năm tiếp theo đối với thơ, lý luận phê bình và dòng chảy văn hóa, còn đối với văn xuôi, lần này chỉ tập trung vào thể loại chủ yếu làm nên diện mạo văn xuôi Sông Hương, đó là truyện ngắn và không chỉ tuyển mười năm tiếp theo, mà vươn dài ra cả ba mươi năm. Là người có may mắn được đọc lướt qua bản thảo của cả bốn tuyển, tôi xin ghi lại những cảm nhận bước đầu điểm qua còn lưu lại ấn tượng của mình.

1.

Về tập truyện ngắn, so với tuyển văn lần trước có cả ký và trích tiểu thuyết (không phải là các thể loại mạnh của một tờ tạp chí ra định kỳ hàng tháng), lần này chỉ chuyên sâu vào một thể loại là truyện ngắn. Với hơn 300 số tạp chí, mỗi số có ít nhất ba truyện ngắn trở lên, vị chi có đến hàng nghìn truyện ngắn của hơn 500 tác giả đã được giới thiệu, nay chỉ có 78 truyện của 78 tác giả được tuyển chọn làm nên tập sách này, quả là ít ỏi và khó mà khái quát đầy đủ diện mạo truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương. Sông Hương ra đời năm 1983, đêm trước của thời kỳ đổi mới, nên truyện ngắn xuất hiện trên tạp chí thể hiện rõ vòng sinh quyển của không khí đổi mới. Ngay cả những tác giả thành danh về truyện ngắn trong và sau chiến tranh như Hồng Nhu, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Duy Phiên, Thái Ngọc San, Nguyễn Quang Hà, Hà Phạm Phú, Hà Khánh Linh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bản, Từ Nguyên Tĩnh, Thái Bá Tân, Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Bảo Ninh... cũng là những cây bút luôn có khát vọng đổi mới, có tư duy năng động và hiện đại, phù hợp với tiến trình vận động của tư duy sáng tạo nghệ thuật, mới là những người đến với Sông Hương, thường xuyên có mặt trên trang truyện ngắn. Vì thế, khi công cuộc đổi mới diễn ra, họ bắt nhịp rất nhanh, như đã chuẩn bị cho cuộc khởi động âm thầm từ trước, họ trở thành những cây bút giữ cho sự phát triển liền mạch của tư duy truyện ngắn và tác phẩm của họ trở thành sản phẩm của thời kỳ đổi mới. Đọc những truyện ngắn như Lễ hội ăn mày của Hồng Nhu, Gã kéo chuông nhà thờ của Thái Ngọc San, Hoa gạo đỏ của Ma Văn Kháng, Ngõ đạo miền hoang dã của Trần Duy Phiên, Sống chậm của Lê Minh Khuê, Đợi đến mùa hoa phượng của Nguyễn Quang Lập, Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai... chúng ta đễ dàng nhận ra điều ấy. Trần Thùy Mai là nữ nhà văn tiêu biểu cho xứ Huế. Truyện của chị, cái chất Huế toát ra từ hầu hết các yếu tố, các thành tố làm nên thế giới nghệ thuật, nhất là ở quan niệm nghệ thuật về con người và không khí của truyện. Triết lý nhân sinh không thể hiện qua câu chữ, mà đằm sâu trong tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm và cảm hứng chủ đạo của tác giả. Trăng nơi đáy giếng là câu chuyện về chị Hạnh, người phụ nữ yêu chồng, nhưng không có con, hy sinh hơn nửa cuộc đời cho chồng, cuối cùng phải về với cuộc sống tâm linh, bởi người chồng “trong mắt cô, ông chỉ còn là một tượng thần đã hết linh thiêng”. Thế hệ mở đường đầu tiên cho công cuộc đổi mới, tuy không phải là trái phá đầu tiên phát sáng khai hỏa như Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, nhưng lại là những tên tuổi tiêu biểu cho truyện ngắn Việt Nam dấn thân trên con đường đổi mới và hiện đại hóa hiện diện trên Sông Hương và đã được chọn vào tuyển tập như Nguyễn Huy Thiệp với Cún, Phạm Thị Hoài với Người đoán mộng giỏi nhất thế gian, Tạ Duy Anh với Dịch quỷ sứ, Ngô Tự Lập với Bảng chữ cái, Hồ Anh Thái với Một bước sau quận công,... Điều quan trọng hơn, nó trở thành một trào lưu chung, kéo theo nhiều tác giả trong cả nước cùng tự đổi mới mình, tự đập vỡ mình ra để làm lại chính mình, để gia nhập vào quỹ đạo của truyện ngắn hiện đại như Đoàn Lê, Cao Linh Quân, Hữu Phương, Thái Đào, Quế Hương, Nguyễn Bản, Khuê Việt Trường, Vũ Đảm, Cao Hạnh, Nguyễn Thanh Văn, Trúc Phương, Thái Bá Tân, Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Thế Tường, Trần Thị Trường, Trần Thanh Hà, Võ Thị Xuân Hà, Từ Nguyên Tĩnh, Đỗ Hàn, Khánh Phương, Nguyễn Đặng Mừng, Nhật Chiêu, Đức Ban, trong đó có nhiều tác giả sinh hoạt tại Hội Văn nghệ của tỉnh nhà như Vĩnh Nguyên, Lê Gia Ninh, Nhất Lâm, Dương Thành Vũ, Hoàng Việt Hùng, Phạm Xuân Phụng, Hạnh Lê, Tô Vĩnh Hà, Nguyên Quân... Thật khó mà kể hết danh tính và những đóng góp của các tác giả tiêu biểu cho truyện ngắn Sông Hương ba mươi năm qua có mặt trong tập sách này. Trong đó, không thể không nhấn mạnh đến những tín hiệu mới, những người “tiên phong” hết sức năng nổ, có những bứt phá, muốn vượt khỏi lối viết truyền thống, hoặc đã đặt những bước chân đầu tiên đến với chủ nghĩa hậu hiện đại như Hồ Đăng Thanh Ngọc, Bạch Lê Quang, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang... Không phải đợi đến truyện ngắn Những bức ảnh được tuyển vào tập sách này, mà trước đó, 23 truyện ngắn làm nên tập sách đầu tay Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (2011), Lê Minh Phong đã phá vỡ những mô thức kết cấu truyền thống, dàn dựng một không khí huyền ảo, được coi là một trong những tín hiệu mới, là cơn mưa đầu mùa có tia chớp trong quá trình hiện đại hóa thể văn này ở vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới.

Với truyện ngắn in từng số trên tạp chí, nhìn riêng từng năm hoặc hàng chục năm, không tạo ấn tượng mạnh mẽ bằng việc nhìn lại sự vận động của thể loại của cả ba mươi năm. Tất nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những trường hợp đột biến, gây những cơn địa chấn âm vang cả nước như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, những người mà chỉ cần “đưa tay chạm nhẹ vào cánh cửa văn học là lập tức trở thành nhà văn”, đồng thời cũng thiếu vắng giọng điệu văn chương đằm thắm phong vị xứ Huế như Trần Thùy Mai, Quế Hương, nhưng nhìn một cách bao quát, truyện ngắn trên những số Sông Hương sau này, tỷ lệ các truyện ngắn hay, ngày càng nhiều hơn, thể hiện những tìm tòi đổi mới theo các trào lưu hiện đại, thể hiện tư duy, bản lĩnh và sản phẩm của tri thức hiện đại. Cố nhiên, việc tuyển chọn mỗi người mỗi quan điểm khác nhau, nhưng lần tuyển chọn này trùng lặp với lần trước 24/78 truyện là hơi nhiều. Ví dụ, đành rằng Trăng nơi đáy giếng là truyện ngắn hay của Trần Thùy Mai, đã được dựng thành phim và đạt giải cao, nhưng chị còn có nhiều truyện khác hay không kém cũng đã từng được in trên Sông Hương. Dĩ nhiên, làm tuyển, có thể tuyển đi tuyển lại, nhưng sự lặp lại nhiều sẽ làm nhỏ tác giả và thể hiện sự nghèo nàn của trang truyện ngắn Sông Hương.

2.

Khác với truyện ngắn, ba tuyển thơ, lý luận phê bình và dòng chảy văn hóa chỉ tuyển mười năm. Mười năm thơ Sông Hương (2003 - 2013). Tuy lần này không có sự góp mặt của những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Yến Lan, Văn Cao, Hoàng Cầm... nhưng vẫn có sự hiện diện của các nhà thơ đã đi qua chiến tranh như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nhu, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Võ Quê, Đông Trình, Nguyễn Khắc Thạch, Hoàng Hưng, Trần Phương Trà, Nguyễn Hữu Quý... Tôi thử làm một phép thống kê, trong số 161 tác giả có mặt trong tuyển tập lần này, có 72 người đã có trong lần tuyển trước, điều đó chứng tỏ sức thu hút của trang thơ trên Tạp chí Sông Hương, đồng thời thể hiện sự gắn bó thủy chung của đội ngũ làm thơ và chính nơi đây đã góp phần tạo điều kiện để nhiều tác giả trở thành quen thuộc với độc giả cả nước như Mai Văn Phấn, Văn Công Hùng, Hồ Thế Hà, Dư Thị Hoàn, Lê Khánh Mai, Trương Đăng Dung, Nguyễn Việt Chiến, Trần Thị Huyền Trang, Phùng Tấn Đông..., trong đó, đặc biệt là có sự vươn lên khẳng định thi cách của các tác giả trẻ như Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Đông Hà, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Trung Bình, Từ Dạ Thảo, Trần Tuấn, Lưu Ly, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh... Có sự lặp lại qua hai lần tuyển, mới thấy được sự tự đổi mới của bản thân từng tác giả. Trần Vàng Sao, một giọng thơ góc cạnh, từng gây xôn xao dư luận, nay mở một ô ngăn trong ký ức về Thuở ấy mưa gió xa xôi, trở nên đằm thắm, chân chất:

thuở ấy mưa gió xa xôi
tôi làm người tình ngu ngơ đã đành
nên yêu em dại dột
em đi rồi tôi còn đứng mỏi chân
ướt át cây lá


Hoàng Phủ Ngọc Tường soi những câu thơ lục bát vào đêm tối, vẫn ánh lên những tia sáng lấp lánh của chất giọng trữ tình thế sự trong thi giới mang ý nghĩa nhân sinh của anh:

Thôi em cảm tạ con người
Đã thương đã ghét giữa đời vắng không
Đêm qua rơi xuống cội lòng
Vàng im ngọn lá ngô đồng thiên thu


Trong số 89 tác giả mới lần đầu xuất hiện trong tuyển tập này, một phần do Sông Hương có công phát hiện, trong đó có những tác giả đến với thơ khi tuổi đời không còn trẻ nữa, tính ra cũng khá đông, như Nguyễn Xuân Hoa, Diễm Châu, Đinh Thu, Phan Lệ Dung, Bảo Cường, Đức Sơn, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Thị Anh Nga. Hãy cùng lắng lại với sự điềm tĩnh của một người xuất thân là nhà giáo, suốt đời bận bịu với công việc sự vụ, khi kề tuổi nghỉ hưu, Nguyễn Xuân Hoa mới thức tỉnh hồn thơ từ Hồn xưa vọng lại, vang lên những câu thơ rời như giọng nói thường ngày:

Trôi bồng bềnh giữa dòng sông xưa
mái chèo khua bến nước
róc rách trong lòng ta
có một điều rất thật
giữa bao la trời đất
những hồn xưa vẫn quanh quẩn đi về


Đặc biệt, trang thơ Sông Hương mười năm qua có sự xuất hiện của những giọng thơ trẻ, trong đó, có cả những người bước đầu tiếp cận với trào lưu tân hình thức, vận dụng các thủ pháp hậu hiện đại vào trong sáng tạo, đã thổi một luồng gió mới đời sống thơ ca, tạo nên ấn tượng đối với người đọc, như Hạ Nguyên, Khế Iêm, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Huỳnh Lâm, Fan Tuấn Anh, Nguyễn Chí Hoan, miên di, Nguyễn Hoài Phương, Phan Hoàng, Lê Vũ Trường Giang... Một trong những không gian sương khói, không nhẹ như tơ, mà nặng mùi đời sống cần lao trong Gánh cơm hến đi trong sương của Hạ Nguyên, là “đặc sản” của xứ Huế, là phẩm chất làm nên mỹ diện của con người Huế, ai nhìn vào cũng có thể nhận ra:

Mỗi sáng người sông Hương điểm tâm bằng triết lý cuộc đời
nên mỗi người là một triết nhân, là nghệ sĩ
làm nên sự sang trọng của nghèo khó
và sự tinh tế của dân dã...
từ một chút cơm nguội, chút ruốc, chút muối, chút hến và vô số rau cỏ


Một vài bài thơ ký tên thật là Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hạ Nguyên cũng chủ trương thử nghiệm lối thơ tân hình thức, cùng với một số tác giả có thơ tuyển lần này như Lý Đợi (Điều an ủi), Nguyễn Hoài Phương (Bài thơ về những que diêm), hoặc Khế Iêm (Tiếng hát từ cổ xưa). Đó là lối thơ không chia tách thành câu, thành vần, thành khổ rõ ràng, cứ miên man trôi, không chấm, không phẩy, không xuống dòng, chỉ giữ nhịp điệu, câu trên tiếp câu dưới, mỗi bài thơ, mỗi khổ thơ như được đúc thành một khối chữ xếp chồng lên nhau:

chàng thất lạc lối ngôi nhà
hoang phế những con đường dẫn lối xưa
như cỏ dại và chàng đẩy
cửa vào như cánh cửa đẩy chàng vào...


Sự thay đổi về tư duy hình tượng và hình thức sáng tạo trên trang thơ Sông Hương trong những năm gần đây là rất rõ ràng và đáng ghi nhận, bên cạnh đó, vẫn còn giữ những giọng thơ cổ điển, để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của nhiều tầng lớp người đọc. Cũng giống như công chúng nghe nhạc ngày nay, bên cạnh những sôi nổi, giậm giựt của nhạc trẻ, nhiều người vẫn còn thiết tha lắng đọng với những âm thanh cổ điển.

3.

Tuyển mười năm lý luận phê bình gồm 33 bài của 33 tác giả, so với lần tuyển trước có 71 bài của 71 tác giả, là gần tương đương nhau. Lần này, có 10 tác giả đã từng có mặt trong tuyển tập trước, trong số 23 tác giả mới, có nhiều tài năng trẻ trong lý luận phê bình hiện đại hiện nay ở nước ta. Về nội dung, khác với tuyển lần trước, tuyển lần này chủ yếu tập trung vào những vấn đề lý luận chung, giới thiệu những tri thức cơ bản về những thành tựu của những trào lưu mới của lý luận văn học. Đọc tuyển tập, có thể thấy rõ chủ trương của ban tuyển chọn.

Về phần lý luận chung, có sự tham gia của các giáo sư, các chuyên gia hàng đầu của nước ta, luận bàn về những vấn đề cốt tử, mang tính thời sự hiện nay như Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại (Hoàng Ngọc Hiến), Góp phần tìm hiểu phương pháp cấu trúc (Nguyễn Văn Dân), Tinh thần dân chủ lý luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm (Phan Trọng Thưởng), Tác phẩm văn học như là một cấu trúc động (Trương Đăng Dung), Về mỹ học vận động trong phê bình văn học (Nguyễn Dương Côn) và những lý thuyết cách tân văn học có tính chất thi pháp của chủ nghĩa hậu hiện đại là thành tựu nghiên cứu đáng trân trọng của các tác giả trẻ như Phê bình sinh thái - khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân (Đỗ Văn Hiểu), Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu (Nguyễn Quang Huy), Ngôn ngữ nhị phân - đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại (Fan Tuấn Anh), Hướng tới những khả thể hư cấu (Lê Minh Phong), Những kẻ xa lạ kỳ lạ (Linda Lê). Có thể nhận ra rằng, đây là những kiến giải có tính hệ thống, tương đối đầy đủ (tuy có người khiêm ngôn rằng “góp phần tìm hiểu” như cách nói của anh Nguyễn Văn Dân), từ những vấn đề lý thuyết đến thao tác luận, đang được học giới quan tâm. Từng bài đặt cạnh nhau như từng chương trong một cuốn sách, có sự tiếp tục và bổ sung cho nhau như một chỉnh thể. Nếu đặt riêng lẻ trên từng số tạp chí, sẽ không thấy hết cự cần thiết về việc trang bị một hệ thống lý luận có tính nền tảng, công cụ cần thiết cho những ai quan tâm đến tình hình lý luận văn học trong tiến trình hiện đại hóa và hội nhập của văn học nước ta hiện nay.

Tiếp đến là những bài viết có tính chất khái quát về văn học Việt Nam, sự vận dụng các lý thuyết hiện đại vào việc giải mã văn học Việt Nam, trong đó, nhằm đến đối tượng tiếp cận là từng giai đoạn, từng trào lưu, từng phương pháp sáng tác như Từ ba chuyển đổi làm nên gương mặt của thời đại chúng ta đang sống (Phong Lê), Ba mươi năm lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - thành tựu và suy nghĩ (Trần Đình Sử), Quy ước diễn ngôn văn chương giai đoạn 1986 - 1991 (Trần Thiện Khanh), Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam (Hồ Thế Hà), Thói quen nệ thực trong văn học Việt Nam và những vượt thoát (Đoàn Huyền), Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam (Đặng Anh Đào), Tự do thơ tự do (Châu Minh Hùng), Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay (Irasara), Ngôn ngữ và tư duy - trong nỗ lực hướng đến thơ hiện đại (Lường Tú Tuấn) và hai bài giới thiệu trường phái thơ tân hình thức: Về một xu hướng thơ Việt hải ngoại: thơ tân hình thức (Đặng Tiến), Phong cách thơ tân chiếc trung (Khế Iêm). Chỉ cần đọc tiêu đề, cũng có thể nhận ra đây là sản phẩm của thời kỳ đổi mới và hội nhập, mà tác giả của những công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết trên đây, trong đó có các giáo sư đầu ngành và những nhà nghiên cứu trẻ, là những người tiên phong đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy lý luận và đổi mới hệ hình, đổi mới cái nhìn/ tầm nhìn tri thức đối với đối tượng nghiên cứu.

Cuối cùng là những bài nghiên cứu pha lẫn tư duy phê bình (tư duy đồng đại đối với chủ thể phê bình), trong quá trình khắc họa chân dung văn học: Phạm trù chủ nghĩa cá nhân trong sự lý giải của Phan Khôi (Lại Nguyên Ân), Đáp lời con Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu (Đỗ Lai Thúy), Độc thoại Trần Dần (Khánh Phương), Viết vào Bùi Giáng mong manh (Đỗ Quyên), Lê Tuyên trong cái nhìn mơ mộng (diễn giải về phê bình hiện tượng học văn học Lê Tuyên) - Nguyễn Mạnh Tiến), Trần Đức Thảo, đường tới tự do (Luân Nguyễn), Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha (Trần Thị Mỹ Hiền), Nguyễn Huy Thiệp - đưa nhân vật vào lập trường đối thoại (Nguyễn Văn Thuấn), Edgar Poe với Hàn Mặc Tử (Nguyễn Hồng Dũng), Kinh nghiệm thân xác với kinh nghiệm huyền thoại và “Chơi giữa mùa trăng” (Đào Ngọc Chương), và Cách viết kỳ ảo của văn học Mehico qua hai tác giả Juan Rulfo và Carlos Fuentes (Bửu Nam). Đối tượng nghiên cứu không mới, thậm chí mỗi tác giả như Phan Khôi, Xuân Diệu, Trần Dần, Hàn Mạc Tử, Bùi Giáng đã có nhiều hội nghị luận bàn, hàng trăm bài viết về họ. Ngay cả một tác giả gần đây quan tâm như Ngô Kha, mới đây cũng đã có công trình Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu (Nxb. Hội Nhà văn, 2013) dày gần 500 trang của mấy chục tác giả viết về ông. Điều quan trọng là, lần này, họ được soi tỏ dưới một góc nhìn mới, tạo cho người đọc hình dung ra những chân dung mới, là kết quả của sự vận dụng tư duy đổi mới và lý thuyết văn chương hiện đại một cách khách quan khoa học vào nghiên cứu và phê bình tác giả, tác phẩm.

Như đã nói, nhìn một cách tổng thể, có thể nhận ra chủ trương của ban tuyển chọn là nhằm cổ vũ, khuếch trương cho cái mới, mà chủ yếu là ở cấp độ lý thuyết văn chương. Đó là ưu điểm cần phải khẳng định. Nhưng nhược điểm cũng nằm ngay trong đó: thiếu quan tâm đến đời sống phê bình, nhất là thiếu cái nhìn đồng đại trong tư duy phê bình với tư cách là chủ thể thưởng thức, đó là các tác giả, tác phẩm, những nhân tố mới đang diễn ra hiện nay. Chính Bielinski chứ không phải ai khác, người đặt nền móng cho khoa học phê bình văn học, từng cho rằng “phê bình là mỹ học đang vận động”. Hơn nữa, cổ xúy cho những khuynh hướng mới, nhưng cần phải chọn lọc, vì có cái chỉ mới ở ta thôi, đối với thế giới là cái đang bị đào thải.

4.

Sông Hương dòng chảy văn hóa lần trước tuyển 77 bài của 46 tác giả, được xếp hiểu ngầm theo vấn đề nên hơi lộn xộn và có tác giả đến 14 bài, như cuốn sách riêng của một cá nhân. Ưu điểm dễ nhìn thấy của Huế - dòng chảy văn hóa 10 năm lần này là chỉ có 37 bài của 37 tác giả, được chia thành ba phần tương đối mạch lạc.

Phần một, Huế - những dấu ấn văn hóa là phần khái quát những vấn đề chung, gồm 12 bài, lấy sông Hương làm tâm điểm, xoay một vòng chung quanh những vấn đề thể hiện bản sắc riêng còn in dấu trong dòng chảy văn hóa Huế như Sông Hương và những định ngữ thi ca (Hải Trung), Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới đáy sông Hương (Hồ Tấn Phan), Dấu xưa thành cổ Hóa Châu (Nguyễn Văn Quảng và Đào Lý), Cố đô Huế qua cái nhìn khảo cổ học (Vũ Quốc Hiền), Hình thái không gian đô thị Huế (Phan Thuận An), Kinh thành Huế và Kinh Dịch (Nguyễn Tiến Vởn), Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt (Phan Thanh Hải), Giá trị âm nhạc Cung đình Huế (Trần Văn Khê), Nghe hò nhớ Huế (Võ Quang Yến), Tìm hiểu tổ ngành hát bội (Phan Thuận Thảo), Đi tìm dấu vết ngôi nhà của báo Tiếng Dân (Đào Hùng), Nhà xuất bản Tinh Hoa - những điều tôi biết (Trần Bá Đại Dương). Ngoài những phân tích mang tính học thuật, mở ra khả năng tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề trong tâm của văn hóa Huế của các tác giả như Trần Văn Khê, Võ Quang Yến, Hồ Tấn Phan, Phan Thuận An, thì những phát hiện mới trong các bài viết của Đào Hùng, Hải Trung, Trần Bá Đại Dương... đã đem lại những thông tin mới mẻ về các vấn đề lần đầu tiên được quan tâm đến.

Phần hai, Người Huế, gồm 12 bài, viết về các danh nhân văn hóa - lịch sử như Nguyễn Ánh - một ẩn số của lịch sử Gia Long và triều Nguyễn - một thực thể vương quyền Việt (Trần Cao Sơn), Vua Hàm Nghi - một họa sĩ (N. I. Nikulin), Nguyễn Tất Thành với Huế và phong trào chống thuế năm 1908 (Hà Văn Thịnh), Trái tim Việt đập trong lồng ngực Pháp: Cố cả Lesold Michel Cadiere (Nguyễn Phúc Vĩnh Ba), Thanh đàm về An Thường công chúa (Lê Quang Thái)... hầu hết đều đặt các nhân vật gắn bó với lịch sử văn hóa Huế, dưới một góc nhìn mới mang tính phát hiện. Bên cạnh đó, còn có những tìm tòi, khám phá, lần ngược thời gian đãi cát tìm vàng như Vài hồi ức của một người cháu ông đội nhã nhạc Nam triều (Nguyễn Đắc Xuân), Huyền sử cống Chém (Hồ Đăng Thanh Ngọc), Người sót lại của làn ca cổ Huế (Trần Ngọc Linh), Hà Thanh - tiếng hát của dòng sông xanh (Trần Kiêm Đoàn), hoặc các bài viết mang tính khẳng định như Tôn Thất Tùng - nhà bác học có tầm cỡ quốc tế (Hữu Thu), Người Huế, anh là ai (Bửu Ý). Nếu ở phần một chủ yếu các tác giả nêu luận điểm để phân tích, chứng minh về những dấu ấn văn hóa Huế còn neo lại trong dòng chảy của lịch sử, thì ở phần hai này chủ yếu là phác thảo chân dung, soi rọi dưới nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau, trong đó có những bài viết vượt khỏi ngôn ngữ văn chương khoa học, chuyển sang ngôn ngữ văn chương nghệ thuật, giàu giá trị hình tượng, làm xúc động người đọc từ trong cách lập luận, ví von một cách ẩn dụ, như các bài viết của Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Đăng Thanh Ngọc.

Phần ba, Sinh hoạt Huế xưa và làng xã xứ Huế, gồm 14 bài viết, chú trọng vào nhiều lĩnh vực đời sống: về sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, phong tục tập quán và văn hóa tín ngưỡng tâm linh như Đời sống văn hóa nghệ thuật thời Nguyễn: ranh giới giữa cung đình và dân gian (Nguyễn Hữu Thông), Búi tó củ kiệu và vành khăn vấn ngày xưa của các cụ ở Huế (Bùi Minh Đức), Lên đồng ở Huế xưa (Võ Hương An), Rắn Đại Nội, sự thật và huyền thoại (Trọng Bình); về văn hóa làng xã và các làng nghề như Hán Nôm làng xã xứ Huế (Nguyễn Văn Thịnh), Tìm nghĩa vài tên làng quê xứ Huế (Nguyễn Khắc Mai), Phù Bài làng xưa (Bùi Kim Chi), Tiến trình khai mở nghề kim hoàn và khu lăng mộ tổ nghề trên đất Huế (Trần Văn Dũng), Từ Đồng Xá, Đại Đồng đến kinh nhân Phường Đúc Huế (Nguyễn Văn Dật); về văn hóa ẩm thực và đặc trưng giọng nói người Huế như Ẩm thực nhà lam xứ Huế tiếp cận từ góc độ văn hóa (Tôn Nữ Khánh Trang), Trước thềm điện Diên Thọ bàn chuyện thưởng trà xưa nay (Trần Đình Sơn), Ơi o bán cốm hai lu (Nguyễn Văn Uông), Đọc tiếng Huế mình cho đỡ nhớ (Trần Thị Linh Chi). Nhìn chung, đây là tập sách có bố cục đẹp, có chọn lọc, cân nhắc thận trọng, hầu hết là của các tác giả mới (chỉ lặp lại tuyển lần trước 5 tác giả), đem lại cho người đọc nhiều thông tin mới mẻ, cách trình bày đa dạng, tiếc rằng một vài bài còn đi vào những yếu tố chưa sâu hoặc phân tích lý giải chưa thấu đáo, làm cho người đọc hụt hẫng.

*

Nhìn một cách tổng thể, cả bốn tuyển tập chuẩn bị cho kỷ niệm ba mươi năm thành lập tạp chí Sông Hương có kết cấu đẹp, mỗi tuyển tập là một chỉnh thể có ý nghĩa, tạo điều kiện cho người đọc có thể nhận ra sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn ba mươi năm qua, đồng thời có thể nắm bắt được nguồn mạch tiếp tục dòng chảy mười năm qua trên các lĩnh vực thơ, lý luận phê bình và văn hóa Huế.

Ở khu vực sáng tác, cả hai thể loại truyện ngắn và thơ, về hình thức đều có nhiều cố gắng thay đổi, cách tân, hội nhập và tiên phong trong xu thế chung của văn chương hiện đại, thể hiện rõ những tín hiệu mới trong sự vận động của bản thân thể loại, trong đó có cả những thành tựu về sự phát triển của đội ngũ, phát hiện các nhân tố mới. Về nội dung, thể hiện âm hưởng chung là lên án cái ác, chống lại sự suy thoái đạo đức trong đời sống kinh tế thị trường, phê phán thói vô ơn, thái độ lãnh cảm trước nỗi đau của con người, cảnh báo về tình trạng chạy theo vật chất mà đánh mất thiên lương của con người, trong thời buổi đồng tiền lên ngôi, trở thành chủ thể của xã hội, thay cho vị trí của con người. Với chức năng và trách nhiệm xã hội, văn chương trân trọng con người, cảm thông với từng hoàn cảnh và số phận khác nhau, đưa con người trở lại vị trí nhân bản của nó, trong cộng đồng xã hội, bởi nhân loại không phải được tạo nên bởi những cá nhân riêng lẻ mà bởi quan hệ giữa các cá nhân ấy. Văn chương thể hiện tính người trong nỗ lực thể hiện mối quan hệ ấy. Mà trước hết, trên Sông Hương, văn chương đi về với nhân dân, đồng hành cùng với nhân loại lao khổ. Con đường của người trí thức văn nghệ sĩ đi về phía nhân dân, lâu nay được nhiều người nhắc đến là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tổng Biên tập đầu tiên của tạp chí, xuất hiện trên trang thơ Sông Hương cũng trong tâm thế ấy:

Đã lâu nhà thơ lại trở về với cánh đồng
Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất
......
Bằng bước chân chậm rãi
Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi
Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường
Thăm thẳm ngỏ quê rơm rạ
Trái tim lăn tròn êm ả

            (Cánh đồng buổi chiều)

Cũng chính trên Sông Hương nhà thơ Thanh Thảo Gửi cho Nguyễn Khoa Điềm những cảm xúc tận đáy lòng mình về sự đồng cảm, sẻ chia với cuộc sống của người lao khổ:

những người ăn khoai cứ ăn tiếp đời mình
rau dễ nhất lại là rau luộc
anh sinh ra trong nỗi buồn mất nước
anh về già vận nước vẫn chông chênh


Ở khu vực lý luận phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa Huế, tuy hình thức thể hiện có những điểm khác nhau, nhưng về nội dung có thể nhìn thấy được những đường gân trên chiếc lá, hằn nổi lên giữa trang sách cái âm hưởng mạnh mẽ của những cơn giông đầu mùa có tia chớp, đó là sự nâng niu, trân trọng và cổ vũ cho cái mới trong xu thế của thời đại, xu thế hiện đại hóa văn học vào thập niên đầu của thế kỷ mới, đồng thời chắt chiu, chăm bón, gìn giữ và phát huy những phát hiện và cách nhìn mới về di sản văn hóa Huế, vốn quý và lẽ sống của người Huế và hồn cốt Việt, đã trầm tích từ cội nguồn của truyền thống văn hóa lịch sử.

Tuy không có tuyên ngôn, tuyên bố, nhưng nhìn vào bốn tuyển tập, có thể nhận ra những nỗ lực phấn đấu vì một niềm tin ấm áp ở tương lai, cũng chính là tầm nhìn, là tôn chỉ mục đích của Ban Biên tập - một Ban Biên tập trẻ và năng động. Đó là một sự khẳng định và cũng là niềm tin của người đọc gửi gắm ở dòng chảy thứ hai của sông Hương. Tôi bỗng nhớ lần ấy, cách đây ba mươi năm khi chuẩn bị ra số Sông Hương đầu tiên, tôi có việc đi Hà Nội, anh Nguyễn Khoa Điềm dặn dò rằng, ra ngoài đó bằng mọi cách phải tìm cho được anh Nguyễn Khắc Phê (thời đó chưa có di động như bây giờ), bảo anh Phê về gấp, vì số tạp chí đầu tiên sắp ra rồi, một mình anh Điềm lo không nổi. Lúc ấy cả hai anh đều đã thành danh. Và, cũng lúc ấy, nhiều thành viên trong Ban Biên tập hiện nay chưa được sinh ra đời (Lê Minh Phong sinh năm 1985, Lê Vũ Trường Giang sinh năm 1988), còn Tổng Biên tập chưa học hết bậc phổ thông. Nhưng họ đã trưởng thành vượt bậc, trở thành thế hệ đa tài, bước đầu thành công trên nhiều thể loại: Lê Minh Phong viết được cả truyện ngắn và phê bình, Lê Vũ Trường Giang viết truyện ngắn và làm thơ, Nhụy Nguyên thành công cả truyện ngắn và thơ, Hồ Đăng Thanh Ngọc viết truyện ngắn, ký sự, phê bình, nghiên cứu và làm thơ. Trên đại thể, dù dưới tầm nhìn rộng mở hay dưới một góc nhìn khe khắt, chúng ta vẫn có quyền đặt một niềm tin mãnh liệt ở tương lai, đối với sức sống cuộc đời thứ hai của một dòng sông.

P.P.P
(SH292/06-13)








 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng